Lực đi rồi, Ỷ-Lan tuyên chỉ cho Hoàng-Nghi:
- Nghi đệ hãy dẫn Phương-Quỳnh đi thăm làng mình một lần cho biết.
Hoàng-Nghi tuân chỉ dẫn Phương-Quỳnh đi khắp làng Thổ-lội, chỉ cho nàng xem những nơi ghi kỷ niệm thời thơ ấu của Long-biên ngũ-hùng. Tới mấy viên đá cạnh miếu thổ thần, Phương-Quỳnh chỉ cho Hoàng-Nghi ngồi rồi hỏi:
- Này anh Nghi ơi! Phi đã truyền gả em cho anh, thì dù anh chưa cưới em, em cũng tự coi như là vợ anh, cho nên em phải chú ý đến đời sống của anh. Em hỏi anh câu nàay nhé: Anh có để ý đến những điều khác lạ của con nữ tỳ Nang-Trúc không?
- Không! Nó chỉ là đứa con gái người Chàm, bất hạnh bị câm mà thôi.
- Nguồn gốc nó ra sao?
- Theo mẹ anh nói, nó là con một thợ săn. Vì mẹ nó chết không có tiền chôn cất, nên cha nó bán nó cho gia đình anh. Tuy nó câm, nhưng không điếc. Nó rất thông minh, cần mẫn. Trong tất cả các tỳ nữ, nó là người săn sóc anh tận tâm nhất. Vì vậy đi đâu anh cũng mang nó theo.
- Nó câm, mà sao lại biết chữ?
- Theo cha nó, hồi nhỏ nó học rất thông minh, năm mười sáu tuổi, chẳng may bị lên một cơn sốt, rồi hóa câm.
Phương-Quỳnh lắc đầu:
- Anh tin tất cả những gì cha nó nói, rồi không chú ý nữa?
- Quỳnh đã thấy nó có hành vi nào khác lạ không?
- Em thấy, thấy rất nhiều.
- ???
- Theo anh nói, anh có dậy cho nó một ít bản sự, với nội công Đông-a. Thế mà em thấy bước chân của nó nhẹ như chim, khi bước lên xe ngựa, nó chỉ đặt ngón chân cái vào bàn đạp là tung người lên ngồi vào phiá sau xe rất êm. Như vậy có phải nó đã luyện nội công âm-nhu đến trình độ thâm hậu rồi không?
Hoàng-Nghi giật bắn người lên:
- Ừ nhỉ!
- Từ Thăng-long về đây, xe ngựa đi trên đường gập ghềnh như thế. Đến em, luyện tập có dư mười năm, mà còn thấy mệt. Nhưng nó lại không. Bằng cớ là tới nơi, nó đứng dậy nhẹ nhàng, rồi khi chuyển hành lý xuống; với túi hành lý của anh, của nó nặng có dư trăm cân (50kg ngày nay) mà nó dùng có hai ngón tay móc bổng lên, đem vào nhà dễ dàng. Như vậy công lực nó thực hơn chúng mình nhiều.
- Em thử đoán xem, nếu như nó là gian tế, thì làm gian tế cho ai? Cho Chiêm? Cho Tống? hay cho họ Dương?
- Khó biết lắm. Bởi nội công của nó là nội công Mê-linh. Theo em biết hiện trong phái Mê-linh chỉ có 8 vị luyện tới mức thượng thừa. Sau này thêm công chúa Thiên-Thành với thần-phi mà thôi. Vậy có thể nó là đệ tử của một trong tám vị đó. Vì vậy em khuyên anh nên chú ý theo dõi nó, và đề phòng một chút.
Vào buổi chiều hai ngày sau, như chương trình định sẵn, nàng sang chùa Từ-quang thăm sư phụ Viên-Chiếu, cùng gặp lại những người cũ của thời thơ ấu.
Ỷ-Lan tới nơi, thì trong chùa đã có mặt đủ: Thân nhân vương phi Trinh-Dung, Ngọc-Nam, hai phu nhân Thanh-Thảo, Ngọc-Huệ; thân nhân hai đại thần Lý-kế-Nguyên, Quách-sĩ-An; Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt với gia đình; lại có cả các bà làm công quả. Sư Viên-Căn ra đón phi. Ông định hành lễ, thì phi nói chặn trước:
- Sư huynh! Muội là con bé làm công quả Yến-Loan đến thăm sư phụ, chứ muội có phải là thần phi đâu? Sao, sư phụ vẫn thường an lạc chứ?
