Tuy mới luyện võ, nhưng giai đoạn lịch sử này Long-Xưởng từng đọc qua. Nay nghe bà từ kể, nó gật đầu tỏ vẻ thích thú. Bà từ hỏi :
- Tiểu công tử ! Thì ra tiểu công tử cũng biết rõ chuyện này rồi ư ?
- Thưa cao nhân, vãn sinh đã đọc giai thoại này trong bộ Âu-lạc giản sử. Bộ này viết từ thời vua Trưng.
- Công tử thử kể tiếp, xem có giống như bản phả của chúng ta không nào !
- Dạ ! Sau đó Tần Thủy-Hoàng phong cho ngài làm Tư-lệ hiệu-úy, cùng đệ tử cầm quân trấn vùng Lâm-thao, đánh Hung-nô. Trong khi ruổi ngựa trên vùng tuyết phủ phía Bắc Vạn-lý trường thành, ngài đã tìm được nguyên lý Âm thắng Dương, do vậy ngài viết ra nội công Âm-nhu, gồm 99 câu quyết. Ngài lại thu góp tất cả yếu quyết kiếm thuật Trung-quốc, rồi tìm ra các chiêu khắc chế, đặt trên căn bản dĩ nhu chế cương, dĩ tốc chế mãnh, sau thành pho Long-biên kiếm pháp. Đại đệ tử của ngài là Vũ Bảo-Trung thu thập nghiên cứu tất cả tinh yếu quyền, chưởng của Trung-quốc, rồi nghĩ ra các chiêu khắc chế. Đó là pho Thiết-kình phi chưởng, Âu-lạc chưởng pháp, còn có tên khác là Cổ-loa chưởng pháp. Sau khi bình Hung-nô, Thủy-Hoàng phong cho ngài tước Vạn-tín hầu, các đệ tử của ngài đều được phong tước bá, rồi cho hồi hương. Y xin ngài để lại một đệ tử làm Tổng-lĩnh thị vệ. Ngài để đệ nhị đệ tử là Trần Mạnh Chi ở lại. Mạnh-Chi lấy vợ Hán, thu dụng đệ tử rồi lập ra phái Trường-bạch. Ngài về nước được mấy năm, thì Hung-nô lại vượt Vạn-lý trường thành quấy rối Trung-quốc. Thủy-Hoàng sai sứ sang tìm ngài. Ngài không muốn vì bạo chúa mà lăn mình vào chỗ chết, bèn trốn vào rừng. Vua An-Dương cáo với sứ rằng ngài qua đơì rồi. Sứ về tâu lại, Thủy-Hoàng tin là là thực. Nhưng quan Tư-thiên giám coi Thiên-văn thấy tướng tinh của ngài vẫn còn , y tâu lại. Thủy-Hoàng sai sứ yêu sách : Chết rồi thì phải đem xác qua. Ngài biết rằng nếu mình xuất hiện, thì chẳng hóa ra vua An-Dương nói dối ư ? Thủy-Hoàng có thể kiếm cớ gây chiến. Ngài họp chư đệ tử lại, dăn dò việc sau, rồi tự tử chết. Vua An-Dương sai ướp xác ngài, trao cho sứ của Tần. Thủy-Hoàng thấy ngài chết thực rồi, y sai làm một tượng bằng đồng đen giống ngài, trong bụng có máy, khiến chân tay cử động được, rồi để lên ngựa cho ruổi trên Vạn-lý trường thành. Quân Hung-nô nhìn thấy, tưởng là ngài , bèn bỏ chạy. Về phía Âu-lạc, vua An-Dương sai lập đền thờ ngài. Nhưng khi Triệu Đà chiếm Âu-lạc, y phá đi. Đến đời Đường, Triệu Xương sang cai trị nước ta (803), đêm thường nằm mơ thấy cùng ngài bàn sách Xuân-Thu, Tả truyện. Y bèn hỏi tìm đến quê cũ của ngài, rồi cho lập đền thờ. Sau đó Cao Biền sang cai trị nước ta, y được ngài hiển linh giúp đánh quân Nam-chiếu, y lại sai tu bổ đền ngài.
Ghi chú của thuật giả
Trải qua gần 1194 năm, với biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, với biết bao nhiêu cuộc trùng tu, nay (1997) đền của Vạn-tín hầu vẫn còn tại xã Thụy-hương, huyện Từ-liêm Hà-nội.
Tài liệu Trung-quốc.
Tư-mã Thiên, Sử-ký:
Quyển 6, Tần Thủy-Hoàng bản kỷ.
Quyển 112 Bình-tân hầu Chủ-phụ liệt truyện.
Quyển 113 Nam-Việt liệt truyện.
Quyển 114 Đông-Việt liệt truyện.
Tài liệu Việt-Nam, chữ Hán.
ĐVSKTT,
KĐVSTGCM,
Đại-Việt địa dư chí,
Nam-Việt địa dư chí,
Địa-dư chí,
Hoàng-Việt địa dư,
Nam sử lược biên,
Thăng-long cổ tích khảo,
Nhị Hoàng di ái lục,
Long-biên bách nhị vịnh,
Chư dư chí tạp biên,
Thoái thực kỳ văn.
Tài liệu Việt Nam, chữ Quốc-ngữ.
Anh-hùng Lĩnh-Nam.
Động-đình hồ ngoại sử.
Cẩm-khê di hận.
của Yên-tử cư-sĩ, do Nam-á Paris xuất bản
Thuật đến đây, Long-Xưởng cung tay:
- Bộ Âu-lạc giản sử chỉ chép đến đoạn vua An-Dương lập đền thờ. Còn những việc sau tiểu sinh biết là do thầy dạy giảng thêm. Tiểu sinh xin kính cẩn lắng nghe cao nhân bổ khuyết cho những thiếu sót.
Bà từ nói với Long-Xưởng như mẹ nói với con:
- Công tử mới bằng này tuổi, mà kiến thức thực rộng bao la. Những điều công tử kể thuộc về quốc sử. Còn những bí ẩn của võ sử còn nhiều lắm. Tôi xin vì công tử mà kể.
