Trong đại sảnh đường phái Đông-A.
Chưởng môn nhân Trần Tự-Kinh ngồi ở ngôi chủ vị tiếp khách. Hiển-Trung vương Lý Long-Xưởng ngồi ở ngôi vị đệ nhất, kế tiếp là đô đốc Lý Long-Thần, tức Nhất-Liễu. Đông-A ngũ tuyệt cùng các phu nhân, các đệ tử đời thứ nhì, theo thứ bậc ngồi dưới. Một người, tuy là đệ tử rất thấp đời thứ ba, được đặt ngồi ngang với Long-Xưởng là Trần Thủ-Huy. Vì Huy là em kết nghĩa của vương.
Đây là một sảnh đường lớn nhất của môn phái. Tường xây bằng đá, nền lát gạch. Cửa vào hai bên hông, theo hướng Nam, Bắc. Bàn thờ , bài vị thờ tổ đặt tại đầu Đông. Các hàng ghế đặt dài từ đầu Tây, hướng về bàn thờ. Ngay trước bàn thờ có cái hồ nhỏ, theo hình bát quái, đường kính khoảng bốn trượng, trong hồ đầy cá chép vàng lững lờ bơi lội.
Long-Xưởng chắp tay vái cử tọa, rồi tiếp :
- Vãn sinh đã trình bầy cái chí nông cạn rồi. Xin chư vị cho biết tôn ý ? Không biết chư vị sẽ giúp vãn sinh được những gì ?
Đệ nhị nhân trong Đông-A ngũ tuyệt là Vũ Tử-Mẫn, được tôn là cái túi khôn của Đại-Việt ; đưa mắt nhìn sư phụ để hỏi ý kiến. Tự-Kinh gật đầu. Tử-Mẫn hướng vào Long-Xưởng :
- Chí của điện hạ thực không nhỏ. Nếu được thi hành, thì Đại-Việt có cơ phục hồi phong khí đời các tiên đế . Từ thời đức Thái-tổ, phái Đông-A đã góp không ít công lao vào việc trấn Bắc, bình Nam. Nhưng từ ngày bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết bị bại, phải rút quân (1077), phái Đông-A lại trở về với môn quy là tiêu dao với cỏ cây, hành hiệp giúp đời. Việc nội trị để cho triều đình. Vì vậy chúng tôi không giúp gì cho điện hạ được cả.
Long-Xưởng đứng dậy cung tay :
- Thưa Nhị-hiệp ! Không biết môn quy của quý phái thế nào ? Nhưng vào thời đức Thái-tổ ngoài Quốc-mẫu Thanh-Mai ra, còn có các đệ tử như Quốc-công Ngô An-Ngữ lĩnh Trường-yên tiết độ sứ. Các vị Đoàn Thông, Vũ Minh, Phạm Tuy từng lĩnh đô đốc, kẻ được phong hầu, người được phong công. Đến thời đức Nhân-tông tất cả các đô đốc đều là người qúy phái. Quốc dân thiên hạ vẫn nói rằng : Quốc gia an nguy thất phu hữu trách. Mọi an nguy của Đại-Việt đều do phái Đông-A trợ thủ . Thế mà nay Nhị-hiệp lại nói rằng, môn quy quý phái không cho đệ tử lĩnh trách nhiệm của trượng phu, thì vãn sinh không hiểu nổi.
- Môn quy của thiểm phái thay đổi luôn luôn. Việc thiểm phái cho đệ tử xuất chính, vốn có từ trước. Sau khi tổ Tự-An quy tiên, thì tổ Tự-Mai 0 tổ chức đại hội để xét lại một số điều lệ. Trong những điều lệ thay đổi đó có khoản tuyệt đối xa lánh công danh.
Long-Xưởng ngồi nhổm dậy mỉm cười :
- Điều này vãn sinh biết. Vãn sinh thử nói ra xem, nếu có gì sai, xin đại hiệp chỉnh cho. Trong đại hội đó quyết định ba điều quan trọng : Một là, đệ tử phải học văn luyện võ. Luyện võ để có sức khỏe, mà học văn. Học văn để có kiến thức nghiên cứu, phát huy những điều mới lạ cho võ. Hai là, lấy hành hiệp giúp đời, trong bốn lý : Đệ nhất lý là bảo vệ xã tắc. Đệ nhị lý là cứu khốn phò nguy . Đệ tam lý là tru diệt bọn sâu dân, mọt nước. Đệ tứ lý là trừ gian, diệt bạo. Ba là, lấy tiêu dao với cỏ cây làm nguồn vui, tuyệt đối xa lánh công danh.
Nghe Long-Xưởng nói, Vũ Tử-Mẫn nhủ thầm :
- Chết thực, từ trước đến giờ, nghe thiên hạ đồn thái-tử Long-Xưởng là một thần đồng, ta cho rằng quá đáng. Ban nãy, y vào đây ta cứ tưởng y là con nít, thì những phương lược y trình bầy để chỉnh đốn lại đất nước là của Thái-sư Lưu Khánh-Đàm ; nên ta thử y. Bây giờ y ứng khẩu đối đáp với ta thế này, thì y là một thiên tài thực. Ta hãy thử y ít câu nữa xem sao.
