Nói với tuổi trẻ tộc Việt:
Đối với tộc Việt chúng ta, không thế lực đi ngược với ý dân nào có thể tồn tại lâu dài, không cá nhân tàn bạo nào mà không bị sức mạnh của quần chúng đập tan.
Vẫn tại trại hè Về-nguồn 1996.
Ngày 31 tháng 8.
Câu chuyện tới đây thì ngừng lại, vì trời đã về khuya. Rừng núi Louisville chìm vào bóng đêm. Xung quanh chúng tôi, tiếng dế nỉ non, thỉnh thoảng vọng lại tiếng chim ăn đêm. Mười tám người trẻ vẫn chưa muốn chấm dứt, chưa muốn đi ngủ.
Tôi mỉm cười:
- Lịch sử anh hùng của tộc Việt, nói không bao giờ hết, viết không bao giờ cùng. Mười năm sau, trăm năm sau, nghìn năm sau, biết đâu con cháu chúng ta, cũng như con cháu của anh em chúng ta ở trong nước, sẽ có dịp hội ngộ với nhau. Việc của chúng ta, là phải tự nhắc nhở, nhắc nhở người thân, nhắc nhở con cháu rằng: Đừng quên nguồn gốc Việt của mình, quyết không để một người trở thành Trần Định-Nhân. Ta có thể mang quốc tịch Hoa-Kỳ, Canada, Trung-quốc, Pháp, Ý, Đức nhưng ta vẫn thuộc tộc Việt, vẫn là con Rồng, cháu Tiên.
Một cháu gái, dáng người thanh nhã, mềm mại hỏi:
- Cảm ơn thầy. Thưa thầy, thầy vừa thuật sơ lược về nguồn gốc của họ Trần, cũng như những yếu tố làm cho triều Lý suy vong. Thầy cũng cho chúng con một bài học rằng phải tránh vết xe xấu của bọn vong quốc, bọn con cháu Trần Ích-Tắc, mà nguyên do chính là bậc cha mẹ thiếu cái tự hào về nguồn gốc anh hùng của tổ tiên. Bây giờ, con lại muốn thầy thuật tiếp cho chúng con nghe vụ Đỗ Anh-Vũ. Về sau y chết già? Chết bệnh? Hay bị triều đình giết?
Nhìn những con mắt sáng long lanh, tỏ ra thần thái tinh anh, lòng tôi ngùn ngụt yêu thương những người trẻ hôm ấy, mà có lẽ chỉ chúa Jésus, đức Thích-ca Mâu-ni, đức thánh Khổng là có thể yêu đệ tử hơn mà thôi.
Tôi trả lời:
- Y bị giết, bị xẻo từng miếng thịt một... Y bị cỡi ngựa gỗ. Sự việc như sau...
Trong căn nhà gỗ không một tiếng động, tôi thuật tiếp:
- Trong ĐVSKTT, quyển tư, phần Lý kỷ, Anh-tông kỷ, niên hiệu Đại-Định thứ 11, bên Trung-nguyên là niên hiệu Thiệu-Hưng thứ 20, đời vua Cao-tông 0 có chép đầy đủ tội ác của Đỗ Anh-Vũ. Nhưng khi chép về cái chết của y lại rất sơ sài. Y không chết về tay vua Anh-tông, vì Anh-tông là ông vua khờ. Mà y chết về tay Chiêu-Linh hoàng-hậu, vợ vua Anh-tông, về tay thái-tử Lý Long- Xưởng, con đầu lòng của vua Anh-tông, về tay những anh hùng vô danh thảo dã. Hồi thịnh thời, khi giết người, y chế ra những hình cụ, những phương pháp man rợ; thì khi bị trừng phạt, y lại nhận lĩnh chính những hình cụ, phương pháp mà y đã chế ra . Đúng như tục ngữ Việt nói: Gieo gió thì gặt bão, gậy ông lại đập lưng ông; hoặc mỉa mai hơn giáo Tầu lại đâm Chệt. Còn Chiêu-Linh hoàng-hậu, thái-tử Long-Xưởng, thì cả hai đều là những anh hùng cuối cùng của họ Lý, của triều đại Tiêu-sơn.
