Ngày mai, anh sẽ cho em nếm đủ các món ăn cả ba miền Bắc, Trung, Nam. San Trúc so vai: – Đừng biến em thành con heo được vỗ béo. Em thích dáng người mẫu của em hơn là phải trở thành chiếc thùng phuy quá sớm. Bà Mười không giấu được tiếng cười dù cố nén, vẫn bị òa vỡ. Lại có khách đến mua hàng. SanTrúc tỉnh bơ nuốt vội những cọng phở, rồi đứng lên. Vĩ Khang cản bà Mười: – Dì để vợ tôi phụ dì. Cô ấy không làm dì thất vọng đâu. Bà Mười nhìn đồng hồ: – Nếu vậy, tôi đành phải nhờ cô cậu bán hết hàng, từ mai tôi sẽ nghỉ lo cơm nước cho cô cậu. San Trúc định phản đối, nhưng cô phải trả lời câu hỏi của khách hàng, và bà Mười nhanh chân đi xuống bếp. Bà thầm khen cô chủ tài giỏi, thật khéo khi mời chào khách hàng. Hèn gì ông bà chủ đồng ý chọn cô là con dâu, cho cậu con trai duy nhất của mình. Ông bà chủ thật có phước. Vĩ Khang nhìn San Trúc, anh nhẹ giọng: – Em sao thế? Thay đồ và đi ngủ chứ? Khuya rồi, đừng đi tới đi lui nữa. San Trúc cắn môi: – Em ngủ ở đây luôn hả? Vĩ Khang ngẩn người: – Mấy hôm nay, chẳng phải chúng ta vẫn ngủ chung hay sao. Vợ chồng cơ mà. San Trúc cắn cắn móng tay: – Ở nhà khác, ở đây khác. – Khác thế nào? Trúc khổ sở: – Ở nhà có ba mẹ, anh không dám ăn hiếp em. Còn bây giờ ... anh nhất định vượt quy định. – Quy định gì hả Trúc? Sao anh không biết? – Vì tin tưởng ở anh, em chỉ giao ước miệng với anh thôi. Là ... chưa được ... yêu em nhiều, để biến em thành đàn bà trước khi em kịp lấy bằng đại học. Vĩ Khang bật cười: – Trời đất! Không đúng. Đám cưới của chúng ta đâu phải bị ép buộc. Anh yêu em, đồng ý lấy em. Đêm tân hôn người ta đã là một rồi đó, vậy mà em còn bắt anh “mỡ treo miệng mèo", em không thương anh hả Trúc? San Trúc chớp mắt: – Anh đã hứa cho em thời gian, anh không được nuốt lời. Dù bây giờ trên danh nghĩa đi hưởng tuần trăng mật, nhưng em chưa yêu anh nhiều. Em chỉ mới cảm giác về anh chút ít. Em muốn khi chúng ta là một, cả hai phải thật sự yêu thương nhau, tôn trọng nhau. Em ghét sự chiếm đoạt lắm, anh hiểu không? Vĩ Khang buồn xo: – Không cho anh cả việc hôn em nữa sao? San Trúc cong môi: – Hôn thì đươc. Trăm cái cũng được. Vĩ Khang kéo Trúc vào lòng: – Chiếc lá nhỏ của anh, anh hứa chỉ ôm em ngủ thôi. Anh không vượt quá điều đó khi em chưa muốn. Khí hậu Đà Lạt đêm lạnh chứ không nóng như ban ngày. Anh muốn được ủ ấm em, ủ ấm dần tình yêu trong em. Vậy nhé Trúc!
