Lão dừng lại một chút rồi trầm giọng tiếp: - Truyền thụ kiếm pháp của lão phu cho ngươi, để đáp ơn ngươi phần nào! Truyền thọ kiếm pháp! Sự truyền thọ lại do một bậc kỳ nhân, vũ lâm tôn kính là Thái Sơn Bắc Đẩu! Phàm học võ, có ai không mơ ước được số mạng đãi ngộ như vậy? Nhưng, trong ngàn mơ ước, có bao nhiêu người được toại nguyện? Triển Mộng Bạch có mơ ước như hầu hết những người học võ chăng? Chắc chắn là có rồi! Bởi, chàng còn mang nặng mối huyết hải thâm cừu, muốn báo cừu, phải có tài cao! Dĩ nhiên, chàng mong muốn trong một thời gian ngắn, trở thành một kiếm khách phi phàm, chàng sẽ đi khắp bốn phương trời, tìm chủ nhân Tình Nhân Tiễn, biến cố, cho cha già ngậm cười nơi chín suối! Tuy nhiên, chàng chưa biết phải thọ giáo nơi ai. Đang trên đường đi tìm kỳ nhân với Tiêu Tam phu nhân, mẹ chàng, chàng trải qua bao nhiêu biến cố, chàng thọ nhân bao nhiêu oan uổng, để cuối cùng lại gặp Cung Cẩm Bậc! Gặp được lão, biết lão là tay kiếm vô song đương thời, chàng không có chio ý mong cầu nơi lão. Rồi vì hiệp khí hảo tâm, chàng mạo hiểm, cứu ông cháu của lão, lão lại cho đó là một cái ơn nặng đề nghị truyền kiếm pháp cho chàng để đáp ơn. Nếu là ai, hẳn đã mừng trên chỗ mong ước, và chấp nhận liền. Song, chàng chính sắc mặt đáp: - Sao tiền bối xem sự việc lại quá quan trọng thế? Vì một hành động thông thường mà tiền bối lại ưng thuận truyền thọ tuyệt kỹ cho một kẻ lạ mặt sao? Tiền bối có biết tại hạ thuộc thành phần nào trong vũ lâm, xứng đáng làm một truyền nhân cho tiền bối chăng mà khinh thường thu nạp? Huống chi, Triển Mộng Bạch này dù là một tiểu tử vô danh, vẫn chẳng bao giờ làm một điều ân mà mong mỏi nhận lại một điều nghĩa! Tiền bối muốn cho tại hạ chấp nhận lại đề nghị đó, chẳng khác nào muốn cho tại hạ làm một kẻ súc sanh! Tại hạ không thể vâng lịnh tôn ý đâu, tiền bối! Cung Cẩm Bậc giật mình: - Ngươi cho là một việc nhỏ mọn? Ngươi, cũng biết chứ, nếu vừa rồi, ngươi chậm chân một chút, là ngươi cũng chết cháy như ông cháu ta! Sự hy sanh to lớn thế, mà ngươi vẫn nói chẳng có gì? Triển Mộng Bạch điềm nhiên: - Sanh mạng con người có quý là con người tha thiết với nó. Tại hạ xem cái chết rất thường thì sao gọi được là hy sanh? Đã không có ý nghĩa hy sinh, thì làm gì có ơn mà tiền bối đề cập đến việc đền đáp? Cung Cẩm Bậc hừ một tiếng: - Đành là ngươi không úy tử, tham sanh, song ít nhất cũng có một lý do khiến cho ngươi khinh thường cái chết, mạo hiểm cứu ông cháu ta chứ? Cái lý do đó như thế nào, ngươi nói cho ta nghe? Âm thinh của lão biểu lộ sự kỳ quái rõ rệt. Triển Mộng Bạch lạnh lùng: - Cứu một người lâm nạn, cũng cần lý do nữa sao? Trong một cuộc đối thoại, nếu có một người nặng tai thì người kia phải cao giọng một chút. Triển Mộng Bạch sợ Cung Cẩm Bậc không nghe rõ ràng, nên thốt to tiếng quá, gần như hét. Cung Cẩm Bậc cũng thấy thính giác của lão kém giảm, phàm những người nặng tai thường có tật nói lớn, bởi có cảm tưởng là người đối thoại cũng nặng tai như lão. Do đó, lão