- Lục Tiểu Phụng ư?... Cái tên nghe quen quá nhưng không hiểu y là nhân vật như thế nào?
Hoa Mãn Lâu bật tiếng cười khoan khoái đáp :
- Y cũng là con người kỳ quái. Cô nương mà gặp y một lần rồi vĩnh viễn không quên được nữa. Chẳng những y có hai cặp tròng mắt, hai cặp lỗ tai, ba cánh tay, mà còn có bốn hàng lông mày.
Thượng Quan Phi Yến bụng bảo dạ :
- Hai cặp tròng mắt, hai đôi lỗ tai dĩ nhiên là để nói về con người trông nhiều nghe rộng gấp hai kẻ khác. Còn ba cánh tay có lẽ là nói y làm gì cũng mau lẹ hơn người.
Rồi nàng tự hỏi :
- Nhưng còn bốn hàng lông mày là ý nghĩa làm sao? Câu này thực khó hiểu.
Nàng quyết tâm rồi đây sẽ nghĩ cách gặp cho bằng được Lục Tiểu Phụng để coi bốn hàng lông mày của y thế nào?
Trời đã huỳnh hôn rồi nhá nhem tối.
Đây là lúc Long Tường khách sạn náo nhiệt nhất trong một ngày. Các bàn ghế trong phạn sảnh ở dưới lầu đều đầy khách. Gã tiểu nhị tên gọi Tiểu Bắc Kinh hầu khách vất vả đến lụt mồ hôi, và cổ họng cũng khan tiếng.
Trên lầu có hai mươi bốn phòng mà phòng nào cũng có khách.
Những tân khách phần đông là hảo hán giang hồ dắt đao đeo kiếm. Chẳng ai hiểu tại sao nơi đây thường nhật rất hoang lương quạnh quẽ mà bữa nay đột nhiên náo nhiệt.
Bất thình lình tiếng vó ngựa lộp cộp vang lên. Hai con khoái mã từ ngoài cửa lớn đi thẳng vào.
Tiếng ngựa hí khiến tòa nhà nhốn nháo cả lên. Hai đại hán áo xanh vẫn ngồi trên lưng ngựa điềm tĩnh không lộ vẻ gì.
Bên yên ngựa một con ngựa treo lủng lẳng đôi móc câu ánh ngân quang lấp loáng.
Người kỵ mã mặt đỏ tía râu xồm xoàm. Cặp mắt cũng lấp loáng có ánh sáng như đôi ngân câu, sắc bén dị thường.
Hắn đảo mắt nhìn bốn phía rồi ngó chằm chặp vào mặt Tiểu Bắc Kinh, trầm giọng hỏi :
- Người đó đâu rồi?
Tiểu Bắc Kinh đáp :
- Y còn ở trên lầu trong phòng có đề hiệu chữ “Thiên”.
Đại hán mặt đỏ tía lại hỏi :
- Cửu cô nương ở đâu?
Tiểu Bắc Kinh đáp :
- Cũng ở trên lầu quấn quít với y.
Hán tử mặt đỏ thúc vế một cái, rít chặt dây cương. Con ngựa vọt lên lầu như tên bắn.
Còn người kỵ mã kia hành động cũng mau lẹ.
Người này khuyết nữa vành tai bên trái, mặt có vết sẹo chạy từ tai bên trái sang tới khóe môi bên phải, khiến cho bộ mặt xám xanh càng thêm hung dữ, trông mà phát khiếp.
Con ngựa xông lên lầu, người kỵ mã nhảy vọt lên không lộn đi hai vòng rồi đột nhiên vung chân đá đánh “bình” một cái vào cái thang lầu ở bên cửa phòng có chữ “Thiên”.
Khi người này nhảy tới, trong tay đã cầm một cây phán quan bút đúc bằng thép nguyên chất.
Đột nhiên hắn đứng thộn mặt ra.
Trong phòng có một người mà là một nữ nhân.
Nữ nhân mình trần như nhộng, da trắng như tuyết, ngực như trái banh, cặp giò cũng rắn chắc.
Bất cứ nam nhân ngó thấy người đàn bà nầy cũng liên tưởng đến một người đàn bà nằm trên giường, nhưng hiện giờ thì lại ở trên nóc nhà.
