Chương 7-1: Tuyệt Minh Cốc
Hà Thái Hoài vẫn còn sống. Đó là điều đầu tiên đang gây kinh ngạc cho chính bản thân Hà Thái Hoài.
Tiếp đó, khi Hà Thái Hoài tự ngồi bật dậy, do xung quanh chỉ là bóng đêm đen dày đặc nên Hà Thái Hoài chỉ có thể dùng tay sờ soạn khắp người. Thì điều thứ hai đang gây kinh ngạc cho Hà Thái Hoài là khắp thân gã tuy vẫn đau như dần nhưng dường như tất cả đều nguyên vẹn. Chứng tỏ cái đau đang âm ỉ đến với Hà Thái Hoài chỉ là nỗi đau do bị nhân vật sứ giả Huyết Ma Cung quật quá nhiều kình vào chứ không phải do làn nước nóng từng làm bỏng da thịt Hà Thái Hoài gây ra.
Chưa hết, khi Hà Thái Hoài tự tay khe khẽ chạm vào từng lớp da bên ngoài thì một sự thật hiển nhiên khác mới làm cho bản thân Hà Thái Hoài kinh ngạc tột cùng. Đó là da dẻ toàn thân Hà Thái Hoài vẫn mịn màng ở những chỗ cần phải mịn màng và phẳng phiu ở những vị trí từng có lớp da phẳng phiu.
“Quái lạ, không lẽ việc ta rơi vào làn nước nóng lại không gây chút hậu quả nào cho ta ?”
Khó tin đây là sự thật, Hà Thái Hoài chầm chậm đứng lên và quay đầu nhìn quanh.
Mọi chỗ Hà Thái Hoài vừa đưa mắt nhìn đều tối đen, khiến Hà Thái Hoài có cảm giác bản thân gã đang ở một nơi nào khác chứ không phải đang ở Tuyệt Minh Cốc. Vì rằng nếu đây là Tuyệt Minh Cốc thì chí ít gã cũng nhìn thấy động khẩu, chỗ mà gã từng nhìn thấy nhiều loạt chưởng kình của nhân vật sứ giả Huyết Ma Cung quật bay vào. Đằng này, đến một mẩu ánh sang nhỏ cũng không hề có, tợ như gã đang rơi vào một cõi y minh, một nơi hoàn toàn tối tăm và là nơi có những u hồn vất vưởng mới được quyền lưu ngụ mà thôi.
“Hay là ta đã chết mà vì mơ tưởng hão huyền nên mới nghĩ là ta vẫn còn sống?”
Sợ đó là sự thật, Hà Thái Hoài tự giẫm mạnh chân vào nền đá dưới chân.
Soạt !
Tiếng động chạm vang lên thật khác lạ khiến Hà Thái Hoài trân cứng người. Phải một lúc lâu sau đó, Hà Thái Hoài mới dám thu hết đởm lược để ngồi xuống và dừng tay sờ tìm xem vật gì vừa dẫm đã tạo ra thanh âm kỳ lạ.
“Một bộ y phục?”
Hà Thái Hoài chỉ dám kêu thầm như thế. Và khi biết chắc đó là bộ y phục, một bộ y phục vẫn còn bền chắc, Hà Thái Hoài vụt thất kinh vì không thể không nghĩ đến đó là bộ y phục, di vật còn lại duy nhất của Lưu Ngọc Bội, người đã từng đi vào Tuyệt Minh Cốc trước lúc Hà Thái Hoài bị đẩy bay vào.
Hà Thái Hoài run bắn cả hai tay khi chầm chậm mò tìm từng điểm quen thuộc trên bộ y phục này.
Và Hà Thái Hoài nhận ra đó chính là bộ xiêm y chỉ có nữ nhân mới sử dụng. Tiếp đó, một dải thắt lưng khổ nhỏ, đúng là vật chỉ có nữ nhân mới dùng. Sau cùng, ở bên trong bọc áo của bộ xiêm y có một ngọn liễu đao.
“Không thể nào nhầm lẫn được nữa, đây chính là y phục của Ngọc Bội tỷ. Vậy là Ngọc Bội tỷ đã mất mạng ? Bọn Huyết Ma Cung đã chờ sẵn ở đây, chúng đã sát hại Ngọc Bội tỷ bằng cách xô tỷ ngã vào làn nước nóng. Chỉ có xiêm y của Ngọc Bội tỷ là còn tồn tại. A…! Bọn chúng thật độc ác. Chính chúng là hung thủ hãm hại Lưu gia, chúng cũng giết luôn Ngọc Bội tỷ vốn là hậu nhân duy nhất của Lưu gia. Ngọc Bội tỷ ! Ân sư ! Hà Thái Hoài này quyết báo thù cho tất cả ! A…a…”
Trong cơn phẫn nộ. Hà Thái Hoài dường như quên mất bản thân đang ở đâu, gã cắm đầu chạy loạn.