Viên-Căn mỉm cười:
- Tiếc quá, sư phụ với sư bá Mộc-tồn mới cùng Viên-Mộc, Viên-Diệp, Viên-Chi vân du thuyết pháp cách đây hơn tuần.
Ỷ-Lan được mời vào bảo điện. Tất cả mọi người đều hành đại lễ. Phi đáp lại, rồi đưa mắt nhìn qua cử tọa: Ngoài những người trong làng mà phi đã biết ra còn thấy năm cặp vợ chồng. Nam thì hùng vĩ khôi ngô, nữ thì ôn nhu văn nhã, đẹp tuyệt thế. Hoàng-Nghi đọc được câu hỏi trong ánh mắt Ỷ-Lan rằng :” họ là những ai vậy ?”. Chàng chỉ năm cặp đó:
- Tâu thần phi, đây là năm kỳ nam tử, năm tuyệt thế giai nhân, mà phi đã biết rất kỹ về họ, nhưng chưa từng gặp.
- ???.
- Đó là các vị cựu kỳ chủ Hồng-thiết giáo Chiêm-thành. Nhưng hiện đã được Bồ-tát Mộc-tồn thu làm đệ tử, giải Chu-sa huyền-âm độc tố, cùng trị lưỡi cho. Người truyền bỏ cái tên Đông-Thiên đặt, cải họ các sư huynh thành Hùng, các sư tỷ thành Âu.
- ???
Viên-Căn đỡ lời cho Hoàng-Nghi:
- Sư bá vẫn để các sư tỷ giữ nguyên mầu sắc Hoàng, Thanh, Huyền, Lam, Hồng, chỉ đổi họ thôi. Còn các sư huynh thì đổi Hoàng thành Nhân; đổi Thanh thành Nghĩa; đổi Huyền thành Lễ; đổi Lam thành Trí; đổi Hồng thành Tín.
Ỷ-Lan biết rằng đây là những tinh hoa của người Việt hải ngoại, yêu nước nhiệt thành, mà bị bọn Đông-Thiên lừa dối, làm cho khốn khổ bấy lâu. Phi hỏi:
- Bây giờ các vị định làm gì nào?
- Tâu thần phi, anh em thần chờ sư phụ phát lạc.
Âu-Hoàng tâu: Hôm trước sư thúc Viên-Chiếu có đề nghị với sư phụ rằng nên cho anh em thần đi khắp nơi trên Đại-Việt quy tụ cựu giáo chúng Hồng-thiết lại, rồi huấn luyện họ thành đạo quân như Giao-long, hay tiễn thủ Long-biên, chờ dịp giúp nước. Nhưng còn phải chờ chỉ dụ của Thiên-tử ân xá đã.
Hùng-Nghĩa tiếp:
- Nay có thần phi đây, mong thần phi tâu lên thiên tử cho.
Ỷ-Lan cực kỳ vui vẻ:
- Việc này không khó. Đợi sau việc ở đây, tôi hồi kinh sẽ tâu ngay. Vả việc này do sư bá Mộc-Tồn chủ chương, thì chư vị có thể làm ngay từ bây giờ, ai mà dám phản đối? Trước kia các sư huynh, sư tỷ mang tên ”Thập kỳ chủ” bây giờ tôi xin đặt cho cái tên mới.
Cả mười người đều đảm động:
- Đa tạ thần phi.
- Mười vị trở về chính đạo năm trước. Mà năm trước là niên hiệu Thần-vũ thứ nhất, vậy tôi xin dùng danh tự ”Thần-vũ thập anh”. Thế là ta có Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt, nay thêm Thần-vũ thập anh.
Mọi người vỗ tay hoan hô.
- Để phân biệt năm sư huynh, năm sư tỷ; từ nay chúng ta gọi năm sư huynh là Thần-vũ ngũ Hùng, năm sư tỷ là Thần-vũ ngũ Âu.