Cái rường nhà rất cao. Thị nằm trên rường một cách bình yên coi chẳng khác một con mèo.
Thị không kêu la vì miệng bị nhét giẻ.
Hán tử mặt đỏ vung cây roi trong tay. Đầu roi khác nào con linh xà quấn lất túm giẻ trong miệng người đàn bà kéo ra ngoài. Thị bị nhét tấm khăn đỏ.
Đại hán mặt sẹo hỏi :
- Người kia đâu rồi?
Người đàn bà trên rường nhà thở mấy hơi rồi mới đáp :
- Hắn đi rồi. Dường như hắn nhận ra tiện thiếp là hạng người nào.
Đại hán mặt sẹo lại hỏi :
- Hắn đi về phía nào?
Người đàn bà trên rường nhà đáp :
- Nghe tiếng vó ngựa thì hắn chạy đến Hoàng Thạch trấn ở mặt bắc.
Thị vừa cười vừa nói tiếp :
- Các hạ hảy cho tiện thiếp xuống để cùng rượt theo hắn.
Đại hán mặt sẹo lạnh lùng hỏi :
- Có ai giữ cô đâu, chẳng lẽ tự mình cô không xuống được ư?
Hắn chưa dứt lời đã vọt đi.
Người đàn bà trên rường vội la :
- Tiện thiếp không xuống được. Quân chó đẻ đó đã điểm vào huyệt Hoàn Khiếu trên chân tiện thiếp.
Nhưng lúc này hai đại hán kia đã vọt qua cửa sổ ra ngoài. Ở dưới có người chuẩn bị hai con kiện mã khác đầy đủ yên cương chờ sẵn.
Hai đại hán vừa nhảy vọt lên lưng ngựa, hai con vật lập tức lao về phía trước nhanh như tên bắn.
Người đàn bà nằm trên rường nghe tiếng vó ngựa chạy đi, tức giận sắc mặt lợt lạt, đấm mạnh vào rường nhà, hằn học nói :
- Quân chó đẻ! Con mẹ nó! Cả mấy tên đều là quân chó đẻ.
Cửa nhà mở rồi, thị trông cặp chân trần của mình nghiến răng nói :
- Lần này không biết tên chó đẻ nào sẽ chiếm phần tiện nghi?
- Quân chó đẻ đó là ta.
Tiểu Bắc Kinh cười hì hì nheo hai mắt nhìn thị một cách mê ly, lại nhìn đến cặp đùi vừa trắng vừa dài. Cửa phòng đóng lại.
Hoàng Thạch trấn là một thị trấn lớn. Đây là một nơi kẻ chợ phồn thịnh và náo nhiệt.
Nhưng hiện giờ đêm đã khuya, mảnh trăng lưỡi liềm lạnh lùng soi xuống những phiến đá xanh lát đường.
Hai người kỵ mã chạy tới nơi, trên đường phố không ngó thấy người nào.
Đại hán mặt sẹo nhìn quanh trầm giọng nói :
- Ông bạn liệu hắn có dừng lại thị trấn này ngủ một đêm chăng?
Đại hán mặt đỏ tía đáp :
- Chắc có. Hắn cũng là người, đêm cần phải ngủ. Ai nấy đều biết hắn có tật trong lúc nằm ngủ...
Đại hán mặt sẹo hỏi :
- Nếu hắn ở lại thì ngủ ở đâu?
Đại hán mặt đỏ tía không ngẩm nghĩ gì cả đáp ngay :
- Minh Xuân Các.
Hắn nói tiếp :
- Minh Xuân Các là nơi có nhiều gái đẹp. Bao giờ hắn cũng phải ngủ với đàn bà. Đó là cái tật của hắn.
Đại hán mặt sẹo nói :
- Mỗi cá nhân đều có tật chẳng nhiều thì ít.
Những ngọn đèn lồng ngoài cửa lớn Minh Xuân Các hãy còn sáng tỏ. Ánh đèn dẫn dụ những người muốn đến hưởng thụ một đêm thật mê ly.
Cánh cửa nửa khép nửa mở.
Đại hán mặt đỏ giật cương một cái, con kiện mã tiến thẳng vào.
Một người đàn ông ốm nhắt, nước da vàng bủng đang ngồi trên chiếc ghế mây ở trong viện ngủ gà ngủ gật.
