Liễu Đạm Yên mĩm cười: - Chuyện đã thảo luận xong, bây giờ chúng ta có quyền giải trí! Ở cái lứa tuổi chúng ta, gặp phong lưu mà chẳng phong lưu thì có sống cũng bằng thừa! Đang nghiêm đó, y trở nên vui tươi. Con người như thế hẳn là phải thâm trầm, hiểu độc không tưởng nổi. Y cởi bỏ cái lốt giám thị khắc nghiệt, khoác lên mình cái dáng đa tình rất mực hào hoa, trở về nam thì là một tuấn sĩ, biến thành nữ thì là một tuyệt thế giai nhân. Dương Toàn thở dài, thầm nghĩ: - Y có bao nhiêu bộ mặt cả thảy? Tôn Ngọc Phật vỗ tay: - Các cô nương đâu, vào được rồi! Cuộc vui tiếp tục, rượu dâng cười đón. Cái lơi lã của chốn kỹ viện với tất cả các kỹ thuật trác táng. Khi Thúy Hồng nâng chiếc đàn tỳ bà, dạo mấy tiếng, ca mấy lời: - Đêm tầm dương, tiểu khách... Từ bên ngoài cửa sổ, một đạo kình phong cuốn vào, ánh đèn bỗng chao, một người bay ngang qua khung cửa xuất hiện giữa gian phòng. Người đó, chẳng muốn cho ai trông thấy mặt mày, tay tả đưa lên, che từ đầu xuống, tay hữu chụp luôn Thúy Hồng. Sự việc diễn biến quá bất ngờ, lại nhanh nên chẳng một ai kịp phản ứng. Chỉ nghe Thúy Hồng rú lên một tiếng, rồi thân hình nàng bay ngang cửa sổ, ra ngoài. Đồng thời gian, người đó vọt đến khung cửa phòng, thoáng mắt đã ra đến bên ngoài, mất dạng luôn trong đêm tối. Người đó vừa khuất dạng, một người thứ hai do cửa sổ bay vào. Người thứ hai, là một lão nhân, lưng gù nhưng vóc cao lớn, trong tay lão là Thúy Hồng. Chân vừa chạm nền, lão buông Thúy Hồng ra, quắc mắt nhìn mọi người một lượt, buột miệng kêu lên: - Lỗi quá! Lỗi quá! Lão đưa tay lấy trong mình ra một đỉnh bạc, quăng đến bên cạnh Thúy Hồng, thốt: - Đền bù cho niềm sợ hãi vừa rồi đó! Đoạn nhìn thẳng ra khung cửa phòng, lão quát lớn: - Ngươi chạy đến phương trời nào, lão phu cũng theo tận chốn! Nhất định tiểu tử phải chết với lão phu! Khi lão quát được nữa câu, lão đã ra khỏi phòng. Lúc tiếng cuối vừa buông dứt, lão đã khuất dạng trong màn đêm. Động tác của một trước, một sau diễn tiến nhanh quá, không đầy nữa phút. Đến Liễu Đạm Yên là tay khá, Dương Toàn là môn đệ của Ngạo Tiên Cung, Tôn Ngọc Phật là tay gian hoạt phi thường, cũng chẳng một ai kịp thời phản ứng. Bởi, họ quá sửng sốt, quên mất thực tế, khi hoàn hồn thì cả hai đã đi xa lắm rồi. Liễu Đạm Yên dững cao đôi mày, nói: - Đuổi theo! Dương Toàn và Tôn Ngọc Phật lúc trông thấy lão nhân xuất hiện, quá sợ vội lấy tay áo che mặt, bây giờ nghe Liễu Đạm Yên truyền lịnh đuổi, cả hai cùng buông tay xuống, không hẹn mà đồng thốt: - Đuổi không được đâu! Liễu Đạm Yên nổi giận: - Tại sao không đuổi theo