cất cao giọng đối đáp, thành thử song phương đàm thoại với nhau, mà chẳng khác não cãi vã với nhau. Cung Cẩm Bậc trầm ngâm một lúc lâu, đoạn thở dài thốt: - Bình sanh, lão phu gặp rất nhiều người, thuộc đủ hạng tuổi, có đủ tánh khí, song thú thật chưa thấy một thiếu niên nào như ngươi! Trong khi bao nhiêu kẻ mong cầu lão phu truyền thọ sở học thì lão phu từ khước. Bây giờ, chính lão phu đề nghị, thì ngươi lại từ khước! Ngươi càng khước từ, ngươi càng chấp ý, lão phu lại càng quyết tâm truyền thọ kiếm pháp cho ngươi. Trọn sỡ đắc của lão phu, nếu lão phu không lầm, thì chỉ có ngươi mới là kẻ xứng đáng nhất làm một truyền nhân của lão phu. Chỉ có mỗi một người là có thể bảo toàn thinh danh của lão phu sau nầy! Triển Mộng Bạch vẫn lạnh lùng: - Mong tiền bối đừng bức người phải làm một việc không thể làm. Như tại hạ đã tỏ bày, chấp thuận đề nghị của tiền bối, là tại hạ lợi dụng thời cơ, làm một cái ơn nhỏ, để mong cầu một sự đền đáp lớn. Chấp nhận như vậy, tại hạ sẽ mất tư cách con người, tại hạ sẽ trở thành một tên súc sanh. Nhận một kẻ súc sanh là truyền nhân, tiền bối có hãnh diện gì? Học thành tài mà mình là một kẻ súc sanh, thì học thành tài để làm gì? Chàng trầm giọng kết luận: - Hảo ý của tiền bối, tại hạ xin khắc ghi, còn như tuân theo ý đó, thì chắc chắn là không được rồi. Mong tiền bối xét cho! Một sự kiện hết sức lạ lùng, bình sanh Cung Cẩm Bậc chưa hề thấy! Người ta cầu mong suốt đời không được. Triển Mộng Bạch, bỗng nhiên lại được, được mà không nhận nếu không lập dị, thì đúng chàng là một con người có tính cố chấp nặng vậy. Nhưng, Cung Cẩm Bậc thấy chàng kiên quyết quá độ, thay vì bực tức, giận dữ, trái lại, lão càng vui mừng. Lão lấy trong mình ra một quyển sách, tờ sách bằng lụa mỏng, thốt: - Lão hu đui từ lâu, bây giờ lại mang chứng điếc, hơn thế, lão phu lại quá già, đường về âm cảnh chẳng còn xa lắm. Tuy lão phu sống quá nhiều, bình sanh đã làm chẳng biết bao nhiêu việc, dù vậy, đến lúc sắp về với lòng đất lạnh, kiểm điểm lại còn hai việc chưa xong. Còn đọng hai việc đó, chưa thi hành, là lão phu không an lòng ra đi vĩnh viễn. Lão dừng lại một chút, rồi thở dài, tiếp: - Việc thứ nhất, cháu gái của lão phu còn nhỏ tuổi quá, việc thứ hai là lão phu chưa tìm được truyền nhân, để chỉ dạy tất cả sở học của lão phu. Bây giờ lão phu đem hai việc đó, ủy thác cho ngươi, Cung Linh Linh đó, ngươi đã thấy rồi, còn quyển sách này là sở học bình sanh của lão phu, trong đó mọi chi tiết đều được ghi đầy đủ. Ngươi hãy tiếp lấy. Lão nói như thế, có khác nào một người đang hấp hối, cố trối trăn gấp những việc còn đọng lại trên đời, và sau khi trối trăn rồi là rũ áo ra đi, đi luôn không bao giờ trở lại. Điếc! Tuy chưa điếc hẳn, song có khác nào như điếc bởi mỗi lần đối thoại, là phải thốt to, người đối thoại cũng phải thốt to, đối thoại mà như cãi vã nẩy lửa với nhau như vậy, còn thích thú gì? Huống hồ, ngoài cái điếc một ngày thêm nặng, lão lại mù. Một vị đại anh hùng trở về già, mù