Nơi cô phòng đọc truyện Cúc Xuyên, Những bước đầu đoàn dược Thạch Đào.
Cúc Xuyên viễn du ký. Nguyên Thái nghĩ thầm: thì ra nàng cố ý để ta đọc. Ngồi xuống khêu đèn. (Sau đây trích lục mấy trang trong nhật ký của Cúc Xuyên. Độc giả muốn biết rõ thân thế Cúc Xuyên xin đọc lại chương trước. « Bí mật gia đình họ La »).
Gửi mẹ thương yêu. Tất cả những dòng chữ trong cuốn sách này dành cho mẹ thương yêu, người mẹ mà con không được biết. Mẹ đã đi xa từ ngày con còn chưa tròn một năm, cố hình dung trong trí nhớ của tuổi trứng nước…Bà và đại thúc nói con giống mẹ như đúc, mỗi khi soi gương con cứ tưởng mẹ hiện ra trước mắt con, muốn nói với mẹ đôi lời, tỉnh mộng, chỉ biết khóc thương. Đại thúc kể lại chuyện nhà. Từ ngày biết chuyện con già thêm bao nhiêu tuổi ? Thà rằng không biết chuyện gì. Trước đây cứ tưởng cha là bác Đại Hoành, mẹ đã đi mất khi con đầy tuổi tôi. Ông bà, cha và đại thúc, thương con mồ côi mẹ, con được săn sóc nâng niu, con vô tâm, vô tình chơi cùng chúng bạn…Từ ngày biết chuyện, con oán giận người cha tên Tiểu Sơn đã làm hại cả đời mẹ thương yêu của con…Mẹ ơi ? Mẹ ở đâu ? Con sẽ đi tìm để thay người cha đẻ chuộc tội với mẹ. Cha nuôi là người con kính mến thương yêu suốt đời, mới là người yêu thương mẹ, có ngày nào mẹ trở về không ? Mẹ ơi, mẹ có biết không ? Thạch Đào vừa trải qua một phen chiến tranh tàn khốc. Con có dự trận chiến cùng với anh Nguyên Thái, nhưng lúc ấy con chỉ cho như là một trò chơi mà con trẻ được dự với người lớn, con không thấy lo âu sợ hãi. Con có khóc thương những kẻ trận vong, kể cả địch và ta, nhưng con chỉ khóc phút giây, còn chuyện nhà ta, con đã khóc mấy ngày đêm, rồi con quyết định ra đi tìm mẹ. Con đã già thêm không biết bao nhiêu tuổi rồi mẹ ơi ! Con sẽ ghi chép sau đây tất cả sự việc trên đường đi. Cuốn sách này tặng mẹ hiền và cha nuôi. Đại Hoành cùng ông bà và Đại thúc.
Ngày ra đi:
Sửa soạn đã hai ngày rồi. Hội đồng tộc biểu Thạch Đào cho ra đi. Vì thành tích chiến đấu, Cúc Xuyên làm trưởng đoàn, Thạch Đào Y Dược Đoàn.
Ở Thạch Đào, gái thừa trai thiếu, hội đồng tộc biểu cho phép tất cả các đoàn viên có thể nếu là duyên số, xây dựng gia đình trên đường đi, với điều kiện là phải tôn trọng luân thường đạo lý trong việc hôn nhân.
Dân Thạch Đào, hội đồng hương chính, hội đồng tộc biểu, ra công quán tiễn đưa long trọng, gia đình đoàn viên bịn rin chia tay. Bà đứng xa, thực ra, nhìn Cúc Xuyên…Cúc Xuyên đã khóc nhiều trong lòng bà sáng nay rồi.
Cúc Xuyên ra lệnh khởi hành. Cả đoàn tám người trên ngựa, theo sau bốn con ngựa đeo hành trang thực phẩm và sản phẩm y dược rời khỏi Thạch Đào vào cuối giờ Mão. Mặt trời chưa ló dạng. Khi gần tới Trà Sơn, ngoảnh lại nhìn Thạch Đào mờ mờ trong sương sớm, cả bọn bỗng khóc nức nở.
Cúc Xuyên dùng quân lệnh:
- Thôi, không được khóc nữa ! Thẳng tiến ! » nhưng sau câu này Cúc Xuyên cũng khóc nốt ! -
Nhớ lại mấy bạn trai tình nguyện đi cùng, nhưng cả đoàn đồng tình không thuận ; nghĩ lại cũng tiếc.
« Thôi chúc bát tiên cô hạ sơn thành công ! »
Một đoàn viên ghé tai Cúc Xuyên, cho biết có bốn thanh niên sẽ bí mật đi theo đoàn, cách chừng hai dặm với sự thỏa thuận riêng của La Đại Thúc.
Cúc Xuyên ghi danh sách đoàn viên:
La Cúc Xuyên, trưởng đoàn, quân sự, kỷ luật đoàn.
Nguyễn Tuyết Thanh, đoàn viên, chuyên môn y dược, cháu cô giáo Thanh Duyên.
