Lại nói về Trần Nguyên Thái cùng Đoàn lão bá, Đỗ thuyền trưởng và thủy thủ Giang Đô, phá tan mưu đồ cướp bè gỗ của đảng Hàn Tầm Xích.
Thuyền Giang Đô lại vượt bè gỗ. Đến khúc sông lớn, bát ngát, hai bờ xa tắp, mênh mang nước chảy. Lại thêm thuận bườm, thuyền tiến khá nhanh trong quãng sông tương đối an toàn.
Bữa cơm chiều thật là đặc biệt. Tuy không cao lương mỹ vị nhưng là cái ngon đặc biệt của thanh đạm. Cá sông được rán ròn…đậu phụ rán chấm tương, và canh rau cải điểm gừng tươi. Đoàn thủy thủ ăn mừng « khải hoàn » đáng ngã hai bình Ngọc Hà Hoa Tửu. Lẽ dĩ nhiên, Nguyên Thái không quá mềm môi, vì chàng không quên nhiệm vụ phóng viên, tác giả của Viễn Trình Nhật Ký…
Nguyên Thái vào đề:
- Dám thưa lão bá, ngu sinh tò mò, thấy trong tủ sách anh Thành Hồ cuốn Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn tiên sinh (Nguyễn Dữ) viết cách đây gần hai thế kỷ, lão bá đã đọc chưa ? Cảm nghĩ của lão bá ra sao ?-
Đoàn lão bá:
- Quyển đó, ta qua Kẻ Chợ mua được ở Phường Hàng Giấy cho Thành Hồ. Tôi đã đọc hết nhưng cháu hẳn nhận thấy đó là những truyền kỳ, tuy nhiên duyên dáng nên thơ ! Tuổi tác của lão có cho nói đến chuyện yêu đương không ? Truyền Kỳ mạn Lục, nói đến những mối tình ngược lối, rồi những cảm giác, cảm tình riêng tư được nói ra trong những bài thơ tuyệt tác…Ngu lão đã làm hư hỏng con trai Thành Hồ chăng ? -
Đoàn lão bá nói đến đây, ngửa cổ nhìn trời nghĩ ngợi, tiếp:
- Thế nào là hỏng, thế nào là không hỏng, chưa biết. Thành Hồ quá giàu tình cảm…-
Lão bà ngừng nói, vẻ mặt đăm chiêu, nhưng Nguyên Thái nhận thấy mỗi khi nhắc đến tên con, lão bá không biểu lộ một thoáng bóng buồn rầu thất vọng. Nguyên Thái kết luận là không có một tấm thảm kích nào trong chuyện Thành Hồ, Tuyết Tâm, mà có đề phòng giấu giếm một chuyện phải giấu.
Cái e thẹn ngượng ngùng của Nguyên Thái không cho phép chàng đột ngột nhắc đến cuốn Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, và tập văn gợi cảm, gợi tình của Thành Hồ và Tuyết Tâm trong tủ sách Đoàn Gia.
Đoàn lão bá thật tinh khôn tế nhị đi thẳng vào vấn đề:
- Văn viết ra phải có người đọc. Con đã đọc tập văn của Thành Hồ và Tuyết Tâm, con không phạm lỗi gì ! Chính ngu lão cũng đọc rồi. Ngu lão xin thú thực, có nhiều xúc cảm, có nhiều tâm trạng, ngu lão đã trải qua hồi niên thiếu, Thành Hồ, con ngu lão nói thay ngu lão mà thôi… !-
Nguyên Thái hài lòng, đúng như tiên đoán, Đoàn lão bá thuộc hạng người tâm tình cởi mở, phóng khoáng tự nhiên ; đêm ấy ông kể chuyện Thành Hồ Tuyết Tâm, nhưng chàng nhận thấy có nhiều chi tiết, lão bá cố tình giấu giếm.
