Chiến thắng, Thái-úy đón vua hồi loan. Người truyền trừng phạt bọn Đàm Dĩ-Mông, Nguyễn Chính-Lại, Quách Bốc để làm gương cho bọn gian thần tặc tử. Nhưng nhà vua nghe lời Đàm hoàng hậu, ân xá bọn Dĩ-Mông, lại trao trọng quyền cho chúng. Ngược lại, Đàm hậu sai người kể tội Kiến-khang vương, Kiến-bình vương, Gia-chính hầu Long-Nguyên, Nam-chính hầu Long-Toàn, phò mã Lê Tự-Anh... hơn ba chục người trong tôn thất...rằng theo giặc. Truyền bắt cả nhà đem giết. Số người trong tôn thất chết đến hơn năm nghìn. Đến nỗi, họ Lý gần như tuyệt tự. Trong số những người đó, duy một mình Kiến-bình vương Long-Tường cùng gia nhân, trước đó, trong lúc hỗn loạn, chạy về Hải-ấp nương nhờ phái Đông-a, nên thoát chết.
Tuy khôi phục Thăng-long, lập lại trật tự, nhưng đất nước vẫn loạn, các An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ vẫn không quy phục triều đình. Nguyên do, Đàm hoàng hậu ban mật chỉ cho họ chống lại Thái-úy Trần Lý ».
- Thế, Thái-hậu Vương Thụy-Hương có còn tại thế không ?
- Trong lúc Quách Bốc đem quân làm loạn, xa giá rời kinh đô, Thái-hậu bị lạc. Cho đến nay cũng không biết tin tức.
- Thế bọn An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ lấy lực lượng đâu mà chống lại triều đình ?
- Lực lượng của bang Lĩnh-Nam ta.
- Tại sao các Khả-hãn lại theo bọn chúng ?
- Thì lệnh của Đại-hãn đã dặn dò bọn em rằng, phải biết mềm mỏng. Ở vùng nào, phải hết sức theo lệnh điều động của họ. Cho nên mỗi An-phủ sứ đều có một Vệ hương binh, do Khả-hãn chỉ huy theo giúp.
«...Niên hiệu Trị-bình Long-ứng thứ 6 (Canh Ngọ, DL.1210). Trong khi chỉ huy dẹp giặc, Thái-úy Trần Lý bị trúng tên tử thương. Triều đình truy phong chức tước như sau :
Kiểm hiệu Thái-sư.
Thượng trụ quốc,
Khai phủ nghị đồng tam tư.
Trung-vũ quân tiết độ sứ.
Phụ quốc đại tướng quân.
Ninh-quốc đại vương.
Triều đình lấy chức tước của người, phong cho con người là Trần Thừa và Trần Tự-Khánh ».
Thủ-Độ ngắt lời :
- Hai anh ta được phong chức tước gì ?
- Trần Thừa được phong Đặc-tiến Thiếu-bảo Đồng-bình chương sự, Chiêu-văn quan đại học sĩ giám tu quốc sử, Thượng-thư lệnh, kiêm Trung-thư lệnh. Trần Tự-Khánh làm Phụ-quốc thái-úy, Long-thành tiết độ sứ, Tả Kim-ngô thượng tướng quân.
- Thôi em thuật tiếp đi.
- Vâng.
«... Hoàng thượng sai Thượng-phẩm phụng ngự Đỗ Quảng đem quân đón Thái-tử Sảm với vương phi về Thăng-long. Nhưng Đàm hoàng hậu mật dặn Đỗ Quảng chỉ đón Thái-tử thôi, còn vương phi Kim-Dung thì trả về nhà cha mẹ. »
Thủ-Độ chửi :
- Con bà nó, từ hơn trăm năm nay, những con mụ Thái-hậu, Hoàng-hậu trong triều cứ xen vào quốc sự, thành ra đất nước đảo điên. Cái gã vua Cao-tông với tên mặt thịt Long-Sảm đã phải bỏ Thăng-long lưu lạc. Không có nhà ta, sao có thể khôi phục ngôi vua ? Thế mà vừa về Thăng-long, con mụ thối tha Đàm Ngọc-Anh đã dở thói ăn cháo đá bát. Anh Trần Thừa của ta, vốn là người đại lượng, ắt bỏ qua vụ này. Nhưng anh Tự-Khánh thì anh không để yên đâu.
«...Tháng 10, vua không khỏe, người tuyên triệu Thái-sư Đỗ Kính-Tu vào cung nhận mệnh ký thác. Ngày 28, vua băng ở cung Thánh-thọ. Thái-tử Long-Sảm lên ngôi trước linh cữu, đặt miếu hiệu cho phụ hoàng là Cao-tông, lại ban chế tôn mẹ là Hoàng-hậu họ Đàm lên làm Hoàng-thái-hậu rồi sai thuyền ngự đi đón vương phi Kim-Dung. Nhưng bấy giờ đường Thăng-long đi Thiên-trường bị giặc chiếm cứ, nên Thái-úy Tự-Khánh từ chối không thể để vương phi đi ».
Ghi chú của thuật giả:
Đương thời, đang tại vị, thì Lý Long-Sảm dùng niên hiệu là Kiến-gia. Trong các văn kiện cũng như người đương thời gọi là Kiến-gia hoàng đế. Sau này Kiến-gia đi tu, lấy đạo hiệu là Huệ-Quang. Lúc băng, được tôn thụy hiệu là Huệ-tông.
Thủ-Độ cười nhạt :
- Ta đoán có sai đâu ! Anh Tự-Khánh không cho Kim-Dung đi, có nghĩa rằng cuộc hôn nhân Lý Trần đã cắt đứt. Cái ngôi vua kia khó mà giữ nỗi.
«...Năm sau (Tân Mùi, DL. 1211) đổi niên hiệu là Kiến-gia nguyên niên. Nhà vua khám phá ra vụ Đỗ Quảng nhận chỉ dụ của vua Cao-tông đi đón vương phi Kim-Dung, mà lại vi chỉ nói rằng không có chỉ đón. Đỗ Quảng sợ bị tội, kéo quân làm loạn. Binh-bộ thượng thư Tô Trung-Từ đem quân dẹp Đỗ Quảng. Chỉ một trận, Trung-Từ phá tan quân Quảng, chém đầu y đem bêu ở chợ Tây-nhai. Nhà vua sai Phụng-ngự Phạm Bồ đi đón vương phi Kim-Dung về kinh, phong làm Nguyên-phi ».
