Lão nhân sẽ đằng hắng tiếp lời: - Ngôi chùa đó đã bỏ hoang lâu năm, trong chùa chỗ nào cũng bị tàn phá và chỉ có một vị lão tăng một mắt. Đêm ấy lão tăng cho chúng tôi ngủ nhờ ở căn phòng mé tây. Cao Quang thấy lão nhân nói dài dòng, càng thêm sốt ruột, vừa chực lên tiếng giục thì Hoàng Vĩnh đã liếc mắt ra hiệu, đành hứ một tiếng hậm hực làm thinh. Lão nhân nhìn lại Cao Quang nói tiếp: - Có lẽ độ quá canh ba mưa gió càng lớn, bên ngoài sấm chớp ầm ầm, vị lão tăng tiếp đãi lão hủ đã sớm ngủ say. Lão hủ chợt giật mình tỉnh giấc vì tiếng sấm nổ rền trời, không còn lòng dạ nào để ngủ tiếp nữa, lão phu đi đến bên sông, định xem cái cảnh mưa gió bão bùng ngoài trời, không ngờ lão hủ lại nhìn thấy một việc lạ! Cao Quang nóng nảy giục: - Nói mau đi, còn ngập ngừng gì nữa. - Cái đó lão hủ không dám. Đưa tay vuốt mồ hôi trên trán tiếp lời: - Lão hủ đến bên song cửa, vừa đúng lúc đó một ánh chớp nhoáng lên. Soi sáng hai bóng người toàn thân đầy máu, trong tay đều cầm binh khí giữa cảnh mưa gió mù mịt nên khó phân biệt máu và mưa. Lão hủ vừa kinh hãi và cũng chưa nhìn rõ diện mạo của họ, nhưng thiếu nữ ấy mình mặc áo trắng lại nhuốm đầy máu tươi, nên xem rất rõ ràng... Hoàng Vĩnh vội ngắt lời: - Có thiếu nữ nữa sao? - Phải, họ là một nam một nữ. Thiếu nữ đầu óc rối bời, hình dung ghe rợn, hắn tuy đỡ lấy nàng nhưng thương thế có lẽ còn nặng hơn cả thiếu nữ. Lão hủ định thần rồi mới sực nhớ đến thương thế của hai người, cần phải trị liệu gấp, nếu muộn e sẽ khó bảo toàn tính mạng, nhưng vừa chực mở cửa dìu hai người vào phòng, hốt nhiên thấy lão tăng một mắt ấy đã đứng trên thềm đá trước đại điện lúc nào rồi. - Thế là lão tăng ấy có chữa trị thương thế cho hai người không? - Lão tăng hủ chỉ nghe thiếu nữ nói một tiếng, lão thiền sư mở lòng từ bi, rồi cùng với nam nhân ngã lăn xuống mặt điện, lão tăng một mắt sẽ thở dài ôm lấy hai người dậy, dìu vào trong gian đại điện. - Về sau ra sao? - Về sau lão hủ không được thấy gì nữa. - Đại phu đã không nhìn thấy, vì sao biết được lão tăng ấy chữa lành thương thế của hai người. - Lão hủ kinh hoàng vì việc đó nên suốt đêm thao thức, trằn trọc mãi cho đến lúc trời vừa tờ mờ sáng, cơn mưa tạnh hẳn, lão hủ liền xin cáo biệt ra đi, lúc trở về, thuận đường lão hủ có ghé vào tòa miếu hoang ấy xem xét kỹ lưỡng, vẫn không thấy điểm khả nghi nào. - Đại phu thấy xung quanh tòa hoang miếu ấy có những gì? - Lão hủ nghĩ rằng, lão tăng xuất gia ấy vốn lấy từ bi làm gốc nếu như một nam một nữ kia đã chết vì thương thế quá nặng vô phương cứu giải, lão hòa thượng tất sẽ chôn cất cẩn thận, nhưng tòa miếu hoang chưa hề thấy thêm mô đất mới nào, lão hủ mới đoán là thương thế của hai người đã bình phục rồi. Hoàng Vĩnh nghĩ ngợi giây lâu nói: - Đại phu có nhớ tên ngôi chùa ấy không? - Lúc đi thì lão hủ không chú ý, nhưng khi trở về lão hủ có xem qua ngôi chùa ấy có tên là Tiểu thiên vương. Hoàng Vĩnh lẩm bẩm: - Tiểu thiên vương tự. - Đúng vậy, lão