Người áo vàng, Triển Mộng Bạch gần như nín thở.
Mọi tiếng động trong lúc nầy, dù là rất khẽ, cũng có ảnh hưởng tai hại đến hai đấu thủ.
Nơi vầng trán của Thiên Phàm Đại Sư, mồ hôi điểm lấm tấm. Con cờ vẫn còn được giữ lơ lửng trên cao, chưa hạ xuống.
Người áo vàng nhìn bàn cờ, nhận thấy sự thắng bại cầm bằng đường tơ kẻ tóc, giả như đại sư đặt quân cờ xuống ở một vị trí bất lợi, thì cầm chắc là phải bại.
Mà, bại cuộc cờ, là bại luôn cuộc đấu nội lực!
Ngược lại, nếu đại sư nghĩ ra một nước cao, đặt quân cờ đúng chỗ, thì chính Lam Đại Tiên Sanh bị dồn vào cái thế nguy. Dù có mở ra được thế cờ, ít nhất lão cũng phải mất một thời gian suy tư, và suy tư lâu là phải tiêu phí một phần ngươn khí quan trọng!
Một thế cờ hầu như quyết định, do đó đại sư hết sức chú tâm.
Cuối cùng rồi nhà sư cũng hạ quân cờ xuống.
Nhìn qua vị trí quân cờ vừa hạ, Triển Mộng Bạch thoáng lộ vẻ hân hoan.
Cờ, đối với chàng, cũng là một môn tiêu khiển, trong giới trẻ, chàng nổi tiếng cờ cao, nhìn vào bàn cờ, chàng cũng biết là cục diện cực kỳ nghiêm trọng, nếu Thiên Phàm Đại Sư đi đúng nước, thì Lam Đại Tiên Sanh phải bại.
Chàng lại có cảm tình với Lam Đại Tiên Sanh, chỉ mong lão ta thắng cuộc.
Bây giờ, thấy đại sư đặt quân cờ không đúng vị trí, như vậy là đại sư không tạo được nguy cơ cho Lam Đại Tiên Sanh, chàng mầng.
Vừa lúc đó, những loạt phạn ngữ do hàng ngàn đệ tử Thiếu Lâm Tự tụng kinh chiều phát ra đã gián đoạn một lúc, lại vang lên.
Những tiếng tụng vang rập nhau, đều đều, càng phút càng lên cao, chừng như trong chốc lát nữa đây với cái đà tăng trưởng đó, tiếng tụng sẽ vang dội vùng Tung Sơn, lan đi ngoài mấy dặm đường.
Thiên Phàm Đại Sư đang ưu tư, trầm trọng, nghe tiếng kinh bất giác bình tĩnh trở lại.
Tâm tư bình tĩnh, đại sư nhận định thế cờ toan chọn không hợp, cũng may, quân cờ chưa đặt xuống mặt bàn, đại sư từ từ đưa cao tay trở lại trên không, rồi lần này, đặt quân cờ xuống thật sự.
Quân cờ đại sư hạ xuống, đúng chỗ quá, cục diện biến đổi liền, và giờ đây đến lượt Lam Đại Tiên Sanh thấy nguy.
Song phương lấn qua, dồn lại một lúc, cuối cùng thì đại sư thắng thế rõ rệt, còn Lam Đại Tiên Sanh càng phút càng mất hy vọng.
N Trong khi đó, những câu tụng kinh bằng Phạm ngữ bên ngoài vang lên đều đều, càng phút càng lớn.
Triển Mộng Bạch vụt kêu lên:
- Bất công!
Trong khung cảnh trầm tịnh như cảnh chết này, một hơi thở cũng còn nghe lọt, huống hồ một câu nói vang lên lồng lộng?
Triều Dương phu nhân vội đưa ngón tay trỏ áp miệng chàng chàng, đồng thời hừ nhẹ một tiếng.
Tuy bà ngăn chặn chàng làm huyên náo, song chính bà cũng hiếu kỳ, hỏi khẽ bên tai chàng:
- Bất công ở điểm nào?