Đại hán mặt đỏ tía tay cầm roi ngựa đột nhiên quàng vào cổ y lớn tiếng hỏi :
- Đêm nay có chàng thanh niên khoác áo đại hồng nào đến đây không?
Người này bị đầu roi ngựa chịt cổ thở không thông, nói không ra lời, không ngớt gật đầu để đáp lại.
Đại hán mặt đỏ buông tha y rồi nói :
- Chàng ta còn ở đây không?
Người kia thở hồng hộc gật đầu mấy cái.
Đại hán mặt đỏ hỏi :
- Y ở phòng nào?
Người kia đáp :
- Y vừa cùng bốn người uống rượu ở Đào Hoa Sảnh. Bốn người luân lưu đổ rượu cho y say khướt.
Đại hán mặt sẹo động dung hỏi :
- Bốn người đó là nhân vật thế nào?
Người kia đáp :
- Bốn người đó tướng mạo rất dữ, nhưng đối với y lại tỏ ra rất lịch sự.
Đại hán mặt sẹo hỏi :
- Bọn chúng đâu rồi?
Người kia đáp :
Bọn họ đưa y vào phòng, đến bây giờ còn ở lại đó.
Đại hán mặt đỏ xoay đầu ngựa xông vào khu rừng đào. Ở mé tả trong Đào Hoa Lâm có Đào Hoa Sảnh đèn còn sáng trưng.
Đại hán mặt sẹo vọt người lên không xoay người đi chuồn vào. Hắn vung cước đá cửa hậu sảnh đường để mở ra.
Bỗng hắn đứng ngẩn người.
Trong phòng chỉ có bốn người.
Bốn người đang quì mọp ở trước cửa bỗng giật mình. Sắc mặt lợt lạt không còn chút huyết sắc, chúng vừa ngó thấy đại hán mặt sẹo, bất giác mặt đỏ bừng.
Bốn người này mặc xiêm áo rất hoa lệ, chắc ngày thường đều là những nhân vật quí phái, hiện bây giờ mặt bốn người đều bị vẽ hình rất thảm hại.
Người thứ nhất trên trán vẽ một con rùa, lại còn ghi bốn chữ “Ta là con rùa”.
Người thứ hai vẽ một con khỉ, cũng ghi bốn chữ “Ta là con khỉ”.
Người thứ ba vẽ con heo ghi bốn chữ “Ta là con heo”.
Người thứ tư vẽ con chó, ghi bốn chữ “Ta là con chó”.
Đại hán mặt sẹo đứng ở cửa phòng coi hình vẽ và chữ viết ở mặt bốn người không nhịn được đột nhiên nổi lên tràng cười rộ. Hắn cười đến nổi vẹo cả xương sống, trẹo cả quai hàm, tưởng chừng trên đời không có cái gì đáng tức cười hơn bốn người này.
Bốn người kia nghiến răng ken két trợn mắt lên nhìn đại hán mặt sẹo ra chiều phẫn nộ đến cực điểm, lại dường như hận mình chẳng thể nhảy lên cắn chết hắn cho hả nổi căm tức.
Bốn người vẫn quì mọp dưới đất, chẳng những chúng không nhảy vọt dậy được mà còn không thể nhúc nhích.
Đại hán mặt sẹo cười hỏi :
- Giang Đông tứ kiệt oai phong lẫm liệt bấy nay biến thành con khỉ, con rùa, con chó, con heo từ hồi nào vậy? Đây quả là một chuyện quái đản.
Đại hán mặt đỏ tía cũng cười hô hố, xông ra ngoài vỗ tay hô lớn :
- Hoan nghêng các vị đại gia vào đây coi bốn vị Giang Đông tứ kiệt lừng danh thiên hạ! Bất luận là ai vào đây ngó một cái, tại hạ cũng thưởng mười lạng bạc.
Bốn hán tử quì dưới đất, sắc mặt lúc lợt lạt, lúc xám xanh, mồ hôi lạnh toát ra nhỏ giọt.
Đại hán mặt sẹo nói :
- Gã tiểu tử đó tuy là quân chó đẻ, nhưng là hạng chó đẻ siêu quần.
