Ý tưởng điều tra kẻ sát hại mẹ lại lởn vởn trong tâm: - Ta phải dò la cung An-toàn xem, biết đâu chẳng tìm ra ánh sáng ? Nghĩ vậy, Thủ-Độ mang rơm cuộn lại thành bó như hình người, đặt vào chỗ nó vẫn nằm ngủ, lấy chăn phủ lên. Như vậy nếu có ai kiểm soát, vẫn tưởng nó ngủ. Nó lén lên phòng viên thái giám gia Đỗ Viện, lấy trộm bộ quần áo mặc vào. Nó lại lấy cái mặt nạ quỷ Vô-thường, dùng mực bôi đen nửa mặt bên trái, lấy son bôi đỏ nữa mặt bên phải, lấy vôi bôi trắng cổ, trán. Nó đeo thử. Nhìn vào gương, nó thấy mình ba phần giống người, bẩy phần giống quỷ. Nó bật cười, rồi hướng Hoàng-thành, dùng khinh công phóng tới. Nó biết tại góc Đông thành, không có thị vệ gác, nó hít một hơi, rồi tung mình nhảy qua tường, đáp vào trong nhẹ nhàng. Nó nhắm cung An-toàn là nơi Hoàng-hậu ở dò dẫm tới. Bên ngoài cung, có một thị vệ đứng gác. Nó len lén đến phía sau y. Thình lình y quay lại, thấy nó. Y tưởng là quỷ, kinh hoảng y ngất xỉu. Thủ-Độ phóng chỉ điểm vào huyệt Á-môn của y. Nó dấu y vào bụi hoa, rồi tung mình nhảy lên nóc cung. Nó vận âm kình dùng ngón tay sẽ chọc một lỗ, ghé mắt nhìn xuống : Bên trong, Đàm hoàng hậu ngồi trên một cái ngai, chạm hai con phụng. Bà im lặng đọc sách. Cạnh bà, Gia-thụy ngũ anh ngồi trên năm cái ghế. Có tiếng trong trẻo của ai đó nói : - Trung-thu sang năm, Hoàng-thượng mở cuộc thí võ. Ai trúng tuyển sẽ được bổ nhiệm làm quan võ, thay cho bọn tướng sĩ già nua. Như vậy, mai này Sảm nhi lên ngôi, sẽ có nhiều thiếu niên anh tài phò tá. Thủ-Độ hướng mắt theo tiếng nói, thì thấy một đạo cô ngồi trên chiếc sập sơn son thiếp vàng. Bất giác nó cau mặt nghĩ : - Người này là ai, mà đẹp đến thế kia ? Bà ta đẹp không kém gì mẹ ta, hơn cả Đàm hoàng hậu. Có lẽ chỉ thua có chị Kim-Dung con bác Lý mà thôi ! Chợt nó nhớ lại: Hồi mới vào ở trung cung của bà ngoại nó, nó có gặp đạo cô này một lần. Cung nga Thụy-Nga giảng cho nó biết rằng, đạo cô này có tên Nam-thiên huyền quân. Bà là sư phụ của nhà vua với hoàng-hậu. Nhà vua đã lấy cung Ngọc-lan của Tuyên-phi thời vua Nhân-tông, sửa thành am cho bà tu luyện. Trong am Ngọc-lan, nhà vua cung cấp cho bà đầy đủ cung nga, thái giám như một thái-hậu. Các võ quan cầm binh quyền hiện thời như Đoàn Văn, Nguyễn Nộn, Phạm Bỉnh-Di, Quách Bốc đều là đệ tử của bà. Uy tín bà cực lớn, bất cứ hoàng thân, quốc thích, đại thần nào thấy bà cũng phải rạp người xuống. Đạo-cô hỏi Hoàng-hậu : - Chiếu chỉ dự tuyển bao nhiêu người ? Thể thức ra sao ? - Tâu mẫu hậu, chiếu chỉ định rõ như sau. Các sĩ tử trong nước chia làm hai loại. Một là loại dân dã. Hai là con cháu trong Hoàng tộc, Ngoại-thích, con các quan. Trước hết là loại dành cho dân gian. Các trấn, các phủ các huyện tổ chức sơ tuyển. Môn thi gồm cả văn lẫn võ. Sau đó tất cả thí sinh phải về Thăng-long thi hội. Thi hội do Binh-bộ đảm trách, lấy trúng tuyển 72 dũng sĩ. Còn thí sinh trong Hoàng-tộc thì do quan Tổng-lĩnh thị vệ Đoàn Văn tuyển chọn, rồi cho thi hội, cũng tuyển 72 dũng sĩ. Đến ngày rằm tháng tám, thì tatá cả 144 dũng-sĩ cùng vào thi đình thí. Đình thí sẽ do Hoàng-thượng đích thân chấm, cùng với ba giám khảo là Kiến-khang vương, Kiến-bình vương, Đại-đô đốc Phùng Tá-Chu. Trong 144 dũng sĩ, sẽ lấy 36 Tiến-sĩ dân gian, 36 Tiến-sĩ Hoàng-tộc. Cuối cùng trong 36 Tiến-sĩ đó sẽ lấy ba người đỗ Trạng-nguyên, Bảng-nhãn, Thám-hoa dân gian, và ba Trạng-nguyên, Bảng-nhãn, Thám-hoa Hoàng-tộc. Đạo-cô đưa mắt nhìn bọn Long-Sảm : - Trước đây ta để cho đệ tử của ta là Phạm Bỉnh-Di, Quách Bốc dạy các cháu, thành ra Trung-thu năm trước, Sảm nhi mới bị tên giặc non làm nhục. Sau đó các cháu đánh nó bị trọng thương, làm hỏng việc của ta. Ý ta muốn lưu nó trong cung, làm nó nhục nhã, ê chề, sống không nổi chết không xong. Thế nhưng các cháu lại đánh nó quá tay, đến nỗi nó chết đi sống lại. Bây giờ nó ra sao ? Thủ-Độ giật mình: - Thì ra họ đang nói chuyện mình! Nó quy tức, lắng tai nghe, tự hỏi: - Mụ này là một đạo cô, mà giọng nói hách dịch như thái hậu vậy? Có gì bí ẩn không? Nguyễn Dư thuật lại những phương cách chúng đã hành hạ Thủ-Độ một lượt. Đạo-cô cau mày : - Ta ra lệnh cho các cháu làm nhục nó mà các cháu đánh đến nỗi nó bị nội thương. Ta nghe tên Vũ Phòng-Phong chữa bệnh cho nó nói rằng chỉ nội trong tháng này nó sẽ chết. Hà... như vậy thì sao có thể dụ bố nó về nước để ta xử lăng trì về tội vi chỉ ? Long-Sảm xua tay : - Tâu tổ mẫu, hài nhi thấy dường như nó khỏi bệnh rồi, vì khi đi, lúc gánh phân, nó không tỏ ra đau đớn gì cả! Thủ-Độ cau mặt suy nghĩ: - Tại sao Long-Sảm lại gọi đạo cô là tổ mẫu? Người mà Long-Sảm phải gọi là tổ mẫu chỉ có Chiêu-Linh thái hậu mẹ đẻ ra Thái-tử Long-Xưởng và Chiêu-Thiên thái hậu, mẹ đẻ nhà vua. Cả hai bà đều băng hà rồi! Đạo-cô này là ai? Đạo-cô lên tiếng: - Có thực thế không? Một người bị đánh dập lá lách, dập gan, nghẽn tâm mạch mà khỏi được sao? Thôi cũng được! Bây giờ ta có chỉ dụ cho năm cháu! Cả Gia-thụy ngũ anh đều ngồi ngay ngắn lại: - Bọn thần nhi xin kính cẩn nghe chỉ dụ của tổ mẫu! - Từ hôm mấy cháu bị nó đánh bại ở quán Bích-động đến giờ, các cháu có thấy nó luyện võ công không? - Không! - À được đấy! Như vậy bản lĩnh của nó cho đến rằm tháng tám sang năm cũng không thay đổi. Trong khi đó, suốt mấy tháng qua, ta âm thầm luyện võ cho các cháu. Vậy các cháu phải luyện ngày, luyện đêm, sao cho đến rằm tháng tám sang năm, ba cháu Bỉnh-Du, Nguyễn Dư, Đoàn Thượng phải đoạt giải trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Còn Long-Sảm, ta sẽ cho tái đấu với thằng giặc non đó. Cháu phải thắng nó, làm cho nó nhục nhã trên đài, đánh cho nó thành tàn tật. Như vậy, dù nín nhịn đến đâu, bố nó cũng phải về nước, cũng phải xuất hiện. Bấy giờ ta sẽ xử lăng trì y... Hôm nay, ta dạy các cháu luyện bộ Hoa-sơn chưởng pháp. Nói dứt bà ta giảng yếu quyết, cách vận công, cách biến hóa. Sau đó bà từ từ diễn từng chiêu một. Bọn Gia-thụy ngũ anh cũng luyện theo bà ta. Luyện một lúc, đã thuần thục, bà ta ra lệnh: - Bây giờ các cháu bắt đầu vận khí phát chiêu. Trước hết là chiêu Thương-tùng nghênh khách. Cả Gia-thụy ngũ anh cùng phát chiêu. Nhưng chân khí không ra. Đạo-cô bực mình: - Ta đã giảng, khi phát chiêu đầu thì khí trầm đơn điền, rồi đưa xuống hạ tiêu, thì lực mới ra. Làm lại! Năm đứa hít hơi, vận khí. Nhưng lực cũng không ra. Đạo-cô không tỏ ra bực mình: - Các cháu phải biết rằng, đây là bộ chưởng vô thượng của Trung-nguyên. Không phải ai cũng luyện thành. Khi thành rồi, thì trở thành anh hùng vô địch. Năm trẻ lại vận khí, nhưng lực vẫn không ra. Chúng phải luyện đến hơn hai khắc sau, chưởng mới có gió. Đạo-cô an ủi: - Nếu bộ chưởng này dễ luyện, thì ai cũng thành vô địch