Một buổi trưa, Thủ-Độ rửa chuồng ngựa, rồi dùng khăn lau mấy cái cột. Lớp bụi bám trên cột tróc ra, nó thấy trên cột xuất hiện những chữ li ti. Tò mò nó đọc, bất giác tim nó đập thình thình, vì rõ ràng đây là yếu quyết luyện công. Nó đọc qua, thì thấy dường như trái với tâm pháp Đông-A mà bố nó dạy nó. Nó nghĩ thầm: - Tâm pháp gì đây mà lại có 99 câu? Trong khi ta không biết gốc tích, thì cứ gọi là Tâm-pháp Chuồng-ngựa vậy. Vốn thông minh, nó nhẩm hơn nửa buổi thì thuộc làu. Sau khi kiểm lại, nó dùng dao, cạo xóa hết những chữ trên cột chuồng ngựa: - Cứ như mẹ ta nói, các đời trước, họ Lý có không biết bao nhiêu anh hùng, tài trí. Tâm pháp võ công này, ai đã khắc vào đây? Rõ ràng là tài sản của anh em Long-Sảm, thế nhưng chúng không thèm biết tới, thì ta hủy đi cho đỡ tủi vong linh người quá cố. Chiều hôm đó, nằm trong chuồng ngựa ngủ, Thủ-Độ lên cơn đau gan. Người nó nóng như cục than hồng. Nó nghiến răng vận công chống đau, nhưng cơn đau vẫn làm nó gập đôi người lại. Trong lúc mơ mơ hồ hồ, nó vận công theo Tâm-pháp Chuồng-ngựa, thì thấy cái đau đớn giảm đi rất nhiều, nhiệt độ hạ xuống rất mau. Không cần biết có nguy hiểm hay không, nó cứ tiếp tục vận công, lát sau, thì người nó cảm thấy rét run. Rét kệ rét, nó tiếp tục vận công cho đến khi ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ, tiềm thức thúc đẩy, nó vận công tiếp. Sáng hôm sau thức dậy, nó cảm thấy bụng phình lên đầy nước tiểu, nó phóng ra một hơi dài, rồi suốt ngày, nó cứ đi tiểu đều đều. Đến chiều thì bụng nó không còn chướng lên như cũ nữa. Người nó cảm thấy mát mẻ dễ chịu kỳ lạ. Nó ấn tay vào vùng gan, vùng tim, vùng lá lách, thì thấy cảm giác đau đớn chỉ còn hơi hơi mà thôi. Nó nghĩ thầm: - Không cần biết Tâm-pháp Chuồng-ngựa là tâm pháp nào, ta luyện, mà thấy khỏi bệnh, thì ta cứ luyện. Từ đấy, ngoài những lúc tắm ngựa, quét dọn, nó tiếp tục luyện Tâm-pháp Chuồng-ngựa. Bọn Gia-thụy ngũ anh lôi nó ra đấu võ, nó không trả đòn, cứ để mặc chúng muốn đấm, muốn đá gì nó chỉ vận công chịu trận. Sau đó chúng dùng roi, dùng gậy đánh nó, nó không còn thấy đau nữa. Ít lâu sau chúng chán nản, không hành hạ Thủ-Độ nữa. Từ hôm chia tay với Kim-Dung, hình bóng của người thiếu nữ ôn nhu, văn nhã luôn hiện lên trong tâm nó. Những lúc nhớ nhung quá, không chịu nổi, nó lại ra thuê xe ra bến sông Hồng, nơi con thuyền neo, mà bà mẹ Kim-Dung đưa nó xuống trị bệnh. Nhưng lần nào cũng như lần nào, nó chỉ thấy nước sông đỏ ngầu, cuồn cuộn trôi về cuối giòng mịt mờ. Còn bóng hồng thì tuyệt vô âm tín. Thời gian một năm trôi qua. Thủ-Độ đã luyện xong 99 câu quyết. Nó nhẩm tính, cái thời hạn một năm mà Vũ Phòng-Phong bảo nó chết đã qua rồi. Nó định bụng hôm nào có dịp sẽ trốn ra ngoài thành thăm ông, để xin ông chẩn bệnh lại cho nó. Hôm ấy, như thường lệ, Cao Kinh mở khóa, mở xích chân Thủ-Độ, rồi ra lệnh rằng nó phải dẫn đoàn ngựa ra ngoài Ngự-xạ đài ở ngoài thành Thăng-long, thả ngựa phi, để