Vẫn tại trại hè Về-nguồn.
Ngày 1-9-1996.
Sau bữa cơm trưa, tôi lại bị những người trẻ điệu trở lại căn nhà gỗ, để tiếp tục kể chuyện. Qua hai ngày, giữa chúng tôi đã có thêm cùng một số kiến thức. Chúng tôi trở thành những người mà nhà Phật gọi là Nhân ngã tương thông ( Ta với người cùng hiểu nhau). Tôi mở đầu:
- Như trên, thầy nói, giai đoạn mà chúng ta đang kể chuyện đây là giai đoạn thịnh trị cuối cùng của triều Lý. Kể từ khi vua Thần-tông băng, đất nước Đại-Việt trải qua một thời kỳ u ám trong đêm dài vô tận. Bây giờ chợt có tia sáng lóe lên, rồi tắt hẳn. Những anh hùng Lý Long-Xưởng, Lý Long-Đức, Lý Long-Minh, Lý Long-Hòa, Lý Đoan-Nghi, Trần Lý, Trần Thủ-Huy... đã làm được một việc mà trải mấy nghìn năm, các anh hùng tộc Việt không làm được, đó là bắt Trung-quốc phải công nhận quốc danh An-Nam, không còn coi là quận Giao-chỉ. Vua An-Nam là An-Nam quốc vương, chứ không phải là Giao-chỉ quận vương nữa.
Một cháu gái hỏi:
- Tiếc quá! Tại sao giữa lúc thịnh trị như vậy! Anh hùng nhiều như vậy, mà lại tàn lụi?
- Chung quy chỉ vì ba nguyên do. Một là khi cô độc, thì Long-Xưởng khuất thân cầu hiền. Thế rồi, khi ngựa thành công phi trước mặt, thì Long-Xưởng lại nghi ngờ Trần Lý, nghi ngờ Đoan-Nghi, nghi ngờ Thủ-Huy, cuối cùng thân bại danh liệt. Hai là, cái họa gà mái gáy: Cảm-Thánh thái hậu quá ngu dốt, quá dâm dật, quá ích kỷ là nguyên nhân chính. Hoàng-hậu Chiêu-Linh lúc đầu thì minh mẫn, sau khi thấy Long-Xưởng thành công, bà lại nghi ngờ Thủ-Huy, rồi gieo cái nghi ngờ đó vào Long-Xưởng. Bên cạnh Cảm-Thánh, Chiêu-Linh, còn ba bà phi: Giai-phi Chế-bì La-bút, Thục-phi Đỗ Thụy-Châu, và Tuyên-phi Từ Thụy-Hương. Với số lượng các bà nội cung ngu dốt, tham dâm xen vào chính trường như vậy, hỏi sao nước không suy? Triều đại không sụp? Ba là, các đại thần bấy giờ bị tiêm nhiễm cái thói ù lỳ, cái thói hèn hạ thích rập đầu trước những con đàn bà tham dâm ngu dốt. Thích triều đình có ông vua tuổi thơ, để dễ thao túng. Với ba cái nguyên do như thế, thì dù anh hùng tài trí như Trần Lý, Tô Trung-Từ, Phùng Tá-Chu, Trần Thủ-Huy cũng không cứu nổi. Chung cuộc, bốn người phải làm cái công việc xóa bàn cờ, bầy lại từ đầu. Họ phế bỏ triều Lý, lập một triều đại mới, dựng lá cờ Đông-a, mà lịch sử gọi là dựng cờ Bình-Mông.
Mao Khiêm quát lên :
- Đồ hèn hạ ! Mi dùng số đông để áp đảo ta ư ? Mi có biết rằng toàn lực phái Hoa-sơn đã theo sứ đoàn Thiên-triều, đang ở Đại-Việt không ? Nếu mi dùng số đông áp chế ta, thì phái Hoa-sơn sẽ tàn sát tận cùng họ Lý nhà mi, đến con gà, con chó cũng không tha.
- Mao Khiêm nghe đây !
Long-Xưởng chỉ vào Thủ-Huy :
- Mi đã biết rằng bọn Lưu Kỳ với những cái gọi là Ngũ-nhạc đại lĩnh, Hoa-nhạc tam phong, Hoa-nhạc tam nương đều bị cầm tù ở tổng đường phái Đông-a rồi mà. Mi cũng biết rằng bọn chúng đã bị kết án cung hình, chặt tay, lăng trì. Chỉ nội ngày mai là bọn chúng đều bị đem xử cung hình một lượt. Mi đã biết vậy, mà mi còn đem chúng ra dọa ta ư ?