Đại hán mặt đỏ cười theo :
- Chúng ta đi chuyến này thật không uổng.
Hai người đang cười nói đột nhiên dừng lại, vì chúng ngó thấy bên ngoài có người đang cúi đầu đi vào.
Một vị tiểu cô nương nhiều lắm mới đến mười bốn, mười lăm tuổi, tuy cô khắp người vàng đeo bạc quấn, đầy mặt phấn son, mà cũng không giấu được phong độ khả lân lại khả ái của đứa nhỏ.
Cô cúi đầu khẽ nói :
- Phải chăng hai vị muốn kiếm Lục đại thiếu gia?
Đại hán mặt sẹo trầm giọng hỏi :
- Sao ngươi lại biết?
Cô bé ấp úng đáp :
- Vừa rồi Lục đại thiếu gia tựa hồ say bí tỉ không biết gì nữa. Tiểu nữ ngồi bên lén uống thay đại thiếu gia hai chung rượu.
Đại hán mặt sẹo cười lạt nói :
- Xem chừng y có nhân duyên với nữ nhân không phải ít.
Cô bé đỏ mặt lên nói :
- Ai ngờ sau đó đại thiếu gia đột nhiên tỉnh táo lại. Y bảo tiểu nữ lòng dạ tử tế, nên cho tiểu nữ cái này bảo đem đến đưa cho các vị.
Đại hán mặt đỏ tía hỏi ngay :
- Y giao cho cô vật gì?
Tiểu cô nương đáp :
- Cái đó là một câu nói.
Đại hán mặt đỏ chau mày hỏi :
- Câu nói ư? Câu nói thế nào?
Cô bé đáp :
- Câu chuyện này trị giá ít nhất ba trăm lạng bạc, dù thiếu một đồng cũng không được. Y bảo nhất định đòi hai vị giao bạc trước rồi hãy chuyển câu đó cho nhị vị.
Chính cô bé dường như cũng biết là chuyện hoang đường. Cô chưa dứt lời mặt đã đỏ bừng lên.
Ai ngờ đại hán mặt đỏ tía chẳng thèm nghĩ ngợi, suy tính gì hết, lấy ra ngay ba tấm ngân phiếu, mỗi tấm một trăm lạng liệng trên bàn trước mặt cô bé rồi bảo :
- Hay lắm! Ta mua câu nói của cô!
Cô bé giương cặp mắt thao láo nhìn ba tấm ngân phiếu, tựa hồ không tin trong thiên hạ lại có chuyện hoang đường đến thế, bỏ ba trăm lạng bạc ra mua một câu nói.
Đại hán mặt đỏ tía nói tiếp :
- Cô lại đây! Nói nhỏ vào tai ta, chớ để bọn súc sinh trong nhà kia nghe rõ.
Cô bé ngần ngừ một chút, rồi tiến lại bên đại hán mặt đỏ ghé vào tai hắn nói :
- Đại thiếu gia bảo câu đó chỉ có chín chữ là “Muốn kiếm ta hãy tìm lão bản nương trước “.
Đại hán mặt đỏ cau mày, hắn chẳng hiểu ý tứ câu chuyện ra sao.
Trên đời lão bản nương thì biết bao nhiêu mà kể! Mỗi nhà quán, nhà hàng đều có lão bản nương, vậy biết kiếm ai bây giờ?
Cô bé bỗng lên tiếng :
- Đại thiếu gia còn dặn : Nếu hai vị không hiểu thì đưa thêm một câu nữa “Lão bản nương là người diêm dúa nhất thiên hạ”
Đại hán mặt đỏ sửng sốt, không hỏi gì nữa, vẫy đồng bạn một cái rồi rảo bước đi ra ngoài.
Đại hán mặt sẹo cũng ra theo. Đột nhiên hắn xoay mình chụp một cái hũ không tiện tay liệng vào nhà.
Cái hũ không rơi trúng chụp vào đầu người thứ hai quì ở cửa phòng.
Đại hán mặt sẹo cả cười nói :
- Thế này mới đúng là con tườu không hơn không kém.
Đại hán mặt đỏ hỏi :
- Trên đời những lão bản nương diêm dúa không phải là ít, nhưng người diêm dúa nhất là ai?
