Hàng đại hạ giá, rẻ bất ngờ đây. Mua giùm đi chị .... – Dạ, hàng "xôn", mười tám ngàn một bộ .... – Dạ, hàng Việt Thắng, không phải hàng gia công. Dì mua vài bộ và mặc dì ạ. Trời nóng, mặc đồ này vừa mát, vừa đẹp, hợp với mọi lứa tuổi ... Trúc vừa quẹt mồ hôi trán, vừa luôn miệng chào mời khách. Chiều tan sở, nhằm ngày lãnh lương, các gian hàng dã chiến" được hình thành như một chợ nhỏ, dành riêng để công nhân mua bán. Có đầy đủ các sạp hàng từ trái cây rau củ, thịt cá cho đến áo quần, giày dép ... thoáng chốc đông nghẹt người. Dù mong muốn bán được nhiều hàng, nhưng đông kiểu này, Trúc rất ngán. Lơ đễnh một chút là mất hàng như chơi. Cặp mắt đẹp sáng long lanh của Trúc luôn phải đảo ngó tứ tung. Quỷ Vân lúc cần nhất thì không thấy mặt mũi nó đâu. Thiệt tình à! – Gói cho tôi hai bộ này đi em! – Tính tiền cho em, chị ơi ... Bạn bè thường phục Trúc cái khoảng “nhanh tay lẹ mắt”. Vậy mà những lúc thế này, cô không tránh khỏi lúng túng. – Đồ của dì đây ạ. Em thối tiền cho dì ấy kìa, nhỏ. Giọng con trai thật trầm ấm vang lên. Trúc ngạc nhiên khi kế bên cô, một tên con trai lạ huơ lạ hoắc quỳ một chân, nhe răng cười, mời chào khách. Hắn không nhìn cô, chỉ đưa tờ giấy bạc năm mười nghìn cho cô, nói gọn: – Hai bộ đồ lửng, thối hai mươi ngàn. Trúc chẳng có thời gian phân tích tình huống. Cô vội vã lấy tiền thối, rồi nhanh tay bỏ hàng vào bịch cho khách. Trong vòng một tiếng đồng hồ, khách hàng mua dần dần vắng. Con đường trước cổng khu công nghiệp bộn bề rác và bịch nilông. Chỉ còn lại người bán và ai nấy đều nhanh tay dọn dẹp hàng của mình. Trúc thở phào nhẹ nhõm. Bao hàng của cô chỉ còn lại vài chiếc áo thun. Trúng mánh quá trời luôn! – Đông thế liệu có mất hàng không cô bé? Trúc giât mình. Trời đất! Sao Trúc lại lơ đễnh quên mất “người đặc biệt” vừa giúp mình vậy nhỉ? Trúc bối rối nhin tên con trai: – Cám ơn sự giúp đỡ của anh. Hôm nay không có anh, em nghĩ hàng hết mà tiền vốn cũng mất luôn quá. Nụ cười của hắn thật đẹp: – Mọi ngày, em cũng bán một mình vậy hả? – Dạ không, còn một nhỏ bạn phụ. Chả hiểu lý do gì mà hôm nay nó không ghé. May là có anh giúp đỡ. Mà ... anh làm gì ở đây thế? Nheo cặp mắt, hắn thản nhiên: – Giờ tan sở, tất nhiên anh cũng làm công nhân như mọi người, vì thế mới có mặt để giúp em thôi. Nhà em có xa không? Cắn nhẹ vành môi, Trúc cười: – Dạ, nhà em ở tận Phan Thiết. Em vô đây đi học, ở nhà trọ cũng khá xa. Hắn tròn mắt: – Em là sinh viên hả? Trường nào? Trúc nhỏ giọng: – Dạ, sinh viên năm thứ hai, Đại Học Y Dược Hắn kinh ngạc: – Bác sĩ tương lai à? Cô bé học giỏi vậy, sao không tìm học trò dạy kèm thêm cho đỡ cực hơn. Trúc hiền lành: – Em có dạy thêm đầy chứ, nhưng một tuần chỉ dạy ba buổi tối. Em rảnh nguyên buổi chiều, phải kiếm thêm việc khác. Học Y, tốn kém nhiều lắm. Trúc