San Trúc gật đầu. Cô nhắm mắt và chờ đợi Vĩ Khang nâng mặt cô lên. Anh nhẹ nhàng hôn lên trán cô, nụ hôn trượt trên bờ mi cong run run đang giấu đôi mắt nai ngơ ngác tròn xoe. Nụ hôn dừng lại trên bờ môi xinh ngọt ngào. San Trúc đón nụ hôn của chồng bằng tình cảm cô đang khát khao, khám phá chứ không đơn thuần như cô che giấu. Đêm, trên thành phố tình yêu, Trúc nằm trong lòng Khang ngủ ngon lành. Ở Sài Gòn, mới ba đêm làm vợ, nhưng cánh cửa phòng vừa khép lại, chiếc giường lại được phần chia ranh giới nhẹ nhàng bằng hai chiếc gối ôm chắn giữa. Trúc yêu Khang, điều đó là chắc chắn, chứ không phải hời hợt như cô nói với anh. Duy nhất một nỗi ám ảnh, cô sợ có con sớm, cô phải nghỉ học. Niềm đam mê khám phá tìm tòi những cây thuốc Nam trong thiên nhiên vẫn đầy ắp trong cô. San Trúc khát khao giờ phút được mặc áo blouse trắng, bắt mạch, hốt thuốc cho bệnh nhân. Đêm nào cô cũng mơ mình đang lang thang trong rừng tìm cây thuốc quý. Quen dậy sớm từ nhỏ, nên Trúc luôn thức giấc trước Khang. Nhẹ nhàng, khéo léo, cô trườn khỏi lòng Khang. Bà Mười đang lau chùi phòng khách. Bà kêu lên khi thấy cô. – Cô Hai ! Còn sớm lắm, cô dậy làm chi. Bên ngoài trời đầy sương mù, cô chưa quen khí hậu, dầm sương cũng cảm phong hàn đó cô. San Trúc cười nhẹ: – Cháu muốn chạy bộ, dì ạ. Chả lẽ vì sương mù nên người Đà Lạt không có thói quen chạy bộ buổi sáng sớm hả dì? Bà Mười từ tốn: – Cái đó tôi không thấy. Sáng nào, mọi người cũng thường chạy bộ ngoài công viên. Tôi đi chợ gặp hoài hà. Bà Mười ngập ngừng: – Cô chủ ... không phải cô muốn ra ngoài chứ? – Người ta ra được, chả lẽ cháu thì không? – Vậy cô chủ chờ tôi một chút nhé. – Dì tính chạy cùng cháu hả? Bà Mười thật thà: – Tôi đi tới đi lui mỗi ngày hàng trăm lượt, tối đến, đầu gối muốn long khỏi chân, cần gì chạy bộ hả cô. Là tôi kêu cậu chủ dậy, chạy bộ cùng cô. San Trúc lắc đầu: – Dì để ảnh ngủ, cháu tự chạy một mình, không có vấn đề gì xảy ra đâu. Dứt câu San Trúc mở cửa bước ra. Bà Mười bất lực nhìn theo. Cô chủ thật tinh nghịch vui vẻ không kiêu kỳ phách lối. Bà Mười thấy tự tin, thoải mái trước vợ chồng cậu chủ hơn. Nhưng mà ... Bà ngẩn người. Bộ đồ cô chủ ... San Trúc hơi lưỡng lự một chút, cô quyết định chạy ra công viên theo sự quan sát của cô hồi chiều qua, khi cô đứng trên lầu. Sương mù nhiều đến mức, cô không nhìn rõ được người trườc mặt mình. May mắn, Trúc không gặp sự rủi ro nào trên đường. "Nổ" cho oai với bà Mười chứ ở Sài Gòn, Trúc có khi nào chạy bộ đâu. Thời gian học, hán hàng, và dạy kèm chiếm hết mười bốn, mười lăm giờ trong ngày, đến khi cô được rảnh ngồi vào bàn học, thì gân cốt toàn than đã rệu rã, làm gì còn rảnh rang chạy bộ hay tập thể dục chứ. Chạy một vòng quanh công viên, Trúc thấm mệt. Cô nhận ra sự cô đơn lẻ loi của mình, khi người ta chạy từng đôi, hoặc từng tốp nhỏ. Trúc ngồi đại dưới một nhánh rễ cây si có tuổi thọ khá cao. Ghế đá đều được người ta ngồi cả rồi. Bóp cặp giò thon thả của mình, Trúc cau mày. Cô thấy người ta nhìn cô rồi che miệng cười: "Chắc họ cười mình Hai Lúa". Trúc nghĩ thầm. Cô ngồi thêm một lúc rồi đứng lên trở về nhà. – Ôi! Nhìn