Nghĩ vậy ông nói :
- Đúng như điện hạ nói. Chúng tôi quyết vui với cỏ cây, mà không vướng vào vòng công danh, tham dự vào việc triều chính hầu giúp điện hạ thi hành cái chí.
Long-Xưởng chắp tay đứng dậy vái cử tọa một lần rồi cười :
- Đại hiệp hiểu lầm rồi. Vãn sinh không có ý định như thế. Không phải vậy. Muôn ngàn lần không phải vậy. Vãn sinh tới đây xin quý phái trợ giúp, đâu phải đem mấy đấu gạo, mấy đồng bạc ra để thỉnh các vị làm quan ! Vãn sinh đến đây để nhờ các vị giúp sức bảo vệ xã tắc mà !
Tự-Kinh là người đạo đức, ông không muốn thử Long-Xưởng như Vũ Tử-Mẫn. Ông hỏi :
- Theo lão phu, từ khi vua Thần-tông băng, thì hậu cung bị cái nạn gà mái gáy, trong triều bị cái nạn ngoại thích hoành hành. Muốn trừ cái nạn này, chỉ cần hoàng-thượng hay điện hạ truyền một chỉ, đem tận số chúng ra xử tử là xong. Việc gì phải nhờ đến võ lâm ?
- Thưa lão đại hiệp, sự việc không giản dị như vậy đâu. Tình hình xã tắc sắp nguy trong sớm tối, nếu lão đại hiệp không ra tay thì nước sẽ mất không biết lúc nào. Mà người làm mất nước lại chính là cao đồ của quý phái, nên võ lâm không ai dám ra tay giết y. Bởi tục ngữ có câu : Đánh chó phải nể chủ nhà.
Tự-Hấp kinh hãi :
- Đệ tử bản môn ? Y tên gì ?
- Thưa, y tên Mao Khiêm.
Cả sảnh đường cùng bật lên tiếng ồ lớn.
Tự-Hấp hỏi :
- Thiểm phái quả có một đệ tử tên Mao Khiêm. Nhưng y về Tống từ lâu rồi, không có tin tức gì. Điện-hạ nói mất nước, ý chỉ việc Mao Khiêm làm gian tế cho Tống chăng ?
- Thưa đại hiệp không. Mao Khiêm không làm gian tế cho Tống, mà y công khai đưa giặc Tống vào trong nước từ mấy năm nay rồi !
- Thế quân Tống đã nhập biên ư ? Do tướng nào chỉ huy ?
- Thưa, giặc Tống không phải ở Ung, Liêm, Dung, Nghi, Bạch châu, hay ở Như-nguyệt, Cổ-pháp, mà chúng đã đến Thăng-long. Không phải chúng ở ngoài thành Thăng-long, mà chúng nằm ở trong Hoàng-thành. Xã tắc nguy như trứng chồng trên đá, một sớm, một tối sẽ trở thành quận huyện của Tống. Đau đớn thay giặc Tống lại do cao đồ của quý phái là Mao Bình đưa vào.
Từ mấy năm nay, theo lệnh của chưởng môn Trần Tự-Kinh, Đông-A ngũ tuyệt dẫn đệ tử qua lại giang hồ trừ gian diệt bạo. Đệ ngũ tuyệt là Trần Tử-Giác, trong khi hành hiệp ở Thăng-long, thì gặp Lê Thúc-Cẩn. Thúc-Cẩn báo cho ông tất cả những tin tức về Cảm-Thánh thái hậu chuyên quyền, về việc Mao Khiêm làm gian tế cho Tống. Cảm-Thánh thái hậu dấu sứ đoàn trong cung, chuẩn bị phế nhà vua xuống, gây nội chiến, rồi Tống mang quân sang.
Tử-Giác kinh hoảng, một mặt sai người báo cho sư phụ biết. Một mặt truyền lệnh cho các đệ tử tung người khắp Thăng-long theo dõi tình hình. Tự-Kinh nhận được hung tin, ông sai chim ưng mang thư đi triệu hồi tất cả các con, và năm đệ tử khẩn trở về, để bàn định phương sách đối phó.
Tin này đến với vợ chồng Trần Tự-Hấp, giữa lúc ông bà đang dẫn hai con là Trần Thủ-Lý và Trần Thủ-Huy hành hiệp ở Kinh-Bắc. Ông bà vội vã dẫn con về phục mệnh. Trên đường từ Thăng-long xuôi Nam, ông bà gặp Nghi-tàm song ma đang đuổi bắt Long-Xưởng. Đúng ra, ông bà phóng chưởng đập chết chúng, để trừ đi hai tên ma đầu. Nhưng, vì không biết rõ Long-Xưởng là ai ? Tại sao Song-ma lại muốn bắt cóc, nên bà cho con biến Song-ma thành trò cười, rồi phóng hai chiêu Bức-mạch vào người chúng, bắt chúng phải về Thiên-trường cung khai sự thực.
