Ỷ-Lan nhớ lại chuyện cũ: hồi nàng bị giam lỏng ở Thăng-long, một hôm nàng du kinh thành với nhà vua (bấy giờ giả làm nho sinh). Nhà vua bị công tử cháu tể-tướng Dương Đạo-Gia bắt về phủ thừa Thăng-long. Nàng tìm đến con thuyền thăm sư phụ, thì không thấy sư phụ đâu. Còn sư mẫu với đò phu bị giết, trong miệng tọng cái chân chó. Như vậy rõ ràng sư mẫu của nàng bị Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng giết. Hôm rồi sư phụ nhập hoàng thành thăm nàng. Nàng hỏi vụ ấy, thì người nói rằng người đúng là Trần Tự-An. Người giao đấu với Mộc-tồn Vọng-thê hoà thượng. Hòa thượng bị thua, người đuổi hòa thượng tới Thanh-hóa. Hôn nay nảy ra Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng lại là sư bá của nàng. Nàng hỏi:
- Bạch sư bá, đệ tử có một sư phụ, người cùng sư mẫu chuyên ở trên thuyền. Hơn năm trước, sư mẫu bị chết trên đò ở hồ Tây, miệng bị nhét cái chân chó. Phải chăng sư bá đã giết bà?
Viên-Chiếu, cùng Mộc-tồn cùng đưa mắt nhìn nhau, Ỷ-Lan thấy dường như trong cái nhìn ấy ngụ một điều gì bí ẩn. Mộc-tồn hòa thượng hỏi ngược lại:
- Phu nhân nhiều sư phụ quá. Ta làm sao mà biết được người là ai. Cái ông sư phụ mà phu nhân muốn hỏi đó tên là gì vậy?
- Sư phụ đệ tử xưng là một đại hiệp lừng danh Hoa-Việt, nhưng người cấm không cho đệ tử nói tên người ra. Sư bá ơi, người đang đi tìm sư bá để trả thù đấy. Sư bá phải đề phòng lắm mới được.
Mộc-tồn hòa thượng lắc đầu:
- Con ơi! Con đã gặp một ma đầu dơ bẩn nhất thiên hạ. Y mạo xưng là đại hiệp Tự-An, mà con không biết. Y chính là Đinh Kiếm-Thương. Hôm ấy ta tìm đến con đò định giết y, nhưng chỉ gặp vợ y. Vì những liên hệ quá khứ của vợ y với tiền nhân ta, ta không muốn giết mụ, nên điểm huyệt cho chân mụ tê liệt, rồi ngồi chờ y về. Con có biết vợ y là ai không?
Bây giờ Ỷ-Lan mới thực sự tin sư phụ của nàng là ma đầu Đinh Kiếm-Thương đội danh Tự-An:
- Con có nghe biết.
Nàng kể: chính sư phụ là vua Bà thuật cho con nghe. Vợ của người là một ca kĩ, tên Đào Hà-Thanh, lừng danh đất Việt tài sắc khôn bì, bà từng là vợ của đại hiệp Trần Tự-An. Sau đại hiệp Tự-An phóng thích cho đi theo sư phụ.
- Đúng thế. Cái con người như mụ, từ một cô gái ca kỹ, bỗng trở thành một đại phu nhân, như vậy còn không đủ sao? Thế mà khi chồng cho trở về với ma đầu cũng muối mặt ừ hự. Điều này thì tha thứ được, bởi cái tình là cái chi chi, không ai giải thích nổi. Nhưng y thị đã sống với chính đạo phái Đông-a gần hai chục năm, thế mà lại hỗ trợ ma đầu, ngang nhiên mạo danh chồng cũ, hỏi ai có thể tha thứ cho thị?