cả sao? Phàm đệ tử học chưởng này, chia làm hai bậc. Bậc một chỉ học chiêu số, phát lực thôi. Sau khi các cháu luyện thành rồi, ta mới giảng Dịch-lý áp dụng, cùng biến hóa Cửu-cung trong Vô-trung kinh, đấy mới là cái ảo diệu. Bây giờ các cháu trở về tự luyện. Trong ba ngày nữa, các cháu vào đây để ta kiểm lại. Bà ta hỏi Đoàn Thượng: - Phụ thân cháu đã tìm ra ngôi mộ đó chưa? - Thưa, rồi! - Ở đâu? - Ở Mê-linh, trong khu mộ dành cho liệt tổ phái Mê-linh. Người đàn bà áo vàng đập tay xuống sập, hỏi Đàm hoàng hậu: - Sao? Sao? Sao lại chôn ở đó? Mặt Đàm hoàng hậu tái xanh, bà nói bằng giọng run run, tỏ ra cực kỳ sợ hãi: - Hồi ấy, Hoàng-thượng ban chỉ đem về Cổ-pháp chôn vào khu vực dành cho con cháu trong hoàng tộc. Song Thái-phi Bùi Chiêu-Dương xin đem về quê ấp phong của thị ở Côi-sơn chôn. Thần nhi ban mật chỉ cho bọn thái-giám Phạm Bố, Đỗ Quảng đem một cỗ quan tài giả, trong chỉ có khúc gỗ, đưa về chôn ở Côi-sơn. Còn quan tài thực, thì đem quẳng xuống sông Hồng. Không ngờ hai hôm sau quan tài nổi lên, trôi vào bãi sông đền thờ vua Trưng. Một số đệ tử Mê-linh thấy quan tài lạ dạt ở bãi Đồng-nhân, thì cho rằng thi thể người trong quan tài được vua Trưng phù hộ, vì vậy, họ đem về Mê-linh chôn. Nghe đối đáp, Thủ-Độ kinh hoàng, vì nó biết rằng người ta đang nói đến việc chôn cất mẹ nó. Hồi ấy nó còn nhỏ, mẹ nó bị giết, rồi đem chôn cất vội vàng. Tuy nhiên nó cũng được theo linh cữu về Côi-sơn. Sau Bùi thái phi cho nó biết linh cữu đó là linh cữu giả. Còn linh cữu thực, thì Đàm hậu đem quẳng xuống sông... rồi nổi lên ở đền thờ vua Trưng. Rồi phái Mê-linh đem về tổng đường của phái này ở núi vua Bà chôn vào một nơi bí mật. Họ lại làm một mộ giả, để đánh lừa kẻ thù. Nó nghĩ thầm: - Người đàn bà mặc áo vàng là ai? Võ công bà ta đến trình độ nào, mà lại miệt thị bọn Phạm Bỉnh-Di ? Tại sao bọn Gia-thụy gọi là Thái-hậu? Tại sao Đàm hậu tỏ ra sợ hãi bà ấy như vậy? Cho đến nay, cái chết của mẹ ta chưa hé lộ một chút ánh sáng! Mẹ ta tuân chỉ của nhà vua, về để xây dựng lại kỷ cương Xã-tắc, rồi bị giết, có thù oán gì với Đàm hậu, mà bà lại quẳng linh cữu xuống sông? Đao-cô hất hàm ra lệnh cho Đàm hoàng hậu: - Ta tính số Tử-vi của thằng giặc non thì thấy cung phúc của nó đóng tại Tuất, có Thái-âm tọa thủ. Như vậy, nó được hưởng phúc ngôi mộ của mẹ nó. Ngôi mộ mẹ nó chắc là kết phát tốt lắm, nên các người đánh nó như vậy, mà nó vẫn sống nhăn. Bây giờ thế này: Người ban chỉ cho Đàm Dĩ-Mông mật sai người đi Mê-linh, đào mả mụ ấy lên, bỏ vào đó một con chó đen chết. Như vậy thì thằng giặc non không thể chết, nhưng đời đời, nó là một tên tàn tật, làm tôi tớ mà thôi. Bà ta nghiến răng: - Phải làm ngay, mả mẹ nó bị động, thì trong cuộc đấu võ ngày tết Trung-thu sắp tới, Long-Sảm mới thắng nó. Đàm hoàng hậu líu ríu : - Thần nhi kính cẩn tuân chỉ của mẫu hậu ! Đến đấy, đạo cô đứng lên. Đàm hậu cùng Gia-thụy ngũ anh rạp người xuống tiễn đưa. Đạo-cô vẫy tay : - Miễn lễ ! Rồi mụ ra khỏi cung An-toàn. Thấp thoáng một cái, mụ đã biến vào trong bóng đêm. Thủ-Độ nhảy xuống vườn, rồi dùng khinh công theo mụ bén gót. Tới am Ngọc-lan, nó ẩn vào sau bụi mẫu đơn nghe ngóng. Không thấy có thị vệ canh phòng bên ngoài, nó tung mình lại bên cửa sổ, dùng ngón tay chọc thủng giấy, ghé mắt nhìn vào, bất giác nó rùng mình: Đạo-cô trần