khỏi bị mỡ đọng ở bụng. Ngựa vừa tới nơi, thì một con giật dây cương, phi nước đại. Lập tức chín con khác cũng phi theo. Thủ-Độ bật cười, nó dùng tiếng loài ngựa gọi chúng lại, nhưng chúng vẫn hí inh ỏi rồi thi nhau phi. Thủ-Độ chờ chúng phi hết một vòng sân, khi chúng phi ngang trước mặt nó, nó nhảy theo, chụp dây cương con đầu đàn. Con ngựa này hí lên, lách sang một bên, khiến Thủ-Độ chụp hụt. Nó lao mình vọt theo đàn ngựa, thì lạ lùng chưa, chỉ nửa khắc nó đã đuổi kịp. Đàn ngựa thấy có đồng bạn mới, chúng càng ra sức sải bước, thế nhưng Thủ-Độ vẫn theo kịp. Phi khoảng mười vòng Ngự-xạ đài, thì đàn ngựa từ từ phi chậïm lại, rồi ngừng hẳn. Thủ-Độ cũng ngừng lại. Nó kinh ngạc: - Tại sao khinh công ta lại mau thế này? Hồi ở Mông-cổ, khinh công cao nhất là mẹ ta, mà cũng chỉ có thể chạy ngang với ngựa trong vòng 50 dặm mà thôi. Cái vòng sân này, mỗi vòng tới 20 dặm, mà ta chạy tới mười vòng, thì trải qua 200 dặm mà ta không hề mệt mỏi là tại sao? Sau khi dẫn ngựa ra bờ sông tắm, rồi lùa bầy ngựa trở về. Trên đương đi, thấy có một lò rèn nó ngừng lại hỏi: - Ông ơi, ví thử tôi có cái khóa, mà mất chìa, thì ông có thể làm cho tôi cái chìa khác không? Người thợ rèn mở to mắt nhìn Thủ-Độ, gật đầu: - Dĩ nhiên là được. Vậy khóa của cậu đâu? - Tôi sẽ mang ra sau. Trưa hôm ấy, Thủ-Độ trở về Đông-cung thì Cao Giới dùng xích khóa chân nó như thường lệ. Đợi Cao Giới cũng như bọn Gia-thụy ngũ anh đi rồi, Thủ-Độ trốn ra gặp người thợ rèn, xin làm chìa khóa. Không đầy hai khắc, người thợ rèn đã làm xong hai cài chìa khóa. Thủ-Độ không về Đông-cung, nó đến Đệ nhị y viện Hồng-lĩnh tìm y sư Phòng-Phong. Sau hơn một năm xa cách, Thủ-Độ đã lớn lên, nhưng Phòng-Phong, cũng nhận ra nó. Ông kinh ngạc: - Đàm Độ! Từ hồi ấy đến giờ cháu đi đâu? Ông lên tiếng gọi vợ: - Em ra mà xem này! Thằng bé đó còn sống này! Bà Bạch-Hạc từ sau vườn chạy lên, thấy Thủ-Độ, bà reo: - Từ hồi ấy đến giờ cháu ở đâu? - Cháu bị tù khổ sai. - Khổ sai? Ta không tin! Bạch-Hạc kể: - Sau khi cháu và Ba Huy đi rồi, thì ta không được tin tức gì của cháu cả. Hơn tháng sau, ta trở về Thiên-trường thăm song thân, người kinh ngạc vô cùng, vì không thấy cháu cũng như Ba Huy về. Trong câu chuyện, hai đứa con của em Lý ta là Tự-Thừa, Tự-Khánh thuật lại một việc: Cũng ngày hôm đó, ba đứa từ Kinh-Bắc về Thiên-trường. Khi qua ngã ba Thăng-long, Trường-yên, Thiên-trường chúng gặp một thiếu niên, đấu võ với bọn Gia-thụy ngũ anh. Ta đoán ngay ra là cháu. Thái-tử Long-Sảm truyền bắt giam cháu, vì cháu là nô bộc của y, phạm tội ăn cắp rồi bỏ trốn. Tự-Thừa không cho Tự-Khánh can thiệp vào chuyện của triều đình, nhất là dây dưa với nô bộc của họ. Hơn nữa, nô bộc phạm tội ăn cắp. Song thân ta, cũng như vợ chồng Lý đều không quan tâm tới vụ này, bởi ai cũng tưởng cháu là tội phạm của triều đình. Nhưng có một điều lạ lùng ta không hiểu: Ba Huy đi đâu mà không thấy y trở về? Thủ-Độ hỏi lại: - Ông Ba Huy không về đây, vậy