Nghe Long-Xưởng nói Lưu Kỳ sắp bị thiến, thái-hậu không giữ đươc bình tĩnh, bà lắp bắp hỏi lại :
- Mi...mi... nói... bọn Đông-a dám đem Lưu tiết độ sứ ra thiến ư ?
- Tâu tổ mẫu đúng thế. Nhưng hôm nay thì chưa đâu.
Thái-hậu gào lên :
- Không thể được, muôn ngàn lần không thể thiến Lưu tiết độ sứ được. Tiên nhân cha bọn nào mà thiến Lưu tiết độ sứ, thì bà sẽ đào mồ cuốc mả mười đời nhà nó lên, rồi trộn với phân.
Bà nói với Mao Khiêm :
- Người... người phải cứu y. Phải cứu y.
Mao Khiêm nói với Long-Xưởng :
- Này thái-tử, luật lệ ban ra kể từ đời đức Thái-tổ rằng việc của triều đình không thể nhờ người ngoài can thiệp. Trong phạm vi Hoàng-thành thì võ lâm không thể tham dự. Đây là Hoàng-thành, mỗ yêu cầu các tôn sư nên giữ thân phận thanh cao, đừng can thiệp vào truyện của thái-hậu với thái-tử. Nếu các vị thượng tôn luật pháp, thì mỗ quyết khoanh tay đứng ngoài. Không biết thái-tử nghĩ sao ?
- ? ? ?
- Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên đều là chức quan của cung Cảm-Thánh. Mỗ đề nghị bên cung Cảm-Thánh với bên Đông-cung cùng cử ra ba người đấu ba trận. Nếu như bên nào thắng hai trận, thì coi như bên ấy thắng. Như Đông-cung thắng thì thái-tử muốn mổ, muốn băm vằm thế nào, mỗ với các đệ tử cũng không ân hận. Còn như bên Đông-cung bại, thì chúng ta lại trở về vị trí hằng ngày. Việc triều đình, trả cho triều đình. Việc Đông-cung trả cho thái-tử. Việc cung Cảm-Thánh xin thái-tử chẳng nên can thiệp vào.
Long-Xưởng định từ chối, thì có tiếng Thủ-Huy dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai :
- Đại ca ủy cho đệ, để đệ đối phó trong vụ này.
Nói rồi nó bước ra :
- Này Mao tiền bối, dù trong võ lâm, tiền bối có địa vị gì chăng nữa, nhưng trong quan trường thì tiền bối lại chẳng là gì cả. Huống hồ trong cung đình. Trong cung đình thì phải kể đến quan giai. Về quan giai, thì tiền bối chỉ là tên hầu cận cái ông tiết-độ sứ Lưu Kỳ. Trong khi thái-tử là một trừ quân. Địa vị cao sang biết mấy ! Vì vậy thái-tử không muốn đối thoại với tiền bối. Cho nên thái-tử sai một chức Thiện-nhân nhỏ bé như tiểu bối tính toán với tiền bối.
Nguyên khi Long-Xưởng từ Thiên-trường hồi kinh, vương khẩn khoản xin đại hiệp Tự-Kinh cho Thủ-Lý, Thủ-Huy về Thăng-long với mình để có bạn. Tới Thăng-long, Long-Xưởng tổ chức cuộc thiết Tinh-triều thu gọn, gồm nhà vua, hoàng-hậu, Thái-sư Lưu Khành-Đàm, Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền, các thân vương, các đại thần thân tín Khu-mật viện, rồi trình bầy chi tiết chuyến đi vừa qua. Nhưng sợ tiết lộ cơ mật, nên thái-tử dấu kế hoạch do các tôn sư đưa ra. Sau buổi thiết Tinh-triều ấy, hai quan Thái-sư, Thái-phó tâu xin nhà vua phong cho Trần Lý, Thủ-Huy, Tăng Khoa chức Thiện-nhân. Nhưng Trần Lý cực lực từ chối, chàng nhất định theo di chúc của tiền nhân là vui với cỏ cây. Sở dĩ chàng theo Long-Xưởng về Thăng-Long vì lệnh của ông nội, muốn chàng luyện thêm bản sự cho Thủ-Huy.
Trở về Đông-cung, Long-Xưởng nhớ tích xưa, Khai-Quốc vương kết mười thiếu niên thành Thuận-Thiên thập hùng. Nhờ Thập-hùng trợ giúp mà thành công. Long-Xưởng bèn họp bẩy người xung quanh mình kết thành anh em. Sau khi so tuổi thì Long-Xưởng lớn nhất, thứ đến Thủ-Huy, Trang-Hòa, Tăng Khoa, Đoan-Nghi, Thụy-Hương, Như-Như.
