Đạo sư cùng đám đệ tử cũng run lật bật. Ông ta nói : - Con quỷ này... thành yêu tinh rồi... Tài phép của...bần đạo không trấn nổi... nó. Nói rồi ông quẳng cờ phép, gươm lệnh bỏ chạy. Đám để tử cũng bỏ chạy theo. Đám dân chúng tới xem bắt tà dắt díu nhau rùng rùng ra khỏi căn nhà quỷ ám. Dù sao Đặng Vũ cũng là một thuyền trưởng. Y chỉ vào ngôi nhà chính của y, nói với bọn thủy thủ : - Con quỷ này dữ quá. Chúng ta có chạy cũng không thoát. Chi bằng chúng ta cứ ngồi đây. Nếu nó hiện ra, thì ta cùng bao vây lấy nó. Liệu nó có địch nổi chúng ta hay không ? Bọn thủy thủ theo Đặng Vũ vào nhà, rồi đóng cửa lại. Bỗng binh một tiếng, cửa sổ mở tung ra, tiếp theo, hai con chó bay vào rơi xuống nền nhà, chân tay dẫy loạn xạ. Máu từ miệng chúng chảy ra lênh láng. Bọn Đặng Vũ ngồi nhìn nhau, chân tay run rẩy. Lát sau, hai con chó hết dẫy. Đặng chạy lại xem xét, chúng đã chết rồi. Đặng Vũ nói cứng : - Con quỷ này ngán anh em chúng ta. Bằng không chúng đã hiện ra. Đám thủy thủ nghe Đặng Vũ nói, chúng tự tin phần nào. Mệt mỏi, sợ hãi, bọn thủy thủ ngồi bệt xuống nền nhà dựa lưng vào nhau mà ngủ. Có tiếng rên rỉ vọng vào : - Ta...Ta... Chỉ hỏi tội tên Đặng Vũ thôi ! Những ai..vô can... hãy đi chỗ khác... bằng không ta nhát... chết. Đám thủy thủ nghe quỷ gào, chúng an tâm nằm ngủ. Chúng vừa lim dim thì lại binh binh hai tiếng, cánh cửa lớn bật tung, một thân hình bay vào nằm thẳng cẳng không động đậy. Tất cả mọi người đều la hoảng vì thân hình đó chính là đạo sư Thiên-Sơn, chủ tế bắt tà. Đám thủy thủ không còn tuân lệnh cấp trên nữa. Chúng vùng dậy cùng nhau bỏ chạy. Trong nhà chỉ còn hai người vợ, ba đứa con với ba tỳ nữ. Vợ Đặng Vũ run run nói với chồng : - Ông ơi ! Con quỷ ba đầu là hồn oan Thái-tử Long-Xưởng. Khi ngài tại thế thì chúng ta còn nhỏ. Chúng ta không có gì đắc tội với ngài, thì việc gì phải sợ. Ngài có hiện ra, bất quá để điều tra một vài việc. Tội ai làm nấy chịu, ta cứ khai hết... là yên chuyện. Có tiếng não bạt từ sân vọng vào. Đặng Vũ quỳ gối chắp tay : - Trăm lậy Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh hoàng đế. Xin hoàng đế bệ hạ cho gia đình thần được bình yên. Bệ hạ cần ban chỉ gì, thần xin tuân theo. Y khấn vừa dứt, thì một bóng trắng, ba đầu từ từ vào nhà y. Đám trẻ con tỳ nữ cùng rú lên, rồi ngất xỉu. Thấp thoáng một cái con quỷ ba đầu đã vỗ lên cổ Đặng Vũ với hai người vợ. Cả ba ngã ngồi xuống, chân tay tê liệt. Con qủy ba đầu ngồi chễm chệ lên chiếc án thư. Thủ-Độ giả tiếng đàn bà eo éo : - Công chúa Đoan-Nghi chết oan, hồn ngưởi xuống âm phủ kiện với Diêm-vương. Diêm-vương nhờ ta về điều tra. Vậy ta hỏi câu nào, mi phải khai thực, bằng không ta bắt hồn mi với vợ con ngay. - Thần...Thần... Xin khai thực. - Mi với Vũ Khải nhận lệnh từ ai để theo sứ đoàn đi Liêu-Đông ? - Hồi ấy, thủy