Triển Mộng Bạch giải thích:
- Toàn thể môn nhân Thiếu Lâm Tự đang dùng một môn học bí truyền của Phật gia trợ lực đại sư, chính những câu kinh tụng lớn kia đưa cho âm thinh vào đây, giúp đại sư trấn định tâm thần, giữ chân khí được trầm ổn. Đồng thời, âm thinh đó cũng gây hoang mang nơi Lam Đại Tiên Sanh, nhiễu loạn tâm thần tiên sanh.
Triều Dương phu nhân cau mày, thầm nghĩ:
- Hắn nói đúng quá, Thiên Phàm Đại Sư là bậc cao tăng, nghe tiếng kinh thì lòng ổn tịnh, còn Tiểu Lam đâu phải là kẻ xuất gia, nghe tiếng kinh càng thêm bực dọc. Nghĩ ra, cái bọn trọc tại Thiếu Lâm Tự nầy, cũng cao minh lắm! Chúng ngầm tiếp trợ chưởng môn, mà không lộ một chứng tích nào. Ta dù biết vậy cũng chẳng có lý do gì nói được!
Bên trong, bà lo. Nhưng, bên ngoài, bà cười nhẹ, thốt:
- Chỉ vì, trước khi động thủ, song phương không có lập định cái điều cấm chỉ quần tăng gây tiếng động, vang đến tịnh thất bằng cách tụng niệm tập thể và lớn tiếng như thế nầy.
Bà dừng lại, suy tư một chút, lại hỏi:
- Tiểu huynh đệ có cách chi chăng?
Người áo vàng chen vào:
- Tự nhiên là có cách chứ. Song cái điều gây thắc mắc cho lão phu là lý do khiến cả hai trí mạng với nhau như vậy. Thắng rồi sao, bại rồi sao?
Triều Dương phu nhân chớp chớp mắt, đáp:
- Ngươi còn lạ gì cái tánh khí của Tiểu Lam? Lão ta có thể đem sanh mạng làm vật đánh cuộc, chỉ vì một lời nói nghịch lổ tai thôi.
Triển Mộng Bạch lắc đầu:
- Tại hạ không tin là sự tình quá đơn giản như phu nhân vừa nói đó. Bất quá, phu nhân không chịu nói thật cho bọn tại hạ hiểu vì lý do gì đó!
Chàng hừ nhẹ một tiếng, tỏ cái sự bất mãn, rồi tiếp:
- Bởi không hiểu được cái lý do cuộc đùa sanh tử nầy, tại hạ dù có cách chuyển nguy được thành yên, tại hạ nhất định không can thiệp.
Triều Dương phu nhân cười nhạt:
- Ai mượn ngươi can thiệp? Lẽ nào ta không có biện pháp sao?
Bà nói như vậy, bất quá để Triển Mộng Bạch đừng lên mặt, chứ bà thấy đang rối rắm lắm, làm gì có biện pháp thích hợp lại phát sanh trong đầu bà?
Trong khi họ đối đáp thì Thiên Phàm Đại Sư và Lam Đại Tiên Sanh vẫn mãi mê công thủ. Tại bàn cờ, cái thắng bại đã hiện rõ trước mặt.
Song cái thắng bại thấy bằng mắt, không quan trọng làm sao so với sự tranh chấp vô hình.
Sự tranh chấp vô hình, là song phương đấu chân khí, đấu chân lực kia...
Như đã nói, bất cứ một cuộc đấu nào trong hai cuộc, cũng phải có ảnh hưởng, có liên quan đến cuộc kia.
Tuy nhiên, giả như bại cờ trước, đấu thủ còn có thể vớt vát lại cuộc đấu vũ công, bất quá, hơi mất mặt một chút vậy thôi.
Chứ đã bại vì vũ công rồi, thì cầm như mất mạng.
Cho nên, cái bại hữu hình nơi bàn cờ không quan trọng bằng cái bại vô hình ở cuộc đấu chân khí.
Tóc của Lam Đại Tiên Sanh bắt đầu dựng đứng, từ nơi đỉnh đầu có nhiệt khí bốc lên...
Thiên Phàm Đại Sư vẫn giữ vẻ an tường nơi gương mặt, song ánh mắt như mờ dần đi.
Ánh mắt mờ, chứng tỏ nội lực không còn liên tục nữa.