cô ta, buồn cười quá. – Ừ! Coi mặt mũi sáng sủa thế kia, sao lại mặc đồ "tình yêu" ra đường nhỉ? – Chắc là bệnh nhân tâm thần! Những tiếng xì xào hình như dành cho ... cô. San Trúc bất giác nhìn xuống người mình: – Ôi! Trúc vội vàng ngồi thụp xuống. Thì ra cô đã vô ý mặc đồ ngủ ra đường. Bộ đồ ngủ mỏng manh do chính tay mẹ chồng cô mua, bà ý tứ bỏ vào vali cho cô. Và đêm qua, cô đã không đắn đo khi mặc nó. Một đêm ngủ co ro trong vòng tay Vĩ Khang, bộ đồ đã không còn thẳng thớm. San Trúc tự nguyền rủa cái tính lóc chóc loi choi của mình. Bặm môi, San Trúc cúi đầu bước tiếp. Ai cười hỡ mười cái răng. Cô đâu phải dân địa phương ở đây. Bât quá họ cười một lát sẽ quên ngay, cô là ai. Cần phải trở về nhà trước khi ánh nắng xua tan màn đêm lạnh. San Trúc đi khá lâu, cô dừng lại, đưa mắt nhìn lên căn nhà trước mặt. Là một ngôi nhà lầu ba tầng, quét sơn như nhà chồng cô. Nhưng bảng hiệu cửa hàng xe gắn máy ... Cho Trúc biết cô đã lầm nhà. Cũng may, họ chưa mở cửa hàng, nếu không sáng sớm bắt gặp hình dáng cô đứng trước nhà họ kiểu này, chắc chắn họ .... đốt “phong lông” cô đến “ba lần hồn chín lần vía”. San Trúc thở dài. Cô lạc đường mất rồi. Cô không biết nhà Khang nằm ở con đường nào? Cô không mang theo tiền, thì làm sao gọi điện thoại. Lần đầu tiên San Trúc rơi vào cảnh khóc không được, la không xong. Đã thế còn mặc nhằm bộ đồ chết tiệt này nữa chứ? Cô đánh liều đi ngược trở lại. Nhưng tất cả đường phố ở thành phố này đều mang một dáng cấp giống nhau. Cô muốn quay lại công viên để xác định hướng đi, rốt cuộc cô cũng tới được nơi cô cần. Đầu gối cô rã rời vừa đói vừa mỏi chân, Trúc mệt mỏi ngồi xuống chiếc ghế trống. Giờ này, cô không về, ắt Vĩ Khang lo lắng lắm. Ừa! Sao anh không đi tìm Trúc? Anh phải tự nghĩ ra, chạy bộ thì cô phải chạy những đoạn đường nào chứ? Vĩ Khang thông minh, anh nhất định tìm được cô. Cách tốt hơn hết, cô nên ngồi tại công viên này, chờ Khang ... Vĩ Khang thức dậy. Anh mìm cười khi nhớ lại đêm qua, San Trúc chịu cho anh ôm cô ngủ. Và người đàn ông chân chính giàu tự trọng đã nhắc anh, hãy đón nhận từ từ, tình yêu vợ mình ban tặng, hấp tấp chiếm đoạt, sẽ khiến Trúc mặc cảm, xa lánh anh. Cô vợ nhỏ này, chắc đã chạy xuống dưới, lăng xăng bên dì Mười. Đồng hồ chỉ tới số tám. Khang ngủ mê đến tận giờ này mới dậy, đúng là hư mà. Vĩ Khang ngớ người nhìn phòng khách vắng ngắt. Chả lẽ Trúc theo dì Mười ra chợ? Bà cũng không thấy ở nhà. Cửa bị khóa bên ngoài. Vĩ Khang tự pha cho mình tách cà phê. Anh mở tivi coi thời sự. Chẳng còn kênh nào phát tin thời sự vào giờ này nữa. Ba cái phim tình cảm Hàn Quốc được người ta hâm mộ đam mê, thì Khang không hứng thú. Anh chỉ thích xem phim truyện Mỹ, Canada hoặc phim võ hiệp của Kim Dung. Tắt tivi, anh mở máy nghe nhạc. Khổ nỗi, cả ngăn tủ đầy ắp đĩa hát, chỉ toàn băng dĩa cải lương. Bà Mười có bao giờ nghe nhạc trẻ đâu.