Kể từ đấy, khi ăn, khi học, khi làm việc, lúc thiết triều, cả những lần thần hôn định tỉnh nhà vua, hoàng-hậu; Long-Xưởng với Thủ-Huy luôn kề cận bên nhau. Do ghen ghét, nhiều người bực bội, vì họ chưa biết biết lý lịch, tài năng, đức độ của Thủ-Huy ra sao. Hôm nay, họ thấy Trần Lý, Thủ-Huy, công chúa Đoan-Nghi thống lĩnh đội võ sĩ canh phòng điện Uy-viễn, thì họ cho rằng, thái-tử còn con nít, nên dùng con nít vào việc quốc gia đại sự thì thực là đáng tiếc.
Cho đến khi, họ thấy từ nhà vua, hoàng-hậu dĩ chí đến các đại thần đều bị thái-hậu với bọn Mao Khiêm khống chế, thình lình Trần Lý, Thủ-Huy xuất hiện với các đại tôn sư, lật ngược hẳn thế cuộc. Họ bắt đầu cảm thấy thiếu niên này quả có tài, chứ không phải là thứ trẻ con bình thường. Tiếp theo, Trần Lý, Thủ-Huy dám trực diện, dùng chính đạo thống trách một ma đầu như Mao Khiêm, họ mới thực sự cảm phục. Bây giờ trước nguy cơ hai đại cao thủ phái Mê-linh, Tản-viên bị kiềm chế, có thể kéo theo hai đoàn đệ tử hai phái này theo phe Mao Khiêm, thì cái họa mất nước khó tránh. Họ lại thấy Thủ-Huy đứng ra gánh vác. Họ im lặng theo dõi.
Thủ-Huy hỏi ngược lại Mao Khiêm :
- Như Mao tiền bối luận ban nãy, dường như ý Mao tiền bối muốn người của Đông-cung đấu với Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên. Còn tiền bối là cận vệ của Tiết-độ sứ Lưu Kỳ, tiền bối là quan chức của Tống, thì tiền bối cũng khoanh tay đứng ngoài. Có đúng thế không ?
- Đúng.
- Vậy xin tiền bối cử ra ba người đi. Ai đấu trận đầu ? Ai đấu trận thứ nhì ? Ai đấu trận thứ ba ?
- Người đấu trận đầu là Cao Nhị, người đấu trận thứ nhì là Cảm-Linh. Người đấu trận thứ ba làVương Nhất. Cảm-Linh là nữ, vậy bên Đông-cung cũng phải cử một người nữ ra đấu.
Khi ra điều kiện này, ngụ ý của Mao Khiêm là muốn dụ cho hoàng-hậu đấu với Cảm-Linh. Không ngờ Thủ-Huy im lặng, như vậy là y chấp thuận. Thủ-Huy vẫy tay gọi một cung nữ mặc quần áo xanh:
- Thanh-Thanh tỷ tỷ. Tỷ tỷ là cung nữ Đông-cung. Cao Nhị là thị vệ cung Cảm-Thánh. Vậy phiền tỷ tỷ lĩnh giáo mấy cao chiêu của Cao tiền bối.
Sự thực Thanh-Thanh không phải là cung nữ, mà nàng chính là Thanh-Tước trong Vỵ-xuyên ngũ tiên của phái Đông-a. Bốn ngày trước đây, nàng vâng lệnh mẹ nuôi là bà Trần Tự-Hấp từ Thiên-trường mang y phục mới may về cho Thủ-Huy. Thủ-Huy dùng nàng giả làm cung nữ, để khi cần thì ra tay tiếp cứu. Thanh-Thanh ứng lời, dạ một tiếng, rồi bước ra, miệng mỉm cười nói với Cao Nhị :
- Cao tiền bối, tôi là cung nữ làm việc dưới quyền của Thái-tử thượng thiện là Đoan-duệ phu nhân, chuyên mổ cá, nhặt rau. Nay tuân lệnh của Trần Thiện-nhân ra lĩnh giáo Huyền-âm chưởng của tiền bối.
