Bác sĩ mỗi ngày có đến thăm, thì chẳng qua chỉ là thăm chừng xem, bao giờ có thể phải vào bệnh viện. Phạm Bân muốn nhập viện, không muốn có y tá riêng chăm sóc. Thậm chí Phạm Bân trở nên thù nghịch với sự xuất hiện của bác sĩ. Phạm Bân hỏi.
- Ông đến đây làm gì?
Bác sĩ biết rõ tâm lý bệnh nhân nên rất nhẫn nại.
- Phạm Bân, ở nhà nầy không có ai am hiểu về điều dưỡng, vì vậy tốt nhất là anh nên vào nằm ở bệnh viện! - Vào bệnh viện để làm gì? Ông cũng biết là sớm muộn gì rồi tôi cũng chết. Chẳng có thuốc men hay sự chăm sóc nào có thể cứu sống được tôi. Vậy tôi vào đấy để làm gì chứ?
Bác sĩ yên lặng một chút, rồi đặt tay lên vai Phạm Bân.
- Phạm Bân, hiện thời thì cơ thể anh vẫn còn có vẻ bình thường, chưa xe dịch khó khăn, thôi thì anh không muốn vào bệnh viện cũng được. Có điều, tôi cần phải thảo luận với anh đôi điều...
Phạm Bân thở dài.
- Bác sĩ, tôi đã từng biết những người bị bệnh ung thư, nên tôi hiểu rồi sẽ có một ngày nào đó tôi chẳng còn sức đâu để tự rửa mặt, đánh răng ngay cả ngồi dậy. Tôi rất sợ cái ngày đó. Thà là tôi chết sớm còn hơn phải kéo dài đời mình trong tàn tạ. - Nhưng anh Bân ạ. Khi thượng đến vẫn muốn ta sống thì ta không có quyền chết. Mà trên đời nầy cũng có không ít phép lạ. Có người, bác sĩ nói trăm phần trăm là chết, vậy mà sức khỏe lại hồi phục bất ngờ. Chẳng hạn như tôi cũng có một bệnh nhân bị ung thư. Qua mấy bác sĩ ai cũng đoán là ông ta sẽ sống không hơn sáu tháng, vậy mà đến nay là đã hơn mười năm rồi, ông ta nào có chết đâu? Vì vậy, anh Bân cứ hy vọng. Đừng làm cái gì nghịch ý thượng đế, không phải ai bệnh là đều chết cả.
Phạm Bân cười nhạt.
- Hay là tại các ông bác sĩ nhà anh chẩn đoán lầm? Chứ đâu phải người ta không chịu chết?
Bác sĩ lộ vẻ khó chịu, nhưng vẫn nhẫn nại.
- Ung thư là một hình thức, một dạng phát triễn không bình thường của tế bào. Còn lý do tại sao đưa đến ung thư thì y học hiện đại còn chưa biết, vì vậy hiện nay những loại thuốc đặc trị ung thư, chỉ là kềm chế sự phát triển hơn là diệt ung thư. Vì vậy, tôi không giận những gì anh nói đâu. Cả chúng tôi còn chưa hài lòng cơ mà? Cái mà bây giờ anh cần làm là nghỉ ngơi, ăn được cái gì thì ăn, đừng có làm cơ thể mất sức mau quá. Cơ thể đề kháng được bệnh chừng nào hay chừng nấy! - Tại sao phải đề kháng? Kéo dài cuộc sống thêm ba tháng, sáu tháng nữa có ích lợi gì? - Anh Phạm Bân, tại sao anh lại dễ nản như vậy? - Bác sĩ ạ, sự đau khổ của thể xác, hiện nay, những người tôi yêu còn chưa biết, nhưng nếu kéo dài, đến một lúc nào đó không còn che giấu được thì tại sao phải bắt họ đau khổ cho tôi chứ? - Này anh Bân, biết đau một thời gian, rồi sức khỏe lại hồi phục? Sống là phải hy vọng. Bây giờ anh rất cần có một người biết y học bên cạnh chăm sóc. Đừng cố chấp nữa ông bạn ạ. - Đây không phải là cố chấp, mà là một sự chọn lựa. - Anh hãy suy nghĩ lời đề nghị của tôi đi! - Lúc sinh ra tôi không lựa chọn được hoàn cảnh vào đời, thì lúc chết tôi phải có quyền chọn mình một dáng chết chứ? Bác sĩ. Tôi không muốn nằm đó mà nghe tiếng khóc rấm rức của người yêu! - Anh muốn chết trong cô đơn? Tại sao lại chọn cái chết như vậy? - Không phải là chết cô đơn, mà là chết trong yên tỉnh. - Anh Phạm Bân, nghe tôi nói nầy. Con người không thể lúc nào cũng một mình. Mà cần phải có người để an ủi, để tâm sự. Vì vậy, lúc nào thấy cần thiết anh cứ gọi. Đừng bao giờ tước bỏ cả cái quyền được quan tâm của người thân mình.