Ông chỉ Viên-Chiếu: ta với sư phụ người có lệ, bất cứ kết tội ai, chúng ta chỉ đánh có ba chiêu. Sau ba chiêu ấy, nếu chúng đỡ được, tránh được, thì coi như trắng án, suốt đời không bao giờ chúng ta truy lùng y nữa. Hôm ấy ta ngồi chờ Đinh Kiếm-Thương, lát sau y trở về, ta kể tội y rồi ra tay giết. Ta đánh một chiêu, y đỡ được, nhưng người bay xuống hồ. Ta đánh chiêu thứ nhì, y cũng đỡ được, nhưng người y bay bổng lên bờ, nằm bất động. Ta định đánh chiêu thứ ba, giết chết y, thì mụ Hà-Thanh dùng cái chầy đập vào lưng ta. Ta phải quay lại bắt cái chầy. Thế là đủ ba chiêu. Ta nổi giận hỏi y: mi lĩnh hai chiêu, con mụ này một chiêu. Ta chỉ muốn giết mi chứ không muốn gết mụ. Vậy bây giờ mi muốn chết hay để cho mụ chết? Kiếm-Thương chỉ vào mụ: mụ phải chết. Vì suốt bao năm ở với y, mà mụ cứ bắt y phải xưng là đại hiệp Tự-An, và gọi y là Tự-An. Như vậy chứng tỏ y thị xa Tự-An, mà lòng vẫn nhớ Tự-An. Ta quay lại hỏi mụ rằng : y nói có đúng không? Thị chưa trả lời thì y bỏ chạy mất. Ta nổi giận, giết chết mụ, rồi ra đi.
Trước đây mỗi khi Ỷ-Lan thấy người ta nói đến Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng là kinh hồn táng đởm. Nay nàng tiếp xúc với ông, chỉ thấy ở ông một người đầy tình cảm. Nàng tò mò:
- Sư bá. Trong thế gian, thiếu gì thực vật, mà sư bá cứ phải ăn thịt chó?
Viên-Chiếu đưa cặp mắt từ bi nhìn Ỷ-Lan, rồi nói nhỏ:
- Trước kia sư bá cũng ăn chay đấy chứ. Nhưng sau này người giao chiến với đại địch nức tiếng thiên hạ. Sư bá giết được y, nhưng rồi người cũng bị thương đến thập tử nhất sinh. Thái sư phụ tuy cứu sư bá thoát khỏi cái chết thực, nhưng cả đời sư bá cứ phải ăn thịt chó để trị bệnh. Nếu sư bá không ăn thịt chó, thì chỉ nửa tháng sau là chết mà thôi.
Ỷ-Lan đã từng nghe nói nhiều về việc ăn thịt chó để bồi bổ cơ thể. Nào là khi ăn thịt lợn, lỡ một mẩu thịt mắc vào răng, thì chỉ nửa ngày là có mùi hôi thối chịu không được. Nhưng khi ăn thịt chó, mà thịt mắc vào răng, thì dù ba ngày, năm ngày cũng không thấy có mùi hôi. Nào những người bị ợ chua, lạnh bụng, ăn thịt chó là khỏi ngay. Nào thịt chó có tính chất bổ dương cực mạnh... Những điều nàng nghe nói, bất quá là dân gian truyền khẩu, chứ nàng chưa từng biết sự thực ra sao. Hôm nay nghe sư phụ là Liên-Hoa hòa thượng, nức tiếng y học đương thời nói ra, nàng mới thực sự chú ý.
- Bạch sư phụ, thịt chó dùng để trị bệnh được ư?
Ỷ-Lan hỏi: công dụng của thịt chó ra sao? Con có nghe nói nhiều lần, nhưng không được đầy đủ. Xin sư phụ đừng tiếc công chỉ dậy.
- Thịt chó thuộc dương tính. Nó tác dụng vào tỳ, thận, vị kinh. Cho nên những người tỳ vị hư hàn, thận dương hư, thì dùng thịt chó trị được. Nhất là thịt chó còn ăn với gia vị như riềng, lá mơ, húng quế v.v. là những vị dương tính khá mạnh. Như sư bá người, bị trúng độc của đối phương, khiến tỳ, vị kinh bị tổn thương nặng. Cho nên người cần ăn thịt chó để điều trị.
Ỷ-Lan không chịu:
- Nếu như sư bá bị tổn thương hai kinh tỳ-vị, thì có thể dùng cáp-giới (tắc kè), nhân sâm, lộc nhung, phục-linh cũng được. Dùng thịt chó làm gì? Đệ tử nguyện dâng sư bá ít cân nhân sâm, lộc nhung thay thế thịt chó. Không biết sư bá có thu nhận không?