Mọi người thấy Thủ-Huy gọi một cung nữ ra đấu với Cao Nhị, họ đã cho là quá đáng, ngông cuồng rồi. Bởi hơn năm trước, trong dịp tết Trung-thu, thái-hậu cho Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên tổ chức võ đài ở Thăng-long trong một tháng. Thế mà không một võ quan nào chịu của y được quá mười chiêu. Bây giờ họ thấy một cung nữ Đông-cung, dám nhận đấu với Cao Nhị là điều quá sức tưởng tượng của họ rồi. Hơn nữa, cung nữù biết rõ Cao Nhị là cao thủ Huyền-âm chưởng rồi mà còn dám thách đấu. Họ rùng mình lo lắng cho nàng.
Cao Nhị nhìn Vương Nhất lắc đầu :
- Đại ca xem, con nhỏ này có điên không ?
Nói rồi y vận công, xoa hai tay vào nhau :
- Ta dùng Huyền-âm chưởng, nên không cần vũ khí. Còn mi, mi dùng vũ khí gì thì lấy ra !
Thanh-Thanh thở dài :
- Tôi chưa từng luyện võ bằng vũ khí. Hằng ngày, tôi chuyên đi chài cá tươi dưới ao Long-trì về nấu ám dâng lên thái-tử. Vậy tôi xin dùng cái chài làm vũ khí.
Nói rồi Thanh-Thanh lùi lại, mở túi trên lưng đem ra một cái chài. Chài hãy còn ướt.
Cao Nhị mắng :
- Tiện tỳ, trên đời này có ai dùng chài làm vũ khí bao giờ ?
Vương Nhất tỏ vẻ thận trọng hơn :
- Nhị đệ ! Cẩn thận !
Cao Nhị phát chiêu trong Trường-bạch chưởng, gã vận Huyền-âm công, nên chưởng không có gió. Thanh-Thanh loạng choạng như người không biết võ, chân bước xéo sang bên cạnh. Chưởng của Cao Nhất đánh vào quãng không. Cao Nhị chuyển tay, phát chiêu thứ nhì. Thanh-Thanh lại lùi về sau một bước, rồi bước sang bên trái. Chưởng của Cao lại đánh vào quãng không. Y quát lên một tiếng phát chiêu thứ ba, Thanh-Thanh tiến lên một bước, rồi bước sang phải. Chưởng của Cao trúng cào cái kỷ, trên kỷ để một con hổ bằng sứ. Con hổ vỡ tan ra thành những mảnh nhỏ bay tứ tung.
Cao Nhị ngừng lại chửi :
- Tiện tỳ, mi cứ tránh né, mà không dám đối chiêu với ta. Như vậy mà cũng gọi là đấu võ ư ?
Thanh-Thanh vái một vái :
- Cao tiền bối. Vì đạo lý của Đông-cung, tôi nhường tiền bối ba chiêu đấy thôi, chứ có phải tôi sợ tiền bối đâu ? Tôi nhường tiền bối chiêu thứ nhất vì tôi nhỏ tuổi hơn tiền bối. Tôi nhường tiền bối chiêu thứ nhì, vì tiền bối là cháu rể của thái-hậu. Còn tôi nhường tiền bối chiêu thứ ba, thì do lễ nghi của Đông-cung. Bây giờ tôi xin phản công.
Nói dứt, Thanh-Thanh vung tay lên, cái chài mở rộng ra, tròn trịa, úp xuống đầu Cao Nhị. Trong khi chân bước từ cung Càn, phương Hỏa-địa-tấn sang cung Tốn, phương Sơn-lôi-di. Cao Nhị kinh hoàng vội nằm rạp xuống đất, lăn mình hai vòng, ra khỏi vùng chài chụp. Thanh-Thanh chuyển tay một cái, chài cuộn tròn lại, như một ống tre. Những viên chì ở cuối chài uốn cong lên như hình con rắn, mổ xuống người Cao Nhị, trong khi chân nàng bước sang cung Khôn, phương Đia-lôi-phục. Cao Nhị vọt người lên cao tránh khỏi, thì Thanh-Thanh lại quay tròn tay một cái, chài đã chụp Cao- Nhị nằm gọn bên trong như khúc cây. Nàng giật tay hai lần, chài mở rộng ra, Cao Nhị rơi xuống trước mặt Long-Xưởng.
Nàng chắp tay :
- Khải điện hạ. Tiểu tỳ đã chài được con cá cao. Tiếc rằng con cá này già quá, bằng không tiểu tỳ sẽ làm thịt, nấu canh thìa là dâng lên điện hạ.
Thủ-Huy hỏi Mao Khiêm :
- Trận đầu Đông-cung thắng. Vậy không biết trận thứ nhì tiền bối cho ai xuất mã ?