Phạm Bân chỉ nói:
- Bác sĩ. Tôi đã hết Maxiton rồi! - Lần trước vì anh sang Mỹ, nên tôi cho anh mang theo một số lượng hơi nhiều. Còn bây giờ thì không thể cung cấp cho anh một số lượng như vậy. Anh biết Maxiton nó có hại. Nó làm cho tình cảm thay đổi bất thường. Nên anh chỉ có thể nhận thuốc mỗi ngày. Khi cần cứ nói tài xế đến tôi nhận. - Bác sĩ đừng lo, tôi sẽ không xử dụng quá liều đâu! - Lúc nào tinh thần xuống thấp, chẳng ai kiểm soát được hành vi của mình. Đó là người bình thường chứ đừng nói là... Vì vậy, tôi không thể cung cấp cho anh nhiều hơn. Anh Phạm Bân anh cũng biết là tôi đã quá rộng rãi với anh. Chứ chuyện xử dụng Maxiton nầy theo luật là phải dưới sự giám sát trực tiếp của y sĩ. - Bác sĩ, ông còn sợ gì nữa? Chỉ khi nào đau đớn tôi mới chích. Đừng có nghĩ là tôi có ý tự sát bằng thuốc an thần. Ngày nao cơn đau cũng hành hạ, làm sao tôi tích lũy? Dù gì cũng cận kề cái chết rồi mà?
Bác sĩ lại nói.
- Hay là để tôi chọn một y tá dễ thương cho anh!
Phạm Bân vẫn cứng cỏi.
- Tôi không cần!
Bác sĩ thấy tranh cãi với Phạm Bân trong lúc này vô ích nên bỏ ra ngoài.
o O o
Phạm Bân rồi cũng viết được ba bức thư cho Ninh Tam, chàng ghi rõ ngày sẽ gởi đi để lên bàn. Mấy hôm nay, chuyện cầm bút đã bắt đầu khó. Cầm cây bút trên tay mà như phải xử dụng một công cụ nào đó rất nặng nhọc. Chưa bao giờ Phạm Bân có cái cảm giác như vậy. Phần lớn thời gian trong này, Phạm Bân nằm dài trên giường. Mắt dán lên trần nhà. Thời gian trôi qua, lúc nhanh lúc chậm, làm Phạm Bân bực mình không chịu nổi.
Hôm ấy mặc dù còn tỉnh táo, Phạm Bân nằm trên giường, bỗng muốn đi vào phòng tắm rửa tay. Nhưng không hiểu sao, Phạm Bân chẳng thể nào nhỏm dậy được. Chàng vừa giận vừa ngạc nhiên, cho đến lúc người làm mang quần áo mới ủi bước vào, mới đỡ Phạm Bân dậy được. Bân bắt đầu kinh hãi. Thế nầy thì nguy mất! Chẳng nói ra cảm nghĩ của mình nhưng nhìn ánh mắt lo lắng của người làm, Bân mới biết thế nào rồi. Chàng vội xua bà ta ra ngoài ngay.
Lại nằm xuống giường. Chợt nhiên Bân lại mong mỏi sự hiện diện của một người thân bên cạnh. Rồi Phạm Bân nghĩ ngay đến Lệ Lợi, thế là chàng cố gắng trườn mình lên đầu giường. Nhắc ống nghe lên.
- Lệ Lợi! Alô! Lệ Lợi đấy à? Đến ngay đây nhé?
Lệ Lợi có vẻ ngạc nhiên, nhưng rồi cũng đến ngay, nhìn thấy dáng dấp của Phạm Bân, Lệ Lợi đã hoảng hốt.
- Ồ! Sao vậy? Anh mới về à? Không được khỏe, bệnh nặng lắm ư? Để gọi bác sĩ? Tài xế đâu rồi?
Phạm Bân đưa tay ra nắm lấy tay Lệ Lợi, nhưng rồi cứ yên lặng thật lâu, sau đó mới nói.
- Ngồi xuống đi đã. Lệ Lợi nầy, tôi muốn nhờ giúp tôi một chuyện. Được chứ?
Lệ Lợi vừa lo lắng, hồi hộp, nhưng nói.
- Anh cứ nằm nghĩ đi. Chuyện gì thủng thẳng nói!
Phạm Bân cân nhắc nói.
- Cô nghe cho rõ nhé! Nghe mà đừng có giật mình. - Vâng. - Tôi bị ung thư gan! - Cái gì?
Tay chân Lệ Lợi lạnh ngắt. Phạm Bân nói.
- Đừng khóc, cũng đừng hét toáng lên! Hãy nghe nầy. Cuộc sống của tôi không còn bao lâu nữa, vì vậy...
Nhưng Lệ Lợi không dằn được, nàng khóc òa. Phạm Bân tỏ ra bực dọc.
- Đã bảo đừng khóc mà!
Lệ Lợi sợ quá ngưng lại.
- Cô là người tín cẩn nhất của tôi. Lệ Lợi, hãy nghe đây, bất cứ giá nào cũng không cho họ mang tôi vào bệnh viện nhé, tôi không muốn! - Nhưng chuyện anh vào bệnh viện là chuyện cần thiết! - Nếu cô còn nói vậy, tôi sẽ không nói bất cứ điều nữa gì với cô.
Phạm Bân buông tay Lệ Lợi ra với một chút dỗi hờn. Lệ Lợi lúng túng, Phạm Bân tiếp.