Bà nhìn lên tượng công chúa Gia-Hưng, rồi tiếp:
- Sau khi Âu-lạc bị Triệu Đà chiếm. Các tướng của vua An-Dương không chịu phục. Họ đem bộ thuộc, gia đình quy dân lập ấp, mưu đồ phục quốc. Đệ tử của Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung lập ra phái Cửu-chân. Đệ tử của Cao-cảnh hầu Cao Nỗ lập ra phái Hoa-lư. Đệ tử của Phương-chính hầu Trần Tự-Minh lập ra phái Khúc-giang. Con cháu của tổ lập ra phái Long-biên. Khi con cháu Triệu Đà bị vong quốc, lập ra phái Quế-lâm. Đến hời Lĩnh-Nam, nước ta có các phái Tản-viên, Tây-vu, Khúc-giang, Quế-lâm, Hoa-lư, Cửu-chân, Long-biên. Các phái hợp nhau, cùng vua Trưng phất cờ khởi nghĩa, lập ra triều đình Lĩnh-Nam. Lĩnh-Nam bị Hán diệt, các đệ tử của ba phái Long-biên, Cửu-chân, Hoa-lư lập ra phái Mê-linh....cho tới nay.
Bà chỉ vào Anh-Hào:
- Trở lại với phái Trường-bạch bên Trung-quốc, đời đời cha truyền con nối. Tới thời Tây-Hán, vị chưởng môn sai đệ tử là Mao Đông-Các đi diệt trừ một ác bá. Không may, y bị tên ác bá bầy mưu gian bắt giam. Tên ác bá muốn có nội công Âm-nhu của phái Trường-bạch, y dùng năm loại côn trùng độc là rắn, rết, tằm, nhện, bò cạp cho cắn Đông-Các để y phải khai ra bí quyết luyện công. Không ngờ trong khi bị đau đớn cùng cực, y vận công chống độc, nội công Âm-nhu với ngũ độc hòa hợp với nhau thành một thứ độc công kinh thế hãi tục. Đông-Các phá vỡ gông cùm, rồi tiêu diệt trọn vẹn kẻ thù, trở về phục mệnh sư phụ. Sau khi tìm hiểu độc công của đệ tử, vị chưởng môn phái Trường-bạch thấy rằng nếu người nào luyện nội công này, nó sẽ làm mất nhân tính đi, mà trở thành ác nhân, điên điên, khùng khùng. Ông bắt Mao Đông-Các phải chấm dứt luyện độc công . Y không tuân. Trong một lần theo sư phụ đi hành hiệp, y đánh trộm sư phụ một độc chưởng. Ông bị thương nặng, đau đớn khốn khổ , chết đi sống lại trong 49 ngày rồi chết. Sư phụ chết rồi, y dối sư huynh, sư đệ đồng môn rằng sư phụ gác kiếm quy ẩn, trao cho y làm chưởng môn. Từ đấy y dạy độc công cho đệ tử phái Trường-bạch, cũng chính y tìm ra được thuốc giải. Đại đệ tử của y là Phan Sùng dùng độc chưởng đi khống chế võ lâm Trung-quốc giúp Cảnh-Thủy hoàng đế trung hưng Hán nghiệp. Ai bị đánh trúng, phải bái y làm sư phụ, thì y cho thuốc giải. Thuốc giải này chỉ hiệu nghiệm một năm. Năm sau lại phải uống tiếp. Trong năm đó, nếu không trung thành với y, thì không có thuốc giải, nạn nhân sẽ đau đớn trong 49 ngày rồi chết. Thực là một thứ nội công ác độc nhưng vô song, vô đối.
Long-Xưởng hỏi:
- Thưa cao nhân, tại sao lại gọi là vô song, vô đối? Không lẽ luyện nội công này, thì trở thành anh hùng vô địch ư ?
Bà từ mỉm cười:
- Công tử mới học võ, nên công tử chưa thể hiểu nổi cái ác liệt của nội công này. Bởi nó bao gồm cả chính lẫn tà, rất khó chống đỡ. Chính vì gốc nó là nội công Âm-nhu của phái Long-biên. Tà vì nó dùng nội công Âm-nhu đẩy ngũ độc vào cơ thể đối thủ. Bất cứ cao thủ nào, trong khi đấu với đệ tử phái này, chỉ cần chạm vào chưởng của chúng, là lập tức độc tố chạy vào kinh mạch, trong vòng một khắc thì đau đớn đến chết đi sống lại. Sau này chỉ có Thiền-công là chống được mà thôi.
Bà lắc đầu:
- Sau trận đánh trên đồi Vương-sơn, ở phía Nam Lạc-dương, Mao Đông-Các cùng hai con gái bị giết; di thư của phái này bị Cửu-chân vương Đào Thế-Kiệt đốt cháy ở Kinh-châu. Võ lâm Hoa-Việt tưởng đâu Huyền-âm nội công bị tuyệt diệt . Nào ngờ, cặp vợ chồng Phan Anh, Trần Nghi-Gia còn sống, chúng truyền cho con. Trong trận đánh ở Nam-hải với công chúa Thánh-Thiên, tuy vợ chồng Phan Anh bị giết, mà Huyền-âm công vẫn lưu truyền. Nhưng các đời sau không biết chế thuốc giải, thành ra phái này không rộng lớn. Mãi tới thời vua Lý Thánh-tông, bọn ma đầu Hồng-thiết giáo Đại-Việt là Vũ Chương-Hào, Lê Phúc-Huynh, Đinh Kiếm-Thương chạy sang Trung-nguyên trao đổi võ công với bọn Trường-bạch, chúng mới chế được thuốc giải. Trong trận đánh ở Yên-dũng (1077), Trường-bạch song hùng bị bại dưới tay phò mã Thân Thiệu-Thái, hai người được Kinh-Nam vương xin ân xá cho, nhưng bắt phải ở lại Đại-Việt cho đến già, rồi chết. Bấy lâu nay võ lâm Hoa-Việt tưởng đâu võ công ác độc này tuyệt chủng. Cho đến khi đại sư Khánh-Hỷ, sư thái Nghi-Hoà, đại hiệp Phi-Sơn bị giết, bấy giờ võ lâm nổi lên cơn phong ba. Người người ra sức đi tìm thủ phạm, tìm bọn luyện độc chưởng này để tiêu diệt.
