Thấm thoắt đã đến ngày mười tư tháng tám. Trong suốt mười ngày trước, Tự-Khánh, Thủ-Độ, Mỹ-Vân, Kim-Dung ngày đêm luyện võ cho bọn Cửu-hào. Bản lĩnh chúng tiến nhanh vô cùng. Thủ-Độ lấy bốn cái thẻ bài trao cho Tự-Thừa : - Đây là thẻ bài của cung Ngọc-lan. Người nào cầm thẻ bài này, thì coi như kẻ thân tín của Nam-thiên huyền-quân. Em phải vào cung để điểm danh, trước khi thí võ. Vậy hai anh dùng thẻ bài này dẫn Kim-Dung, Mỹ-Vân trà trộn vào đám con quan, xem cuộc thi tuyển. Nó dặn bọn Cửu-hào : - Khi phải lên đài đấu với sĩ tử, các em chỉ nên đánh cầm chừng, dò dẫm bản lĩnh của họ. Nếu thấy bản lĩnh họ cao thâm, hãy xử dụng hết công lực. Còn như bản lĩnh họ thấp, ta cứ đánh lấy lệ. Cuối cùng ta dùng một tuyệt chiêu thắng họ. Sau khi thắng họ, thì phải khen ngợi họ, tìm cách kết thân, rồi rủ họ nhập vào hệ thống Khả-hãn của mình. Có như vậy, ta mới đủ lực làm cái gì cho đất nước. Thủ-Độ về cung Ngọc-Lan vào buổi trưa hôm mười tư. Đạo-cô Thụy-Hương thấy nó thì mừng ra mặt : - Đàm Độ ! Người đi đâu hai tháng nay ? - Đệ tử đi Phong-châu, Đăng-châu, Hồng-châu chơi. - Người có biết ngày mai là ngày tuyển võ đình thí không ? - Đệ tử nhớ. Nhưng đệ tử không muốn dự tuyển, vì bản sự quá non nớt. - Không muốn thì cũng phải thi, vì mi là cháu Hoàng-hậu. - Thưa Tiên-tử, thế ai làm giám khảo ? - Kiến-khang, Kiến-bình vương cùng Đại đô-đốc Phùng Tá-Chu, Quản Khu-mật viện Quách Bốc. Ta sẽ cố gắng giúp mi đoạt được ngôi vị Tiến-sĩ, rồi cho mi làm trưởng đoàn Thị-vệ cung này. Mi tắm rửa rồi lên đây ăn cơm với ta. Trong khi tắm, Thủ-Độ nghĩ thầm: - Dù gì Tiên-tử cũng là người mà phụ thân ta sủng ái trên ba năm. Trước đây bà đối xử tàn tệ với ta, chẳng qua vì ghen tương với mẹ ta mà ra. Bây giờ bà đổi thái độ, thân ái với ta, vì muốn dùng ta thay phụ thạn ta. Làm sao bây giờ? Tưởng đến lần trước, Thụy-Hương trong y phục lụa mỏng, bó sát người, ôm áp, vuốt ve, hôn hít khắp người nó. Cơ thể nó lại rừng rực như hàng trăm ngọn lửa thiêu đốt, mặt nó nóng bừng. Nó vội dùng thức khí công Tiêu-sơn hóa tinh pháp, lập tức một cảm giác mát mẻ đến vơí nó. Nhưng chỉ một lát sau, người nó lại rạo rực, chân khí chạy hỗn loạn. Nó than: - Làm sao bây giờ ? Thay quần áo, Thủ-Độ lên Tam-Thanh điện. Trong điện chỉ có mình Thụy-Hương. Cung nga, thái giám không còn người nào cả. Thụy-Hương ngồi bên cạnh một mâm cơm, đầy thức ăn bốc hơi ngùn ngụt; nào cá hấp, nào thịt gà nướng, nào canh thập cẩm. Thụy-Hương chỉ mâm cơm: - Người biết không? Đầu bếp ở đây cũng khá, nhưng không thể so sánh với ta. Ta biết hôm nay người sẽ trở về, nên đích thân ta vào bếp làm những món này cho người ăn đấy. Thủ-Độ từng nghe Thúy-Thúy thuật lại rằng, Thụy-Hương là người có hoa tay về khoa nấu nướng. Hồi Thái-tử Long-Xưởng còn sống, nàng từng giữ chức Thái-tử thượng thiện. Cho đến vua Anh-tông, không thiếu gì những Ngự-trù tài ba, mà cũng bị nàng chinh phục băng tài nấu nướng. Thụy-Hương xơí cơm, gắp thức ăn bỏ cho