ông í đi đâu? Không lẽ ông ta bị bọn Long-Sảm bắt giam. - Không chừng như vậy! Phòng-Phong vẫy tay cho vợ im lặng, rồi ông bắt mạch Thủ-Độ. Trán ông cau lại tỏ vẻ đăm chiêu. Cuối cùng ông nói: - Cháu đã muốn dấu thân thế, để giữ lời hứa với người dạy võ công cho cháu, thì ta cũng không muốn cật vấn cháu. Bây giờ ta chỉ luận về bệnh của cháu mà thôi. Ông nói với vợ: - Năm trước, anh nói, muốn trị nội thương của Đàm Độ, thì phải có hai người luyện nội công tới trình độ thượng thừa. Một người luyện nội công âm nhu, một người luyện nội công dương cương, hỗ tương cứu nó. Nội công dương cương, thì trong phái Đông-A nhà ta không thiếu. Còn nội công âm nhu thì chỉ có Đoan-Nghi. Thế nhưng trong năm qua, không biết cơ duyên nào đưa đến, mà cháu nó lại luyện trọn vẹn tâm pháp của phái Đông-A, rồi lại luyện nội công âm nhu chính tông của phái Mê-linh nữa. Không những bệnh của cháu khỏi hẳn, mà công lực của nó bây giờ hiếm người so sánh! Bạch-Hạc nắm lấy tay Thủ-Độ bắt mạch. Muốn thăm dò công lực nó, bà dồn chân khí vào người nó. Một nguồn nội lực âm-dương hỗ tương hợp với nhau chống trả rất mãnh liệt. Thấy vậy, bà dồn thêm chân khí sang, thì nội lực của nó càng chống lại mạnh hơn, rồi thình lình một nguồn nội tức mạnh không thể tưởng tượng nổi phản ứng, khiến bà không tự chủ được, người bật tung lại sau đến hơn trượng. Bà phải dùng thiên cân trụy mới đứng vững. Phòng-Phong hỏi vợ: - Em thấy thế nào? - Nội lực của nó mạnh quá. Có lẽ chỉ sư phụ mới luyện tới mức này mà thôi. Cũng may đây là phản ứng tự nhiên, chứ nếu nó dùng công lực tấn công, thì em đã bị thương rồi. Phòng-Phong suy nghĩ một lúc, người ông đờ ra: - Ta thấy dù cháu nó có luyện cả nội công âm nhu, dương cương, thì ít ra phải mười năm mới thành công. Với tuổi của nó chưa thể luyện đến trình độ này. Nhưng trên thực tế, thì lại có... Ông nói một mình: - Trong lịch sử võ lâm Đại-Việt, chỉ có hai người hợp được cả âm dương, thì một là Vạn-tín hầu Lý Thân. Hai là Bắc-bình vương Đào Kỳ. Nhưng đó chẳng qua là truyền thuyết. Chứ thực tế, xưa bác học như tổ Tự-An, Thông-Mai, Tự-Mai của phái Đông-A cũng không thể làm được! Ông hỏi Thủ-Độ: - Cháu tìm đâu ra tâm pháp nội công âm nhu? Thủ-Độ thuật lại vụ nó tìm ra trong trường hợp nào, tại chuồng ngựa! Phòng-Phong, Bạch-Hạc cùng lắc đầu không hiểu. Phòng-Phong, Bạch-Hạc, Thủ-Độ không hiểu là phải. Nguyên nội công âm nhu do Vạn-tín hầu Lý Thân tìm ra từ thời vua An-Dương. Đến thời Lĩnh-Nam chỉ có Bắc-bình vương Đào Kỳ, Tể-tướng Nguyễn Phương-Dung, công chúa Phật-Nguyệt là luyện thành. Sau khi Lĩnh-Nam bị Hán đô hộ, thì nội công này bị tuyệt tích. Đến thời vua Lý Thái-tổ, công chúa Bình-Dương tìm được bia đá do công chúa Trần Năng để lại, rồi luyện thành. Sau công chúa Bình-Dương truyền cho đệ tử là Linh-Nhân hoàng thái hậu. Linh-Nhân hoàng thái hậu chép vào cái áo hồ cừu. Hai mươi năm trước, Thái-tử Long-Xưởng chép từ áo hồ cừu vào cái cột ở phòng