Phi ngồi xuống bảo điện, nghe lý-trưởng tường trình về những thay đổi của làng Siêu-loại từ khi phi tiến cung. Phi mừng vô cùng, khi nghe nói, trong kỳ thi tuyển sinh vào trường Quốc-tử giám vừa qua, trong làng có tới mười người trúng.
Sau đấy phi ngồi thọ trai cùng mọi người. Chuyện trò ồn ào vui vẻ. Giữa lúc đó, sư Viên-Căn nói sẽ vào tai Ỷ-Lan:
- Thần-phi! Dường như có tiếng người phi ngựa đang tiến về phía chùa gấp lắm thì phải!
Ỷ-Lan lắng tai nghe thì dường như ngựa đã dừng lại trước cổng chùa. Không phải chờ lâu, Lực bước vào bảo điện hành lễ với sư Viên-Căn rồi ghé miệng vào tai chị nói nhỏ:
- Chị rời khỏi đây về nhà ngay. Có đại biến.
Phi vội đứng dậy cáo từ sư Viên-Căn:
- Sư huynh, muội có việc khẩn phải về nhà. Xin tạm biệt sư huynh.
Mọi người đứng lên tiễn phi. Phi lên xe trở về dinh của phụ thân. Vào trong dinh, phi vẫy tay cho cung nga, thái giám, thị-vệ lui ra ngoài, rồi đóng cửa phòng lại. Trong phòng chỉ còn phu thân với Lực. Phi hỏi:
- Việc gì đã xẩy ra?
- Hôm ấy em về tới Thăng-long vào buổi trưa, đang ăn cơm ở tửu lầu Ngọc-thụy, thì nghe có tiếng trống báo động. Sau đó dân chúng ùn lại vì các cửa thành đã đóng kín. Trên mặt thành, quân sĩ gươm đao sáng ngời đi đi, lại lại tuần hành. Em gọi cửa, thì viên tốt trưởng thị-vệ xuất hiện trên địch lâu. Y thấy em mặc quân phục lữ trưởng, mà không thèm hành lễ. Y đuổi em đi. Em nói rằng em mang thư khẩn cấp cho mẹ. Y vẫn không chịu mở cổng thành.
Ỷ-Lan hồi hộp dục:
- Rồi sao?
- Lát sau Chu-Yêm xuất hiện với Minh-Can. Minh-Can bảo em hãy trở về Thiên-trường. Còn cái gì là thư của bố với chị thì cứ đốt quách đi cho rồi. Em đành lui ra kiếm nhà trọ. Nhưng suốt hai ngày cổng thành vẫn đóng. Đến ngày thứ ba thì phò mã Thân-cảnh-Long với công chúa Thiên-Thành; phò mã Hoàng-Kiện, công chúa Động-Thiên về Thăng-long. Cổng thành mở ra, nhưng chỉ cho bốn vị vào, chứ không cho tùy tùng theo. Đến sang hôm nay, thì quân sĩ trên thành đều mặc tang phục.
Ỷ-Lan la hoảng:
- Tang phục?
- Vâng! Rồi có tin hoàng thượng băng hà. Thái-tử Càn-Đức lên ngôi trước linh cữu đại hành hoàng đế, lấy hiệu là Thái-Ninh. Em kinh hoàng, vội phi ngựa về báo cho chị biết.
Tin sét đánh đến với Ỷ-Lan. Nhưng vì tập thiền, nên phi cố chế chỉ tâm thần, bảo em:
- Em gọi Lê-Huy, Thúy-Phượng, Phương-Quỳnh vào cho chị.
Lát sau ba người vào. Phi truyền:
- Dàn thị-vệ bảo vệ quanh dinh này thực cẩn thận. Bên trong, Thúy-Phượng, Phương-Quỳnh cho cung nga thay quần áo võ, mang vũ khí. Bất cứ ai muốn vào cũng phải hỏi ta trước.
Phi bảo Lực:
- Em sai thị-vệ mời sư Viên-Căn, Thần-vũ thập anh, Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt với vợ của họ đến đây ngay.