Thủ-Độ. Nó im lặng thưởng thức hương vị tuyệt đỉnh của các món trân bảo. Ăn xong, Thụy-Hương vẫy Thủ-Độ theo theo bà vào phòng. Thủ-Độ muốn chống lại, mà chân tay vô lực. Trong phòng của Thụy-Hương, dường khảm xà cừ sáng lóng lánh. Nệm trải khăn bằng lụa hồng nhạt. Thuận tay Thụy-Hương đóng cửa, rồi bà ôm chầm lấy nó. Thủ-Độ điếng người đi, nó nghiến răng nghĩ thầm: - Không thể! Ta không thể chung một người đàn bà với cha ta. Nó vận Tiêu-sơn hóa tinh pháp. Ghi chú của thuật giả Viết đến đây, tôi xin ngừng lại, để độc giả Anh-hùng Đông- A suy đoán: - Thủ-Độ là người con có hiếu, nhưng liệu có chống lại sức cám dỗ, tài chinh phục đàn ông của Thụy-Hương không? - Hay Thủ-Độ nhắm mắt hưởng thụ, vì nó bị ảnh hưởng của phong tục vùng Thảo-Nguyên: Khi cha chết, con có quyền ăn nằm với tất cả vợ của bố, chỉ trừ mẹ đẻ? Lý nào đúng? Sáng hôm sau, Thủ-Độ dậy sớm đến võ đường trong Hoàng-cung để Phạm Bỉnh-Di điểm danh. Bọn Đoàn Thượng, Nguyễn Dư, Phạm Bỉnh-Du nhìn nó bằng nửa con mắt. Đoàn Thượng nói nhỏ : - Thằng khùng mà cũng thi võ. Nếu nó đấu với ta, thì chỉ nửa chiêu, cam đoan ta đánh cho nó thành tàn tật. Phạm Bỉnh-Du nói thầm vào tai Nguyễn Dư, Đoàn Thượng : - Chúng ta đều nhận mật chỉ của Hoàng-hậu, nhân cuộc đấu này, dùng võ công giết tươi nó đi cho tuyệt hậu hoạn. Vậy trong anh em chúng ta, ai rút thăm đấu với nó, thì phải làm cho được. - Từ hồi đó đến giờ, nó có luyện võ bao giờ đâu ? Giết nó chỉ cần một chiêu cũng đủ. Nội công Thủ-Độ rất cao, bao nhiêu lời bàn tán, nó nghe thấy hết. Nó nghĩ thầm: - Ừ! Cho chúng bay bàn tán. Nếu trời xanh dun dủi, mà bọn bay đấu với ta, ta không giết bọn bay đâu, mà gây cho bọn bay nhục nhã ê chề, làm trò cười cho thiên hạ. Sau khi điểm danh, Phạm Bỉnh-Di dẫn 72 đệ tử lên đường đến viện Giảng-võ. Trong sân điện, võ đài là một cái sàn cao hơn trượng, vuông vức mỗi bề có đến hơn mười trượng. Xa xa, xung quanh, có tám khán đài theo hình Bát-quái, dùng cho quan khách tham dự. Cái ở phương vị quẻ Càn cao hơn hết, trên đặt cái ngai vàng ; đây là khán đài của nhà vua, các vị thân vương, đại thần. Khán đài đặt ở phương vị quẻ Khôn dành cho các giám khảo. Còn lại sáu khán đài dành cho sáu đại môn phái : Tiêu-sơn, Đông- A, Mê-linh, Sài-sơn, Tây-vu, Thiên-sơn. Theo chương trình, đúng giờ Thìn, thì nhà vua sẽ cùng đạo cô Nam-thiên huyền quân đến. Thế mà gần cuối giờ Mão, mới chỉ có chưởng môn nhân phái Mê-linh là Nghi-Phương sư thái cùng hơn năm trăm để tử tơí mà thôi. Binh-bộ thượng thư Đỗ Kính-Tu cuống lên, hỏi Tổng-lĩnh thị vệ Đoàn Văn : - Dường như có sự bất thường gì thì phải ? Đoàn Văn than : - Trước đây, mỗi khoa tuyển võ, triều đình để cho các môn phái với Binh-bộ tổ chức. Ứng sinh thuộc đệ tử các phái. Lần này triều đình gạt các môn phái ra, lại nữa triều đình cấm các phái không được thu đệ tử, nên ứng sinh hoàn toàn là người của Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng. Chính vì vậy mà các môn phái không