truồng. Bà ta đang nằm gọn trong tay một người đàn ông cũng trần truồng. Người đàn ông đó chính là quan Tổng-lĩnh thị vệ Đoàn Văn. Thủ-Độ tự hỏi: - Cứ như ta biết, thì Đoàn Văn là em sữa của nhà vua. Nhờ nuôi sữa nhà vua hồi trước, mà mẹ của Văn hiện được phong tới nhất phẩm phu nhân. Lúc Văn mới mười lăm tuổi được tuyển làm trưởng toán thị vệ canh giữ Hoàng-thành. Dần dần, Văn được cất nhắc lên chức Tổng-lĩnh thị vệ. Gần đây vợ của Đoàn Văn lại nuôi sữa Long-Sảm. Thành ra Đoàn Thượng với Sảm lại thành anh em sữa. Văn với Phạm Bỉnh-Di, Quách Bốc đều là đệ tử của Nam-thiên huyền-quân đạo cô. Thế sao y với đạo cô lại ??? Thủ-Độ tuy thông minh, lại trải qua những nhục nhằn, những nguy nan, nên nó đã khôn ngoan như một người trưởng thành. Thế nhưng, chuyện trai gái thì nó không biết một chút gì! Nó nghĩ thầm: - Không biết đạo cô với Đoàn Văn đang luyện tâm pháp thượng thừa gì ? Đoàn Văn là đệ tử của đạo cô, chắc đạo cô trực tiếp truyền chân khí cho đệ tử giống như khi xưa Bồ-tát Sùng-Phạm đã truyền cho phò mã Thân Thiệu-Thái đây. Thấy trời về khuya, nó dùng khinh công trở về Đông-cung. Chợt nhớ đến bộ chưởng Hoa-sơn, mà đạo cô nói rằng đó là bộ chưởng trấn môn của phái này ; bây giờ bà ta đem dạy Gia-thụy ngũ anh. Nó vận khí, rồi luyện thử. Không khó khăn, nó chỉ hai lần thì thành công. Nó nghĩ thầm : - Trước đây ta nghe bố mẹ ta thường bàn rằng: Bộ Hoa-sơn chưởng này uy vũ thực không tầm thường, chính nó làm cho phái Hoa-sơn lừng danh Trung-nguyên ! Nếu so sánh với bộ Phục-ngưu thần chưởng của phái Tản-viên, Mục-ngưu thiền chưởng của Bố-Đại hòa thượng, Đông-A chưởng pháp của phái Đông-A, thì bên tám lạng, bên nửa cân. Nó chỉ thua bộ Tán-lạc hồn chưởng của công chúa Bảo-Hòa mà thôi. Đã vậy ta luyện thực kỹ, khi cần ta xử dụng để không ai nhận ra chân tướng của ta. Đạo cô nói rằng khi phát chiêu rồi, mà vận khí, biến hóa theo Cửu-cung bát quái, đó mới thực là cái ảo diệu. Hồi chiều ta đã được cô Bạch-Hạc dạy Thiên-la thập bát thức, biến hóa theo Dịch-lý. Bây giờ ta đem ra luyện Hoa-sơn chưởng thử xem, biết đâu chẳng thành công ? Chân nó bước theo Hậu-thiên bát quái, tay phát chiêu. Chỉ chiêu đầu, nó thấy chân khí ào ào tuôn ra mạnh vô cùng. Nó luyện thêm mười lần nữa rồi mới chui vào chuồng ngựa nằm ngủ. Nó nghĩ: - Nhất định đạo cô Nam-thiên với Đàm hậu có liên hệ tới cái chết của mẹ ta. Ta phải theo dõi để truy lùng ra thủ phạm. Ngày mai, ta ra đền thờ vua Trưng cáo sự này với phái Mê-linh. Họ sẽ báo cho Nghi-Phương sư thái biết, để bà sai đệ tử rình ở mộ giả của mẹ ta mà bắt kẻ thù. Một mặt ta phải điều tra cho ra bằng này điều : Đạo-cô là ai, mà Long-Sảm lại gọi là Thái-hậu ? Tại sao mụ lại thù hận mẹ ta ? Có phải mụ ám toán mẹ tay hay không ? Long-Sảm, Long-Thẩm với ta vốn có tình cốt nhục, tại sao chúng lại ác độc với ta đến cùng cực ? Tại sao Đàm hậu lại quăng linh cữu mẹ ta xuống sông Hồng ? Lát sau có tiếng xe ngựa lọc cọc chạy vào sân. Nó biết bọn Gia-thụy ngũ anh đã trở về. Rồi có tiếng bát, đĩa từ Ngự-thiện đường vọng lại. Nó biết bọn này mới luyện võ, bụng đói, chúng sai cung nga dâng đồ ăn khuya. Chính nó cũng cảm thấy đói. Nó núp ngoài cửa sổ nhìn vào: Cung nga bưng xôi đậu xanh với chim sẻ quay lên, bầy ra bàn. Tính tinh nghịch nổi dậy, nó nhặt ba viên sỏi, vận âm kình bắn vào ba con chó