Thủ-Độ lấy môt thoi vàng, nó vận công vào hai bàn tay, rồi ấn lên, vết tay của nó in hằn rất sâu. Trong khi đó Mỹ-Vân thuật hành trạng của Tô Trung-Từ, Nhạc Bảo-Bảo cho hai trẻ nghe. Nàng viết một bức thư trao tay Ngũ-Anh, rồi chỉ gói vàng: - Hai em đem gói này, đường đường chính chính tới con thuyền xin yết kiến, rồi trao tận tay ông bà. Hai em nói như thế...như thế... Nó lại gọi Cửu-Anh, Cửu-Hào, đưa ra hai hộp sâm Cao-ly: - Hai em đến chùa Chân-giáo yết kiến thầy Chân-Minh, thay ta dâng hộp sâm này lên thầy. Rồi lại đến Hồng-lĩnh đệ nhị y viện trao hộp sâm cho y sư Vũ Phòng-Phong. Nhớ phải nói như thế...như thế. Chiều hôm đó, Ngũ-Anh, Ngũ-Hào trở về. Chúng tường thuật vụ đi sứ cho Thủ-Độ, Mỹ-Vân nghe. "Hai trẻ sai bọn ăn mày rình quanh con thuyền Hải-hà sứ suốt buổi sáng. Đến giờ Tỵ thì ông bà Tô Trung-Từ về. Chúng báo cho Ngũ-Anh, Ngũ-Hào. Hai trẻ tuy xuất thân ăn mày, hèn hạ. Nhưng thời gian hơn năm qua, nó được học văn, luyện võ, lại đươc Thủ-Độ truyền cái hào khí của Tây-hồ thất-kiệt, Long-biên ngũ-hùng, hồi thơ ấu từng đi ăn mày, rồi sau trở thành đại tướng. Hai trẻ mặc y phục rách rưới như ăn mày. Tới đầu cầu, Ngũ-Anh gọi một thiếu niên ngồi gác : - Chúng tôi là hai trẻ ăn mày ở Thăng-long, vâng lệnh người lớn, tới cầu kiến với Hải-hà sứ và phu nhân. Ngay từ hôm đầu tới Thăng-long. Hai mươi đệ tử của Tô Trung-Từ từng gặp mặt Ngũ-Anh, Ngũ-Hào nhiều lần. Họ thấy chúng tập họp ăn mày lại, khi thì kể chuyện anh hùng Đại-Việt, khi thì chúng phân phối thực phẩm. Gã đệ tử thấy hai đứa, họ cho rằng chúng là một thứ trùm du côn, bắt bọn ăn mày tuân phục. Sau mấy ngày họ thấy không phải, vì bọn ăn mày rất kính trọng chúng. Hôm nay thấy chúng tới với phong thái người lớn, nêu đích danh sư phụ, xin cầu kiến. Gã đệ tử không dám coi thường, y vào trong khoang thuyền báo với Tô Trung-Từ, Nhạc Bảo-Bảo : - Trình sư phụ, sư mẫu, có hai đứa trẻ ăn mày, nói là vâng lệnh bề trên xin cầu kiến. - Để chúng ta ra đón khách. Trung-Từ Bảo-Bảo ra khỏi khoang thuyền. Ông bà chắp tay : - Xin mời nhị vị ! Phân ngôi chủ khách, trà nước bầy ra, Bảo-Bảo chắp tay : - Chẳng hay hai vị đây xưng hô thế nào ? - Cháu là Ngũ-Anh, còn sư huynh đây là Ngũ-Hào. Chúng cháu là ăn mày, không có họ tên. Trung-Từ cười rộn ràng : - Anh hùng đâu quản xuất thân. Xưa kia, Chử Đồng-tử nghèo đến cái khố không có, mà làm rạng danh triều Hồng-bàng. Gần đây, Tây-hồ thất kiệt, Long-biên ngũ hùng đều xuất thân ăn mày, mà nay khắp nước thờ kính. - Đa tạ Hải-hà sứ. Bề trên của anh em chúng cháu sai chúng cháu chuyển đến tiên sinh gói này, mong tiên sinh thu nhận. Nói rồi Ngũ-Anh trao cái túi cho Trung-Từ. Trung-Từ mở ra, bên trong có 20 thoi vàng. Kinh ngạc, ông hỏi : - Bề trên của hai vị là ai ? - Bề trên của anh em chúng cháu đã viết tên trên một thoi vàng rồi. Bảo-Bảo cầm một thoi vàng lên, trên thoi vàng in rõ mười đầu ngón tay. Bà nói với chồng : - Cứ như vết bàn tay in vào đây thì người này còn nhỏ tuổi. Tay trái hằn sâu vào, thì y vận âm kình. Tay phải hằn rộng ra, thì y vận dương kình. Trên đời chỉ y...chỉ y...y còn nhỏ tuổi mới luyện đến mức này mà thôi. Trung-Từ cầm thỏi vàng, tần ngần : - Dám hỏi vàng này ở đâu, mà bề trên hai vị có ? - Thưa vàng của Đại-Việt, bị người Tầu cướp đi. Chủ nhân chúng cháu đoạt lại, nhờ nhị vị trao trả cho dân Việt, mà đám thiếu niên cùng khổ vùng