Trong khi giao tiếp với Long-Xưởng, ông bà thấy ở thiếu niên này tỏa ra khí phách phi thường, lại muốn tìm mình để theo học. Bà đồng ý cho Thủ-Huy đi chung ngựa với Long-Xưởng, hầu dò lý lịch y. Nhưng khi ông bà về đến nhà, thì không thấy Long-Xưởng, Thủ-Huy đâu. Bà tức tốc sai năm con nuôi là Hoàng-Anh, Bạch-Hạc, Huyền-Mi, Thanh-Tước, Hồng-Yến đi tìm. Vì khắp trấn Thiên-trường, chỗ nào cũng có tai mắt của phái Đông-A, nên không khó khăn, năm thiếu nữ tìm ngay ra tung tích hai trẻ. Nào việc Long-Xưởng, Thủ-Huy kết nghĩa. Nào việc hai người xuống một du thuyền của đô đốc Nhất-Liễu, và thuyền đang xuôi ra biển. Năm người cũng thu được tin có con thuyền của bọn khách thương Tống, luẩn quẩn quanh Thiên-trường từ hơn tuần qua, không rõ với mục đích gì ?
Nghe năm con nuôi báo tin, Tự-Hấp biết ngay, đó không phải là thuyền buôn, mà bọn này là đệ tử phái Hoa-sơn sang tìm võ kinh. Vì từ lâu đã có nhiều đệ tử Hoa-sơn giả làm khách thương đến tìm bộ Vô-trung võ kinh, đã bị phái Đông-A đánh đuổi hoặc giết chết. Ông báo cho phụ thân cùng anh em, chư đệ tử biết.
Tự-Kinh sai Vũ Tử-Mẫn lập kế, sai năm cô con nuôi của Tự-Hấp bắt cả bọn Hoa-sơn đem về tổng đàn, rồi giam trong lao xá.
Nhắc lại, sau khi Thủ-Huy cùng Long-Xưởng, Nhất-Liễu nhảy xuống thuyền của Hoàng-Anh ; Thủ-Huy mới nói thực cho Long-Xưởng biết phụ thân mình chính là Trần Tự-Hấp, mẫu thân mình là Bùi Anh-Hoa. Nghe Thủ-Huy kể, Long-Xưởng mừng run lên được. Huy giới thiệu với Long-Xưởng năm cô gái dàn thuyền bắt bọn Hoa-sơn, là năm người chị nuôi của mình. Trong mấy năm qua, năm người được phái Đông-A dạy văn, luyện võ, rồi theo bố mẹ nuôi, cùng các sư thúc qua lại giang hồ hành hiệp, được võ lâm tặng cho mỹ danh là Vỵ-xuyên ngũ tiên.
Khi Vỵ-xuyên ngũ tiên dẫn Long-Xưởng, Thủ-Huy gặp Tự-Hấp, ông bà mới biết thiếu niên mà mình gặp gỡ giữa đường chính là thái-tử Lý Long-Xưởng, tước phong Hiển-Trung vương. Oâng bà vội báo cho phụ thân biết, rồi sai đánh trống họp đệ tử ở đại sảnh đường dùng lễ tiếp thiếu niên này.
Bây giờ nghe Long-Xưởng nói : Giặc Tống đã ở trong Hoàng-thành Thăng-long, và lại do đệ tử phái Đông-A là Mao Khiêm đưa vào, Tự-Kinh vội chắp tay :
- Nếu quả Mao Khiêm đã gây ra những điều tai hại cho xã tắc, cho võ lâm, lão phu xin chịu lỗi. Nay lão phu tuổi đã cao, ít qua lại giang hồ, nên không biết Mao Khiêm đã gây ra những gì bất lợi cho đất nước. Mong điện hạgiải thêm chi tiết, thì lão phu mới hiểu rõ, để còn trừ y.
Long-Xưởng thứ tự tường thuật : Nào Mao Kính âm thầm chép võ công Trường-bạch mật trao cho vợ. Mao Khiêm được thế tử Vị-Hoàng thu làm đệ tử, rồi y theo sứ Tống cải táng Trường-bạch song hùng về Trung-nguyên. Triều đình Tống sai y làm thông dịch theo sứ đoàn. Khi sứ đoàn về, y trốn lại tiềm ẩn trong phủ Đỗ Anh-Vũ, dạy Huyền-âm nội lực cho y. Nào y dùng độc chưởng khống chế các chưởng môn nhân, để lấy bí lục các phái, đem về cho Tống triều, để Tống triều nghiên cứu phá cách. Còn việc y giết Khánh-Hỷ đại sư, thì Long-Xưởng nói tréo đi là do Anh-Vũ ám toán. Mao còn dạy năm đệ tử là Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên. Nào y đưa bọn Ngô Giới, Lưu Kỳ ẩn trong cung Cảm-thánh. Nào bọn Ngô, Lưu với y giúp thái-hậu tổ chức cung Cảm-Thanh thành triều đình riêng với đầy đủ chức quan. Nào y với bọn Ngô khuyên thái-hậu lập những đội Phụng-quốc vệ như một quân đội riêng. Nào bọn Ngô, Lưu với Mao Bình chỉ còn chờ dịp phế nhà vua xuống, đưa Lưu Kỳ lên làm vua... Nào là khi Long-Xưởng đi Thiên-trường, thì thái-hậu sai Nghi-tàm song ma, sai Nhất-Liễu đón đường hại. Nào bọn Ngô, Lưu bắt Long-Xưởng với Thủ-Huy. Tất cả những việc đó có nghĩa là thái-hậu với bọn Ngô, Lưu công khai hành sự, coi Đại-Việt như giang sơn Tống vậy.
Nghe Long-Xưởng với Thủ-Huy trình bầy, Tự-Kinh hỏi các con, các đệ tử :
- Bây giờ chúng ta phải làm gì ? Các con nghĩ, chúng ta phải đối phó vụ này ra sao ?
Con thứ của Tự-Kinh là Tự-Duy bàn :
- Thưa bố, con nghĩ mình phải phân vụ này ra làm ba. Một là đối phó với Mao Khiêm, Ngô Giới, Lưu Kỳ. Đối với Mao, thì chúng ta phải thanh lý môn hộ. Còn bọn Hoa-sơn, chúng sang đây với mục đích tìm bộ Vô-Trung võ kinh. Vụ này chúng ta đã giải quyết xong. Ba là, vụ thái-hậu chuyên quyền, vụ này ta không nên can thiệp vào.
Tử-Mẫn xua tay tỏ ý phản đối :
- Ta không thể...
Đến đó đệ tử vào báo :
- Có chưởng môn phái Tiêu-sơn là Pháp-Dung đại sư, chưởng môn phái Mê-linh là Nghi-Ninh sư thái, chưởng môn phái Tản-viên là Tôn Đức-Hòa, chưởng môn phái Sài-sơn là Lê Thúc-Cẩn, xin cầu kiến.
Tự-Kinh đứng lên vẫy hai con và năm đại đệ tử :
- Quý khách tới đây cũng không ngoài việc Mao Khiêm, Ngô Giới, Lưu Kỳ. Chúng ta phải ra đón quý khách.
Long-Xưởng đứng dậy :
- Vãn sinh cũng xin được ra đón các vị đạo cao, đức trọng này, để tỏ lòng ngưỡng mộ.
Tới cổng trang, Tự-Kinh cung tay :
- Không biết trận gió nào thổi, mà cả bốn vị đại tôn sư lại giá lâm tệ trang thế này !
Bốn vị đều chắp tay đáp lễ. Lê Thúc-Cẩn chỉ vào Long-Xưởng :
- Thưa lão đại hiệp, trận gió đưa chúng tôi tới cầu kiến đại hiệp là điện hạ đây.
Lễ nghi tất.
Phân ngôi chủ khách xong. Long-Xưởng nghĩ thầm :
- Chắc chắn các vị tôn sư tới đây là do lời mời của Lê Thúc-Cẩn rồi. Hẳn ông đã thông tri cho các vị biết những gì Đỗ Anh-Hào cung khai. Còn những tin tức ta mới thu lượm trong chuyến đi vừa rồi, thì các vị này chưa biết. Vậy ta phải tường thuật chi tiết, rồi trao hết trách nhiệm cho họ. Có như vậy họ mới chịu ra tay.
- Kính thưa các vị đại tôn sư. Xưởng này là đứa trẻ tóc còn đỏ, kiến thức không làm bao. Nhưng vì cái họa mất nước trong sớm tối, nên lớn mật xin các vị cho phép được trình bầy tất cả nguy cơ mất nước đó.
Đại sư Pháp-Dung cung tay đáp lễ :
- Xin điện hạ cứ nói.
Long-Xưởng theo thứ tự trình bầy diễn tiến những gì đã xẩy ra. Rồi nhấn mạnh đến vụ án Khánh-Hỷ đại sư, Nghi-Hòa sư thái, đại hiệp Đặng Phi-Sơn bị gian nhân hãm hại :
- Khi vụ án xẩy ra, thì triều đình không biết hung thủ là ai. Cho đến nay, vãn sinh mới biết là do ác nhân Đỗ Anh-Vũ ám toán.
- Điện hạ lầm rồi.