và điếc, liệu còn gì đau đớn bằng? Từ nay làm sao tranh thắng với ai nữa? Sống có khác nào chết, sống còn phải chịu khổ, thì thà chết còn hơn! Trong trường hợp của lão thiết tưởng chẳng ai yêu đời mà cố bám vào cái sống nữa. Giả như người ta còn gượng chịu khổ, lây lất qua thêm một thời gian nữa, có lẽ là chỉ để chờ một vài việc gì đó còn dang dở giải quyết cho xong. Một khi những việc đó được giải quyết tròn vẹn rồi, thì họ không thiết tha đến cái gì trên đời nữa cả. Cái chết không đến với họ, họ cũng đi tìm! Lão đang chờ Triển Mộng Bạch lấy quyết định. Triển Mộng Bạch cao giọng: - Tiền bối ủy thác việc trọng cho tại hạ, cái nghĩa khí là chẳng thể từ khước, song tại hạ chỉ chấp nhận chiếu cố tiểu cô nương mà thôi, còn pho bí kíp kia, nhất định là tại hạ không tiếp lãnh được rồị..! Chàng dừng lại một chút, rồi nghiêm sắc tiếp, mặc dù Cung Cẩm Bậc chẳng thể trông thấy thần sắc của chàng: - Nếu cần tại hạ xin giữ hộ quyển bí kíp đó, bảo tồn nó dành lại một ngày mai hậu, hoặc giả cho tiểu cô nương, hoặc giả cho tiền bối chỉ lịnh phải làm cách nào, chứ còn giữ để dùng, thì chẳng bao giờ tại hạ giở trang đầu, đừng nói là đọc tất quyển. Vừa lúc đó, từ phía chân núi, một bóng người theo triền bay vút lên. Người đó lướt nhanh vô tưởng, tay hữu cầm kiếm, đâm mạnh mũi kiếm vào ngực Cung Cẩm Bậc, tay tả hoành ngang chụp pho bí kíp của lão. Bóng đó, tuy động tác rất nhanh, song qua bóng đêm mờ Triển Mộng Bạch cũng nhận ra được tên đồng tử cuối cùng thoát chết, môn hạ của Phấn Hậu Hoa Phi. Thì ra tại đại sảnh tòa đạo quán, trông thấy oai khí của Cung Cẩm Bậc quá hùng mạnh, hắn hoảng sợ nên nhào lăn trên nền, thoát đi, chạy thẳng một mạch đến núi nầy. Vô hình chung, gã lùi vào một bụi cỏ rậm, che khuất gã với bên ngoài, thành ngẫu nhiên mà gã có một chỗ nấp an toàn. Gã nằm luôn tại đó nghỉ mệt. Nằm một lúc, gã mỏi mòn, ngủ luôn. Chỗ gã nằm cách không xa lắm nơi Triển Mộng Bạch đặt ông cháu Cung Cẩm Bậc. Gia dĩ, Cung Cẩm Bậc và Triển Mộng Bạch đối thoại nhau to tiếng quá, gã giật mình tỉnh lại, lắng tai nghe rõ câu chuyện. Gã hết sức mừng rỡ, thầm nghĩ: “Hoa Phúc nầy đã chạy đi rồi thì chẳng còn hy vọng trở lại. Không trở lại được thì ta thành kẻ không nhà. Nếu ta mộng tưởng một ngày nào đó sẽ thành danh trên chốn giang hồ, thì hiện tại cơ hội đã đến với ta. Cung lão đầu đã mù lại điếc, còn tiểu tử kia không đáng sợ lắm, nếu bất thình lình ta xuất hiện đoạt pho bí kíp của lão Cung, ta sẽ học được kiếm pháp vô song. Trên đời nầy, còn có ai đáng cho ta sợ nữa đâu!” Tuy nghĩ thế, gã còn e ngại sợ việc bất thần. Song, tham vọng bùng lên quá mạnh, gã cắn răng, đánh liều vụt lên. Sự chụp vật do đó mà có. Hứng phải mũi kiếm đó, Cung Cẩm Bậc tắt thở chết ngay. Nhưng Triển Mộng Bạch đã thấy kịp, chàng hét lên một tiếng lớn nhảy vọt tới. Gã đồng tử vì đâm quá mạnh tay, mũi kiếm trúng xương, dính cứng lại đó, trong cơn hấp tấp gã không làm sao rut kiếm ra nổi. Triển Mộng Bạch đã tiếp cận gã rồi, mồ hôi