luyện võ Đông-cung, để dạy cho công chúa Đoan-Nghi, quận chúa Từ Thụy-Hương. Nhưng chỉ mình Đoan-Nghi luyện thành. Bây giờ vô tình Thủ-Độ tìm ra, rồi luyện thành. Vấn đề khúc mắc như vậy, thì ai hiểu nổi? Phòng-Phong hỏi: - Ví dù công chúa Đoan-Nghi có truyền tâm pháp âm nhu cho cháu đi. Nhưng, làm sao cháu có thể tổng hợp cương nhu làm một! Hà! Cháu đã gặp may trong trường hợp nào? Cháu nên nhớ từ bao nhiêu năm nay, các đại tôn sư đều mơ màng, sao có thể hợp được hai loại nội công cương, nhu, song vô ích. Thủ-Độ thuât lại chi tiết việc nó tìm thấy nội công chuồng ngựa, rồi trong lúc lên cơn đau đớn, nó dùng để chống lại cơn đau gan, tỳ, tâm, do bọn Long-Sảm đánh nó. Phòng-Phong à lên một tiếng: - Ta hiểu rồi! Trường hợp của cháu cũng giống như Bắc-bình vương Đào Kỳ khi xưa! Âu là cái duyên. - Thưa đại-phu Bắc-bình vương đã luyện thành trong hoàn cảnh nao ? - Cháu nên nhớ, âm dương là hai thể tố được hình thành do trời đất, hỗ tương xung khắc nhau, hỗ tương kiềm chế nhau, hỗ tương sinh ra nhau mà tồn tại. Trong âm có dương, trong dương có âm. Mặt trời, ánh sáng, đàn ông, ban ngày, phía trên, hoạt động, phía sau, bên phải, phía trên là dương. Mặt trăng, bóng tối, đàn bà, ban đêm, phía dưới, tĩnh chỉ, phía trước, bên trái, phía dưới là âm. - Cháu không hiểu thế nào là âm sinh ra dương ; dương sinh ra âm cũng như trong âm có dương, trong dương có âm. - Để ta cho cháu một tỷ dụ. Âm sinh ra dương là gì ? Như khi ta ăn uống. Thức ăn là vật chất, thuộc âm. Ta ăn vào, trong cơ thể sinh ra khí. Khí là dương. Thế có phải âm sinh ra dương không ! Hay cụ thể hơn, bà mẹ là âm, sinh ra đứa con trai là dương ! - Thế còn dương sinh ra âm ? Ông bố là dương, có thể sinh ra con gái là âm. Trong cơ thể, khí là dương, tuần lưu khiến cho can, tỳ sinh ra huyết. Huyết là âm. Còn như trong âm có dương, trong dương có âm... Thủ-Độ reo lên : - Cháu hiểu rồi ! - Cháu thử nói ta nghe xem có đúng không nào ? - Như đại phu nói, phía trước là âm phía sau là dương. Phía trên là dương phía dưới là âm. Như vậy lưng là dương. Nhưng chia lưng làm hai phía trên là dương, phía dưới là âm. - Giỏi. Cháu đã học về Âm-Dương rồi à? - Vâng! Thầy Phạm Kính-Ân dạy cháu về học thuyết Âm-Dương Ngũ-hành trong kinh Dịch. Phòng-Phong vồ tay reo: - Hay! Còn như cháu luyện nội công dương cương từ nhỏ. Bây giờ trong lúc ngủ, nội tức dương cương chạy về đơn điền. Trong cơ thể của cháu trống rỗng. Vì đau đớn, tiềm thức làm việc, luyện nội công âm nhu. Thế là âm nhu, dương cương hợp với nhau, thành một thứ nội công tổng hợp. - Giỏi. Còn một điều cháu không biết nữa, là phàm khi luyện nội công dù dương hay âm, khi nội tức sinh ra mười phần thì chỉ lưu lại cơ thể có một phần thôi. Khi cháu luyện thành âm-dương hòa hợp, thì lúc luyện nội công âm-nhu sinh ra bao nhiêu chân khí, sẽ hợp với chân khí dương cương, thành nội lực của cháu. Ngược lại, cháu luyện nội công dương cương, bao nhiêu chân khí dương