tới tham dự. Các giám khảo cũng đã đến : Kiến-khang vương, Kiến-bình vương, Phùng Tá-Chu, Quách Bốc. Ngồi dưới đài, Thủ-Độ đưa mắt nhìn Phùng Tá-Chu : - Bố mẹ ta nói, chồng của cô Kim-Ngân ta tên Phùng Tá-Chu, là một mĩ nam tử quả không ngoa. Tuổi người đã gần năm mươi mà trông vẫn như cây ngọc trước gió. Ba tiếng pháo nổ, rồi âm nhạc cử lên, tiếng loa xướng : - Hoàng thượng giá lâm. Từ giám khảo cho tới các thí sinh đều quỳ gối, cúi mặt xuống. Nhà vua đi ngựa. Phía sau ngựa có hai cái kiệu. Trên kiệu là đạo cô Nam-thiên với An-toàn hoàng hậu. Tên thái giám Đỗ Quảng hô : - Miễn lễ. Tất cả đứng dậy. Nhà vua, đạo cô, Hoàng hậu cùng lên đài ngồi. Binh-bộ thượng thư Đỗ Kính-Tu tâu thể lệ tuyển võ, số thí sinh, cùng danh tính các giám khảo. Đạo-cô Nam-thiên hỏi : - Đỗ thượng thư ! Tại sao các môn phái không ai tới dự ? - Thần cũng không hiểu tại sao nữa. Thủ-Độ phóng con mắt nhìn trong khán đài dành cho Hoàng-tộc, gia đình các quan, nó nhận ra Tự-Thừa, Tự-Khánh, Kim-Dung, Mỹ-Vân đã có mặt. Có tiếng loa hô : - Thiên-sứ đại nhân cùng sứ đoàn tới. Chánh-sứ Triệu Dụng-Chi, phó sứ Lâm Hoài-Đức với ba bốn bồi sứ cỡi ngựa đi vào. Nhà vua cùng các đại thần đứng dậy chào. Sứ đoàn an tọa xong. Thủ-Độ đã nghe nói trong sứ đoàn có bốn bồi sứ đều họ Đinh mang tên Đinh Hoàng, Đinh Huyền, Đinh Thanh và Đinh Hồng. Nó đã biết mặt Huyền, Thanh, Hồng. Hôm nay nó mới thấy Đinh Hoàng. Mới nhìn Đinh Hoàng, người nó đã choáng váng : Dù thời gian qua gần chục năm, nó cũng nhận ra Đinh Hoàng là tên chỉ huy đội tiễn thủ ám toán mẹ nó. Đinh Hoàng cụt một tay trái, tay áo để rủ xuống. Nó nghiến răng nhìn y với con mắt tóe lửa. Cuộc thí võ bắt đầu. Kiến-khang vương là chánh chủ khảo. Ông lên đài nhắc các thí sinh năm điều : - Một là không được dùng ám khí có tẩm thuốc độc. Hai là không được cắn đối thủ. Ba là chỉ đấu để phân cao thấp. Thí sinh nào đánh chết đối thù thì bị đánh trượt. Bốn là thí sinh nào nhận thấy bản lĩnh kém cỏi, thì có quyền rút lui. Năm là, sau khi tuyển ba khôi nguyên Trạng-nguyên, Bảng-nhãn, Thám-hoa bất cứ thí sinh nào không phục, cũng có quyền lên đài thách đấu. Nếu như thí sinh nào đả bại được khôi nguyên nào thì được thay thế khôi nguyên đó Cuộc thuyển võ cho thí sinh dân dã bắt đầu. Trong 72 người được chia làm 36 cặp đấu với nhau. Ai thắng thì thành Tiến-sĩ. Ai bại thì thành Dũng-sĩ. Thủ-Độ mải nhìn Đinh Hoàng nghĩ phương cách giết y trả thù mẹ, thành ra cuộc long tranh hổ đấu, diễn ra thế nào, nó không biết. Mãi cho đến khi tiếng loa xướng danh 36 Tiến sĩ, Trạng-nguyên, Bảng-nhãn Thám-hoa đến trước nhà vua quỳ gối, nó mới trở về thực tại, phóng mắt nhìn : Trong 36 Tiến-sĩ, đủ mặt chín Khả-hãn Cửu-hào của nó. Cuộc tuyển võ ngừng lại trong nửa giờ, rồi sẽ tiếp tục phần dành cho con cháu đại thần, Hoàng-tộc. 72 thí sinh, được bốc thăm, chia ra làm 36 cặp, sẽ theo thứ tự lên đài đấu vơí nhau. Thủ-Độ thuộc cặp thứ 36. Nó phải đấu với Phạm Kính-Nghĩa, con trai