Cộp !
Đầu va khá mạnh vào vách đá, cái đau không giúp gã hồi tỉnh, trái lại càng khiến gã chạy loạn hơn !
Cộp ! Cộp !
Phải va thêm một đôi lần nữa Hà Thái Hoài mới thức tỉnh. Nhưng nguyên nhân khiến gã thức tỉnh không phải vì đau, mà vì gã nhân ra rằng như gã đang lọt vào nơi nào đó khá giống một bí động, chứ không phải một cốc núi như Tuyệt Minh Cốc chẳng hạn. Và điều đó thêm được chứng minh khi gã vừa chạm tay vào vách đá vừa chậm chậm di chuyển về một phía.
Gã tự đánh dấu sự khởi đầu bằng cách cố ghi nhớ thật chuẩn xác vị trí của một mẫu đá nhỏ chợt nhô ra từ vách đá. Đó là một mẩu đá nằm hơi cao, ngang bằng tầm tay với của gã. Sau đó, vẫn di chuyển về phía tay hữu, cứ đi được một đoạn chừng non trượng gã lại đưa tay sờ tìm xem đã gặp lại mẫu đá đó chưa. Cứ thế, đến khi tay gạ thật sự chạm phải mẫu đá lúc đầu, gã di chuyển theo một vòng tròn với một đoạn đường là năm trượng có lẻ, gã nhận chân một sự thật rằng quả nhiên gã đang hiện diện tại một bí động với phạm vi quanh gã là bốn hoặc năm trượng vuông.
Một nghi vấn liền đến với gã, đấy là địa hình thật sự của Tuyệt Minh Cốc hay lúc gã bị chấn bay vào Tuyệt Minh Cốc đã vô tình lọt vào một bí động lạ lùng ?
Và gã tự băn khoăn :
“Nếu ta tình cờ lọt vào bí động thì chỗ nào là nơi ta lọt vào ? Một động khẩu hay một ngách đá nào đó chẳng hạn?”
Để tìm câu trả lời gã lại chậm chậm di chuyển theo hình vòng như lúc nãy. Có khác chăng là lần này gã không chỉ dùng tay sờ soạng đâu đó phía trênn đầu, trái lại gã đã sờ tìm hầu như toàn bộ vách đá, bất kỳ chỗ nào mà gã có thể dùng tay chạm đến.
Và gã chợt lặng người khi tay gã vừa chạm vào một bề mặt tương đối phẳng của vách đá với một đặc điểm khác lạ là như ở vị trí này mặt đá có phần nhám nhúa hơn so với bất kỳ chỗ nào khác. Nhưng không phải là sự nhám nhúa bình thường do mặt đá vốn vậy. Mà như gã vừa nhận ra mặt đá bị nhám là do có khá nhiều tự dạng được ai đó cố tình chạm khắc vào mặt đá.
Không thể là bút tích của Lưu Ngọc Bội, Hà Thái Hoài tin chắc như vậy ngay khi phát hiện mặt đá ở vị trí này cũng như bao vị trí khác đều bị một lớp rong rêu khô ráp phủ kín lên trên. Có nghĩa là tự dạng đã tồn tại như thế này khá lâu, khác với bút tích nếu mới được chạm khắc ắt sẽ không có lớp rêu bao phủ.
Gã lần theo từng tự dạng. Và khi đã phát hiện đâu là chỗ khởi đầu của bức di thư, cứ nghĩ là bức di thư thì hơn, gã buộc phải ngồi bệch xuống, bởi toàn bộ bức di thư được chạm khắc lên vách đá chỉ chiếm một chiều cao khiêm tốn là độ chừng một thước mộc trở lại, nghĩa là không cao hơn đầu vai của gã là bao nhiêu khi gã đã ngồi.
Gã gật gù với gã :
“Hiểu rồi ! Người lưu tự đã thực hiện việc này với tư thế ngồi !”
Tuy nhiên, do mường tượng đó là bức di thư của chủ nhân để lại với tư thế ngồi, dù gã đã chạm tay vào từng tự dạng một. Thế nhưng gã mò mẫm mãi vẫn không đọc được dù chỉ là một chữ.
“Không phải ngôn ngữ Trung Nguyên chăng? Mà là tự dạng được viết theo ngôn ngữ của một bộ tộc nào đó mà ta chưa từng biết?”
