Lão phụ trầm giọng: - Ngươi đi hay không đi? Kim Phi trầm ngâm một phút đoạn thở dài mấy tiếng, bất thình lình bật cười man dại, vừa cười vừa thốt: - Đi thì đi! Ta có thích ở lại nơi này đâu? Lão quay mình bước liền. Lão vừa đi vừa lẩm nhẩm: - Đi thì đi gấp! Ở lại làm gì chứ? Lão phụ hai tay trao thanh trường kiếm cho Thiên Phàm đại sư, quỳ xuống lạy: - Đa tạ đại sư thành toàn! Thiên Phàm đại sư nghe nhói ở tim: - Khỏi phải tạ Ơn! Nữ thí chủ cứ đi! Vì đọan ân oán tình cừu phức tạp quanh sự việc, đại sư đành buông tha Kim Phi. Lão phụ áo trắng quay mình sang Tiêu Vương Tôn, rung rung giọng nói: - Cốc chủ... Đế Vương cốc chủ nào phải sắt đá mà chẳng nao nao, khoát tay ngăn chặn: - Khỏi phải nói nhiều! Người xưa trở lại, thì người cũ phải đi theo! Lão phụ rơi lệ, thốt qua nức nở: - Hai mươi năm qua, thọ Ơn chiếu cố của cốc chủ.. giờ lại ra đi đột ngột như thế này... cốc chủ ơi... Bỗng bà đưa tay che mặt quay mình chạy đi như cơn điên loạn vừa lên. Tiêu Phi Vũ vụt bước đến cạnh Triển Mộng Bạch gằn từng tiếng: - Ngươi học được vũ công bí truyền của gia gia ta thì hãy cố mà hầu hạ người cho phải đạo nhé! Triển Mộng Bạch thở dài: - Cô nương muốn đi theo các vị đó? Tiêu Phi Vũ buồn buồn nhìn lại chàng, cũng chẳng ngó sang Tiêu Vương Tôn, đảo bộ phi thân theo Vô Trường Quân Kim Phi và lão phụ áo trắng. Nàng quay mặt nhanh quá không ai thấy kịp những hạt lệ đọng nơi bờ mi của nàng và những hạt lệ đó rơi xuống khi nàng cử động. Rơi để nhường chỗ cho những hạt khác trào ra. Đế Vương cốc chủ biến sắc mặt, nhích chân một bước tựa hồ muốn ngăn chặn nàng. Thiên Phàm đại sư cũng kinh hài, hấp tấp thốt: - Sao lịnh ái lại bỏ đi? Bần tăng phải chạy theo khuyên giả nàng mới được. Đại sư vừa đảo bộ, Tiêu Vương Tôn vói tay nắm chặc áo giữ lại. Lão thở dài, cất giọng trầm buồn: - Con bé có tính quật cường, nó đi theo Kim Phi là để học vũ công, cứ để cho nó đi, ngăn trở hôm nay thì ngày mai, ngày kia nó cũng sẽ đi như thường. Lão bật cười! Tự nhiên giọng cười phải thê thảm, nhưng khí chất thì rất kiêu hùng. Chỉ có những người biết đặt mình trên mọi sự vật mới cười nỗi vớicái giọng đó. Lão tiếp: - Nó quật cường đến điên loạn, cho nó quật cường là nó mất trọn vẹn bình thường! Bây giờ nó đòi học vũ công của Kim Phi, một thứ võ công điên loạn, nó sẽ điên loạn hơn... Tràng cười dứt trước, câu nói dứt sau, kết thúc câu nói là những tiếng thở dài. Thiên Phàm đại sư cũng thở ra, cảm thông ý nghĩ của Đế Vương cốc chủ. - Phàm nuôi dưỡng cái tâm hiếu thắng, tranh cường là tự dọn một con đường xuyên của đức hiếu sinh của thượng đế! Đạo từ bi càng phút càng bị lãng quên. Đại sư bước tới gần Ngọc Cơ chân nhân, trao thanh Phục Ma Kiếm cho đạo nhân. Ngọc Cơ chân nhân đưa ánh mắt xa vắng nhìn đại sư lâu lắm mới thở dài, hỏi: - Làm chi nữa, sư huynh? Nước đổ không ai hốt đủ, kiếm nhục thu hồi làm gì? Thiên Phàm đại sư nói: - Đạo huynh đã có cái căn tu vi hơn mấy mươi năm