của Kinh-diên quan Phạm Kính-Ân. Có hai người làm trọng tài là quan Tổng-lĩnh thị vệ Đoàn Văn và Vũ-kị thượng tướng quân Phạm Bỉnh-Di. Thủ-Độ nghĩ thầm: - Bác Lý, anh Thừa, anh Khánh, Kim-Dung muốn ta tranh Tiến-sĩ, rồi lấy Trạng-nguyên. Nhưng, ta không muốn đả bại con của ông thầy đã yêu thương ta. Nhất định, ta sẽ giả thua, để Kính-Nghĩa thắng, mà thành Tiến-sĩ. Trên đài, từng cặp được gọi lên. Những cuộc long tranh, hổ đấu diễn ra, hằng vạn người hồi hộp theo dõi, mà thủy chung Thủ-Độ vẫn hướng đôi mắt vào gã Đinh Hoàng. Sau khi 35 cặp tranh thắng, thì Phạm Bỉnh-Di xướng danh gọi: - Bây giờ tới cặp thứ 36. Hai thí sinh tranh thắng là Phạm Kính-Nghĩa, trưởng tử của Kinh-diên quan Phạm Kính-Ân và Đàm Độ, cháu của Hoàng-hậu. Thủ-Độ lên đài, đứng đối diện với Kính-Nghĩa. Bỉnh-Di hô: - Xuất chiêu! Kính-Nghĩa ra chiêu Đồng-tử bái Quan-âm, hai tay chắp lại như hành lễ với đối thủ. Thủ-Độ cũng ra chiêu Đồng-tử bái quan âm, rồi lùi lại sau một bước. Kính-Nghĩa dùng võ công Sài-sơn, xuất chiêu Thiên-vương trấn thiên, kình phong khá mạnh. Thủ-Độ xuất chiêu trong Hoa-sơn chưởng đỡ. Hai chưởng đụng nhau, nó không dám nhả kình lực. Bộp một tiếng, nó làm bộ lảo đảo lui lại. Kính-Ân tỏ ra quân tử, chờ cho Thủ-Độ đứng vững rồi lại xuất chiêu Lôi-đả Ân-tặc. Thủ-Độ vẫn dùng võ công Hoa-sơn đỡ. Thỉnh thoảng nó cũng giả bộ trả lại một đòn. Cứ như vậy, hai bên qua lại hơn năm chục chiêu. Khán giả không khám phá ra Thủ-Độ giả bộ. Người người lắc đầu, tỏ vẻ khinh rẻ bản sự của nó qúa thấp. Nhưng Thủ-Độ chỉ qua mặt được những người bình thường thôi. Còn đối với Kiến-khang vương, Kiến-bình vương, Phùng Tá-Chu, phó sứ Lâm Hoài-Đức thì tất cả đã nhận ra nó giả bộ. Nhưng bốn người không muốn lột mặt nạ nó. Đúng ra với trình độ của Lĩnh-Nam ngũ hổ, năm cao thủ bậc nhất của triều đình cũng nhận ra, song họ thấy Thủ-Độ điên điên, khùng khùng bấy lâu, họ bị áng mây đó che khuất, nên cũng tin rằng võ công nó quá thấp. Thình lình Kính-Nghĩa tung ra một chiêu cực mạnh. Thủ-Độ để hở ngực cho chưởng trúng vào. Bộp một tiếng, nó giả bật tung lên cao, rồi ngã sóng xoài trên đài, quằn quại một lúc mới đứng dậy được. Nó chắp tay vái Kính-Nghĩa: - Đa tạ sư huynh đã nhẹ tay. Phạm Bỉnh-Di tuyên bố: - Thí sinh Phạm Kính-Nghĩa thắng thí sinh Đàm Độ. Cuộc đấu chấm dứt. Kính-Nghĩa, Thủ-Độ vái nhau, rồi hướng vào khán đài Càn-vị của nhà vua vái ba vái. Từ lúc Thủ-Độ lên đài, bọn Đinh Huyền, Đinh Thanh, Đinh Hồng thấy mặt nó hơi quen quen. Song vì từ khán đài Càn-vị đến võ đài quá xa, nên ba người không nhận ra nó. Bây giờ Thủ-Độ quay mặt đối diện với chúng. Chúng nhận ngay ra nó. Đinh Hồng từng bị nó làm nhục, cơn giận nổi lên. Y quát : - Thì ra là mi. Rồi y tung mình lên võ đài, tay xuất chiêu Hổ-trảo chụp nó. Quan Tổng-lĩnh thị vệ Đoàn Văn là trọng tài, đứng ngay mép đài. Y thấy tự nhiên một bồi sứ ra tuyệt chiêu chụp Thủ-Độ, thì kinh ngạc vô cùng. Nếu để nó trúng trảo đó thì sẽ mất mạng. Y vận