Hơn khắc sau, tất cả tề tựu. Mọi người đều ngơ ngơ ngác ngác không hiểu những gì đã xẩy ra. Ỷ-Lan nhìn cử tọa một lượt rồi nói chậm chậm:
- Các vị với tôi đều là chỗ thâm tình còn hơn cốt nhục. Lúc tôi vinh dự, thì các vị cũng vinh dự. Nếu như sau này, tôi có nguy nan gì, thì các vị nghĩ sao? Trước hết xin sư huynh Viên-Căn cho biết tôn ý.
- Thần phi với bần tăng cùng là đệ tử của sư phụ. Chúng ta đã có cộng nghiệp từ muôn vàn kiếp trước, cho nên phải chịu chung hoạn nạn năm xưa. Bây giờ bất cứ hạnh ngộ nào của thần phi chưa hẳn là hạnh ngộ của sư huynh. Nhưng bất cứ rủi ro nào của phi, cũng là rủi ro của sư huynh.
Đám Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt cùng mười một cô vợ đều bầy tỏ lòng trung thành với phi. Phạm-Dật đại diện, đứng lên nói:
- Phi với chúng em, tiếng thì là chị em, chứ thực ra tình như mẹ con. Phi nuôi chúng em, dạy chúng em, dựng vợ cho chúng em... thì thực là phi đẻ ra chúng em một lần nữa. Rồi phi lại xây dựng sự nghiệp cho chúng em, thì lại thêm nghĩa chúa tôi. Thế thì, chúng em là con của phi, là bầy tôi của phi. Phi bảo chúng em nhảy vào nước, vào lửa, chúng em cũng không từ. Phi ơi! Nếu như phi có gì không may, thì chúng em nguyện chết với phi.
Hùng-Hoàng đại diện cho Thần-vũ thập anh đứng lên cung tay:
- Anh em chúng thần sinh trưởng ở hải ngoại, chỉ vì lòng yêu nước nhiệt thành mà bị bọn ma đầu làm cho thành quái vật. Nay được sư phụ mở tâm Bồ-đề cứu cho, bọn thần thực thâm cảm vô cùng. Hôm rồi sư phụ có nói: Sau này sẽ đặt bọn thần dưới quyền Thần-phi. Nay Thần-phi cần đến sức mọn, bọn thần nguyện tuân chỉ.
Ỷ-Lan tỉ mỉ trình bầy các biến cố mẹ nàng viết thư đánh lừa nàng về thăm nhà, cho đến những tin tức mà Lực vừa thu nhận được, rồi kết luận:
- Hoàng-thượng băng hà nhất định liên quan đến vụ tôi bị lừa cho rời khỏi Thăng-long. Vậy ai có ý kiến gì?
- Có thể thế này.
Trần-Di giảng giải: Thượng-Dương hoàng hậu biết rõ Hoàng-thượng sắp băng, nên sai Minh-Can ép mẹ viết thư, lừa cho phi rời Thăng-long; rồi khi Hoàng-thượng băng, bà dễ dàng giả chiếu chỉ để chiếm quyền. Còn cái việc Hồng-thiết Chiêm nổi loạn, Tống tập trận, cho chúng em theo phi về cố lý... cũng có liên quan; với mục đích đem đại-tư-mã Thường-Kiệt, thái-úy Hoàng-Kiện, hai công chúa Động-Thiên, Thiên-Ninh với chúng em rời Thăng-long để dể bề hành sự.
Trần-Ninh thắc mắc:
- Ai đã tâu với Hoàng-thượng cho bằng ấy người rời Thăng-long?
- Chính là Tể-tướng Lý-đạo-Thành.
Triệu-Thu nổi cáu:
- Từ lâu em đã nghi ngờ cái lão già hủ nho này rồi. Trước khi bình Chiêm, lão chẳng từng tâu xin cho Thượng-Dương hoàng hậu nhiếp chính đó sao? Nay chính lão tâu để Đại-tư-mã, Thái-úy, hai công chúa, với chúng em rời Thăng-long, e nằm trong âm mưu này.
Quách-Y tán thành ý kiến Triệu-Thu:
- Đúng ra khi Hoàng-thượng băng, Thái-hậu với Tể-tướng phải sai ngựa lưu tinh báo cho chị biết, rồi mới phát tang, tôn thái tử lên ngôi. Thế mà giờ này hai người vẫn bưng bít. Vậy ta phải về kinh tức thời hầu đối phó với tình thế.