- Rồi sao ?
Thủ-Độ hỏi :
- Tình hình hiện nay ra sao ?
- Hiện triều đình chỉ kiểm soát được vùng Thiên-trường, Trường-yên, Thăng-long, Kinh-Bắc mà thôi. Còn lại, các nơi thì giặc chiếm cứ. Các trấn, các phủ thì bọn Tuyên-vũ sứ, An-vũ sứ cát cứ không quy phục. Lực lượng mạnh nhất là hai sứ quân Đoàn Thượng với Nguyễn Nộn.
Lòng Thủ-Độ nóng như lửa. Hầu hỏi :
- Hiện lực lượng của em tại đây được bao nhiêu người ?
- Em chỉ có một Vệ đặt tên là Vệ Tiên-yên thuộc loại thiện chiến. Còn như vét hết tráng đinh, hương binh, có thể tới mười Vệ.
Thủ-Độ quyết định :
- Trước hết chúng ta phải chiếm trấn Tiên-yên này, rồi liên lạc với Thái-bảo Phùng Tá-Chu, Thái-úy Trần Tự-Khánh sau. Hiện tên Đặng Vũ đang đóng quân ở đâu ?
- Tất cả quân của y đều là Thủy-quân, nên khi chiến đấu trên bờ thì mất hết khả năng. Mấy hôm nay, y đem quân đi tìm Vệ Tiên-yên. Bọn em dụ cho y đi rất xa, rồi đêm nay, chúng em chiếm thị trấn này. Nhưng dù đi đâu chăng nữa, y cũng về nhà ngủ trước nửa đêm. Anh định sao ?
- Anh hiện là Khâm-sứ. Phàm Khâm-sứ ra ngoài, gặp bất cứ điều gì có lợi cho triều đình thì làm, không phải hỏi ai. Đợi Đặng Vũ về, anh cho võ sĩ phục sẵn rồi gọi y vào bắt phải quy phục triều đình. Y theo, thì ta cho y giữ nguyên chức tước. Y chống, thì ta chặt đầu y tại chỗ.
Chợt nhớ ra chuyện gì, Cửu Anh hỏi Thủ-Độ :
- Anh có nhớ chuyện con quỷ ba đầu ở Thăng-long không ?
- Nhớ chứ.
- Cách đây mấy năm, con quỷ ba đầu hiện lên nhát cả nhà tên Đặng Vũ. Từ ngày đó, y thờ con quỷ này trong nhà. Bất cứ làm việc gì, y cũng khấn quỷ ba đầu. Trong lần hội quân năm trước, em nghe Nguyên-sư Trần Thừa nói rằng : Chính anh là con quỷ ba đầu. Sự thực ra sao ?
Thủ-Độ phì cười :
- Đúng vậy !
- Tại sao bây giờ anh không làm quỷ ba đầu, rồi truyền y phải quy phục triều đình. Như vậy khỏi cần ra oai, khỏi cần dùng quyền, khỏi cần giao chiến, mà lúc nào y cũng phục tùng mình.
- Hay ! Em nghĩ ra được việc này hay thực. Vậy em kiếm cho anh hai quả bầu già, thực lớn, gói kín lại mang xuống đây cho anh.
- Gì chứ gáo bầu ở đâu chẳng có.
Cửu-Anh vẽ bản đồ căn nhà của Đặng Vũ, trình bầy chi tiết cho Thủ-Độ ngõ ngách khu nhà của y ở.
Cửu-Anh từ biệt Thủ-Độ, rời thuyền. Lát sau, có một thiếu niên mang tới cho Thủ-Độ cái bọc lớn. Thủ-Độ vào khoang thuyền mở ra. Trong có hai quả bầu khô. Hầu dùng bút vẽ hình lên một quả, giống mặt quỷ Vô-thường. Một cái giống quỷ mặt ngựa.
Đợi sang canh ba, Hầu lên khỏi thuyền, hướng căn nhà của Đặng Vũ dùng khinh công vọt tới. Căn nhà của Đặng Vũ không lớn cho lắm. Cũng chẳng có binh canh. Thủ-Độ tung mình qua hàng rào. Con chó nằm trong sân, thấy người lạ, nó cất tiếng sủa. Thủ-Độ nấp vào bụi hoa cạnh cửa chính. Con chó càng sủa lớn hơn. Có tiếng đàn bà đe chó:
- Vàng! Im ngay!
Thủ-Độ nhận ra tiếng vợ Đặng Vũ.
Con Vàng vẫn sủa. Có tiếng dép đi lẹp kẹp, rồi tiếng mở then cửa. Thủ-Độ chỉ chờ có thế, Hầu búng một viên sỏi, trung đầu con chó. Nó kêu lên tiếng oẳng, rồi nằm im. Một người đàn bà mở cửa bước ra sân, trong bóng đêm, Thủ-Độ nhận thị là vợ Đặng Vũ. Thị lên tiếng:
- Vàng! Mày nằm đó mà ngủ, không được sủa nữa! Phải đòn.
Thủ-Độ dùng một thức khinh thân nhẹ như chiếc lá rụng, vọt qua cửa, vào trong nhà. Thấy giữa nhà có bàn thờ, trên bàn thờ là một tượng...quỷ ba đầu. Suýt nữa bật thành tiếng cười, Hầu kéo tượng, bỏ ra sau bàn thờ, rồi leo lên ngồi. Vợ Đặng Vũ trở vào nhà, cài then vửa lại. Thủ-Độ ho lên một tiếng, rồi gật gật ba cái đầu, miệng khà...khà.... Mụ vợ Đặng Vũ nhìn lên. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu lạc, thấy ông quỷ ba đầu đang gật gật, thì bở vía. Chân tay phát run, hàm răng đánh vào nhau lập cập, mụ quỳ gối xuống, rập đầu binh binh:
- Trăm lạy Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh Hoàng-đế. Xin ngài tha cho cái mạng kiến ruồi của con.
Dường như lời khấn của vợ làm cho Đặng Vũ tỉnh giấc. Y hỏi:
- Đêm khuya rồi, mình không đi ngủ, còn khấn khứa gì đó?