Viên-Chiếu lắc đầu:
- Không được con ơi! Sư-phụ, sư-bá đâu phải không tiền mua nhân sâm, lộc-nhung? Mà dù chúng ta không có tiền mua, thì thập phương cũng cúng dường. Con phải biết rằng mỗi dược vật đều có đặc tính riêng, dù rằng cùng tác dụng vào những kinh mạch giống nhau. Như cùng bổ dương, nhưng nhân-sâm, lộc-nhung, can-khương, quế-chi lại có dược tính đặc biệt khác hẳn nhau. Thịt chó có đặc tính trị vết thương, làm liền vết thương mau chóng. Con không nghe người ta thường nói: xương gà, da chó sao? Con gà bị gẫy xương, thì chỉ ba ngày là liền. Vì vậy y học mới dùng xương gà bó bột cho người bị gẫy xương. Còn da chó thì khi bị rách, chỉ một ngày là liền, càc danh y mới dùng da chó để nấu cao trị thương.
Ông nhìn Ỷ-Lan, rồi đưa mắt nhìn Mộc-tồn hòa thượng:
- Huống hồ sư bá của con, trong khi giao đấu với đối phương, phải dùng nội công thượng thừa chống với Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, một mặt dùng Thiên-vương chưởng đánh đối thủ, rồi bị đối thủ dùng răng cắn vào mặt... Cho nên dù sau đó người giết chết đối thủ, nhưng người bị độc tố nhập cơ thể, khiến cho tỳ-khí, thận-khí khó lưu thông, luôn bị hàn tà làm cho cực kỳ khổ sở. Chỉ duy có thịt chó là làm cho cơn hàn biến đi, cho nên người phải ăn thịt chó là thế.
Lời giải thích của đại sư Viên-Chiếu làm cho Ỷ-Lan tỉnh ngộ. Nàng lại càng phục sư bá: ông ăn thịt chó công khai, và tự nhận. Nhưng còn vọng thê thì sao? Không biết hồi trẻ sư bá đã lấy ai làm vợ, và tại sao lại xa cách nhau? Biết đâu bà chẳng chết rồi???
Mộc-tồn hòa thượng cười:
- Vả thịt chó rất đặc biệt, khi ăn thịt gà, thịt lợn nhiều người ta sẽ chán, chứ ăn thịt chó thì không bao giờ chán cả. A-Di Đà-phật, ăn thịt chó hay ăn thịt gà cũng đều là sát sinh, chứ có khác gì đâu?
Chi-hậu nội-nhân Nguyễn Bông từ ngoài vào cúi đầu:
- Tâu phu nhân, hai hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn xin cầu kiến.
- Mời hai hoàng tử vào.
Hoằng-Chân, Chiêu-Văn cùng Trinh-Dung, Ngọc-Nam vào bảo điện hành lễ với Ỷ-Lan, Viên-Chiếu. Khi hai ông thấy Mộc-tồn hòa thượng, thì kinh hoảng, tay chắp lại, miệng lắp bắp:
- Đệ tử kính... kính...
Mộc-tồn hòa thượng nói lớn:
- Bần tăng là người tu hành, là thầy chùa ăn thịt chó. Sau thời gian tu hành, quên hết cả anh em, họ hàng rồi. Hai hoàng-tử chẳng nên đa lễ.
Ỷ-Lan kinh ngạc nghĩ thầm:
- Đối với ta, thì Mộc-tồn là đại sư bá, ta phải hành lễ với người là lẽ thường. Còn trước mặt hai hoàng tử, thì sư bá chỉ là nhà sư. Đáng lẽ sư bá phải hành lễ với hai hoàng tử, chứ có đâu hai hoàng tử vừa thấy người đã líu ríu, cung cung, kính kính như vậy? Phải chăng sư bá là bậc trưởng thượng của hai hoàng tử?
Hai hoàng tử cúi đầu:
- Dạ...dạ... đệ tử nhớ rồi.