Đến đó thị-vệ vào báo:
- Có sứ giả xin cầu kiến.
Ỷ-Lan truyền dẫn vào. Vừa trông thấy sứ giả, Ỷ-Lan đã muốn nổi đóa ngay, vì y chính là một thái giám hầu cận Thượnmg-Dương hoàng hậu. Y quỳ gối hành lễ:
- Thần Chu-Kỷ, lĩnh chức hoàng-môn hợp chỉ xin tham kiến thần-phi.
- Người yết kiến ta có việc gì?
- Ngày Canh-Dần, tháng giêng, Hoàng-thượng băng hà ở điện Hội-tiên vào giờ Hợi.
- Khi Hoàng-thượng băng, có những ai chầu hầu?
Ỷ-Lan hỏi: Tại sao Hoàng-thượng băng?
- Tâu ngày Kỷ-Sửu, thình lình bệnh hoàng-thượng tái phát. Thái-y Trần-hữu-Đức đã dâng thuốc, nhưng bệnh không giảm. Hoàng-thượng biết khó qua khỏi, người tuyên chỉ gọi tể-tướng Lý-đạo-Thành, hoàng-hậu, thái-tử tới cạnh long sàng dặn dò việc sau. Sang ngày Canh-Dần, thì hoàng-thượng mệt lả, đến giờ Hợi thì băng. Hoàng-hậu tuyên chỉ triệu các đại thần vào nghe di chiếu. Di chiếu dặn tôn thái-tử lên kế vị, tể tướng Lý-đạo-Thành phụ chính, hoàng-hậu buông rèm thính chính.
Chu-thúy-Phượng lắc đầu:
- Thần không tin! Thần chầu hầu hoàng-thượng với phi từ lâu, thần biết rõ lắm. Nếu như người cảm thấy se mình, ắt tuyên chỉ cho ngựa lưu tinh tìm phi về để nghe chỉ, chứ không thể có việc này.
Bọn Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt đều nhìn nhau rồi ”hừ” một tiếng, tỏ vẻ đồng ý với Chu-thúy-Phượng.
Vũ-Quang hỏi:
- Rồi sao?
- Thái-tử lên ngôi trước linh-cữu, tôn đại hành hoàng đế làm Ứng-thiên, sùng-nhân, chí-đạo, uy-khánh, long-tường, minh-văn, duệ-vũ, hiếu-đức, thánh-thần hoàng đế, miếu hiệu Thánh-tông. Tôn hoàng-hậu làm Thượng-Dương hoàng thái hậu, buông rèm thính chính; tể tướng Lý-đạo-Thành làm phụ chính. Lại ban cho các quan mỗi người lên một đẳng, quân sĩ mỗi người được hưởng thêm một tháng bổng. Đại xá thiên hạ. Hôm nay người ban chế tôn thần phi làm hoàng-thái phi.
Nói rồi y cung kính dâng trục lụa lên cho Ỷ-Lan. Ỷ-Lan đọc qua, rồi cười nhạt:
- Chế này do ai soạn?
- Thần không được biết.
Ỷ-Lan nói với mọi người:
- Ta biết con ta lắm, dù thông minh, dù tài trí, nhưng mới có sáu tuổi, nó không thể xa ta khi không có hoàng-thượng ở cạnh. Nay hoàng- thượng băng, mà mãi hôm nay là ngày thứ tư mới ban chế tôn ta làm hoàng- thái phi, rồi lại không rước ta hồi cung là điều vô lý. Một là thái-hậu lộng quyền, áp chế hoàng-thượng. Hai là tể-tướng Lý-đạo-Thành khiếm khuyết chức vụ.
Phi truyền chỉ:
- Chúng ta chuẩn bị về Thăng-long.
Hơn giờ sau, cung-nga, thái-giám, thị-vệ chuẩn bị xong định lên đường, thì có sứ giả tới phong cho quan vũ-vệ hiệu-úy cung Ỷ-Lan là Lê-Huy lên chức đô-thống đạo quân lộ Trường-yên. Nội ngày hôm nay cùng vợ phải lên đường ngay. Đội thị-vệ cung Ỷ-Lan thì giao cho Trịnh-Ngọc, đội cung nga giao cho... Minh-Can. Hai người theo sứ giả để nhận nhiệm vụ mới.