hủ nhớ rõ lắm, quyết không thể lầm được. - Bây giờ làm sao đại phu biết chắc lão hòa thượng vẫn còn ở ngôi chùa ấy? - Điều này lão hủ thật khó trả lời, việc cách hơn mười năm trường, ngôi miếu hoang ấy lại không hương hỏa, biết đâu sớm đã tàn theo tro bụi của thời gian rồi và lão tăng một mắt ấy còn có ở trong chùa không, lão hủ không dám nói chắc? Hoàng Vĩnh lại hỏi vị đại phu về phương hướng, chỗ tọa lạc của Tiển thiên vương tự xong, bèn ôm lão nhảy xuống cây Du, trầm giọng nói: - Nếu như lão trượng muốn toàn gia được bình yên, đừng nên nhắc đến chuyện tại hạ mời lão trượng đi xem bệnh đấy. - Cái đó lão hủ hiểu rồi. - Được! Tại hạ đưa lão trượng ra khỏi rừng! Cao Quang nghĩ bụng: - Đại ca chỉ còn thoi thóp, cứ nghe lời nói huyên thuyên của lão già kia mà để cho lão ta đi, chẳng phải là quá mạo hiểm sao? Hoàng Vĩnh sau khi đưa lão đại phu ra đến bìa rừng liền quay trở lại. Chỉ thấy Cao Quang sắc mặt giận dữ ngồi một bên, lẩm bẩm nói: - Nếu đại ca có bề gì bất trắc, Cao Quang này dù có mất mạng cũng phải phóng hỏa thiêu rụi Phúc Thọ bảo. Hoàng Vĩnh vốn biết Cao Quang nóng tính, đang cơn khích phấn cũng không để ý đến, chỉ thò tay đặt trên ngực của Thiếu Bạch, tuy cảm thấy lồng ngực của chàng hô hấp yếu ớt, nhưng cũng không thấy có sự biến hóa gì kể từ lúc hôn mê bất tỉnh, nên cũng yên tâm quay sang Cao Quang sẽ nói: - Tam đệ, sự thế đã ra thế này có nóng cũng chẳng ích gì, hiện tại là làm sao chữa trị thương thế cho đại ca đây. - Phải đấy! Tiểu đệ cũng nghĩ thế, nhưng chữa trị như thế nào bây giờ, lão đại phu duy nhất ấy nhị ca đã đuổi đi rồi, hai chúng ta không thông biết y lý biết phải làm sao? - Đại ca bị trúng loại võ công ngoại môn tàn độc, lão đại phu ấy tuy là danh y, nhưng một là không thấy vết thương, hai là chưa thông hiểu nguyên do căn bệnh, bảo lão phải ra tay như thế nào? - Chẳng lẽ chúng ta cứ ngồi đợi xem thương thế đại ca phát tác mà chết hay sao? - Chúng ta hãy đi Tiểu thiên vương tự một chuyến xem sao đã. - Sự việc đã cách đây hơn mười năm, làm sao chắc được lão hòa thượng ấy vẫn còn ở trong hoang miếu. - Nếu như lão tăng chột mắt này là một vị cao nhân võ lâm đã qui ẩn thì trước khi chưa có người phát giác chỗ ẩn cư, tất vẫn còn ở đó. Cao Quang nhảy xuống cây nói: - Không thể chần chờ, hẳn đi trước đã, chậm một giây nào đại ca còn mất thêm một phần hy vọng sống thôi. - Không được, hiện giờ Phúc thọ bảo đang phái rất nhiều nhân thủ truy tầm nơi hạ lạc của ta, mà lúc này chúng ta lại đi tiểu thiên vương tự, ấy chẳng phải là tự tiết lộ hành tung đấy sao? - Vậy phải thế nào? Hoàng Vĩnh ngước mặt nhìn trời lẩm bẩm nói: - Nhưng như được trời xanh phù hộ, để cho đêm nay u ám... Ngừng một chút chàng nói tiếp: - Tuy vậy chứ mà hành động trong đêm tối, chỉ sợ cũng khó khỏi chạm mặt với người của Phúc thọ bảo, tam đệ hãy nghỉ ngơi giây lát vì có thể tối nay ta sẽ phải động thủ đấy. Cao Quang thấy cũng hữu lý, liền sẽ dạ rồi ngồi xếp bằng