Đại hán mặt sẹo cau mày nói :
- Chẳng lẽ thằng lõi này muốn bắt bọn ta đến từng nhà quán, từng tiệm hàng tìm kiếm, lôi hết những mụ lão bản nương ra ngắm nghía từng mụ một?
Đại hán mặt đỏ trầm ngâm đáp :
- Bất tất phải làm thế.
Đại hán mặt sẹo hỏi :
- Chẳng lẽ huynh đài còn biện pháp nào khác?
Đại hán mặt đỏ ngẫm nghỉ một chút rồi đáp :
- Hoặc giả ta đã đoán được ý tứ câu nói đó.
Đại hán mặt sẹo hỏi :
- Ý tứ của lão thế nào?
Đại hán mặt đỏ tía cười hề hề hỏi :
- Chẳng lẽ huynh đài quên một nhân vật mang ngoại hiệu là Chu Đình?
Đại hán mặt sẹo cười rộ nói :
- Xem chừng mình cũng nên cho hắn đội một hũ rượu.
Chu Đình trước nay chưa từng làm một nghề gì mà cũng không mở điếm.
Hắn nhận thấy bất luận làm nghề gì hay mở quán mở tiệm cũng khó tránh khỏi có ngày thua lỗ nên không bao giờ hắn mạo hiểm.
Thực ra Chu Đình không buôn bán gì cũng còn có lý do là chẳng bao giờ hắn có đủ tiền để hành nghề.
Thế mà ngoại hiệu hắn kêu bằng lão bản.
Chu Đình là người rất hiểu hưởng thụ và đối với bất cứ ai cũng tỏ ra sáng suốt.
Hai nguyên nhân này khiến cho thịt trong người hắn mỗi ngày một tăng.
Con người béo mập bao giờ cũng lộ vẻ có nhiều phước khí. Người phước khí thì thành lão bản.
Vì thế nhiều người kêu hắn là lão bản.
Sự thực Chu Đình là người có nhiều phước khí.
Hình dáng Chu Đình tuy chẳng có gì khác biệt, nhưng được mụ vợ rất khôn ngoan và sắc sảo.
Suốt đời hắn chưa làm được việc gì ra trò mà được ở phòng ốc rất khoan khoái, mặc toàn quần áo được nghiên cứu kỹ lưỡng, uống những thứ rượu ngon nhất.
Hắn còn có điều cao ngạo hơn nữa là lười lĩnh hơn cả Lục Tiểu Phụng.
Cứ coi cái ghế thái sư của hắn vừa rộng vừa lớn, vừa êm ái cũng đủ biết một khi hắn ngồi vào ghế rồi thì trên đời ít có việc gì khiến hắn phải đứng lên.
Hắn cho là bất luận việc gì ở đời lúc sắp làm cũng nên dừng lại để suy nghĩ.
Suy nghĩ thông tỏ thì rồi thì bất cứ việc gì trên đời cũng làm được.
Cho đến ngày hôm nay hắn vẫn hưởng thụ sung sướng, vì hai bàn tay hắn tinh xảo phi thường, có thể làm nên nhiều chuyện kỳ quái.
Ai đã nghĩ ra sự vật gì là hắn có thể làm đúng như ý nghĩ.
Một hôm Chu Đình đánh cuộc với người khác là có thể làm một cây gỗ biết đi.
Kết quả đưa đến hắn được năm mươi bàn vây cá thượng hảo hạng, mười hũ rượu ngon lâu năm. Vụ này đã khiến thịt trong người hắn nặng thêm năm cân.
Hiện giờ hắn đang nghiên cứu cách chế tạo một cái diều giấy có thể đưa người lên trời.
Trước kia hắn đã nghĩ đến coi sự vật dưới đất, ngày nay hắn lại muốn đưa người lên trời.
Giữa lúc ấy hắn nghe bên ngoài có tiếng ngựa hí, rồi thấy hai đại hán áo xanh đi tới.
Lúc này đại hán mặt sẹo không đá cửa, vì cánh cửa đã mở sẵn.
Hắn xông vào, trợn mắt lớn tiếng hỏi :
- Lão bản nương ở đâu?
Chu Đình lạnh lùng đáp :
- Ông bạn muốn kiếm lão bản nương thì qua tiệm tạp hóa ở phía đối diện. Bên đó có lão bản nương.