dài, thế mà cũng không hơn hiền điệt nữ họ Tiêu à? Cũng tránh cường? Cũng hiếu thắng? Ngọc Cơ chân nhân run người. Cơn mơ dài vỡ tan, những uất hận vỡ tan, vừa đưa tay tiếp lấy thanh kiếm, vừa quắc đôi mắt sáng rực, Ngọc Cơ chân nhân hoàn toàn thức ngộ hai lẽ thực hư, cao giọng thốt: - Mong ơn đại sư điểm hoá, bần đạo xin tuân giáo huấn của đại sư! Thiên Phàm đại sư nở một nụ cười: - Trong một cái chớp mắt, đạo huynh thức ngộ then chốt của một đời người, đúng là khổ ãi mang mang, quay đầu là thấy bóng. Bần tăng khâm phục vô cùng. Đại sư vòng tay chữ thập nghiêng mình bái tạ. Người thọ Ơn không bái tạ sao người thi ơn lại bái tạ? Cho hay, những kẻ xuất gia là xá kỷ vị tha, lấy việc lo lời làm bổn phận, khi lo tròn cho một người là bổn phận được tròn một phần. Giả như việc làm của họ chẳng bao giờ tròn, và như vậy là họ chẳng góp chút công nào trong cái việc hoằng khai đạo pháp. Ngọc Cơ chân nhân thức ngộ là đại sư có công. Cái công đó chính Ngọc Cơ giúp đại sư mà thành. Thì đại sư bái tạ Ngọc Cơ là điều rất hợp lý. Thiếu niên áo lam đến bây giờ mới bước đến cạnh Triển Mộng Bạch, điểm một nụ cười, cất tiếng: - Gia sư đếm từng ngày, từ cái lúc chia tay huynh đài, những ngày đó cộng lại hôm nay đã đúng năm rồi, hạn ước đã đến, gia sư sai tiểu đệ đến đây nghinh tiếp huynh đài. Triển Mộng Bạch cố gượng đứng lên, buông gọn: - Các hạ dùng lời khách sáo quá đi thôi. Trong thâm tâm chàng không khỏi nghĩ là Lam Đại tiên sanh nóng nảy quá chừng. Thiếu niên áo lam cười nhẹ tiếp: - Tuy tiểu đệ vâng lệnh đến đây, song nếu chẳng có Triều Dương phu nhân chỉ điểm thì chỉ sợ vĩnh viễn không tìm được lối vào sơn cốc. Triển Mộng Bạch nhìn qua Đế Vương cốc chủ, rồi hỏi thiếu niên: - Triều Dương phu nhân hiện tại ở đâu? Thiếu niên đáp: - Phu nhân đích thân đưa tiểu đệ đến đầu đường vào sơn cốc rồi trở lại ngay. Tuy nhiên bà có nói là tự bà cũng có thể tìm gặp lại huynh đài. Thì ra lúc thiếu niên vào cốc do lối công khai, còn chàng rớt đi do lối bí mật. Đế Vương cốc chủ đưa hắn theo lối bí mật tìm chàng, kế gặp Thiên Phàm đại sư. Rồi cốc chủ mới dẫn mọi người theo dấu Ngọc Cơ chân nhân. Nhờ biết rõ địa thế, cốc chủ không cần tìm lâu, chứ nếu chậm một chút nữa thì tại cục trường hẳn là có sự quan trọng xảy ra rồi. Lúc đó, Thiên Phàm đại sư và Ngọc Cơ chân nhân đã cắt dây treo đỡ các đệ tử xuống nền rồi. Bốn người thọ thương trầm trọng thật, song tinh thần vẫn vững như thường, không vì cái đau của thể xác mà nhục chí khí của họ. Mỗi người nói một vài câu, đại khái tường thuật tao ngộ của họ cho hai sư tôn được rõ. Đế Vương cốc chủ thở dài: - Trung can nghĩa đảm như các quý môn đệ là một cái gương sáng cho những ai muốn làm một con người! Thinh danh của quý phái thảo nào mà chẳng rền vang khắp sông hồ, trải qua nhiều thế hệ. Cốc chủ day mặt qua hai vị chưởng môn tiếp: - Tình trạng của họ như vậy chắc chắn là các vị ngại đường dài, lão phu tưởng các vị nên đưa