Bùi Hoàng Oanh, đoàn viên chuyên môn y dược.
Đoàn Tuyết Hạnh, đoàn viên, canh nông (học trò của La đại thúc)
Đoàn Tuyết Quỳnh, em của Tuyết Hạnh, tầm tang, canh cửi
Phạm Trang Nương, cháu của Phạm Nguyệt Hà, thủy lợi
Đỗ Hồng Hoa, cháu của Đỗ Quái Kiệt, chuyên môn tiếp vận.
Nói chung, tất cả đoàn viên đều học qua y dược nhưng trình độ cao thấp khác nhau ; về võ nghệ, quân sự tất cả đều là học trò của La bản trưởng, Đỗ Quái Kiệt, và cô giáo Nguyễn Thanh Duyên.
Trong Nhật Ký Viễn Trình, Cúc Xuyên không dùng « tôi » như Nguyên Thái. Nàng xưng « Cúc Xuyên ».
Biết bao giờ gặp mẹ, gặp ông bà, để mẹ và ông bà đọc những dòng này ?
Từ khởi hành, sau năm ngày hướng đông tiến bước, qua những xóm làng lân cận của Thạch Đào, đều là những nơi quen biết, không có gì đáng ghi. Chị Tuyết Giang nhiều tuổi nhất, có đôi mắt nặng buồn, luôn luôn như trông thật xa thật xa ở nơi mộng tưởng…Cúc Xuyên lo ngại. Chị Tuyết Giang của Cúc Xuyên phụ trách quân sự. Tại sao ? Tại sao La đại thúc lại chỉ định như thế ? Cúc Xuyên hiểu lắm ! Chị đã mất người yêu. Người yêu đã hy sinh ở trận Thạch Đào. Chị ra đi để quên ? Cúc Xuyên lo ngại chị bị đau buồn chi phối, làm sao sáng suốt trong nguy cơ ? Đó là những cảm nghĩ buổi đầu. Cúc Xuyên hiểu rằng con người ấy đã được lòng tin cậy của La đại thúc. Chị Tuyết Giang của Cúc Xuyên đã chứng tỏ tài chỉ huy đưa cả đoàn qua con sông bỗng nhiên nước lũ sối chảy. Trước khi qua sông, chỉ thảo luận với Phạm Trang Nương. Trang Nương cùng tuổi Cúc Xuyên, cháu của Phạm Nguyệt Hà, người xây dựng dập Xích Bích. Trong khi các bạn nhao nhao muốn giục đoàn ngựa qua sông, nước gần cạn, chảy chậm nhẹ nhàng. Chị Tuyết Giang cản lại. Buộc dây thừng quanh gốc đại thụ, chị cùng Trang Nương bờ bên kia sẵn sàng ứng phó. Mọi người cười thầm cho là quá cẩn thận. Cúc Xuyên đoạn hậu. Bốn bạn sang tới bờ bên kia xong xuôi…Chị hối hả giục giã…Ai cũng cho là chị tập trận, vui vẻ tuân lệnh. Bất ngờ còn chừng mươi thước đến bờ, thì nước lũ đổ ào ào..Cũng may vùng này núi đá, không có bùn cát theo nước cuốn. Nước sối chảy, Cúc Xuyên khó nhọc mới kéo nổi hai con ngựa chở đồ lên bờ…không xảy ra tổn hại, nhờ có dây thừng ngang sông. Còn lại một mình chị Tuyết Thanh bên kia. Chị tháo sây quấn quanh người ngựa, ra hiệu cho Trang Nương. Trang Nương gọi các chị em giữ vững đầu dây buộc quanh mỏm đá. Chị xuống sông, người ngựa bị nước cuốn, nhưng dây giữ lại, dây căng thẳng, chị giục ngựa, tức thì chưa đầy hai phút, hai phút thực lâu cho Cúc Xuyên, chị giạt sang bờ bên này ở hạ lưu.
Chị giải thích: Trang Nương lo ngại khi thấy gió đổi chiều, mà nghe tiếng nước chảy ở thượng lưu. Thính tai mới nghe thấy, tiếng nước chảy cách nơi dây khoảng một dặm (4km), lẫn với tiếng gió.
Bài học đầu tiên trên đường đời của Cúc Xuyên. Cúc Xuyên đề nghị giao quyền chỉ huy cho chị Tuyết Giang. Chị khước từ.
Ngày thứ sáu, lập trại ven rừng xã Bình Dương, trên một ngọn đồi cao, nhìn về hướng đông. Núi đồi trùng điệp dưới chân, ngày nghỉ ngơi người ngựa. Cúc Xuyên thất vọng qua mấy chùa sư nữ, không có tin tức gì của mẹ.
Chị Tuyết Giang, sau bữa cơm chiều, đốt lửa họp đoàn. Đúng như lời căn dặn của La đại thúc, ngày hôm nay mở cẩm nang của La đại thúc.