đội của thần có nhiệm vụ tuần phòng ở cửa biển Thần-phù, thuộc trấn Thanh-hóa ; thì được lệnh đích thân mang một chiến thuyền lớn, cùng thủy thủ về Thăng-long, theo sứ đoàn Vũ Khải. Lệnh này của Khu-mật viện, do Tuyên-vũ sứ Thanh-hóa chuyển giao. Khi về tới Thăng-long, thần mới biết rằng phải chuẩn bị lương thực, nước ngọt đi Liêu-Đông. Song không biết đi làm gì. Dọc đường, thần nghe sứ đoàn nói chuyện, mới biết là đi đón công chúa Đoan-Nghi với phò mã Trần Thủ-Huy. - Mi có nghe bọn Vũ Khải bàn nhau gì khác không ? Y có ra lệnh gì đặc biệt cho mi không ? - Lúc đi thì không ! Nhưng trên đường về khi thuyền sắp vào lãnh hải Đại-Việt, thì Vũ Khải đưa ra một chỉ dụ của Hoàng-thượng. Trong chỉ dụ nói vắn tắt rằng « Khi thuyền qua Đồn-sơn, lúc đêm xuống sẽ có một thuyền đánh cá kè vào, phải để cho họ kè ». Quả nhiên sau sự ấy điễn ra đúng như thế. Khi thuyền đánh cá kè vào, thì có ba người mà Vũ Khải gọi là ba vị đại nhân họ Mao. Thủ-Độ cười gằn : - Một là mi nói láo, hai là mi không biết. Ba đứa đó tên là Mao Thiên, Mao Địa, Mao Nhân. - Dạ ! Quả như thế. Anh em họ Mao nói chuyện với Vũ Khải một lúc, rồi chiếc thuyền đánh cá tách rời chiến thuyền đi vào trong đêm. Khi thuyền sắp vào cửa sông Hồng thì Vũ Khải lại ra lệnh : Phải ghìm sao cho thuyền về tới Thăng-long vào sau giờ Thân. Thần phải tuân theo. Rồi thuyền tới Thăng-long, rồi công chúa bị hại thế nào thần không biết. Sự thể chỉ có thế. Nghe Đặng Vũ khai, Thủ-Độ nghĩ thầm : - Sự việc quả như thầy Phạm Kính-Ân bàn. Tuy vậy nó giả bộ khà khà mấy tiếng rồi chỉ vào đứa con trai Đặng Vũ đang ngồi run rẩy trong góc nhà : - Mi nói láo ! Ta phải hớp hồn đứa con mi trước thì mi mới chịu khai thực. Nói dứt, miệng nó khà khà, tay nó vuốt lên mặt đứa trẻ, sự thực nó điểm vào huyệt Hạ-quan. Đứa trẻ mê man, mắt trợn ngược. Vợ Đặng Vũ kinh hoảng khóc rống lên: - Con ơi là con. Con chết oan chết uổng thế này ư ? Anh ơi ! Có gì khai thực đi ! Bằng không có nhà mình chết hết. Đặng Vũ run run : - Sau khi công chúa hoăng, thì Thái-úy Đàm Thì-Phụng ban lệnh thăng thần lên chức Đô-thống, chỉ huy thủy đội Thăng-long. Cứ như lời công chúa lúc lâm chung, cũng như Khu-mật viện điều tra, thì công chúa bị cướp giết chết. Thần không biết gì. Biết tên Đặng Vũ khai thực, Thủ-Độ làm bộ múa tay trên mặt đứa con y, rồi quát : - Hoàn hồn ! Tay nó quệt vào huyệt Đản-trung đứa trẻ. Đứa trẻ được giải huyệt, nó òa lên khóc. Thủ-Độ ra lệnh : - Ngày mai, có ai hỏi, thì mi phải khai rằng hồn ta hiện về điều tra sát nhân đã giết chết Bảo-Quốc đại vương. Nếu như mi nói những gì ta hỏi, ta sẽ bắt hồn cả nhà mi. Nhớ không ? Vợ chồng Đặng Vũ cùng líu ríu : - Xin tuân chỉ bệ hạ. Thấp thoáng một cái, Thủ-Độ đã rời khỏi nhà Đặng Vũ. Hôm sau, Thủ-Độ lại gọi bọn Khả-hãn Tây-hồ, ra lệnh cho chúng, bắt