đang nằm ở giữa sân. Ba con chó đau quá, tru lên rồi kêu oăng oẳng. Gia-thụy ngũ anh cùng đứng dậy, tung cửa chạy ra sân. Chỉ chờ có thế, nó nhảy vào trong cửa sổ, trút năm đĩa chim sẻ quay, hai đĩa xôi lớn vào cái khăn quàng cổ, rồi tung mình ra ngoài. Bọn Gia-thụy ngũ-anh xem xét ba con chó, không thấy có gì lạ, chúng ngơ ngác nhìn nhau. Đoàn Thượng hỏi Cao Kinh: - Tại sao, tự nhiên chúng lại tru lên như bị ai đánh vậy? - Thưa công tử, nếu ba con chó bị đánh thì ai đánh? Nếu ai đó đánh chúng nó, thì tiểu nhân e y chưa vào đến nơi, chúng nó đã sủa ầm lên rồi! Một cung nga chỉ ba con chó: - Khải Thái-tử, gần đây thần thấy ba con chó này hay sủa trăng. Có lẽ chúng có linh tính, thấy ma thì sủa lên, đuổi ma đi. Vì vậy, hôm nay trời tối, ma thù hận đánh chúng chăng? Gia-thụy ngũ-anh nhìn nhau tỏ vẻ sợ sệt. Cao Giới trấn an: - Xin Thái-tử yên tâm. Ngày mai thần sẽ thỉnh thầy phù thủy cao tay nhất Thăng-long vào đây, để ông ta xem. Nếu là ma, ông ấy sẽ bắt bỏ vào hũ, giam dưới giòng sông Hồng, là mọi chuyện sẽ êm ngay. Gia-thụy ngũ anh trở vào Ngự-thiện đường, thấy xôi, chim sẻ biến mất; cả năm cùng mở to mắt ra nhìn nhau đầy kinh ngạc. Long-Sảm hỏi cung nga hầu bàn: - Người có đem chim sẻ, xôi xuống bếp hấp lại không? - Khải không! Hay mèo vào ăn vụng? - Trong Đông-cung này làm gì có mèo, mà bảo mèo ăn vụng? Vả mèo nào mà thoáng một cái đã ăn hết hai chục con sẻ quay với hai đĩa xôi lớn? Nguyễn Dư thêm vào: - Nếu mèo ăn vụng, thì trên bàn phải có vết chân chứ? Có lẽ là ma! Thần nghe lão thái-giám Đỗ Viện kể rằng trong Đông-cung này có nhiều ma lắm - Gọi Đỗ Viện lên đây! Long-Sảm tuyên chỉ: Ta... Ta ở đây đã hơn năm, mà sao không biết gì? Thái giám Đỗ Viện, dáng người mệt mỏi, nước da trắng bệch, bụng to như cái trống hành lễ: - Thần chờ chỉ dụ của điện hạ. Long-Sảm chỉ cái ghế: - Người ngồi đó đi, rồi thuật cho ta biết trong Đông-cung này có bao nhiêu con ma? Đỗ Viện ngước con mắt lờ đờ nhìn vào quãng không, y hắng rặng một tiếng, rồi thở dài: - Điện-hạ hiện là trừ quân, mai này sẽ lên ngôi Cửu-ngũ, thì xung quanh lúc nào cũng có chư thần theo phò trợ. Những ma vặt, ma có tội bị xử tử, không thể vào Đông-cung này mà quấy nhiễu được. Còn như ma mà có thể vào đây, ắt chúng là ma mà chư thần không thể cản trở nổi. Những ma ấy, thì một là chúng bị oan khuất quá đáng, hai là chúng thuộc loại mệnh lớn, đến nỗi chư thần phải chịu thua chúng. Loại này e không thầy phù thủy nào có thể yểm hay bắt chúng... Trong Đông-cung, có cả ma oan khuất, lẫn ma mệnh lớn. Long-Sảm phát run: - Người có biết tên chúng không? - Khải, thần biết. Nói rồi lão khoan thai kể: " - Đông-cung được kiến tạo từ niên hiệu Thuận-thiên thứ nhất đời đức Thái-tổ nhà ta (1010). Đức Thái-tông là người ở đây đầu tiên. Trong thời kỳ này, có hai người trong Đông-cung bị giết. Người thứ nhất là Đinh phi bị Ưng-sơn song hiệp chặt đầu. Người thứ nhì là quận chúa Hồng-Phúc bị tiên cô Bảo-Hòa xử tử. Thời đức Thánh-tông, Thần-tông, Minh-Đạo vương cư ngụ, không có ai chết. Tới khi Thái-tử Long-Xưởng ở thì có nhiều người chết lắm. Trước hết, lúc Thái-tử Long-Xưởng dẹp triều đình gà mái gáy rồi, thì nào cung nga, nào thái giám do Cảm-Thánh thái hậu đem vào, bị giết trước sau hơn năm chục người. Kế tiếp, Nghi-Tàm song ma bị công chúa Đoan-Nghi giết. Trong