cương sinh ra sẽ hợp với chân khí âm-nhu thành nội lực của cháu. Thành ra cháu chỉ luyện một năm bằng người ta luyện mười năm. Phòng-Phong nắm tay Thủ-Độ : - Phép luyện công của các phái trong thiên hạ, hoặc là cương, hoặc là nhu. Ít khi có phép luyện cương nhu hợp nhất. Thiền-công là thứ cương nhu hợp nhất. Trong các môn phái của Đại-Việt, thì nội công của phái Sài-sơn, Tản-viên, Mê-linh hoàn toàn gốc từ tổ tiên để lại. Duy phái Tiêu-sơn thì gốc do Bồ-tát Tỳ-ni Đa-lưu-chi truyền Thiền-công vào, rồi các tổ Đại-Việt sửa đổi, phát minh thêm mà thành. Nội công phái Đông-A phát xuất từ Thiền-công Tiêu-sơn, rồi các đời sau tục gia hóa đi...Thế nhưng cương, hay nhu đều là nội công thuộc dương tính cả. Duy phái Mê-linh là có pho nội công âm-nhu, gồm 99 câu tâm pháp, rất ít người luyện được trọn vẹn. Thế hệ nào đông nhất, thì cũng chỉ có đâu mươi người là cùng. Còn nhưng luyện được cả âm lẫn dương thì từ sau Bắc-bình vương Đào Kỳ đến giờ, mới có mình cháu. Ngài có thời thơ ấu hơi giống cháu. Ngài học võ với cha mẹ. Cả cha lẫn mẹ đều luyện nội công dương cương. Khi phải xa bố mẹ, ngài mới có mười tuổi, công lực dương cương không làm bao. Rồi cơ duyên đưa đẩy, ngài lại được lão đại hiệp Nguyễn Phan truyền nội công âm nhu cho. Rồi ngài cũng luyện trong lúc ngủ, mà hòa hợp làm một. Nghe Phòng-Phong nói, trong tâm Thủ-Độ nghĩ : - Cứ như lời vị y sư này, với công lực của ta hiện thời, ta thừa sức thắng bọn Gia-thụy ngũ-anh. Ta muốn trả hận lúc nào cũng được. Ta không cần đi Thiên-trường nhờ ông bà ta, bác ta truy tầm thủ phạm trả thù mẹ nữa. Ta có thể tự làm lấy, mà không cần nhờ vả ai. Bạch-Hạc hỏi Thủ-Độ: - Bây giờ cháu có về Đông-cung nữa không? Hay cháu đi Thiên-trường? - Hiện cháu còn một vài việc phải làm, nên cháu cần phải trở về Đông-cung. Sau đó cháu sẽ đi Thiên-trường. Bạch-Hạc vuốt má Thủ-Độ: - Mừng cho cháu. Bây giờ với công lực này, thì võ lâm thiên hạ không mấy người bằng cháu. Thế thì cái bọn bị thịt Gia-thụy ngũ anh không còn bắt nạt cháu được nữa. Hôm trước chúng nói, cháu là tôi tớ của chúng. Vậy cha mẹ cháu bán cháu cho chúng chăng? Nghe Bạch-Hạc nói, Thủ-Độ mừng lắm. Nó nghĩ thầm: - Bây giờ ta đã biết chắc bà này là chị của bố ta. Bà là cô ta. Ta cũng đã thấy các anh Thừa, Khánh. Họ là những người hiệp nghĩa, chứ không ác độc như bọn Long-Sảm. Ta cần xuất hiện để nhận họ hàng, để tìm ra thủ phạm đã sát hại mẹ ta. Ta cũng chẳng cần dấu diếm thân phận nữa. Nghĩ vậy nó nhìn Bạch-Hạc bằng con mắt thiện cảm: - Thưa cô, bố mẹ cháu là những người có thân phận cực lớn, lại có thâm tình vơí cô. Hiện bố cháu ở xa. Còn mẹ cháu thì qua đời rồi. Cái người mà cháu nói rằng bà qua đời, nhờ cháu chuyển di chúc cho năm người... là nói dối. Người qua đời chính là mẹ cháu. Mẹ cháu bị người ta dùng loạn tên bắn chết. Trước khi chết, mẹ cháu dặn cháu chuyển di chúc cho năm người, để truy lùng thủ phạm, trả thù cho mẹ cháu! Nó nghiến răng: - Còn bọn Gia-thụy