Thủ-Độ lại khà...khà mấy tiếng nữa.
- Mình ra đây ngay! Mau!
Đặng Vũ từ trong bước ra, Thủ-Độ tung người dậy điểm vào huyệt Phong-thị của y. Lập tức y ngã ngồi xuống, giống như quỳ gối vậy.
Thủ-Độ giả tiếng eo éo như đàn bà:
- Tên Đặng Vũ kia! Mi đã biết tội chưa?
Chân tay phát run, hàm răng đánh vào nhau lập cập, Đặng Vũ khấn:
- Trăm lạy Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh Hoàng-đế. Thần thờ kính bệ hạ, một tháng đôi tuần, không hề khiếm lễ. Thần vô tội.
- Mi không có tội với ta. Nhưng mi có tội vơí Xã-tắc thì còn nặng hơn nhiều.
- Thần quả vô tội.
- Được, ta hỏi mi. Đất có chủ, nước có vua. Trước đây vua Cao-tông bôn xuất, không tin tức, mi theo về Hoàng-tử Thẩm thì coi như được đi. Nhưng sau đó, Thái-tử Long-Sảm được anh hùng thiên hạ phò trợ, đã yên Xã-tắc, thế mà mi vẫn tách ra như một sứ quân. Như vậy mi phạm tội tạo phản, phải tru di tam tộc. Gần đây vua Cao-tông băng hà, Thái-tử Long-Sảm lên nối ngôi, ban lệnh ân xá. Mi không quy phục triều đình là một tội. Mi lại còn đem quân đi đánh hương-binh. Đó là hai tội. Mi còn chối không? Bây giờ có Khâm-sứ triều đình tại Tiên-yên. Ta phải chọc mù hai mắt mi, đánh què hai chân mi, rồi trao quyền trấn Tiên-yên cho Khâm-sứ.
Đặng Vũ chết điếng người. Y rập đầu binh binh:
- Xin Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh Hoàng đế tha tội cho thần. Chỉ vì thần nhận được mật chỉ của Đàm thái hậu rằng phải khởi binh chống lại bọn Trần Lý, y là một cường thần, không trước thì sau y cũng cướp ngôi của triều Lý. Vì vậy thần mới ra quân.
- Mi lại nói láo rồi! Ninh-quốc đại vương đã hoăng rồi, thì làm gì có cái vụ Thái-hậu nói rằng người mưu cướp ngôi vua?
- Muôn tâu, hồi Ninh-quốc đại vương còn tại thế, Thái-hậu quả có ban mật chỉ như vậy. Nhưng sau đó, hai con của vương là Trần Thừa, Trần Tự-Khánh, lại nắm hết quyền hành trong tay. Gần đây, có một thầy địa lý tâu với Thái-hậu rằng, họ Trần có ngôi mộ kết phát đế vương, uy lực mạnh đến độ thiên hạ bất khả đương. Vì vậy Thái-hậu phải đề phòng.
Thủ-Độ khà khà mấy tiếng, rồi nói:
- Mi có biết rằng, ngôi mộ kết phát của triều Lý ở Cổ-pháp đã hết phúc rồi không? Ngọc-hoàng thượng đế ban phúc cho họ Trần sẽ kế nghiệp họ Lý. Bất cứ ai chống lại họ Trần, đều trái mệnh trời, đều bị tru diệt. Hôm nay ta hãy làm cho vợ chồng, con cái mi tàn tật đã.
Vợ chồng Đặng Vũ rập đầu binh binh:
- Tâu Đại-thánh Hoàng đế. Người xưa nói, không biết là không có tội. Mệnh trời biến ảo khôn lường, thần là người trần mắt thịt, thần không biết họ Lý hết phúc, họ Trần kế nghiệp. Từ nay thần xin thuận mệnh trời, trung thành với họ Trần.
- Được! Ta tha cho người. Nhưng những sự gì ta nói hôm nay, mà vợ chồng mi tiết lộ ra ngoài, thì ta sẽ chọc thủng mắt vợ chồng mi. Nghe không?
- Dạ.
- Ngày mai mi phải đến thuyền quy phục Khâm-sứ, mi sẽ được thăng chức, tước. Nhớ đấy!
Thủ-Độ phóng tay điểm huyệt Thanh-minh của vợ chồng Đặng Vũ, khiến y không nhìn thấy gì, rồi Hầu tung mình ra ngoài, trở về thuyền.
Sáng hôm sau, Thủ-Độ gọi phó sứ, bồi sứ, thuyền trưởng Quách Ty, cùng các thủy thủ lại họp. Hầu tóm lược những biến cố xẩy ra ở Đại-Việt trong thời gian sứ đoàn lưu tại Mông-cổ, rồi kết luận :
- Bây giờ chúng ta về thì cái triều đình thối tha của tên Long-Sảm, cái hậu cung của mụ Thái-hậu họ Đàm sẽ bới lông tìm vết rằng, chúng ta đi sứ, sao lại ở Mông-cổ tới mấy năm? Sau đó đem chúng ta ra chém. Tài sản bị tịch thu, vợ con bị bắt làm tôi tớ cho người. Vậy các vị nghĩ sao ?
Tất cả mọi người đều xanh mặt, người nọ nhìn người kia, rồi lắc đầu. Phó sứ Chu Mạnh-Nhu bàn :
- Không biết ý quân hầu định sao ?
- Về thì chết. Chi bằng chúng ta không cho triều đình biết ta về. Nay trong nước, các trấn, các huyện đều tách rời khỏi triều đình. Tại sao ta không chiếm trấn Tiên-yên này, làm căn bản, rồi dùng các Khả-hãn bang Lĩnh-Nam chiếm các vùng còn lại, ta thực thi ba lời nguyền Chân-giáo, Tây-hồ, Hy-cương. Bấy giờ dễ gì ai hại được chúng ta?
Mọi người đều hoan hô.
Thủ-Độ truyền lệnh cho viên bồi sứ Vũ Khắc-Kim:
- Phiền tiên sinh hãy tới dinh Phó đề đốc Đặng Vũ, gọi y đến đây ra mắt ta. Ta sẽ có cách chế phục y.
Lát sau Đặng Vũ tới. Lễ nghi tất. Thủ-Độ ôn tồn hỏi:
- Tình hình trấn Tiên-yên này ra sao?