Mộc-tồn hoà thượng nói với hai hoàng tử như cha nói với con, như sư phụ nói với đệ tử:
- Ỷ-Lan phu nhân có một đạo tấu chương gửi về cho hoàng-thượng, trong tấu chương trình việc vinh quy. Phiền hai hoàng tử nhập hoàng-thành trao tận tay cho hoàng-thượng. Nếu trường hợp không trao tận tay cho hoàng-thượng thì trao cho Quốc-phụ cũng được. Hai hoàng tử có thể dẫn đám trẻ này cùng về Thăng-long một lúc.
Đến đây ông dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai hai người:
- Hai hoàng-tử nhớ nhé, đây là tấu chương tuyệt mật, liên quan đến quốc sự; tính mệnh hai hoàng tử có thể mất chứ tấu chương này không thể lộ ra ngoài.
Hai hoàng tử líu ríu lĩnh tấu chương cất vào bọc, hành lễ rồi lên đường.
Đến đó Nguyễn Bông cúi đầu trước Ỷ-Lan:
- Tâu phu nhân, trời về chiều. Xin phu nhân hồi gia cho.
Ỷ-Lan đứng dậy cung tay:
- Bạch sư bá, sư phụ, để tử lớn mật dám thỉnh sư phụ, sư bá về Thăng-long để thuyết pháp cho nội cung. Xin sư bá, sư phụ đừng tiếc công, di đại giá Phật-gia một phen.
Viên-Chiếu vui vẻ:
- Được chứ! Được chứ! Thuyết pháp thì sư bá với ta sẵn sàng.
Nói xong câu đó, Viên-Chiếu thấy dường như Ỷ-Lan còn điều gì muốn bạch, mà ngập ngừng. Ông vận nội nhãn giới để thầy trò đạt đến độ « nhân ngã tương thông » rồi hỏi:
- Minh-Đệ! Thầy thấy trong tâm con có điều gì thực trong sáng, thực thuần thành, mà chưa bầy tỏ ra hết. Con ơi! Thầy yêu thương con như đức Thích-ca Mâu-ni, như Khổng-tử yêu đệ tử. Vậy con còn điều gì chưa thỏa tâm nguyện, thì cứ nói ra.
Ỷ-Lan đỉnh lễ một lần nữa rồi trình bầy bằng giọng tha thiết:
- Bạch sư bá, bạch sư phụ. Từ ngày nhập cung đến giờ, hoàng thượng cực kỳ sủng ái con, ban cho con rất nhiều vàng bạc, châu báu, lương tiền. Nhưng... nhưng con coi những thứ đó như của phù vân, nên vẫn ăn tiêu dè sẻn như hồi còn hàn vi; vì vậy con có tâm nguyện rằng: Nhân chùa Từ-quang nhỏ hẹp, dựng đã lâu, gạch đã mủn, gỗ đã mục, không biết sẽ xụp đổ lúc nào. Con muốn... con muốn sư bá, sư phụ cho con dùng tiền bạc đó trùng tu lại, mà không dám bạch.
Mộc-tồn hòa thượng nói bằng giọng ôn nhu:
- Xây chùa là công đức lớn, ta với sư đệ lại yêu thương con, mà tại sao con không dám nói?
- Bạch sư bá, trước đây Tống thái tử cho con vàng, bạc, con xin dâng lên Tam-bảo, nhưng sư phụ không thuận. Lại nữa sư bá tịch thu vàng bạc của Viên-Hoa, mà sư phụ cũng truyền bỏ vào công khố. Vì vậy, con không dám nói đến việc cúng dàng xây chùa.
Nghe đệ tứ nói, miệng Viên-Chiếu cười mà không phải cười:
- Con ơi! Vàng bạc của Tống thái tử cho con là vàng bạc vô nghĩa, mưu chiếm nước, mưu hại thầy; vàng bạc mà sư bá con tịch thu của Viên-Hoa là vàng bạc gian dối cho nên thầy không nhận. Còn vàng bạc của con là vàng bạc do ân sủng của đấng nhân quân, rồi do lòng hiếu thuận, thuần thành dâng lên Tam-bảo, thì thầy nhận chứ?