dưới gốc cây điều tức. Lúc ấy vừng hồng đã ngã về tây, màn đêm từ từ buông xuống, tạo cho khu rừng một cái vẻ âm u lạ thường. Hoàng Vĩnh bỗng thấy Thiếu Bạch, nhảy xuống cây, sẽ bảo: - Tam đệ, buộc chặt đại ca vào mình ngu huynh. Cao Quang làm theo bằng cách xé vạt áo ngoài, kết thành sợi dây vải, buộc chặt Thiếu Bạch vào lưng Hoàng Vĩnh. Hoàng Vĩnh lại chỉ rõ phái hướng và vị trí của ngôi Tiểu thiên vương tự cho Cao Quang, rồi tiếp: - Nếu như giữa đường gặp phải cường địch, anh em chúng ta mỗi người lạc một nơi, tam đệ cứ tìm đến ngôi hoang miếu ấy, và nếu như một ngày một đêm không thấy ngu huynh, tam đệ khỏi cần đợi nữa. Cao Quang ngạc nhiên, buộc miệng nói: - Tại sao thế? - Bởi vì nội trong một ngày một đêm, ngu huynh và đại ca còn chưa tới đó, tất đã gặp chuyện hung hiểm, khi ấy tam đệ khỏi cần đợi mà hãy tìm một nơi an toàn để ẩn náu cho qua... Cao Quang vội vã ngắt lời, nói: - Nhị ca sao lại nói thế, anh em chúng ta đã nguyện đồng sanh cộng tử, như quả nhị vị huynh trưởng có gặp bề chi bất trắc thì tiểu đệ làm sao có thể sống một mình ở cõi thế gian? Hoàng Vĩnh vốn biết rõ tính người em, dẫu có khuyên nữa cũng chỉ là vô ích, cho nên chàng nói: - Chúng ta đi thôi! Cao Quang sẽ đáp dạ, cao giọng tiếp: - Tiểu đệ xin khai lộ. Rút soẹt song bút, đi trước dẫn đường. Hai người không dám đi thẳng ngoài quan đạo, chỉ nương theo bóng đêm, len lỏi trong những lối hoang. Cho nên lộ trình đến Tiểu thiên vương tuy không đầy mười dặm, nhưng hai người vì phải đi vòng, lúc chạy lúc nghỉ để tránh tai mắt của địch nên đến nơi vừa mất đúng hai canh. Quả nhiên như lời đại phu, ngôi Tiểu thiên vương tự tọa lạc ngay giữa cánh đồng cỏ hoang vu, trong vòng vài dặm không thấy một nóc gia. Bây giờ hai cánh cửa miếu sơn đen đã đóng chặt, gió từ muôn phương thổi về làm dao động hai cây bạch dương trước miếu, cành lá chạm vào nhau soàn soạt, càng làm tăng thêm cái vẻ hoang lương, lạnh lẽo của tòa cổ tự. Cao Quang tiến lên, vừa chực đưa tay gõ cửa, Hoàng Vĩnh đã kéo tay người em, sẽ giọng nói: - Chúng ta nhảy tường vào thì hơn. Tung vút người lên, bấu lấy đầu tường rồi mượn sức nhảy vào bên trong. Cao Quang cũng theo bén gót. Hai người vừa hạ chân xuống đất, Cao Quang liền sẽ nói: - Nếu quả thật lão tăng ấy là một vị võ lâm tiền bối đã lui gót phong trần, chúng ta vượt qua tường vào thế này chẳng phải là bất kính lắm sao? Hoàng Vĩnh sẵng giọng hỏi lại: - Nếu như lão không muốn tiếp khách, nghe thấy tiếng chúng ta gõ cửa, lão trốn không chịu gặp, chẳng phải là ta đã phí công toi đấy à! - Nhị ca nói phải... Cao Quang đảo mắt nhìn quanh quất, không thấy một ánh đèn, liền nói: - Ngôi miếu này tuy không rộng nhưng cũng không dưới vài chục gian, chúng ta biết phải tìm lão tăng ấy bằng cách nào? - Chúng ta đành đi tìm từng gian một xem sao? Lời vừa dứt, thốt nghe có một giọng trầm trầm, truyền tới nói: - A di đà phật! Nhị vị thí chủ giá lâm tệ tự, không biết có điều chi chỉ giáo? Hai