Lưỡng hổ tranh đấu, tất hữu nhất thương, ở đây, có thể là cả hai cùng thọ thương, cả hai cùng tử thương.
Huống chi, muốn ngăn chặn họ, ít nhất cũng phải có công lực ngang họ, nếu không hơn.
Thử hỏi trên đời nầy, có nhân vật nào trên bậc họ về mặt vũ công?
Hấp tấm mà can thiệp, chẳng những không ngăn chặn được Lam Đại Tiên Sanh và Thiên Phàm Đại Sư, mà còn nguy hại đến bản thân mình nữa đấy.
Bởi, hai công lực kia, không chống đối nhau được bì sự can ngăn đó, sẽ dồn lại kẻ cản ngăn, thì người đó chịu làm sao nổi?
Bên ngoài, ai lo cứ lo, bên trong đấu cứ đấu, thời gian đi qua dù chậm, vẫn đi, và cả hai đấu thủ dù có cái vốn tu vi lớn đến đâu, đều tự tiêu hao dần dần, cái vốn đó cuối cùng sẽ cạn...
Bỗng, Triển Mộng Bạch dặng hắng lên một tiếng, rồi chàng thốt:
- Tại hạ muốn ca!
Triều Dương phu nhân trố mắt:
- Ngươi muốn ca? Ca gì?
Triển Mộng Bạch trầm giọng:
- Thì ca những bài đã thuộc, chứ ca gì? Hòa thượng tụng kinh vang lên như vậy, chẳng lẽ tại hạ không được ca vang lên?
Triều Dương phu nhân chớp chớp mắt, cười nhẹ mấy tiếng, đoạn đáp:
- Ngươi ca, chẳng bằng ta ca đâu. Có phải thế chăng?
Phu nhân chừng như đoán được cái ý của chàng định dùng tiếng ca, làm loạn tiếng kinh.
Triển Mộng Bạch gật đầu:
- Nếu phu nhân bằng lòng ca, thì còn gì bằng?
Triều Dương phu nhân đưa ngón tay ém gọn mớ tóc, đoạn cất tiếng ca.
Lời ca tỏ rõ cái tình lưu luyến của một đôi tình nhân, một bên tha thiết, một bên nửa nhận nửa khước từ.
Bài ca tầm thường, người thôn giả thường ca, song bà có âm thinh ấm dịu, ca lên nghe hay lạ kỳ.
Ca xong một bài ca, bà tiếp bài khác, dần dần gương mặt bà đỏ lên, phảng phất chính bà cũng bị nung nấu tâm tình bởi những bài ca đầy ý tứ đó.
Bây giờ, thần sắc của Thiên Phàm Đại Sư bắt đầu biến loạn rồi.
Cờ vẫn tiếp tục, song quân cờ trong tay đại sư đưa cao, lâu lắm mới hạ xuống, chứ không nhanh như trước.
Triển Mộng Bạch mừng thầm.
Chàng thấy cái mưu của chàng có hiệu quả.
Đó là chàng chỉ nhìn Thiên Phàm Đại Sư thôi. Đến lúc chàng nhìn qua Lam Đại Tiên Sanh, thấy ánh mắt của Lam Đại Tiên Sanh còn tán loạn hơn nữa, chừng như tâm thần tiên sanh bất an qua những lời ca đó.
Niềm khích động hiện rõ nơi gương mặt tiên sanh.
Triều Dương phu nhân thì nhắm mắt, chăm chú lời ca.
Triển Mộng Bạch kinh hãi, thầm nghĩ:
- Nguy! Không xong rồi!
Chàng trực nhớ ra, qua lời truyền thuyết của giang hồ, Triều Dương phu nhân và Lam Đại Tiên Sanh là đôi tình nhân qua nhiều năm tháng, chỉ vì một lý do gì đó, mà cả hai chưa chính thức lấy nhau.
Rồi bây giờ, phu nhân ca lên những bài ca có tánh cách yêu đương. Những bài ca đó nhắc nhở tiên sanh đoạn ân tình ngày trước, thành ra ý của phu nhân muốn nhiểu loạn tâm thần đại sư, đại sư chưa bối rối cho lắm, mà chính tiên sanh lại chập chờn giữa thật giữa mộng!
Đúng là muốn khéo thành vụng!
