Ghi viễn trình thảm kịch Hiên Giang, Nạn nhân thành danh ca bịt mặt.
Bộ ba hàn huyên thâu đêm, và đây là chuyện nàng Hồng Diệp do Bùi Hiền Duyên kể lại:
« Phủ Hiên giang trên bờ một sông nọ, chi nhánh của Hồng Hà, sâu nội địa về phía tây, không phải đường đi của Bắc xâm hay Nam tiến, là một đô thị phồn thịnh, trên bến dưới thuyền. Gia cư nếp nếp, tiệm quán từng hàng. Cảm tưởng là thái bình đã được mấy đời. Văn học cao độ trong khuôn khổ cổ xưa; một đền thờ Khổng tử là tiêu biểu của nên học vấn này. Đô thị này chia làm năm phường mang tên mấy thứ hoa: Bạch Liên, Bội Quỳnh, Bội Lan, Hồng Trà, Hoàng Lan…Những ngày phiên chợ, ngựa xe chật phố, đầy đường.
Trị vì, một quan phủ họ Nguyễn, được tiếng thanh liêm đạo đức. Bà phủ là người gương mẫu, nếu quan phủ ta từ biệt bà đi trước, chắc chắn bà sẽ ở lại với sắc vua Tiết Hạnh Khả Phong. Rồi đến hàng thư lại cũng đạo đức đề cao, chỉnh tề quần áo, văn chương lời nói. Năm phường trưởng và nhân viên giúp việc cũng tranh đua đóng vai hiền nhân quân tử. Đó là phượng diện hành chính với cảm tưởng chung là Trịnh Lê hòa hợp.
Còn về quân sự, đấng trị vì là tổng binh họ Trịnh, một chàng oai phong lẫm liệt, hồng diện, hắc tu. Có người hài hước « coi tướng ông tướng » cho là « hồng diện đa dâm ý »! Những câu đối hoành phi trong dinh đều gàn cho ông tướng nào là văn võ song toàn, nào là Tôn Tử tái sinh, nào là Gia Cát hậu duệ. Tính sổ chiến công thì ông tướng chưa dự trận nào đáng kể. Đó mới là cái tài Gia Cát Lượng của ông: Không ở chiến trường mà lên tướng. Cứ theo gia phả thì ông dòng dõi ba đời vệ úy. Đời Trịnh Tráng, ông tổ họ Lê xin đổi họ Trịnh, sau một quân công giúp chúa, cho nên ngày nay ông mang họ Trịnh. Ông lên tướng qua tướng bà.Đặng. Nghe nói họ hàng gì với Đặng phi. Tổng tham mưu của tướng ông là tướng bà. Tiếp vận quân lương, quân nhu phải qua mắt tướng bà. Bản đồ án binh cũng được bà khôn ngoan giúp đỡ: nhiều đồn nhỏ đóng dọc sông.. Thuyền bè qua lại, hoặc đến bến phủ đều đóng một thứ thuế an ninh gây quỹ « xã hội » cho binh sĩ mà chính bà đỡ đầu kiểm soát.
Biết rằng binh sĩ Tướng công đại đa số làm nhiệm vụ quân dịch, không phải quân binh chuyên nghiệp, nên không có gia đình hay vợ con đi theo. Giữ vững tinh thần quân đội thì phải có nơi « xã hơi », tướng bà khuyến khích mụ dầu « trụ trì » ở phường Bạch Liên khuếch trương nhà thanh lâu của mụ. Chẳng bao lâu thanh lâu của mụ nổi tiếng khắp vùng. Khách thập phương đến đóng góp mỗi ngày thêm đông. Rồi tướng bà cũng không khước từ những món tiền mụ dầu mang đến tạ ơn. Nhưng đạo đức không cho phép, tướng bà khinh bỉ ra lệnh cho thị tỳ:
- Mang vào, cất một chỗ…tao không muốn biết thứ tiền này…để tướng công về định đoạt.-
Thế mới biết tướng bà tổng tham mưu, đa mưu túc trí. Một nguồn lợi khác thêm vào quỹ « xã hội » binh sĩ. Con nhà giàu đi quân dịch được bố mẹ hay vợ con tiếp tế qua tay bà, mà muốn vào binh chủng của tướng ông sau này an toàn trở về, thì cũng đừng quên đóng góp cho phải phép.