- Tôi muốn cô ở đây, cạnh tôi. Ngày ngày bác sĩ đều đến đây, có người chăm sóc, bác sĩ sẽ không có lý do đưa tôi vào bệnh viện. Tôi thích được ở nhà. - Em sẽ cố chăm sóc cho anh! - Sẽ có một số việc tôi cần nhờ cô. Những điều tôi nói cô cứ y theo đó mà làm, đừng thắc mắc gì cả. Mấy hôm nay tôi mệt quá, tôi không muốn giải thích nhiều. Còn về phương tiện điện thoại, cô đừng tiếp, đừng nói với ai bất cứ chuyện gì có liên quan đến tôi. Ở đây có mấy bức thư. Cô hãy canh theo cái ngày tôi ghi sẵn trên giấy mà gởi đi. Đừng gởi sớm quá!
Lệ Lợi vừa khóc vừa gật đầu.
- Lệ Lợi nầy! Cô biết không, tôi chỉ tin tưởng một mình cô.
Câu nói của Phạm Bân lại khiến Lệ Lợi khóc lớn. Phạm Bân lại bực mình.
- Lệ Lợi, nếu cô cứ khóc mãi thế nầy, thì về đi tốt hơn. - Thôi, thôi, tôi không khóc nữa đâu. Tôi sẽ ở đây lo cho anh.
Phạm Bân nằm yên, nhắm mắt lại. Lệ Lợi ngồi kế bên rắm rức một lúc, rồi mệt quá ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Đến lúc tỉnh dậy mới thấy là trời đã quá trưa. Lệ Lợi vội vàng đi vào bếp, nấu những thức ăn mà hàng ngày Phạm Bân ưa thích. Cũng nấu thêm một miếng cháo cho Phạm Bân dễ ăn. Lúc Phạm Bân tỉnh dậy, thấy Lệ Lợi bên cạnh, có vẻ hài lòng. Lệ Lợi vội vã mang thức ăn ra.
- Nầy có đủ cả. Thịt bò xào củ hành, thịt chưng, toàn là những thứ mà anh ưa. Dậy đi! Ăn nhé?
Phạm Bân cảm động nhìn Lệ Lợi. Chàng ngồi dậy, cố ăn một chút, nhưng chẳng thấy ngon miệng chút nào. Cái thái độ của Bân làm Lệ Lợi khóc thêm.
Buổi tối. Bác sĩ đến, Lệ Lợi gấp gáp.
- Bác sĩ, sao bác sĩ đến trễ như vậy?
Phạm Bân sợ bác sĩ phiền, nói.
- Lệ Lợi, bác sĩ đến rất đúng giờ. Cô đừng có lộn xộn.
Bác sĩ quay sang Lệ Lợi.
- Cô là người chăm sóc cho Phạm Bân?
Phạm Bân giải thích.
- Vâng, cô ấy mãi đến hôm nay mới biết, nên quýnh quáng nói bậy. Cô ấy sẽ chăm sóc cho tôi, có gì bác sĩ cứ dặn dò cô ấy. Trong khi mắt Lệ Lợi đỏ hoe.
- Bác sĩ hãy cứu anh Bân!
Phạm Bân cẳn ngăn.
- Lệ Lợi. Bác sĩ lúc nào chẳng cố gắng hết sức? - Nhưng mà, bác sĩ! Tôi không muốn anh Bân chết!
Phạm Bân nói.
- Lệ Lợi! Đừng có nói bậy!
Vị bác sĩ thì không rõ vị trí của Lệ Lợi trong nhà, nên hỏi.
- Cô đây là...
Phạm Bân chỉ nói gọn.
- Đấy là cô Chu Lệ Lợi. Bác sĩ, xin hãy giúp tôi, tôi mệt mỏi quá.
Bác sĩ biết là mình phải làm gì, lấy Maxiton ra nói với Lệ Lợi.
- Cô Lợi. Thuốc nầy phải cách bốn tiếng đồng hồ mới tiêm được một lần. Không được chính nhiều hơn. Chỉ những lúc thật cần thiết...
Lệ Lợi lo lắng.
- Nhưng đó là gì vậy?
Phạm Bân nói nhanh.
- Thì là thuốc chứ gì?
Bác sĩ tiếp.
- Bản thân anh Phạm Bân cũng biết cách tiêm thuốc, có điều nhiều lúc anh ấy mệt mỏi quá, không thể tự tiêm được thì... - Nhưng tôi đâu có biết tiêm thuốc?
Phạm Bân sợ bác sĩ lại bảo chàng vào bệnh viện. Chàng vội chen vào.
- Dễ lắm. Trẻ con cũng tiêm được, để một chút nữa tôi sẽ dạy cô.
Nhưng Lệ Lợi vẫn nói.
- Kim nhọn thế nầy, chích sẽ đau lắm, tôi sợ. - Không đau đâu! - Nhưng tôi không dám!
Bác sĩ can thiệp.
- Vậy thôi để tôi cho anh thuốc uống cũng được. Có điều công hiệu chậm một chút. Dù gì anh vào bệnh viện tốt hơn?
Phạm Bân lắc đầu:
- Ông lại muốn tôi như thế? - Biết làm sao bây giờ. Vậy thì lúc nào cần, anh hãy gọi giây nói cho tôi nhé!
Lệ Lợi gật đầu, lời dặn dò cuối cùng của bác sĩ khiến nàng yên tâm. Buổi tối hôm ấy, Phạm Bân chớp mắt nhiều lần và mỗi lần Phạm Bân tỉnh dậy, đều thấy Lệ Lợi ngồi thức cạnh giường.
- Lệ Lợi, sao không ngủ đi? Ngủ mới được chứ?