Bỗng, tiếng tụng kinh từ bên ngoài loạn lên và chen lẫn với những tiếng tụng kinh loạn đó là tiếng kêu lên thật là khiếp hãi...
Rồi sau đó, tiếng nạt, tiếng hét tiếp nối, và cuối cùng là tiếng chân người chạy gấp.
Một âm thanh lanh lảnh vang lên:
- Nhị muội ở đâu? Nhị muội!
Triều Dương phu nhân biến sắc, dừng ngay bài ca.
Người áo vàng cũng mở mắt ra.
Lão hỏi:
- Phải Liệt Hỏa phu nhân đó chăng?
Triều Dương phu nhân gật đầu.
Bên ngoài, giọng nói đó lại vang lên:
- Ra đây ngay, nhị muội!
Người đang gọi đó đang tiến về tịnh thất của Phương trượng.
Lam Đại Tiên Sanh hừ khẽ một tiếng, thần sắc trở lại tình tĩnh như cũ.
Thiên Phàm Đại Sư niệm Phật hiệu:
- A di đà Phật!
Đôi mắt của đại sư sáng rực lên.
Cả hai cùng thối, cùng hả hơi, cùng khôi phục định lực, nhưng vẫn nhìn vào cuộc cờ, không hề lưu ý đến những gì bên ngoài.
Triều Dương phu nhân nhìn ra phía cửa, thần sắc vô cùng khẩn trương, nhưng chẳng dám bước ra nghinh đón.
Triển Mộng Bạch lấy làm lạ, không tưởng bà ta quá sợ như vậy.
Mà người mà bà sợ, chính là chị ruột của bà, chứ có phải ai khác lạ đâu?
Không lâu lắm, bức rèm trúc được vẹt qua một bên, một bóng đỏ xuất hiện.
Bóng đỏ đó là nữ nhân, vận toàn đỏ, lướt như gió đùa.
Bóng đỏ đảo mắt nhìn quanh một vòng rồi quay qua Triều Dương phu nhân cười lạnh, thốt:
- Hay chưa! Người cùng Tiểu Lam lén lút đưa nhau đến đây đàm luận vụn vặt với hoà thượng!
Triều Dương phu nhân cười vuốt, đáp:
- Thơ thơ nhìn kỹ đi, có phải là cuộc đàm luận vụn vặt hay chăng?
Nữ nhân có gương mặt giống như Triều Dương phu nhân song mày hơi rậm, mắt lại sáng hơn.
Có cái gì sắc bén hiện ra nơi thần sắc của bà, chứng tỏ bà mau mắn, trong ngôn từ cử động.
Bà lại nhìn qua mọi người một lượt, điềm nhiên thốt:
- Dù gì đi nữa, các ngươi cũng không nên âm thầm đưa nhau đi như vậy.
Triều Dương phu nhân thở dài:
- Tiểu Lam nóng như lửa đốt trong mình, đến tìm tiểu muội, tiểu muội còn thì giờ đâu nữa mà bẩm báo với thơ thơ? Việc như thế đó, thơ thơ nở nào trách tiểu muội chứ?
Liệt Hỏa phu nhân cau mày, bước nhanh tới trước vân sàng, phất ống tay áo lên.
Bàn cờ rối loạn, quân văng tứ tung.
Rồi bà cao giọng thốt:
- Các ngươi ở đây, dàn cái cảnh như thế này, để làm gì? Hãy nói mau cho ta nghe đi?
Lam Đại Tiên Sanh và Thiên Phàm Đại Sư cùng giật mình, nhưng cả hai tay vẫn còn đưa cao, hai tay còn dán chặc vào nhau.
Liệt Hỏa phu nhân trừng mắt, hét:
- Lão hòa thượng! Ngươi cứ nắm tay Tiểu Lam định làm chuyện gì vậy chứ? Buông tay ra ngay. Cải lời ta, ta sẽ cho ngươi biết tay!
Thiên Phàm Đại Sư cau mày, niệm phật hiệu:
- A di đà Phật!
Bỗng, Lam Đại Tiên Sanh tung bổng người lên, lộn đi mấy vòng mới đáp xuống nền, đáp xuống đúng chiếc ghế đặt ở góc tường, gương tròn mắt nhìn sửng Liệt Hỏa phu nhân.