Nhớ lại ở Vườn Đào, La Hùng « La Đà đạo sĩ » kể chuyện bí mật La gia, Nguyên Thái vừa nghe vừa viết thẳng vào Viễn Trình Nhật Ký, nhưng trên thuyền đêm tối nên Nguyên Thái mấy ngày sau, tại Đoàn gia, mới viết lại câu chuyện như sau, xây dựng lại cả những chi tiết lão bá không nói ra:
Trà Bàn là một xã nhỏ ở miền cao nguyên miền Bắc. Cũng như nhiều bản, nhiều xã khác, Trà Bàn xây dựng ở một nơi danh lam thắng cảnh. Dân số khoảng hơn bốn trăm, gia cư hơn hai trăm nóc, xây dựng thành từng, giữa những vườn hoa, vườn cây ăn quả, mỗi nhà một kiểu như tranh đua mỹ thuật. Một ưu điểm không thể bỏ quên: mấy dãy gia cư, từng hàng cao thấp, soi bóng xuống mảnh hồ Băng Tâm rộng rãi bao la như tấm gương phản chiếu trời mây. Mảnh hồ đổi màu theo thời gian, và thời tiết. Giữa hồ Băng Tâm có hòn đảo nhỏ nâng đỡ một kiến trúc vừa mảnh mai vừa vững chắc. Đó là một nhà thủy tạ tám mái. Mái ngói hồng nâu, đặt trên những cột gỗ lim lớn bằng hai người ôm. Sân gạch nung mang tự Bát Tràng đến đây. Công trình xây dựng có thể đã mấy đời, chắc hẳn, trong thời gian thái bình phồn thịnh. Cuộc chia rẽ Bắc Nam, Nguyễn Trịnh, hồi đó chưa ảnh hưởng gì đến nơi này.Giáp khu gia cư Trà Bàn, là một đồi thông đất đỏ. Những cây thông cao vút chạm trời xanh, reo vui theo gió, khi thì khúc hùng ca dũng mạnh, khi thì như sóng bể nhè nhẹ rạt rào. Dân cư quen với tiếng thông, nên không ai nghe thấy nữa. Nhưng du khách tá túc ban đêm thương hay vén song nhìn qua rừng thông, tiếng reo gợi buồn man mác, nhắc nhở kẻ tha hương mau mau về bến cũ.
Dân cư bản tính thuận hòa. Nước da trắng trèo, ai nấy tươi cười vui vẻ. Tưởng rằng nơi đây không có vấn đề nào khó xử. Cứ theo kiến trúc gia cư, ta đoán đưọc mực độ trù phú vùng này mà nguồn lợi kinh tế là sơn lâm thổ sản. Mật ong hạng tốt trong xã được chế ra một thứ kẹo mật ong trộn thuốc để chữa ho rất hữu hiệu. Các lái buôn qua đây để buôn bán các thứ kẹo đó về các tỉnh miền xuôi. Dân xã chuyên nông nghiệp lại ghép được mấy thứ lan rừng. Những chậu lan mang về xuôi, được nhiều người thưởng thức quanh năm. Ở Kẻ Chợ, những người ham mê cây cảnh rất thích những gốc phong lan Trà Bàn, dễ nuôi, và hoa nở bền lâu trong nhiều ngày.
Cuốc sống tại Trà Bàn như dòng sông êm dịu. Dân Trà Bàn có đón tiếp khách thập phương qua lại, nhưng quán trọ độc nhất của xã, không hề giữ ai quá ba bốn ngày, nghĩa là thời gian điều đình thương mại dài nhất.