Tiếng kéo cửa vang lên, Vĩ Khang làm bộ nhắm mắt để hù San Trúc. Buổi sáng dậy sớm một chút, được hôn lên hờ môi đỏ mọng của cô, chắc là thú vị lắm. – Cậu chủ! Cô chủ về chưa ạ? Tiếng bà Mười vang lên. Vĩ Khang bật dậy nhanh hơn cá lò xo: – Dì sao hỏi lạ vậy? Chẳng phải cổ đi chợ với dì sao? Bà Mười buông rơi chiếc giỏ nhựa: – Chết rồi! Cô chủ lạc đường rồi. Khang bực dọc: – Đây ra chợ, bao nhiêu bước chân, dì sao không dòm ngó tới cổ giùm tôi? Cổ ham vui, thấy gì lạ cũng nhìn, lạc cũng phải. Bà Mười khổ sở: – Cô chủ không có đi với tôi. Khang tròn mắt: – Vậy cổ đi đâu? Bà Mười run giọng: – Hồi sáng cổ dậy sớm lắm, cổ nói đi chạy thể dục gì đó. Tôi bảo để tôi kêu cậu dậy đi với cổ cho vui, nhưng cô chủ không đồng ý. Tôi phận kẻ ăn người ở trong nhà, cản sao được cô ấy. Vĩ Khang nhăn trán: – Trời đất! Chạy bộ gì mà giờ này chưa về nhà. Bà Mười thở dài: – Chắc cô chủ lạc đường rồi. Cậu để tôi ra ngoài tìm cô. – Biết tìm ở đâu chứ? – Sáng nào người ta cũng chạy đến công viên khu trung tâm tặp thể dục. Tôi nghĩ, có lẽ cổ tới đó. Cậu cứ để tôi đi xem sao. Bà Mười chợt nhớ, bà bối rối: – Cậu lấy cho tôi chiếc áo khoác của cậu. Vĩ Khang gắt nhỏ: – Đem áo khoác theo làm gì? Dì không thấy trời nắng hay sao. Bà Mười dè dặt: – Hồi ra khỏi nhà, cô chủ mặc đồ ... ngủ, tôi e ... Không chờ dì Mười nói hết câu, Vĩ Khang đi lao nhanh lên lầu. Anh mở tủ lấy chiếc khoác mà mẹ anh mới mua cho Trúc, anh chạy khỏi nhà, dặn với lại bà Mười: – Dì coi nhà trực điện thoại, tôi tìm cô ấy. Ai gọi về, dì nhớ điện cho tôi nhé. Bà Mười lo cháy ruột gan. Cầu trời phật phù hộ cô chủ tai qua nạn khỏi. Biết thế hồi sáng, bà đã không để cô đi một mình. Xảy ra chuyện gì, bà khó lòng ăn nói với bà chủ. Ngồi co ro trên ghế, bộ dạng Trúc chắc giống mấy cô gái "bán hoa đêm", nên ai đi qua cô cũng nhìn cô bằng ánh mắt khinh bỉ. San Trúc ơi là San Trúc ? Chuyện nhỏ thế này, sao mi để xảy ra được chứ. Ngồi mãi một chỗ không phải cách tốt nhất. Trúc chậc lưỡi: Phớt lờ thiên hạ, tìm đường về thôi. Cô đón đường một chị phụ nữ: – Chị ơi! Làm ơn cho em hỏi thăm chút. Người phụ nữ liếc cô, nhăn mặt: – Chuyện gì? – Chị có biết một cửa hàng vừa bán hoa quả trái cây, vừa bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, do một người phụ nữ lớn tuổi bán, nằm ở đoạn nào không chị? – Cô hỏi thế, có trời trả lời cho cô, chứ tôi chịu thua. Cô tâm thần à? Để tôi đưa cô trở vào bệnh viện nhé. – Chạy ngoài đường thế này nguy hiểm lắm. Dù điên loạn, nhưng nhìn cô thế kia, bọn dê xồm nó chả tha đâu. Cô theo tôi nào? San Trúc khể sở: – Em không bị bệnh, cũng không hề trốn viện, em mới ở