Côi Sơn Song Ưng
Niên hiệu Đại-Định thứ mười chín (Mậu Dần, 1158)
đời vua Anh-tông triều Lý của Đại-Việt,
bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Thiệu-Hưng thứ 28
đời vua Cao-tông nhà Tống,
ngày 15 mùa Thu, tháng 8.
Cái tin quan quan Kiểm-hiệu Thái-sư, Phụ-quốc đại tướng quân, lĩnh Càn-nguyên điện đại học sĩ, Long-thành tiết độ sứ, Khai-phủ nghị đồng tam ty, Nghĩa-dũng quốc công Đỗ Anh-Vũ cùng cả nhà bị võ lâm đột nhập dinh giữa tiệc Trung-thu, rồi xử tử tận số, làm rúng động kinh thành Thăng-long. Khắp đế đô, người ta tụ năm, túm ba lại mà bàn tán. Quan phủ thừa Thăng-long là Tô Hiến-Thành đích thân vào cung xin chỉ dụ của nhà vua, rồi lấy vũ khí trong kho ra, đem phát cho đội Phụng-quốc vệ, dẫn tới bao vây dinh Thái-sư, để điều tra.
Nhà vua truyền thiết đại triều, nghe tâu trình về vụ này. Tuy năm nay vua đã hai mươi ba tuổi, nhưng Cảm-Thánh hoàng thái hậu cũng buông rèm ngồi thính chính. Quần thần ngạc nhiên khi thấy thái-tử Long-Xưởng mới tám tuổi, cũng được nhà vua cho đứng cạnh ngai vàng, dường như để hiểu rõ một biến cố quan trọng.
Đúng giờ Mão, bách quan tề tựu đông đủ, ba hồi chuông trống, ban nhạc tấu bản Nguyên-thọ:
Minh minh thiên tử,
Vạn dân sở vương.
Hiển hiển lệnh đức,
Như Khuê, như Chương,
Tuyên chiêu nghĩa vận,
Trường phát kỳ tường.
Thiên tích thuần hỗ,
Thánh thọ vô cương.
Dịch:
Vua ta sáng suốt,
Vạn dân ngước nhìn,
Đức tốt rừng rực,
Như ngọc Khuê, Chương,
Tuyên, gọi nghĩa trọng
Điềm lành tứ phương.
Trời ban phúc lớn,
Thánh thọ vô cương.
Một đại thần mình hạc xương mai, tóc bạc phơ bước ra phủ phục tâu:
- Thần Lưu Khánh-Đàm, Đặc-tiến Thiếu-sư, Đồng-bình chương sự, Trung-vũ quân tiết độ sứ, Tả Kim-ngô đại tướng quân, Khu-mật viện sứ, lĩnh Chiêu-văn quan đại học sĩ, giám tu quốc sử, Đăng-châu quốc công, kính tâu.
Nhà vua ban chỉ:
- Thiếu-sư bình thân.
- Đêm qua, quan thái-sư Đỗ Anh-Vũ cùng gia thuộc hơn năm mươi người bị thích khách đột nhập vào dinh, xử cỡi ngựa gỗ chín người, giết chết tám mươi ba người ; giữa lúc đang ăn tết Trung-thu. Vì vậy thần xin thiết đại triều để phủ thừa Thăng-long tâu trình.
Tiếng thái-hậu từ sau màn khóc nức nở hỏi:
- Khánh-Đàm! Có biết thích khách là ai không?
Bách quan nghe thái-hậu hỏi một lão thần đáng tuổi ông, tuổi cha bằng lời lẽ khiếm nhã, thì trong lòng nảy ra mối khinh rẻ, chửi thầm: Phường vô học, bất thuật.
- Thần xin để phủ thừa Thăng-long tâu.
Một võ quan bước ra quỳ gối:
- Thần Thái-tử thiếu-bảo, Uy-viễn đại học sĩ, Khu-mật viện sứ, lĩnh Binh-bộ thượng thư kiêm phủ thừa Thăng-long, Chinh-viễn đại tướng quân, Nam-trực hầu, Tô Hiến-Thành kính tâu.
Nhà vua vẫy tay:
- Thái bảo bình thân.
- Canh năm vừa qua, một gia nhân của phủ Thái-sư tới phủ thần cáo rằng, quan Thái-sư với tám người bị võ lâm cho cỡi ngựa gỗ, còn lại toàn gia bị giết lúc giờ Hợi. Thần vội vã cùng các bộ khoái tới điều tra. Sau đây là kết quả.