họ vào sơn cốc dưỡng thương một thời gian. Thiên Phàm đại sư gật đầu: - Bần tăng đang định xin phép cốc chủ cho chúng quấy nhiễu ít hôm. Đế Vương cốc chủ hướng sang Triển Mộng Bạch hỏi: - Còn tiểu huynh đệ? Triển Mộng Bạch cao giọng, song không mất lễ độ: - Tại hạ ngay từ bây giờ phải theo vị nhân huynh này, để không thất ước với Lam Đại tiên sanh. Đế Vương cốc chủ nở một nụ cười: - Tiểu huynh đệ không đi thì lão cũng đến đây! Chỉ vì với thương thế như vậy đó, tiểu huynh đệ liệu có cử động được chăng? Triển Mộng Bạch mỉm cười: - Rách một phần da, tét một chút thịt, rơi vài giọt máu phỏng có sá gì? Đế Vương cốc chủ cười tươi hơn một chút: - Xem ra chẳng những gan của tiểu huynh đệ bằng thép, đến cả thân thể cũng xem là kim cương luôn. Kim cương thì bất hoại, bình sanh lão phu mới thấy môt mẫu người như tiểu huynh đệ. Triển Mộng Bạch khó khăn vô cùng, nếu lặng thinh là mặc nhận là tự hào mà nói lời khiêm tốn thì có khác nào công khai thừa nhận? Một đạo nhân nối lời cốc chủ: - Chính mắt đệ tử trông thấy rõ mọi diễn tiến và không tưởng là con người lại có đủ cái sức chịu đựng như vị tráng sĩ ấy! Thiếu niên áo lam cười nhẹ: - Gia sư trông đợi, nôn nóng từng ngày, bọn tại hạ xin cáo từ các vị. Thiên Phàm đại sư gật đầu: - Phiền thí chủ chuyển đạt đến lịnh sư lời vấn an của bần tăng. Thiếu niên vâng một tiếng đoạn dìu Triển Mộng Bạch hướng bước về phương trời vừa rựng đông. Bỗng Đế Vương cốc chủ chỉnh nghiêm thần sắc gọi: - Tiểu huynh đệ!... Triển Mộng Bạch quay đầu: - Tiền bối có điều chi phân phó? Đế Vương cốc chủ thở dài: - Giả như gặp Tiêu Phi Vũ, tiểu huynh đệ... Lão không dứt tròn câu nói bởi thân phận của lão không cho phép lão nói lên cái ý muốn nói. Những đã lỡ thốt đoạn đầu, lão dừng lại tiếp nối cho hợp với cảnh xử. Không, lão không cần phải tìm lời nào khác bởi lão chẳng cần phải nói nữa, Triển Mộng Bạch đã đáp đúng với niềm thắc mắc của lão: - Tiền bối an tâm, tại hạ hiểu lắm. Vô luận là Tiêu cô nương sẽ luyện được hay không luyện được những môn kỳ tuyệt, tại hạ chẳng bao giờ động thủ với lịnh ái! Đế Vương cốc chủ thở dài, cái thở dài mang theo điều lo nghĩ xa xôi, tâm tư nhẹ được phần nào. Chừng như lão muốn nói thêm điều chi đó, song cuối cùng lão vẫy tay: - Tiểu huynh đệ đi đi. Thỉnh thoảng trở lại đây cùng lão phu hội ngộ một vài ngày. Mãi đến lúc thiếu niên áo lam dìu Triển Mộng Bạch khuất dạng nơi cuối đường xuống núi, Thiên Phàm đại sư cũng như tất cả mọi người đưa ánh mắt theo chàng. Ngọc Cơ chân nhân tặc lưỡi: - Con người ai cũng quý cái dũng nhưng mà cái dũng của chàng thiếu niên đó quả thật là một kỳ dũng. Thảo nào mà Lam Đại tiên sanh chẳng quên cái tuổi cao của lão ta kết bạn vong niên? Đế Vương cốc chủ điểm một nụ cười, qua nụ cười đó, ai cũng thấy lòng cởi mở trọn vẹn. Thiên Phàm đại sư tiếp lời chân nhân: - Hắn học được vũ công chân truyền của Tiêu thí chủ, thêm sự chỉ điểm của Lam Đại tiên sanh, thiết tưởng