- Thưa Khâm-sứ đại nhân, rất yên tĩnh, ngoại trừ bọn bang Lĩnh-Nam, có một nữ tướng tên Cửu-Anh không tuân theo sự điều động của tiểu nhân, thị kéo Vệ Tiên-yên đi cướp bóc khắp nơi.
Thủ-Độ đập tay xuống án thư:
- Quân phản tặc này to gan. Chính mi chống lại triều đình. Vì vậy Kiến-gia hoàng đế sai bản nhân ra đây thu thập mi. Còn Cửu-Anh là người của triều đình. Cửu-Anh tuân chỉ của triều đình, mà mi lại vu oan là trộm cướp. Quân bay, trói y lại, xẻo từng miếng thịt cho ta.
Võ sĩ trói Đặng Vũ lại. Đặng Vũ kinh hãi:
- Thực oan uổng! Trước đây tiểu nhân nhận được mật chỉ của Đàm thái hậu rằng phải chống lại bọn Trần Lý. Sau khi Trần Lý chết rồi, Thái-hậu lại ban chỉ phải chống bọn Trần Thừa, Trần Tự-Khánh. Nhưng...
- Nhưng gì?
- Hôm qua Vô-thượng Chí-tôn Đại-thánh hoàng đế giáng trần, ban chỉ rằng, tiểu nhân phải... phải quy phục triều đình. Nên tiểu nhân mới tới đây để Khâm-sứ đại nhân điều động.
Thủ-Độ trở lại bộ mặt nhu nhã:
- À thì ra thế! Phó đề đốc bị oan. Ta thực nóng nảy.
Thủ-Độ cởi trói cho Đặng Vũ, rồi ra lệnh:
- Bản sứ đã chiêu an Cửu-Anh. Thay triều đình, ta thăng Phó đề đốc lên làm Đô-đốc. Vậy người hãy trưng thu dân thuyền, tổ chức khẩn cấp thành một hạm đội, mang tên hạm đội Âu-cơ.
Đặng Vũ rập đầu binh binh :
- Đa tạ Khâm-sứ đã thăng thưởng. Trong vịnh Hạ-long này, có đến hơn mười vạn con thuyền đánh cá. Số ngư dân sống trên thuyền tới ba mươi vạn. Khâm-sứ đã ban lệnh, thuộc hạ có thể tổ chức được một hạm đội trong vòng mười ngày.
Thủ-Độ hài lòng :
- Bây giờ người là Đô-đốc, di chuyển không ngừng, vậy chức Tuyên-vũ sứ Tiên-yên này ta trao cho một quan văn.
- Xin tuân lệnh Khâm-sứ.
Thủ-Độ gọi Bồi-sứ Vũ Khắc-Kim :
- Tiên-yên là một cửa biển, thuyền ngoại quốc qua lại nhiều, cần phải có một quan văn cai trị. Kể từ ngày hôm nay ta cử tiên sinh lĩnh chức Tuyên-vũ sứ Tiên-yên. Mọi luật lệ vẫn giữ nguyên. Song có ba điều phải ghi nhớ.
- Xin chờ lệnh đại nhân.
- Một là các phú gia, quan lại đã bỏ tiền ra mua người về làm tôi tớ. Hãy cho họ trở về với gia đình, sau này trấn sẽ bồi thường lại cho gia chủ.
- Hai là, chủ điền chỉ được thu tô như sau : Nhất đẳng điền một phần tư số thu hoạch. Nhị đẳng điền một phần năm số thu hoạch. Tam đẳng điền một phần mười số thu hoạch. Ai bỏ ruộng hoang, thì trấn sẽ cho tá điền cầy, rồi thu tô. Tô đó xung vào công nho.
- Ba là, đối với ngư nhân, mỗi ngày một đầu người đánh được hai mươi cân thì phải nộp thuế hai cân. Mỗi người đánh được ba mươi cân cũng chỉ nộp hai cân. Người nào đánh được năm mươi cân thì miễn thuế.
Vũ Khắc-Kim không hiểu :
- Thưa Khâm-sứ, thuộc hạ thấy chỉ thị của Khâm-sứ ban ra về tôi tớ, về ruộng thực là thương dân nghèo. Nhưng về ngư dân thì hơi bất công.
Thủ-Độ mỉm cười :
- Vũ tiên sinh không hiểu cũng phải. Chính sách thu thuế thủy sản của tên Thái-sư mặt lợn Đàm Dĩ-Mông đánh quá nặng theo số lượng; thành ra ngư dân đánh được nhiều, họ phải nộp thuế gần hết. Vì vậy họ chỉ làm đủ ăn mà thôi. Nay tôi đổi hẳn, họ sẽ thi nhau đánh ngày, đánh đêm. Họ sẽ mau giầu. Dân giầu thì nước mạnh.
Vũ Khắc-Kim chỉ là một viên Lang-trung bộ Lễ, có lẽ y làm quan cả đời cũng không hy vọng gì được bổ làm Huyện-lệnh. Bây giờ một bước được cử làm Tổng-trấn một trấn giầu có, rộng lớn, đến nằm mơ, y cũng không tưởng nổi.
Y rập đầu bái tạ.
Thủ-Độ bảo Đặng Vũ :
- Khi Đô-đốc ngồi đây, thì tôi đã sai sứ ban lệnh cho Cửu-Anh đem quân về. Cửu-Anh đang tiến quân vào trấn, trong khi quân của Đô-đốc lại đóng cách đây hơn trăm dặm. Giả như giờ này Đô-đốc chưa quy phục triều đình, thì e khó thoát khỏi bị chặt đầu. Thôi chúng ta lên bờ đón Vệ Tiên-yên.
Nghe Thủ-Độ nói, Đặng Vũ kinh hoảng. Y không tin bọn Cửu-Anh có thể chiếm trấn Tiên-yên dễ dàng như vậy. Tuy nhiên y cũng cứ theo Thủ-Độ lên bờ. Vừa rời thuyền, y phóng mắt nhìn khắp nơi, chỗ nào cũng thấy những thiếu niên dân dã cầm vũ khí canh phòng. Ngay trên các chiến hạm của y, cũng bị chiếm từ hồi nào.