khí phát một chưởng hướng Đinh Hồng. Đang lơ lửng trên không, Đinh Hồng biến trảo thành chỉ hướng bàn tay Đoàn Văn. Nếu Đoàn Văn không thu chưởng về, thì huyệt Lao-cung của y sẽ bị thương. Đoàn Văn biến chưởng thành gạt, gạt tay Đinh Hồng. Bộp một tiếng, Đoàn Văn bị bật lùi về sau. Y ọe một tiếng, mửa ra búng máu. Đinh Hồng lại phát một chưởng hướng Thủ-Độ. Phạm Bỉnh-Di thấy chưởng lực của Đinh quá hùng hậu. Y vội phát một Hoa-sơn chưởng đỡ. Binh một tiếng, Phạm lảo đảo bật lui liền ba bước. Đinh Hồng nghiến răng phát một chưởng bằng tất cả bình sinh công lực hướng Thủ-Độ. Mọi người cùng thét lên kinh hoàng, có người nhắm mắt lại không dám nhìn nó tan xương nát thịt. Thủ-Độ cười nhạt, nó xuất chiêu Đông-hải lưu phong trong Đông- A chưởng, khoan thai đánh vào giữa chưởng Đinh Hồng. Binh ! Đinh Hồng bị bật lai liền hai bước. Còn Thủ-Độ đứng ung dung giữa đài. Tất cả quảng trường đều kinh ngạc. Đinh Hồng quát lên : - Phen này mi phải chết. Y lại phát chưởng tấn công Thủ-Độ. Thủ-Độ bình tĩnh dùng Đông- A chưởng đấu với y. Áp lực chưởng làm đám sĩ tử ngồi gần đài phải nhảy lui lại. Trước đây, Thủ-Độ đã luyện được cả nội công dương cương lẫn âm nhu, song nó không biết phát lực. Trong mấy tháng qua, nó được bà Trần Lý, hai anh họ Thừa, Khánh dạy cách phát lực, cùng truyền võ công cho nó. Bây giờ bản lĩnh của nó bỏ xa Đinh Hồng. Tất cả cử tọa thấy mỗi chiêu nó đánh ra mạnh đến kinh người. Giá như nó dùng bản lĩnh chân thực khi thi võ, thì chỉ một chiêu đã khiến Phạm Kính-Nghĩa tan xương nát thịt. Đấu được trên trăm chiêu, Thủ-Độ nghe tiếng Trần Thừa dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai : - Em nhảy lùi lại ba bước, rồi vận âm kình. Lập tức Thủ-Độ làm theo. Nó vừa vận âm kình xong, thì chưởng của Đinh Hồng chụp lên người nó. Nó xuất chiêu Phong-ba hợp bích đỡ. Xùy một tiếng, chưởng của Đinh Hồng mất tăm mất tích, người y lảo đảo lùi lại. Thủ-Độ chưa kinh nghiệm chiến đấu, bằng không nó đánh liền hai chiêu thì Đinh Hồng đã bỏ mạng. Trần Thừa dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai Thủ-Độ: - Thủ-Độ nghe đây! Phàm khi đấu võ, đối thủø bị mất căn bản, thì phải tấn công như mưa sa, như bão táp; không thể để đối thủ kịp phục hồi. Đinh Hồng hít một hơi lấy lại sức, y lại tấn công Thủ-Độ. Thủ-Độ lại dùng âm kình phát chiêu. Chiêu đầu, Đinh Hồng bị bật lui. Nhớ lời dăn của Trần Thừa, Thủ-Độ đánh liên tiếp chiêu thứ nhì. Y lảo đảo lùi lại. Đến chiêu thứ ba thì y bay bổng khỏi đài, nằm đứ đừ dưới đất. Đinh Huyền nhảy ra đỡ sư đệ dậy. Còn Đinh Thanh thì tung người lên đài tấn công Thủ Độ. Bỗng có tiếng quát : - Khoan. Phùng Tá-Chu tung mình lên đài. Ông chắp tay hướng Đinh Thanh : - Đinh tam gia ! Không biết thí sinh Đàm Độ đã làm điều gì vô phép, mà hết Đinh tứ gia, rồi đến Đinh tam gia trừng phạt y ? Các vị là những tôn sư võ học Trung-quốc, tại sao lại bắt nạt một đứa con nít như thế này ? Đinh Thanh chỉ Đinh Hồng : - Y...y đã dùng