Khỏi Trà Sơn đường đi theo một thung lũng phì nhiêu. Bên trái dẫy núi cao, rừng già rất gần đường, thỉnh thoảng nghe tiếng thác đổ rừng sâu, còn bên phải đồng ruộng bát ngát, thực xa, thực xa, phía Nam dẫy núi xanh lam mờ hiên qua sương chiều sắp xuống…
Không thấy bóng dáng ai trên đường và ở cánh đồng: Tin giặc đánh Thạch Đào làm người người còn lo sợ, chưa trở lại mực sống bình thường.
Mùa này, đêm xuống rất mau; chàng rảo bước, biến bộ sang phi, ba bước chạy, hai bước đi…vừa tập luyện, vừa tranh thủ thời gian. Bữa tiệc Trà Sơn làm chàng mất nhiều thì giờ. Chương trình đêm nay tá túc tại xã Trà Bàn. Đầu giờ Dậu (18 giờ) đi được khoảng ba dặm (12 cây số), lưỡng lự ở một ngã ba. Đi thẳng đến Trà Bàn, đường bằng phải ba dặm nữa, rẽ trái băng qua rừng, ngắn được nửa đường.
Nguyên Thái rẽ trái, đường rừng, một dịp học tập, vì từ khi rời Kẻ Chợ chưa vào rừng sâu. Tới ven rừng, trời đổ tối. Tìm quãng đường tối nhất, đu mình lên một cành cây, chàng ngồi yên định thần, phương pháp do hòa thượng Tuy Hòa truyền dạy, hồi lâu, mục giác và thính giác lên cao độ. Nguyên Thái kết luận, như Hòa thượng Tuy Hòa nói, định tâm, cố định tâm, ta có thể chỉ huy được thính giác và mục giác ban đêm…có thể gia tăng. Nghe tiếng chim khe khẽ xào xạc trong tổ bên kia sườn núi, nhìn rõ bước chân mình, nhìn xa hơn mười thước, mà khứu giác cũng lên theo. Thoáng làn gió nhẹ, một mùi hôi hôi qua mũi, Nguyên Thái rút gươm đề phòng…thì trong vài giây, một con giơi bay qua. Nguyên Thái có thể chém đôi con giơi, nhưng chàng không sát sinh vô ích.
Giơi vừa bay qua, nghe tiếng gió sau lưng, đưa lưỡi kiếm. Một chiếc lá rơi đứt đôi trước khi xuống đất. Nguyên Thái hài lòng và tin tưởng, tiếp tục đường đi. Đường đi khó khăn, dưới lá cành chùm kín, thỉnh thoảng mới thấy khung trời xanh thẳm. Không có sương mù như ở Thạch Đào. Đường đi vẫn rõ. Phải qua ba dòng suối. Gần nửa đêm ra khỏi khu rừng, đường mòn đưa xuống một khe sâu, phải qua khe này, sang bên kia sườn núi, lên tới ngọn đèo, nhìn sang Trà Bản, Nguyên Thái giật mình: Trà Bản bốc cháy ngùn ngụt, tiếng tre nứa nổ lốp bốp, tiếng kêu khóc vang đến đỉnh đèo.
- Không thể nào được, chàng nghĩ thầm, tình báo Thạch Đào không nhầm, Bành Đức chỉ có đoàn quân duy nhất, đã bị tiêu diệt…Đoàn quân nào đánh phá Trà Bản?-
Đang suy tính, nhìn thấy ngọn lửa dịu bớt, tiếp theo khói trắng bốc lên, lấy lại bình tĩnh, chàng cho là một hỏa tai, dân làng sắp dập tắt.
Một mình đến bản giờ này cũng vô ích. Theo như đã định, nghỉ lại ven rừng, sáng mai xuống bản. Một tòa miếu cổ, giữa lùm cây, như đón mời. Chàng gõ cửa, không ai trả lời. Đẩy cửa, khói hương lạnh ngắt, mái ngói có hơi thủng vỡ nhìn thấy trời xanh. Kiểm tra, bình hương lạnh ngắt. Một cây nến gãy trên bàn thờ.
Thổi mồi lửa, châm sẵn trước khi lên đèo, chàng đốt nến. sàn bụi bẩn, chỉ có vết chân chàng. Tòa miếu này bỏ từ lâu. Nguyên Thái chặt một cành lá, quét hết vết chân chàng, quét sạch gầm bàn thờ, bàn thờ là một bệ xây gạch, kín đằng trước, kìn hai bên, hở phía sau. Giải chăn nhẹ, lấy hành lý gối đầu, sửa soạn giấc ngủ ngon lành, sau khi tắt nến. Cho tay vào túi, giật mình, chạm phải cẩm nang Cúc Xuyên, tò mò định trở dậy châm nến đọc thơ, nghĩ đến lời hứa, nằm yên với tư tưởng nghịch lý, giận Cúc Xuyên vô tình…lúc chia tay và thương nhớ nàng quá sức.