chúng kể chuyện cho bọn ăn mày thống thuộc nghe ; để chúng đi khắp hang cùng ngõ hẻm kể lại với dân chúng rằng : Con quỷ ba đầu hiện lên nhát chết đạo sư Thiên-sơn, một phù thủy cao nhất Thăng-long, gữa lúc ông cùng đang cùng đệ tử trấn tà tại nhà đội trưởng thủy đội Thăng-long ở Nghi-tàm. Dân chúng Thăng-long lại tụ năm túm ba mà bàn tán. Làm quỷ tại nhà Đặng Vũ không tìm ra được tý ánh sáng nào. Thủ-Độ quyết định đi Hồng-châu, điều tra Vũ Khải. Trưa hôm đó nó thuê xe đi Hồng-châu. Buổi chiều, thì xe tới nơi. Nó lang thang tìm bọn ăn mày để hỏi tin tức. Bọn ăn mày cho nó biết : Dinh Kinh-lược An-phủ sứ Hồng-châu tọa lạc cạnh bờ sông. Thủ-Độ theo dấu bọn ăn mày chỉ, tìm đến dinh An-phủ sứ. Nó quan sát địa thế, rồi kiếm một nhà hàng ăn uống. Đợi trời tối hẳn, nó vọt mình qua hàng rào phía sau, ẩn vào bụi hoa, phóng mắt nhìn. Trong dinh vắng lặng. Có hai khu còn ánh sáng chiếu ra, đó là khu chánh và khu nhà bếp. Nó lấy bộ đồ làm quỷ ra đeo vào. Vẫn không có tiếng động. Yên tâm, nó di chuyển thực nhanh tới khu nhà ngang. Một võ sĩ cầm đao canh gác đang đi đi, lại lại. Thủ-Độ tới sau lưng, mà y không biết. Nó hừ hừ lên mấy tiếng. Tên võ sĩ quay lại, thấy con quỷ ba đầu, hồn vía lên mây. Y khuỵu xuống, hàm răng đánh vào nhau lộp cộp. Thủ-Độ chĩa tay điểm huyệt y, rồi dọa : - Ta bắt hồn mi mi về Âm-phủ điều tra đây. Mi có biết ta là ai không ? - Dạ...dạ... biết. Ngài là Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh đế. - Được, ta tha cho mi ? Tên Vũ Khải có nhà không ? - Không. - Y đi đâu ? - Hồi chiều có lệnh của Thái-úy Đàm Thì-Phụng gọi An-phủ sứ về Thăng-long họp khẩn để đối phó với ông... ông... quỷ ba đầu. - Vợ y ở đâu ? - Ở phòng thứ nhất, thuộc dẫy nhà ngang. Thủ-Độ điểm huyệt y, rồi dựng y vào tường. Người nhìn từ xa, tưởng y đang dựa cột. Thủ-Độ đến dẫy nhà ngang, nó đẩy cửa sổ phòng có ánh sáng chiếu ra, rồi buông mình vào. Đây là một phòng ngủ trang trí cực kỳ sa hoa. Trong phòng không có người. Nó khép cửa sổ lại, nghĩ thầm : - Cô vợ Mỹ-Hồng của Lưu Khải chắc sang phòng bên cạnh. Ta cứ ngồi đây. Lát nữa y thị về, thấy ta, sẽ chết khiếp. Nó ngồi lên giường trong tư thế Kiết-già. Không phải chờ lâu, có tiếng dép lẹp kẹp, rồi cửa phòng bật mở. Một thiếu phụ tuổi khoảng hai mươi lăm, nhan sắc tuyệt thế, trong y phục lụa mầu mỡ gà bước vào. Thiếu phụ chưa nhìn thấy Thủ-Độ. Nàng khép cửa, cài then. Vừa quay lại, thấy Thủ-Độ, nàng há hốc miệng ra. Chân tay run lật bật. Thủ-Độ nhoài người một cái, nó đã điểm huyệt nàng, rồi đẩy ngồi vào cái ghế. Nó hỏi : - Người có biết ta là ai không ? - Biết. Ngài là Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh hoàng đế. Xin bệ hạ tha cho tiểu tỳ. - Công-chúa Đoan-Nghi bị ám hại, Diêm-vương nhờ ta về đây điều xem thủ phạm là ai. Nếu người khai thực thì