thủ đoạn ám muội bắt tam đệ của tôi, rồi làm nhục. Tá-Chu hỏi Thủ-Độ : - Người đã làm gì Đinh tứ gia ? Thủ-Độ cười nhạt nói với Đinh Thanh : - Tôi cùng với một người em gái, đánh cá trên hồ Tây. Đinh Hồng trêu ghẹo em gái tôi, rồi y nhảy xuống thuyền của chúng tôi định dở trò ám muội. Tôi đường đường, chính chính dùng Thiên-la thập bát thức của phái Đông- A bắt y. Võ công Đông- A đâu có phải là võ công tà môn ? Là người thông minh tuyệt đỉnh, nên chỉ nghe đôi bên nói với nhau mấy câu, nhìn thân pháp, công lực Thủ-Độ; Tá-Chu cũng đoán ra được năm phần : Võ công Thủ-Độ cao hơn Đinh Hồng. Nó đã làm nhục y. Đinh Thanh nhớ lại cái nhục mình bị treo ngược. Y rút kiếm đưa vào cổ Thủ-Độ. Tá-Chu biết võ công Thủ-Độ cao hơn anh em họ Đinh. Nên ông không can thiệp. Thủ-Độ búng tay vào sống kiếm của Thanh, keng một tiếng, Thanh bị bật lui một bước. Thủ-Độ nhảy lùi liền ba bước, nó đã lấy cái chài trên lưng ra, rồi tung lên. Cái chài chụp vào người Đinh Thanh. Cả quảng trường cùng bật lên tiếng kêu: - Thiên-la thập bát thức. Đinh Thanh kinh hoảng. Y tung người lên cao tránh thoát. Thủ-Độ vung chài hướng lên không. Đinh Thanh quay kiếm gạt chài. Sợ chài bị rách, Thủ-Độ giật tay một cái, chài thu gọn lại. Đinh Thanh vừa xuống đài, y xỉa kiếm tấn công Thủ-Độ. Thủ-Độ từ Càn-vị, phương Phong-địa-quan bước sang Ly vị phương Ly-vi-hỏa tay tung chài chụp Đinh Thanh. Đấu với nhau được khoảng năm chục chiêu, mọi người thấy kiếm thuật của Đinh Thanh thực tuyệt diệu. Ai cũng nghĩ: Kiếm pháp của y thực có một không hai. Thế nhưng mỗi khi Thủ-Độ vung chài, là căn bản của y bị tuyệt. Thình lình Thủ-Độ từ Khôn-vị phương Địa-thiên-thái bước sang Ly-vị phương Thiên-thủy-tụng, chài tỏa ra chụp Đinh Thanh gọn gàng vào trong. Nó điểm huyệt y rồi ném xuống đài. Phùng Tá-Chu hỏi Thủ-Độ : - Cháu bé ! Cháu là thí sinh thuộc ngoại thích, thì đều là đệ tử của Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng. Võ công Lĩnh-Nam ngũ hổ tướng là võ công Hoa-sơn. Tại sao cháu không xử dụng võ công Hoa-sơn, mà xử dụng võ công Đông- A? Nhưng nội lực lại hòa dương cương của Đông- A vơí âm nhu của Mê-linh? Thủ-Độ chắp tay : - Cháu không hề học võ với Vũ-kị thượng tướng quân Phạm Bỉnh-Di. Còn võ công Đông- A, thì cháu học với bố cháu. Phùng Tá-Chu hỏi Hoàng-hậu : - Thưa nương nương. Như Vũ-kị thượng tướng quân giới thiệu thì cháu họ Đàm. Vậy cháu thuộc vai vế như thế nào với nương nương ? Đàm hậu đáp : - Nó không phải họ Đàm, nguyên anh tôi thấy nó ăn mày ở chợ rồi đem về nuôi. Nó là một thằng khùng, được nuôi trong Hoàng-thành lâu rồi. Tá-Chu cãi : - Thưa nương nương, dường như có gì bí ẩn ở trong. Bởi muốn luyện nội công âm nhu Mê-linh, thì phải là người cực kỳ thông minh. Vậy cháu này không thể là người điên được. Phùng Tá-Chu hỏi Thủ-Độ : - Cháu có thể khai thân thế cháu cho mọi người biết được không ? Thủ-Độ nhớ lời bà Trần Lý dặn : Bây giờ võ công con cao, tư cách khác phàm, địa vị không