lạnh đổ ra ướt đầu gã. Không chậm trễ, gã bỏ luôn thanh kiếm, quay mình chạy bay xuống núi. Triển Mộng Bạch bị phỏng khắp mình, vì đau đớn quá, khí lực của chàng tiêu hao hần lớn, nên lúc nhào tới định quật gã đồng tử, chàng mất thăng bằng nhào luôn, xương vai va chạm mặt đất, làm chàng đau nhói mãnh liệt. Trong khi đó, gã đồng tử mang luôn pho bí kíp chạy bay xuống núi chàng trông thấy rõ ràng, nhưng chẳng làm gì được, khí uất bốc lên, chàng hôn mê liền. Đêm sắp tàn, bình minh gần trở lại, gió núi bốc mạnh tung bay râu tóc của Cung Cẩm Bậc phất phơ, thanh kiếm của gã đồng tử còn cắm đúng nơi ngực lão, tua kiếm cũng bay phất phơ theo gió, quyện lấy tóc và râu lão. Thế là xong một đời oanh liệt của vị lão anh hùng! Xưa kia lão giết người, một nhà họ Hoa bảy mạng chết dưới kiếm của lão, ngày nay lão lại chết dưới tay một gã vô danh, nhưng cái tấu xảo là gã đồng tử lại thuộc gia đình họ Hoa, một môn nhân của Hoa Phi, như vậy đúng là lẽ oan oan tương báo. Rồi, cháu gái của lão lớn lên, tìm Hoa Phi mà trả thù, tìm Hoa Phác mà báo hận! Oan oan tương báo! Tại sao người ta không cởi mở oan gia, alị cố tìm cách kết thêm cho chặt hơn?
* * *
Sao thưa dần, những ngôi sao còn lại cũng nhạt sáng dần. Đêm tàn, ngày sắp đến, sương mai đã sớm rơi xuống khắp đồng núi nơi nào cũng lớp lớp trắng mờ, lớp trắng đó dần dần sáng lên, sáng đục, theo bình minh trở lại trên thế gian. Mục đồng đi dẫn thú vào những bãi cỏ quen thuộc, thình thoảng có tiếng hát nghêu ngao, rồi tiếng sáo vang theo, mông lung, phiêu diêu trong sương... Triển Mộng Bạch đã tỉnh lại rồi. Chàng rút thanh kiếm của gã đồng tử khỏi ngực Cung Cẩm Bậc tìm một chỗ khuất tịnh, đào tạm một lỗ huyệt, vùi chôn thi hài của lão. Chông xong xác chết, Triển Mộng Bạch hồi ức lại sự việc đã qua bất giác thở dài. Không đầy mấy ngày, từ lúc rời nhà ra đi, chàng đã chứng kiến cái chết của hai nhân vật trong số Thất Đại Danh Nhân võ lâm! Rồi chính chàng đào huyệt, chôn xác của hai vị đó! Còn riêng phần chàng? Đau khổ, buồn thương, uất hận, oan uổng, vất vả gian lao, hiểm nguy còn cái gì bất hạnh trên đời này chàng chưa trải qua. Nếu cho rằng tất cả đều do số mạng, thì không hẳn đúng lắm. Hơn ai hết, chàng phải tự hiểu lấy mình. Và chàng hiểu cái nguyên nhân của mọi điều bất hạnh đó. Chính tại vì chàng kém võ công. Giả như chàng có bản lĩnh khá hơn, tất có thể sự việc đã xoay chiều phần nào, và dù có bất hạnh xảy đến cho chàng cũng như cho người thì cũng bớt đi được phần nào. Điều đáng hận hơn hết, là chàng không bảo vệ được sanh mạng của một người vừa mù vừa điếc, trước thủ đoạn của một đồng tử tầm thường. Võ công! Võ công cần thiết lắm vậy thay! Đã biết là vì võ công mà nhiều điều bất hạnh xảy đến cho chàng thì tại sao chàng không tập luyện đúng mức! Không người truyền thọ? Bí kíp Bố Kỳ Môn về tay, chàng không nhận, bí kíp của Cung Cẩm Bậc, chàng không nhận. Kỳ nhân đã đến với chàng, chứ nào phải chàng không gặp kỳ nhân mà cho rằng chưa có duyên may gặp