Rút tay về, lão sợ chưởng lực của Thiên Phàm Đại Sư bức dồn tới, cho nên lão phải tung bổng mình lên, lộn đi mấy vòng, chờ cho lực đạo của đối phương tự hóa giải rồi, lão mới dám đáp xuống.
Và lão cũng hóa giải công lực mình, cho nó trở lại bình thường.
Trước đó một chút, khi cục diện cực kỳ nghiêm trọng, từ Triều Dương phu nhân, người áo vàng, đến Triển Mộng Bạch, chẳng ai có phương sách gì phân khai hai đấu thủ.
Ai ai cũng hết sức lo lắng.
Nhưng sau đó một phút, cục diện hoàn toàn phá hủy, với sự xuất hiện của Liệt Hỏa phu nhân.
Triển Mộng Bạch vừa kinh hãi, vừa buồn cười!
Thì ra, tất cả đều là một sự đùa vui, dù trong cái đùa đó, sanh mạng con người chẳng có một giá trị.
Điều mà chàng không tưởng nổi, là sống đến cái tuổi xa trời gần đất, Liệt Hỏa phu nhân nóng nảy, vẫn ương ngạnh, như một đứa bé con!
Chàng cũng là một tay nóng nảy, song chàng đâu đến đổi quá vô lý như bà ta?
Tuy nhiên, chàng cũng phải nhìn nhận là nhờ sự vô lý của bà, một điều đáng tiếc lớn được ngăn chận trước khi xảy ra, ngăn chận rất kịp thời.
Liệt Hỏa phu nhân vẫn đứng tại chỗ, xoay nửa vòng thân trên hướng mắt về Lam Đại Tiên Sanh, cao giọng hỏi:
- Ngươi đến tìm nó sao chẳng gặp ta một chút chứ?
Nó, là Triều Dương phu nhân, bà vẫn cứ gọi như thường, với cái tiếng đó, bà không cần chọn một tiếng thỏa đáng hơn.
Lam Đại Tiên Sanh dửng cao đôi mày, giọng đáp cũng cao không kém Liệt Hỏa phu nhân:
- Ngươi là một con liễu đầu, bình sanh chuyên phá hoại sự việc của người, ta tìm gặp ngươi làm chi? Gặp ngươi, để ngươi tìm hiểu sự việc của ta, rồi theo dõi, rồi phá hoại, phải không? Ta không cho ngươi biết, ngươi còn làm hỏng việc của ta huống hồ ngược lại?
Liệt Hỏa phu nhân sửng sờ.
Lạ lùng thật! Với cái tính nóng nảy đó, đang lẽ bà ta phải nổi giận lên liền, không ngờ bà chỉ lộ vẻ kinh dị, rồi lùi lại ba bước, rồi ngồi xuống mép vân sàng, rồi cất tiếng khóc ồ ồ.
Khóc được mấy tiếng, bà lại gào lên:
- Được! Được! Ta tuổi tác như thế này, ngươi cũng cứ gọi ta là một liễu đầu! Được!
Ta là lão liễu đầu.
Bà lại khóc to hơn trước.
Lam Đại Tiên Sanh hừ một tiếng:
- Ngươi càng lão, tánh khí càng tiểu. Ngươi không là lão liễu đầu, mà chỉ là tiểu liễu đầu, ta nói tiểu!
Liệt Hỏa phu nhân càng khóc to hơn, khóc thảm thiết, vừa khóc vừa gào:
- Được! Được! Ta biết mà! Ngươi không ưa thích ta... ta... thà ta chết đi còn hơn! Ta còn sống làm gì chứ...
Lam Đại Tiên Sanh hét:
- Ta mời! Mời ngươi đó!
Triều Dương phu nhân vọt mình đến trước mặt tiên sanh, khẽ thở dài, trách nhẹ:
- Sao ngươi có thái độ đó đối với thơ thơ ta, hả Tiểu Lam? Ngươi làm cho thơ thơ ta quá thương tâm, mà chính ta cũng thương tâm luôn đó nhé!
Lam Đại Tiên Sanh hừ một tiếng:
- Ngươi yên trí, chẳng bao giờ bà ta dám chết đâu!