Cảm-Linh rút kiếm ra khỏi vỏ, thị chĩa kiếm vào mặt Long-Xưởng :
- Trận này đến lượt ta.
Vì Long-Xưởng đứng hầu cạnh nhà vua với hoàng-hậu, thành ra kiếm của thị chiếu chênh chếch vào mặt ngài. Công chúa Đoan-Nghi quát lên :
- Thu kiếm lại !
Nhưng thị vẫn bướng. Thị cười nhạt :
- Ta không thu thì...
Chỉ thấy thấp thoáng bóng xanh, Đoan-Nghi đã rút kiếm chĩa vào cổ Cảm-Linh. Cảm-Linh tuyệt không ngờ một cô công chúa dung nhan yểu điệu, lại dám rút kiếm tấn công mình. Thị vội uốn cong người, lộn liền hai vòng về phía sau, để thoát khỏi mũi kiếm của Đoan-Nghi. Đoan-Nghi xê dịch chân theo thị như bóng với hình. Khi Cảm-Linh vừa đặt chân xuống đất, thị cảm thấy cổ đau nhói. Thì ra mũi kiếm của Đoan-Nghi vẫn chĩa vào cổ thị. Kinh hãi thị tung người lên cao, lộn liền ba vòng trên không, thân hình thị bay đến cửa điện. Ở trên cao, thị khoa kiếm dưới chân, phòng Đoan-Nghi truy kích. Nhưng thị khoa vào quãng không. Vì Đoan-Nghi đã tra kiếm vào vỏ, đứng hầu cạnh phụ hoàng.
Từ trước đến nay, nhà vua, hoàng-hậu, triều thần chỉ biết công chúa Đoan-Nghi học văn cực kỳ thông minh, cử bút thành văn, xuất khẩu thành thơ. Các kinh diên quan không tiếc lời ca tụng là vua bà Bình-Dương tái sinh. Chưa từng một ai nghe nói nàng luyện võ. Từ hôm Trần Lý, Thủ-Huy về Thăng-long, thì Đoan-Nghi với hai người luôn bên cạnh nhau, rồi thấy nàng đeo kiếm. Tuyệt không ai ngờ nàng tập võ. Bây giờ thình lình nàng ra chiêu, khiến cho một đại cao thủ như Cảm-Linh phải vất vả lắm mới thoát chết. Họ ngẩn người ra, đến nỗi quên cả hoan hô.
Còn Nghi-Ninh sư thái, chỉ nhìn cách rút kiếm của Đoan-Nghi, bà cũng biết rằng nàng đã luyện nội công Âm-nhu, Mê-linh kiếm pháp, là hai tuyệt kỹ của phái Mê-linh, đã thất truyền. Bà ngạc nhiên, khi ban nãy Cảm-Linh khoe rằng đã luyện thành ba tuyệt kỹ của phái Mê-linh mà trong trận chớp nhoáng vừa rồi, không thấy thị xử dụng.
Cảm-Linh tuy thoát chết, nhưng thị vẫn còn run run :
- Con lỏi kia ! Mi đánh trộm ta mà thành công. Nếu mi là anh hùng, mi hãy bước ra đường đường chính chính cùng ta chiết chiêu.
Thủ-Huy hỏi Cảm-Linh :
- Vương phu nhân. Ban nãy phu nhân biểu diễn Mê-linh kiếm pháp, rồi khoe rằng đã luyện thành các tuyệt kỹ phái Mê-linh. Thế sao vừa rồi phu nhân không xử dụng để đấu với công chúa ?
- Ta sơ ý.
Thủ-Huy giao hẹn với Mao Khiêm :
- Này Mao tiền bối. Đông-cung đồng ý cử công chúa Đoan-Nghi đấu với Vương phu nhân. Với điều kiện cả hai bên cùng dùng võ công Mê-linh. Nếu như ai dùng võ công khác thì coi như bị thua. Tiền bối nghĩ sao ?
- Đấu võ là dùng hết khả năng khắc địch, có đâu lại giới hạn trong một vài môn võ công !
Qua cuộc đối đáp giữa Thủ-Huy với Mao Khiêm, đã làm cho Tôn Đức-Hòa, Nghi-Ninh tỉnh ngộ : Thì ra tên Mao Khiêm chỉ dạy các chiêu thức Tản-viên cho Vương Nhất, Mê-linh cho Cảm-Linh, chứ chúng chưa luyện thành.
Không nói, không rằng, Tôn Đức-Hòa, lại đứng về phía Long-Xưởng.