người truyền tuyệt kỹ? Có thái độ đó, Triển Mộng Bạch phải là ngu xuẩn chăng? Chính chàng cũng chẳng biết là mình làm như vậy đúng tư cách con người chánh đại, vô tư, liêm minh hay mình ngu xuẩn. Bất quá, chàng nhận ra rằng, chàng như thế thì lương tâm chàng an tịnh vô cùng, bời những tâm hồn thanh khiết thì làm gì vấp phải những phiền nhiễu do tham vọng cấu tạo rồi ràng buộc mãi? Tham vọng luôn luôn theo thời gian, có tăng chứ chẳng có giảm, tham vọng càng cao, phiền lụy càng nhiều, chỉ nội một cái việc bảo vệ những gì thủ đắc cũng đủ phờ phạc thân và tâm lắm rồi, nói chi đến trường hợp để mất đi rồi tìm cách lấy lại bằng mọi giá? Chàng không lợi dụng cái nguy của người mà chiếm hữu một cách không công. Huống chi giữ nơi mình một vật mà toàn thể võ lâm đều nuôi cái mộng tranh đoạt chủ quyền, thì đời chàng còn biết có phút giây nào an ổn, giữa cơn lốc trường cửu của những cuộc tranh chấp? Dù sao, nghĩa là dù có ngu xuẩn, dù có vì từ khước những cái may bất ngờ đó mà chàng sẽ gặp những sự không may sau nầy thì chàng vẫn nghe lòng lâng lâng nhẹ, không thẹn với thiêng liêng, không hổ với lương tâm. Bởi chàng vẫn còn là con người và con người đúng nghĩa, là con người không tham vọng một cach dơ dáy. Chàng không hối hận, luyến tiếc vì đã bỏ qua nhiều dịp may, tuy nhiên con đường tương lai hiện ra lờ mờ, chừng như nhiều cạm bẫy đang chực chờ ở mỗi khúc quanh, lại cảm thấy mình còn kém quá, Triển Mộng Bạch không tránh khỏi bồi hồi, lo nghĩ... Nhìn nấm mộ vừa đắp lên đó, sơ sài, những mảnh đất còn rời rạc, chàng than thầm: “Suốt đời, tranh đua nhau để được tiếng anh hùng, được tiếng đó rồi khi trở về lòng đất lạnh, âm thầm như con chó chết bên đường sao? Anh hùng có một kết cuộc như thế sao?” Vất vả, gian lao hầu như dồn dập đến với chàng suốt tháng dài, thân dù bằng đá, đá cũng phải mòn, huống chi bằng xương thịt? Triển Mộng Bạch lả người trước đầu mộ, chàng nhắm mắt lại, định dưỡng thần một lúc. Bên cạnh chàng, thanh trường kiếm không vỏ của gã đồng tử còn đó, ngoài ra có thêm một chiếc tiêu bằng trúc xanh. Trường kiếm, đương nhiên là phải được giữ gìn, dù không cần dùng đến cũng phải giữ gìn, để cho Cung Linh Linh sau này nhìn đến nó, sẽ nhớ mãi cái cừu hận hôm nay. Nó là một chứng tích, dù là chứng tích của sự buồn thương. Còn chiếc tiêu? Nó là một vật quá cũ, màu xanh nhạt đi nhiều, hầu như biến thành màu vàng. Chiếc tiêu đó, chàng giữ cho chính mình, để nhìn đến nó chàng sẽ nhớ lại việc hôm nay. Chiếc tiêu, chẳng phải là vật quý giá gì, song nó là bạn tâm tình của Cung Cẩm Bậc. Từ sau ngày mù đôi mắt, lão chỉ lấy nó làm vui, lão đã gởi bao nhiêu ý tưởng nơi đó, lão mượn âm thanh nó để diễn tả ưu sầu, lão cũng vuốt ve nó trong những đêm trường không ngủ và nó cũng an ủi lão trong phút giây cô đơn thấm thíạ.. Nó có cái giá trị tinh thần rất lớn, Triển Mộng Bạch làm sao vất bỏ nó được dù mang theo mình một vật vô dụng là gây thêm vướng bận, mà khách giang hồ càng tránh được vướng bận, càng