Ỷ-Lan bảo Trịnh-Ngọc, Minh-Can, sứ giả chờ ở ngoài, rồi sai đóng cửa dinh lại cùng mọi người nghị sự.
Lý-Đoan nổi giận:
- Như vậy là thái-hậu muốn cô lập chị rồi. Bọn em không thể nào chịu được nữa!
Ỷ-Lan ôn tồn:
- Dù sao đây cũng là chỉ của hoàng-thượng. Lê-Huy, Chu-thúy-Phượng không thể vi chỉ. Thôi được, Huy, Phượng cứ bàn giao ngay đi, rồi lên đường. Còn ta, ta về Thăng-long.
Trần-Di hỏi anh em:
- Làm sao bây giờ?
Hoàng-Nghi đứng lên:
- Như vậy rõ ràng thái-hậu lấn quyền hoàng-thượng rồi cô lập thái-phi. Chúng ta không thể để bà làm lộng như vậy. Còn trường hợp thái-phi, chúng ta không thể để thái-phi sống giữa bọn chồn sói. Chúng ta không thể không hành động. Anh em có đồng ý không?
- Đồng ý.
- Ngay bây giờ, chúng ta lấy ngựa phi bất kể sống chết, ai về nhiệm sở người ấy, nắm lấy quân của mình, dùng chim ưng liên lạc với nhau. Việc anh Lê-Huy bị điều đi giữ chức đô-thống đạo Trường-yên càng hay. Anh cũng lên đường, nắm lấy đạo quân đó liền.
- Đồng ý.
Ỷ-Lan lắc đầu:
- Chị sợ rằng Dương hậu đã ban chỉ, cử bọn con cháu, chân tay bà thay các em quản lĩnh mười hai hiệu Thiên-tử binh rồi.
Trần-Di cười:
- Phi đừng lo. Từ khi bọn em được cử chỉ huy mười hai hiệu Thiên-tử binh, lập tức chúng em ban hành kỷ luật thép. Một là khi ra trận chỉ có tiến, mà không có lùi. Ai lùi, ngừng lại, quay đầu lại thì chém tại chỗ. Hai là thấy đồng bạn lâm nguy mà không cứu, bị xử tử. Ba là bất kỳ trường hợp nào, khi cấp chỉ huy vắng mặt, dù có chiếu chỉ của Thiên-tử cũng không được tuân hành; trái thì chém. Nếu như Dương hậu sai người đến thay thế bọn em, mà không có mặt bọn em để ban giao, nhất định quân sĩ không tuân chỉ đâu.
Chàng nói với Lê-huy-Lực:
- Dù gì anh cũng là em thái-phi. Cái chức đô thống hôm nay mà anh có là do thái-phi mà ra. Nếu như Dương hậu hại thái-phi, thì cái chức đô thống của anh mất là lẽ dĩ nhiên, nhưng tôi e tính mệnh của anh và vợ con cũng khó toàn. Vậy anh phải về Thiên-trường nắm lấy quân, nếu có gì, tôi cho chim ưng liên lạc với anh, để chúng ta cùng hành động.
- Xin vâng.
- Thần-vũ thập anh thì được giả làm thị-vệ , cung-nga cạnh thái- phi. Nếu như thái hậu có hành động nào phản nghịch, thì ta kéo quân về cứu giá.
- Đồng ý.
Lòng Ỷ-Lan rối như tơ vò, bà đành để cho các em hành động. Bàn luận xong, bà gọi sứ giả vào, truyền cho Trịnh-Ngọc, Minh-Can bàn giao.
Khi Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt, vợ chồng Lê-Huy, Lê-huy-Lực chuẩn bị lên đường, Hoàng-Nghi vào phòng Nang-Trúc nói với nàng:
- Nang-Trúc ở lại dinh này với Lê quốc-trượng. Ta phải về Thăng-long ngay, nên không mang nàng đi được. Bởi vạn nhất xẩy ra cuộc giao tranh, thì nguy hiểm lắm.