Bà chỉ vào tên Đỗ Anh-Hào:
- May mắn thay, hôm nay chúng ta đã tìm ra được một chút ánh sáng.
Long-Xưởng hỏi:
- Thưa cao nhân, giữa Chu-sa Nhật-Hồ độc công với Huyền-âm công khác nhau thế nào?
- Khác rất nhiều. Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng phát xuất từ Tây-vực. Đại ma đầu Nhật-Hồ lão nhân đem vào Đại-Việt dưới thời Thập-nhị sứ quân. Độc công này do hai tên khùng người Tây-vực phát minh ra có tên là Chu-sa hồng thiết tâm pháp, dùng 28 vị thuốc độc luyện công. Nội công này thuần dương, rất dễ trừ. Đến thời đức Lý Thái-tổ, phái Sài-sơn đã tìm ra thuốc giải vĩnh viễn, nên nó không còn là mối lo nữa. Vả phương pháp luyện cũng thất truyền sau khi ma đầu Đinh Kiếm-Thương tức sư Đại-Điên bị thánh tăng Từ Đạo-Hạnh giết.
Bà hất hàm cho Quang-Anh:
- Con tiếp tục hỏi cung nó đi.
Ghi chú của thuật giả
Về những uẩn khúc này, xin đọc Anh-hùng Lĩnh-Nam 4 quyển, Động-đình hồ ngoại sử 3 quyển, Cẩm-khê di hận 4 quyển, của Yên-tử cư sĩ do Nam-á Paris xuất bản.
Quang-Anh hỏi Anh-Hào:
- Bây giờ mi sắp chết rồi. Để ta nói cho mi nghe, kẻo mi chết, xuống Âm-phủ; Diêm-vương hỏi tại sao mi chết, mà mi không biết, e Diêm-vương mắng mi là phường hồ đồ rồi ra lệnh chém mi, thì mi lại chết một lần nữa. Sư phụ ta là đại danh y đương thời, nên lão nhân gia chỉ nhìn qua nước da, ánh mắt đã biết mi luyện nội công Âm-nhu, cùng Huyền-âm chưởng. Nên khi mi phát chiêu, lão nhân gia đã đẩy những gì mi đánh ra trở lại người mi.
- Nhưng tại sao... tại sao tôi đã uống thuốc giải mà vô hiệu ?
- Ta đã nói hết đâu ? Trong khi đỡ chiêu của mi, sư phụ ta còn đẩy vào người mi một viên thuốc nữa. Thành ra thuốc giải của mi vô dụng đã đành mà thuốc hợp với Huyền-âm công thành một thứ độc công vô cùng bá đạo, cho nên không những thuốc giải của mi vô hiệu, mà còn làm cho đau hơn. Bây giờ mi muốn sống, hay muốn đau đớn cùng cực rồi chết ?
- Tôi...tôi muốn sống.
- Kể từ hôm nay, mi phải tuân theo ba điều.
- ? ! ? ! ?
- Một là mi phải đậy kín miệng bình, không được tiết lộ những gì xẩy ra hôm nay, dù với Thái-hậu.
- Tôi xin tuân. Còn điều thứ nhì ?
- Mi phải tuyệt đối trung thành với chủ nhân mi. Bất cứ chủ nhân mi ra lệnh gì mi phải nhất nhất tuân theo.
- Tôi xin tuân ! Còn điều thứ ba ? ! ?
- Mi phải khai tất cả những bí mật trong cung Cảm-Thánh cho ta. Như vậy, cứ ngày trăng tròn, mi phải ra chùa Một-cột gặp sư phụ ta để lĩnh một viên thuốc giải. Nếu mi quên, thì sang ngày mười sáu, cơn đau sẽ hành hạ mi. Thôi, bây giờ mi ra ngoài kia, khai tất cả những bí ẩn trung cung Cảm-Thánh cho ta.
Đợi Quang-Anh với Đỗ Anh-Hào ra ngoài, bà từ mời bọn Long-Xưởng, ngồi xuống chiếc phản. Bà với lão ăn mày ngồi vào ngôi chủ vị tiếp khách. Vợ chồng Đào Duy, chắp tay đứng hầu.
Lão ăn mày nhìn Long-Xưởng :
- Thái-tử, lão phu đi ăn mày, khắp hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng nghe người ta đồn rằng: Thái-tử Long-Xưởng tuổi tuy còn nhỏ, mà có phong thái như Khai-Quốc vương xưa. Nào văn chương quán thế, trí lự khác phàm. Tương lai có thể vừa là Khai-Quốc vương, vừa là vua Lý Thánh-tông. Hôm nay lão phu mới được gặp. Những gì Thái-tử nói từ nãy đến giờ, lão phu mới thấy tư cách Thái-tử còn hơn tiếng đồn nữa.
- Đa tạ tiên sinh quá khen. Xưởng này có làm được những công nghiệp như vua Thánh-tông, như Khai-Quóác vương hay không, còn nhờ vào sự dạy dỗ của những người như tiên sinh.
Hành tung của lão ăn mày, của bà từ, gợi cho ký ức giúp Long-Xưởng nhớ lại trong buổi thiết triều hai năm trước về việc Đỗ Anh-Vũ bị giết... Vương chắp tay hành lễ với người ăn mày và bà từ :
- Thì ta tiền bối có đại danh là Nam-phương thần y, họ Lê, tên Thúc-Cẩn, chưởng môn phái Sài-sơn đấy ! Còn phu nhân đây hẳn là Ngô Lan-Chi, một cao thủ phái Mê-linh. Hèn gì, hành trạng khác thường. Tiểu sinh có mắt như mù. Xin hai vị đại xá cho.