thôi. Bằng có đôi điều dối trá, ta sẽ hớp hồn người ngay. - Xin bệ hạ cứ hỏi. - Mi có biết chồng mi nhận lệnh từ ai mà dám ám hại công chúa Đoan-Nghi ? - Từ Thái-úy Đàm Thì-Phụng, cha đẻ của Hoàng-hậu. - Bùi Thái-phi, nhà vua âm thầm ban chỉ cho chồng mi đi đón công chúa. Tại sao Đàm Thì-Phụng biết ? - Hoàng thượng bàn với Bùi thái phi rằng, nay quyền về tay họ Đàm. Trong cung thì Đàm hoàng hậu lũng đoạn. Bên ngoài thì Đàm Dĩ-Mông giữ quyền văn, Đàm Thì-Phụng giữ binh quyền. Như vậy e tương lai lại có những vụ Đỗ Anh-Vũ, Đỗ An-Di tái diễn. Vả từ ngày công chúa với phò mã ra đi, đất nước không kỷ cương. Nhân tâm ly tán. Võ lâm chống triều đình. Vậy nên âm thầm sai người đi Mông-cổ thỉnh phò mã với công chúa về để chấn chỉnh lại. Hoàng-thượng gọi phu quân tôi, ban chỉ dụ mật đi đón công chúa, phò mã. Không ngờ vụ này Hoàng-hậu biết. Người báo cho phụ thân là Thái-úy Đàm Thì-Phụng. Thái-úy khẩn cấp họp với Thái-sư Đàm Dĩ-Mông. Cả hai cùng đi tới quyết định rằng tìm cách ám toán công chúa với phò mã khi chưa về đến Đại-Việt. - Phò mã với công chúa ẩn tại Mông-cổ làm thế nào Hoàng-thượng biết ? - Tống biết. Họ báo cho Nam-thiên huyền quân biết. Chính đạo cô khuyên nhà vua đi mời công chúa với phò mã về để chia bớt quyền hành của họ Đàm. - Mi nói láo rồi, đạo cô chính là Tuyên-phi thời vua Anh-tông, người là mẹ đẻ ra nhà vua. Người vốn thù hận công chúa với phò mã. Người cũng biết khi công chúa với phò mã cầm quyền thì không lợi cho Tống. Đời nào người muốn phò mã công chúa về ? - Không phải như vậy. Trước kia, mà phò mã với công chúa cầm quyền thì mới nguy cho Tống. Bây giờ khi phò mã công chúa về, đã bị họ Đàm chia quyền. Trong cung thì Đạo-cô phụ chính. Vả bây giờ Đại-Việt yếu quá rồi, phò mã công chúa không thể đem quân đánh vào lưng Tống nữa, mà chỉ có thể kiến thiết lại đất nước mà thôi. Theo ý triều Tống, thì giữa việc phò mã công chúa về Đại-Việt với việc hai vị giúp Mông-cổ, thì sao cho phò mã công chúa rời Mông-cổ lợi hơn. - Vũ Khải nhận mật chỉ của nhà vua. Tại sao y lại ám toán công chúa ! - Oan uổng ! Oan uổng ! Chồng tiểu tỳ không hề ám toán công chúa. Vụ nay hoàn toàn do Thái-úy Đàm Thì-Phụng với Tống cùng ra tay. - Chi tiết thế nào ? - Chồng tiểu tỳ sắp lên đường thì Thái-úy xuống thuyền đưa ra một mật chỉ : "Khi thuyền về đến lãnh hải Đại-Việt, đang đêm sẽ có một thuyền đánh cá kè vào. Phải giữ bí mật không cho phò mã công chúa biết. Thuyền đánh cá sẽ đem mật chỉ tới". Quả nhiên khi thuyền về tới lãnh hải, đang đêm có thuyền đánh cá kè vào. Người mang mật chỉ tới là anh em họ Mao. - Ta biết rồi chúng có tên Mao Thiên, Mao Địa, Mao Nhân. Chúng là con ma đầu Mao Khiêm. Mật chỉ ra sao ? - Mật chỉ rằng : Phải ghìm sao cho thuyền về tới Thăng-long vào sau giờ Thân. Sau đó công chúa bị ám hại là việc