Y càng kinh ngạc khi thấy dân chúng đứng đầy hai bên đường hướng mắt về phía phía chân núi chờ đón: Một đội thiếu niên, nam, nữ, y phục dân dã, hàng ngũ ngay thẳng, vũ khí sáng ngời, khí thế mạnh như núi lở băng tan; vừa thúc trống, vừa tiến bước về thị trấn. Người dẫn đầu là một thiếu nữ xinh đẹp. Chính là Cửu-Anh.
Nhìn khí thế đội hương binh Lĩnh-Nam, Đặng Vũ rùng mình:
- Mình nghe nói, Tuyên-phi Thụy-Hương là người Tống, sinh ra vua Cao-tông, đã ép nhà vua giải tán Thiên-tử binh, Kỵ-binh, Ngưu-binh, cùng các hiệu binh địa phương. Từ ngày ấy đến giờ, mỗi huyện chỉ có một đội tráng đinh. Cho nên giặc cướp nổi lên khắp nơi, mà triều đình bó tay. Gần đây, họ Trần mộ hương binh, tổ chức lại quân đội, lập trật tự. Sở dĩ họ Trần thành công là nhờ các Vệ hương binh Lĩnh-Nam. Mình cứ khinh thường các Vệ này ô hợp, trong khi đó dân chúng đồn rằng tổ chức bang Lĩnh-Nam trải ra khắp đất nước. Mỗi thôn, mỗi xóm đều quy tụ những thiếu niên khí tiết. Các Vệ của họ hùng tráng vô cùng. Mấy hôm trước mình nhận chỉ dụ mật của Thái-hậu, đem quân đi đánh Vệ Tiên-yên. Cũng may, chưa đụng độ, bằng không, khí thế của chúng mạnh dường ấy, thì mình đương sao nổi?
Vệ Tiên-yên tiến vào thị trấn, mau chóng dàn ra trước bến dân thuyền. Cửu-Anh hô lớn:
- Bọn thuộc hạ xin được ra mắt Đại-hãn.
Khi thu dụng bọn thiếu niên cùng khổ, bọn nam nữ hương thôn đem về huấn luyện, cho nhập bang Lĩnh-Nam; bọn Cửu-Anh đều nhân danh bang trưởng là Đại-hãn. Bang-chúng chưa bao giờ biết mặt bang trưởng. Họ chỉ nghe nói, bang trưởng là Đại-hãn. Đại-hãn còn trẻ, võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Bang trưởng là người nhân từ, thiết tha với kẻ cùng khổ, một lòng bảo vệ Xã-tắc. Bây giờ nghe Khả-hãn Cửu-Anh hô, chúng mới ngước mắt nhìn vị Đại-hãn bang chủ của chúng: Một thiếu niên hùng vĩ, mắt có hai con ngươi, chiếu ra tia hàn quang sáng ngời, khiến chúng không dám nhìn thẳng vào mặt.
Thu-Độ cất tiếng nói như chuông:
"... Các em thân mến.
Từ hơn trăm năm trước nạn gà mái gáy trong hậu cung nhà Lý kéo dài đến nay cũng chưa dứt. Đất nước ngày càng rối loạn. Kỷ cương, luân thường bị phế bỏ. Phong hóa ngày càng suy đồi. Giặc dã nổi lên khắp nơi. Dân chúng đói khổ đến nỗi sống không nổi, mà chết cũng không xong. Trong triều, vua thì nhu nhược, các quan thì toàn một bọn tham ô. Ngoài dã, giặc cướp nổi lên như ong. Nạn đói hoành hành, người chết như rạ.
Vì thế, bang Lĩnh-Nam của chúng ta được thành lập với mục đích nối tiếp sự nghiệp của vua Trưng, của chư vị anh hùng thời Lĩnh-Nam, lấy phương châm:
" Dân quý nhất,
Xã tắc thứ nhì,
Vua thứ ba".
Lại lấy cương là ba lời thề : Lời thề Chân-giáo, lời thề hồ Tây và lời thề Hy-cương.
Khởi đầu bằng việc ta kết hợp bọn thiếu niên cùng khổ, bị đời khinh rẻ, đói không cơm ăn, khát không nước uống, rét không quần áo che thân, ngủ đường ngủ chợ. Rồi dần dần tiến tơí quy tụ dân vô sở bất chí, không tấc đất cắm dùi, bị cường hào ác bá hương thôn áp bức, để lập những trang ấp mới, tạo đơì sống mới. Bang chúng ta ngày một mở rộng.
Ta lại ra lệnh quy tụ thiếu niên hương thôn, dạy văn, luyện võ cho họ có đủ khả năng tự vệ. Rồi vì nhu cầu chống giặc, ta cho kết hợp thành Vệ.
Giữa lúc đó, vì quốc sự, ta phải rời xa quê hương một thời gian. Tuy nhiên trong thời gian ta vắng mặt, trong bang đã có Nguyên-sư, Tả Hữu hộ pháp, Lục-vị thiện nhân, Tổng-lĩnh Khả-hãn điều hành chư sự. Nên bản bang ngày càng mở rộng, ngày càng trở thành hữu ích cho dân chúng. Trong các cuộc biến động vừa qua, khắp nước đều lâm vào cảnh giặc dã nổi lên, chém giết, cướp bóc. Tuy nhiên những nơi có các Khả-hãn của ta lãnh đạo, những vùng có các Vệ của ta trấn đóng, thì dân chúng lại sống an vui.
Tại trấn Tiên-yên này, nằm sát biên giới, xa Thăng-long, mà dân chúng lại sống trong những ngày thanh bình, sung sướng như thời vua Hùng, vua Trưng; là nhờ công lao của Khả-hãn Cửu-Anh, là nhờ các em. Nhân danh Đại-hãn của những người cùng khổ, nhân danh bang trưởng bang Lĩnh-Nam, nhân danh người kế tục sự nghiệp vua Trưng, ta gửi tới các em lời khen ngợi của ta.
Hôm nay, ta long trọng tuyên cáo với các em rằng chúng ta bắt đầu thực hiện lời thề Chân-giáo, Tây-hồ, Hy-cương".
Vì các thiếu niên bang Lĩnh-Nam đều là con em trong trấn, mấy hôm trước họ phải rời gia đình ẩn thân. Bây giờ họ xuất hiện trong cái chính nghĩa, trong cái vinh quang. Nên gia đình mang trâu, lợn tặng cho Vệ Tiên-yên để làm tiệc mừng ngày con em của họ thành công.