ngũ anh, thì hai đứa thuộc loại thâm tình của cháu. Không thù, không oán, chả hiểu sao mà từ khi mới gặp nhau, chúng đã tỏ ra ác độc với cháu. Cháu đâu có là gia bộc của chúng? Thế mà, trên đường đi Thiên-trường, chúng bắt cháu về, rồi hành hạ vô cùng tàn nhẫn. Thủ-Độ thuật lại tất cả những phương cách Long-Sảm hành hạ nó một lượt. Nghe Thủ-Độ kể, muôn ngàn lần Bạch-Hạc không thể tưởng tượng nổi nó là con của Thủ-Huy với Đoan-Nghi. Căn cứ vào câu Long-Sảm, Long-Thẩm với nó là chỗ thâm tình, nàng lại tưởng nó là cháu của Minh-Đạo vương. Bà rùng mình, than: - Xưa, Thái-tổ nhà Lý là Công-Uẩn, nhân vua Ngọa triều ác độc, mà được thiên hạ. Vì vậy khi lên ngôi vua, ngài lấy đức từ bi, hỷ xả của nhà Phật mà trị dân. Bây giờ trong triều thì Thiên-gia Bảo-hựu hoàng đế vô đạo, hoang chơi, dâm dật. Tất cả việc triều chính phó cho Đàm Dĩ-Mông. Y vốn vô tài, mà lại muốn chuyên quyền, vì vậy những người có tâm huyết bỏ đi hết. Quyền hành lại vào tay họ Đàm. Hai vương Kiến-khang, Kiến-bình không được trao quyền. Tương lai, khi nhà vua băng, thì Đàm hậu lại chuyên quyền, cái tệ gà mái gáy có cơ trở lại. Đàm hậu chọn cho Long-Sảm ba Thiện-nhân, đều là những đứa trẻ vô học bất thuật, xúi Long-Sảm làm những việc ác độc còn hơn vua Ngọa-triều... Bà thở dài: - Hỡi ơi! Trước đây gần hai chục năm, em ta là Thủ-Lý đã sớm nhìn ra. Y trình với ông nội ta, phụ thân ta sớm rút chân ra khỏi vũng lầy của triều đình. Còn Thủ-Huy thì muốn giết tuyệt bọn quan lại vô lương, giết tuyệt bọn ngoại thích. Vì chỉ có thế mới thay đổi được cục diện của Xã-tắc. Làm thế thì có khác gì thay đổi triều đình? Ta nghe em ta hiện ở nước Mông-cổ xa xôi, gác kiếm không lý gì đến triều đình Đại-Việt. Tình dân, thế nước như vậy, nên trong triều, ngoài dã, ai cũng mong Thủ-Huy trở về cầm quyền. Bà nắm tay Thủ-Độ: - Con đang gọi ta là bà, thình lình đổi cách xưng hô, gọi ta là cô, ắt phải có nguyên do. Khi con không phải là tôi tớ của Long-Sảm, thì con có thể bỏ đi khỏi Đông-cung, mà không ai nói năng gì được. - Vâng. Con đoán, hung thủ giết mẹ con ắt thuộc bọn quyền quý ? Con con chưa tìm ra hung thủ, con phải ở lại Đông-cung ít lâu nữa. - Vậy, con cần dấu thân phận kỹ hơn nữa. Khi bọn Gia-thụy ngũ anh thách đấu, con đừng vận công chống trả, cũng đừng phản công. Như vậy hung thủ khinh thường con, con mới có thể dò ra tung tích chúng... À, con đã học được những võ công gì của Đông-A? - Bố con dạy con tất cả tâm pháp nội công. Còn ngoại công thì chỉ mới có quyền pháp, chưởng pháp, kiếm pháp. - Tuy ta không biết rõ song thân con là ai, ta vẫn dạy con một pho võ công liệt vào hàng trấn môn, đó là Cương-la thập bát thức. - À! - Con đã nghe nói về Cương-la thập bát thức rồi à? - Vâng. - Pho võ công này là tâm huyết của cả đời thái sư phụ ta đã chế ra. Muốn học bộ võ công này, trước nhất phải luyện hết phần căn bản võ công bản phái, lại phải thông Dịch-lý. Phần căn bản thì con đã học rồi. Vậy từ mai, con cố gắng tìm dịp ra đây, ta sẽ giảng Dịch-lý cho con trước. - Thưa cô, con đã học kinh Dịch rồi. Con học rất kỹ. - Con học ở đâu? Ai đã dạy con? - Con học ở Quốc-tử giám. Thầy dậy con là Kinh-diên quan Phạm Kính-Ân. - Vậy thì con có thể học ngay từ ngày hôm nay. Bạch-Hạc dẫn Thủ-Độ ra sau y viện. Vừa trông thấy khu vườn rộng ước hơn mẫu (3600 mét vuông ngày nay), trồng hoa, cỏ. Cạnh đó có cái ao khá lớn. Thủ-Độ bậït lên tiếng kêu: - Chà! Cô trồng cỏ thành hình Cửu-cung Bát-quái đẹp quá. Muốn thử Thủ-Độ, Bạch-Hạc hỏi: - Trong hai khu trồng cỏ này, một khu theo hình Tiên-thiên, một khu theo hình Hậu-thiên. Vậy trước hết cháu hãy đi theo hình Hậu-thiên. Khởi đầu bằng quẻ Càn. Thủ-Độ tung mình vào khu hình vuông, đặt chân vào sáu vạch liên tục, đứng chờ. Bạch-Hạc hô: - Thiên-phong cấu. Thủ-Độ vừa di chuyển, thì Bạch-Hạc hô tiếp: - Cung Cấn, Địa Thiên-thái. Sau hơn hai khắc, Bạch-Hạc bắt Thủ-Độ di chuyển suốt 64 quẻ. Nó cảm thấy chân khí cuồn cuộn lưu thông khắp cơ thể, người nó nhẹ nhưng bông. Bạch-Hạc chỉ lên một bức tường. Trên tường treo đủ các dụng cụ đánh cá như: Cụp, vó, rọng, te, nơm, lưới, chài, lờ, đó. Bà giảng: - Tổ tiên của giòng họ Đông-A nhà ta tại vùng Khúc-giang, xuất thân làm nghề đánh cá. Nay thuộc Quảng-Đông bên Trung-quốc. Thời vua An-Dương, viễn tổ Trần Tự-Minh được phong tước Phương-chính hầu, lĩnh chức tể tướng. Khi vua Thủy-Hoàng nhà Tần, sai Đồ Thư mang năm mươi vạn quân sang đánh Âu-lạc. Vua An-Dương truyền rút khỏi ba quận Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận. Ba chi của họ Trần bất khuất, bỏ Khúc-giang di chuyển xuống vùng Lục-hải. Con có biết Lục-hải hiện nay là vùng nào không? - Là vùng bờ biển từ Tiên-yên tới Thanh-hóa. Như vậy tổ tiên giòng họ Trần ở Thiên-trường với Khúc-giang là một. - Rời Khúc-giang, tổ tiên ta vẫn giữ nghề đánh cá. Vì vậy, cho nên môn phái Đông-A rất giỏi thủy chiến, đấu võ trên thuyền, dưới nước. Dĩ nhiên đứng đầu thiên-hạ về việc dùng dụng cụ đánh cá làm vũ khí... Cho nên thái sư phụ của ta mới chế ra Thiên-la thập bát thức. Thiên-la là lưới nhà trời, ở đây vũ khí là cái chài. Bà lấy cái chài ra trao cho Thủ-Độ: - Cái chài có nhiều mắt lưới, nhỏ, to, rộng hẹp tùy theo loại. Chài đan theo hình cái nơm, gồm tám múi. Mỗi múi ngăn cách với nhau bằng một sợi giây lớn gọi là cương. Một đầu tám sợi giây buộc chặt vào một sợi giây cái, rất lớn, dài từ một tới ba trượng. Một đầu được buộc vào một sợi giây cương nữa. Sợi giây này hình tròn. Trong tám múi, mỗi múi móc tám viên chì hình trám. Tổng cộng 64 viên chì mang tên 64 quẻ Tiên-thiên. Khi đánh cá, ngư phủ cầm chài vung ra, tỏa thành hình tròn bát quái, úp xuống nước. Trong phạm vi vòng tròn, bao nhiêu tôm cá bị úp vào trong. Ngư phủ cầm sợi giây kéo lên thuyền, gỡ tôm cá ra. Giảng xong, Bạch-Hạc cầm cái chài đến bờ ao. Bà vung tay lên, cái chài xòe ra, chụp xuống mặt nước đến rào một tiếng. Chờ cho chài chìm xuống nước, Bạch-Hạc