Sài Gòn lên đây. – Không tâm thần, lại từ Sài Gòn lên, cô ngồi ở công viên như vậy, cô làm ... gái hả. San Trúc tái mặt: – Em không có. Chị làm ơn nghe em nói rõ. – Tôi không dư thời gian. Cô tìm mấy lão sồn sồn chạy xe ôm kia mà hỏi. Người phụ nữ bất chợt nhổ một bãi nước bọt xuống đường, rồi bước đi. Bà hiểu lầm một cách quá đáng, Trúc nổi giận: – Chị khinh người vừa thôi chứ. Quá đáng! Không ngờ người phụ nữ quay lại, chị ta trợn mắt: – Con kia, mày mắng ai thế hả? Chị ta giơ tay lên, định tát Trúc. San Trúc gạt tay chị ta thật nhẹ, giọng cô bất bình: – Tôi cảnh cáo chị, nếu chị còn gọi tôi bằng từ xấu xa đó, tôi không nể chị đâu. – Mày nghĩ mày là ai mà hù tao hả? Nhìn coi đàn bà con gái đàng hoàng, ai ăn mặc khêu gợi như mày ra đường hả? Người hiếu kỳ bắt đầu bu lại, San Trúc bất lực, giọng cô đầy tức tưởi: – Tôi bị lạc đường thật mà. Người phụ nữ ong óng: – Các ông các bà nghe thử, cô ta chặn đường hỏi thăm tôi, nhưng lại nói không nhớ nơi mình ở? Rõ ràng cô ta có ý đồ xấu xa. – Chị đừng vội kết luận người ta như vầy. Tôi thấy cổ hiền lành, có vẻ trí thức. Biết đâu cô ấy lạc đường thật. Một cậu thanh niên trạc tuổi em trai Trúc lên tiếng. San Trúc chưa kịp nói thì người phụ nữ đã lạnh lùng: – Đàn ông các người lớn,nhỏ đều y chang nhau. Thấy con gái là tươm tướp. Cậu thanh niên chưa kịp hỏi thêm câu gì, thì đám đông bị Khang xô dạt ra. Từ xa, anh đã nhìn thấy đám đông nhốn nháo này, linh cảm mách bảo anh, San Trúc của anh đang gặp nạn đâu đó. Anh bèn chạy đến đây. Cố gắng đẩy mọi người ra ...Anh sững sờ nhìn San Trúc. – San Trúc! San Trúc nghe gọi, cô nhìn lên: – Anh! Chỉ một tiếng anh ngắn ngủi, Trúc lao vào tay Khang nhanh như chớp, và cô bật khóc nức nở. Vĩ Khang choàng áo lên người cô, anh xót xa: – Đừng khóc nữa! Có anh, không ai dám ăn hiếp em đâu. San Trúc tức tưởi: – Thà người ta đánh em còn hơn. Em không tìm được đường về nhà, em hỏi thăm tử tế, nhưng người ta lại chửi em là "con điếm". Người phụ nữ không vội bỏ đi, chị ta nhìn đăm đăm Vĩ Khang: – Tôi thấy cậu quen lắm. Cô ta là người nhà cậu thật hả? Vĩ Khang nhếch môi: – Tôi không phải dân Đà Lạt. Cô ấy là vợ tôi. Chúng tôi vừa lên Đà Lạt chiều qua. Nhà tôi gần đầy thôi. Tại cổ không rành đường, nên lạc. Là phụ nữ với nhau, lẽ ra chị nên có lòng vị tha độ lượng. Con người, ai chả có lúc sơ sẩy. Người thanh niên chép miệng: – Anh chị cũng thông cảm bỏ qua cho chị ầy. Bởi vợ anh hỏi không rõ rang lắm, nên chị ấy nghĩ ẩu cũng phải. Anh đưa vợ anh về đi, chị ấy có vẻ mệt rồi đấy. San Trúc nhẹ giọng: – Cám ơn em nhé. Vĩ Khang vẫy một chiếc Honda ôm để về nhà. Chưa đầy mười phút, xe đã dừng trước cửa ngôi nhà của Khang. Bà Mười mừng cuống lên: – Ơn trời, cô cậu đã về tới. San Trúc nhìn quanh: – Trời ơi! Ngay trước mắt nhà mình, vậy mà sáng giờ em đi tới đi lui, bắt mỏi giò. Đầu óc mình bỏ đâu thật.