trong vòng mười năm sau, đạo huynh và bần tăng sẽ không là đối thủ của hắn. Đế Vương cốc chủ lại cười: - Chỉ sợ không đến mười năm. Một đạo nhân buột miệng chen vào: - Bỏ qua công phu học tập của vị tráng sĩ đó, chỉ nội cái dũng cũng đủ khiến cho đệ tử cúi rạp mình khâm phục. Đế Vương cốc chủ gật gù: - Trung can, thiết đảm, nghĩa dũng kiêm toàn, rất tiếc Tiêu Phi Vũ... Đột nhiên lão thở dài, lãng qua việc khác: - Chúng ta về cốc đi thôi!
* * *
Xa xa nơi phương đông, bình mình lên... Bình minh lên mở đầu một giai đoạn mới cho vị thiếu niên anh hùng trên con đường lập danh mà cũng là báo cừu. Nơi triền núi có một dòng suối nước trong xanh, thiếu niên áo lam dừng cạnh bờ khoát nước rửa những vết thương nơi mình Triển Mộng Bạch cho sạch máu, đoạn rịt thuốc. Chỗ nào cần quấn vải thì quấn, chỗ nào chẳng cần thì thôi. Thuốc của hắn là linh dược do Ngạo Tiên Cung chế luyện, cũng như đệ tử các môn các phái hắn đi đâu là có mang nơi mình. Thái dương lên đem cái rạng rỡ cho vạn vật, gương mặt của Triển Mộng Bạch cũng rạng rỡ luôn. Cái rạng rỡ của chàng đượm nhiều nguyên nhân, bất quá thái dương chỉ làm công việc điểm xuyết thêm để được vô tư, bởi trong khi muôn loài đều rạng rỡ thì lẽ nào lại để cho chàng ảm đạm mãi sao? Chàng điểm một nụ cười thốt: - Máu me đông đặc hẳn phải bốc mùi máu tanh, huynh đài cũng chẳng sợ hôi hám rịt thuốc chu đáo, thật tiểu đệ cảm kích vô cùng. Một câu nói thông thường, nếu là ai khác nói lên thì chẳng có mảy may giá trị, vì nó tượng trưng cho một sự vuốt ve để tất trách một lễ độ thôi. Nhưng khi Triển Mộng Bạch nói lên, nó phải có ý nghĩa sâu xa, vì chàng không thích những cái sáo rẻ tiền, vì chàng là con người cương trực, chỉ biết nói những cái gì đáng nói, không bao giờ dùng lời phù phiếm che đậy một giả dối. Gia dĩ, thái độ của chàng tự nhiên quá, dù rằng buồng ngực khép kín con tim sâu son con tim của chàng như bỏ ngỏ, để lộ sự thành thật rõ ràng. Cho nên người nghe cũng cảm kích như người nói, dù là một câu thông thường. Thiếu niên cười nhẹ: - Tiểu đệ tên Dương Toàn, huynh đài cứ gọi tên như thế tiện hơn. Triển Mộng Bạch cười lớn: - Các hạ mở miệng ra là dùng hai tiếng huynh đài, như vậy còn bảo người ta gọi mình bằng tên tộc, ai nghe cho chứ? Dương Toàn mỉm cười: - Huynh đài thẳng thắn quá chừng, mà cái thẳng thắn cũng nhiệt thành đáng phục! Tiểu đệ từng nghe gia sư đề cập đến huynh đài, niềm kính một càng lúc càng tăng. Triển Mộng Bạch cười vang: - Lại cũng hai tiếng huynh đài. Cả hai cùng cười, giọng cười tương đắc. Triển Mộng Bạch chợt thấy mình có hảo cảm ngay với thiếu niên, trong phút giây cao hứng chàng quên đi những phút giây nguy hiểm vừa qua... Nhưng thiếu niên ngưng bật tiếng cười, trong khi Triển Mộng Bạch còn rạt rào thích thú. Rồi hắn thở dài thốt: - Tiểu đệ nghĩ tủi thân phận mình. Đơn côi, cô khổ chứ không thì... Hắn lại thở dài một phút sau mới nói tiếp: - Tay vắn làm sao với cao?... Hắn muốn