cuộc khởi loạn của bọn tế tác Tống, có bốn cung nga, bốn thái giám bị giết... Những con ma này, hoặc là bị xử tử đáng tội, hai là thân phận nhỏ bé. Chúng không thể hiện ra nhát điện hạ được". Long-Sảm đã bắt đầu sợ: - Thế... Sao nó vừa mới đánh chó, lại ăn hết hai chục con chim sẻ quay, hai đĩa xôi lớn? - Khải điện hạ, khi ma có thể vào đây mà chư thần không cản nổi, chúng lại có thể hiện ra đánh chó, ăn chim, ăn xôi...thì chúng thành quỷ rồi. Hà! Loại quỷ này thần biết chúng là ai rồi! Gia-thụy ngũ anh đều phát run, hàm răng đánh vào nhau kêu lộp cộp. - Khi Hoàng-thượng lên ngôi, thì Thái-tử Long-Xưởng bị đuổi khỏi Đông-cung. Về sau người cùng vương phi, sáu con với mấy trăm gia tướng, cung nga, thái giám bị giết chết trong trường hợp ám muội, oan hồn phiêu phưởng không nơi nương tựa, cũng chẳng có người hương khói. Những hồn oan đó sẽ ở đâu? Nương tựa vào đâu? Dĩ nhiên họ trở về chỗ ở cũ là Đông-cung. Trong Đông-cung này, có ít nhất cả trăm quỷ! Nhất là gần đây... Long-Thẩm run lẩy bẩy: - Gần đây gì nữa? - Gần đây công chúa Đoan-Nghi bị ám hại. Con trai bị hành hạ, đầy ải ở đây, dĩ niên oan hồn của người luôn luôn theo bên con trai để phò hộ. Khi sống, công chúa lập không biết bao nhiêu công lao vối Xã-tắc. Hoàng-thượng bị nguy hiểm đến tính mệnh hơn ba lần, đều do công chúa cứu cả. Võ công của người cực kỳ cao thâm. Hỏi khi hồn người vào Đông-cung thì thần nào dám cản? Nguyễn Dư nói cứng: - Thôi thì đêm nay điện hạ với bọn thần cùng ngủ tại đây. Bên ngoài có anh em Cao Kinh, Cao Giới canh phòng. Ngay mai chúng ta cáo với Nam-thiên huyền-quân tiên tử, người sẽ ra tay bắt quỷ, trừ ma. Tên thái giám Đỗ Viện cáo từ, rời Ngự-thiện đường, lui ra. Gia-thụy ngũ anh gọi Cao Kinh, Cao Giới truyền chúng canh phía ngoài, rồi cùng nằm dài trên bàn ăn mà ngủ. Qua biến cố vừa rồi, trong lòng Thủ-Độ nảy ra một ý tưởng : - Ừ nhỉ ! Tại sao ta không nhân vụ này, giả làm oan hồn Thái-tử Long-Xưởng, gây kinh hoàng trong nội cung may ra tìm được manh mối kẻ hại mẹ ta. Thủ-Độ rời bụi mẫu đơn, trở về chuồng ngựa. Nó mang chim sẻ, xôi ra ăn. Bất giác nó ngẩn người ra, vì hai mươi con chim sẻ quay, biến đâu mất mười lăm con. Hai đĩa xôi lớn, chỉ còn nửa đĩa. Nó nhớ rõ ràng nó trút cả năm đĩa chim sẻ quay, mỗi đĩa bốn con, với hai đĩa xôi lớn. Chim sẻ, xôi nó gói vào cái khăn, bọc kín lại, đeo trên lưng. Không thể có việc chó, mèo ăn vụng. Vì nếu chúng ăn vụng sao cái khăn vẫn cột chặt trên lưng nó ? Nó cầm một con chim sẻ ăn, thì thấy có mảnh giấy. Nó đánh lửa lên xem, bất giác gai ốc nó nổi lên khắp người, vì trên mảnh giấy có chữ viết : « Đêm khuya đói quá, xin mượn một đĩa rưỡi xôi, với mười lăm con sẻ quay. Hứa sẽ trả cả vốn lẫn lời ». Nó run run nghĩ : - Với nội công của ta, dù con mèo, con chuột đến gần trong một trượng, ta cũng biết. Thế mà người này lấy chim sẻ, xôi trên lưng ta, mà ta không biết, thì nội công của y phải kinh thế hãi tục lắm... Chắc người này chỉ muốn đùa cợt ta, chứ nếu y giết ta, thì ta đã chết rồi. Hôm sau, Thủ-Độ lại ra Hồng-lĩnh đệ nhị y viện học Thiên-la thập bát thức. Bạch-Hạc bắt nó diễn lại từng chiêu một, rồi lại bắt nó biến chiêu theo lệnh của mình. Cứ như vậy, sau mười ngày, thì nó đã có thể tòng tâm xử dụng, khi phát hư chiêu, khi phát thực chiêu, khi vận âm kình, khi vận dương