Hiến-Thành cầm tờ biểu lên đọc:
- Vào đầu giờ Hợi, Thái-sư cùng thê, thiếp, gia thuộc, gia tướng đang ăn tết Trung-thu ngoài sân, thì có ba người đàn ông, một người đàn bà tuổi trung niên với hơn ba chục thiếu niên nam nữ xuất hiện. Chỉ không đầy một khắc, họ điểm huyệt tất cả trên trăm người, chia nhau ra lục soát trong dinh, còn sót người nào thì điểm huyệt người đó, rồi đem xếp thành hàng giữa sân.
Lại-bộ thượng thư Đỗ An-Di hỏi :
- Xin Thiếu-bảo tâu rõ hơn một chút. Bởi Thái-sư là đệ tử của đại-sư Khánh-Hỷ phái Tiêu-sơn, bản lĩnh đâu phải tầm thường, mà thích khách điểm huyệt dễ dàng như vậy ? Lại nữa, tùy tòng cũng như gia thuộc của Thái-sư nếu không là những đệ nhất cao thủ, thì cũng là những võ tướng. Tôi nghe cạnh Thái-sư có Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên. Vậy họ đâu ? Sao thích khách lại lộng hành như chỗ không người ?
Tô Hiến-Thành đáp :
- Thưa thượng thư, đêm qua Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên phải chầu hầu thái-hậu nên vắng mặt. Hơn nữa, võ công của đám thích khách quá cao cường. Người nào cũng như người nào, họ chỉ đánh có một chiêu lại hạ một cao thủ của Thái-sư. Riêng Thái-sư thì bị một người đàn bà hạ. Thị đánh chiêu thứ nhất, Thái-sư bật tung lại sau ba bước. Thị đánh chiêu thứ nhì, Thái-sư ngã ngồi xuống. Thị vung tay điểm huyệt Thái-sư, rồi túm tóc ngài ném ra giữa sân .
Các võ quan cùng bật lên tiếng úi chà tỏ vẻ kinh ngạc.
Thái-tử Long-Xưởng gật đầu:
- Đám người này bản lĩnh phải kinh thế hãi tục lắm mới có thể hành sự quang minh, lỗi lạc như vậy.
Các quan giật mình, nghĩ thầm:
- Cái ông vua con này khen sát nhân quang minh lỗi lạc, thì ít ra cũng vui mừng khi Thái-sư Anh-Vũ bị giết.
Thái-hậu hỏi:
- Này Tô Hiến-Thành, trong dinh Thái-sư lúc nào cũng có một đội Phụng-quốc vệ. Thế bọn này đâu?
Các quan lại bất mãn về cách xưng hô của Thái-hậu. Đúng ra bà phải nói: Này quan Thái-bảo, cho đúng với ngôn từ của vị mẫu nghi thiên hạ, thì bà lại gọi tên ra, là điều cực kỳ thô lỗ.
Nhưng Hiến-Thành vẫn khom người xuống:
- Tâu thái-hậu, cách đây hai ngày, quan địa phương báo về rằng có một bọn du thủ, du thực đem mấy chục hình nộm, trên hình nộm đề tên Thái-sư với... với...trói dính bụng vào nhau.
Đến đây Tô Hiến-Thành im bặt.
Thái hậu gắt:
- Với ai? Người là Binh-bộ thượng thư mà sao nói ấp a, ấp úng như chó ăn vụng bột vậy? Đồ ăn nợ!
Bị nhục mạ, mặt Tô Hiến-Thành tái đi, nhưng ông vẫn bình tĩnh đáp:
- Tâu, với ... với tên thái-hậu.
Cả triều đình đều bật lên tiếng ồ kinh ngạc.
Nhà vua hỏi:
- Chúng đem hình nộm thái-hậu với Thái-sư làm gì?
- Tâu, chúng treo ngược lên cây, dùng tên bắn xuyên qua ngực. Chúng lại buộc vào hình nộm mảnh vải có chữ : Kẻ nào gỡ hình nộm đem đi, sẽ bị chặt tay . Vì vậy hoàng nam các thôn, xã không ai dám gỡ. Thái-sư phải sai đội Phụng-quốc vệ lên đường gỡ hình nộm, cùng truy lùng thủ phạm. Hóa cho nên dinh thự chỉ có gia tướng, thân binh, số người không làm bao, nên sát nhân mới dễ dàng hành sự.