Mỗi tháng có mở hội Tao Đàn, bình văn, thi họa, thi kỳ, tấu nhạc. Chủ tọa thường xuyên là Nguyễn tri phủ, ban giám khảo gồm có các chức vụ quan trọng, kể cả.... Tổng binh « văn võ song toàn » họ Trịnh.
Cầm kỳ thi họa Tao Đàn, mở rộng cho tất cả nam nữ trong phủ, bất chấp tuổi tác, giàu nghèo, trình độ học vấn. Có nhiều khi được nghe những bài thơ con cóc, những bài ca con cá…nhưng nếu quan phủ hay tổng binh khen hay thì mọi người cũng tấm tắc ngợi khen.
Cái xã hội an lạc thuần phong mỹ tục ấy ngày nay cứ theo giòng hạnh phúc êm đêm, nếu một ngày kia không xuất hiên nàng Lê Hồng Diệp mà tài ba đã nổi bật hẳn trên đám vô danh. Và cũng vì cái tài hoa ấy, mà tai vạ đã đến với nàng một cách bất ngờ.
Nhắc lại: trong phòng riêng cùng Bạch Ngọc, Nguyên Thái nghe Hiền Duyên kể chuyện nàng Hồng Diệp, danh ca bịt mặt. Chàng cho là Bạch Ngọc, con người hành động, chuyên về dược, tuy biết chuyện, nhưng chắc hẳn không thể kể một cách đặc biệt như Hiền Duyên…
Thực vậy, nàng kể chuyện bằng đôi môi, bằng cả đôi mắt, và dáng điệu, cử chỉ thính giả bị hấp dẫn bởi thanh âm câu nói, khi hài hước, lúc đau thương. Vừa nghe vừa viết ngay, nhưng Nguyên Thái rất tiếc, không thể viết lại như người kể. Chàng quyết định sẽ gửi cho Ngô nương Vi Linh mong nàng viết lại.
Hồng Diệp là con gái duy nhất của ông bà Lê Xuân Tịnh, chủ nhân một tiệm bán sách, giấy bút ở phường Ngọc Quỳnh. Vợ chồng họ Lê ham mê đọc sách, nên mở tiệm sách. Ông bà lại thích giao du. Mở tiệm sách là gặp những hào hoa phong nhã, tránh những tục tử phàm phu…Tới đoạn này, Hiền Duyên thở dài: « than ôi, trong mỗi hào hoa phong nhã đều có giấu một phàm phu tục tử chỉ chờ thời thức giấc! "
Hồng Diệp nếu là con trai chắc đã thám hoa, bảng nhỡn? Nhưng tiếc thay, nàng chỉ là một nữ nhi, từ ngàn xưa trói giữ trong tam cương ngũ thường. Ba bốn tuổi đã biết đọc biết viết. Đến tuổi trăng tròn nàng đã đọc hết những cuốn sách ở tiệm nhà. Rồi chính nàng nghiên cứu sách cổ xưa, rồi nàng chỉ cách cho thân phụ buôn sách hiếm…Vì thế nhiều người ở Kẻ Chợ cũng nghe danh tiệm sách Xuân Tịnh. Ba ngày thuyền từ Kẻ Chợ tới đây, mua một quyển sách quý, về nhà ba ngày nữa, là chuyện rất thường trong giới văn chương.
Càng thêm tuổi, càng xinh đẹp. Tưởng rằng tất cả giai nhân trong các cuốn truyện nổi danh đều kết tinh vào Hồng Diệp.
Hồng Diệp mười sáu và năm Nguyễn tri phủ cao hứng mở các cuộc trình diễn văn nghệ bất phân nam nữ, chủ chốt là thi văn học tứ tài, cầm kỳ thi họa. Mọi người hào hứng tranh đua. Hồng Diệp không hề tham gia, dửng dưng.
It lâu sau, bạn bè thúc đẩy, nàng ghi tên.
Ngôi sao sáng tỏ giữa đám đèn cầy lù mù chỉ chờ gió dập. Các mệnh phụ phu nhân bắt đầu liên minh chỉ trích ban giám khảo. Họ tìm cách bênh vực các tiểu thư và công tử con nhà « quí phái ». Con bé hàng giấy bút tại sao cả gan so sánh với lá ngọc cành vàng? Nhưng con bé hàng giấy bút lại là hoa khôi của Hiên Giang.