nhỏ. Con phải nói thực thân thế mình cho thiên hạ biết. Nó khoan thai nói thực lớn : - Thưa Đại-đô đốc, cháu họ Trần, tên Thủ-Độ. Phu nhân của Đô-đốc là cô ruột cháu. Cô của cháu nhũ danh Kim-Ngân. Tá-Chu kinh hãi : - Cháu nói sao ? Cháu là con của Thần-nông sứ Trần Lý ư ? Tại sao ta chưa từng thấy cháu ? Thủ-Độ hướng vào khán đài Càn-vị, nó nói thực lớn : - Thưa chư vị anh hùng. Tôi họ Trần, tên Thủ-Độ. Tôi không phải họ Đàm. Cha tôi nguyên là Phụ-quốc Thái-uý Côi-sơn quốc công Trần Thủ-Huy. Mẹ tôi là trưởng công chúa Đoan-Nghi. Quảng trường có đến mấy vạn người mà không một tiếng động. Thủ-Độ tiếp : - Cha mẹ tôi đang ở Mông-cổ thì Hoàng-thượng viết thư gọi về. Nhưng cha tôi cho rằng Hoàng-thượng chỉ viết thư thì bên trong ắt có uẩn khúc gì, nên người không về. Mẹ tôi dẫn tôi theo sứ đoàn hồi hương. Khi vừa tới Thăng-long, thì bị kẻ gian phục tiễn thủ băén chết. Hoàng-thượng sợ phái Đông- A biết mẹ tôi chết oan, ăét sẽ trả thù khủng khiếp lăém. Vì vậy người ban chỉ dấu nhẹm vụ mẹ tôi hồi hương. Còn tôi, người truyền đổi ra họ Đàm. Rồi nó tường thuật tỷ mỉ việc mẹ nó bị phục kích ra sao. Nó phải giả khùng, giả điên sống trong Hoàng-cung. Nó bị hắt hủi, làm nhục như thế nào... Vèo...vèo...vèo...Một bóng trắng từ khán đài Khôn-vị phóng lên nhanh không thể tưởng tượng nổi. Bóng đó đáp trước mặt Thủ-Độ. Bấy giờ người ta mới nhận ra là một trung niên thiếu phụ, cực kỳ xinh đẹp, chính là bà Kim-Ngân, phu nhân của Đại Đô-đốc Phùng Tá-Chu. Bà nắm lấy hai vai Thủ-Độ, rồi nhìn thẳng vào mặt nó, như muốn tìm ra những nét quen thuộc. Một lát trôi qua, bà ôm lấy đầu Thủ-Độ: - Đúng rồi! Cháu là cháu của cô. Rồi không giữ được bình tĩnh, nước mắt dàn dụa, bà nâng cằm Thủ-Độ lên, tát yêu hai cái: - Giống bố quá! Hai con mắt, mỗi con có hai tròng ! Giống bố quá. Bà hướng vào khán đài Càn-vị, nói lớn : - Tâu bệ hạ, đứa trẻ này quả là Trần Thủ-Độ, con trai của phò mã Trần Thủ-Huy với công chúa Đoan-Nghi. Như bệ hạ cũng như chư vị đều biết, anh Thủ-Huy của tôi có một tướng rất lạ là trong con mắt có hai cái lòng đen. Cháu Thủ-Độ thọ lĩnh cơ thể của cha, nên trong mắt cũng có hai lòng đen. Nói rồi bà xuống đài. Thủ-Độ tiếp tục thuật lại thảm cảnh mẹ nó bị giết, rồi nó kết luận : - Chủ trương giết cha mẹ tôi là Tống triều. Tống-triều ban mật chiếu cho Đàm Thì-Phụng với Đàm Dĩ-Mông thi hành. Rồi nó thuật lại việc cha mẹ nó bị đem cống cho Tống ra sao, lưu lạc lên Mông-cổ giúp Mông-cổ lập quốc, phá âm mưu của Tống thế nào. Tống triều muốn tìm cách đưa cha mẹ nó rời Mông-cổ, để người của họ có thể chiếm vùng Thảo-nguyên. Tống triều gài bẫy sẵn, khi bố mẹ nó về Thăng-long thì giết chết. Họ ban mật chỉ cho Đàm Thì-Phụng, Đàm Dĩ-Mông làm, với lới hứa, việc xong xuôi sẽ phong cho Đàm Thì-Phụng làm An-Nam quốc vương. Nhưng chỉ mình mẹ nó về, rồi bị trúng phục binh, mà chết trong loạn tên. Một trong những tên chỉ huy tiễn thủ giết mẹ nó có Đinh Hoàng. Nó chỉ mặt Đinh Hoàng : - Đinh