Hai giọt nước mắt rơi trên mà Nang-Trúc. Nàng cầm bút viết:
- Chủ nhân đối với tiểu tỳ thực là tử tế chưa từng có. Nay nhân lúc chủ nhân ra trận lăn mình vào chỗ chết, xin chủ nhân cho tiểu tỳ đi theo. Chủ nhân đã dạy tiểu tỳ một ít bản sự, khi lâm trận, tiểu tỳ cũng có thể đánh giặc như một người lính vậy.
- Ta đồng ý cho Nang-Trúc đi theo, nhưng Nang-Trúc phải giả trai nới được.
Thế Nang-Trúc giả làm một người lính, lưng đeo kiếm, cỡi ngựa theo Hoàng-Nghi lên đường.
Đợi cho mười hai nghĩa đệ đi rồi, Ỷ-Lan tuyên chỉ cho Trịnh-Ngọc, Minh-Can:
- Các người điều động thị-vệ hộ giá ta về Thăng-long ngay.
Khi Minh-Can bước vào, không hành lễ, Ỷ-Lan đã lên ruột rồi, bây giờ nghe bà tuyên chỉ, y thị nói trống không:
- Chúng tôi chưa được chỉ dụ của Thái-hậu, không thể cho người về Thăng-long. Người phải ở đây cho đến khi nào có chỉ dụ.
Ỷ-Lan quát:
- Người với ta là chị em, nhưng ở đây là nghĩa chúa tôi. Người là trưởng đoàn cung nữ của ta, mà dám chống chỉ của ta là một tội, khi vào đây không hành lễ là hai tội, nói năng xung chàng là ba tội. Cả ba tội đều đáng xử tử.
Phi hô lớn:
- Thị vệ đâu?
Mười thị-vệ ứng hầu dạ ran.
- Đem con tiện tỳ này ra chém tức thời.
Thị-vệ cung Ỷ-Lan hầu hết là đệ tử của Thường-Kiệt, hàng ngày Ỷ-Lan đối xử với chúng trong tình cảm sư thúc, sư điệt, bà cực kỳ thương yêu chúng. Nay nghe bà tuyên chỉ, bất kể Trinh-Ngọc đứng đó, chúng lôi Minh-Can đem ra ngoài liền. Minh-Can kinh hoảng la lớn:
- Trịnh-Ngọc, người với ta cùng nhận chỉ dụ của thái hậu kiềm chế con tiện nhân này. Thế mà nay người để thị vệ thuộc quyền tuân chỉ y thị giết ta ư?
Trịnh-Ngọc vẫy tay cho toán thị-vệ ứng trực:
- Khoan hãy thi hành lệnh xử trảm.
Ỷ-Lan đưa mắt cho Hùng-Tín. Hùng-Tín lạng mình tới cạnh Trịnh-Ngọc, chỉ một chiêu chàng đã kiềm chế được y, rồi điểm huyệt ném xuống dưới đất.
Ông Thiết thấy thảm cảnh gia đình sắp xẩy ra, vội can thiệp:
- Thôi con! Dù gì nó cũng tuân chỉ của Thái-hậu, con nên nhẹ tay với em một chút.
Cơn thịnh nộ của Ỷ-Lan hạ xuống liền, nhưng phi vẫn không thể khoan thứ cho đứa em từng nhiều lần muốn giết mình. Bây giờ lại theo kẻ thù hại mình, rồi có thể kéo tới hại cả gia đình. Phi truyền nọc cổ y thị xuống, sai cung nga đánh ba chục roi. Sau khi lĩnh đòn, y thị đứng dậy, đưa mắt lườm Ỷ-Lan rồi từ từ bước ra ngoài. Ỷ-Lan thấy cần phải giáo huấn lại đứa em lăng loàn, phi quát:
- Mi từng là cung nữ, hẳn biết luật lệ của nội cung rằng: ”Sau khi được giảm án, khi thọ hình rồi phải tạ ơn”. Nay mi thọ hình xong còn có cử chỉ vô phép như vậy sao?
Phi đưa mắt cho cung nga:
- Nọc cổ y thị xuống, đánh đủ năm mươi roi nữa.
Ông Thiết lại can thiệp:
- Như vậy đủ rồi, phàm uốn người thì phải uốn từ từ. Con nên nhẹ tay với em một chút.