Thế mà một sáng hè nào, gia đình một người Kẻ Chợ đến gặp xã trưởng xin ngụ cư vĩnh viễn. Trước sự ngạc nhiên của xã trưởng, vì đó là lần đầu có một người « kinh » đến xin ngụ cư nơi « sơn lâm cùng cốc » này, người ấy trính bày:
- Tôi, họ Đoàn, tên Thành Tạo, dòng dõi ba đời khoa hoạn. Song đường còn toàn vẹn. Thân sinh, tên Thành Đức, hiện thời là tri phủ Đông Giang, miền duyên hải. Tôi không ở cùng song thân tại Đông Giang, từ thuở nhỏ vẫn ở Thăng Long, phường Bích Câu. Theo nghiệp nhà, tôi cũng đã đậu tú tài, đáng lẽ đi làm việc ở Phủ Thừa, Trịnh Phủ, nhưng tôi quen tự do phóng khoáng, không ưa hoạn lộ, nên cùng tiện nội và con trai tìm nơi danh lam thắng cảnh an cư lạc nghiệp. Tiện nội họ Đào, tên Ngân Trúc, con gái một thương gia chuyên bán sách, giấy bút ở phường Thái Cực. Qua Trà Bàn, chúng tôi ngừng chân, vì nơi đây chúng tôi mê thích…Chúng tôi lại thấy dân bản ta thuần hòa nhân hậu, cho nên chúng tôi xin ngừng bước nơi đây…con trai duy nhất của chúng tôi, năm nay chín tuổi, biết đọc, biết viết từ bốn năm năm nay rồi -
Xã trưởng họ Trang, cùng lứa tuổi với người xin cư ngụ, cũng nhiều cảm tình với khách lạ, nhưng không dám tự tiện cho phép, nên ngày hôm sau, họp hội đồng tộc biểu, trình bày trường hợp.
Hồi động tộc biểu cũng đầy cảm tình trước vẻ hiên ngang uy vệ của người đệ đon, trước một thiếu phụ dung nhan mỹ lệ, và đứa con con trai thông minh đĩnh ngộ, tên Thành Hồ, vui lòng chấp nhận. Tuy nhiên họ nói trong khu gia cư hiện tại không còn đất trống, họ cấp cho Đoàn Thành Tạo một khu đất khá rộng, nhưng ở bên kia hồ Băng Tâm, nơi chưa có gia cư nào xây dựng. Ẩn ý của họ, trước là đề phòng dân ngụ cư, sau tiện dịp khuếch trương kinh tế khu đối diện.
Trái lại Đoàn Thành Tạo vui vẻ nhận lời, không ngờ quyết định của hội đồng lại trúng thâm tâm, một mình một giang sơn, tự do hạnh phúc ? Chỉ có một phiền phức là từ khu ấy muốn đến khu chính Ngọc Quỳ gia cư Trà Bàn thì phải đi theo bờ hồ Băng Tâm, có thể gần hai dặm, cho nên gia đình họ Đoàn dùng thuyền sang ngang, rút ngắn hành trình gần hai phần ba thời gian.
Ban đầu, một căn lều giản dị, che chở đôi uyên ương Thành Tạo – Ngân Trúc và đứa con... Năm sau, dựng xong nếp nhà khang trang, kiểu kiến trúc mà Nguyên Thái ưa thích. Lại xây một bến đậu thuyền bằng gạch rất mỹ thuật, dưới chân khu gia cư chính. Dân xã dùng bến này sang thăm Đoàn gia hoặc đến chơi nhà thủy tạ. Phần đông vui vẻ vừa lòng, nhưng cũng một số ít kỳ thị tức ghen.
Thành Tạo cố ý vừa lòng mọi người, nên phía ghen tức cũng hết.Thoạt tiên, Thành Tạo muốn mở trường dạy học phía nhà mình, nay gọi là Đông Lâm, nhưng e ngại mất lòng thầy đồ của xã, nên cũng như mọi người con trai, Thành Hồ đi học trường xã.