ngoài sư tưởng tượng của chồng tiểu tỳ. Chồng tiểu tỳ vô tội. - Vô tội ! Hừ ! Thế mật chỉ đâu ? - Sau khi công chúa bị hại rồi, thì Thái-úy mới gọi chồng tiểu tỳ nói rằng : Vụ công chúa bị cướp giết chết, phái Đông-A cũng như triều đình đều quy cho mi có trách nhiệm. Vậy tốt hơn hết, hãy hủy hai cái mật chỉ kia đi. Chồng tiểu tỳ đem mật chỉ ra hủy trước mặt Thái-úy. Theo như chồng tiểu tỳ biết, thì mật chỉ này kiềm ấn đàng hoàng. Vậy có thể mật chỉ do Thái-úy làm rồi Hoàng-hậu lấy trộm ấn kiềm vào. Còn chữ ký thì Thái-úy nhái theo chữ ký của Hoàng-thượng. - Tại sao trong trang của Vũ Khải lại chứa ba anh em họ Mao ? - Theo Thái-úy thì cái vụ quỷ ba đầu là do một cao thủ giả danh. Cao thủ này đang đi điều tra về cái chết của công chúa. Vì vậy người bố trí ba anh em họ Mao tại trang của chồng tiểu tỳ để sẵn sàng đối phó. - Mi bảo ta là quỷ hay là người ? - Nếu bàn tay lạnh thì là quỷ. Còn nóng thì là người. Thủ-Độ vận âm kình, rồi áp bàn tay vào má Mỹ-Hồng. Mỹ-Hồng thấy bàn tay Thủ-Độ lạnh kinh khủng. Nàng run lên bần bật : - Quả...Quả...là quỷ. Thủ-Độ vận âm kình dồn vào người Mỹ-Hồng lát sau lạnh quá, nàng ngất đi nó mới buông ra. Trên đường từ Hồng-châu về Thăng-long, lòng Thủ-Độ cực kỳ cao hứng, vì nó đã truy tầm ra thủ phạm sát hại mẹ nó. Thủ phạm bao gồm họ Đàm, mà ba người cầm đầu là Đàm hoàng hậu, Đàm Dĩ-Mông, Đàm Thì-Phụng cùng bọn Tống. Nó nghĩ: - Bây giờ ta phải làm gì ? Một là ta giết cả nhà Đàm Thì-Phụng, Đàm Dĩ-Mông, giết luôn cả Đàm hoàng hậu. Hai là ta bắt chước cha ta xưa, giả danh Côi-sơn song-ưng, dán cáo tri với quốc dân, để triều đình xử tội y. Ba là ta về Thiên-trường cáo với ông bà nội ta để người trả thù. Ừ, tội gì ta phải giả danh ai ? Ta nhân danh quỷ ba đầu giết chúng cũng được. Thủ-Độ trở về cung Ngọc-lan vào buổi chiều để nghe ngóng tin tức. Lát sau nó thấy bọn võ tướng cao cấp nhất lục tục kéo vào : Thái-sư Đàm Dĩ-Mông, Thái-úy Đàm Thì-Phụng, Tả-kim-ngô thượng tướng quân Phạm Du, Tổng-lĩnh thị vệ Đoàn Văn, An-phủ sứ Kinh-Bắc Nguyễn Nộn, Vũ-kỵ thượng tướng quân Phạm Bỉnh-Di, quản Khu-mật viện Quách Bốc. Nó nghĩ thầm : - Chắc đạo cô Nam-thiên họp về việc mình quậy Đông-cung, phủ Thái-sư, nhà Đặng Vũ, dinh An-phủ sứ đây. Phòng ngủ của ta cạnh điện thờ thánh của đạo cô. Ta chỉ việc áp tai vào vách là biết ngay chúng họp về vấn đề gì. Nó về phòng áp tai vào vách nghe. Tiếng đạo cô Nam-thiên : - Tứ mấy chục năm nay, các võ phái quá thịnh, nên họ coi thường triều đình. Để giảm bớt thế lực của chúng, triều đình đã cấm các gia, các phái không được thu nhận đệ tử. Chỉ năm trường của Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng mới được thu đệ tử dạy võ. Thế nhưng chúng vẫn âm thầm thu nhận môn sinh, rồi truyền thụ. Tuy vậy ảnh hưởng các võ phái đã giảm rất nhiều. Có tiếng Đàm