Lệ Lợi rơm rớm nước mắt.
- Làm sao tôi có thể ngủ được? Anh muốn đi toilette không? Để tôi đỡ anh đi?
Phạm Bân nói.
- Thôi được rồi, để tôi đi thử một mình xem. Em chỉ cần đỡ tôi dậy, rồi đi theo saụ.. - Vâng.
Phạm Bân sau nhiều cố gắng, cuối cùng đứng dậy được, nhích đi từng bước. Lệ Lợi mừng rỡ.
- Ồ! Anh khỏe rồi đấy! - Đúng rồi, khỏe thật! Vậy chút nữa, em ngủ một chút đi nhé!
Trở vào, Phạm Bân không dỗ giấc ngủ lại được. Nhưng vì sợ lại phá hỏng giấc ngủ của Lệ Lợi, nên Bân phải giả vờ nhắm mắt, nằm yên. Bân biết tính Lợi là rất dễ thức, chỉ cần nghe tiếng trở mình, là Lợi sẽ mở mắt ngay.
Lệ Lợi nằm co người trên ghế salon gần đó. Đợi Lệ Lợi ngủ say, Phạm Bân mở mắt ra, ngắm người đàn bà trước mặt. Cái khuôn mặt đã có nếp nhăn đó, lại là tín đồ trung thành nhất đối với Bân. Để Bân không nghĩ là Lệ Lợi lo lắng chuyện nhà, suốt buổi Lợi đã không dám nhắc đến bé Tiểu Lợi. Điều này làm Bân cảm động. Cửa sổ không đóng, gió lạnh đang lùa vào. Mà Lợi lại chỉ có bộ áo quần mỏng manh. Thế là Phạm Bân cố gắng đứng dậy lần nữa, lấy thêm chiếc khăn rồi tựa lưng vào bờ tường, nhích dần đến chỗ Lợi. Đắp chiếc khăn lên người nàng. Cái động tác nhẹ nhàng như vậy, mà Bân cũng thấy mệt như vừa kê dịch xong một vật nặng ngàn cân. Bân phải ngồi thở lấy sức. Nhưng động tác của Bân cũng đánh thức Lệ Lợi dậy.
Trong ánh sáng lờ mờ của bóng đêm. Lệ Lợi như trở về với mười mấy năm về trước. Cậu bé Phạm Bân mười bốn tuổi gầy yếu, đã ngồi buồn bã trên ghế salon nhà nàng thế nầy. Bất giác Lệ Lợi xúc động, ôm ghì lấy Phạm Bân và nước mắt chảy dài.
- Phạm Bân, anh biết không? Bọn mình là những đứa không gia đình. Lớn lên trong phim trường. Bây giờ nếu Bân mà bỏ đi, thì không biết tôi còn ai? Tôi chẳng có người bạn nào khác? Bân không được đi, phải khỏe lại!
Phạm Bân xúc động nói.
- Lệ Lợi, tôi rất cảm ơn em. Tôi mang ơn em rất nhiều. Những năm tháng qua thật lò vô ích, tôi chỉ tìm đến với em trong những lúc buồn hay khó khăn, còn lúc vui, hạnh phúc, tôi lại biến mất. - Không, Bân đừng nói vậy. Mỗi lần gặp Bân là tôi mừng, không cần biết tình cảm Bân ra sao, chúng ta đã hạnh phúc khi bên nhau. Vì chúng ta có tình bạn chân thật! - Đừng nói vậy Lệ Lợi ạ. Tôi có lỗi với Lợi nhiều vì tôi là con người vô tâm. Tôi cứ xem Lệ Lợi như người nhà của mình một cách tự nhiên, nên không giữ kẽ.
Rồi hai người ôm nhau, cùng khóc. Họ cứ ngồi như vậy tâm sự, hồi tưởng, mãi cho đến lúc nắng lên. Bấy giờ Lệ Lợi mới giật mình.
- Ồ! Gần cả đêm anh đã không ngủ. Mau lên giường đi! Tôi dìu anh đi!
Phạm Bân ngoan ngoãn lên giường với nụ cười.
- Được rồi, nhưng trước khi ngủ, Lợi hãy pha thuốc cho tôi. Sau đó chúng ta cùng ngủ.
Phạm Bân không muốn Lệ Lợi biết thuốc đó là loại an thần. Uống nhiều gây nghiện, mà Bân cũng chỉ muốn uống lượng vừa đủ, để khống chế cơn đau thôi. Chàng chẳng muốn ở trạng thái mê sảng chờ chết. Vì Bân đã từng chứng kiến cảnh những ngày cuối cùng của đạo diễn họ Dương trong bệnh viện.
o O o
Ngủ một chút, dậy ăn thêm một ít cháo, Phạm Bân thấy khá hơn nhiều. Bên ngoài khung cửa sổ, gió lộng. Gió làm lay động cành lá. Chợt nhiên Phạm Bân thấy khung trời bên ngoài đẹp quá. Còn ở đây bốn bức tường như tù ngục. Phạm Bân nói.
- Lệ Lợi! Tôi muốn được dạo mát một chút. Lệ Lợi lái xe được không?
Lệ Lợi mừng rỡ vừa lo.
- Anh nhắm có đủ sức chịu đựng không?