Trang bản trưởng, dòng dõi sáu bảy đời dân Trà Bàn, thiện võ hơn văn, cũng có một con gái tên Tuyết Tâm. Tuyết Tâm kém Thành Hồ một tuổi. Theo tục lệ xã này, con gái cũng được đi học như con trai. Bé Tuyết Tâm rất thiện cảm với Thành Hồ, cùng chúng bạn sang chơi Đoàn gia. Ngân Trúc quý mến lũ trẻ. Nàng thường hay nấu nhiều món ăn ngon Kẻ Chợ tiếp lũ « tiểu tân khách ». Bạn của Thành Hồ, ai cũng gọi nàng là Mẹ, dĩ nhiên cả bé Tuyết Tâm. Khi ấy, tám, chín tuổi, nhưng Tuyết Tâm xinh tươi, nhanh nhẹn, hơn cả bọn. Tuyết Tâm đặc biệt thân mến Thành Hồ. Tất cả đều còn trẻ, nên không ai đẻ ý. Tuyết Tâm và Thành Hồ quấn quít bên nhau cũng không gây phản ứng một ai, kể cả khi hai trẻ đã thêm ba bốn tuổi. Nhất là từ khi mẹ Tuyết Tâm sinh thêm hai em, trai, Tử Quý, gái Tuyết Hạnh, gia đình xã trưởng lại càng không để ý đến Tuyết Tâm.
Cùng chúng bạn, những tháng hè, Thành Hồ và Tuyết Tâm bơi lội ở hồ Băng Tâm, nhưng hai trẻ bơi thật xa, thật xa tới cuối hồ, nơi không có người qua lại. Quyến luyến nhau đến nỗi hai trẻ luôn luôn tìm nơi thanh vắng, chuyện trò hết ngày, hết tháng. Bè bạn lại tòng phạm che chở, để mặc Thành Hồ và Tuyết Tâm tự do quấn quít. Người lớn tin là Tuyết Tâm và Thành Hồ lúc nào cũng ở giữa chúng bạn nô đùa.
Cho đến khi Tuyết Tâm mười bốn, mười lăm, dậy thì, nẩy nở, bội phần xinh đẹp. Thành Tạo và Ngân Trúc lúc đó mới biết con trai duy nhất tuy còn nhỏ mà đã đi vào thương yêu.
Cần nói qua chuyện đôi lức Thành tạo và Ngân Trúc, bố mẹ Thành Hồ, mới hiểu được thái độ của hai người đối với Thành Hồ. Thành Tạo gặp Ngân Trúc ở phường Thái Cực. Nàng giúp bố mẹ, trong nom cửa hàng sách, giấy, bút, quen bán cho học trò nội thành và ngoại ô. Thành Tạo say mê Ngân Trúc, cô hàng giấy duyên dáng mặn mà. Con người tài sắc, thông lầu kinh sử, tế nhị, vui tươi làm cho Thành Tạo quên cả bút nghiên. Ngân Trúc cũng bị chinh phục bởi chàng trai tài hoa, phong nhã.
Thành Tạo về phủ Đông Giang nói với cha mẹ xin cưới Ngân Trúc.
Tri phủ Đông Giang lập tức từ chối, cho rằng không hộ đối môn đăng, còn bà Phủ cho rằng cô Ngân Trúc ở Kẻ Chợ, bán hàng cho học trò tứ xứ, hẳn không phải là người chân chính… Thành Tạo cố sức nằn nì. Sau cùng tri phủ đặt điều kiện, kỳ thi sắp tới, nếu Thành Tạo bảng vàng thì gia đình cho phép. Thành Tạo lều chõng vào trường, kết quả không phải bảng nhỡn, thám hoa, chỉ là tú tài. Tuy nhiên, tri phủ Đông Giang, giao du rộng rãi, vận động cho Thành Tạo bổ nhiệm Tham tụng ở Phủ Thừa, nhưng tuyệt đối không nói gì đến việc cưới xin Ngân Trúc.
Thành Tạo tức giận, bỏ Phủ thừa, mang Ngân Trúc trốn đi. Bố Mẹ Ngân Trúc đến kiện Phủ Thừa. Quan Thừa doãn ra lệnh truy tầm hai « tội phạm ». Đôi trẻ trốn đi, tri phủ Đông Giang và phu nhân hối hận, nhưng thuê người tìm kiếm khắp nơi chẳng thấy. Thành Tạo và Ngân Trúc ăn ở với nhau không cưới xin, đó là tội nặng đương thời. Đứa con trai của ái tình tên Thành Hồ, ra đời ở một làng nhỏ bờ biển Thái Bình. Tiền của giấu giếm mang đi gần cạn, đôi trẻ mang con trở về Kẻ Chợ. Chàng dạy học, nàng lại về nghề cũ. Chuyện cũ, mọi người đã quên. Không ai để ý đến hai người nữa. Tri Phủ Đông Giang tìm được tông tích, sai gia nhân đưa tối hậu thư bắt phải bỏ Ngân Trúc, người đàn bà đã « quyến rũ » con ông đi vào tội lỗi, dọa nạt đưa bội vụ đến Phủ Thừa lần nữa.