Long-Xưởng chợt nhớ ra rằng : Ông ngoại của vương là sư huynh của Ngô Lan-Chi, vương nảy ra ý nhận họ, để cầu thân . Vương chắp tay hành lễ :
- Đệ tử xin bái kiến thái sư thúc.
Lan-Chi nắm tay Long-Xưởng :
- Thái tử chẳng nên đa lễ. Quan Thái-sư nhờ chúng ta giúp Thái-tử. Chúng ta chờ Thái-tử từ qua tới giờ. Giúp Thái-tử thì chúng ta sẵn sàng. Nhưng ta chỉ giúp cái chí của Thái-tử mà thôi. Vậy trước hết Thái-tử cho chúng ta biết cái chí của Thái-tử như thế nào ?
Long-Xưởng ngồi ngay ngắn lại, chỉnh đốn y phục, rồi cung tay hướng vợ chồng Lê Thúc-Cẩn xá ba xá
- Xưởng này trẻ người, non dạ, tư chất lại đần độn, kiến thức chỉ trông vào thầy dạy là quan Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền và di thư của tiền nhân để lại. Hôm nay, duyên may gặp gỡ tiên sinh cùng phu nhân. Phu nhân lại là chỗ đồng môn với ngoại tổ. Xưởng xin dãi bầy ước vọng, mong hai vị dạy cho những lời vàng ngọc.
Lê Thúc-Cẩn từng ngao du tứ phương trị bệnh cho dân chúng. Lão nghe nhiều, biết rộng, kinh lịch có thừa ; thế mà hôm nay, ngồi trước một thiếu niên mười tuổi, nói năng như những bậc anh hùng cao niên khuất thân cầu hiền, lão kinh ngạc không ít.
Long-Xưởng tiếp :
- Bản triều do đức Thái-tổ, ứng lòng người, hợp lòng trời, lậïp nền chính thống. Đến đời đức Thái-tông, Thánh-tông, Nhân-tông, nhờ liệt tổ Đại-Việt phù hộ. Nhờ Khai-Quốc vương cùng anh hùng khuông phò... mà phía Nam bình Chiêm, mở rộng Nam-giới tới Hải-vân sơn, sáu lần chỉ ngọn cờ lên Bắc, khiến cho giang sơn Tống nghiêng ngửa, bỏ mộng xâm lăng. Bên trong, việc nội trị vững vàng, dân chúng ấm no, học phong mở rộng. Nhất là anh hùng võ lâm cùng triều đình như hai mà là một.
Thúc-Cần, Chi-Lan cùng gật đầu tán thành những điều Long-Xưởng nói .
- Nhưng từ khi đức Thần-tông băng, nội cung thì bị cái nạn gà mái gáy, gây ra những vết nhơ, muôn đời không rửa sạch. Triều đình thì cường thần làm những chuyện bạo thiên, nghịch địa, tàn sát tông thất, tru diệt trung thần, bạc đãi hiền tài, khinh rẻ võ lâm. Hóa cho nên nhân tài bị mai một với cỏ cây, võ lâm xa lánh, tông thất thù hận. Học phong suy đồi, sĩ dân không ham luyện võ. Những lúc Xưởng này đọc sách, thấy tổ tiên anh hùng như vậy, dân chúng ấm no như vậy... mà tiếc, mà buồn đến không cầm được nước mắt, ăn không ngon, ngủ không yên. Cho nên Xưởng này khuất thân cầu hiền, mong xây dựng lại cái thịnh thời đời vua Thái-tông, Thánh-tông, Nhân-tông. Mong tiên sinh với phu nhân đừng tiếc công dạy bảo.
Thúc-Cần mỉm cười :
- Dạy cho Thái-tử thì vợ chồng lão không dám. Tuy nhiên, nghe Thái-tử bầy tỏ cái chí, thì dù kẻ ngu phu, ngu phụ cũng phải cảm động, huống hồ vợ chồng lão phu. Nhưng Thái-tử ơi ! Khổng-tử nói rằng : Trong một ấp mười nhà tất có người trung tín ! Kìa, tại triều chẳng có Thái-sư Lưu Khánh-Đàm, ngồi trong màn mà quyết thắng ngoài ngàn dặm đó ư ? Luận về chính sự Tống, Chiêm, cùng những kế sách cho dân giầu nước mạnh thì có Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền. Lại còn những bậc trung thần như Vũ Tán-Đường, Bùi Kinh-An, Phí Công-Tín... Kể sao cho hết. Họ cũng muốn đem tài lương đống ra giúp triều đình. Nhưng, họ đều bó chân, bó tay, vì hoàng-thượng thì không thể làm bất cứ việc gì trái với Thái-hậu. Trong khi Cảm-Thánh hoàng thái hậu chuyên quyền. Nay lão phu muốn giúp thái-tử làm những chuyện như thời vua Thái-tông, Thánh-tông, thì cần phải giải tán cái triều đình gà mái gáy bên cung Cảm-Thánh. Mà muốn giải tán cái triều đình gà mái gáy kia, thì cần phải gỡ cái vòng vây trong Hoàng-thành cho hoàng-thượng, cho hoàng-hậu, và nhất là gỡ cái lưới bao vây thái tử ở Đông-cung. Gỡ cái lưới này thì ngoài tầm tay của Thái-sư, Thái-phó. Chính vì lẽ đó mà Lưu Thái-sư mới xếp đặt để thái-tử gặp vợ chồng lão phu hôm nay. Lão phu xin vì thái-tử mà làm việc này.
Long-Xưởng như người mù được mở mắt, thái-tử lại xá ba xá :
- Xin tiên sinh dạy tiếp cho.