Thái-tử Long-Xưởng nở một nụ cười:
- Tâu phụ hoàng, thần nhi đoán rồi, chắc chắn đám người giết Thái-sư với đám người treo hình nộm là một. Họ biết rằng muốn lọt được vào phủ Thái-sư , thì phải tìm cách đưa đội Phụng-quốc vệ rời dinh của người. Vì vậy, họ mới bầy ra cái vụ treo hình nộm. Vô tình Thái-sư mắc mưu... Thôi, Thái-bảo tâu tiếp vụ án dinh Thái-sư đi.
Nhà vua gật đầu tỏ ý ngợi khen thái-tử thông minh. Quần thần thấy vụ án sát nhân đến gần trăm người chết ngay giữa Thăng-long, hơn nữa người bị giết lại là một quan đầu triều; thế mà dường như nét mặt nhà vua có vẻ hân hoan hơn là ưu tư.
Hiến-Thành tiếp:
- Viên thủ lĩnh cầm bản án đọc lên kể tội Thái-sư cùng những người trong gia thuộc, cuối cùng tuyên án: Chín người bị cỡi ngựa gỗ; hai mươi ba người bị khoét hai mắt, cắt gân chân tay, cắt lưỡi; năm mươi người bị chết chém. Ngược lại bọn người nghèo phải bán thân làm nô bộc, có tới ba mươi sáu người được cấp vàng, bạc, châu báu, rồi cho về quê làm ăn. Mỗi người này đều được cấp một bản án, tuyên rằng : Được miễn làm gia nô cho họ Đỗ. Nếu như quan lại, phú gia nào gây rắc rối với họ sẽ bị khoét hai mắt, chặt hai chân, hai tay.
Thái-tử gật gật đầu mỉm cười, dường như tỏ vẻ thích thú:
- Thưa Thái-bảo , thế nạn nhân bịï xử tại chỗ sao?
- Tâu điện hạ vâng. Những người bị án tử hình, thì họ chém đầu ngay. Những người bị khoét mắt, cắt chân tay cũng bị hành hình trong dinh. Sau khi hành hình, họ đem thuốc băng bó vết thương cho nạn nhân, vì vậy không nạn nhân nào chết cả. Còn chín người bị cỡi ngựa gỗ, thì họ đem chín tấm ván ra, trói chín người bằng dây mây, mỗi người vào một tấm ván, dựng ngược tấm ván lên xe. Sau đó họ cho người dong xe ra chín địa điểm khác nhau.
Thái hậu hỏi:
- Chín địa điểm đó ở đâu?
- Tâu, tại năm cửa thành, Văn-miếu, chùa Một-cột, đền thờ Trưng-vương, đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu. Tại mỗi địa điểm này, họ bắc loa gọi dân chúng tới thực đông, rồi tuyên đọc bản án nạn nhân. Cuối cùng mới cho xẻo từng miếng thịt.
Thái-hậu nguyền rủa, khóc thút thít:
- Thái sư bị...bị... xẻo thịt sao? Hu...hu... Người có đau đớn lắm không? Chúng xẻo thịt Thái-sư ở địa điểm nào?
- Tâu, ở Văn-miếu.
- Trời ơi! Tiên sư cha bọn quan quân đâu, mà để cho bọn ác nhân hoành hành như vậy? Còn người ! Người là phủ thừa Thăng-long, người chui ở trong váy con đĩ nào, mà cái vụ giết Thái-sư ồn ào như thế, phải đợi cho đến khi gia nhân phủ Thái-sư báo, người mới biết?
Nghe thái-hậu văng tục, nhục mạ đại thần, hầu hết các quan đều rùng mình than thầm: Hỡi ơi, mấy chục năm qua, người đàn bà tham dâm, thất học này cùng tên Đỗ Anh-Vũ cầm quyền, mà mình cứ phải cúi đầu nghe lệnh thì nhục nhã quá. Các quan đều tưởng Tô Hiến-Thành bị xỉ nhục thế ắt sẽ tái mặt, rồi từ quan lui về điền dã.