kình, cũng có khi vận cả âm-dương một lúc. Sáng hôm ấy, Cao Kinh đến chuồng ngựa đánh thức nó dậy, mở khóa chân cho nó, rồi nói: - Mi hãy đi tắm rửa sạch sẽ, rồi lên Ngự-thư phòng yết kiến Thái-tử. Tắm rửa xong Thủ-Độ cười thầm: - Im xem chúng định làm gì ta đây? Đêm nay, ta phải dọa cho chúng sợ đến té đái vãi phân ra mới được. Khi bước vào Ngự-thư-phòng, nó giật bắn người lên, vì bên trong, ngoài Gia-thụy ngũ anh, còn có Đoàn Văn, Nguyễn Nộn, Phạm Bỉnh-Di. Nó vội hành lễ. Hoàng hậu ban chỉ: - Ta thấy người đã lớn. Luật cung đình cấm con trai hơn mười tuổi ở trong Hoàng-thành, nếu không phải là người hoàng tộc. Vậy ta đưa người vào cung An-toàn phục thị ta. Muốn phục thị ta thì người phải thành thái giám. Mấy hôm nữa, ta sẽ cho người tĩnh thân. Người có bằng lòng tĩnh thân không ? Thủ-Độ biết rằng tĩnh thân nghĩa là người ta thiến mình. Nó giả bộ ngây thơ : - Tâu Hoàng-hậu tĩnh thân nghĩa là gì ? - Nghĩa là thiến ! Người biết thiến là gì rồi mà ! - Thần không muốn thành thái giám. - Thế thì người cứ phải ở trong chuồng ngựa Đông-cung suốt đời ! Thôi được, người không muốn là thái giám thì thôi. Thủ-Độ nghĩ thầm : - Nghĩ đời mà chán cho đời ! Xưa kia bố con mụ này là Đàm Thì-Phụng chỉ là một tên đô thống, ra luồn vào cúi trong phủ cha mẹ ta. Ấy vậy mà bây giờ con nó thành vợ của cậu ta. Nhân mẹ ta chết, cha ta ở xa, nó với các con nó hành hạ ta đến sống không nổi, chết không xong. Bây giờ nó lại muốn thiến ta, biến ta thành tên thái giám hầu hạ nó cả đời ! Nếu trời cho Thủ-Độ này thuất khỏi cơn bĩ cực, nguyện sẽ tru diệt toàn thể ba họ nhà họ Đàm chúng bay. Bây giờ ta lại giả lên cơn cho chúng không nghi ngờ. Nghĩ vậy nó làm bộ ngã lăn ra, tồi chân tay run rẩy, hàm răng nghiến và nhau. Đoàn Văn túm áo nó ném vào góc tường. Có tiếng thái giám hô : - Nam-thiên tiên tử giá lâm ! Trên từ Hoàng-hậu, cho tới Gia-thụy ngũ anh, cùng bọn tướng sĩ đều quỳ gối cúi đầu : - Bái kiến tiên tử. Đạo-cô Nam-thiên vẫy tay : - Các người bình thân ! Bà hỏi Đoàn Văn: - Cái tên thị vệ canh gác An-toàn cung đã khai gì với người ? Đoàn Văn khúm núm : - Tâu Tiên-tử y khai rằng, trong lúc y canh gác, thình lình một con quỷ nửa mặt đen, nửa mặt đỏ. Trán, cổ trắng nhát y, hớp hồn y sáng nay y mới tỉnh ! - Lạ thực ! Đạo cô cau mày : Từ xưa đến giờ, ta chưa từng nghe nói trong Hoàng-thành có ma quỷ đâu ? Bà hỏi Long-Sảm : - Con thuật cho ta biết cái vụ ma trêu quỷ hờn hôm qua...như thế nào. Long-Sảm thuật lại một lượt. Đạo-cô cười nhạt : - Chả phải ma đâu, người đấy. Từ xưa đến giờ, ma chỉ hiện lên kêu khóc, chứ làm gì có vụ đánh chó, ăn vụng bao giờ ? Ta ngờ rằng một võ lâm cao thủ đã bắn sỏi làm cho chó đau đớn để các người chạy ra sân, rồi hắn chuồn vào Ngự-thiện đường trộm chim sẻ quay với xôi. Cao thủ này dường như chỉ muốn trêu ghẹo các người chứ không có ác ý. Bằng không thì các người bỏ mạng rồi. Nghe đạo cô nói, Thủ-Độ nghĩ thầm : - Mụ này thông minh thưc ! Mụ đoán ra được thủ đoạn của ta. Có điều mụ bảo ta không có ác ý là sai rồi ! Tuy được đạo cô trấn an, Long-Sảm vẫn còn sợ: - Tâu tổ mẫu, thần nhi nghĩ, nhất định là quỷ! - Tại sao người dám quả quyết như vậy? Long-Sảm thuật lại tất cả những lời thái giám Đỗ Viện kể. Nhưng khi nói đến công chúa Đoan-Nghi, thì y gọi là mụ ấy. Rồi y chỉ vào mặt Thủ-Độ kết luận: - Vì