Phạm Bân tự mặc áo quần. Vẫn còn đẹp trai ra phết. Lệ Lợi sung sướng chạy đi lấy chìa khóa xe. Đã lâu rồi không chạy xe. Nên không biết chìa khóa Bân đã vứt ở đâu. Lợi phải ra phòng khách tìm, đến lúc tìm được vừa quay đầu lại, Lệ Lợi đã muốn đứng tim. Phạm Bân đang lần theo cầu thang đi xuống. Trong lúc loạng choạng, chàng đã hụt chân. Lệ Lợi hét to chạy đến nhưng không kịp. Bân ngã dài trên cầu thang.
- Anh Bân! Anh Bân! Có sao không? Anh đi một mình làm gì? Phải lượng sức chứ.
Phạm Bân ngồi đó, đôi mắt đỏ ngầu, bực tức trước sự bất lực của mình. Bân đấm mạnh tay xuống nền gạch.
- Thật đáng chết! Đáng chết! Sao lại thế nầy?
Lệ Lợi vòng tay qua người Bân, cố đưa chàng đến ghế.
- Anh thấy thế nào? Tôi gọi dây nói mời bác sĩ đến nhé?
Phạm Bân vội can ngăn.
- Đừng gọi bác sĩ. Bỏ được thoại xuống, tôi không sao đâu.
Lệ Lợi do dự rồi đặt ống nghe xuống.
- Vậy để tôi đi rót cho anh một cốc nước? - Không cần! Chúng ta vẫn tiếp tục đi hóng mát!
Phạm Bân nói và nhìn ra ngoài. Cái khung cảnh ngoài kia như lâu rồi Bân không gặp. Vậy mà chỉ mới ba tuần lễ, Bân ở nhà ba tuần lễ. Bức thư đầu tiên gửi từ xứ "Mông Cổ" có lẽ Ninh Tam đã nhận được. Bân còn gạt Ninh Tam được bao lâu?
o O o
Phạm Bân dặn Lệ Lợi lái xe đến ngỏ dẫn vào bãi Ngọc Trai, rồi cho xe ngừng lại. Chàng chỉ có thể đến đây chứ không thể đi xa hơn. Nhưng ngồi ở đây, Bân hình như cũng nghe được tiếng sóng vọng lại... Rồi hình dung được bãi cát nơi đó có bóng Ninh Tam chân trần chạy với mái tóc xỏa ra sau, với đôi môi cong cớn ngang bướng...
Có tiếng hỏi của Lệ Lợi.
- Đậu xe ở con đường lầy lội nầy để làm gì?
Mắt Phạm Bân vẫn hướng về xa xăm.
- À, không có gì. Chỉ để chia tay với một người bạn!
Lệ Lợi nghi ngờ nhìn sang. Bân lại bảo.
- Thôi cho xe chạy!
Yên lặng một lúc, Bân lại nói như dặn dò Lệ Lợi.
- Hãy gắng mà bảo trọng chính mình. Hãy cứng rắn đừng để người ta ăn hiếp. Trước khi nhận đóng phim nào phải có hợp đồng cho rõ ràng. Đừng có tin tưởng những cái hãnh phim mới. Bọn đó ma đầu lắm, biết Lệ Lợi là người tình cảm, dễ mềm lòng. Bọn chúng sản xuất phim xong. Hốt bạc lại gặp diễn viên là cứ than khổ, than lỗ, rồi xin giảm bớt tiền thù lao, kết quả là chỉ có mình bị thiệt thòi.
Lệ Lợi an phận.
- Mình không phải là diễn viên chính, lại không nổi tiếng, già nữa. Sợ khó quá chẳng ai thèm mời. Bân cũng biết là năm nay tôi đã ba mươi hai tuổi rồi, chứ nào có trẻ đâu? - Đừng có mặc cảm. Tiền thù lao bao nhiêu là bao nhiêu, chứ không thể năm ngàn cũng được, mười ngàn cũng được. Lệ Lợi hãy nghe đây nầy. Trông cô vẫn còn rất trẻ, còn ăn khách, phải vững niềm tin! - Tôi già rồi, cũng không đẹp, bằng không đã được đóng vai chính lâu rồi. - Đừng nói vậy, Lệ Lợi, cô chưa già, cô vẫn còn đẹp lắm!
Lệ Lợi rưng rưng nước mắt.
- Từ nào đến giờ tôi không dám tự tin, tôi thường mặc cảm, nếu không có anh bên cạnh khuyết khích, nói là tôi đẹp, tôi đóng phim giỏi, có lẽ tôi đã buông xuôi...
Phạm Bân nhìn Lệ Lợi.
- Hiện nay cô rất cần tiền phải không?
Lệ Lợi lắc đầu.
- Tôi cũng có tích lũy được chút đỉnh, hiện cũng có phim đóng nên chưa cần tiền. - Tại sao từ nào đến giờ, cô cứ từ chối tiền của tôi? - Không cần thì tôi lấy tiền của anh mà làm gì?
Phạm Bân suy nghĩ rồi nói.
- Có một điều... Lâu rồi... Tôi muốn hỏi cô, Tiểu Lợi nó là...
Lệ Lợi đáp nhanh.
- Đã nhiều lần anh hỏi. Tôi cũng nói rồi, cha Tiểu Lợi họ Huỳnh cơ mà? - Nhưng mà tôi biết... Cô lấy chồng chưa đủ chín tháng đã sinh nó... - À, đó là chuyện đàn bà. Tôi bị đẻ non. Đàn bà đẻ lần đầu hay gặp cái ca đó lắm. Mấy người lớn tuổi hay nói...