Một túi da: có 8 cây trâm bằng vàng chạm trổ tinh vi, khắc mấy chữ: Ngô Kiều Dung, Kim hoàn gia Thăng Long Thành, và một bức thư:
Các cháu,
Hôm này là ngày thứ sáu trên đường đi. Đoàn viễn du của Thạch Đào, cả tám người tâm đầu ý hợp, cùng nhau đi lên đường kiến quốc.
Gửi cho mỗi cháu một cây trâm, do bà của Cúc Xuyên vẽ kiểu. Cây trâm này biểu hiện lòng thương yêu của gia đình và của Thạch Đào theo các cháu trên đường đi và sẽ nhắc nhở các cháu tình đoàn kết, tương thân, tương ái.
Còn đại thúc ta, gửi theo đây mấy lời, mong các cháu trên đường « hành đạo » nhớ rõ:
Nước nhà chia rẽ đã trên hai trăm năm. Cái thanh bình giả tạo các cháu chứng kiến khắp nơi, chỉ là những ảo tưởng mong manh, phút đến phút đi. Người người đã quen chia rẽ, bè đảng, hằn thù, tham sinh úy tử, sẵn sàng xây dựng tù đày, chém giết…Đó là tinh thần đa số bọn nam nhi…Lê mạc Trịnh Nguyễn Tây Sơn Hắc y Đạo…Dân lành lầm than khổ sở…Các cháu, thân phận nữ nhi, gần hai ngàn năm trói buộc, nay là cơ hội thức giấc, ra đi chung vai, cùng bọn nam nhi tỉnh thức, gánh vác non sông….Các con hãy tranh đấu cho yêu thương, cho đón nhận. Các con hãy triệt hạ tất cả rẽ chia, thù hận…nếu không, mấy trăm năm nữa, tổ quốc chúng ta cũng không ra khỏi lầm than…tuyệt vọng ! Và chúng ta, ngàn năm nữa, cũng không ra khỏi nô lệ yếu hèn..nô lệ của chính mình, nếu không phải là nô lệ kinh tế hay chính trị của ngoại bang.
Các cháu đã chọn một đường đi. Đường đi là Đạo. Muốn đi trên đường, muốn Hành Đạo, trước hết phải biết (TRI) ! Đại thúc muốn Đạo là con đường sống. Muốn sông thì phải Biết, Biết để mà sống. Biết để làm tròn nhiệm vụ vô cùng nặng nề của các cháu, thân phận nữ nhi, trách nhiệm sinh ra những thế hệ mai sau, thế hệ công dân, đừng bao giờ là thế hệ nô dân, các cháu đừng quên.
Thạch Đào coi như các cháu đã xuất giá ; la đại mẫu gửi tặng các cháu trâm vàng, theo như phong tục Thạch Đào, cánh trâm của đêm động phòng hoa chúc…
Thuyết Sinh Thức, Thức Sinh của La đại thúc. Triết lý có thể ca siêu, nhưng Cúc Xuyên và các bạn hiểu lý thuyết này một cách thực tế, trong chuyện sau đây:
Biết để sống.
Hôm nay tính nhẫm đường đi, có thể gần năm chục dặm (200 cây số), Cúc Xuyên phải qua những nơi có chùa sư nữ hay tu viện Gia Tô.
Xuống một làng đồng bằng, giáp ranh trung du, tên là Hạ Khê. Làng này ở hạ lưu một con suối lớn, tuy nhiên con suối không phải là thủy lộ giao thông. Địa thế khá hẻo lành. Từ trên cao nhìn xuống, thấy dân làng có vẻ hoạt động khác thường.
Ngọn cờ « Thạch Đào Y Dược Đoàn » phấp phới tiên phong. Vào tới giữa sân đình mà chỉ có mấy trẻ nhỏ tò mò đi theo. Người lớn vắng mặt. Làng này có vẻ nghèo nàn, nhưng chi tiết này không quan trọng, về giá y dược tuy có định trước, nhưng làng nào không đủ tài chính, đoàn chỉ lấy một số tiền nhỏ tượng trưng, tượng trưng để dân làng khỏi mang ơn. Thường thường, tới làng nào, mỗi khi dân chúng được tin, các bà các cô đều vui vẻ ra nghênh tiếp các nữ lương y. Nhưng ở Hạ Khê này, không thấy ai ra sân đình. Ở giữa sân đình, một đàn cúng tế cao lớn. Trên đàn, nào hương nến, nào thực phẩm cúng tế bày la liệt. Bánh ngọt đủ màu, bánh đa đủ kiểu, các bát chè đủ kiểu, vàng mã khắp nơi,…kể cả các bát cháo « chúng sinh » từng trên từng dưới. Dân làng sửa soạn cúng tế. Trời đã trở nóng hơn tháng nay, từng đoàn ruồi nhặng bay lung tung, đậu vào các thực phẩm có chất ngọt, nhất là các bát chè đường. Có nhiều con ruồi chết đuối trong các bát cháo « chúng sinh ».