Chợt nghĩ đến vị thế mình, ban đêm không an toàn lắm, Nguyên Thái buộc chiếc võng nhẹ lên sà miếu gần nóc, nơi kín đáo nhất. Nơi mái ngói, Nguyên Thái hít thở không khí trong lành không còn mùi ẩm mốc dưới gầm bàn thờ.
Khoảng cuối giờ Dần, tiếng vó ngựa chậm chậm lên dốc. Nguyên Thái bỏ võng, nấp trong bụi cây cạnh miếu. Hai người xuống ngựa, buộc ngựa vào gốc cây cau trước miếu. Một nam một nữ, rút kiếm, ròn ren đến cửa miếu…
Hai người xuống ngựa, kiếm cầm tay, rón rèn đến cửa miếu.
Thái hài lòng: thình giác của chàng đến mựa cao, vó ngựa, tuy người cưỡi cố nhẹ nhàng, chàng đã nghe thấy từ cuối dốc. Quan sát, linh tính chàng bảo hai người này không phải lục lâm thảo khấu, một nam một nữ, chàng sang vị thế đề phòng, sẵn sàng đối phó.
Hai người đẩy cửa vào. Chừng hai ba phút lại trở ra, một người cầm chiếc võng của Nguyên Thái, thản nhiên đi ra nơi ngựa buộc. Nguyên Thái đang lưỡng lự, không biết có nên ra mặt đòi võng không, thì người đàn bà bỗng quay lại, dang tay phải. Tức thì như tiếng gió rít, một vật dài bay tới chàng. Chàng đưa kiếm dỡ. Vật ấy rơi xuống đất thì ra chỉ là một khúc gỗ…không phải ám khí nguy hiểm. Tiếp theo một tiếng cười trong trẻo, giọng oanh chế nhạo:
- Trẻ ranh, miệng còn hơi sữa, dàm tự nhận Gia Cát Lượng tái sinh, tới đây, qua mắt ta sao được?…Muốn lấy lại võng đào phải đấu với ta ba trăm hiệp…-
Nguyên Thái giật mình, nghĩ thầm, hai người này có thể biết mình, mà mình không biết họ, chỉ vì mình chưa vào trường đời bao lâu, chàng không nổi giận, bỏ bụi cây, vòng tay chào:
- Ngụ đệ xin lỗi nhị vị hiệp liệt, không ra đón tiếp cho phải phép…sơn lâm hảo hán. Ngụ đệ không bao giờ tự nhận Khổng Minh tái sinh. Đó là người đời nhầm gàn ghép. Gia Cát tiên sinh ngày xưa mưu thần ngoại giao chính trị, tế thế an bang, còn ngu đệ chỉ dự vào bố trí một trận địa nho nhỏ -
Không thấy nữ hiệp ngắt lời, chàng tiếp:
-Còn nếu đấu ba trăm hiệp thì ngu đệ không dám nhận, đành mang tiếng nơi sơn lâm thảo dã…mà nếu nữ hiệp cần võng đào, ngu đệ xin tặng -
Nữ hiệp lại cười to:
- Hai ta chu du thiên hạ đã lâu, nhưng chưa quên chơi chữ, chú em bảo hai ta là sơn lâm thảo khấu, cũng được đi, nhưng muốn ta nhận võng cũng phải đấu ba trăm hiệp -
Dứt lời rút kiếm tấn công. Nam hiệp từ nãy đứng bên, không hé răng. Nguyên Thái rút gươm chống cự. Sang thế thủ nhiếu hơn, chàng cảm thấy nữ hiệp không cố tình hạ thủ, vì nhiều đường kiếm cực kỳ nguy hiểm nàng đều ngừng trước đích. Tú Thái nghĩ thầm, nếu nàng không ngừng mình cũng chống trả được, hồi lâu cũng hứng thú thực tình nhập cuộc. Nửa giờ sau, trời hơi hửng sáng, tấn công của nữ hiệp thêm phần ồ ạt. Một giây sơ hở, kiếm của Nguyên Thái rơi khỏi tay, bay đi cắm vào cửa miếu. Nữ hiệp chỉ kiếm vào ngực chàng. Nhanh như chớp, Nguyên Thái lăn xuống đất mấy vòng tới rút kiếm khỏi cửa, cầm tay. Đó là thế võ « Hắc xà nhập thổ », học cô em gái Cúc Xuyên.