vậy, thần nhi mới định đuổi y khỏi Đông-cung, để oan hồn mụ ấy khỏi quấy nhiễu thần nhi. Mẫu hậu muốn y tĩnh thân làm thái giám, rồi đưa y vào cung An-toàn. Thế nhưng....Thế nhưng cung An-toàn cũng có quỷ. Còn y, y không chịu tĩnh thân. Đạo-cô nhìn Thủ-Độ : - Thằng giặc non này tuy bệnh hoạn, mà sao nó lớn mau quá. Cơ chừng cao hơn Sảm nhi một cái đầu rồi ! Giòng giống nhà nó vẫn to lớn như thế đó. Đạo-cô suy nghĩ một lát rồi quyết định: - Sơn ăn từng mặt, ma bắt từng người! Dù oan hồn Long-Xưởng, oan hồn mụ ấy chỉ dám quấy nhiễu cháu mà thôi. Còn đối với ta thì ngay khi còn sống, chúng cũng phải rạp đầu trước ra. Vậy ngay hôm nay, cháu để y sang cung Ngọc-lan, nếu như hồn mụ ấy hiện lên ta sẽ trị. Bà ta chỉ Đoàn Văn, Phạm Bỉnh-Di: - Vả hai vị tướng quân này sắp quật mả y thị, bỏ chó mực vào, thì dù y thị có là thánh, cũng hết linh. Huống hồ y thị chỉ là con ma cô độc! Nghe đạo cô nói, mọi người cùng nhìn Thủ-Độ. Nó biết rằng đạo cô nói về mẹ mình cho mọi người quan sát, xem mình có ngẫn ngờ thực hay không ? Nó vội vàng ngửa mặt nhìn đạo cô, rồi nhe răng cười hì hì! Đoàn Văn cũng cười theo: - Tâu tiên tử! Đệ tử thấy y quả là một thằng khật khùng. Xin tiên tử tống nó ra ngoài thành Thăng-long cho nó lê lết ăn xin, chứ nuôi nó trong Hoàng-thành làm gì? Đạo-cô cau mày: - Khổ một điều là Hoàng-thượng còn nghĩ tình cha mẹ nó, muốn nuôi dưỡng nó trong cung. Thủ-Độ lại méo miệng, cười nham nhở giống như thằng điên. Đạo-cô bảo cung nga Thụy-Nga: - Người dẫn nó về chuồng ngựa lấy quần áo, rồi đưa vào cung Ngọc-lan. Từ nay, ta giao cho người quản chế nó. Người cho nó ăn uống tử tế, tùy theo khả năng, bắt nó làm việc. Thụy-Nga dẫn Thủ-Độ về chuồng ngựa lấy y phục. Tài sản của nó chỉ có cái túi da, mà nó mang theo từ Mông-cổ. Tới cung Ngọc-lan, Thụy-Nga bảo nó: - Ta nói cho cháu biết. Xưa kia, ta là người phục thị Chiêu-Linh hoàng hậu. Sau đó ta được đưa sang hầu hạ Tuyên-phi Từ Thụy-Hương, rồi Bùi thái phi. Mấy năm trước thấy tuổi ta cao, Hoàng-thượng cho ta về đây quản lý cung Ngọc-lan. Ta không rõ cháu xuất thân từ đâu? Cha mẹ là ai? Đàm hoàng hậu bảo rằng cháu là đứa trẻ mồ côi họ Đàm, chẳng may bị chứng khật khùng, hậu đem về nuôi. Ta có điều nghi ngờ, mà không dám nói! Thủ-Độ nghĩ thầm: - Rõ ràng hồi ở trong cung của bà ngoại ta, mụ này biết tông tích ta rồi, mà sao bây giờ mụ lại hỏi ? Như vậy mụ này dò la xem ta có khật khùng quên hết quá khứ không mà thôi ! Ta phải giả bộ cho mụ hết ngờ. Nó mở to mắt, rồi nhe răng cười, miệng ú ớ mấy tiếng: - Hầy hầy! Hè. Rồi nói: - Bố mẹ cháu ư! Sống mà! Ừ, chết mà. Thụy-Nga tỏ ý buồn rầu, mụ xoa đầu nó, rồi dẫn nó vào một căn phòng khá xinh đẹp: - Đây! Cháu ở đây. Khi ăn thì cháu ăn với ta. Trong cung này chỉ Nam-thiên tiên tử với ta mới có quyền sai cháu mà thôi. Ái chà! Quần áo cháu rách quá rồi, để ta may cho cháu mấy bộ khác. Thủ-Độ lại cười hề hề, rồi méo mặt, thè lưỡi ra. Nó biết rằng đạo cô Nam-thiên, cung nga Thụy-Nga cũng như những người ở cung Ngọc-lan rất tinh tế, võ công lại cao, chứ không ngờ nghệch như bọn Gia-thụy ngũ anh. Nhất cử nhất động của nó đều bị theo dõi. Vì vậy nó càng tỏ ra khật khùng, cười nói không chừng. Khoảng hơn tháng sau, thì ai cũng tin rằng nó khật khùng thực. Không ai chú ý đến nó nữa. Nó muốn chạy chơi đâu, không ai cấm đoán nó.