Pháp-Dung đại sư lắc đầu : Anh-Vũ là đệ tử tục gia của bản phái. Võ công của y bình thường. Y không đủ công lực dồn độc tố vào người sư huynh Khánh-Hỷ, dù đánh trộm. Bằng cớ là, khi hoàng-thượng khám phá ra vụ y tư thông với Cảm-Thánh hoàng thái hậu, người truyền chỉ cho Chiêu-hòa vương Lý Long-Vũ bắt y. Y đấu với vương được vài chục hiệp thì bị bại. Lại nữa, khi Trí-Minh vương, Bảo-Minh hầu v.v. tổ chức binh biến, y bị phò mã Dương Tự-Minh đánh có ba chiêu thì bị bắt . Với công lực như thế, y không đủ khả năng đả thương một thủ tọa Vạn-Hạnh đường.
Mọi người đều gật đầu, công nhận kiến giải của Pháp-Dung đại sư có lý. Pháp-Dung tiếp :
- Người đả thương sư huynh Khánh-Hỷ không hẳn với mục giết người. Nếu như sát nhân chủ tâm giết sư huynh, thì sau khi sư huynh bị trúng độc chưởng, công lực không còn, đau đớn cùng cực, y chỉ việc búng tay một cái, người đã viên tịch rồi.
Đại-sư chỉ vào Lê Thúc-Cẩn : Hồi ấy, khi đươc tin báo sư huynh bị trúng Huyền-âm độc chưởng. Bần tăng sai đệ tử đem người về chùa Tiêu-sơn, rồi sai đệ tử thỉnh Lê tiên sinh, xin điều trị. Nhưng bấy giờ Lê tiên sinh đang vân du Xiêm-quốc, mà các đệ tử thì không ai biết trị cái độc công này cả. Khi Lê tiên sinh trở về tìm ra được thuốc giải, thì sư huynh bần tăng đã viên tịch. Trước khi viên tịch, sư huynh mới tiết lộ cho bần tăng biết rằng : Sát nhân dùng võ công Đông-A, để xử dụng Huyền-âm nội lực. Y ra điều kiện cho sư huynh, nếu người trao cho y toàn bộ pho Thiền-công của bản phái, thì y sẽ trao cho thuốc giải. Nhưng sư huynh bần tăng đành chọn cái chết, chứ không chịu phản lại môn hộ.
Lê Thúc-Cẩn tiếp lời Pháp-Dung :
- Từ hai chục năm nay, trong võ lâm đã xẩy ra không biết bao nhiêu nghi án, do Huyền-âm độc tố gây ra. Nào Chiêu-Hiếu thái hậu, nào Lệ-Thiên hoàng hậu, nào Lý Sơn...Nhưng đó lànhững vụ án trong Hoàng-cung. Đến vụ án Khánh-Hỷ đại sư , Nghi-Hòa sư thái, đại hiệp Đặng Phi-Sơn thì thực là điều không bao giờ võ lâm có thể tưởng tượng nổi. Vì đại sư là thủ tọa Vạn-hạnh đường, nội công cao thâm không biết đâu mà lường. Hai vị chưởng môn phái Mê-linh, Tản-viên, công lực đâu có thấp ? Như vậy công lực sát nhân phải cao thâm khôn lường ? ? ? Tôi nghĩ chỉ tên Mao Khiêm mới có công lực này.
Nghi-Ninh sư thái đưa mắt nhìn Pháp-Dung, Lê Thúc-Cẩn, Tôn Đức-Hòa :
- Cái tin phái Hoa-sơn đem đại lực lượng sang Đại-Việt, đích thân Trung-nhạc Tung-sơn đạo sư Ngô Giới chưởng môn nhân cầm đầu, liệu có đúng không ? Bần ni thấy trung gian có gì khó hiểu. Bởi hai năm trước, phái Hoa-sơn tổ chức giỗ tổ. Đạo sư có đạt thư mời anh hùng võ lâm Hoa, Việt, Xiêm, Cao-ly, Đại-lý...Bần ni đã được tiếp xúc với Hoa-nhạc tam nương. Họ là những người đạo cao, đức trọng, võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Bần ni đã kết bạn với các vị đó. Không lẽ, nay vì mấy đấu gạo, mà Ngô đạo sư cùng Tam-nương bỏ núi Hoa-sơn sang Đại-Việt, làm chuyện bất chính ?
Pháp-Dung đại sư cũng than :
- Năm đó, bần tăng có kết bạn với Trung-nhạc Tung-sơn Ngô Giới, bần đạo thấy đạo sư quả đã chán thế tục. Không lẽ nay lại đi làm mật sứ cho Tống ?
Long-Xưởng quả quyết :
- Các vị đã kết bạn với các cao thủ Hoa-sơn, và nhận xét về họ như vậy, vãn sinh không dám nói rằng các vị sai lầm. Nhưng sự thực là sự thực. Lát nữa đây các vị sẽ thấy lời của vãn sinh là đúng.
Tôn Đức-Hòa than :
- Nếu quả sự việc đã như vậy, thì chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn được nữa rồi. Công việc chúng ta là phải gạt bỏ tình riêng ra ngoài . Ta có hai việc phải làm là giết bọn Ngô Giới, Lưu Kỳ, Mao Khiêm, cùng diệt cái triều đình gà mái gáy kia. Để hành động thống nhất, ta phải bầu lấy một vị làm minh chủ.