được chứ? Tôn Ngọc Phật cười khổ: - Thế công tử chẳng trông thấy lão nhân gù sao? Lão là con người năm xưa từng gây sóng gió trên giang hồ. Lão là Vạn Lý Thần Hành Kim Khúc đó! Liễu Đạm Yên sững sờ một phút, đoạn buông xuôi: - Thế thì thôi!.... Đuổi theo cũng chẳng kịp, dù có kịp cũng chẳng làm gì được! Y trầm ngâm một lúc, rồi cau mày hỏi: - Năm xưa lão tự xưng là một sát thủ, nhưng bị thiên hạ giang hồ đánh đuổi chạy khắp bốn phương trời, chẳng có chốn dung thân. Từ đó đến nay, hơn mười mấy năm qua rồi, tại sao hôm nay lão lại tái hiện? Dương Toàn thở dài: - Nghe nói mười mấy năm qua, lão ở tại Đế Vương Cốc, nương tựa Tiêu Vương Tôn. Chẵng những lão được ung dung, mà có thể là lão đã tính tiến rất nhiều về võ học. Liễu Đạm Yên ạ một tiếng: - Dương huynh biết nhiều việc quá! Dương Toàn vờ chẳng nghe câu đó, lộ vẽ mơ màng lắng nghe tiếng trống lầu thành điểm bốn tiếng đều. Canh ba đã qua, canh tư bắt đầu. Hắn đứng lên, tay vòng lại, miệng điểm nụ cười: - Tại hạ có ước hẹn với Triển Mộng Bạch canh tư gặp nhau. Xin cáo từ công tử và Tôn huynh! Liễu Đạm Yên chớp mắt mường tượng muốn nói chi đó, song đổi ý, chỉ lạnh lùng nhìn sang Tôn Ngọc Phật: - Dương huynh muốn đi, chúng ta không thể cầm. Tôn huynh chịu khó đưa khách xuống lầu đi! Lúc trở lên, Tôn Ngọc Phật cười lạnh, thốt: - Hắn giả vờ ngu ngốc, nhưng tâm cơ của hắn đáng sợ lắm. Chúng ta không thể khinh thường con người đó! Liễu Đạm Yên cười lạnh: - Hắn dám là gì chứ? Hoặc vô tình, hoặc hữu ý, y nhìn thoáng qua Tôn Ngọc Phật: - Tại hạ hy vọng trong bổn môn sẽ có một người mưu phản. Lúc đó thì kẻ khác sẽ thấy người mưu phản sẽ bị trừng trị như thế nào! Cho tất cả cùng sáng mắt ra! Tôn Ngọc Phật rùn mình, không hiểu sao Liễu Đạm Yên lại cứ binh vực cho Dương Toàn, nhưng hắn chẳng dám nói gì thêm. Thơ thẩn trên con đường về, Dương Toàn đầy phẫn nộ. Hắn cười thầm, nghĩ: - Các ngươi bảo ta đừng giết! Nếu ta không ra tay, chẳng hóa ra ta ngoan ngoãn vâng lời các ngươi, như trẻ con tuân mạng bậc trưởng thượng à? Hắn ngẩn mặt lên không, thở phì phì, trút bớt niềm oán hận, rồi lẫm nhẫm: - Ta khổ tâm nhọc trí mới nghĩ ra được một kế hoạch, nhất định là chẳng một ai bắt buộc được ta phải bỏ kế hoạch đó! Rồi hắn trầm gương mặt, rít khẽ: - Liễu Đạm Yên! Liễu Đạm Yên! Ngày nay, ngươi vô lễ với ta, không thèm để ý tới ta, một ngày kia ta trở thành chủ nhân Ngạo Tiên Cung, ngươi còn dám khinh bỉ ta chăng? Cho dù chủ nhân của ngươi, lúc đó cũng phải xem trọng ta nữa là khác, hống hồ là ngươi! Thần sắc của hắn biến đổi vùn vụt, thoạt lo, thoạt