nói rồi nín lặng, nín lặng rồi muốn nói. Khi nói lên lại ngập ngừng, tuy nhiên hắn cũng biểu hiện được cái ý của hán, cái ý muốn kết giao với Triển Mộng Bạch. Hắn ngập ngừng là bởi hắn xét mình chưa xứng đáng, hắn ngại Triển Mộng Bạch hiểu lầm, cho rằng hắn đèo bồng... Triển Mộng Bạch cao giọng: - Phàm là anh hùng, thì luận tài, luận trí, chứ nào ai luận nguồn gốc ti tiện, xuất xứ đê hèn? Giả như các hạ thấy rằng tại hạ là kẻ có thể thân được, giả như tại hạ thấy các hạ là người đáng mến, thì đừng bao giờ tưởng kẻ này trọng kẻ kia khinh. Nếu trong chúng ta, ai còn đề cập đến sự sang hèn, người đó phải bị phạt nặng. Dương Toàn hân hoan ra mặt: - Nếu tiểu đệ được kết giao bằng hữu vào sanh tử đồng hành với huynh đài thì không uổn mình sanh ra trên cõi đời ô trọc, đi giữa dòng đời nhưng vẫn cô đơn như trên sa mạc mênh mông. Triển Mộng Bạch cười lên ha hả: - Tại sao lại không được chứ? Chúng ta bất tất học theo thói tục vẻ vời hương án, bày biện lễ lạc, ngay bây giờ cứ nhạt đất làm hương, nhìn trời mà phát thệ giao tình bằng hữu, các hạ nghĩ sao? Dương Toàn càng tươi nét mặt hơn hỏi: - Huynh đài cho biết niên canh? Triển Mộng Bạch mỉm cười: - Trên dưới hai mươi gì đó, tại hạ cũng không còn nhớ rõ nữa. Chàng nói với thái độ phóng khoáng, phiêu nhiên, bất chấp tiểu tiết, bởi bình sanh chàng không hề dừng chân ở những sự nhỏ mọn quanh mình chàng. Dương Toàn tiếp: - Tiểu đệ năm nay hai mươi hai... Triển Mộng Bạch vươn tay vỗ nhẹ lên đầu vai của hắn cười ha hả: - Nếu thế thì các hạ là đại ca, tại hạ là tiểu đệ! Cả hai lấy đất làm hương, lạy trời phát thệ, lạy với nhau cho đủ lễ. Hai thiếu niên đơn côi, kể tự phút giây này không còn cô quạnh giữa dòng đời. Họ thành thực mến nhau, đôi lòng cởi mở trọn vẹn. Dương Toàn đề nghị trao đổi cánh thiếp kim bằng, Triển Mộng Bạch ưng thuận ngay. Dương Toàn lấy trong mình ra một chiếc túi luạ, trong túi có một xấp giấy trắng. Giấy đó Dương Toàn mang theo mình, khi gặp cảnh sơn thủy hữu tình, hứng thơ bốc dậy, hắn ghi lại một đôi vần để đánh dấu những chặn đường sông núi đã vượt qua. Giờ đây tạm thời cả hai dùng giấy đó lấy than làm bút, tả niên cảnh quê quán rồi trao nhau. Dương Toàn tả kỷ bắt buộc Triển Mộng Bạch cũng phải tả kỷ theo. Thuốc đã rịt xong trên các vết thương, Dương Toàn lấy thức ăn đơn giản mang theo mình bày ra cả hai cùng ăn. Sau đó nghỉ ngơi một lúc, Triển Mộng Bạch cảm thấy tinh thần phấn chấn trở lại như thường. - Phải làm sao để hóa diệt phiền lo cho Tiêu cốc chủ? Dương Toàn giải thích: - Lên trên núi, tìm ba vị đó, thu hồi... Hắn nhìn Triển Mộng Bạch bỏ lửng câu nói. Triển Mộng Bạch hỏi dồn: - Thu hồi vật gì? Dương Toàn lắc đầu: - Ngu ca nói rồi, sợ nhị đệ đòi đi! Triển Mộng Bạch gấp giọng: - Đại ca cứ nói, tiểu đệ không đi đâu. Dương Toàn vẫn lắc đầu: - Chẳng phải ngu ca không muốn nói, chỉ vì lên đó là làm một việc mạo hiểm phi thường, người lên núi chẳng những phải có gan