Lúc đó, nam hiệp mới lên tiếng:
- Thôi hai chị em chơi đùa như thế đủ rồi. Tôi xin kính chào Trần hiền đệ. Tiện nội tính hãy còn trẻ con ưa đùa nghịch. Chúng tôi biết hiền đệ đến đây từ lúc hiền đệ rẽ vào rừng sâu -
Nữ hiệp đến trước Nguyên Thái:
- Chị xin lỗi em, đã lâu không được luyện tập. Nên mới thách thức em như vậy. Nếu chúng ta đánh ba trăm hiệp thì biết bao giờ phân biệt hơn thua. Trận này chị thua em rồi -
Giọng nói thân mật làm Nguyên Thái vô cùng thắc mắc:
- Tiểu đệ họ Trần, tên Nguyên Thái, xin được biết quý danh. -
Nam hiệp:
- Phải gặp hiền đệ, vì có việc cần. Chưa thể nói rõ đích danh. Mong hiền đệ nể tình. Còn nhiều việc phải làm và cần lên đường ngay, việc Trà Bàn, tạm giao hiền đệ -
Trời thêm sáng, Nguyên Thái nhận thấy hai người đều đeo khăn che mặt, chỉ để hở đôi mắt. Nguyên Thái tiếc lúc đấu kiếm, nếu chàng làm rơi được chiếc khăn này? Trà Bàn là việc gì ?
Nam hiệp tiếp tục:
- Chúng tôi đến cứu xã trưởng Trà Bàn thì đã muộn. Nhà cửa xã trưởng đã bị tay sai của tri châu Thạch Sơn Lê Hán Thụ đốt ra tro, hai người bõ già, không chạy kịp bỏ mạng. Dân làng có nhiều người bị thương…chúng tôi phải đi ngay. Lạm dụng đồng hội danh nghĩa, trao việc lại cho hiền đệ. Đây là ba bức thư chúng tôi lấy được từ tay thông tín viên của tri châu Thụ, hiền đệ nên mang về ngay Trấn Bắc -
Thái định phản đối, thì nam hiệp bỏ lại túi thơ, rồi cùng nữ hiệp nhảy lên ngựa đi khỏi miếu hoang. Chàng bực tức, không có cách bắt hai người ấy dừng lại. Đành nhặt túi thơ. Quả nhiên có ba bức thư mang ấn tín tri châu Lê Hán Thụ, gửi cho ba nơi khác nhau và đối nghịch, nội dung đại khái như sau:
Bức thư thứ nhất, gửi thẳng Võ phòng Trịnh phủ, đường công văn mật thường lệ, tri châu Thụ báo cáo: Lê Tôn Thắng, người của cung Lê dẫn quân Mãn Thanh chiếm đóng Thạch Đào, tri châu Thụ đem quân dẹp yên rồi. Lê Tôn Thắng và các tướng lĩnh đều tử trận. Quân Mãn Thanh hoàn toàn bị Thụ tiêu diệt. Xin ghi võ công của Thụ…
Bức thứ hai: Gửi phủ thừa doãn Lê triều, tường trình Lê Tôn Thắng mang được quân đến Thạch Đào, nhưng có tà mưu phản trắc nên bị thủ tiêu…Dân bản không biết quân Mãn Thanh đến là do lệnh Lê triều, nỗi lên chống cự…Thụ đến thì đã muộn rồi. Thủ phạm xúi giục dân bản nổi loạn là bản trưởng La Đại Hoành va tên thư sinh Trần Nguyên Thái, người của Trịnh phủ, Thụ đã ra lệnh lùng bắt, v..v…
Đọc xong hai bức thư, Nguyên Thái mỉm cười, Lê Hán Thụ tranh công mạo nhận trước Trịnh, và kể công với Lê, làm như hắn ta ở phe Lê triều. Tri châu Lê Hán Thụ, ở miền hẻo lánh, thượng du, muốn trình báo thế nào, chính quyền dù Trịnh, dù Lê cũng ít khi kiểm soát. Lê Hán Thụ điển hình là một quan lại hai mang khôn khéo, nhưng khi Nguyên Thái đọc đến bức thứ ba, chàng càng thấy chán ghét.
Bức thư thứ ba ngày này gửi cho Tổng đốc Lưỡng Quảng, Thanh triều. Mật thư báo cho Tổng đốc này biết, Bành Đức Dực đã lạm quyền tự tiện dẫn quân vào bẫy Thạch Đào, dù hắn đã cố tình cản trở, không nghe cho nên bị tiêu diệt…
Thế là Hán Thụ không phải chỉ hai mang mà ba bốn mang, bằng chứng tư thông với địch.
Gần trưa xuống tới Trà Bàn. Chỉ có gia cư xã trưởng bị đốt cháy, đe dọa trước khi làm cỏ cả làng. Thủ phạm cướp đốt không phảI thảo khấu mà là đảng tay sai của tri châu Thụ. Chỉ vì Trà Bàn đang điều đình liên minh vớI mấy xã khác, không đóng góp cho tri châu ngoài số sưu thuế công khai thường lệ. Lại thêm, không biết chính tri châu Thụ ra lệnh hay thủ hạ lạm quyền, bọn tay sai vừa đến bắt ba thiếu nữ trong xã mang đi, nói là lệnh quan châu tuyển « cung nữ »…
Thái thầm cám ơn hai vị hiệp liệt, đã cho chàng biết tình thế. Từ nay chàng sẽ thận trọng đề phòng trên đường đi.