- Bọn xu phụ bên cung Cảm-thánh sở dĩ có, vì thái-hậu nắm quyền. Muốn lấy lại quyền thì phải có lực. Hai năm trước, sau vụ án Đỗ Anh-Vũ, hoàng-hậu đã làm, nhưng vì lực không đủ, lại làm gấp qua nên thất bại. Nay thái-tử muốn làm, thì phải biết rõ nội tình cung Cảm-Thánh.
Ông chỉ ra ngoài xe, chỗ Đỗ Anh-Hào ngồi :
- Ta có tên họ Đỗ kia, y đang cung khai những gì ta cần biết. Khi ta biết rồi thì theo đó mà hành sự.
Lát sau, Quang-Anh trở lại, y thuật lại những gì gã Đỗ Anh-Hào kể.
« ...Trong cuộc chiến tranh thời Anh-vũ chiêu-thắng, có rất nhiều tướng Tống, cũng như cao thủ bị Đại-Việt bắt sống. Họ được Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu xin cho khỏi họa sát thân. Linh-Nhân hoàng thái hậu trao họ cho vương giữ, đợi hết chiến tranh sẽ trả về Tống. Sau khi Tống Việt hòa tất cả binh tướng Tống đều được trao trả. Vương chỉ giữ lại sáu đại cao thủ đó là Trường-bạch song hùng, Hoa-sơn tứ đại thần kiếm. Theo ý vương, thì các tướng đươc trả về, không là mối lo cho Đại-Việt. Còn Trường-bạch song hùng, Hoa-sơn tứ đại thần kiếm là những cao thủ võ công kinh thế hãi tục. Trong môn phái, họ là những người duy nhất được học tuyệt nghệ. Nay họ bị nhục, họ sẽ truyền nghề cho đồ tử, đồ tôn, để chúng sang rửa nhục cho môn hộ. Vậy nếu như giữ họ lại Đại-Việt, họ chết rồi, thì tuyệt học hai phái này sẽ mất, mối lo đồ tử đồ tôn sang trả thù không còn nữa.
Trường-bạch song hùng Mao Cung, Mao Kính bại dưới tay phò mã Thân Thiệu-Thái trong trận Yên-dũng, bị trúng Chu-sa độc chưởng, rồi bị bắt. Triều đình cũng như võ lâm Đại-Việt định giết chúng đi, để Huyền-âm công tuyệt chủng. Nhưng hai người được Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai, công chúa Huệ-Nhu xin Thân phò mã tha mạng cho. Vương truyền giam lỏng hai người lại Thiên-trường. Hàng tháng chúng được trao thuốc giải. Họ lấy vợ Việt. Hai người vốn giỏi nghề trị độc, họ làm thầy lang chữa bệnh cho dân chúng, để sống cho qua ngày. Trường-bạch nhất hùng không có con trai. Trường-bạch nhị hùng sinh được một trai tên Mao Khiêm, lại cũng có tên Bình, nên đôi khi gọi là Mao Bình. Khi Mao Kính sắp qua đời, Mao Khiêm mới có năm tuổi, chưa tập võ. Y trăn trối, xin công chúa Huệ-Nhu rằng : Sau này Mao Khiêm lớn lên, công chúa thương tình dạy cho nó một ít bản sự. Từ đấy võ lâm Hoa-Việt tin rằng Huyền-âm công tuyệt tích.
Trường-bạch song hùng tuy giữ lời hứa không dạy Huyền-âm công cho ai. Nhưng trước khi chết, Mao Kính cảm thấy bồn chồn trong dạ, vì một pho võ công vô địch, lưu truyền hơn nghìn năm, bây giờ mai một đi thì thực là điều đáng tiếc. Vì vậy y dùng tất cả tàn lực, viết lại thành cuốn phổ, rồi trao cho vợ, trối rằng : Phái Trường-bạch nhà ta gốc từ tổ Vạn-tín hầu Lý Thân của Đại-Việt, nguyên thuộc chính phái. Đến đời tổ Mao Đông-Các, người hợp với ngũ độc thành Huyền-âm độc công. Bất cứ võ lâm chính hay tà nghe đến danh đều kinh hồn động phách. Đến anh em ta, cả hai đều thành anh hùng vô địch. Vì vua Tống Thần-tông với tể tướng Vương An-Thạch hậu lễ, lên núi cầu hiền, mà chúng ta hạ sơn. Bởi thất thế, chúng ta đành gửi xương ở đất Nam-man. Nếu nay ta chết đi, mà để tâm pháp này tuyệt chủng, thì thực có tội với liệt tổ. Vậy, sau khi ta qua đời, nàng phải ẩn nhẫn nuôi con. Đợi sau khi nó lớn, học được võ công Đông-a rồi, thì nàng cùng con xin cải táng đem xương ta về cố quốc. Khi về tới nơi, nàng tìm chỗ ẩn, trao tập phổ này cho con. Đợi nó luyện thành bản lĩnh nghiêng trời lệch đất rồi hãy tìm đến tổng đường phái Trường-bạch mà nhận họ .
Vợ Mao Kính cho xây ngôi từ đường, thờ Trường-bạch song hùng ngay trên mồ hai người. Lúc sống, hai người, dùng tài trị độc cứu rất nhiều dân bản xứ thoát chết , nên sau khi chết, họ nhớ ơn. Những ngày sóc, ngày vọng, họ đem lễ đến miếu thờ, cúng bái rất đông.
Khi Mao Khiêm bẩy tuổi, cái tuổi bắt đầu được tập võ, thì Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu đều hoăng cả rồi. Chiếu di chúc, con của vương là thế tử Vị-Hoàng, thương tình Mao Khiêm cũng thuộc hai giòng máu như mình. Thế-tử thu Khiêm làm đệ tử, và dốc túi truyền thụ võ công Hoa-sơn, Đông-a cho nó. Năm mười tám tuổi, Mao Khiêm đã học được bẩy thành bản lãnh của sư phu,ï thì sứ Tống sang đòi cải táng xương Trường-bạch song hùng về cố quốc. Triều đình Đại-Việt xin phái Đông-a chu toàn việc đó. Mẹ con Mao Khiêm được theo sứ Tống hồi hương. Miếu thờ cũng bị phá hủy luôn.