Thỉ-Phụng : - Tấu Tiên-nương, có một điều nan giải là : Hiện các tướng trong quân đều là người các võ phái. Bọn này hầu như tuân lệnh môn phái hơn là tuân lệnh triều đình. Nếu muốn cách chức hết bọn này, thì lấy ai chỉ huy ? Tiếng Nam-thiên : - Thái-úy đừng lo, tôi đã huẩn bị trước rồi. Cách đây mấy năm, tôi lệnh cho Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng ở trường dạy võ.Mà võ công này là vỏ công Hoa-sơn của tôi. Tôi là Công-chúa tiên tử của Hoa-sơn. Bây giờ triều đình ban chỉ mở khoa thi võ, dĩ nhiên chỉ có môn sinh của Ngũ-hổ dự thi. Những tân khoa này sẽ được bổ nhiệm thay thế đám võ tướng kia, thì cái nọc môn phái không còn nữa. Cứ tình trạng ấy, chỉ vài chục năm nữa, thì caca gia, các phái sẽ tàn lụi, chỉ có võ công Hoa-sơn dương danh mà thôi. Tiếng Đàm Dĩ-Mông : - Tâu Tiên-tử, để bịt miệng bọn võ phái, triều đình nên cử Kiến-khang, Kiến-bình vương cùng Phùng Tá-Chu là đệ tử phái Đông-A làm giám khảo. Như vậy nếu ai dị nghị, thì phái Đông-A lĩnh hết. Nghe đến đây Thủ-Độ không thấy họ bàn tán gì nữa nó bước ra khỏi cung. Cung nữ Thụy-Nga thấy nó thì cau mặt lại : - Ta đã bảo, hồi này cung Ngọc-lan có nhiều khách. Vậy mi hãy tránh đi chỗ khác. Thế mà mi lại vác cái bản mặt khật khùng về đây. Lát nữa Thiên-sứ đại nhân với sứ đoàn giá lâm cung này, mà họ thấy cái bản mặt mi thì còn ra thể thống gì nữa. Mi có cút đi không ? Thủ-Độ làm bộ nhăn mặt, méo miệng rồi ra ngoài thành Thăng-long. Về đến Tây-hồ Thủy-xá, bọn mười tám Khả-hãn đang ngồi chờ nó. Nó sai mười tên Tiểu-hãn gác quanh Thủy-xá rồi họp bọn Khả-hãn. Nó lên tiếng : - Dường như có sự gì ghê gớm lắm thì phải, cho nên trên gương mặt các em mới trầm tư thế kia. Khả-hãn Nhất-Hào nói : - Bọn sứ thần Tống sang kỳ này có rất nhiều điều bất lợi cho Đại-Việt ta. - Bất lợi thế nảo ? - Tống triều gửi sứ sang Đại-Việt kì này để yêu sách vàng ngọc cống cho Kim. Triều đình đã xuất hết châu báu trong kho, mà cũng không đủ. Thái-sư Đàm Dĩ-Mông hiến kế : Gửi sứ đi các trấn lấy về. Hiện vàng, ngọc, châu báu đều để ở cung Triều-dương là nơi sứ đoàn ở. Thủ-Độ nghiến răng : - Nhục quốc thể. Khả-hãn Tam-Anh tiếp : - Dân ta đang đói vì thiếu gạo, mà bọn họ Đàm sai chở sang Tống mười triệu thùng gạo.(Thùng tương đương với ngày nay 10kg). Gạo đã đang chuyển xuống thuyền. Khả-hãn Ngũ-Hào hỏi : - Anh nghĩ sao ? Chúng ta có nên tìm cách cướp lại số gạo đó phát cho dân nghèo không ? - Ta không đủ khả năng. Bây giờ chỉ có cách ép nhà vua, hoặc tên Đàm Dĩ-Mông chối rằng Đại-Việt mất mùa, không thể chở gạo sang Tống. Vạn nhất, việc này không xong thì chúng ta làm loạn. - Làm loạn ? - Ta khích dân nghèo sống gần các kho gạo cướp gạo ấy, còn hơn làm ngoan dân mà chết đói. Thủ-Độ nghĩ thầm : - Cái vụ sách nhiễu vàng ngọc này có thể là triều đình Tống thực. Cũng