người ngẩng đầu nhìn lên, chỉ thấy trong màn đêm mông lung chập chờn như có một bóng người. Cao Quang cất bước chạy tới, đưa mắt nhìn kỹ, quả nhiên, đấy là lão tăng chột mắt, không nín được nên bật cười. Lão tăng sẽ thở dài nói: - Thí chủ vui vẻ quá, nhưng chẳng hay thí chủ cười gì thế? - Vãn bối nghĩ đến chuyện có thể gặp được từ nhan của lão tiền bối, thật không uổng chuyến đi... Đảo mắt, Cao Quang thốt thấy lão hòa thượng ấy tuy chột một mắt nhưng tướng mạo rất trang nghiêm, không thể khinh thường, diễu cợt nên chàng đổi sang giọng nói mát. Hoàng Vĩnh rảo bước đi tới trước, vòng tay vái dài một cái, nói: - Lão thiền sư mở lượng từ bi... Lão tăng đảo con mắt sáng quắc còn lại nhìn hai người, trầm giọng: - Nạn nhân bệnh trạng nặng lắm không? Cao Quang xen lời, nói: - Đại ca tại hạ nội công thâm hậu, nóng lạnh bất xâm, làm sao có thể sinh bệnh? Âu là người thọ thương. Lão tăng chiếu con mắt duy nhất, nhìn hai người giây lâu, gằn giọng nói: - Lão và nhị vị vốn không quen biết, sao nhị vị lại biết mà tìm đến Tiểu thiên vương tự này? Hoàng Vĩnh chột dạ nói: Chúng tôi được một vị lão tiền bối chỉ bảo, cho nên mới mạo muội tới đây, mong rằng lão thiền sư không nỡ hẹp lòng. Lão tăng sẵn giọng hỏi gọn: - Ai? - Tại hạ không được biết tánh danh lão tiền bối ấy... Lão tăng bỗng sa sầm nét mặt, ngắt lời: - Thí chủ thật không biết, hay là không chịu nói ra? - Lão tiền bối ấy chỉ bảo chúng tôi đến đây, cầu giáo tài thần y của lão thiền sư chớ chưa hề cho biết tên họ. Lão tăng ngẩng mặt nhìn trời, lẩm bẩm: - Các ngươi đã tìm tới đây, lẽ nào lão tăng không nghĩ đến đức hiếu sanh của Phật tổ mà không ra tay cứu độ. Hoàng Vĩnh nghiêng mình cảm tạ, nói: - Lão thiền sư bụng dạ từ bi, vãn bối xin hết lòng cảm kích. Cao Quang xen lời: - Nếu như lão thiền sư chữa khỏi được cho đại ca chúng tôi, Cao Quang này nguyện sẽ vái cao tăng làm sư phụ. Lão tăng chột mắt cười thảm đạm: - Tiếc là tuổi lão gần bảy nươi, cho nên sớm đã không thâu đồ đệ nữa. Đưa mắt nhìn sang Hoàng Vĩnh, lão nói tiếp: - Xin đi theo lão tăng! Nói xong lão tăng quay người đi trước dẫn đường. Hoàng Vĩnh và Cao Quang cũng vội cất bước đi theo lão tăng vòng qua gian đại điện, đến một căn thiền phòng lão chậm rãi bật quẹt lửa, đốt sáng ngọn đèn dầu. Căn thiền phòng này bày biện thật sơ sài, chỉ vỏn vẹn mỗi một chiếc giường gỗ, một kệ sách và một cái bồ đoàn đã cũ. Lão tăng đưa tay chỉ chiếc giường nói: - Hãy đặt tạm lệnh huynh xuống chiếc giường đó, để lão nạp xem xét thương thế ra sao đã. Hoàng Vĩnh cởi sợi dây vải đặt Thiếu Bạch xuống, Cao Quang cầm lấy chiếc đèn dầu, giơ cao tay. Lão tăng thủng thẳng bước tới bên giường, thò hai ngón tay đặt trên mạch cổ Thiếu Bạch, từ từ khép đôi mắt lại. Mãi giây lâu sau, lão mới hé mắt, nét mặt nghiêm trang: - Lịnh huynh bị người ta dùng Âm phong thấu cốt chưởng đả thương? - Phải, sau khi cùng người động thủ, mãi hồi lâu mới phát giác. - Lệnh huynh tuổi nhỏ mà có được