Hoa-sơn tứ đại thần kiếm bị giam lỏng ở Thiên-trường. Họ được cấp đất, cấp nhà ở. Vì họ là đạo sĩ, nên họ rất giỏi việc trừ tà, bắt ma.Họ thu được cảm tình của dân chúng. Nhưng bốn người luôn tưởng nhớ môn hộ, tưởng nhớ có quốc. Họ lập ra hai cái đài, một cái mang tên Thế-lệ đoạn trường (Khóc đến đứt ruột ra), một cái tên Tiêu-hồn lạc phách (Hồn bị tan nát phách bị lạc mất). Ngày ngày lên đài, hướng mắt nhìn về Bắc, tưởng nhớ cố quốc. Buồn quá bốn người mang Hoa-sơn tứ đại thần kỹ là Nội-công, Quyền-pháp, Chưởng-pháp, Kiếm-pháp, ra nghiên cứu, bổ khuyết, sáng chế thành bộ võ kinh, mang tên Vô-song vô đối, Trung-nguyên võ kinh, gọi tắt là Vô-Trung kinh. Nhưng bốn người không làm cách nào chuyển về Trung-thổ cho đồ tử, đồ tôn. Mãi tới khi công chúa Huệ-Nhu hoăng, sứ Tống sang điếu tang, họ mới làm một bài kệ ngắn, mật gửi sứ đoàn mang về cho phái Hoa-sơn. Nhưng từ khi Tứ đại thần kiếm bị băét, tuyệt nghệ thất truyền, đồ tử đồ tôn của họ không có những tay kiệt hiệt, nên không dành được những chỗ đứng cao trong Tống triều. Mãi gần đây nhân hai vua Tống bị Kim bắt, mới có ba người là Ngô Giới, Ngô Lân, Lưu Kỳ phất cờ trung hưng, mà trở thành ba đại thần. Phái Hoa-sơn có ảnh hưởng lớn tại triều Nam Tống. Nhân dịp này, họ cử cao thủ theo sứ đoàn sang tìm nơi chôn Vô-Trung kinh.
Niên hiệu Thiệu-Minh thứ nhì (Kỷ Mùi, DL. 1139), bên Trung-nguyên là niên hiệu Thiệu-Hưng thứ 9, vua Thần-Tông băng, Thái-tử Thiên-tộ mới ba tuổi lên nối ngôi. Chiêu-Hiếu thái hậu họ Đỗ 0 có ý muốn cướp ngôi vua cho em mình là Đỗ Anh-Vũ. Bà cử mật sứ sang xin Tống phong cho Anh-Vũ làm vua Đại-Việt. Thiệu-Hưng hoàng đế đem việc này đình nghị. Các quan đều bàn không nên, vì như vậy là dung dưỡng bọn gian thần tặc tử. Thiệu-Hưng đế cử sứ sang phong cho Thái-tử Thiên-Tộ làm Giao-chỉ quận vương. Mao Khiêm được chỉ định theo làm thông dịch. Triều đình Tống ban mật dụ cho Mao Khiêm như sau:
« Phải hứa lơ mơ với Đỗ Anh-Vũ, khuyên y chuyên quyền, như vậy triều đình Việt sẽ chia năm sẻ bẩy. Bấy giờ mới xui y cướp ngôi. Tống nhân đó đem quân sang kéo cao ngọn cờ hưng diệt, kế tuyệt (phục hồi triều đình bị diệt, cho con cháu bị tuyệt kế tục ngôi vua), rồi chiếm Đại-Viêt trả cái thù Quách Qùy, Triệu Tiết thất bại năm xưa ».
Khiêm làm đúng như chỉ dụ. Sau khi sứ đoàn Tống về, Mao Khiêm trốn lại, ẩn trong dinh Đỗ Anh-Vũ, thu y làm đệ tử, và truyền Huyền-âm công cho y. Việc này đến tai Khánh-Hỷ đại sư. Ngài vội vã về Thăng-long khuyên đệ tử. Anh-Vũ không những không nghe, mà còn đánh lén đại sư một Huyền-âm chưởng. Nhưng công lực y thấp quá, bị đại sư bắt. Mao Khiêm xuất hiện cứu y. Hai người đấu với nhau trên trăm hiệp, thì Khánh-Hỷ bị trúng Huyền-âm chưởng. Trong lúc ngài đau đớn đến chết đi sống lại thì Mao Khiêm ra điều kiện : Nếu ngài trao tất cả năm tuyệt học phái Tiêu-sơn cho y, thì y sẽ trao thuốc giải. Bằng không, thì ngài sẽ đau đớn trong 49 ngày rồi chết. Ngài đành chịu chết, chứ không chịu phản môn phái. Sau đó Mao Khiêm tiếp tục khống chế chưởng môn phái Tản-viên là Đặng Phi-Sơn, chưởng môn phái Mê-linh là Nghi-Hòa sư thái, nhưng hai vị này cũng đành chịu chết. Hiện Mao đang tìm cách khống chế phái Sài-sơn nữa để có bí kíp võ công. Còn phái Đông-a thì không cần, vì y là đệ tử phái này, đã học được võ công rồi. Giữa lúc này Chiêu-Hiếu thái hậu khám phá ra cuộc vụng trộm giữa Anh-Vũ với con dâu mình là Cảm-Thánh thái hậu. Mao Khiêm bắt được dịp bằng vàng, để gây công phẫn tại triều đình Đại-Việt bằng cách ám sát Chiêu-Hiếu thái hậu. Trong triều, ngoài dã, ai cũng bảo Anh-Vũ giết chị.