Hoa khôi Hiên Giang Hồng Diệp vào chung kết cuộc thi cờ. Địch thủ là ai? Không quan trọng, chỉ biết vì có sức mạnh vô hình thúc đẩy, tướng ông họ Trịnh tuyên bố nàng thua vì thời gian suy nghĩ quá lâu!
Hồng Diệp chấp nhận không khiếu nại, gửi tướng ông họ Trịnh một ánh nhìn trách móc. Nàng biết là chưa hề quá thời gian tính nước.
Ánh nhìn đó làm Trịnh tướng công xao xuyến lương tâm và cả con tim. Mà ánh nhìn đó cũng là bắt đầu cái thảm họa sắp đến.
Tướng ông một chiều kia, giục ngựa đến tiệm Xuân Tịnh. Lấy cớ chọn mấy cuốn sách quý, và ngỏ ý muốn mua quyển Tôn tử binh pháp, bản chính! Lê quân lễ phép nhận lời, không dám giải thích là bản chính từ xa xưa, làm sao mà có? Sau cùng tướng công trịnh trọng.
- Bản súy đến đây còn mục đích nữa. Bản súy muốn gặp lệnh nữ nói chuyện về ván cờ chung kết! -
Nói như truyền lệnh. Ai có thể trái lời một tướng súy mà quyền hạn có thể cao hơn cả đường quan tri phủ? Lê chủ nhân cho gọi Hồng Diệp từ lầu xuống sảnh đường.
Trịnh tướng công không đứng dậy, khẽ gật đầu, vẫn giữ vị thế ngồi của một võ tướng: hai chân mở rộng, hai bàn tay dể trên hai đầu gối, và kiếm báu đeo sau lưng. Tuy đã mười tám và đọc nhiều sách, truyện, Hồng Diệp vẫn còn ngây thơ con trẻ. Nàng không để ý đến thái độ kiêu ngạo của tướng ông.
- Chào cô nương - tướng ông nói – tôi đến nói tại sao tôi phải tuyên bố cô nương thua trận. -
Hồng Diệp:
- Tiện nữ đã để quá thời hạn? -
- Không phải thế. Vì vậy hôm nay bản súy đến xin lỗi cô nương. Xin cô nương bầy lại ván cờ bỏ dở ấy…-
Hồng Diệp tuân lệnh ngây thơ, hào hứng vào cuộc. Chỉ có năm bước, tướng ông vào thế bí, không thể chuyển được quân nào khác ngoài hai tốt biên. Mà hai tốt biên sang sông thì mất bởi hai tốt của địch.
Tướng ông, nhân dịp Hồng Diệp đưa tay chuyển pháo đầu, vừa đúng lúc Lê chủ nhân phải ra ngoài cửa hàng, đưa hai tay ra cầm tay Hồng Diệp. Hồng Diệp hốt hoảng mắt đỏ rừ, rút tay không nổi. Tướng ông nói:
- Lê cô nương là một nàng tiên giáng thế đánh cờ. Bản tướng xin hàng phục !-
Chủ nhân trở vào. Tướng ông vội rời tay Hồng Diệp, tuyên bố:
- Lê tiên sinh, quả nhiên lệnh nữ là thần kỳ. Tiểu tướng tôi xin hàng phục. Có dịp sẽ xin lại đây bái lĩnh những thế cờ độc đáo -
Tướng ông chấp nhận ba tiếng « Tiểu tướng tôi ». Uống hết chén trà gia nhân vừa bưng ra rồi cáo từ.
Hồng Diệp thẹn thùng không nói cho thân phụ biết cử chỉ bất ngờ của Tướng ông.
Mươi hôm sau, Tướng ông đơn kiếm độc mã tới tiệm Xuân Tịnh, không đem theo võ quan tùy tùng và tiểu đội hộ tống ngoài đường như lần trước. Tướng ông biến thành nhã nhặn, lịch sự. Tướng ông xin thụ giáo Hồng Diệp. Hồng Diệp đề phòng, chuyển quân nhanh nhẹn, rút tay về. Nhưng vì lương tâm « sư phụ » vẫn thắng.
Cứ thế vài lần nữa, thấm thoắt đã một trăng.
Hàng phố bắt đầu đồn đại những chuyện không đâu. Những người hầu cận của tướng công, gián điệp của tướng bà, bắt đầu báo cáo tướng bà nhiều chuyện tưởng tượng.