Triều Dương phu nhân dịu giọng:
- Ngươi còn giở cái giọng khiêu khích nữa sao? Bước tới mà tạ lỗi với thơ thơ ta đi!
Bước ngay đi, Tiểu Lam!
Lam Đại Tiên Sanh ngồi thừ người trên ghế, trầm lặng một lúc lâu, sau cùng đứng lên.
Triển Mộng Bạch mục kích thái độ của hai bà lão đối xử với nhau như vậy, không khỏi buồn cười.
Chàng không thể ngờ Lam Đại Tiên Sanh quật cường như thế mà lại chiều chuộng Triều Dương phu nhân, đến ngoan ngoãn chẳng khác nào một đứa bé con.
Chàng thầm nghĩ:
- Người ta nói, nhu khắc cương, nghĩ ra thật đúng!
Lam Đại Tiên Sanh đã đến trước mặt của Liệt Hỏa phu nhân rồi, lão đưa tay vỗ nhẹ lên đầu vai bà mấy lượt, rồi buông gọng:
- Úy!... Lỗi quá! Ta mắng sai!....
Cái câu tạ lỗi của lão có bao nhiêu đó thế thôi! Lão nhận là mình mắng sai, chứ lão không van cầu người bị mắng sai, tha thứ cho lão.
Triển Mộng Bạch thầm nghĩ:
- Một cách tạ lỗi mới mẻ thật!
Chàng hết sức ngạc nhiên khi Lam Đại Tiên Sanh chỉ nói lên mấy tiếng đó, mà Liệt Hỏa phu nhân ngưng khóc ngay, đã vậy bà còn cười hì hì.
Rồi bà thốt:
- Tiểu Lam ạ, chỉ cần ngươi đối tốt với ta, dù ngươi có mắng ta mấy tiếng cũng chẳng sao, mắng sai cũng chẳng sao!
Theo ai khác, thì ít nhất cũng phải vuốt ve thêm bằng một vài tiếng nhẹ, nhưng Lam Đại Tiên Sanh chỉ nói độc nhất có một câu cộc lốc, rồi quay mình, bước trở về chiếc ghế, ngồi xuống.
Ngồi xong, lão cao giọng trách:
- Vừa rồi, ngươi đã phá hỏng sự việc của ta, ngươi có thấy là phải tạ lỗi với ta không?
Trách cứ Liệt Hỏa phu nhân, thực ra Lam Đại Tiên Sanh không phải muốn cho bà tạ lỗi với lão.
Lão muốn cho bà tạ lỗi với Thiên Phàm Đại Sư, bởi cái việc họ đang làm, tuy đem sanh mạng đùa cợt, song kỳ trung chỉ là một cuộc đấu thân hữu.
Với tính cách thân hữu, cuộc đấu có gây hứng cho họ, bây giờ Liệt Hỏa phu nhân ngăn cuộc đấu, phá tan cái hứng đang lên của họ.
Như vậy là khiếm nhã với chủ nhân địa phương này.
Dù sao thì Lam Đại Tiên Sanh cũng biết trọng đại nghĩa giang hồ, lão có gàn đến đâu, cũng chẳng dám để mất tác phong của một bậc đại hiệp.
Liệt Hỏa phu nhân mường tượng một đứa bé con, đưa tay quệt qua đôi mắt lệ ráo rồi, rồi từ từ nhích bước tới gần Thiên Phàm Đại Sư, e ấp thốt:
- Lão... lão... đại sư, tôi... đắc tội với đại sư...
Thiên Phàm Đại Sư đang giữ cái vẻ trang nghiêm, trông thấy cả ba người tuy thuộc hàng tiền bối, song tánh khí còn khôi hài hơn bọn trẻ con, cũng phải điểm một nụ cười, đáp:
- Nữ thí chủ nói quá lời! Nữ thí chủ có làm chi đâu mà cho rằng đắc tội.
Nhưng, người áo vàng thì khác, lão không cho rằng sự việc đáng cười, miệng che dấu sau bức nạ, miệng lão ra sao, chẳng ai thấy được, chứ ánh mắt của lão chẳng hề biểu lộ một cái ý cười như những lần khác lão thường cười bằng mắt.