Hai vợ chồng vội vàng thu xếp tế nhuyễn tư trang, mang con ngược Bắc… Sau hai năm chu du thiên hạ, Đoàn Thành Tạo cùng Đào Ngân Trúc cùng con trai Thành Hồ đến xin định cư ở xã Trà Bàn.
Sở dĩ phải nhắc chuyện trên đây, vì muốn giải thích tại sao Thành Tạo và Ngân Trúc hết sức bênh hai trẻ Thành Hồ và Tuyết Tâm, và nếu cần khuyến khích hai trẻ vượt cả vòng đạo lý.
Thực vậy, trong ba năm trời, ông bà đã giúp cho hai trẻ thỉnh thoảng gặp nhau kín đáo ở chính nhà ông bà. Ông nói với bà, như vậy để cho đôi trẻ giữ lễ giáo cho tới khi trưởng thành. Dân Trà Bàn không ai hay biết.
Sau cùng, khi Thành Hồ mười tám tuổi tròn, ông Đoàn Thành Tạo, trịnh trọng yết kiến xã trưởng:
- Ngu hạ có việc cần phải trình bày với Trang huynh… Đắn đo mãi, tới nay đành đánh bạo ngỏ lời. Trang huynh thứ lỗi…tôi mới dám thổ lộ tâm tình -
Trang xã trưởng vốn dòng dõi võ quan, trả lời:
- Tôn huynh cứ nói, xin cứ nói. Có gì thắc mắc, cần tôi và dân xã giúp đỡ -
Thành Tạo lễ phép ngắt lời:
- Trước hết, cám ơn Trang huynh đã thâu nhận gia đình tôi định cư Trà Bàn. Chúng tôi đi gần hết Đàng Ngoài, nơi nào cũng tâm trạng loạn ly chi phối… Khi chúng tôi đến quý xã, chúng tôi biết ngay là nơi đây đát lành chim đậu…Nay xin Trang huynh cho phép chúng tôi đi sâu hơn nữa… Số là, tôi có đứa con trai, Thành Hồ, mà Trang huynh đã biết… nó đã nhiều lần đến yết kiến Trang phu nhân ở Trang gia… (tới đây Thành Tạo ngập ngừng, hồi lâu nói tiếp)… mà lệnh nữ Tuyết Tâm... -
Thành Tạo chưa nói hết câu, Trang xã trưởng sầm nét mặt. Thái độ bất ngờ đối với Thành Tạo. Tiến thoái lưỡng nan, Thành Tạo, sau khi hết ngạc nhiên, lấy lại bình tĩnh, đợi chờ, không nói thêm lời nào.
Trang xã trưởng:
- Nếu tôi không nhầm, Đoàn huynh muốn xin tiện nữ Tuyết Tâm cho lệnh nam, nhưng rất tiếc, rất tiếc, tiện nội và tôi đã trót hứa hôn cho người Trà Bàn -
Thành Tạo liền đổi hướng câu chuyện, Sau vài mục xã giao, Thành Tạo xin kiếu. Dọc đường suy nghĩ, chưa biết nói thế nào với Ngân Trúc và Thành Hồ. Suy luận. Thì ra, dân Trà Bàn vẫn kỳ thị kẻ ngụ cư, phong tục của bất cứ xã nào trong nước Việt. Nhưng mà kiểm kê tất cả thanh nam Trà Bàn, Thành Tạo không thấy gia đình nào xứng đáng, theo kiểu « môn đăng hộ đối » thông thường. Có thể là cái suy luận chủ quan của Thành Tạo.