công phu như thế, thật là hiếm có. Có lẽ cũng chính vì lệnh huynh nội công thâm hậu, cho nên sau lúc thọ thương vẫn còn có thể vận khí kháng cự với chất độc âm hàn ấy. Nhưng chỉ tiếc là lệnh huynh không biết kịp thời vận khí điều tức, đẩy lui chất hàn độc, đến nổi để cho chất độc ấy thừa cơ xâm nhập vào nội tạng mới gây ra căn bệnh trầm trọng như thế này. Lời của lão tăng nghe như hai tiếng sét lớn ở bên tai Cao Quang và Hoàng Vĩnh. Cao Quang thừ người ra, tay phải bất giác liền buông thỏng, đánh rơi tuột ngọn đèn dầu trong tay. Thấy vậy lão tăng vội vã thò tay chụp lấy. Hoàng Vĩnh buồn bã lên tiếng hỏi: - Nói như thế là không thể nào chữa trị được nữa sao? - Cái đó lão nạp không dám chắc, có thể cứu được hay không còn chờ xem sự biến chuyển đã. - Chỉ cần lão thiền sư chịu cứu mạng cho đại ca, chúng đệ tử xin cảm kích lắm rồi. Hai giòng lệ nóng từ từ trào khỏi đôi khóe mắt Hoàng Vĩnh. Cao Quang buồn bã nói: - Ba anh em chúng tôi tuy là khác tên khác họ, nhưng đã nguyện cùng nhau họa phúc đồng hưởng, lão thiền sư cứu đại ca, chẳng khác nào là đã cứu mạng cả ba anh em chúng tôi. Lão tăng ngước mắt nhìn lên giọng trầm trầm: - Lão đã nhận lời cứu chữa thương thế cho lệnh huynh, tất là phải cố hết sức mình, nhưng vết thương đã ăn sâu đến nội tạng, tình thế thật nghiêm trọng, chỉ sợ lão nạp đành bó tay, không thể nào vãn hồi được đấy thôi. - Lão thiền sư y thuật tinh thông như nếu không cứu được đại ca chúng tôi thì trên cõi đời này, còn ai là kẻ có thể cứu sống cho người. Lão tăng chột mắt sẽ thở dài nói: - Chất hàn độc trong nội tạng của lệnh huynh tuy rất lợi hại nhưng không phải là tuyệt không còn cách cứu chữa, có điều nếu thiếu hai vị thuốc, lão cũng đành thúc thủ. Hoàng Vĩnh vội cất tiếng: - Đó là những vị thuốc nào? - Ôi! Linh dược ấy, nhất thời biết tìm nơi đâu? - Lão thiền sư có thể cho anh em chúng tôi được mở thêm tầm kiến thức? - Dẫu có nói ra cũng vô ích, nhưng nhị vị thí chủ nhất định muốn biết lão tăng đành nói... Cất tiếng thở dài, đưa con mắt còn sót lại nhìn về phía giường giây lâu, mới tiếp: - Vị thí chủ kia thật là người có cốt cách luyện võ rất tốt, mà lão bình sinh mới được thấy qua. Đáng tiếc là trời xanh không có mắt, chứ như nếu lệnh huynh có thể sống thêm được hai mươi năm nữa, lão dám chắc là lệnh huynh sẽ trở thành một đệ nhất cao thủ trong võ lâm. Cao Quang xen lời hỏi: - Đại ca của tại hạ còn thiếu những vị thuốc nào, xin lão thiền sư cứ nói rõ ra để anh em đệ tử sẽ chia nhau đi tìm lập tức. - Muộn rồi, lão tuy muốn đem hết sức mình, không tiếc linh đơn phò trợ lệnh huynh một khẩu khí chân nguyên, cũng chẳng qua là lệnh huynh chỉ sống thêm được vài ngày. Trong vòng vài hôm ngắn ngủi ấy biết đâu tìm cho ra hai vị thuốc kia? - Xin lão thiền sư cứ cho biết đấy là những vị gì? - Vị thứ nhất là Tử viêm hoa, vị thuốc này thuộc về hành hỏa, có sức chế ngự âm hàn. Cao Quang ngạc nhiên ngắt lời: - Tử viêm hoa? Xin lão thiền sư cho