Kinh-bắc là đại diện. Nói rồi Ngũ-Hào trình ra một bao thư. Trung-Từ mở ra xem. Trong có tấm bản đồ khu Gia-lâm. Tại vùng đất hoang, khoanh bằng son. Ông nói với vợ : - Em xem ơi! Hôm trước ta muốn khai hoang khu đất này, rồi quy tụ dân phiêu bạt về, giúp họ cầy cấy. Em ước tính phải có năm thoi vàng. Một thoi chúng ta cũng không có, huống hồ năm ? Nay y trao cho ta hai chục thoi, nhờ ta làm cái công việc quy tụ đám thiếu niên cùng khổ, thì thực là cầu mà không được. Ông bà cùng chắp tay : - Nhị vị về nói với bề trên rằng chúng tôi sẽ làm hết sức mình ». Nghe Ngũ-Anh, Ngũ-Hào trình bầy, Thủ-Độ cực kỳ cao hứng : - Mẹ ta chết ấm ức ! Ta bị đời khinh khi, muốn đánh thì đánh, muốn chửi thì chửi, muốn sai gì thì sai. Chúng còn đái lên đầu ta, rồi đứa con gái của tên Đàm Thì-Phụng, từng hầu hạ cha mẹ ta... Mà y thị còn muốn thiến ta thành thái giám hèn hạ hầu y thị cả đời. Hôm nay ta làm được việc này, ít ra là vinh danh cha mẹ ta. Còn Khả-hãn Cửu-Anh, Cửu-Hào trở về thuật: " Hai trẻ đến chùa Chân-giáo, xin yết kiến sư Chân-Minh. Bà làm công quả ở chùa tưởng chúng là ăn mày, nói với chúng: - Các cháu muốn ăn oản, ăn chuối thì bà cho cháu, không cần gặp thầy. - Chúng cháu muốn gặp thầy để cúng dàng, chứ không phải xin ăn. Hai trẻ gặp sư Chân-Minh, chúng đảnh lễ, xin được hầu chuyện. Sư Chân-Minh sai đóng cửa lại rồi hỏi: - Phải chăng hai con do người trên sai đến? - Bạch sư phụ vâng. Người trên của chúng con sai chúng con kính cẩn dâng lên thầy, gọi là chút lễ bạc. Hai trẻ trao hộp sâm cho sư. Sư cầm lấy rồi tủm tỉm cười: - Người ăn ở có hậu như thế này, thì vạn thế còn lưu danh. Hai con về nói với người trên rằng : Đối với kẻ thù ác độc đến đâu cũng nên dùng chữ từ của đức Thế-tôn. Hai trẻ lại đến Hồng-lĩnh đệ nhị y viện. Học trò thấy hai đứa ăn mày thì hỏi: - Hai cháu muốn xin ăn phải không? - Không? - Thế hai cháu bị bệnh gì? - Dạ, cũng không! - Thế hai cháu cần gì? - Hai cháu nhờ y sư trị bệnh cho người khác? - Người khác đâu? Bị gì? - Chúng cháu không biết tên, dĩ nhiên không biết họ bị bệnh gì. - Các cháu nói gì mà bí hiểm như kinh Kim-cương không bằng. - Người trên của cháu, kiếm được mấy vị thuốc cực trân quý, muốn dâng y sư, nhờ tay tiên y sư trị cho người bệnh. Vì vậy chúng cháu không biết tên bệnh nhân cũng như chứng bệnh. Thấy ngôn từ hai trẻ có hơi khác thường, người học trò vội báo với y sư Phòng-Phong. Tuy Phòng-Phong mới tới Tây-hồ thủy-xá một lần, nhưng ông cũng nhớ mặt Cửu-Anh, Cửu-Hào. - Thế nào? Bề trên các cháu cho ta cái gì đây? Hai trẻ trao hộp sâm cho Phòng-Phong. Phòng-Phong mở ra, bất giác ông trợn tròn mắt ra rồi hỏi: - Y...Y kiếm đâu ra những thứ trân quý như thế này? - Chúng cháu cũng không biết nữa. Phòng-Phong lên tiếng gọi vợ: - Bà nó ơi! - Gì vậy. - Bà xem này! Cách đây mười lăm năm, Bạch-Hạc theo Thủ-Huy đi sứ Mông-cổ, Thiết Mộc Chân đem mấy cân Thái-tử sâm ra tạ ơn y sư Phạm Tử-Tuệ đã cứu các tướng của ông bị trúng độc. Thủ-Huy mang ba cân sâm về dâng lên vua Anh-tông. Nhà vua ban một cân cho Thủ-Huy, để trị bệnh. Nhờ sâm đó mà Thủ-Huy thoát chết. Triều đình Đại-Việt gửi một cân biếu ông nội Thủ-Huy là Trần Tự-Kinh. Bây giờ Bạch-Hạc thấy cũng thứ Thái-tử sâm, cũng hộp bạc khắc hình chim ưng. Bà rùng mình hỏi: - Sâm này từ Mông-cổ, sao y...y lại có? Hai trẻ trả lời bằng cái lắc đầu". Năm ấy, trong nước bị mất