hay. Chàng giữ nó như một mảnh thinh danh hào hùng, nó là vật bất ly thân của một con người hùng, có nó bên mình, như có một cái gương sáng. Nhìn vào gương đó, chàng sẽ giữ cái tâm luôn luôn tráng, cái khí luôn luôn hùng. Dù anh hùng có kết cuộc thảm thương, như cảnh hiện ra trước mắt với cái chết của Cung Cẩm Bậc, song có sá gì, bởi anh hùng là vong kỹ, là vị tha, bao nhiêu người chung quanh mình được ấm áp với cái khí anh hùng, tâm tráng của mình, thì mình có âm thầm về trong đất lạnh phỏng có sao? Người ta xây hằng trăm ngôi mộ giả tạo, để nghi trang cố giấu thi hài, chẳng qua người ta là gian hùng, sợ người đời moi xác mà vầy đạp, mà băm vằm, chứ còn anh hùng thì dù vùi xác giữa hoang tàn vắng lặng lạnh lùng người đời không biết được thì thôi, chứ nếu biết được rồi, sẽ tìm mọi cách mà cải táng cho mồ êm mả ấm. Không xa lắm, bên Triển Mộng Bạch, trong đám cỏ non, Cung Linh Linh nằm bất động. Nàng tỉnh lại rồi, nội lực bắt đầu khôi phục, song vết thương quá nặng, nếu để cho nàng tỉnh, chắc là nàng không chịu nổi cơn đau hành hạ, nên Triển Mộng Bạch điểm huyệt nàng để nàng ngủ một giấc dài, thừa thời gian chuẩn bị cái hình hài quen với đau đớn. Huống chi, người thân duy nhất của nàng lại mất luôn, niềm thương tâm cộng với thương thế sẽ dày vò nàng vô tưởng. Hiện tại, nàng nên ngủ là phải hơn, giấc ngủ càng dài càng có lợi cho nàng. Thực ra, Triển Mộng Bạch không còn làm sao hơn được khi chính mình bất lực. Bất lực vì cô đơn, bất lực vì thương thế do lửa gây nên, tự cứu, chưa chắc đã xong lại còn đèo thêm một thiếu nữ mang thương tích trầm trọng? Bắt buộc chàng phải dừng chân lại đó. Đi không đủ sức mà đi, bởi đi hai chứ không đi một, mà đi thì còn biết phải đi đâu, khi cả hai đều là những kẻ không cửa, không nhà? Khi nào chàng trở lại quê quán? Chàng nhắm mắt, dưỡng thần, song chốc chốc lại thở dài. Bình minh lên, thái dương buông sáng khắp vũ trụ, không còn ngồi tại chỗ lâu hơn nữa được, Triển Mộng Bạch bế Cung Linh Linh từ từ xuống núi. Không lâu lắm, cả hai đến con lộ lớn. Khách đi đường, trông thấy cả hai, đều tránh ra xa. Triển Mộng Bạch không lưu ý đến sự kiện đó cứ ngang nhiên đi tới, người ta dù khinh miệt chàng và Cung Linh Linh là hai kẻ ti tiện nhất trên đời, điều đó có nghĩa gì đối với chàng? Người ta khinh chàng, chàng cũng có khinh lại, huống chi, chàng có cần kêu gọi đến tình thương của ai đâu? Chàng bế Cung Linh Linh, lừ lừ bước đi, thần sắc an nhiên, không hề tỏ lộ tự ti mặc cảm. Không lâu lắm, cả hai đến huyện Vô Tích. Triển Mộng Bạch đi quanh quẩn khắp các con đường trong thị trấn, tìm một khách sạn tầm thường, chàng cũng không quên mua mấy món thuốc cần yếu tạm thời dịt vết thương cho Cung Linh Linh. Y phục, thì rách bươm tả tơi, song tiền nong vẫn còn, lúc rời nhà, chàng mang khá nhiều vàng bạc, gia dĩ chàng ly gia cũng không lâu lắm, lại trong thời gian đó, chàng không có dịp xài tiền. Nhờ vậy, hiện tại chàng mua được mấy món thuốc quý, chữa trị cho Cung