Phạm Bân nói.
- Có lẽ là tôi quá lo xa. Nhưng không hiểu sao tôi cứ mãi có cảm giác... - Chỉ tại anh thương nó quá! Nhưng tôi đâu thể để anh có cái hiểu lầm kỳ cục vậy? - Chắc chắn là cô không dối tôi? - Anh cũng biết mà... Bé Tiểu Lợi đâu thể hôm nay họ Huỳnh ngày mai lại ho. Phạm? Mà tôi dối gạt anh để làm gì? Anh chẳng thấy tôi cũng đã từng có chồng đàng hoàng sao? - Vậy thì xin lỗi nhé!
Lệ Lợi cảm hoài thân phận mình, càng tủi thân hơn. Từ nào đến giờ Lệ Lợi chẳng dám mơ ước được Phạm Bân cưới làm vợ. Nhưng tật cùng thâm tâm, Lợi vẫn có một chút hy vọng nào đó rồi xóa ngay khi nghĩ đến Văn Mật và Ninh Tam. Vì Lệ Lợi thấy mình nhỏ nhoi quá, thấp hèn quá.
- Thôi chúng ta về, cô khóc thế nầy làm sao lái xe được?
Xe vừa về đến nhà, Phạm Bân chợt nãy ý.
- Thôi cô về nhà cô đi. Còn phải chăm sóc cho Tiểu Lợi, mấy hôm nữa tôi sẽ gọi điện qua! - Không, tôi phải ở lại đây, về rồi ai chăm sóc anh? - Bây giờ tôi đã đỡ nhiều. Cô phải về nhà cô chứ? Bé Tiểu Lợi còn nhỏ, cô để nó một mình ở nhà không sợ à? - Thôi được, vài hôm nữa tôi sẽ quay lại. - Được, tôi sẽ điện thoại liên lạc. Nhớ đừng cho ai biết là có gặp tôi nhé?
Trở lại với nỗi cô đơn. Phạm Bân năm yên suy nghĩ. Chẳng ai có thể giúp gì được cho chàng lúc nầy. Ở đây chẳng còn ai. Lệ Lợi thì cứ khóc và lo sợ, đụng chút là quay điện thoại gọi bác sĩ. Thế thì ai có thể lo cho Bân trong lúc cần? Phạm Bân nằm đó trằn trọc. Chưa bao giờ chàng thấy buồn thế nầy. Cuộc sống như ngọn đèn sắp tàn. Ngồi đó mà nhìn cái chết gậm nhấm vô vọng.
Rồi một ngày mới lại bắt đầu. Phạm Bân xuống phòng khách, đếm từng giây từng phút trôi qua. Cái chết mỗi lúc như cận kề mời gọi. Phạm Bân có cảm giác mình đang đi giữa lằn ranh sống và chết. Chưa bên nào chịu nhận chàng.
Chuông cửa đột ngột reo. Bà tớ vẫn làm theo lời dặn của Phạm Bân, nói là chàng còn ở tận bên Mỹ chưa quay về. Vậy mà ngươì đến viếng không chịu bỏ đi, nằn nì gì đó mà Phạm Bân nghe có mấy chữ "Cô Ninh Tam..."
Tò mò, Phạm Bân hé rèm cửa sổ. Thì ra đứng ngoài là A Đệ. Cậu trai pêđê mà Ninh Tam thường nhắc. Một thân tín của Ninh Tam mà Phạm Bân cũng có cảm tình.
Không biết nghĩ sao, Phạm Bân ra lệnh cho người tớ cho phép A Đệ vào. Trên tay A Đệ có một chậu cây nhỏ. A Đệ có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy Phạm Bân và Phạm Bân cũng lúng túng khi tiếp xúc với A Đệ.
- Ủa, nghe nói là anh đang ở Mông Cổ mà?
Phạm Bân chỉ nói.
- Cậu mang chậu kia đến đây làm gì?
Rồi hai người yên lặng. Phạm Bân lại hỏi.
- Ai bảo cậu đến? - Ninh Tam viết thư cho biết là anh đang đóng phim ở tận xứ Mông Cổ, ít ra mấy tháng nữa mới quay về, vì vậy muốn tôi mang cái cây nầy đến trồng ở trước cửa nhà anh. Để gây sự ngạc nhiên cho anh khi trở về. Ninh Tam thường hay có những ý tưởng rất là kỳ quặc như thế. - Vậy cậu cứ giao cho người làm tôi trồng là xong! - Không được, Ninh Tam có dặn là tôi phải đích thân trồng, nhưng mà tại sao anh lại không ở Mông Cổ? - Cậu ra ngoài trồng cây trước đi, rồi quay vào đây, mình sẽ nói chuyện sau.
A Đệ nhanh chóng bỏ đi ra ngoài đào lỗ trồng cây, tưới nước cẩn thận rồi mới đi vào. Phạm Bân đưa tay cho A Đệ bắt, rồi hỏi.
- Mình là bạn của nhau, đúng không? - Vâng. Nhưng tại sao anh lại không ở Mông Cổ?
A Đệ vẫn không hết thắc mắc. Phạm Bân không trả lời thẳng mà lại hỏi tiếp.