Sau mấy đêm suy nghĩ, Thủ-Độ quyết định:
" Dù bác Trần Lý của ta. Dù cả nhà ta. Dù các chưởng môn nhân. Dù các đại tôn sư đã tiếp tay an định, lập lại trật tự. Nhưng đất nước vẫn ly loạn là tại sao? Gốc của sự việc là triều Lý thối tha đã hơn trăm năm. Thế mà bây giờ, nước mất, triều đình tan nát. Nhưng khi cái gã vua Cao-tông vừa trở về Thăng-long, thì con vợ thối tha Đàm Ngọc-Anh lại trở mặt, gửi mật chỉ đi khắp nơi cho các Tuyên-vũ sứ, An-vũ sứ chống đối, phá hoại trật tự mới lập, chỉ với mục đích giữ cái ghế Thái-sư cho tên mặt bánh bao Đàm Dĩ-Mông.
Tại sao một con đàn bà gửi mật chỉ mà các quan lại tuân theo? Rõ ràng gốc đã ăn sâu từ lâu, do những con mụ vợ thối khắm của vua Thần-tông, Anh-tông, Cao-tông từng làm. Những con mụ này hét ra lửa, mửa ra khói, chuyên quyền, nên các quan coi là sự thường. Bởi nếu không tuân theo, thì mất chức, mất đầu, gia đình bất toàn. Không theo không được.
Bây giờ ta phải làm gì?
Nếu ta trở về Thăng-long, thì lại phải cúi đầu phủ phục trước kẻ thù từ hồi thơ ấu là tên Long-Sảm, phải ra luồn vào cúi với con mụ dâm đãng Đàm Ngọc-Anh được tôn lên ngôi Thái-hậu kia sao? Muôn ngàn lần không!
À, tại sao các An-phủ sứ, Tuyên-vũ sứ không quy phục triều đình, mà cũng không chống lại ? Ta hiểu rồi, họ không quy phục triều đình là do mật chỉ của mụ hôi tanh Đàm thái hậu. Còn họ không chống, vì họ sợ chống sẽ bị triều đình đem quân đánh dẹp.
Đã vậy ta phải thay đổi hết bọn này. Bây giờ ta mật báo cho anh Thừa, anh Khánh rằng ta đã trở về. Nhưng ta không tuân chỉ của triều đình. Ta ra lệnh cho các Khả-hãn cùng nổi dậy tiến chiếm các trấn, các huyện, rồi kéo quân về Thăng-long, giết sạch bọn hậu cung thối tha, tham quan vô tài, lập một triều đình mới.
Nhưng lập ai bây giờ? Trước kia ta có ý tôn bác Trần Lý lên làm vua. Thế nhưng nay bác qua đời rồi, thì ta tôn anh Trần Thừa lên. Đúng rồi, anh ta là người có đức, lại bác học đa năng. Anh mà lên làm vua, thì nước sẽ mạnh. Dân sẽ giầu. Ta phải hành sự ngay".
Thủ-Độ gọi Cửu-Anh, ban lệnh :
- Anh cần khoảng hai chục đệ tử thân tín trong bản bang. Em có thể cung cấp cho anh được không ?
- Đệ tử nào cũng tín cẩn cả. Đại-hãn định dùng họ vào việc gì ?
- Đầu tiên, một người báo cho Nguyên-sư Trần Thừa; Tả Hữu hộ pháp Trần Tự-Khánh, Phạm Kính-Ân ; Tổng-lĩnh Khả-hãn Phạm Kính-Nghĩa ; và Lục Thiện-nhân biết ta đã trở về. Lại gửi 17 người, báo cho 17 Khả-hãn nữa. Ta sẽ soạn một bản Đại-cáo rằng : Đã đến lúc thực thi ba lời nguyền Chân-giáo, Tây-hồ và Hy-cương.
- Có ngay.
Thủ-Độ nhờ Phó-sứ Chu Mạnh-Nhu viết bản Đại-cáo. Nội dung bản Đại-cáo, bao gồm ý của ba lời nguyền Chân-giáo, Tây-hồ, Hy-cương, rồi kết luận: Cho nên, bang Lĩnh-Nam phải đứng dậy, giúp dân trừ bạo lập lại thời thịnh trị của vua Hùng, vua Trưng, nhưng tránh không nói rõ việc diệt triều Lý, việc trả thù Long-Xương. Hầu ký tên, rồi sai bang chúng mang đi.
Lại truyền lệnh :
- Gần ta nhất là Đồn-sơn, Diễn-châu, Hải-Đông, Long-hưng. Em có thể sai người âm thầm mời bọn Khả-hãn đến gặp anh khẩn cấp được không ?
- Được ! Bọn em vẫn liên lạc thường xuyên với nhau. Nếu cần chỉ sáu giờ (12 giờ ngày nay), là họ tới đây trình diện Đại-hãn.
- Em làm ngay đi.
Cửu-Anh sai mấy hương binh lấy ngựa đi liền. Tối hôm đó thì 5 Khả-hãn đều tề tựu. Sau mấy năm xa cách, bây giờ họ mới gặp lại Thủ-Độ thì mừng chi siết kể.
Thủ-Độ dùng con thuyền Ó-đen của mình làm chỗ hội họp. Những cử chỉ thân ái, những lời thăm hỏi nồng nhiệt qua đi. Thủ-Độ khai mạc buổi họp. Sau khi tóm lược những gì diễn ra trong thời gian đi sứ Mông-cổ, hầu nghe các Khả-hãn trình bầy tình tình hình trong triều. Sau khi suy nghĩ, Hầu tuyên bố:
- Khởi đầu, chúng ta chỉ có hai mươi mốt anh em sống với nhau. Nhân thời thế nhiễu nhương, dân chúng đói khổ mà chúng ta lập ra bang Lĩnh-Nam, với ba lời nguyền. Bây giờ là lúc chúng ta thực hiện ba lời nguyền đó.
Cử tọa im lặng, gần như muốn nín thở. Vì bao nhiêu ước vọng, bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu công trình, bao nhiêu chuẩn bị, bây giờ là lúc đem ra thực hiện đây.