mùa, sang tháng hai, dân chúng chết đói khắp nơi. Trên toàn quốc, từ hang cùng, ngõ hẻm cho tới vùng rừng núi, chỗ nào cũng có ăn mày. Người người nằm gối đầu lên nhau mà chết. Đội quân của bọn Khả-hãn mỗi lúc một đông. Dân chúng lũ lượt kéo nhau về các trang ấp thuộc quyền của Trần Lý, Tô Trung-Từ để xin cứu đói. Bọn Khả-hãn thuật cho Thủ-Độ nghe, chỗ nào dân chúng cũng ca tụng công đức của bác Lý nhà nó. Họ đều nói : Phải chi công chúa Đoan-Nghi, phò mã Thủ-Huy trở về cầm quyền, thì dân đâu đến nỗi đói khổ thế này ? Nghe chuyện ông cha, hùng khí trong tâm nổi dậy. Thủ-Độ nghĩ thầm : - Bố-mẹ, chú bác ta đã làm lên những công nghiệp lớn. Ân đức như mưa, trải khắp nơi. Ta là con, là cháu, ta học kinh nghiệm của người đi trước, ta cũng phải làm được một cái gì. Ông, bác, cô, chú, cậu ta lấy chủ đạo mà dựng nghiệp bằng cách quy dân lập ấp, bảo vệ dân không bị cường hào ác bá không bị trộm cướp. Tại sao ta không mở rộïng chủ đạo ấy ra ? Bây giờ trong lúc dân chúng đói khổ, trẻ mồ côi lê lết, không nhà, không cửa...Ta hãy dùng bóng ma ba đầu, lấy của bất nghĩa làm phương tiện giúp dân. Ta hãy xóa bỏ cái ranh giới nhỏ hẹp Thăng-long, gửi bọn Tây-hồ thập bát anh hào đi khắp nơi, quy tụ bọn ăn mày, người cùng khổ lại tổ chức cuộc sống no đủ cho họ. Chiều hôm đó, sau khi bọn Thập-bát Tây-hồ ra các chợ kiểm soát đệ tử trở về. Chúng hớn hở kể cho Thủ-Độ, Mỹ-Vân cái tin con quỷ ba đầu hiện lên trong cung Triều-dương lấy hết vàng bạc, châu báu mang đi... làm rung động thành Thăng-long. Nhưng lần này con quỷ đánh rơi thanh kiếm trong sân cung. Thiên-sứ đại nhân tâu quả quyết: quỷ chỉ nhát người chứ không lấy vàng bạc. Ngài giải đoán rằng con quỷ ba đầu quả có thực. Còn vụ trộm vàng ngọc của sứ đoàn thì có kẻ mạo danh con quỷ để ăn trộm. Trên thanh kiếm có khắc dấu hiệu môn phái, thế hệ của kẻ trộm. Mặc dù quan Tổng-lĩnh thị vệ xin được nhận thanh kiếm, rồi căn cứ vào đó truy lùng thủ phạm. Thiên-sứ đại nhân không chịu trao kiếm, ngài lấy lý : Thị vệ Đại-Việt không làm tròn nhiệm vụ, thì có trao tang vật cho cũng vô ích. Nghe dư luận, Mỹ-Vân bàn : - Trên thanh kiếm của bọn Gia-thụy ngũ anh đều có khắc hình năm ngọn núi, biểu hiệu của phái Hoa-sơn. Dưới năm ngọn núi lại khắc chữ chỉ rõ chủ của thanh kiếm thuộc thế hệ thứ mấy. Huynh vô tình ném thanh kiếm của tên Đoàn Thượng vào trong sân cung Triều-dương, đã làm cho sứ đoàn với bọn Hoa-sơn nghi ngờ nhau. Bây giờ giữa bọn chúng đang có ngọn lửa âm ỷ cháy. Tội gì mình không đổ thêm dầu vào cho lửa bốc cao lên ? - Theo ý sư muội, ta nên làm gì? - Thế này ! Sư huynh đã biết xử dụng võ công Hoa-sơn. Sư huynh lại làm quỷ ba đầu đột nhập tư dinh bọn ngoại thích, bọn tham quan... cướp vàng bạc. Dĩ nhiên trong khi cướp, đai ca dùng võ công Hoa-sơn. Như vậy, kinh thành lại náo động rằng, con quỷ ba đầu không phải là hồn oan Thái-tử Long-Xưởng, mà là một bọn cướp. Triều đình sẽ chĩa mũi dùi vào bọn đồ tử, đồ tôn của Nam-thiên tiên tử... Vốn thông minh, Thủ-Độ hiểu ngay : - Sau đó ta lại làm quỷ ba đầu, đột nhập dinh của Đoàn Văn nhát vợ, con, gia thuộc y rồi kể tội y đã sai con trai, cùng gia tướng mạo danh ta, ăn trộm châu báu của sứ đoàn Tống. Rồi ta trừng phạt bằng cách giết mấy tên thủ hạ của y. Nhưng ngay bây giờ, ta hãy lo chuyện dầu sôi lửa bỏng là chuyện dân chết đói đã. Mỹ-Vân bàn: - Sau vụ sứ đoàn Tống bị con