Nghe sư phụ dạy, Ỷ-Lan mừng chi siết kể, lập tức nàng sai cung nữ về hành doanh mang cái tráp đựng vàng bạc đến, rồi kính cẩn dâng lên sư phụ. Viên-Chiếu cầm lấy tráp, rồi nói:
- Ngôi chùa này kiến tạo đã lâu đời quá rồi. Thầy sẽ cho phá đi, xây lại ngôi chùa mới. Thầy sẽ đổi tên là chùa Báo-ân, để ghi lại thời con đến đây, rồi nhờ nhân tốt mà hạnh sinh.
Ghi chú,
Sau khi Ỷ-Lan về Thăng-long, sư Viên-Chiếu cho họp chư Phật-tử chùa Từ-quang để tuyên công đức phu nhân. Nhân đó chư Phật-tử cũng góp thêm công, của, rồi ngôi chùa được dựng lên, và đổi tên là chùa Báo-ân. Chùa cũng có tên là chùa Siêu-loại. Trải 932 năm, cho đến nay (1995) chùa vẫn còn tại xã Phú-thị, huyện Thuận-thành, tỉnh Hà-Bắc.
Đến đời Trần, trước khi xuất gia (1293) vua Trần Nhân-tông từng đến đây để xem pháp thuật của nhà sư Trí-Thông. Sau khi Nhân-tông xuất gia, viên tịch ở núi Yên-tử, Trí-Thông đã lên Ngọa-vân am để trông coi xá lợi.
Trong khoảng thời gian cuối thế kỷ thứ 13 sang đầu thế kỷ thứ 14, chùa Báo-ân là nơi thiền phái Trúc-lâm dùng để giảng kinh. Niên hiệu Hưng-Long thứ 16 đời vua Trần Anh-tông Mậu-Thân, 1308) ngày mùng một tết, ngài Điều-Ngự Giác-Hoàng 0 đã đến đây thị chứng buổi thuyết pháp của Pháp-Loa. Sau buổi thuyết pháp, ngài làm nghi thức trọng thể trao pháp y ủy cho Pháp-Loa kế tục ngài để trụ trì chùa Yên-tử và Báo-ân. Cùng năm đó vua Anh-tông cúng dàng 100 mẫu ruộng cho chùa. Năm 1313 vua Anh-tông cúng dàng gỗ, gạch, nhân công xây dựng chùa Báo-ân thành thiền viện có thể tổ chức những buổi thuyết pháp đến một ngàn tăng chúng.
Ỷ-Lan về tới hành doanh thì trời chập choạng tối. Bà Thiết bảo con:
- Trước đây con thường thích ăn canh cua nấu với rau đay. Hôm nay mẹ bảo chị Sửu nấu cho con ăn với cà pháo chấm mắm tôm. Mẹ nghe quan Chi-hậu Nguyễn Bông nói ở trong cung thì cá thịt không thiếu, nhưng món canh rau đay nấu cua đồng thì không ai làm cho con ăn. Có phải thế không?
Ỷ-Lan cảm động muốn run người lên. Vì từ ngày ra đời đến giờ, chưa bao giờ nàng được nghe mẹ nói một câu ngọt ngào như thế.
- Thưa mẹ vâng.
Ỷ-Lan giảng giải: trong hoàng cung thì cái gì cũng có. Nhưng không phải là vua, là phi rồi muốn ăn gì cũng được. Ngày nào ăn món gì, đều do viên tổng thái giám ty Thượng-thiện quyết định trước, rồi trình quan thái-y. Quan thái-y tùy theo tình trạng sức khỏe, âm dương của cơ thể vua, phi, quyết định phải thêm gia vị như thế nào đã, rồi mới đi mua sắm thực vật về nấu nướng. Những món bình dân như bún riêu, bún ốc, canh cua, mắm tôm thường không được ty Thượng-thiện trình quan thái-y, vì hầu như lần nào trình cũng bị bác. Con có hỏi quan thái-y, thì người tâu rằng, những món đó thường khó kiểm soát nếu bị người ta bỏ thuốc độc vào.