- Trước hết ta chiếm các trấn, các phủ, xóa bỏ hệ thống quan lại nặng nề, tham ô cũ. Ta tổ chức lại làng xã, để không còn nạn cường hào ở nông thôn nữa. Vậy khi các em chiếm xong vùng nào, đuổi hết bọn quan lại cũ đi, tìm hào kiệt có tài, có đức cử vào thay thế. Còn đối với các xã, thì ta họp dân chúng, để họ cử lấy người tự cai trị mình. Tuy nhiên, phải tuyệt đối tuân hành ba điều.
Thủ-Độ ngừng lại cho cử tọa theo kịp, rồi tiếp:
- Một là đánh chiếm lỵ sở của phủ, huyện sao cho nhanh, không đổ máu. Có như vậy, mới tránh được hận thù.
- Hai là, sau khi đánh chiếm rồi, thì tuyên bố tha thuế trong một năm. Tha tất cả thuế còn nợ từ trước. Lại tuyên bố chính sách nô bộc, thu tô của ta.
- Ba là, đại xá tội trạng dù thành án hay chưa. Tha tội cho những quan lại triều Lý, cho họ về quê làm ăn.
Thủ-Độ bắt các Khả-hãn nhắc lại một lượt cho khỏi quên. Hầu tiếp:
- Trong 5 các em hiện, phụ trách 5 vùng, thì hai vùng là trấn, 3 vùng là phủ. Cửu-Anh đã chiếm được trấn Tiên-yên. Vậy ta còn trấn Đồn-sơn với ba phủ Diễn-châu, Hải-Đông, Long-hưng. Liệu các em có thành công không? Hay phải chi viện?
Hầu hỏi Bát-Anh:
- Trước hết là trấn Đồn-sơn.
Bát-Anh đứng dậy:
- Thưa Đại-hãn, Đồn-sơn là căn cứ chính của Thủy-quân. Trước đây Thủy-quân Đại-Việt có bốn hạm đội là Động-đình, Thần-phù, Âu-cơ, Bạch-đằng. Bốn hạm đội thay nhau tuần thám lãnh hải. Trong bốn hạm đội thì một hạm đội trấn đóng ở Đồn-sơn để tu bổ, huấn luyện. Một hạm đội túc trực ở Thăng-long. Một hạm đội tuần hành tại phía Bắc. Và một hạm đội tuần hành dọc bờ biển cho tới Chiêm-thành. Từ khi Phụ-quốc thái-úy Trần Thủ-Huy với công chúa Đoan-Nghi về điền dã, thì ba hạm đội bị giải tán, chỉ còn lại hạm đội Thần-phù mà thôi. Khi Thăng-long xẩy ra biến động, Đại đô-đốc Phùng Tá-Chu đem hạm đội về Thăng-long, thì căn cứ không có quân. Viên Tuyên-vũ sứ nhân dịp này, sai thuộc hạ đem Vệ Đồn-sơn, chiếm đóng hết các cơ sở như xưởng đóng thuyền, các trại binh. Hiện y không chịu theo lệnh trung ương.
- Y thuộc loại người nào?
- Y tên Ngô Khang, xuất thân là Tổng-lĩnh thái giám, hầu cận Đàm hoàng hậu, y được cử làm Tuyên-vũ sứ. Mới đây Hoàng-hậu được tôn làm Thái-hậu, bà ban chỉ phong cho y tước hầu. Y không biết võ, cũng chẳng có tài cai trị. Hiện mọi sự y đều trông vào Vệ Đồn-sơn của thuộc hạ. Thuộc hạ có thể bắt y như bắt ba ba trong rọ. Đại-hãn yên tâm.
- Được! Ta cử Thị-lang Phạm Hồng-Quy làm Tuyên-vũ sứ Đồn-sơn. Em hãy trở về bắt y trao quyền cho Hồng-Quy.
- Bây giờ tới Diễn-châu. Khả-hãn Thất-Anh cho biết tình hình.
- An-phủ sứ Diễn-châu là người văn võ kiêm toàn, tên Cao Bình-Chu, tuổi tương đối còn trẻ. Mấy năm trước y đỗ võ Tiến-sĩ, cùng khoa với Đại-hãn. Y được bổ làm Phó An-phủ sứ. Khi mới nhậm chưc, y tổ chức một toán võ sĩ 18 người làm chân tay. Y đi đâu, cũng có bọn này theo bên cạnh. Trong cuộc biến động vừa qua, y giết An-phủ sứ, rồi nắm lấy quyền. Nếu muốn hạ y, thì phải chấp nhận một cuộc giao chiến. Không có cách nào khác.
- Đành vậy. Bản lãnh y so với em thế nào ?
- Nếu bình thường giao đấu, khó biết lắm. Nhưng võ công y là võ công Hoa-sơn. Nếu muội dùng pho Lôi-giáng Hoa-nhạc thì thắng y dễ dàng.
- Ta cử Thị-lang Lê Trọng-Anh làm An-phủ sứ Diễn-châu. Em hãy về hạ tên Cao Bình-Chu, rồi trao quyền cho Lê Thị-lang.
Thủ-Độ hỏi Nhất-Hào, Tứ-Hào :
- Còn các em ?
- Mọi chuyện đã ổn định.
Nhất-Hào trả lời bằng giọng tự tin :
- Ngay từ khi xẩy ra biến động. Đám An-phủ sứ bắt bọn em mang quân về theo Hoàng-tử Thẩm. Lập tức hai chúng em suất lĩnh đệ tử bắt giam chúng lại, tìm người có tài, có đức thuộc bang Lĩnh-Nam cử lên thay thế. Hiện các An-phủ sứ này với chúng em như tay phải với tay trái, tổ chức cai trị, dân chúng sống an vui, hạnh phúc vô cùng. Chúng em đã tập trung hết hương binh, bang chúng kết lại, lập ba Vệ thành một Đạo, bốn Đạo thành một Hiệu. Hiện hiệu Long-hưng của em có bốn Đạo bộ binh là Tiền, Hậu Tả, Hữu, và một Trung-đạo Ngưu-binh. Hiệu Hải-Đông của Tứ-Hào cũng tổ chức như Hiệu của em, nhưng thêm một Vệ Kỵ-binh nữa. Cái con mụ Đàm Thái-hậu nhiều lần sai mật sứ phong hàm tướng quân, tước hầu cho bọn em. Mà bọn em không theo.