Để gây thêm vây cánh, Mao Khiêm thu thêm hai đệ tử nữa là Vương Nhất và Cao Nhị. Y lại xin Anh-Vũ hỏi hai người cháu gọi Thiên-Cảm thái hậu bằng cô là Lê Cảm-Linh, Lê Cảm-Chi cho hai đệ tử mình. Thiên-Cảm thái hậu cho cả bốn người vào ở trong cung của bà. Để tỏ ra việc làm của mình, cũng đi theo chính đạo như Linh-Nhân hoàng thái hậu 0 thời trước, đã ban mỹ danh cho Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt; bà ban cho Vương Nhất, Cao Nhị, Đỗ Anh-Hào mỹ danh Nùng-sơn tam anh, và Cảm-Linh, Cảm-Chi mỹ danh Tô-lịch nhị tiên.
Không may cho Anh-Vũ, giữa lúc y say quyền hành, định cướp ngôi, y bí mật nhờ Mao Khiêm lên đường về Tống tâu xin Thiệu-Hưng đế, phong vương cho y; thì Côi-sơn song ưng giết cả nhà Anh-Vũ. Trong đêm đó, Mao Khiêm thì đang ở bên Tống, còn các đệ tử của Mao đều ở trong cung Cảm-Thánh, bằng không sẽ có cuộc long tranh, hổ đấu.
Khi lâm triều nghe trần tấu về việc Anh-Vũ bị giết, Cảm-Thánh thái hậu tuyệt không ngờ nhà vua với Hoàng-hậu lại ra tay kiềm chế hết các quan thuộc phe đảng Anh-Vũ. Bị bất ngờ, bà thất bại trong chốc lát. Trở về cung, lập tức bà điều động Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên phản công. Các quan thuộc đảng Anh-Vũ được thả ra, mười tám võ sĩ của hoàng-hậu bị kiềm chế rồi bị giết. Nhà vua, hoàng-hậu bị giam lỏng. Hoàng-hậu bị trúng Huyền-âm chưởng, hoàn toàn khuất phục thái-hậu.
Giữa lúc đó thì Cao Khiêm trở về với một sứ đoàn. Chánh sứ cũng như phó sứ là hai đại thần, văn võ kiêm toàn, mưu trí trùm hoàn vũ. Cả hai người đều là cao thủ võ lâm danh trấn Hoa-hạ. Trong hai người này, thì phó sứ là một người nổi danh đệ nhất mỹ nam tử của Trung-nguyên. Thái-hậu thấy y là quên ngay Anh-Vũ. Bà say mê y đến điên đảo thần hồn. Bất cứ y nói gì bà cũng nhất nhất nghe theo. Y cùng chánh sứ thấy lực lượng nhà vua qúa yếu. Nếu như thái-hậu phế nhà vua, e rằng phe trung thành với nhà vua bị đè bẹp dễ dàng. Họ thiết kế phải làm sao cho phe nhà vua mạnh lên đôi chút, rồi mới xui thái-hậu truất phế. Thái-hậu truất phế nhà vua, thì quần thần chống đối. Dĩ nhiên bấy giờ sẽ có nội chiến. Đợi cho hai cọp cắn nhau, tinh lực quốc gia yếu đi. Tống chỉ việc đem một đạo quân nhỏ sang, là chiếm được Đại-Việt. Chính vì vậy mà hai năm qua, viên phó sứ kiềm chế Thái-hậu, khi thì bằng tình cảm, khi thì bằng thuyết phục, xui bà để cho nhà vua làm một số việc như chỉnh đốn học phong, khuyến khích nông tang, tái tổ chức mười hai hiệu Thiên-tử binh. Một mặt yï xui thái-hậu tổ chức trhị-vệ, triều đình riêng, khiến công khố khánh kiệt, mà hình thành được hai lực lượng đối kháng nhau, bất cứ lúc nào cũng có thể xẩy ra chiến tranh.
Bây giờ, thái-hậu cùng họ Lê của bàø, họ Đỗ với dư đảng của Anh-Vũ; càng lộng quyền hơn trước. Mật sứ khuyên bà:
« Bà cũng như tông tộc họ Lê, họ Đỗ đều lâm thế cỡi cọp, không thể xuống được nữa. Cái gương thời tiền Hán, Lã hậu và họ Lã chuyên quyền, sau khi Lã hậu băng, tông thất nhà Hán, cùng quần thần tru diệt ba họ nhà hậu cũng như phe đảng. Một liều, ba bẩy cũng liều, bà nên vu cho nhà vua bị bệnh, bắt đi tu. Sau đó bắt chước thái-hậu Dương Vân-Nga phế con trai là Đinh Toàn, nhường ngôi cho tình quân là Lê Hoàn ; bà lập viên phó sứ lên làm vua. Bấy giờ Tống không cần bắn một mũi tên, đánh một chiêu võ, mà chiếm được Đại-Việt» .
Hiện thái-hậu và phe đảng đang chuẩn bị làm việc đó vào cuối năm.
Nghe Quang-Anh thuật, Long-Xưởng cũng như vợ chồng Lê Thúc-Cẩn đều kinh hồn động phách. Lan-Chi than:
- Từ trước đến giờ, võ lâm Đại-Việt đã nghe biết những điều ô uế trong hoàng tộc, người người đều tưởng rằng đây chẳng qua là chuyện tồi bại của một người đàn bà ngu độn, tham dâm mà thôi. Cho nên các tôn sư đều khuyên đệ tử đứng ngoài, không can thiệp vào. Bây giờ có ba điều không ai có thể bỏ qua. Một là, Mao Khiêm với đệ tử dùng Huyền-âm công sát hại Khánh-Hỷ đại sư, Nghi-Hòa sư thái, đại hiệp Đặng Phi-Sơn. Dường như Tống muốn có tất cả bí lục võ lâm Đại-Việt, rồi nghiên cứu ra phá cách, như vậy, thì vĩnh viễn Đại-Việt không giữ nổi nước nữa. Thâm thực, mà cũng độc thực. Hai là, chúng dùng mỹ nam tử lung lạc Cảm-Thánh thái hậu, dùng Huyền-âm độc chưởng kiềm chế hoàng-hậu...để mưu đồ đem quân Tống vào Đại-Việt. Ba là, sứ đoàn mật của Tống đã vào Đại-Việt từ lâu, mưu đồ chiếm nước. Nếu võ lâm không mau ra tay, thì cái họa mất nước khó tránh.