Lâu lắm, bây giờ cả nhà ông bà Thiết mới quây quần nhau trong một bữa cơm thân mật như thế này. Ỷ-Lan nghiệm thấy từ khi nàng quy gia đến giờ, Minh-Can không hề mở miệng nói năng. Suốt ngày mặt ả bí xị, lầm lỳ. Thỉnh thoảng ả liếc mắt nhìn trộm nàng, rồi cắm cúi ăn, không nói không rằng.
Sau khi ăn cơm xong, Ỷ-Lan cảm thấy buồn ngủ kỳ lạ. Cung nữ vội đưa nàng vào phòng tắm trong hành doanh. Nước tắm nấu bằng hương liệu đã pha sẵn, bốc hơi lên thơm ngào ngạt. Hai cung nữ múc nước dội, kỳ cho nàng. Xong việc Ỷ-Lan thay quần áo đi ngủ.
Nàng vừa nằm xuống thì cơn buồn ngủ díu mắt lại, chân tay cảm thấy tê liệt. Nàng vội vận công Đông-a chống lại, nhưng vô hiệu. Kinh hãi nàng tự nhủ:
- Tại sao ta lại có cảm giác thế này? Hay là ta bị trúng độc?
Nàng vội vận Vô-ngã tướng thiền công của sư phụ Bình-Dương đã dạy nàng. Nội tức chuyển theo vòng Tiểu-chu-thiên thực dễ dàng, chân tay lập tức hết tê liệt, cơn buồn ngủ cũng biến mất. Nàng nghĩ thầm:
- Ai đã đánh thuốc độc ta? Loại thuốc này không phải là tầm thường. Nội công ta đã đến mức thượng thừa mà còn bị tê liệt, nếu là người thường thì sao có thể chịu nổi?
Nàng nhớ lại từ chiều, trong bữa ăn, ngoài bố mẹ, các em, không có ai lạ cả. Nếu như ác nhân bỏ thuốc độc vào cơm canh, thì cả nhà nàng cũng trúng độc, chứ đâu phải mình nàng?
Nghĩ vậy, nàng rùng mình:
- Có lẽ gian nhân đang rình rập quanh đây, chứ không xa đâu?
Nàng vội thổi tắt ngọn đèn, lấy thanh kiếm ở đầu dường đeo vào lưng, rồi nhảy qua cửa sổ ra ngoài, ren rén đến phòng song thân. Tiếng ông bà đang nói chuyện nhỏ nhỏ vọng ra, nàng ghé tai nghe:
- Bây giờ con nó đã làm phu nhân, cả nhà đội hoàng ân, tổ tiên được phong tặng. Tưởng như vậy bà đã vui lòng, cớ sao bà lại còn cứ muốn hại nó? Bà có biết rằng bà hại nó, không những bao nhiêu ân huệ triều đình đành cho mình tan ra mây khói hay không? Ấy là không nói, việc đổ vỡ, thì cả nhà khó thoát khỏi họa sát thân.
Tiếng bà Thiết the thé, hai hàm răng nghiến vào nhau:
- Ông thì cái gì cũng sợ. Đàn ông mà sao nhát như thỏ vậy? Bây giờ tôi định như thế này: cứ bỏ thuốc độc giết quách nó đi. Nó chết rồi, trăm tội ta cứ đổ lên đầu hai gã hoàng tử, với hai thằng tướng hộ vệ. Nhà vua sẽ băm vằm chúng ra, việc gì đến mình mà sợ? Nhân đó ta đưa con Minh-Can vào thay thế. Ông thử nghĩ coi, với nhan sắc của nó, nhất định đức vua sẽ phong làm hoàng hậu, chứ đâu đến nỗi chỉ có cái chức phu nhân vô danh hữu thực kia?
- Cùng là con đẻ ra, sao bà lại ghét Yến-Loan quá như vậy? Nó có làm gì nên tội đâu? Từ bé đến giờ bà hắt hủi, đánh đập nó mãi như vậy cũng khôngđủ sao? Bây giờ bà định giết nó nữa?