Nghi-Ninh sư thái chỉ Tự-Kinh :
- Trong vụ này, thì phái Đông-A liên hệ nhiều nhất. Vậy xin đại hiệp Tự-Kinh đứng làm minh chủ cho.
Pháp-Dung, Lê Thúc-Cẩn, Tôn Đức-Hòa cùng họa theo :
- Đúng vậy. Vả trong chúng ta đây, thì Trần đại hiệp là người cao niên nhất.
Tự-Kinh đành nhận trách nhiệm. Oâng gọi Vũ Tử-Mẫn :
- Chư vị đã tín nhiệm chúng ta. Vậy con hãy trình bầy kế hoạch lên để các vị cho biết tôn ý.
- Kính thưa các vị. Ta không thể tách vụ diệt sứ đoàn Tống, bọn gian Mao Khiêm với triều đình gà mái gáy ra được. Hai vụ khác nhau mà là một.
Mọi người công nhận lý luận của Tử-Mẫn . Tử-Mẫn tiếp :
- Cái triều đình gà mái gáy này thực không tầm thường. Trước đây đã có ba cuộc lật đổ, mà không thành. Đầu tiên, Chiêu-Hòa vương ra tay trừ Đỗ Anh-Vũ, rồi bị giết cả nhà, vì thái-hậu che chở cho y. Sau biến cố đó, Anh-Vũ củng cố thêm thế lực, thành ra Trí-Minh vương phải hợp với bọn Vũ Đái, lực lượng hùng mạnh hơn y, mới thành công. Nhưng thành công, mà không đồng tâm, nhất trí, rồi cũng bị giết. Đến đây, thái-hậu công khai nắm quyền. Rồi mấy năm trước, chính Hoàng-hậu, với điện hạ được phái Mê-linh đứng sau, được Côi-sơn song ưng giúp đỡ. Cũng thành công, nhưng chỉ biết mình, mà không biết người ; tức không biết đến bọn sứ đoàn ẩn trong cung Cảm-Thánh. Rút cuộc thành công nửa chừng.
Nghi-Ninh sư thái thở dài :
- Bây giờ chúng ta cùng ra tay cứu nước. Vậy cái gì nên làm trước ? Cái gì nên làm sau ? Ta phải hành động thế nào để tránh đổ máu ?
Tử-Mẫn hỏi Long-Xưởng :
- Liệu thái-hậu có thể ra lệnh cho Thiên-tử binh, cũng như các đạo binh địa phương không ?
- Không ! Thái-hậu chỉ có thể điều động năm đội Phụng-quốc vệ trực thuộc mà thôi. Còn muốn điều động Thiên-tử binh, cũng như các đạo binh địa phương thì phải do phụ hoàng, hoặc vãn sinh ban chỉ trực tiếp cho quản Khu-mật viện. Quản Khu-mật viện là Bảo-Ninh hầu Lý Long-Can , trưởng ty Phòng-ngự là Long-nhương thượng tướng quân Lưu Khánh-Bình sẽ làm lệnh. Lệnh xuất quân phải do hai người này ký, chứ một người thì tướng chỉ huy các hiệu binh cũng không tuân.
- Vậy bây giờ thế này.
Tử-Mẫn tiếp : Một mặt chúng ta gửi cao thủ về giúp thái-tử. Thái-tử dùng các cao thủ làm chủ Hoàng-thành, cùng kiềm chế bọn quan theo cung Cảm-Thanh, và gia đình chúng. Một mặt ta dụ hổ ly sơn, sao cho năm đội Phụng-quốc vệ rời xa Thăng-long. Khi chúng rời Thăng-long, ta kiềm chế vợ con chúng. Ở xa Thăng-long chúng được tin các gian thần theo phe Cảm-Thánh bị bắt hết, vợ con bị kiềm chế, ắt chúng phải đầu hàng.
Mọi người công nhận mưu của Tử-Mẫn thực thần diệu.
Tử-Mẫn hướng Long-Xưởng :
- Thái-tử trở về, lờ đi như không biết vụ thái-hậu sai Nghi-tàm song ma, Nhất-Liễu đón đường bắt thái-tử. Thái-tử làm như sợ thái-hậu, muốn lấy lòng thái-hậu. Thái-tử ban chỉ sai chư tăng chùa Chiêu-thiền làm chay cầu siêu cho Đỗ Anh-Vũ và gia quyến y. Lấy lý đó, phái Tiêu-sơn âm thầm đem về hơn trăm cao thủ, mà thái-hậu không nghi ngờ gì cả. Đúng đêm hành sự, thì thái-tử thỉnh chư tăng tới Đông-cung để cúng dàng cơm chay. Khi khởi sự thì chư tăng ra tay bắt hết bọn Phụng-quốc vệ canh gác Đông-cung, cùng bọn gian thần theo cung Cảm-Thánh.