vui, thoạt hận, thoạt tức. Cuối cùng, hắn lại than: - Tuy nhiên, giết Triển Mộng Bạch chẳng phải là việc dễ làm! Ta đơn thân, độc thế, lại không thể dùng Tình Nhân Tiễn. Ngoài ra ta còn phải hạ thủ cách nào để bọn Lam Thiên Chùy, Tiêu Vương Tôn, Đỗ Văn Thiên không hoài nghị.. Hắn cau mày. Chợt hắn bật cười, nghĩ: - Trên thế gian này, có việc gì mà Dương Toàn chẳng làm nổi? Lòng khoan khoái rồi, hắn bước gấp về khách sạn. Trên con đường dài, ánh trăng trải rộng, sương đêm xuống lạnh, không một bóng người. Triển Mộng Bạch không do những con đường lộ liễu mà đi, dù hiện tại vắng khách dạ hành. Chàng dè dặt, len lõi theo bóng tối, âm thầm tiến bước. Đi một lúc lâu, Triển Mộng Bạch đến một vùng nhà cửa thưa thớt. Trong khu đó, có một ngôi nhà đặc biệt. Tuy chẳng to bằng những dinh thự tại Trung Nguyên, song cũng được kể nhất nhì ở cái vùng biên tái xa xôi này. Nhà thì lớn, kỳ thay lại chẳng có ánh đèn. Triển Mộng Bạch không do sự, tiến về ngôi nhà đó. Đến nơi, chàng chọn một góc tường bên ngoài, tìm chỗ kín đáo, ẩn núp. Ngồi lại đó, chàng đảo mắt quan sát chung quanh, chực chờ một sự kiện khả nghi, nhưng ngồi mãi mà chẳng thấy bóng dáng một khách dạ hành nào cả. Trăng càng lúc càng sáng hơn, sao thưa dần, có lẽ đêm xuống sâu lắm rồi. Bỗng, chàng điểm một nụ cười, thầm nghĩ: - Ngồi ở đây mà chờ, chờ đến lúc nào mới gặp một bóng người? Ta ngốc quá! Nếu có khách lạ hành xuất và nhập phía tường kia, thì làm sao ta thấy được? Lập tức, chàng rời khỏi nơi đó, đi vòng quanh ba phía tường kia, thấy có một mái nhà, để ra ngoài. Chàng nhún chân, nhảy lên mái nhà đó, đảo mắt nhìn bốn phía. Trước mắt chàng, là một khu hoa viên rất rộng, có cổ thụ, có trúc, giả sơn, suối, cầu, có cả một hồ sen. Dĩ nhiên cũng phải có thừa lương các, lầu vọng nguyệt. Nhìn thoáng qua, Triển Mộng Bạch có cảm tưởng nơi đây là một trang viện khá huy hoàng. Nhưng, chú ý một chút, chàng thất vọng ngay, bởi trang viện này hầu như hoang phế, qua nhiều năm tháng. Cổ thụ xác xơ, khóm trúc khô còi, cầu gãy lan can, giã sơn sức mẻ. Đến cả những thừa lương các, vọng nguyệt lâu, cũng chẳng còn nguyên vẹn. Bao lơn gẫy đổ, song cửa bóng cái còn cái mất, cánh xệu xạo, gió lạnh từ ngoài luồn vào kêu vu vu não nùng rợn rùng. Hồ sen thì cạn nước. Triển Mộng Bạch giở khóc, giở cười, rình mò hơn nữa đêm dài, không ngờ lại chọn đúng một nơi không người ở! Bỗng, trong khu vườn hoang, một ánh sáng loé lên. Vệt ánh sáng màu lam, hẳn phải do thép kiếm phát huy. Đang thất vọng não nề, chợt thấy kiếm ảnh, Triển Mộng Bạch phấn khởi tinh thần, thầm nghĩ: - Chẳng lẽ có gã nào đó cũng như ta, chẳng biết nơi này là một khuôn viên tàng phế? Ta cứ tưởng một mình ta làm việc vô ích, không ngờ vẫn có người ngu ngốc như ta! Chàng nép sát mình trên mái ngói, vận dụng nhãn lực nhìn về phía đó. Quả nhiên, một bóng người hiện ra trong tầm mắt chàng. Người đó cầm một thanh kiếm. Thân vóc của gã không lớn lắm, dáng dấp yểu điệu, có lẽ là một nữ nhân. Triển Mộng Bạch lấy làm lạ, lại nghĩ: - Một nữ nhân xuất hiện trong khu vườn hoang này, trong phút giây này? Không lẽ lại là một hồ ly? Người đó từ từ tiến tới, tà áo phất phơ. Tóc gió thổi bay. Tay tả cầm trường kiếm, tay hữu nắm tay một đứa bé. Nàng dắt đứa bé qua cầu, nàng càng đến gần, gương mặt nàng càng hiện rõ. Một gương mặt trắng như tuyết lồng giữa mớ tóc đen huyền buông xỏa. Nữ nhân đã qua hết một cây cầu, bỗng nàng buộc miệng thở dài: - Mơ về vườn cũ làm thơ. Ngày về lại hóa ngồi nhờ vườn ai Xa quê mấy chục năm dài Đành câu "thất thổ" cuối bài "vong gia"! Nàng lặng gót tới một chiếc bàn đá. Cạnh bàn có chiếc ghế cũng bằng đá. Nàng dừng chân, ngồi xuống chiếc ghế. Triển Mộng Bạch nhận ra, trong tiếng thở dài của nàng có ẩn ước ít nhiều quỷ khí. Tuy không sợ, song chàng cũng rùn mình. Đứa bé chợt nhào vào lòng nàng, run giọng gọi: - Mẹ!.... Con... con... sợ quá mẹ!.... Nữ nhân thốt: - Trong tay mẹ có kiếm, quỷ nào dám đến gần? Con sợ cái gì? Giọng nàng rất thấp, song thốt giữa đêm vắng, âm thinh vẫn loáng đi xa, Triển Mộng Bạch nghe rất rõ. Triển Mộng Bạch thở phào, hơi thất vọng, thầm nghĩ: - Thì ra, nàng là người! Nàng không phải là hồ tinh, hồ tiêu gì cả! Nữ nhân cất tiếng ru con, tiếng ru của nàng có ma lực thôi miên. Đứa bé không nói gì nữa, nằm yên trong lòng mẹ. Nữ nhân còn thừa một tay, nàng đưa tay đó vuốt vuốt lên thân trường kiếm. Kiếm di động, ánh sáng chớp trong xanh như nước ao thu lồng bóng nguyệt. Đứa bé im lìm một lúc, nhưng nó chưa ngủ. Nữ nhân ru mãi, sau cùng nó cất tiếng ngăn chận: - Thôi đi mẹ, mẹ đừng hát nữa, mẹ hát dở quá con không ngủ được! Đứa bé, bất quá là bốn năm tuổi, thuộc cái lứa học nói, thế mà có cái khẩu khí của kẻ trưởng thành! Triển Mộng Bạch cho rằng nó rất thông minh và sau này nó sẽ trở nên bậc đại thành. Nữ nhân vỗ nhẹ tay lên đầu nó, ngừng hát ngay. Đứa bé hỏi: - Mẹ Ở đây đợi người ta, người ta biết hay không? Nữ nhân gắt yêu: - Tiểu Phụng à, không được dùng hai tiếng người ta, phải gọi là cha, con biết chứ! Đứa bé chớp đôi mắt, cãi: - Nếu người ta là cha, tại sao người ta không ở chung với mẹ? Trong thiên hạ, có cha mẹ nào lại chẳng ở chung với nhau?