Thủ-Độ đứng dậy ban lệnh :
- Đồn-sơn, Diễn-châu Tiên-yên mới có một Vệ, thì xuất không đủ chống với giặc. Thủ không đủ giữ an ninh trong vùng. Vậy ba Khả-hãn khẩn kết hợp các hương binh lại, thành lập một hiệu, phỏng theo hiệu Hải-Đông, Long-hưng. Mỗi hiệu có bốn đạo bộ Tiền, Hậu, Tả, Hữu và một đạo Ngưu-binh. Nếu có thể thêm một Vệ hay một Đạo Kỵ-binh thì tốt.
Lại ra lệnh cho thuyền trưởng Quách Ty:
- Để duy trì liên lạc giữa ta với các Khả-hãn mau chóng. Ta thiết lập một hệ thống ngựa trạm Lưu-tinh. Ta trao cho sư đệ chỉ huy.
Quách Ty vui vẻ nhận lời.
Thủ-Độ nói với Chu Mạnh-Nhu, Tạ Quốc-Ninh:
- Dù muốn, dù không, hoàn cảnh chúng ta bây giờ cũng giống như một triều đình. Về lãnh thổ, ta đã có hai trấn, ba phủ. Về binh lực ta có một hạm đội, năm hiệu binh. So sánh với triều đình, với Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng, lãnh thổ, binh lực ta mạnh nhất. Tôi sinh ra là con công chúa, là con đại thần, nhưng từng là ăn mày, tôi không phải là con trời. Tôi cũng là người thường như mọi người. Nhưng tôi có tấc lòng son với Xã-tắc, tôi biết thương dân, biết chia sẻ cái bất hạnh của người nghèo. Tôi không thể cáng đáng được hết mọi sự. Vậy chúng ta hãy chia nhau gánh vác chung. Chúng ta tổ chức một cơ quan giống như Khu-mật viện. Không biết chúng ta nên đặt tên là gì cho có vẻ mới mẻ?
Tạ Quốc-Ninh đề nghị:
- Theo thiển ý của thuộc hạ, cơ quan này nên đặt là An-dân Quốc-vụ viện. Gọi tắt là An-quốc viện
- Hay lắm. Tôi cử Chu Manh-Nhu làm chánh viện. Tạ Quốc-Ninh làm phó viện. Còn lại, tất cả các Khả-hãn, Đô-đốc hạm đội Tiên-yên đều là An-quốc viện sứ.
Mấy hôm sau, sứ giả Thủ-Độ gửi đi các nơi lục tục trở về báo cáo : Các Khả-hãn cự kỳ hân hoan khi được tin Đại-Hãn trở về, và đang phát động đại kế thực hiện ba lời nguyền Chân-giáo, Tây-hồ và Hy-cương. Năm vùng quanh Thăng-long, các Khả-hãn là nữ, nên mỗi người chỉ thành lập được một Đạo hương binh. Còn lại các Khả-hãn khác, mỗi người đã lậäp được một hiệu binh rất hùng mạnh.
Chu Mạnh-Nhu vui mừng :
- Như vậy, về lãnh thổ, trên toàn quốc có 5 trấn, 24 phủ. Ta kiểm soát được 2 trấn, 11 phủ, và nửa kinh thành Thăng-long. Ta đã có nửa giang sơn. Về binh lực thì ta mạnh nhất, với 13 hiệu binh, và 5 đạo ở Thăng-long. Thưa Đại-hãn, đã đến lúc chúng ta theo gương cũ, kéo cờ thế thiên hành đạo được rồi.
- Thế thiên hành đạo là gì vậy thưa Tiên-sinh? Đạo này là đạo gì?
- Thế thiên hành đạo là thay trời thực thi cái đạo. Đạo đây không phải đạo Phật, đạo Lão, mà là đạo của trời đất. Cái đạo lấy dân làm gốc, tạo hạnh phúc cho dân làm căn bản. Thời cổ bên Trung-hoa, vua Kiệt vô đạo, vua Thành-Thang kéo cờ nghĩa, diệt bạo, lập một triều đình mới lấy dân làm gốc. Vua Trụ tàn ác, bạo ngược, vua Võ khởi binh diệt Trụ, lập ra nhà Chu. Bên Đại-Việt ta, vua Hùng thứ 88 vô đạo, vua An-Dương kéo cao cờ nghĩa, đánh kẻ ác, lập ra triều đại mới. Lại nữa, gần đây, vua Ngọa-triều tàn ác, vô đạo, triều thần tôn Điện-tiền chỉ-huy sứ Lý Công-Uẩn lên làm vua, lập ra tiều Lý.
Thủ-Độ lắc đầu:
- Như vậy, phàm khi kéo cao cờ nghĩa, thì phải có hai điều căn bản. Một là kẻ đang cai trị tàn ác, vô đạo. Điều này thì trên trăm năm qua, các ông vua, các bà Thái-hậu, Hoàng-hậu triều Lý đã làm nhiều rồi. Dù chặt hết trúc ở núi Nam-sơn làm bút cũng không chép hết. Hai là, kẻ kéo cao cờ nghĩa phải là người có ân đức trải khắp thiên hạ. Điều này thì ta không có. Tôi chỉ là con một phò mã, với một công chúa. Tuổi còn trẻ, đức không, tài không, tôi không xứng đáng làm cái việc đó. Tuy vậy....
Hầu ghé miệng vào tai Chu nói nhỏ một lúc. Chu gật đầu tán thưởng:
- Đại-hãn quả là người trông rộng, nhìn xa. Vậy bây giờ Đại-hãn ra lệnh cho các Khả-hãn thực thi chính sách nô bộc, ruộng đất, nhẹ thuế mà Đại-hãn đã ban hành. Khiến dân chúng vùng kiểm soát của bang Lĩnh-Nam no ấm, hạnh phúc. Bấy giờ, ta bảo họ nhảy vào nước, vào lửa họ cũng không từ nan. Còn Đại-hãn thì tập trung một vài hiệu binh lưu động, cứ thấy bọn An-phủ sứ nào ác độc, tàn bạo, thì ban hịch cho dân chúng, rồi ta kéo quân tới bình định. Như vậy, trong một vài năm, thì ta làm chủ cả giang sơn này.