Công-chúa Đoan-Nghi bước ra đứng trước Cảm-Linh, nàng cất tiếng nói trong như nước suối chảy, nhẹ như tiếng gió thổi, ngọt như cam thảo :
- Vương phu nhân, vừa rồi ta phải ra chiêu, chẳng qua là muốn ngăn cản hành động đại bất kính của phu nhân, tránh cho phu nhân cái họa sát thân cả nhà. Thế nhưng phu nhân lại cho rằng ta đánh trộm. Phu nhân còn thách ta tái đấu. Vậy phu nhân phát chiêu đi !
Lời nói của Đoan-Nghi bằng ngôn từ của một công chúa, cha mẹ của dân, vừa tỏ ra cái ôn nhu của một tuyệt thế giai nhân, vừa tỏ ra độ lượng, khác hẳn với lới nói thô lỗ, cộc cằn của Cảm-Linh.
Cảm-Linh rút kiếm, đứng theo đinh-tấn, mắt mở to nhìn về phía trước, rồi nói :
- Người rút kiếm ra đi, ta phát chiêu đây.
Nói dứt, thị lao người tới trước, xả một chiêu kiếm.
Thủ-Huy kêu lên :
- Công chúa ! Thiên-ưng kiếm pháp của phái Đông-a, phải cẩn thận !
Đoan-Nghi bước xéo sang trái nhanh không thể tưởng tượng được, tay nàng rút kiếm xỉa vào ngực Cảm-Linh. Nàng ra chiêu sau, mà kiếm tới trước. Cảm-Linh hét lên, nhảy lùi liền ba bước, kiếm quay liền ba vòng, bảo vệ khu trước ngực, kình phong kêu lên vu vu. Đoan-Nghi xỉa kiếm vào giữa vòng kiếm quang của Cảm-Linh. Cảm-Linh lại nhảy lùi hai bước, thị gạt kiếm của Đoan-Nghi. Choang một tiếng, lửa từ hai thanh kiếm tóe ra. Đoan-Nghi cảm thấy cánh tay tê chồn, suýt nữa kiếm vuột khỏi tay nàng. Nàng nhảy lùi lại phía sau ba bước. Trong khi Cảm-Linh cũng nhảy lùi ba bước. Vì qua chiêu vừa rồi, thị cảm thấy chân khí bị mất hết, cánh tay như không còn lực. Thị quát lên một tiếng, nhảy bổ vào tấn công Đoan-Nghi. Đoan-Nghi khoan thai trả đòn. Tay phải nàng xử dụng kiếm, tay trái bắt kiếm quyết.
Tuy Nghi-Ninh sư thái chưa được luyện võ công trấn môn Mê-linh, nhưng kiến thức bà rất rộng. Nhìn qua hai lần xuất thủ của Đoan-Nghi, bà biết rằng về kiếm chiêu, cô công chúa này luyện khá thành thuộc. Song nội lực của nàng không làm bao. Đáng lẽ nàng phải lợi dụng kiếm chiêu đánh như mây trôi, như sóng vỗ để thắng đối thủ trong chốc lát, thì nàng lại đánh cầm chừng.
Qua hơn trăm chiêu, kiếm của Đoan-Nghi đã chậm lại, trong khi kiếm của Cảm-Linh phát ra kình lực rít lên vo vo. Đoan-Nghi đã mất thế công, nàng chỉ còn thủ.
Thủ-Huy cuống lên, nó ghé miệng vào tai sư thái Nghi-Ninh :
- Sư thái ! Làm sao bây giờ ?
- Không biết công chúa đã luyện Không-minh tâm pháp chưa ?
- Thưa sư thái rồi !
- Vậy thì được !
Thình lình bà cất tiếng nói lớn :
- Đúng là sắc, sắc, không, không . Vương phu nhân dùng Thiên-ưng kiếm pháp của phái Đông-a, lấy trầm mãnh làm căn bản. Công chúa dùng Mê-linh kiếm pháp, lấy thần tốc làm căn bản. Có điều nội công cả hai phái cùng phát xuất từ Vô-ngã tướng Thiền-công, thì công lực ai mạnh, người đó được. Đúng là sắc bất dị không. Không tức thị sắc.
Đoan-Nghi đang yếu thế, nghe Nghi-Ninh sư thái nói, thì ngạc nhiên không ít, vì khi Thủ-Huy dạy võ công cho nàng, nó đã nói rằng nội công của phái Đông-a phát xuất từ Thiền-công Vô nhân tướng, chứ đâu có xuất phát từ Vô-ngã tướng Thiền-công ? Còn nàng, thì nàng dùng nội công Âm-nhu, chứ đâu có dùng Thiền-công ?