Đại hán mặt sẹo hỏi :
- Ở đây cũng có. Các hạ là lão bản thì lão bà của các hạ là lão bản nương.
Chu Đình cười đáp :
- Lão bản nương nếu biết có người ở Thanh Y Lâu đếm kiếm mụ thì nhất định mụ rất lấy làm vinh hạnh.
Hắn nói vậy vì hắn đã nhận ra hai người này.
Thanh Y Lâu không phải là một tòa lầu. Thanh Y Lâu gồm một trăm lẻ tám tòa, mỗi tòa đều có một trăm lẻ tám người. Như vậy Thanh Y Lâu là một tổ chức thế lực cực kỳ trọng đại.
Thanh Y Lâu chẳng những người nhiều thế lớn mà cách tổ chức cực kỳ nghiêm mật. Vì thế bọn họ muốn làm việc gì chẳng mấy khi là làm không thành.
Hai người này đều là nhân vật ở Thanh Y Lâu và ở tòa lầu thứ nhất có họa hình.
Chẳng ai biết đệ nhất lâu ở Thanh Y Lâu là chỗ nào. Cũng chẳng ai nhìn thấy họa tượng một trăm lẻ tám bức vẽ.
Nhưng có điều bất luận là ai nhân vật được họa hình đều là người bôn tẩu giang hồ đã nhiều.
Đại hán mặt sẹo kêu bằng Thiết Diện Phán Quan...
Theo lời đồn thì người ngoài chém vào mặt Thiết Diện Phán Quan là lưỡi đao bị mẻ một miếng. Vì thế mới dùng hai chữ Thiết Diện để xưng hô nhân vật đó.
Ngoài ra còn có một người kêu bằng Câu Hồn Thủ. Cặp ngân câu của hắn quả đã bắt hồn nhiều người.
Chu Đình thủng thẳng nói tiếp :
- Đáng tiếc là hiện giờ mụ đang có việc khẩn cấp, e rằng không rảnh để tiếp các vị.
Thiết Diện Phán Quan hỏi :
- Việc chi khẩn yếu?
Chu Đình đáp :
- Mụ đang uống rượu với bạn hữu. Bồi tiếp bạn hữu uống rượu há chẳng phải là việc quan trọng nhất trong thiên hạ?
Thiết Diện Phán Quan hỏi :
- Người bạn của các hạ phải chăng họ Lục?
Chu Đình sa sầm nét mặt nói :
- Tôn giá nên nghe cho rõ. Họ Lục là bạn hữu của mụ chứ không phải của tại hạ.
Thiết Diện Phán Quan hỏi :
- Bọn họ uống rượu ở đâu?
Chu Đình đáp :
- Dường như ở nơi trú ngụ của gã tiểu tử kia tại Thanh Vân khách sạn.
Thiết Diện Phán Quan ngắm nghía Chu Đình từ trên xuống dưới rồi lại từ dưới lên trên mấy lần. Khóe miệng hắn bỗng lộ một nụ cười ác độc hỏi :
- Bà vợ của các hạ bồi tiếp một gã nổi danh là quỉ háo sắc, uống rượu ở khách sạn mà các hạ còn ngồi yên ở đây được ư?
Chu Đình hững hờ đáp :
- Muốn giữ con nít đi đái đi tiêu hay mụ vợ cố ý thầm vụng là không được đâu. Tại hạ không ngồi yên thì làm gì được? Chẳng lẽ nằm lăn ra mà kêu trời?
Thiết Diện Phán Quan cười hô hố nói :
- Các hạ quả là người hiểu đời! Ta khâm phục lắm.
Hắn thường hay cười lớn, có điều hắn tự biết mình cười càng đáng sợ hơn là không cười. Lúc hắn cười, cái mặt đầy sứt sẹo co rúm lại so với ác quỉ tại tòa miếu còn hung dữ hơn, kỳ bí hơn.
Chu Đình nhìn thẳng vào Thiết Diện Phán Quan hỏi :
- Tôn giá có vợ không?
Thiết Diện Phán Quan đáp :
- Không có.
Chu Đình cười hề hề nói :
- Tôn giá mà cũng có bà vợ diêm dúa xinh đẹp như mụ vợ của tại hạ thì tôn giá biết đời ngay.