Cô đi nhanh lên lầu. Lúc này Trúc mới cảm nhận được sự rã rời của cơ thể. Một bài học ,nhớ đời cho những tháng năm làm người nhọc nhằn của cô. Thay bộ đồ mặc nhà, San Trúc nhìn Vĩ Khang trầm tư hút thuốc. Cô bước đến bên anh, vẻ bứt rứt: – Em xin lỗi! Vĩ Khang kéo cô vào lòng: – Em lạnh không? Lắc đầu, Trúc nhỏ nhẹ: – Không anh ạ. Nhưng em đói bụng. Vĩ Khang gật đầu: – Sáng giờ em làm dì Mười sợ đến không làm được việc gì nên hồn. Phải ra ngoài ăn thôi. San Trúc lưỡng lự: – Em ngại quá à? Còn dì Mười nữa. Hay là biểu dì mua cơm về nhà, được không anh? Vĩ Khang cười cười : – Người ta quên em ngay thôi. Thành phố chứ đâu phải vùng quê, em mạnh mẽ lắm cơ mà, vừa gặp chút sự cố, đã đầu hàng hay sao? San Trúc thở dài: – Tới bây giờ, em vẫn không hiểu sao, em có thể đãng trí như thế. Và cảm giác khi bị người ta xúc phạm, em phải dằn lòng ghê lắm, nếu không em đã không tha thứ cho người đàn bà đó. – Đừng nhớ đến câu chuyện không vui đó nữa. Hãy đạp lên dư luận, để sống cho bản thân mình. Em thay đồ khác, rồi anh đưa đi chơi luôn. – Không mua đồ ăn cho dì Mười à? – Dì ấy tự biết lo cho bản thân. Bà Mười đang gọt khoai tây, San Trúc nói với bà: – Vợ chồng. cháu ra ngoài ăn trưa, anh Khang đưa cháu đi dạo luôn. Dì mua tạm cơm hoặc phở ăn nghen. Chiều hãy nấu cơm. Bà Mười kêu nhỏ: – Ấy, vậy mà tôi làm đồ ăn nãy giờ cũng sắp xong rồi đây. Vĩ Khang đọc thấy vẻ áy náy trên mắt cô vợ nhỏ. Anh thừa biết Trúc thích ăn uống ở nhà hơn, vì cô chưa quên được những ngày tháng cô vừa học vừa làm. Chén cơm cô tự nấu, giản đơn và chi phí ít hơn rất nhiều, so với một dĩa cơm loại trung ở nhà hàng. – Dì cứ ăn món nào dì thích, còn bao nhiêu chừa lại buổi tối. Vợ chồng tôi nhất định về nhà dùng cơm. Quên nũa, mẹ tôi có gọi điện lên, dì nhớ nói chúng tôi đi chơi rồi nhé. San Trúc le lưỡi: – Dì nhớ đừng kể mẹ cháu nghe sự cố vừa rồi của cháu nha. Bà Mười gật đầu: – Dạ, tôi biết mà. Cô cậu nhớ về ăn cơm tối và không nên để cô chủ suốt ngày ở ngoài trời nắng, cậu Hai nghen. Vĩ Khang nheo mắt nhìn vợ: – Đó, em nghe chưa. Cả dì Mười cũng quan tâm em hơn anh. Bây giờ anh bị ra rìa thật rồi. Bà Mười cười đôn hậu: – Không phải như cậu nghĩ đâu. Tại cô chủ còn lạ lẫm nhiều việc. Cậu chính là người bảo vệ cô chủ, quan tâm chăm sóc cổ, nên tôi mới dặn thêm thôi. Tôi đâu dám không quan tâm đến cậu. Cách nói của bà Mười khiến Trúc nghĩ rằng, khi chưa lấy vợ, Vĩ Khang chắc chắn được mọi người chăm chút rầt kỹ. Bây giờ, vị trí đó đã bị cô "lấn chiếm" mất. Vĩ Khang thật sự yêu thương cô nhiếu lắm. Cô phải cố gắng hoàn thiện bản thân, hòa đồng vào đại gia đình của anh cho trọn đạo dâu con.