quỷ ba đầu lấy hết vàng bạc, ai cũng tin rằng không hề có con quỷ. Là người. Là cao nhân hành hiệp như Ưng-sơn song hiệp, Mộc-tồn vông thê hòa thượng, như Côi-sơn song ưng. Vậy đại ca thử vào cung Ngọc-lan dò xét tình hình xem sao? - Ừ phải đấy. Thủ-độ vào cung Ngọc-Lan. Vừa thấy nó, Thụy-Nga đã ra lệnh : - Mi về đấy à ? Mấy hôm nay mi có lên cơn điên không ? - Không ! - Tiên tử đang muốn tìm mi đấy ! - Tìm làm gì ? - Ta không biết. Mi hãy chuẩn bị để đêm rằm tháng tám dự tết Trung-thu. Tết Trung-thu năm nay, còn có cuộc tranh chức võ trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa của võ lâm. Mi cũng biết võ, Tiên-tử bắt mi phải ứng thí đó. - Tôi mà cũng được dự thi à ? - Dĩ nhiên ! Luật lệ ban ra rằng, sau khi tuyển trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa rồi, mà ai không phục, thì có quyền lên đài thách đấu. - Thế giám khảo là ai ? - Gồm năm người. Hoàng-thượng thân ngồi ghế chánh chủ khảo. Có hai phó chủ khảo là Kiến-khang vương, Kiến-bình vương. Ngoài ra còn hai giám khảo nữa Đại Đô-đốc Phùng Tá-Chu, Hổ-uy thượng tướng quân lĩnh Kinh-Bắc tiết độ sứ Quách Bốc. - Thế tại sao Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn, Phạm Bỉnh-Di lại không được cử làm giám khảo ? - Vì ba người ấy có con dự thi nên phải hồi tỵ. - À thì ra thế. - Thôi mi vào gặp Nam-thiên huyền-quân đi. Thủ-Độ vừa bước vào Tam-thanh điện, chưa kịp hành lễ, thì đạo cô đã chỉ cái bồ đoàn : - Người ngồi đó đi. Đạo cô ngắm nhìn Thủ-Độ từ đầu đến chân rồi nói một mình : - Giống quá ! Giống quá. Đẹp hơn bố nhiều. Này Trần Thủ-Độ. Thủ-Độ biết rõ Đạo-cô nguyên là Tuyên-phi Thụy-Hương thời vua Anh-tông. Trước khi được phong Tuyên-phi, đạo cô là người tình ba năm của bố nó. Khi bố nó kết hôn với mẹ nó, thì Thụy-Hương trở thành người tình của Thái-tử Long-Xưởng, với hy vọng sau trở thành hoàng hậu, để trả thù bố nó. Song Long-Xưởng không lấp được cái uất hận của Thụy-Hương. Thụy-Hương tìm cách bắt vua Anh-tông. Thành công! Được phong Tuyên-phi, rồi làm tan nát triều Lý. Nghe đạo cô nói giống quá! Giống quá, Thủ-Độ hiểu rằng hồi hoa tình mới nở giữa bà với bố nó. Bố nó đang tuổi mười bẩy. Bây giờ Thủ-Độ đã ở tuổi mười lăm, mười sáu, nhưng nó vì nó luyện nội công âm dương nhiều, nên cơ thể to lớn bằng một thiếu niên mười bẩy mười tám. Cha con mường tượng giống nhau. Thủ-Độ làm bộ ngơ ngác : - Tiên tử nói sao ? Mắt đạo cô không rời Thủ-Độ: - Mi họ Trần, tên Thủ-Độ. Cha mi là Trần Thủ-Huy. Mẹ mi là công chúa Đoan-Nghi. Mi quên rồi sao ? - Không phải. Hoàng hậu bảo đệ tử là cháu xa của người. Đệ tử họ Đàm, tên Độ. Đệ tử không phải họ Trần. Đệ tử thuộc ngoại thích của bản triều. Nhìn Thủ-Độ, bao nhiêu kỷ niệm với Thủ-Huy hai mươi năm trước sống dậy: Yêu thương, nhớ nhung, hận thù. Trong lòng Thụy-Hương nảy ra một dục vọng: - Ta sinh ra phải sống trong giả dối. Đời ta trải qua Thủ-Huy, Long-Xưởng, Anh-tông, Mạc Hiển-Tích. Từ ngày ta trở về Đại-Việt, giả làm đạo cô, song thực tế ta là Thái-hậu. Ta còn muốn gì hơn? Ăn ư? Ta muốn ăn gì cũng có. Mặc ư? Ta muốn mặc gì cũng được. Chỉ còn vấn đề phòng the mà thôi. Bây giờ tuổi ta ngày càng lớn, ta không hưởng đi, thì sau này sẽ hối tiếc. Quay lại nhìn Thủ-Độ: - Ta trả thù Thủ-Huy như vậy cũng đủ rồi. Cái chí đòi lại cố thổ của y tan ra mây khói. Y thành người vong quốc, lưu lạc trên đất Mông-cổ. Ta những