Họ Lê nhận thấy nguy cơ, khuyên con:
- Con ơi, nhà ta đang mang tiếng cầu sang tìm quý. Trịnh tướng công định tâm chuyện gì, chưa chắc hẳn. Thôi, lần này, nếu tướng công đến, con chịu thua đi…như vậy tướng công không còn cớ gì trở lại đây -
Hồng Diệp nghe bố mẹ, nàng để nhiều nước hớ, tướng ông vinh quang thắng trận. Nàng nói:
- Tiện nữ xin hàng phục, tướng công từ nay, xin đừng mất thì giờ lại đây nữa! -
Tướng ông vội vàng vạch rõ chiến đích:
- Xin phép cô nương, tôi nói thẳng, trước khi trình với song thân cô nương. Tôi muốn cô nương về dạy tôi trăm năm dưới trướng…-
Hồng Diệp hốt hoảng:
- Thưa tướng công, tiện nữ còn nhỏ dại, không dám gánh vác trọng trách ấy. Vả lại tiện nữ đã hứa hôn. -…
Tướng công dồn dập:
- Hứa hôn chưa phải thành hôn! Hứa hôn với ai, cho tôi biết tôi thu xếp! -
Hồng Diệp vào thế bí, không dám vô lễ nặng lời, sau cùng nàng nói:
- Xin tướng công về đi xin tướng công về đi! Xin cho tiện nữ có thời gian suy nghĩ! Hai tháng để suy nghĩ! Tiện nữ xin phép tướng công. -
Nghe Hồng Diệp nói thế, Tướng ông định đến cầm tay. Nàng lễ phép chắp tay cúi chào. Tướng ông đành cáo từ, quên cả chào biệt Lê tiên sinh.
Biết đó là kế hoãn binh, Hồng Diệp có thời gian hai tháng để tính kế vẹn toàn. Hoặc tránh xa, hoặc đương đầu từ chối. Nhất định không theo quân lệnh của tướng ông. Sợ mang tiếng với họ hàng, phố phường, câu chuyện được giữ kín.
Không biết tướng ông về điều đình với tướng bà thế nào, một hôm tướng bà, đoàn vệ binh tháp tùng, võng điều cánh sáo, đến đậu trước tiệm sách Xuân Tịnh. Tướng bà không vào tiệm, sai nữ tỳ vào gọi Hồng Diệp.
Hồng Diệp nghe thấy Trịnh phu nhân đến tiệm, cho là tướng ông nói với tướng bà, nên hôm nay tướng bà mới trịch thượng gọi mình ra đường. Nàng nén giận định tâm giải thích rõ ràng cho hết hiểu nhầm. Đến cạnh võng điều cánh sáo, nàng lễ phép:
- Dạ thưa phu nhân dạy điều gì? -
Tướng bà vén mành, nhìn Hồng Diệp từ đầu đến chân, không trả lời, bỏ mành xuống ra lệnh trở về tổng dinh.
Thì ra tướng ông nể sợ tướng bà, giấu giếm. Tướng ông định tạo một « chiến khu » bí mật, Tướng ông tin là con bé Hồng Diệp không dám từ chối đề nghị gây hạnh phúc trăm năm của ông.
Tướng ông còn đang bầy binh bố trận thì tướng bà được điệp viên cho biết nguy cơ sắp đến bên bà, mà điệp viên tâng công lẽ dĩ nhiên bầy đặt nhiều điều. Tướng bà cùng vệ binh và gia nhân đến hiệu sách Xuân Tịnh, ra oai, dọa nạt nhưng lo sợ, trở về ngay hành dinh, tìm mưu cao đối phó.
Trước hết, cảnh cáo tướng ông. Trong tư dinh đêm ấy, bà nói:
- Tướng ông đừng giấu tôi nữa. Tôi biết hết rồi. Ông dan díu với con Hồng Diệp hai ba năm nay rồi…Để tôi cho nó một bài học! -
Tướng ông giật mình nghe hai tiếng « bài học », vì ông chưa quên, cách đây hai ba tháng, một thị nữ xinh tươi bị bà nghi có gì. với ông, bà sai gia nhân trói vào cột, lột hết quần áo, chính tay bà cầm roi đánh liên hồi cho đến khi « con bé » ngất đi mới ngừng tay. Ra lệnh cởi trói, giao cho mụ dầu Bạch Liên, không mảy may hối hận.