Pháp-Dung mỉm cười gật đầu vui vẻ :
- Điều này rất dễ. Bởi từ trước đến giờ mỗi khi chùa Chiêu-thiền lập đàn tràng, thường mời ít ra hơn trăm tăng chúng về trợ giúp.
- Bây giờ tới phái Mê-linh.
Tữ-Mẫn hướng Nghi-Ninh sư thái : Nhân đền thờ vua Trưng mới được xây. Phái Mê-linh gửi trăm cao thủ, chia ra làm hai chục toán, kéo về Thăng-long, đi quyên giáo, lấy tiền đúc tượng mười hai nữ đại công thần. Ẩn thân tại các ni am. Khi khởi sự thì cùng nhập Hoàng-thành trợ giúp hoàng-hậu, chiếm cung Cảm-Thánh, kiềm chế gia thuộc bọn gian thần.
Ghi chú của thuật giả:
Thời Lĩnh-Nam có 162 anh hùng cùng nổi dậy theo vua Trưng. Trong số 162 anh hùng ấy thì 12 nữ tướng được coi như đại công thần. Mười hai nữ đại công thần triều đình vua Trưng là :
1. Minh-từ hoàng thái hậu Hoàng Thiều-Hoa.
2. Tể tướng Nguyễn Phương-Dung.
3.Tư-đồ, công chúa Nguyệt-Đức Phùng Vĩnh-Hoa.
4. Bình-Ngô đại tướng quân, công chúa Nguyễn Thánh-Thiên.
5. Đại đô đốc, công chúa Gia-Hưng Trần Quốc .
6. Chinh-Bắc đại tướng quân, công chúa Phật-Nguyệt.
7. Trấn-viễn đại tướng quân, công-chúa Tây-vu Hồ Đề.
8. Trấn-Đông tướng quân, công chúa Đông-Triều Lê Chân.
9. Uy-viễn đại tướng quân, công chúa Bát-Nàn Vũ Trinh-Thục.
10.Long-nhương đại tướng quân, công chúa Yên-lãng Trần Năng.
11. Ninh-viễn đại tướng quân Công chúa Đăng-châu Đào Phương-Dung.
12. Tổng trấn Luy-lâu, công chúa Khâu-Ni Quách-A.
Xin đọc Anh-hùng Lĩnh-Nam, Động-đình hồ ngoại sử, Cẩm-khê di hận của Yên-tử cư sĩ do Nam-á Paris xuất bản.
Nghi-Ninh sư thái hỏi :
- Đệ tử Mê-linh hầu hết đều dùng kiếm. Trong khi đi quyên giáo, không lẽ cũng mang kiếm theo ?
- Sư thái hỏi thực phải. Kiếm đó, thái-tử sẽ đem vào cung từ trước.
Tử-Mẫn hướng vào Lê Thúc-Cẩn :
- Bây giờ tới phái Sài-sơn. Phái Sài-sơn gửi hơn trăm cao thủ, giả làm thầy thuốc, về Thăng-long, bán thuốc rong. Đúng giờ khởi sự thì ào vào điện Uy-viễn, bắt hết bọn Phụng-quốc vệ canh phòng, rồi bảo vệ các quan tại đây.
Lê Thúc-Cẩn phì cười :
- Điều này hơi khó, vì chỉ có người Hoa mới bán thuốc rong, chứ đệ tử bản phái chưa từng làm việc này. Thôi được chúng tôi xin cố gắng.
- Còn đệ tử phái Tản-viên, Tôn đại hiệp gửi càng nhiều cao thủ càng tốt. Tất cả giả làm tiều phu, đẩy xe chở củi về Thăng-long bán. Tối, tối ẩn ở bờ hồ Tây. Khi khởi sự, thì chia nhau ra kiềm chế tất cả gia thuộc bọn Phụng-quốc vệ thuộc cung Cảm-Thánh.
Pháp-Dung đại sư tỏ vẻ lo lắng :
- Thưa Nhị-tuyệt, hiện thái-hậu có năm trăm Phụng-quốc vệ, bọn này được chỉ huy bởi Mao Khiêm. Theo như bần tăng biết thì bản lĩnh Mao Khiêm cao thâm không biết đâu mà lường, cạnh y còn các cao thủ bậc nhất Hoa-sơn. Bần tăng e khi chúng ta khởi sự, thì chúng sẽ tiến chiếm cung Long-thụy, uy hiếp Hoàng-thượng, để người ban chỉ gọi Thiên-tử binh về thì ta khó mà thành công. Đại hiệp phải làm thế nào, để có thể khiến cho Mao Khiêm với Phụng-quốc vệ rời Thăng-long thì mới hy vọng thành công.
Tự-Hấp đáp thay cho sư đệ :
- Đại sư yên tâm. Việc đối phó với Mao Khiêm và năm đội Phụng-quốc vệ, thì phái Đông-A xin lĩnh trách nhiệm. Tại hạ sẽ tìm cách cho đem Mao Khiêm với năm đội Phụng-quốc vệ về Thiên-trường. Anh em tại ha ïsẽ thanh lý môn hộ. Còn bọn Hoa-sơn thì không cần.