biết hình dạng của nó ra sao? - Tử viêm hoa ấy có sắc tím, hình như cái bông mai, nhưng không biết chắc được nó nở vào mùa nào, và sinh trưởng ở đâu nên chi khó tìm lắm. Cao Quang giật mình nghĩ bụng: - Nói như thế, nó thật là giống đóa hoa tím mà ta đã hái ở khu rừng dạo nọ. Lòng nghi ngại, chàng buộc miệng: - Đóa hoa tím ấy có hương vị gì không thưa lão thiền sư? Lão tăng lắc đầu nói: - Cũng chính vì nó không có hương vị, cho nên người thường có gặp, cũng không thể nào hiểu được nó là vật quí giá. Cao Quang đằng hắng hỏi tiếp: - Loài Tử viêm hoa ấy, chim chóc có thích ăn không? Lão tăng sẽ chớp chớp con mắt duy nhất như thể nghĩ mông lung: - Tất nhiên, vì luận về sự phân biệt loại kỳ hoa dị thảo, con người khó sánh được bằng chim. Cao Quang thò tay vào người, rút ra hai đóa hoa tím mới hái hôm nọ nói: - Lão thiền sư thử xem, đây có phải là loại Tử viêm hoa như lời người nói? Lão tăng vừa nhìn thấy đóa hoa tím trong tay Cao Quang, bất giác ngẩn người sửng sốt nói: - Đúng rồi, ấy chính là loài Tử viêm hoa, vị thuốc có sức chế ngự chất hàn độc, thí chủ đã hái được ở đâu thế? - Nếu như lão thiền sư chữa trị được thương thế đại ca chúng tôi, tại hạ nguyện xin dẫn đường cho thiền sư đến đấy. Lão tăng chậm rãi ngồi xuống, sẽ lẩm bẩm: - A di đà phật, lão tăng tọa thiền đã bốn mươi năm, làm sao vẫn chưa dứt được lòng tham sân si ấy chứ! Hoàng Vĩnh thấy lão tăng thốt nhiên thần sắc trang nghiêm, bất giác hoảng hốt nghĩ bụng: - Nếu như lão hòa thượng này sanh lòng cố chấp, không muốn quản đến chuyện phàm trần nữa thì thật là rắc rối. Nghĩ vậy, chàng bèn nói: - Lão thiền sư, giờ đã có được loại Tử viêm hoa, hẳn có thể chữa trị thương thế cho đại ca tại hạ được chứ? - Chưa đủ, vẫn còn thiếu một vị thuốc chủ yếu nữa! Cao Quang nóng nẩy xen lời: - Còn thiếu vị thuốc nào nữa, thưa lão thiền sư? Lão tăng liếc mắt nhìn Cao Quang, cao giọng: - Vị thuốc này tuy không giống như loại Tử viêm hoa nhưng nói ra cũng không phải là dễ tìm đâu! Hoàng Vĩnh chột dạ nghĩ bụng: - Giọng nói của lão tăng này hòa hoãn như thế, tất phải là vật khó tìm lắm. Cao Quang nóng nẩy, lên tiếng giục: - Xin lão thiền sư cho anh em chúng tôi được biết rõ hơn. - Đây là loại kim vỹ ly ngư sống trên ba trăm năm. Hoàng Vĩnh nghĩ ngợi giây lâu nói: - Đại ly ngư còn có thể tìm được, có điều, con đã sống trên ba trăm năm biết phải phân biệt bằng cách nào? - Loại cá ly này chia ra làm mười ba loại, thương thế của lệnh huynh chỉ cần loại kim vỹ ngư là đủ. Hoàng Vĩnh trầm ngâm nghĩ bụng: - Chắc hẳn loại kim vỹ ngư này toàn thân đều màu vàng. Lão tăng dường như đã đoán được điều thắc mắc của Hoàng Vĩnh cho nên, không đợi chàng kịp hỏi, lão nói nhanh: - Loại kim vỹ ly ngư mà lão nạp nói là một trong mười ba loại cá ly. Lúc sinh ra, đuôi nó đã có những đường chỉ vàng, theo thời gian các sợi chỉ vàng đó càng thêm đậm, lẽ ra phải gọi là kim tuyến ly mới đúng, nhưng người thường vẫn quen gọi là kim vỹ ly thôi.