cột lại bao đồ, đứng lên, vươn vai: – Em muốn trả công anh, nhưng nói trước chỉ có thể là ly cà phê hoặc tô bún riêu vỉa hè. Anh không từ chối chứ? – Giúp người, còn muốn chờ trả công ư? Nếu thế, anh không nhận đâu. – Nhưng ... Hắn điềm tỉnh: – Anh tên Vĩ Khang. Đừng nhưng nhị gì cả, coi như chúng ta là bạn. Em về bằng gì? Trúc nhỏ nhẹ: – Em đi xe đạp. "Thêm bạn bớt thù". Em luôn tâm niệm thế, từ khi vô thành phố này. Em đồng ý lời đề nghị của anh. Em tên Trúc, đầy đủ họ tên là Hoàng Nguyễn San Trúc. – Tên em ấn tượng và rất mạnh mẽ. Vừa lúc đó, Hồng Vân chạy xe đến. Nhỏ nhìn Trúc, so vai: – Tao xin lỗi, đã đến trễ. Trúc cười hiền: – Lỗi phải gì, có điều mày khiến tao lo lắng, tao đang tính ghé mày đấy. Hồng Vân chớp mắt: – Sáng nay mày nghỉ học, lớp xảy ra sự cố. Buổi chiều, giáo sư triệu tập toàn khoa. San Trúc cau nhẹ trán: – Chuyện gì vậy? Liên quan tới tao không? – Giáo sư tuyên bố hai trường hợp bị cấm thi. Mày thuộc dạng sinh viên xuất sắc, ngày mai đến trường, mày còn được chọn vào đội thi “Sinh viên tài năng”.do nhà trường kết hợp vớI sở Y Tế thành phố tổ chức đấy. Bây giờ về được chưa? Ủa! anh này ... là ai thế Trúc?
Đang thao thao bất tuyệt, Hồng Vân chợt hỏi. SanTrúc cười cười: – Người từ trên trời rơi xuống, giúp tao qua cơn hoạn nạn. Hồng Vân kéo tay Trúc, xoay ngang xoay ngược ngắm nghía. Trúc kêu nhỏ: – Mày làm gì vậy? – Thì xem thử mày bị trầy da tróc vẩy ở đâu. Tao nói rồi, mày lúc nào cũng "tham", đừng bán hàng vỉa hè kiểu này nữa, dễ bị bọn “anh chị” ăn hiếp, rồi còn nguy cơ, bị công an hốt nữa, mệt lắm. Mày bị sao không? - Hồng Vân tuôn một hơi. San Trúc cười ngất: – Trời ! Mày tưởng tượng điều gì vậy hả? Tao đâu có sao chứ. HồngVân xụ mặt: – Mày chả vừa nói, anh ta giúp mày ... San Trúc xua tay cười: – Ý tao là ... nhờ anh ấy giúp đúng lúc công nhân tan sở, người ta bu đông như kiến, tao chờ mày "đỏ mắt", rốt cục đành "giương mắt nhìn tây ngó đông để canh chừng hàng. Anh ấy đã phụ tao bán, nên hàng hết và không bị mất. Hồng Vân bẽn lẽn: – Vậy mà không nói ngay, úp úp mở mở, làm tao tưởng mày bị tụi nó lấy đồ. Em cảm ơn anh. Vĩ Khang cười nhẹ: – Không nên khách sáo như thế. Tính tôi ưa tài lanh, ham vui ầy mà. Vân học cùng San Trúc à? Hồng Vân tròn mắt: – Dạ. Anh biết tên tụi em? Vậy thì anh không hề "trên trời rơi xuống" đúng không? Trúc so vai: – Vân ơi ! Mày quên nãy giờ tao kêu tên mày hay sao? Còn tao, chỉ là giới thiệu tên để biết mà gọi thôi. Mày ưa rắc rối quá. Tối rồi, tao phải về. Hồng Vân cười cười : – Về thì cùng về. Mày đưa bao đồ, tao chở cho, coi như tao chuộc lỗi buổi chiều nay nghen. Vĩ Khang nhìn hai cô gái: – Hai cô bé uống với anh ly nước nhé! Hồng Vân cong môi: – Tối rồi, tụi em phải về ăn cơm, còn học bài nữa. Uống cà phê giờ này, xót ruột lắm.