liều, mà còn cần phải có tài nghệ cao siêu, ngoài ra phải giữ cái chí cực kỳ kiên định, không để cái tâm bịdụ hoặc bởi bất cứ một việc gì. Dọc đường, cứ đi, đi lên mãi không thể quay đầu, khi thấy ngôi nhà cổ quái, tìm gặp ba lão nhân, hỏi họ xin một con độc xà, màu đỏ, đem nó về trao cho Tiêu Vương Tôn. Dùng con độc xà đó, hoặc ăn nó, hoặc chế luyện ra một được liệu gì, Tiêu Vương Tôn sẽ không còn sợ độc trùng nữa. Triển Mộng Bạch mỉm cười: - Thế thì có gì khó khăn đâu? Dương Toàn thốt: - Vũ công của ba vị lão nhân đó không lấy gì làm cao minh cho lắm, song họ có biệt tài lừa người, kẻgian hoạt còn bị họ lừa được như thường, thì liệu một người như Tiêu Vương Tôn làm gì không mắc mưu họ chứ? Hà huốngmột thiếu niên chưa hai mươi tuổi? Triển Mộng Bạch lấy làm kỳ: - Tại sao lại phải là một thiếu niên chưa tròn lứa hai mươi tuổi? Dương Toàn đáp: - Bởi vì ngày trước, Tiêu Vương Tôn có lập ước với ba lão nhân, theo thỏa ước đó, thì chỉ có một thiếu niên chưa tròn hai mươi tuổi mới có thể được lên đỉnh tìm ba vị lão nhân, thu hồi giải dược. Hắn thởdài, một lúc sau tiếp luôn: - Ba vị lão nhân đó sống mãi hầu như không còn biết tuổi của mình là bao nhiêu nữa, bởi sống quá lâu, con người hầu như thành tinh mất rồi, họ còn lừa được kẻ đã chết rồi, huống hồ là một thiếu niên? Triển Mộng Bạch hét lên: - Chưa chắc đâu đại ca! Họ lừa thiếu niên nào thì chẳng có chi, chứ thiếu niên đó là họ Triển này, thì nhất định họ phải thất bại. Tiểu đệ muốn lên đó xem thử. Dương Toàn biến sắc: - Nhị đệ đã hứa là không đi kia mà? Sao bây giờ lại đòi đi? Triển Mộng Bạch thở dài: - Đối với tiểu đệ, Tiêu cốc chủ có cái ơn trọng như núi Thái, giờ đây nghe được việc này, tiểu đệ thấy có dịp đáp lại phần nào ơn trọng của lão ta, lại không làm được cái gì hữu ích cho lão, thì liệu tiểu đệ có còn là con người nữa không? Dương Toàn khoát tay: - Không được! Dù sao, nhị đệ cũng không thể đi được! Triển Mộng Bạch hỏi: - Tại sao? Dương Toàn giải thích: - Cái vẻ bên ngoài của nhị đệ chứng tỏ một tâm tánh quật cười nhưng thật ra, cái tâm của nhị đệ thì quá mềm, nếu gặp ba vị đó, họ nói một vài câu, xúc động tâm tình nhị đệ... nhị đệ mắc mưu là cái chắc, mà khi mắc mưu rồi là cầm như mất mạng luôn. Triển Mộng Bạch cao giọng: - Đại ca cứ yên trí, tiểu đệ hứa, vô luận ba lão nhân đó có nói gì, tiểu đệ nhất định không nghe, nếu không nghe thì làm gì mắc mưu? Dương Toàn cau mày: - Nhị đệ chắc vây? Triển Mộng Bạch ưỡn ngực: - Chắc chắn là tiểu đệ sẽ mang con độc xà màu hồng đó đem về đây! Không có một sự việc vì mà có thể cầm chân tiểu đệ trên đó. Dương Toàn cau mày: - Thương thế nhị đệ... Triển Mộng Bạch vung cánh tay rồi soạt chân, đảo bộ rồi tung mấy ngọc cước vù vù, cho thấy chàng không hề kém giảm công lực đoạn cười ha hả: - Thuốc của Ngạo Tiên Cung quả nhiên thần hiệu, giờ đây tiểu đệ chẳng còn đau đớn chút nào cả. Dương Toàn thở dài: - Rất tiếc là theo giao ước của Tiêu Vương