Hoàng ! Dù mi có cháy thành than, ta cũng nhận ra mi. Chính mi là người chỉ huy tiễn thủ ám toán mẹ ta. Nam nhi đại trượng phu mình dám làm thì dám chịu. Mi hãy lên đây, ta sẽ dùng võ công đường đường chính chính trả thù mẹ. Đinh Hoàng cười nhạt : - Xin các vị đừng nghe lời thằng điên này. Nó là thằng ăn mày được họ Đàm đem về nuôi, chứ nó không phải là con của công chúa với Quốc-công Trần Thủ-Huy. Nói dứt y tung mình lên đài, tay phát Long-trảo chụp Thủ-Độ. Thủ-Độ cười nhạt. Nó dùng Đông- A chưởng tấn công thẳng vào người Đinh Hoàng. Võ công Đinh Hoàng cao hơn Đinh Hồng, Đinh Thanh một bậc. Tuy y chỉ còn một tay, nhưng chưởng phong phát ra mạnh như bài sơn, đảo hải.Y dùng bộ chưởng trấn môn của Hoa-sơn, chân bước theo phương vị Bát-quái. Thủ-Độ cười thầm: Mi dùng võ công này thì khó mà thắng đươc ta. Thủ-Độ dùng võ công Đông- A. Thấy đấu được trên năm chục hiệp, Thủ-Độ vẫn không thắng được Đinh Hoàng, Trần Thừa dùng Lăng-không truyền ngữ nhắc: - Thủ-Độ! Xử dụng võ công Lôi-giáng Hoa-nhạc. Thủ-Độ tỉnh ngộ, nó lui lại, rồi thình lình phát ra một chiêu rất quái dị trong bộ Lôi giáng Hoa-nhạc, mà nó mới học được của bà Trần Lý. Đinh Hoàng bị bất ngờ, y lảo đảo bật lui lại ba bước. Thủ-Độ quát lên một tiếng, nó đánh xuống hai chiêu như sét nổ. Đinh Huyền thấy sư huynh lâm nguy, y tung mình lên đài đỡ chiêu của Thủ-Độ. Binh! Cả hai cùng bật lui về sau. Thủ-Độ cười nhạt: - Đồ mặt dầy! Hai người đánh một! Ta tuy nhỏ tuổi hơn các người. Nhưng ta chấp cả hai anh em người đấy! Công lực của Thủ-Độ tuy cao, nhưng vì tuổi nó còn trẻ, thời gian luyện không được làm bao, vừa rồi nó phải đấu vơí Đinh Hồng, Đinh Thanh, nên đã cạn bớt. Bây giờ lại phải đấu với hai người, dùng hai thứ võ công một lúc. Sau khi đấu được trên trăm hiệp, sức nó bắt đầu yếu, cứ mười chiêu mới trả được ba chiêu. Thình lình Đinh Hoàng, Đinh Huyền cùng quát lên rồi phát ra một chiêu rất thô kệch. Thủ-Độ dùng hai tay đẩy ra một chiêu đỡ. Bạch, bạch hai tiếng, bốn bàn tay dính vào nhau. Bây giờ cuộc chiến trở thành đấu nội lực. Cả quảng trường đều im lặng hồi hộp theo dõi: Hai đại cao thủ Tống đấu với một thiếu niên Việt. Khoảng hơn khắc, trên đầu Thủ-Độ đã bốc ra luồng khói trắng. Nó phải lùi liền ba bước. Ngồi dưới đài, Tự-Khánh kinh hãi nghĩ: - Làm sao bây giờ! Chợt nhớ ra một chuyện, chàng hỏi Tự-Thừa: - Anh đã dậy Thủ-Độ đã học Quy-pháp âm dương chưa? - Anh có giảng qua. - Ta nhắc Thủ-Độ áp dụng thử. - Đành vậy. Quy-pháp âm-dương là một thức khí công rất cổ. Người sáng chế ra là Bắc-bình vương Đào Kỳ, lĩnh chức Đại Tư-mã thời vua Trưng. Cũng như Thủ-Độ, ngài có cái may là luyện thành cả nội công dương cương lẫn âm nhu. Trong lần đấu vơí Phong-châu song-quái, bị hai người dùng nội công thượng thừa tấn công, sắp nguy đến tính mệnh. Chân khí hai người cuồn cuộn tuôn vào người ngài. Ngài dẫn khí đó vào Đơn-điền, rồi hợp cả hai nguồn làm một. Chân khí Song-quái dồn ra bao nhiêu, bị mất bấy nhiêu.