có thể là tên sứ thần mưu với Đàm Dĩ-Mông. Vàng ngọc này là của trăm họ Đại-Việt. Ta không thể để bọn Tống mang đi. Ta phải lấy lại. Ta phải đến cung Triều-dương trộm hết những gì chúng vơ vét. Trộm là hành động cực kì xấu xa. Nhưng hành động đó chỉ xấu khi ta dùng của lấy trộm dùng cho mình. Còn như ta...Trước đây ta đã trộm vàng bất nghĩa của Đàm hậu, biến thành vàng có nghĩa, nuôi bọn Tây-hồ thập bát anh hào. Bây giờ ta phải trộm để nuôi hết bọn trẻ con ăn mày. Ta không xấu hổ, mà còn hãnh diện nữa ! Ta nghe trước đây, các sứ đoàn Tống sang Đại-Việt chỉ ở lại năm ba ngày là qúa. Sao kỳ này chúng ở lại đến hơn tháng ? Lợi dụng đêm nay bọn sứ đoàn vào cung Ngọc-lan, ta làm một mẻ. Nghĩ vậy nó hỏi : - Trong các em, em nào là Khả-hãn vùng hồ Thủy-quân 0. Tam Anh dơ tay : - Khu đó do em với Tam-Hào ! - Tình hình cung Triều-dương ra sao? - Có sứ Tầu sang cư ngụ trong đó hơn tháng rồi. Ngày nào không Thái-sư Đàm Dĩ-Mông thì Thái-úy Đàm Thì-Phụng cũng tới gặp chánh sứ Triệu Doãn-Chi. - Cung Triều-dương ở đâu ? - Từ đây tới cũng hơi xa. Cung nằm tại phường Yên-tập, thuộc huyện Thọ-xương, cạnh chùa Quán-sứ. Thủ-Độ à lên một tiếng : - Chùa Quán-sứ thì anh biết rồi. Chùa thờ Minh-Không bồ tát phải không ? - Vâng ! Tam-Anh cầm bút vẽ chi tiết từng phòng một. Nó còn biết cả mấy cái lỗ chó chui ở hàng rào xung quanh cung nữa. Thủ-Độ ra lệnh : - Bây giờ hai em mặc quần áo rách, cùng mấy Tiểu-hãn khu hồ Thủy-quân, ngồi trước cung Triều-dương. Khi thấy bọn sứ đoàn ra đi, thì chạy về báo cho anh. Tam-Anh cười khì : - Lúc nào bọn em cũng mặc quần áo rách mà. Để em ra chợ rủ thêm mấy đứa học trò của em nữa cùng đi cho vui. Vào khoảng hết canh một, thì một Tiểu-hãn trở về báo cho Thủ-Độ biết : Sứ đoàn đã lên ngựa, vào Hoàng-thành hết. - Quân canh phòng có đông không ? - Sứ đoàn có mười lăm mã phu, với hơn trăm thị-vệ Tống canh phòng. Nhưng khi bọn quan quyền trong sứ đoàn đi rồi, thì chúng kéo nhau ra phố chơi hết. Trong cung chỉ còn hai thị vệ. Một tên gác cổng trước, một tên gác cổng sau. Thủ-Độ truyền lệnh cho nó : - Bảo Khả-hãn Ngũ-Anh với đám ăn mày lui thôi. Nó âm thầm lấy hai quả bầu, cùng mặt nạ rồi hướng cung Triều-dương, dùng khinh công phóng tới. Đúng như Ngũ-Anh nói, cạnh cung Triều-dương là chùa Quán-sứ. Nó tung mình vào sân chùa, mặc quần áo trắng, đeo mặt nạ, buộc hai cái đầu giả vào lưng, rồi vọt mình qua hàng rào vào trong cung Triều-dương. Thình lình có tiếng người cười nói ồn ào, rồi có hai kiệu phu khiêng cái kiệu vào trong sân. Đi kèm kiệu là Nguyễn Dư với tên thái giám Đỗ Quảng. Kiệu hạ xuống, Nguyễn Dư hướng vào trong kiệu : - Phan tiểu thư ! Xin tiểu thư xuống kiệu cho. Một thiếu nữ từ trong kiệu bước ra. Trong ánh sáng lờ mờ, Thủ-Độ cũng nhận ra nàng khoảng mười sáu, mười bẩy tuổi, nhan sắc cực kì