Nhưng là người thông minh tuyệt đỉnh, nàng nghĩ ra ngay : Sư thái nhắc nàng dùng Không-minh tâm pháp. Không-minh tâm pháp, phát xuất từ Vô-ngã tướng Thiền-công, là mẹ của tất cả Thiền-công. Nếu đem ra xử dụng với nội công khác, thì hút nội lực của đối phương rất khó, và lâu. Còn hút nội lực của Thiền-công thì dễ dàng, và mau vô cùng.
Nàng chưa kịp vận Không-minh tâm pháp, thì Nghi-Ninh lại tiếp :
- Công chúa phải cẩn thận. Nội công Vương phu nhân rất cao. Công chúa chớ có để kiếm mình chạm vào kiếm Vương phu nhân mà nguy tai.
Cảm-Linh nghe Nghi-Ninh nhắc Đoan-Nghi, thị cười thầm :
- Con mụ ni sư già này ngu thực. Mụ nhắc Đoan-Nghi, mà hóa ra nhắc ta.
Nghĩ rồi, thị đưa mũi kiếm mình đẩy vào giữa mũi kiếm Đoan-Nghi. Hai kiếm dính liền nhau. Thị lại dùng tay trái phóng ra một chưởng. Đoan-Nghi cũng phát chưởng Âm-nhu đỡ. Bây giờ, cuộc đấu kiếm trở thành đấu nội lực.
Trong khoảnh khắc hai kiếm chạm nhau đó, Đoan-Nghi đã vận Không-minh tâm pháp. Cho nên khi Cảm-Linh dồn chân khí ra, thì Đoan-Nghi hấp lấy liền. Cảm-Linh thấy chân khí mình cuồn cuộn phát ra, mà không thấy nội lực Đoan-Nghi phản ứng thì cười thầm :
- Con nhỏ này hôm nay phải chết.
Nhưng chân khí thị dồn ra bao nhiêu, lại mất tăm mất tích bấy nhiêu. Kinh hoảng, thị dồn ra thực mạnh, mong dẩy Đoan-Nghi bay tung đi. Nhưng vô ích, chân khí mụ cứ cuồn cuộn tuôn ra không ngừng.
Đứng ngoài, Mao Khiêm, Vương Nhất, Cảm-Chi đều khoan khoái. Mao Khiêm nói lớn :
- Công chúa ! Công chúa đầu hàng đi thôi. Ta sẽ thu công chúa làm đệ tử. Công chúa đấu không lại Cảm-Linh đâu.
Nghe Mao Khiêm nói, Long-Xưởng kinh hãi hỏi Trần Lý :
- Đại huynh, Đoan-Nghi nguy mất, đại huynh có cách nào cứu Đoan-Nghi không ?
Trần Lý dùng Lăng-không truyền ngữ trả lời :
- Đai ca lầm rồi. Đoan-Nghi không gặp nguy hiểm, trái lại Cảm-Linh sắp mất hết công lực. Xưa kia, đức Thích-ca Mâu-ni, khi ngồi dưới gốc cây Bồ-đề, tìm lẽ giải thoát, có không biết bao nhiêu ma nghiệp, ma chướng từ muôn vàn kiếp trước hiện ra trong ngài, trước ngài, đòi nợ. Ngài phải trấn nhiếp tâm thần để chống lại. Do vậy ngài tìm ra ba loại Thiền : Vô nhân tướng, Vô chúng sinh tướng, Vô thọ tướng. Cuối cùng ngài thấy, Ngã tướng mới quan trọng, chỉ cần bỏ Ngã tướng thì không còn Nhân tướng. Không còn Nhân tướng thì làm gì còn Chúng sinh tướng ? Dĩ nhiên không còn Thọ-tướng nữa. Thế là ngài tìm ra Vô ngã tướng Thiền-công. Vô ngã tướng Thiền-công là tổng hợp của ba loại Thiền-công kia. Bây giờ Cảm-Linh dùng Vô-nhân tướng công đấu với Vô-ngã tướng Thiền-công của Đoan-Nghi thì có khác gì đổ chậu nước vào giữa giòng sông Hồng ? Bỏ nắm muối vào biển ?
Trong khoảng một khắc, chân khí Cảm-Linh gần như kiệt. Thị cảm thấy nguy vô cùng. Nhưng thị không thu chân khí lại được. Vì chỉ cần ngừng lại thôi, thì thị sẽ bị chân khí của Đoan-Nghi phản công , tạng phủ thị sẽ nát ra mà chết.