Vĩ Khang tủm tỉm: – Không uống thì ăn. OK đi mà. Trúc nhẹ giọng: – Nếu có duyên, chúng ta nhất định còn gặp lại, Lúc ấy, em không dại từ chối “ăn chùa” của anh đâu. Anh thông cảm, tụi em phải về. Vĩ Khang chép miệng: – Đành vậy chứ biết sao. Ngày mai, Trúc đến bán nữa không? San Trúc cười cười: – Mấy ngày công nhân lãnh lương, buôn bán cò con như em, chỉ nhờ vô đó. Nếu lấy kịp hàng, em sẽ tới. Chào anh nghen! Hồng Vân cũng liến thoắng: – Tụi em tới bán, anh Khang nhớ đến bán phụ nghen. Biết đâu, nhờ có anh, nhỏ Trúc bán được hàng nhiều. Vĩ Khang chỉ cười. Hồng Vân nhót tim: – Trời ạ ! Anh ta là con trai, sao ông trời phú cho nụ cười dễ thương chi lạ. Y hệt nhỏ Trúc, hễ hé miệng cười, lộ ra ngay hai chiếc răng khểnh. Vân khoái nhỏ Trúc nhất ở điểm này. Bây giờ, ông trời cho cô quen thêm một người bạn ... Số San Trúc đúng là cát tường. Mỗi lần sắp gặp nạn, nhỏ đều có quý nhân phù trợ San Trúc kéo tay Vân: – Mày không định mọc rễ ở đây chứ? Hồng Vân giả lả: – Điên mới mọc rễ nơi này. Tao tưởng mày còn đi lấy xe. – Tao lấy ra rồi nè. Về thôi! Hồng Vân nhìn bao hàng, dụ khị: – Chắc hôm nay mày lời bộn. Nên ghé tiệm vịt quay, mua vài lạng, ăn tươi một chút để lấy sức còn thi. San Trúc cười khì: – Thôi đi ! Tao chưa thành bác sĩ, ngu sao để mắc bệnh H5N1. Đừng khuyên tao, không ăn gà vịt thì ăn heo quay. Đang mùa dịch heo bò lở mồm long móng, an toàn tuyệt đối chỉ rau dưa, cà mắm. Thà ốm một chút còn hơn nằm chèo queo vì bệnh. Hồng Vân trề môi: – Mày đúng là chúa keo kiệt. Bộ heo gà vịt, ai ăn vô cũng bị bệnh hết chắc. Trùm sò thì nhận đại cho xong. – Mày nói gì kệ mày, miễn là tao không keo với mày là được rổi. Hơn nữa, tiền chưa kiểm, biết lời không mà nói. Hồng Vân tĩnh queo: – Một bộ đồ, bèo bèo mày cũng kiếm được ba ngàn đồng. Hôm nay, mày bán được vài chục bộ chứ ít ỏi gì? Trúc cũng so vai: – Tao nói gì đây nhỉ? Lâu lâu “chó táp phải ruồi” vô mánh vài trăm ngàn, đủ cho tao mua hai cuốn từ điển Y khoa chưa? Làm ơn đừng khơi sự thèm muốn của cái bao tử "bất trị" trong tao. Chờ khi nào tao thành danh, nhất định đãi mày một bữa ra trò ở nhà hàng hẳn hoi. Bây giờ thì về mau, kẻo đói mờ mắt, đạp xe hết nổi đó. Hồng Vân làu bàu: – Chờ sáu năm để ăn một bữa đặc sản nhà hàng, tao e mình không đủ kiên nhẫn quá. Sao ông trời lại cho tao quen nhằm con bạn “thầy tu” như mầy chứ. San Trúc không hề giận Vân. Vì Trúc muôn năm tôn thờ món “đậu hủ kho, đậu hủ om cà, đậu hủ trắng luộc chấm nước tương” nên cô bị Vân đặt cho biệt danh thầy thuốc mặc áo cà sa”.