định đánh lừa y với Đoan-Nghi về, tìm cách đánh thuốc mê bắt Đoan-Nghi, trói bỏ vào gầm dường. Sau đó ta với y tình tự trên dường cho y thị đau khổ. Tiếc rằng y thị vừa về đến nơi thì bị ám toán. Ta trút mối hận vào đầu đứa con của y thị. Ta biến con y thành đứa trẻ điên điên, khùng khùng; làm tôi đòi hèn hạ, ăn mày khắp kinh thành. Nhưng...thằng nhỏ này giống bố quá. Bây giờ nó trở thành một thiếu niên anh tuấn. Tại sao ta không dùng nó thay Thủ-Huy ? Đã có biết bao nhiêu gã đàn ông là người tình của cả mẹ lẫn con gái. Ta cũng đã là người tình của cha con Long-Xưởng. Tại sao bây giờ ta không thể trở thành người tình của cha con Thủ-Huy? Nghĩ vậy Thụy-Hương đổi thái độ: - Này Đàm Độ ! Người cũng học võ, vậy ngày rằm này người phải lên đài tỷ đấu. Biết đâu người không trúng tuyển tiến sĩ ? - Bản sự đệ tử không đủ, e lên đài sẽ mất mạng ! - Năm trước mi đã thắng Thái-tử Long-Sảm. Mi quên rồi sao? - Thắng Thái-tử Long-Sảm? Đệ tử có đấu võ bao giờ đâu? Hôm ấy đệ tử đánh bừa, may mà trúng. - Thôi, người đi tắm, rồi lên đây ăn cơm với ta. Thủ-Độ kinh ngạc đến ngớ người ra. Vì từ ngày đến cung Ngọc-lan, trước mặt mọi người thì đạo cô gọi nó là thằng ngẫn ngờ, thằng khùng, thằng điên. Còn khi chỉ có hai người thì gọi nó là thằng chó đẻ, thằng lộn giống. Hồi đầu, nó ngạc nhiên, vì một đạo cô, sư phụ của nhà vua, của hoàng hậu, của tất cả các đại thần, mà lại có ngôn từ tục tằn thô lỗ như vậy. Sau khi Long-Sảm khai ra đạo cô là Tuyên-phi Vương Thụy-Hương thời vua Anh-tông, thì nó không ngạc nhiên nữa ; vì trước kia, bà từng là người tình của bố nó. Bà căm hận bố nó bỏ bà, kết hôn với mẹ nó. Bây giờ thình lình bà đổi thái độ, trong lòng nó nghĩ: - Trước kia bà trao cho cung nga Thụy-Nga theo dõi ta. Không lẽ bố ta trở về Đại-Việt, đang đi tìm ta, nên bà muốn giữ ta bên cạnh để gài bẫy hại bố ta? Tắm rửa, thay y phục xong, Thủ-Độ lên Tam-thanh điện, đạo cô cũng đã thay y phục. Bà mặc quần trắng, áo tím, bằng lụa Nghi-tàm. Bà ôm lấy đầu nó ép vào ngực. Không tự chủ được, nó để bà ôm, mùi nước hoa Ngọc-lan thoang thoảng từ người bà tỏa ra. Thủ-Độ tuy chưa trưởng thành, nhưng cơ thể nảy nở. Với cái tuổi của nó, thân xác bắt đầu phát triển. Thời bấy giờ, nếu nó là con vua, cháu chúa thì đã được cưới cho nhiều phi tần, cơ thiếp. Vì mồ côi cha mẹ, bị khinh khi, phải phiêu bạt...nó sống ở đầu đường xó chợ, lại gần gũi với bọn ăn mày, nên nó đã hiểu tinh tường chuyện tình ái. Tuy vậy nó chưa từng biết cái mùi Vu-sơn là gì. Bị đạo cô, tuy đáng tuổi mẹ nó thực, nhưng là một giai nhân tuyệt sắc, trong y phục mỏng sát da... ôm sát vào người. Bị kích thích cùng độ, người nó quay cuồng, trời đất đảo lộn, môi nó khô. Đạo-cô hôn lên môi nó. Nó gần như lịm đi trong cái cảm giác thần tiên. Hôn chán, Thụy-Hương cùng ngồi ăn với Thủ-Độ. Trong bữa ăn, Thụy-Hương luôn gắp thức ăn bỏ cho nó. Đầu óc nó hoang mang, không hiểu nổi hành động quá thân ái của đạo cô. Ăn xong, Thụy-Hương ra lệnh cho cung nga dọn bát đĩa: - Ta dạy đứa bé này mấy thức nội công. Tuyệt đối người không cho ai vào đây. Nói dứt bà đứng dậy đóng cửa, cài then lại, nắm tay nó: - Cháu hãy theo ta vào đây. Ta bảo gì, cháu cứ làm theo ta. Từ nay cháu sẽ sống sung sướng cạnh ta. Dù vua, dù hoàng hậu cũng không được được đụng chạm đến cháu. Thụy-Hương lại ôm cứng Thủ-Độ, hôn khắp người nó. Bị kích thích, người