Bốp một tiếng, rồi tiếng bà Thiết vọng ra:
- Im cái mồm ông đi. Tôi muốn làm gì, ông cũng không được nói, được bàn vào.
- Bà thực là con người lăng loàn, dám tát chồng ư?
- Tôi muốn ông phải im cái lỗ mồm ông lại, đừng xen vào chuyện của tôi, thế thôi.
Ỷ-Lan kinh hãi:
- Thì ra chính bà mẹ muốn giết mình! Hỡi ơi! Không biết bà đánh thuốc độc mình bằng cách nào?
Chợt nàng nhớ ra, hồi chiều, hai lần bà Thiết gắp bỏ vào bát cho nàng. Một lần là con cá bống mít, một lần là con tôm trứng đầu. Nàng ăn vào thấy có mùi cay cay lạ thường. Thì ra thuốc bỏ trong đó. Một cảm giác chán nản cùng cực dâng lên, nàng muốn gọi thị-vệ chuẩn bị ngay ngày mai lên đường, và vĩnh viễn không muốn về thăm nhà nữa.
Bỗng có tiếng người phi thân rất nhẹ ở phía sau. Ỷ-Lan thấy đó là một bóng đen, khinh công cực nhanh. Nàng vội theo bén gót. Bóng đen chạy ra cánh đồng, rồi chui theo lỗ hổng của lũy tre sang làng Phú-thụy. Đến một căn nhà ngói khang trang, bóng đen nhảy qua hàng rào vào trong, rồi hú lên một tiếng, cánh cửa nhà mở ra, bóng đen vào trong rồi đóng lại. Yến-Loan tung mình lên nóc nhà. Nàng hít hơi vận âm kình rồi dùng ngón tay chỏ đục thủng một lỗ, ghé mắt nhìn vào. Cảnh tượng khiến nàng rùng mình: trên một cái bàn lớn, ngồi đầu bàn là Thượng-Dương hoàng hậu, kế đó là sư phụ Đinh Kiếm-Thương, Chi-hậu Nguyễn-Bông, và cô em Minh-Can. Phía đối diện là Dư Tĩnh, Tiêu Chú, Lý Hiến, một người da hơi đen, nàng chưa từng thấy bao giờ. Cuối bàn là hai người giống hệt Đoàn Quang-Minh. Bóng đen khinh công vừa vào chính là Nguyễn Bông.
Nàng chửi thầm:
- Không ngờ Thượng-Dương hoàng hậu mà dám trốn từ Hoàng-thành ra đây hội họp với bọn Tống. Còn tại sao lại có hai tên Đoàn Quang-Minh?
Chợt nàng hiểu ra:
- Trước kia mình nghe nói Minh có người anh song sinh tên Quang-Mẫn, theo học tại Trung-quốc. Thì ra thế. Cái tên mình thắng nó ở dinh Trung-tín với dinh An-vũ sứ là tên Minh thực. Còn cái tên Minh mình đánh bại hôm chúng đến nhà mình là tên Mẫn. Hèn gì hôm ấy mình thấy võ công y cao hơn gấp bội.
Thượng-Dương hoàng hậu đang nói:
- Trong chúng ta ắt có gian tế, vì vậy tất cả kế hoạch đã bị lộ. Bá phụ của tôi cùng thuộc hạ bị cách hết chức tước, đuổi về thôn ấp. Tài sản bị sung công. Chính tôi với Thái-hậu cũng suýt lâm nguy. Bây giờ có Dư thượng thư cùng hai vị đại thần Tiêu, Lý đây, xin định liệu thế nào?
Dư Tĩnh hướng về Nguyễn Bông:
- Trung-tín hầu! Đức Nhân-tông vừa băng hà. Trị-bình hoàng đế lên kế vị. Ngài được tin báo toàn bộ kế hoạch Nam-biên bị phá vỡ, nên vội sai bản sứ sang đây ngay để duyệt xét. Vậy quân hầu thuật lại chi tiết cho bản sứ nghe, để còn làm tấu chương về triều.