cầm sợi giây cái kéo lên. Trong chài, hàng chục con cá lớn nhỏ mắc vào. Thủ-Độ reo lên, nó gỡ những con cá ném xuống ao. Bạch-Hạc nghĩ thầm: - Đứa nhỏ này có bản tính hiền hậu đây. Bà giảng: - Cương la thập bát thức như tên mang, có 18 thức. Mỗi thức biến hóa ra âm dương, thành 36. Khi xử dụng thì âm là hư, dương là thực, biến hóa ra 36. Bà ngừng lại: - Còn như con, con luyện được cả nội công dương cương lẫn âm nhu, thì con có thể xử dụng chiêu âm thành thực, chiêu dương thành hư. Cũng có thể cả âm, lẫn dương đều hư, đều thực. Thế là 36 thành 216. Đối thủ không biết đâu mà lường. Nhưng Âm dương chia ra Thái-âm, Thiếu-âm, Khuyết-âm. Dương chia ra Thái-dương, Thiếu-dương, Dương-minh, bây giờ 216 thành 1296 chiêu. Mỗi hư, thực lại biến theo 64 quẻ thành 82.944 chiêu. Uy lực vô song. Thủ-Độ cầm cái chài, vận khí, tay vung lên, chân bước theo 64 quẻ Bát-quái. Khoảng hai giờ (4 giờ ngày nay) nó đã thành thuộc 18 thức căn bản. Trời đã về chiều, Bạch-Hạc dặn nó: - Trở về, con tìm chỗ vắng, tiếp tục luyện tập. Mai lại ra đây, ta sẽ kiểm lại, rồi dạy tiếp. Thủ-Độ từ biệt ông bà Phòng-Phong, trở về Đông-cung. Trên đường đi, qua chợ, trước cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ con. Một thiếu niên ngang tuổi với nó nắm áo nó kéo lại : - Này, đằng í có tiền, mua ít đồ chơi đi. Tò mò nó dừng chân bước vào trong. Đứa trẻ bán hàng chỉ cho nó những đồ bằng đất nung như voi, trâu, ngựa, chó, mèo, cọp. Nó lắc đầu. Thằng bán hàng lại chỉ cho nó xem mấy cái mặt nạ : Mặt nạ khỉ, mặt nạ trâu, mặt nạ lợn, mặt lạ chó, mặt nạ quỷ Vô-thường, mặt nạ quỷ đầu trâu, mặt nạ quỷ mặt ngựa, mặt nạ ma đói. Chợt động tâm tư, nó nghĩ : - Ta mua mấy cái mặt nạ này, đợi đêm tối, nhát bọn Gia-thụy ngũ anh cho chúng sợ té đái, vãi phân ra. Nó mua một cái mặt quỷ Vô-thường, quỷ đầu trâu, quỷ mặt ngựa rồi trở về Hoàng-thành. Nó nghĩ thầm: - Bây giờ võ công ta cao, ta lại khôn ngoan hơn xưa. Trước hết ta phải dò thám trong Hoàng-thành, để tìm ra kẻ đã sát hại mẹ ta, rồi giết cả nhà nó đến con chó, con mèo cũng không tha. Nếu như ta không tìm ra thủ phạm, bấy giờ ta mới đem lời trối trăn của mẹ ta nói với ông bà nội, bác Lý, cô Ngân, để các người giúp ta tìm kiếm... Nghĩ đến bọn Long-Sảm, nó nghiến răng: - Còn bọn Long-Sảm, ta không thể cho chúng chết dễ dàng. Ta phải làm cho nó đau đớn tinh thần, thể xác, chết không xong, mà sống cũng không nổi. Cái bọn Gia-thụy ngũ anh, ta làm cho nó tàn sát lẫn nhau, làm cho giang sơn của họ Lý nát ra như tương, rồi giết tuyệt giòng họ Lý, mới hả cái giận này! Thủ-Độ về tới Đông-cung, không thấy bọn Gia-thụy ngũ anh, nó dò hỏi, thì được biết bọn này vào Hoàng-thành chầu hầu Hoàng-hậu theo định kỳ hàng tháng. Nó ăn cơm xong, thì Cao Giới tới khóa chân nó, rồi lên ngựa ra đi. Chỉ chờ có thế, nó lấy chìa khóa mở xích chân, mang chài ra luyện Cương la thập bát thức. Luyện đi, luyện lại năm lần thành thuộc, nó cất chài vào một chỗ kín.