Thủ-Độ nóng bừng lên. Thụy-Hương với nó lăn lên trên cái giường. Chợt Thủ-Độ nhớ lại lới bố nó thường dạy đệ tử: " Con người ta, thân thiết với nhau như thầy trò, cha con, anh em, có thể ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, mặc chung quần áo... Không thể chung một người đàn bà". Nó nghĩ thầm: - Bà Đạo-cô này từng là người tình của bố ta. Bà là kẻ thù làm cho Đại-Việt tan nát. Chính bà xui nhà vua đẩy cha mẹ ta khỏi Đại-Việt. Bà cũng dự vào việc ám hại mẹ ta. Bây giờ bà định dùng ta như một con vật để thỏa mãn dâm tính ư? Nó muốn đẩy bà ta ra, mà không có sức. Chợt có tiếng ai đó dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai nó: "Vận khí vào qui đầu, đưa ngược lên huyệt Trung-cực, dẫn khí theo Dương-kiêu mạch, chuyển sang Đốc-mạch ở huyệt Đại-trùy. Tản khí ra khắp da". Vốn cực kỳ thông minh, chỉ nghe qua, Thủ-Độ cũng biết đây là một thức tản công, không nguy hiểm gì. Nó vận khi tức thời. Người nó đang nóng bừng, căng thẳng như cái bong bóng, được thay thế bằng cảm giác mát mẻ, khoan khoái. Ghi chú của thuật giả: Thức Khí-công mà Thủ-Độ đã dùng để thoát nạn, tên là Tiêu-sơn hóa tinh pháp. Thức này nay còn lưu truyền. Chúng tôi đã cho thử nghiệm lại, đạt kết quả tốt, đem giảng dạy tại ARMA và viện Pháp-Á. Công dụng chính là giảm cơn thèm muốn của tình dục. Các nhà tu mà luyện được thì không còn sợ con lợn lòng biểu tình làm phá giới thể. Xin xem phụ lục trong quyển 2, Anh-hùng Đông-A dựng cờ bình Mông. Thụy-Hương ôm Thủ-Độ, những tưởng khai mạc đời con trai của nó, thì tự nhiên cái ấy của nó trở thành mềm xèo. Kinh ngạc. Thụy-Hương cho rằng nó sợ quá nên chân khí bị thoát ra ngoài. Kinh nghiệm phòng the của bà mẹ xuất thân là kỹ nữ truyền thụ, lại trải qua trước sau gần chục đàn ông, Thụy-Hương thừa kinh nghiệm để đưa Thủ-Độ vào mê lộ. Nàng vuốt ve vào huyệt Quan-nguyên, Thận-du của Thủ-Độ. Người nó lại nóng bừng. Giữa lúc đó có tiếng tên thái giám hầu cận hô lớn: - Hoàng thượng cầu kiến Tiên-tử. Thụy-Hương vội buông Thủ-Độ ra, bảo nó: - Người cứ đứng hầu bên cạnh ta. Rồi lên tiếng: - Thỉnh Hoàng-thượng vào. Nhà vua bước vào hành đại lễ: - Thần nhi ra mắt mẫu hậu. Thủ-Độ giả khùng, nên nó mở mắt thao láo nhìn nhà vua, không hành lễ. Nhà vua cũng không bắt lỗi nó. - Có điều gì khẩn cấp không sắc diện Hoàng-nhi lại hoảng hốt vậy? - Tâu mẫu hậu, vẫn chuyện con quỷ ba đầu. - Ta đã nói rằng không hề có ma quỷ gì cả, đây là một cao thủ võ lâm hý lộng quỷ thần mà thôi. Hôm trước ta đã ban chỉ cho Khu-mật viện cùng bọn Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng Phạm Bỉnh-Di, Quách Bốc, Đoàn Văn, Nguyễn Nộn, Nguyễn Du phải tìm cho ra chiêu thức, nội công của tên này, thì mới biết căn của nó. Biết căn thì trị đâu có khó? - Khu-mật viện tâu rằng, khi xưa Ưng-sơn song hiệp, Mộc-tồn hòa thượng, Côi-sơn song ưng từng tung hoành khắp Hoa-Việt, đương thời không ai tìm ra. Phải đợi đến cuối đời các vị ấy tự xuất hiện mới biết tông tích. Con quỷ ba đầu này hành tung còn kỳ bí hơn, thì sao mà tìm căn cho được? Thụy-Hương cau mặt: - Trong mấy vụ lớn y gây ra, chẳng lẽ y không xử dụng võ công? - Trước sau nó gây ra sáu vụ khác nhau. Vụ đầu tiên tại cung An-toàn, không rõ lý do. Không làm chết ai. Thần nhi nhờ Kiến-bình vương thẩm vấn tên thị vệ bị nhát, thì người cho biết dường như y dùng một chiêu trong Hoa-sơn quyền