Đúng ra với tình trạng nguy hiểm của Cảm-Linh, thì Mao Khiêm, Vương Nhất nhận ra ngay. Nhưng một là thị đứng quay lưng lại phía hai người, hai là ánh đèn-nến trong điện Uy-viễn không đủ để người ngoài cuộc nhận ra nét đau khổ trên gương mặt thị. Cảm-Chi đứng xéo bên hông chị, chợt thị nhận ra cái nguy nan đó. Nhưng thị không dám can thiệp, vì can thiệp như vậy thì coi như bên cung Cảm-Thánh bị thua.
Từ lâu rồi, Long-Xưởng căm hận bọn Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên thấu xương tủy. Chúng ỷ vào thái-hậu, uy hiếp phụ hoàng, mẫu hậu, mà không ai làm gì được chúng. Bây giờ thấy Cảm-Linh bị Đoan-Nghi thu nội tức gần kiệt quệ, vương hỏi Trần Lý :
- Đại ca ! Có cách nào làm cho con mụ Cảm-Chi lĩnh cái đau khổ như con chị thị không ?
- Không khó.
Trần Lý lên tiếng :
- Vương phu nhân, như vậy coi như phu nhân với Đoan-Nghi ngang sức nhau. Ta cùng thu chân khí về, phu nhân nghĩ sao ?
Nghe Trần Lý nói, Cảm-Linh cũng muốn thu chân khí về mà không được. Trần Lý lại nói với Cảm-Chi :
- Cao phu nhân . Xin phu nhân can Vương phu nhân dùm cho.
Được lời của Trần Lý, Cảm-Chi dùng thế Ưng-trảo chụp vai chị, rồi kéo ra. Nhưng khi tay thị vừa chạm vào vai Cảm-Linh thì cơ thể trống rỗng của Cảm-Linh hút tay thị dính tẹt vào. Đoan-Nghi hút chân khí của Cảm-Linh thì phải mất hơn hai khắc. Bây giờ nàng hút gần hết chân khí Cảm-Linh, chân khí trong người nàng trở thành mạnh vô cùng. Thành ra chỉ cần mười lăm tiếng đập tim, chân khí Cảm-Chi đã khánh kiệt. Hai người lảo đảo ngã ngồi xuống.
Bây giờ Mao Khiêm, Vương Nhất mới biết sự thực thì đã trễ. Vương lao tới đỡ vợ dậy. Mao quên cả nam nữ thụ thụ bất tương thân, y đỡ Cảm-Chi lên.
Đoan-Nghi thu kiếm về, dắt vào vỏ. Thủ-Huy reo lên :
- Mao tiền bối ! Trong ba trận, Đông-cung thắng hai trận. Vậy xin Mao tiền bối giữ lời hứa cho.
Bỗng Đoan-Nghi run lẩy bẩy, muốn ngã xuống :
- Anh Thủ-Huy ! Em...Em...
Rồi nàng ngất đi. Thủ-Huy bồng nàng lên. Lê Thúc-Cần xẹt đến, đỡ lấy Đoan-Nghi :
- Công chúa bị trúng độc.
Ông móc trong túi ra cái bình nhỏ, lấy ba viên thuốc bỏ vào miệng nàng. Mắt Đoan-Nghi nhắm nghiền, nàng chỉ còn thoi thóp thở.
Mao Khiêm cười ha hả:
- Thì ra con nhỏ này dùng Không-minh tâm pháp hút nội lực của Cảm-Linh, Cảm-Chi. Rõ ràng Thiên-đàng có nẻo mi không đến, địa ngục không đường dẫn xác vào. Mi hút chân khí của Cảm-Linh, Cảm-Chi, thì mi cũng hút trọn vẹn độc tố Huyền-âm của hai đứa vào người mi. Thế là mi tự lĩnh lấy cái chết.
Y nói với Thủ-Huy :
- Trận thứ nhì, cung Cảm-Thánh thắng. Tuy công chúa Đoan-Nghi hút hết nội lực của Cảm-Linh, nhưng Cảm-Linh vẫn còn hoạt động được. Trong khi công chúa mê man. Nếu mi bất phục, thì cứ để công chúa với Cảm-Linh tái đấu.
Lý luận của Mao Khiêm quả có lý, Thủ-Huy phải chấp nhận. Tuy lưu tâm đến tình trạng nguy kịch của Đoan-Nghi, nhưng nó không dám phân tâm, vì cục diện trước mặt không phải là một , hai người chết, mà sự mất hay còn của đất nước.