Tôn thì chỉ có một thiếu niên lên đó mà thôi, chứ nếu không thì... chúng ta cùng đi. Hắn dặn dò: - Cẩn thận nhé nhị đệ! Triển Mộng Bạch gật đầu: - Đại ca cứ việc yên trí, cứ ở đây mà chờ tiểu đệ xuống, lâu là một ngày, sớm là nửa ngày, tiểu đệ trở lại với con rắng độc màu hồng. Dương Toàn thốt: - Nhị đệ không trở lại đây thì ngu ca cũng không trở về sơn động. Triển Mộng Bạch vẫy tay: - Tiểu đệ đi đây! Nhìn theo bóng Triển Mộng Bạch đến khi khuất hẳn ở khúc quanh trên con đường lên núi, Dương Toàn vụt nở một nụ cười âm trầm, rồi lẩm nhẩm: - Ngươi lên đó rồi lại hy vọng trở xuống sao? Hắn ngẩng mặt lên không hớp mấy hơi không khí trong lành rồi lẩm nhẩm tiếp: - Triển Mộng Bạch! Triển Mộng Bạch! Đừng trách sao ta hãm hại ngươi! Bởi vì ngươi vào Ngạo Tiên Cung là vĩnh viễn ta không còn hy vọng được Lam Thiên Chùy truyền y bát cho ta! Vào Ngạo Tiên Cung đâu phải là cái việc dễ dàng cho ta? Lưu lại Ngạo Tiên Cung là đệ tử Lam Thiên Chùy, cũng đâu phải là việc dễ dàng? Càng khó khăn hơn nửa là được lão quỷ ấy truyền cho tuyệt học! Bao nhiêu công khó của ta lẽ nào nhường hết cho ngươi tiếp nhận thành quả? Hắn cầm lấy tấm canh thiếp của Triển Mộng Bạch, xem lại một lần nữa đoạn trịnh trọng cất vào mình rồi bật cười lạnh, lẩm nhẩm: - Có tấm canh thiếp này trong tay, ta chẳng sợ bất cứ ai buộc tội ta hãm hại ngươi! Hắn bật cười khanh khách: - Đến lúc đó, ta sẽ ngụy tạo một vẻ mặt đau đớn, thống khổ, ta sẽ khuyến dụ, khích động luôn Lam Thiên Chùy cholão ta tìm lên đỉnh núi gặp ba lão nhân kia báo cừu. Hắn đắc ý vô cùng, rồi hắn lại nghĩ: - Chưa đến hoàng hôn là ngươi chết, đến lúc ấy ta lên núi nhặt xác của ngươi! Hay lắm! Bỗng, hắn vỗ tay, cười vang tiếp: - Ta chỉ cần cung cung kính kính đối với các lão nhân, nhất định họ sẽ không làm khó ta! Đến bây giờ hắn mới ăn, trước đó thì hắn chỉ nhượng cho Triển Mộng Bạch ăn, còn hắn nhấm nháp cho chàng vui lòng vậy thôi. Thức ăn chẳng có gì, chỉ là cơm khô với muối, thế mà hắn ăn, nghe ngon lạ lùng! Bởi, hắn ăn mà nghĩ đến cái chết của Triển Mộng Bạch. Vừa đi, Triển Mộng Bạch vừa nghĩ: - Không ngờ ta với hắn mới kết giao với nhau mà hắn lại đối xử nặng tình với ta quá như vậy! Tự nhiên ta cảm kích hắn vô cùng! Chàng nhìn ra con đường trước mắt, đường tuy khó khăn song chàng nóng nảy quá độ, chân bước vội vàng... Một lúc sau chàng trông thấy một khoảng núi có hình thế lạkỳ, nơi đó không có một ngọn cỏ, có lẽ tại đây sinh vật không phải triển nỗi nên tàn lụn đến cuối cùng tận diệt. Vượt qua đoạn đường đó, chàng lại đến một đia. điểm có đầy hoa cỏ màu đỏ như máu lại to bằng chiếc bát lớn. Chàng không nhận ra được hoa đó là hoa gì. Bây giờ chàng đã lên quá cao, dưới chân chàng mây lơ lửng trôi qua, mùi hoa phất qua mũi chàng ngàongạt. Bỗng chàng trông thấy một tấm bia dựng trong những bụi hoa bia có mấy chữ: - Đừng vào cửa! Hai bên tả hữu có hai hàng chữ con: - Hãy quay đầu trở lại, đừng vào vọng cửa này!