Bà hỏi chồng:
- Ông nghĩ sao?
- Ta không thể giúp nhà vua diệt phe thái-hậu, vì làm như thế, sẽ có nội chiến, vô tình trúng kế bọn Tống. Ta phải hành động thực khéo, giết chết hết bọn thầy trò Mao Khiêm, tàn sát bọn sứ đoàn Tống với chân tay của thái-hậu. Như vậy bọn ngoại thích họ Lê, họ Đỗ như rắn mất đầu, chỉ cần một tờ chiếu chỉ, bắt đem chặt đầu là xong.
Bà than :
- Có một điều rất khó xử. Vì bản lĩnh Mao Khiêm cao thâm không biết đau mà lường. Đến Khánh-Hỷ, Nghi-Hòa, Đặng Phi-Sơn còn bị mất mạng về tay y thì ta không phải là địch thủ của y mất rồi. Hơn nữa, y là đệ tử của thế tử Vị-Hoàng, tức sư đệ của chưởng môn phái Đông-a Trần Tự-Kinh. Ví dù bản lãnh ta có cao hơn y, thì luật lệ võ lâm không cho ta giết y. Ta chỉ có thể cáo với phái Đông-a để họ tự thanh lý môn hộ mà thôi.
Ông tỏ vẻ cương quyết :
- Cái khó khăn nhất do ta không biết chánh, phó sứ Tống là ai? Sứ đoàn có bao nhiêu người? Ngay bây giờ trở về, thái-tử phải xử dụng Khu-mật viện, để tìm cho ra bọn chúng.
Long-Xưởng tỏ vẻ tự tin:
- Nhị vị yên tâm. Tiểu bối đã nắm chắc Khu-mật viện rồi.
- Thái tử nắm như thế nào?
Thúc-Cẩn hỏi: Liệu những người đó có tin đươc không?
- Trước kia Khu-mật viện do Đỗ Anh-Vũ kiêm nhiệm. Từ khi y chết rồi, thì Thái-sư Lưu Khánh-Đàm tạm thay thế. Nay tiểu bối đã xin phụ hoàng thăng Bảo-Ninh hầu Lý Long-Can lên chức Phiêu-kị thượng tướng quân, quản Khu-mật viện.
- Được đấy. Ông này vừa có tài, lại trung thành.
- Trong Khu-mật viện có ba ty. Ty Phòng-ngự do Binh-bộ đảm trách. Trước đây trưởng ty là Trung-vũ thượng tướng quân Chu Công-Chính vốn thuộc dư đảng của Đỗ Anh-Vũ. Tiểu bối đã tâu phụ hoàng thăng cho y lên chức Tuyên-vũ trấn Thanh-hóa; lấy Long-nhương thượng tướng quân Lưu Khánh-Bình, con của Thái-sư Lưu Khánh-Đàm thay thế.
- Hay lắm. Từ nay bao nhiêu chính lệnh ban ra cho các đạo quân, lại là người thâm tình của thái-tử. Như vậy ta nắm chắc quân các trấn trong tay. Còn ty Nội-sát. Ty này là tai, là mắt của Đại-Việt đây.
- Ty Nội-sát , trước kia do con trai Đỗ Anh-Vũ là Đỗ Anh-Hùng đảm trách. Sau khi y bị Côi-sơn song ưng giết chết, ty này do Lại-bộ thượng thư Đỗ An-Di, em của Đỗ thần phi kiêm nhiệm. Còn ty quan trọng nhất là ty Mật-sự, trước kia do Tô Hiến-Thành kiêm nhiệm. Tiểu bối mới tâu phụ hoàng thăng cho ông ta lên làm Long-thành tiết độ sứ, và cử Tả-thiên ngưu-vệ thượng tướng quân Tăng Quốc lên thay. Tăng Quốc là chồng của nhũ mẫu. Như nhị vị tiền bối biết, những người ngồi ở Khu-mật viện bổng lộc không có, lại dễ bị mang họa. Nên nay Tô Hiến-Thành, Chu Công-Chính được thăng chức lớn, được cử vào những chức vụ béo bở, thì mừng lắm. Thái hậu không nhìn ra kế sách của tiểu bối, nên vui vẻ ra mặt.
- Tôi yên tâm.
Thúc-Cẩn tiếp: Cái việc quan trọng là giết tên Mao Khiêm , với diệt sứ đoàn. Sự đã như thế này, thì ta phải cáo với chưởng môn nhân năm đại môn phái, để hành động chung, hầu tránh hiềm khích với nhau.
Thế rồi ba người bàn định với nhau mãi đến chiều mới dứt. Thúc-Cần nói :
- Thái-tử cứ yên tâm về Đông-cung giữ kín mọi việc đã xẩy ra. Vì chỉ cần lộ ra rằng ta biết rõ mưu gian của bọn ngoại thích họ Lê, họ Đỗ, thì lập tức chúng phải hành sự ngay. Như vậy, thì nội chiến e khó tránh. Còn tên Đỗ Anh-Hào, chúng tôi có cách kiềm chế nó.
Ông ghé miệng vào tai Long-Xưởng thì thầm một lúc. Không biết ông nói những gì, mà chỉ thấy Long-Xưởng mỉm cười, gật đầu liên tiếp. Cuối cùng ông trao cho Long-Xưởng cái bình nhỏ, trong đựng tám viên thuốc, dặn rằng :
- Đây là thuốc giải Huyền-âm chưởng. Thái-tử về dâng lên hoàng-hậu. Tuy hậu được trị bệnh, nhưng vẫn giả ngây, giả dại, sợ sệt thái-hậu để bà không đề phòng, ta mới dễ hành động.