- Tôi hỏi cậu nầy. Con người có quyền tự kết thúc cuộc đời mình không?
A Đệ suy nghĩ một lúc, đáp.
- Khi cuộc đời không còn hạnh phúc, nó chỉ là bể khổ thì ta có quyền. Bởi vì ta là chủ của chính ta chớ chẳng ai là chủ ta cả. - À... Ninh Tam cũng thường hay nói như vậy.
A Đệ nói.
- Vì vậy mà tôi và chị ấy rất hợp nhau. Chị Ninh Tam rất đẹp mà anh cũng rất đẹp. - Vậy ư? - Tôi đã nghe chị ấy nói nhiều về anh. - Cậu không ghét tôi chứ? - Tôi rất thích anh. - Vậy thì tôi sẽ nói cho cậu biết tại sao tôi không có mặt ở Mông Cổ.
Rồi Phạm Bân tuần tự kể hết chuyện của mình ra cho A Đệ nghe. A Đệ buồn và đau khổ không kém.
- Vì vậy, tôi không thể ngồi đây chờ cái giây phút cơ thể mình biến dạng. Bụng to lên, mặt vàng vọt, rồi mùi hôi nồng nặc vây quanh... Cái ngày đó, đương nhiên, sớm muộn rồi cũng sẽ đến!
A Đệ hỏi với lòng đầy cảm xúc.
- Anh đã có ý không muốn Ninh Tam biết, vậy anh còn kể tôi nghe làm gì?
Phạm Bân thở dài.
- Bởi vì tôi cần sự giúp đỡ của cậu. Cậu thấy đấy, tôi thì một thân một mình, lại chẳng có ai đáng tin bên cạnh. Nhưng mà... Cậu có nhận giúp tôi không?
A Đệ buồn bã.
- Nhưng tôi có thể giúp được gì cho anh chứ? - Đơn giản thôi. Cậu ra nhà thuốc tây mua đủ số lượng thuốc về đây. Tôi có nhờ ông tài xế với bà người làm nhưng họ không chịu, mà tôi thì không còn sức khỏe để góp nhặt từng nơi...
A Đệ nghe nói, lắc đầu từ chối ngay.
- Tôi không muốn anh bị bệnh tật đau khổ dày vò, nhưng cũng không muốn là kẻ sát nhân! - A Đệ, đó không phải là chuyện giết người, mà đó là chuyện giúp tôi giải thoát. Bởi vì, tôi không thể chịu đựng nổi sự đày đọa của thân xác, tôi cũng không muốn đê? Ninh Tam thấy cái nhục thể đáng tởm của tôi. Chuyện đó còn tàn nhẫn hơn. A Đệ! Ở đời nào có ai lại không muốn sống đâu? Nhưng mà... Sống đẹp thế nào kìa. Cậu mà để tôi kéo dài cái thân xác bệnh hoạn nầy đến lúc nó trương phình ra, xấu đi, rồi Ninh Tam nhìn thấy. Tôi đau khổ và Ninh Tam đau khổ gấp vạn lần, như vậy mà cậu đành sao? Những ngày kế tiếp sẽ khổ thế nào? Thượng đế cố tình kéo kê để chế diễu, cười cợt trên sự đau khổ đó. Nếu chúng ta an phận chấp nhận kéo dài, thì chỉ là một tiếp tay chứ chẳng ích lợi gì. Chẳng ai cảm thông, ý thức cho ta. A Đệ! Hãy giúp tôi! Giúp tôi được làm chủ vận mệnh của chính mình! Với nhiều người, đó là tội ác, họ phản đối vì họ đâu phải là nạn nhân nhưng với những người cấp trên như chúng ta, đó là vì ta muốn làm chủ được sự sống của mình. Được chết lúc nào, đúng lúc!
A Đệ có vẻ giao động.
- Anh hãy để tôi về nhà suy nghĩ lại đã, chớ bây giờ tôi không đủ cam đảm làm chuyện đó đâu. Mặc dù những điều anh nói hoàn toàn đúng!
Phạm Bân thở dài.
- Tại sao lại không đủ can đảm để làm cái chuyện mà mình thấy là đúng? Không lẽ chúng ta thật sự là những con rối được định mệnh điều động tùy ý thật sao?
Nói tới đây chợt phía ngực phải của Phạm Bân đau buốt. Bân gập người lạị mồ hôi vã ra như tắm, chàng lăn người trên ghế salon. Lấp bấp.
- A Đệ... Mau mau... Gọi bà người làm mang thuốc đến ngay cho tôi!
A Đệ phóng nhanh về phía nhà bếp tìm bà người làm. Bà ta hớt hãi chạy lên với lọ thuốc an thần trên tay. Phạm Bân được uống thuốc ngay. Uống xong chàng ngoẹo cổ lên thành ghế, nằm thở dốc. Bà người làm lo lắng.
- Ông chủ, có cần điện thoại gọi bác sĩ đến không?
Phạm Bân lắc đầu.
- Không... Không cần... Đừng nhé... A Đệ...
A Đệ chạy tới ngồi cạnh, tay đỡ người Phạm Bân lên. A Đệ nói.
- Thôi được rồi, có tôi ở đây, bà khỏi gọi bác sĩ. Chừng nào có chuyện gì cần tôi sẽ nhờ bà ngay! - Vâng.