pháp chính tông. Vụ thứ nhì tại Đông-cung, mục đích gì không rõ, mà Sảm nhi, Thẩm nhi cũng như bọn Thiện-nhân, Thái-giám, cung nga đều không dám khai, vì khi hiện hồn nó đe dọa, ai tiết lộ ra nó sẽ bắt hồn. Thần nhi sai Đô-thống Phan Lân điều tra võ công mà con quỷ dùng để khống chế bọn Gia-thụy ngũ-anh, thì Lân nhận ra đó là những chiêu Hoa-sơn quyền pháp. Vụ thứ ba nó quậy phá phủ Thái-sư, đem con gái Kinh-diên quan Phạm Kính-Ân trả về nhà. Trong vụ này y không xử dụng võ công nên không rõ. Vụ thứ tư, y quậy nhà tên đội trưởng hải đội Thăng-long, điều tra về cái chết của công chúa Đoan-Nghi, rồi nhát chết đạo sư Thiên-Sơn. Vụ này y cũng không xử dụng võ công nốt. Sang vụ thứ năm, y quậy dinh An-phủ kinh lược sứ Hồng-châu, cũng vẫn điều tra việc công chúa Đoan-Nghi bị ám hại. Nó nhát chết vợ Vũ Khải là Mỹ-Hồng. Tên thị vệ bị y khống chế thuật lại chiêu thức y dùng, thì cũng vẫn là võ công Hoa-sơn. - Điều tra về cái chết của Đoan-Nghi thì chỉ có phái Đông-A, mà trong khắp Đại-Việt duy phái này biết xử dụng võ công Hoa-sơn mà thôi. Thế thì con quỷ là người phái Đông-A. Có gì mà không hiểu. Ta cũng đang muốn biết kẻ nào sát hại công chúa Đoan-Nghi. Cứ để cho phái Đông-A điều tra dùm. Hà! - Tâu mẫu hậu, Khu-mật viện cũng tâu như thế. Song Kiến-khang vương bác. Vì những chiêu mà con quỷ ba đầu xử dụng thuộc bộ chưởng trấn môn của phái Hoa-sơn, mà chỉ một mình mẫu hậu với các đệ tử của mẫu hậu biết. Thần nhi nghi một trong bọn Lĩnh-Nam ngũ hổ hay Gia-thụy ngũ anh làm việc này, nên ra lệnh cho Khu-mật viện theo dõi. Manh mối đã tìm ra. - Y là ai? - Thần nhi chưa chắc cho lắm. Căn cứ vào vụ mới đây nó gây ra là đột nhập cung Triều-dương, lấy hết vàng, ngọc, bảo vật trong phòng chánh phó sứ, rồi bắt con gái đô thống Phan Lân là Phan Mỹ-Vân đem đi mất. Chiêu thức mà y dùng để khống chế tên thị vệ cũng lại là Hoa-sơn. Hôm sau, phó sứ Lâm Hoài Đức tìm ra thanh kiếm của con quỷ đánh rơi trong sân cung Triều-dương. Nhìn ký hiệu khắc trên chuôi kiếm, Lâm cho biết con quỷ thuộc phái Hoa-sơn, dưới quyền quản nhiệm của ngọn núi Công-chúa. - Ta là Mao-nữ tiên tử, chưởng quản ngọn núi này, thì tất cả đệ tử Mao-nữ Hoa-sơn ta phải biết. Kiếm có khắc rõ thế hệ. Y thuộc thế hệ thứ mấy? - Thứ hai mươi. - Thế hệ thứ hai mươi thì chỉ có Gia-thụy ngũ anh. Y là đứa nào? - Khu-mật viện điều tra, thì biết thanh kiếm đó của Đoàn Thượng. Khi hỏi cung, Thượng khai rằng, y được lệnh của cha, phục ngoài cung Triều-dương để rình bắt con quỷ. Y đã giao chiến với con quỷ. Võ công con quỷ rất cao. Nó bắt thanh kiếm của y, rồi ném vào trong sân cung. Kiến-khang, Kiến-bình vương cho rằng tất cả những vụ hý lộng quỷ thần đều do cha con Đoàn Văn gây ra. - Chúng gây ra với mục đích gì? - Theo như Đàm hậu, thì bọn Ngũ-hổ Lĩnh-nam ỷ là đệ tử của mẫu hậu. Sau cuộc thi võ ngày rằm tháng tám này, bọn Đoàn Thượng, Nguyễn Dư, Phạm Bỉnh-Du sẽ được trao binh quyền. Thanh thế của chúng càng mạnh thêm. Ngũ-hổ Lĩnh-Nam muốn hắt Thái-sư Đàm Dĩ-Mông, Thái-úy Đàm Thì-Phụng ra ngoài...mà không đủ sức. Nên chúng cố tình gây trấn động vụ án công chúa Đoan-Nghi, để phái Đông-A chĩa mũi dùi vào họ Đàm. Thần nhi định bắt giam cha con Đoàn Văn, ngặt vì Văn cũng như Thượng đều là đệ tử của mẫu hậu. Thần nhi phải tâu lên để mẫu hậu định liệu. - Ta không tin cha con họ Đoàn dám làm chuyện ấy. Ta nghĩ có lẽ bọn nào đó bốc lửa bỏ bàn tay họ Đoàn mà thôi. Có thể họ Đàm đã làm vụ này. Thụy-Hương suy nghĩ một lúc rồi ghé miệng vào tai nhà vua: - Muốn giảm bớt thế lực họ Đàm, tại sao ta không dĩ độc trị độc. - Thần nhi không hiểu ý mẫu hậu. - Trước đây, vì ta âm thầm từ Tống trở về Đại-Việt, mà phải nhờ họ Đàm che dấu thân thế, để mẫu tử mới trùng phùng. Ta cũng dùng họ Đàm để diệt vây cánh của Đỗ An-Di, Đỗ Thụy-Châu, Mạc Hiển-Tích. Không ngờ, bọn Đàm Dĩ-Mông, Đàm Thì-Phụng lại muốn khuynh đảo triều đình. Hừ! Thụy-Hương này đâu phải là con đàn bà ngu như Cảm-Thánh? Như Thụy-Châu? Ta âm thầm đào tạo Lĩnh-Nam ngữ hổ tướng, rồi trao binh quyền cho chúng. Bây giờ ta lại đào tạo Gia-thụy ngũ-anh. Sau ngày rằm tháng tám này, ta sẽ cho bọn này nắm thêm các chức vụ then chốt. Rồi ta dùng bọn võ tướng xuất thân phái Đông-A để diệt bọn họ Đàm. Bọn Đông-A, bọn họ Đàm như trai cò, ta làm ngư ông hưởng lợi. Bấy giờ trong triều chỉ còn người của ta. - À, thần nhi hiểu rồi. Việc công chúa Đoan-Nghi bị hại, phái Đông-A chưa biết. Trong triều hiện có Kiến-khang, Kiến-bình vương, Tiên-yên quốc công Phùng Tá-Chu, Đô-thống Phan Lân đều là đệ tử phái Đông-A. Sau ngày rằm tháng tám, thần nhi mời hai vương vào cung, báo cho biết nội vụ, trao cho hai vương truy lùng thủ phạm cùng tìm tung tích con quỷ ba đầu. Nếu hai vương có hỏi tại sao công chúa hoăng đã mấy năm, mà bây giờ mới công bố, thì thần-nhi cứ nói rằng triều đình dấu kín để điều tra. Nhà vua nhìn Thủ-Độ : - Thằng bé này đã khỏi bệnh chưa ? - Dường như đã hết điên. Trong đêm Trung-thu thi võ võ, ta sẽ cho nó ứng thí ; rồi phong nó làm trưởng toán thị vệ cung Ngọc-lan này. Nhà vua tuyên chỉ cho Thủ-Độ : - Ta có việc cần mật tấu với mẫu hậu. Cho người lui. Rời khỏi Tam-thanh đường Thủ-Độ trở về phòng ngủ. Nó nghĩ thầm : - Mỹ-Vân hay thực. Bây giờ ta đã biết rõ kẻ thù giết mẹ ta là họ Đàm. Trong ba người đầy quyền lực họ Đàm là Dĩ-Mông, Thì-Phụng, Hoàng-hậu thì ai chủ trương ? Tại sao chúng giết mẹ ta ? Ta lại biết nhà vua nghi ngờ bọn Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng và ba đứa con nó trong Gia-thụy ngũ-anh. Không ai nghi ngờ gì bọn ăn mày với ta cả. Tốt lắm ! Sáng hôm sau Thủ-Độ lại giả lên cơn động kinh, rồi trốn khỏi Hoàng-thành, trở về Tây-hồ thủy-xá. Trên đường đi, nó thấy dân chúng chết đói nằm dọc dường không biết bao nhiêu mà kể. Hồi mới về nước, quá đau khổ vì mẹ bị ám hại, Thủ-Độ dồn hết tâm tư vào việc truy tầm thủ phạm. Sau khi bị bọn Gia-thụy ngũ anh làm nhục, đánh đập, thì Thủ-Độ lại chú tâm làm sao diệt hết họ Lý, giết cả nhà bọn chúng để trả thù. Bây giờ trước cảnh dân chúng đói khát, ăn mày đầy dẫy khắp nơi. Trẻ con mồ côi lê lết, không chỗ nào mà không có. Nó cho rằng việc tầm cừu, trả thù không phải một ngày, hay một tháng mà xong. Trong khi việc cứu những người cùng khổ, như chữa cháy phải làm ngay. Một lần nữa, Thủ-Độ đổi thái độ. Nó để hết tâm chí vào việc này. Nó nghĩ : - Ta phải phân bọn Khả-hãn Tây-hồ đi khắp nơi, để quy tụ người nghèo, trẻ mồ côi, sao cho các nơi cũng giống như Thăng-long. Việc làm này không phải một huyện, một trấn, mà trên toàn quốc. Khi xưa vua Trưng hội các anh hùng ở hồ Động-đình, tế cáo Quốc-tổ rồi khởi nghĩa. Bây giờ ta cũng đem bọn Tây-hồ anh hào đi Phong-châu, lễ vua Hùng, rồi trước anh linh Quốc-tổ, Quốc-mẫu ta mới phân chúng đi khắp nơi.