Linh Linh. Xuất thân từ một gia đình chánh trực vô tư, cho nên từ đời ông đến đời cha, cái nghèo vẫn đuổi theo mãi, Cung Linh Linh có thừa hưởng được gì, ngoài cái danh dự hão huyền của ông cha, trong mình nàng chẳng có một số nhỏ bạc vàng nào giúp nàng chi dụng độ vài ngày, sau khi Cung Cẩm Bậc chết. Giờ đây, nàng hoàn toàn nương tựa vào Triển Mộng Bạch. Bởi kham khổ ngay từ nhỏ, nàng rất quen chịu đựng, cái nghèo có chỗ hay là vậy, giúp con người rèn luyện cái chí nhẫn nại kiên cường. Nàng, khi có tánh nhẫn nại rồi, con người còn được thêm cái tánh trầm tịnh. Câu hỏi thứ nhất của nàng, sau khi hồi tỉnh hoàn toàn là: - Nội của tôi đâu? Nàng hỏi như vậy Triển Mộng Bạch phải đáp làm sao? Có nên nói sự thật cho nàng hiểu chăng? Nói sự thật trong lúc này, có khác nào giết chết nàng? Mà dối quanh là điều trái ngược với tính cách của Triển Mộng Bạch.. Nhưng, dối cũng không được, chàng phải bịa là ông của nàng bận việc đi đâu đó trong vài hôm sẽ trở lại đây. Cung Linh Linh lại hỏi: - Ông tôi có oán trách chi tôi không? Câu hỏi đó chứng tỏ sự hiếu thuận của nàng vô cùng tận. Đã ra thân thể đó, do chính ông nội gây nên, nàng vẫn còn sợ ông nội buồn! Triển Mộng Bạch cười nhẹ lắc đầu. Tuy miệng điểm nụ cười, chàng nghe niềm chua xót dâng lên trong tâm tư. Trong tình trạng đó, nàng tuyệt nhiên không hề đề cập đến sự an nguy của nàng. Nàng chỉ nhớ đến ông nội, nàng không nghe đau đớn mà chỉ lo sợ ông nội phiền trách. Triển Mộng Bạch lắc đầu, nghĩa là ông nội nàng không phiền trách, nàng cao hứng quá chừng mắt mở to lên, rồi nhìn sững lên trần nhà mơ màng... Trông tình cảnh của nàng, Triển Mộng Bạch càng xúc động bi hoài, chàng cảm thấy thương hại cho nàng quá. Thương hại nàng, là phải làm sao cho nàng chóng bình phục và điểm cần yếu là đừng bao giờ để cho nàng biết sự tình. Dĩ nhiên, sau nầy rồi nàng sẽ hiểu, hoặc tự tìm hiểu, hoặc chàng sẽ tường thuật lại cho nàng hiểu. Còn hiện tại thì không! Bằng mọi giá, chàng phải giữ sự bí mật tuyệt đối. Tuy nhiên, cái «sau nầy» đó chỉ được kéo dài hai hôm thôi. Cũng như, hiện tại sẽ được thay đổi sau hai ngày. Bởi chàng đã nói với nàng là trong hai hôm nữa, ông nàng sẽ trở lại. Làm sao? Triển Mộng Bạch sẽ ăn nói làm sao, khi hai ngày đã mãn. Còn nàng, tỉnh lại rồi, là biết rõ, sở dĩ mình còn sống là nhờ chiếu cố thành thật của Triển Mộng Bạch. Tuy vậy, nàng không hề mở miệng tỏ lời cảm kích. Tại sao? Nàng vô tình chăng? Hay, tuy còn nhỏ tuổi mà nàng đã hiểu là đại đức bất báo? Bởi bất báo nên chẳng cần thốt lời đa tạ? Cứu mạng là cái đức tái sanh, dĩ nhiên phải là một đại đức. Nàng không tỏ lời cảm tạ, song ánh mắt của nàng thừa nói lên điều đó, ánh mắt cảm kích rõ rệt. Có lời nói nào bằng ánh mắt đó? Nàng an tâm để cho Triển Mộng Bạch săn sóc. Cứ mỗi một ngày mới, trước khi nói gì, làm gì, nàng hỏi một câu: - Nội tôi đã trở lại chưa? Nhờ nàng hỏi như vậy, Triển Mộng Bạch khỏi phải giải thích tại sao ông nàng đi đúng hai hôm rồi, mà vẫn chưa trở lại..