Ỷ-Lan kinh hãi nghĩ thầm:
- Trước mình cứ nghĩ Nguyễn Bông là gian tế phe đảng của Dương-gia mà thôi. Nào ai ngờ y lại làm gian-tế cho Tống, tước phong tới Trung-tín hầu. Hỡi ơi! Cũng may hôm nay mình khám phá ra kịp.
Nguyễn Bông tỷ mỷ thuật tất cả biến cố từ khi thái-tử Triệu Thự cùng vương phi sang Đại-Việt bị lộ tung tích, sau đó đến việc Ỷ-Lan được tiến cung, rồi U-bon vương xuất hiện ra sao, vua bà Bình-Dương, tiên-nương Bảo-Hòa làm những gì. Kinh-Nam vương Tự-Mai với Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng xử tử người v.v. Cuối cùng triều đình cách chức tể tướng Dương Đạo-Gia cùng phe đảng, tịch thu điền sản.
Tiêu-Chú cau mày:
- Cái tên Mộc-tồn Vọng-thê hoà thượng này tung hoành khắp Hoa-Việt trên hai mươi năm qua, mà không ai biết căn cước y ra sao. Chính hồi đức Nhân-Tông còn tại thế đã ra lệnh cho Khu-mật-viện Vân-Nam, Quảng-đông, Quảng-tây tìm kiếm, mà vô phương. Bản sứ sang đây kỳ này với chủ ý tìm cho ra nguồn gốc của y. Bởi muốn trị y thì phải biết căn của y. Vậy có ai biết y thuộc gia nào, phái nào, tên thực là gì không?
Mọi người đều đưa mắt nhìn Thượng-Dương hoàng hậu. Hoàng-hậu lắc đầu:
- Họ Dương tôi khốn khổ, cay đắng với hai người. Bao nhiêu thất bại, chết chóc đều do chúng gây ra cả, đó là Trần Tự-Mai với cái tên trọc ăn thịt chó này.
Bà chỉ Nguyễn Bông với Đinh Kiếm-Thương:
- Chính tôi với Trung-tín hầu ra công tìm tòi, mà vô phương. Ngay nhà vua cùng triều đình Đại-Việt cũng không biết y là ai. Người ta chỉ biết rằng y cùng với một nhà sư nữa được tặng danh hiệu Đại-từ Liên-hoa, thành một cặp. Một ác, một thiện. Khi y xử ai, thì chỉ đánh có ba chiêu thôi, nếu người đó đỡ được, thì coi như trắng án. Nhưng trên thế gian này, chỉ một mình Cửu-chân vương, quốc-phụ Chiêm-thành là Đinh tiên sinh đây đỡ được hai chiêu của y, còn chiêu thứ ba thì y đánh chết vương phi.
Mọi người bật lên tiếng « ủa » kinh ngạc. Vì trước đây họ chỉ biết rằng vợ Đinh là Đào Hà-Thanh bị giết chết trên con thuyền ở hồ Tây khi y đi vắng, chứ không ai ngờ do bàn tay của Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng.
Dư Tĩnh hỏi:
- Cửu-chân vương gia! Vụ này ra sao. Bản sứ tưởng rằng công lực vương gia bậc nhất trời Nam, mà sao không cứu được vương phi? Tại sao y lại giết vương phi?
Hai giọt nước mắt Đinh Kiếm-Thương từ từ lăn trên má. Y thở dài:
- Nói ra thực xấu hổ. Hôm đó tên hòa thượng thối tha thình lình xuất hiện, rồi kể tội cô gia. Sau đó y nói rằng y chỉ đánh ba chiêu, nếu cô-gia đỡ được thì coi như trắng án. Y đánh chiêu thứ nhất, cô gia vận đủ mười thành công lực đỡ, nhưng vẫn bị bay lên bờ hồ. Y đánh chiêu thứ nhì, cô gia nghiến răng đỡ, thì người bay xuống nước. Y định đánh chiêu thứ ba, thì tiện thê đứng sau y dùng chầy đập vào lưng y cứu cô-gia. Y quay lại bắt chầy, cô gia nhân đó tẩu thoát được. Y hèn hạ giết chết tiện thê, giết người không biết võ.