Nhưng không ai ngờ, mặt Hiến-Thành vẫn tươi tỉnh:
- Tâu thái-hậu, chính Thái-sư ban lệnh rằng: Phàm điều quân từ một ngũ (Năm người) trở lên phải có lệnh của ngài. Vì vậy, ngay trong kinh thành, cũng không có quân tuần phòng ban đêm. Một chiếu chỉ khác của hoàng thượng ban ra rằng: Bất kể cấm quân, Phụng-quốc vệ đều phải cất vũ khí vào kho, khi có chiếu chỉ mới được lấy ra. Do vậy , các đô thống chỉ huy Cấm-quân, tuy có nghe báo vụ này mà không tập hơpï được quân. Ví dù có tập hợp được quân, thì cũng không có vũ khí để đánh đuổi sát nhân.
Thái-tử an ủi Tô Hiến-Thành:
- Thiếu-bảo không cần biện luận! Đây là những tôn sư võ lâm. Khi họ đã ra tay, thì dù ngay thời đức Nhân-tông, binh lực hùng mạnh, luật nước nghiêm cẩn, cũng khó phòng. Tôi biết rất rõ rằng, Thiếu-bảo là Binh-bộ thượng thư, tài trí có, nhưng chân tay bị bó thì làm gì được? Xưởng này đọc trong Thái-tổ thực lục, Thái-tông kỷ sự, Thánh-tông di sự... đều chép rằng thời đó, mỗi khi có trộm cướp thì chỉ cần hoàng nam, hoàng nữ cũng đủ sức đánh dẹp. Ngay như quân Tống, sức mạnh nghiêng trời lệch đất, mà muốn đánh vào một làng có trăm hoàng nam, cũng phải hơn ngàn người. Thế nhưng nay, gian nhân không biết là ai, nhiều ít thế nào, chúng chỉ đề mấy chữ rằng ai gỡ hình nộm sẽ bị chặt tay; cũng khiến hoàng nam sợ đã đành, mà đến quân địa phương cũng không dám đụng đến. Như vậy làø cái phong khí Đại-Việt suy đồi rồi. Suy đồi từ đâu? Do ai? Các vị dư biết!
Thái-hậu quát:
- Ranh con chưa ráo máu đầu, mày biết gì mà xen vào việc quốc gia đại sự? Mày nên nhớ, tuổi mày còn nhỏ, lại chưa mở phủ đệ riêng, chức tước chưa có, mà ngoác mồm ra giữa triều đường ư?
Bị bà mắng, Thái-tử đành đứng im.
Thiếu-sư Lưu Khánh-Đàm lên tiếng:
- Tâu thái hậu, thái-tử tuổi tuy nhỏ, nhưng nhờ hưởng cốt nhục của chư vị tiên đế, nên thông tuệ khác thường. thái-tử chưa có chức tước, chưa mở phủ đệ riêng, nhưng thái-tử là hoàng trưởng tử thì vẫn là trừ quân. Thần dám xin thái-hậu để thái-tử được dự bàn trong buổi triều hội này.
Thái-hậu định lên tiếng bác lời Lưu Khánh-Đàm, nhưng bà chợt nhớ ra ông là cố mệnh đại thần thời vua Nhân-tông, nên đành im lặng.
Thái-tử nhìn các quan, rồi tiếp:
- Vào thời đức Thánh-tông, Nhân-tông khi Ưng-sơn song hiệp, Mộc-tồn vọng thê hòa thượng, mỗi khi lên án, xử tội ai, thì đều để lại tín hiệu. Vậy hung thủ có để tên lại không?
- Tâu, trên bản án có vẽ hình hai con chim ưng đang bay trên hai ngọn núi. Như vậy người chủ trương cuộc thảm sát này là Côi-sơn song ưng.
Cả triều đình đều rúng động. Các quan thanh liêm chính trực thì hiện ra nét hân hoan không bút nào tả siết. Ngược lại bọn phe đảng của Anh-Vũ thì mặt nhìn mặt, vừa hốt hoảng, vừa kinh hoàng.
Thái-hậu hỏi bằng giọng run run:
- Côi-sơn song ưng là ai vậy?
Tô Hiến-Thành tỏ vẻ luống cuống, ông đưa mắt nhìn quan Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền.
Theo Lý triều hội điển sự lệ, thì Hoàng Nghĩa-Hiền là thầy của nhà vua, khi vào chầu được ngồi, khi tâu không phải xưng tên. Nhưng ông bị Đỗ Anh-Vũ với hoàng-thái hậu chèn ép, nên không được hưởng ân huệ này. Oâng bước ra tâu:
- Thần Dao-thụ thái-phó, Khai-phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ, Khu-mật viện sứ, Nam-quốc công Hoàng Nghĩa-Hiền kính tâu.
Nhà vua tuyên chỉ:
- Xin thầy bình thân.
- Tâu thái-hậu, từ hơn hai năm nay, trong võ lâm Đại-Việt xuất hiện một cặp vợ chồng tuổi khoảng ba mươi đến bốn mươi, võ công cực kỳ cao siêu. Hai người ẩn hiện như thiên thần, thiên tướng, chuyên cứu khốn phò nguy, mà không bao giờ xưng tên. Nhưng mỗi khi hành hiệp, hai người để lại một tấm thẻ, trên khắc hình hai con chim ưng xòe cánh bay ngang qua hai ngọn núi. Vì hai người xuất hiện lần đầu ở Trường-yên, nên người ta gọi là Côi-sơn song ưng 0. Từ hồi ấy đến giờ, Côi-sơn song ưng qua lại, dọc ngang trên giang hồ, giết không biết bao nhiêu bọn gian thần tặc tử, bọn đạo tặc, bọn mãi quốc cầu vinh. Cho đến nay, mỗi khi bọn gian nghe đến tên Côi-sơn song ưng là kinh hồn động phách.
Nhà vua chau mày hỏi:
- Côi-sơn song ưng hành sự như vậy, mà sao các trấn không tâu về cho trẫm hay? Lạ thực.
- Tâu bệ hạ mỗi vụ xẩy ra, đều có biểu tâu về, nhưng... nhưng Thái-sư đọc xong thì truyền rằng sẽ diện tâu với bệ hạ. Nào ngờ Thái-sư lại dấu diếm.
Thái-tử tâu:
- Từ bấy lâu nay, Thái-sư bưng bít không tâu lên phụ hoàng biết bao nhiêu sự trọng đại đã đành, mà người còn cấm không cho ai nhắc những chuyện đó trong Hoàng-thành nữa. Thần nhi chỉ là đứa trẻ tóc còn đỏ, mà cũng nghe biết rất nhiều về Côi-sơn song-ưng nữa là...
Thái-hậu quát lên:
- Long-Xưởng, gần đây tao thấy mày có những hành vi, ngôn từ luôn luôn tỏ ra bất kính với Thái-sư. Dù sao Thái-sư cũng lớn hơn mày đến ba bậc, mà mày lại dám xung chàng với người ư?
Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền can thiệp:
- Tâu thái-hậu, những điều thaiù-tử nghị luận đều đúng với đạo lý cả. Xin thái-hậu bớt nổi lôi đình.
Nhà vua tuyên chỉ:
- Xưởng nhi hãy kể ra một vài vụ án, mà Côi-sơn song-ưng xử để trẫm tường.
Thái-tử khoan thai thuật:
- Vụ án thứ nhất, thần nhi xin kể là vụ Song-ưng xử bọn bán trâu cái sang Quảng-Tây.
« ... Nguyên từ thời đức Thánh-tông, khi Linh-Nhân hoàng thái hậu tiến cung, người tâu rõ tệ trạng giết trâu, bán trâu sang Trung-nguyên. Đức Thánh-tông ban chỉ phạt rất nặng tội giết trâu, bán trâu; nên chỉ ít năm sau số trâu trong nước dư thừa để cầy cấy, chuyên chở. Lệnh này cho đến nay vẫn còn hiệu lực. Thế nhưng, tình trạng hương đảng lỏng lẻo, nên dân chúng vẫn giết trâu mỗi khi hiếu hỷ. Bọn trộm trâu vẫn hoành hành, chúng trộm trâu đem lên mạn ngược bán sang Tống. Khổ hơn nữa, chúng chuyên bán trâu cái. Trong những bọn buôn trâu này, quan trọng nhất là tên Đèo Hiệp, thủ lĩnh một động người Nùng. Chúng dựa vào thế Đỗ Thái-sư, nên quan nha địa phương không ai dám động đến chúng.