diễm lệ, có phần sắc sảo hơn Phạm Thùy-Dương. Thiếu nữ hỏi Đỗ Quảng : - Đỗ công công ! Công công nói rằng có chỉ dụ của Hoàng-hậu đón tôi vào yết kiến người. Hoàng-hậu ở trong cung An-toàn, tại Hoàng-thành. Sao công công lại đưa tôi tới cung Triều-dương là nơi sứ đoàn Tống ở ? Đỗ Quảng chỉ vào căn phòng của viên phó sứ : - Tiểu thư hãy vào trong đó. Hoàng-hậu giá lâm tức thời. Tên thị vệ Tống lấy chìa khóa mở cửa phòng viên phó sứ. Trong phòng đèn nến sáng trưng. Nguyễn Dư chỉ vào trong : - Mời tiểu thư ! Thiếu nữ hiên ngang vào phòng. Nàng phóng con mắt nhìn một lượt, rồi hỏi Nguyễn Dư : - Công tử ! Đây là phòng ngủ của một người đàn ông. Tôi là một khuê các tiểu thư. Tôi không thể ngồi lại. Nói rồi nàng lùi ra sân. Đỗ Quảng, Nguyễn Dư với tên thị vệ Tống bao vây nàng vào giữa. Tên thị vệ nói tiếng Việt : - Cái lày không phải chồ Hoàng-hậu lớ. Cái lày nị chồ phó sứ lại nhân mà. Thiếu nữ hỏi Đỗ Quảng : - Y nói có đúng không ? Nguyễn Dư cười, y nói bằng giọng cực kì đểu dả : - Chẳng nói dấu gì tiểu thư. Tôi mời tiểu thư đến đây để ngủ với phó sứ đại nhân ít đêm. Chỉ cần tiểu thư ngoan ngoãn, thì tiến trình tương lai của phụ thân tiểu thư sẽ mở rộng không biết bao nhiêu mà kể. Tiểu thư thử nghĩ xem, phụ thân của tiểu thư lĩnh chức đô thống, chỉ huy đoàn võ sĩ Côi-sơn suốt mấy năm qua, mà cũng vẫn không được thăng lên một bậc, hay một trật nào. Nếu nay tiểu thư chịu khó hầu hạ ngài phó sứ mấy ngày. Chỉ mấy ngày thôi, có mòn đi tí nào đâu, mà phụ quý, tử vinh ! Thiếu nữ vung tay tát Nguyễn Dư một cái. Nguyễn Dư lạng người tránh, nhưng tay thiếu nữ như con cá trạch, nàng lách một cái, đã trúng mặt Dư. Bốp. Dư bị nảy đom đóm mắt. Nhìn chiêu thức của thiếu nữ Thủ-Độ nhận ra nàng xử dụng võ công Đông-A. Quá khứ hiện lên trong tâm : Thủ-Độ thường nghe bố mẹ nói rằng, hai sư đệ thân tín là Trần Tử-Kim được Thủ-Huy trao cho chức thống lĩnh đoàn võ sĩ Long-biên. Phan Lân được trao cho thống lĩnh đoàn võ sĩ Côi-sơn. Bây giờ nghe Nguyễn Dư nói thiếu nữ họ Phan, cha thống lĩnh đoàn võ sĩ Côi-sơn, nàng còn xử dụng võ công Đông-A...Thì có thể nàng là con của sư thúc Phan Lân. Nó nghĩ thầm : - Ta phải cứu nàng như cứu Phan Thùy-Dương. Nguyễn Dư bị tát y nổi cáu : - Con tiện tì vô lễ. Y ra một Long-trảo chụp vào ngực thiếu nữ, cử chỉ cực khả ố. Thiếu nữ trầm người tránh khỏi, rồi quét chân một cái Nguyễn Dư bị trúng cước, lảo đảo suýt ngã. Bị bất ngờ Nguyễn Dư xấu hổ, không nhân nhượng nữa, y rút kiếm tấn công nàng. Thiếu nữ cũng ra chiêu phản công. Nhìn trận đấu, Thủ-Độ kinh ngạc : - Cứ như hôm đấu với tên này ở quán Bích-động, bản lĩnh y cao thâm hơn ta không làm bao. Trong thời gian mấy năm, ta ra sức luyện tập để trả thù. Không ngờ tên này được đạo cô hết lòng truyền thụ, nên võ công y đến trình độ mà ta không ngờ tới.