Ỷ-Lan chỉ mặt Minh-Can:
- Kể từ lúc này, ta cách chức mi xuống thành bộc phụ chuyên lau chùi. Mi cút ra khỏi đây ngay.
Phi gọi Thần-vũ thập anh lại, ban chỉ:
- Các vị là đệ tử của sư bá Mộc-tồn thì là sư huynh, sư tỷ của Yến-Loan này. Nhưng bây giờ trước sự tình khẩn thiết, cần tới tài trí của các vị. Yến-Loan xin các vị khuất thân giả làm cung nữ, thị vệ ít ngày. Không biết các vị nghĩ sao?
Hùng-Nhân chắp tay:
- Sư phụ đã giao chúng tôi cho Thái-phi, trong tình thì sư huynh sư muội đồng môn. Ngoài thì nghĩa chúa tôi. Vì vậy Thái-phi cứ xử dụng chúng tôi như cung nga, thị vệ.
Ỷ-Lan chỉ vào đám cung nga, thị-vệ:
- Đội thị vệ của tôi có bốn toán, mỗi toán mười người. Vậy Nhân sư huynh tổng chỉ huy. Bốn sư huynh Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, mỗi vị coi một toán. Cung nga cũng vậy, Hoàng sư tỷ tổng chỉ huy, bốn sư tỷ Thanh, Huyền, Lam, Hồng làm trưởng toán. Nhớ: chỉ nghe lệnh từ tôi mà thôi. Nào, bây giờ, các vị dàn thị-vệ ra canh gác dinh này thực cẩn thận.
Phi nói với sư Viên-Căn:
- Dinh của phụ thân muội đã có võ sĩ canh phòng. Nhưng muội khuát thân nhờ sư huynh viện cho vài cao thủ để có an ninh hơn.
Viên-Căn chắp tay:
- Thái-phi cứ yên tâm, mọi chuyện an-ninh của Thái-phi, bần tăng xin hết sức mình.
Âu-Hoàng dùng lăng không truyền ngữ nói với Ỷ-Lan:
- Trong thành Thăng-long hiện có nhiều cạm bẫy dăng ra. Hoàng-thượng còn quá trẻ, hiện Thái-hậu kiềm chế người để cướp quyền. Nếu nay Thái-phi đường đường chính chính trở về, thì khó mà đối phó với bà. Vậy ý Thái-phi ra sao?
- Muội cần biết: Sự thực về thư của mẹ muội viết đánh lừa muội rời Thăng-long, có liên quan đến việc Hoàng-thượng băng hà không? Rồi khi Hoàng-thượng băng hà, có đúng người để di chiếu cho Thượng-Dương phụ chính không?
- Nếu quả có di chiếu như vậy thì Thái-phi có tuân chỉ không?
- Dĩ nhiên phải tuân rồi. Sư tỷ có cao kiến gì không?
- Thần nghĩ không khó.
Âu-Huyền xen vào: Bây giờ có tên thái giám Trịnh-Ngọc với ả Minh-Can đây, chúng ta khảo chúng thì ra ngay chứ gì?
Ỷ-Lan tỉnh ngộ:
- Vậy xin Huyền sư tỷ nghĩ dùm muội một kế vẹn toàn.
- Thần với Thanh sư tỷ xin phụ trách tra khảo hai đứa, rồi tâu thái phi sau.
- Đa tạ sư tỷ.
Âu-Huyền, Âu-Thanh lùi lại phía sau dinh, họ túm cổ tên Trịnh-Ngọc với Minh-Can đem ra miếu thổ thần cách dinh Dương-quang hầu không xa.
Âu-Huyền mở cửa miếu, dùng đá đánh lửa đốt lên, rồi xách Minh-Can đem vào ném xuống đất đến bộp một cái. Ả ngoác mồm ra chửi:
- Con tiện tỳ kia, mi định làm gì ta đây?
Năm nàng Âu từng theo học với Đông-Thiên, lại bao năm lưu lạc với bọn Hồng-thiết giáo, nên thừa bản lĩnh lưu manh. Nàng trả lời rất khoan thai:
- Cũng chả làm gì cả. Ta sẽ gọi vài vạn con rắn đến đây để chúng rỉa thịt người, xem người đau đớn, rên siết cho vui. Người cứ chờ một lát sẽ thấy. Đừng nóng.