_ ? ! ? ! ? !
- Chúng tôi mới bắt được một bọn khách thương người Hoa. Chúng dùng thuyền, xâm nhập địa phận bản phái. Thẩm vấn sơ khởi, chúng khai là người phái Hoa-sơn. Để tại hạ sai đưa chúng vào đây, hầu các vị cùng thẩm cung.
- Đại hiệp nói chúng là người phái Hoa-sơn ? !? !
- Vâng !
Tự-Hấp lên tiếng :
- Mấy đứa con gái của bố đâu ? Mau ra mắt các bậc tôn trưởng.
Vỵ-xuyên ngũ tiên cùng dạ ran, rồi tiến lên hành lễ.
Tự-Hấp hỏi :
- Đám khách thương xưng là người của phái Hoa-sơn đâu, các con mời họ vào đây.
Các tôn sư võ học không ai lạ gì Tự-Hấp, bất cứ trường hợp nào ông cũng dùng lời lẽ khách khí. Rõ ràng đám người bị bắt, bị cầm tù, bị thẩm vấn, mà ông dùng chữ khách thay cho tù, mời thay cho giải, tương kiến thay cho thấy mặt.
- Dạ.
Hoàng-Anh hô :
- Mời Hoa-nhạc tam nương vào.
Một nữ đệ tử dẫn ba đạo cô, đầu bị trùm bằng cái mũ vải đen, tay bị trói dính thành một phiến. Lối trói của phái Đông-A rất đặc biệt : Cánh tay, cùi chỏ, cườm tay trái của người thứ nhất, bị cột dính vào với cánh tay, cùi chỏ, cườm tay phải của người thứ nhì. Cũng như vậy, cánh tay, cùi chỏ, cườm tay trái của người thứ nhì cột dính vào tay phải người thứ ba. Cả ba người im lặng không nói lời nào. Rõ ràng họ bị điểm á huyệt.
Bạch- Hạc hô :
- Mời Hoa-nhạc tam phong vào.
Một nam đệ tử dẫn ba đạo sĩ vào. Họ cũng bị trùm đầu, bị trói dính chùm với nhau. Cả ba không nói một câu nào. Mặt họ cúi gầm xuống.
Huyền-Mi hô :
- Mời Ngũ-nhạc đại lĩnh vào.
Mười đệ tử khiêng năm cái cũi. Mỗi cái giam một đạo sĩ, quần áo ướt như chuột, ngồi ủ rũ ở trong, đầu cũng bị trùm. Tiếp theo một cái cũi nữa, trong giam Lưu Kỳ.
Tôn Đức-Hòa kinh ngạc hỏi Tự-Kinh:
- Lão đại hiệp ! Tại hạ nghe, Ngũ-lĩnh, Tam-phong, Tam-nương của phái Hoa-sơn, bản lĩnh cao thâm không biết đâu mà lường. Đại hiệp làm cách nào mà bắt được họ ? Những người trùm đầu này có thực là người của phái Hoa-sơn không ?
Tự-Kinh trả lời bằng cái lắc đầu :
- Già này có biết gì đâu ?
Ông hỏi Vỵ-xuyên ngũ tiên :
- Các cháu ngoan của ông ! Ai đã bắt những người này ? Bắt bằng cách nào ? Họ là ai ?
Hoàng-Anh cười khúc khích, tay chỉ vào Long-Xưởng, Tự-Huy:
- Thưa ông ! Hôm qua, chị em chúng con đang đi đánh cá, thì dân trong trang báo rằng có bọn cướp Tầu-ô, nhập vào địa giới nhà mình. Năm đứa chúng con theo dõi chúng, thì thấy chúng bắt cóc Hiển-Trung vương với tiểu sư đệ định đem về Tầu. Bọn con phải ra tay giải thoát, rồi bắt chúngï giam lại chờ giải lên quan. Sáng nay con đã thưa với mẹ. Mẹ bảo chúng con thẩm cung. Không những chúng bướng bỉnh, che dấu lý lịch, mà còn làm phách. Chúng lớn lối tự xưng những cái gì là Hoa-nhạc tam nương, Hoa-nhạc tam phong, Ngũ-nhạc đại lĩnh .
Nàng chỉ vào Ngô Giới với Lưu Kỳ :
- Còn hai người này, dường như họ điên thì phải. Họ xưng là Thiên-sứ. Một người tự xưng là Đặc-tiến Khai-phủ nghị đồng tam tư, lĩnh Tứ-xuyên tuyên vũ sứ. Một người tự xưng Hoài-Nam hầu Giang-hoài tiết độ sứ.
Năm cô gái vừa nói, vừa cười, vừa đem bọn tù nhân ra làm trò cười. Tự-Kinh cũng cười theo. Nhưng trong cái đùa đó của năm cô gái, họ tìm thấy một sự thật : Không biết bằng cách nào đó, bọn này đã bị các cô bắt.