Rồi bà ta bỏ ra nhà bếp. A Đệ có cảm giác như từng cơ bắp của Phạm Bân đang run rẩy, rã rời. Mặt Phạm Bân nhăn nhúm một cách khổ sở. A Đệ bắt đầu ý thức được cái đau đớn tột cùng của Phạm Bân. Khoảng năm phút sau, Bân mới có vẻ thư giản lại. Khuôn mặt đầm đìa mồ hôi.
- Đấy cậu thấy đấy. Tôi muốn chết cũng nào có dễ dàng?Cái đau của thể xác mình, đối với các y bác sĩ thì đó là chuyện bình thường vì họ đã quá quen, nên rất bình thản. Trong những trường hợp như ban nãy, họ thường tống chúng ta vào bệnh viện, rồi cho thuốc an thần để giảm đau. Thuốc thấm người bệnh sẽ mê mê man man, quên đau đớn, nhưng rồi thuốc hết công hiệu, cơn đau sẽ quay trở lại. Bệnh nhân càng ngày như ngọn đèn cạn dầu, chết dần chết mòn đến lúc tàn hơi. Tôi không trách mấy ông bác sĩ. Họ cũng nào có muốn vậy, họ cũng chẳng biết làm sao hơn... Đến cái nước đó, thì tôi thà chết ở nhà sướng hơn là vào viện.
A Đệ cảm thông, yên lặng.
- Vì vậy, A Đệ. Chúng ta phải hành động kịp lúc. Đừng để nỗi khổ đau kéo dài gây cả phiền cho cả họ. - Chị Ninh Tam sẽ... - Tôi không muốn Ninh Tam quay về đây. Tôi không muốn Ninh Tam biết gì cả.
A Đệ suy nghĩ, rồi nhìn lên.
- Mai nhé? - Mai à?
Phạm Bân bình thản, rồi cười.
o O o
Cả ngày hôm ấy, Phạm Bân sống trong căng thẳng chờ đợi. Chàng sơ. A Đệ đổi ý.
Buổi trưa, nắng ấm, Phạm Bân ra lệnh người làm kéo hết màn cửa sổ lên, để nắng tràn ngập đầy phòng. Rồi Phạm Bân tựa đầu bên ghế, đốt một điếu thuốc lá. Lâu rồi, Phạm Bân đã không hút thuốc.
A Đệ mang một xấp tạp chí vào. Bên trong là những vĩ thuốc ăn thần. A Đệ để cả vào túi áo cho Phạm Bân.
Nắng phải chiếu lên mặt người diễn viên trẻ bất hạnh. Đôi mắt sâu vẫn long lanh, vẫn sống. Rồi nó sẽ khép lại. Khép lại khi tuổi đời còn xanh. A Đệ cảm xúc.
- Tôi sẽ không hối hận về chuyện mình đã làm.
Phạm Bân đáp.
- Đó là cơ duyên giữa hai ta, thì có gì mà hối hận?
Thái độ bình thản của Phạm Bân làm A Đệ bức rức. A Đệ quay mặt đi và nói.
- Vĩnh biệt, anh Phạm Bân!
Phạm Bân yên lặng. A Đệ yên lặng rút lui. A Đệ không về nhà ngay mà loanh quanh mãi ngoài phố...
o O o
Sau khi cho tài xế và bà người làm về. Phạm Bân lật tờ tạp chí ra, nhưng chẳng đọc chữ nào cả.
Con người trước khi chết vẫn có thể bình thản. Phạm Bân tự nhận xét. Hình ảnh của Ninh Tam, Văn Mật, Chu Lệ Lợi, và Phương Bích Quân, lúc mờ lúc tỏ hiện ra. Họ như đến từ một nơi thật xa có lẽ là từ cố quận. Còn Phạm Bân? Bân giống như một tay lãng tử.
Thuốc ngủ uống vào bụng cũng giống như bao nhiêu viên thuốc khác. Uống xong, Phạm Bân còn hút thêm mấy điếu thuốc cho hương vị đậm đà. Khói thuốc tỏa ra, giống như những sợi tóc của Ninh Tam.
- "Bây giờ trong tóc anh đã có tóc của em. Chúng ta coi như đã lập lời nguyền. Cuộc đời chúng mình sẽ dính chặt từ đây".
Ninh Tam đã từng nói như vậy.
Nếu chết đi rồi mà còn lỗi hẹn, chẳng phải đạo với người nào, thì đó là với Ninh Tam. Định mệnh đã cướp đi mạng sống của Phạm Bân, cũng là cướp đi tình yêu của Ninh Tam. Bậy thật! Ninh Tam lại chưa đầy mười tám tuổị..
Phạm Bân đốt thêm điếu thuốc. Khói thuốc tỏa lên với ánh mắt, đôi mi của Ninh Tam. Rồi khuôn mặt của Văn Mật... Cái dáng của Phương Bích Quân trong cơn mưa tầm tả, bàn tay dịu dàng chăm sóc của Chu Lệ Lợi.
Mọi thứ bềnh bồng như sương khói.
Khói cứ tỏ ra. Những khuôn mặt lúc ẩn lúc hiện. Để rồi cuối cùng tấm màn đan buông phũ. Phạm Bân cố gắng lần cuối cùng, vẫn không thấy gì hết.
Điếu thuốc rơi xuống đất. Ánh sáng đã mất tự bao giờ.