Thất vọng vì nhận định này, gã giải sầu bằng cách xoa cả hai lòng bàn tay lên phần mặt đá có lưu lại nhiều tự dạng. Xoa như thế được một lúc gã chợt giật mình. Vì nếu gã vừa mường tượng không lầm thì dường như có một tay nào đó của gã chạm vào một tự dạng có ý nghĩa tương tự như chữ Nhất. Không chữ nào dễ nhận ra bằng chữ Nhất, do chữ Nhất có một nét duy nhất và được vạch theo chiều nằm ngang. Gã để yên hai bàn tay và chầm chậm mò lại từng tay một. Mặt gã quay vào vách đá, và tay phía bên tả của gã chính là bàn tay đang chạm vào chữ Nhất 0. Chỉ có điều, chữ Nhất ở đây được viết theo chiều thẳng tiếng đứng, không phải nằm ngang như bao chữ Nhất khác.
“Có lẽ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, một loại ngôn ngữ nào đó đã có một chữ với cách viết tương tự như chữ Nhất của Trung Nguyên. Chỉ có khác lá nét chữ này được viết sổ thay vì vạch ngang như chữ Nhất”.
Gã định dừng lại với ý nghĩ vừa có. Nhưng do tình cờ cũng có, do hiếu kỳ cũng có, gã lại dùng tay tả mò tìm một vài tự dạng được chạm khắc rất gần với tự dạng tương tự chữ Nhất vừa rồi.
Để rồi gã chợt nghe khắp người như nổi gai khi gã phát hiện một sự thật, và sự thật đó là :
“Khoan đã, cứ chầm chậm đọc lại lần nữa nào. Chữ giống chữ Nhất được đặt trên một chữ và là dưới ba chữ khác. Mà chữ trên cùng của ba chữ này nếu được ta đặt theo tư thế nằm ngang thì là chữ Thiên. Phải rồi, chữ Thiên ! Chà… Chà…, Và cứ theo tư thế nằm ngang mà đọc tiếp tục thì sau chữ Thiên chính là chữ Hạ. Kế đó là chữ Đệ… ! Đệ Nhất ? Đúng rồi ! Ta hiểu rồi ! Ha…ha… ! Thiên Hạ Đệ Nhất Tăng. Ha…ha…! Có nghĩa là toàn bộ bức di thư này được chủ nhân vừa nằm vừa chạm khắc từng chữ vào đá. Cũng lạ thật, vị tăng nhân nào lười biếng thế không biết. Vừa nằm vừa viết ? Quái lạ thật ! Trừ phi người này chỉ lưu tự cho vui, không phải lưu tự cho người khác xem. Vậy thì lưu tự làm gì cho phí công? Để xem nào, nhân vật nào dám ngông nghênh tự xưng là Thiên Hạ Đệ Nhất Tăng nào?”
Cuối cùng là Hà Thái Hoài phải nằm hẳn lên nền đá, mặt quay nghiêng vào vách đá, hai tay thoăn thoắt vừa sờ tìm vừa lẩm nhẩm đọc đi đọc lại toàn bộ bức di thư. Và dĩ nhiên đó là bức di thư chạm khắc theo tự dạng chữ Trung Nguyên, tuy rằng cách lưu tự có phần kỳ quặc cũng vào hàng đệ nhất.
“Lão nạp không biết than trời cũng không thể kêu đất, chỉ biết tự trách bản thân mà thôi.
Vì sinh linh quyết tiêu trừ Ma Vương, lão nạp không từ nan vào tận long đàm hổ huyệt của Huyết Ma Chi Vương. Chỉ tiếc lão nạp do sơ tâm nhất thời lầm tiểu kế kẻ địch. Tuyệt Minh Cốc không chấp nhận bất kỳ loại ánh sáng nào. Và chỉ một đốm sáng nhỏ thôi là đủ làm lão nạp mù cả hai mắt.
Tuy Ma Vương đã chết nhưng thân lão nạp phải tạm gởi nơi đây. Chỉ ân hận là không còn đủ lực để hô hoán cáo bạch cùng quần hùng. Để đừng ai vì mong tìm di học tà ma ở Huyết Ma Phủ mà đem ánh sáng rọi vào Cốc Tuyệt Minh. Thật khó mong chút di tự này chợt được phép màu hóa thành tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người.
Đáng tiếc thay !
Thiên Hạ Đệ Nhất Tăng”
Hà Thái Hoài lặng khắp người. Có nhiều điều trong di tự của Thiên Hạ Đệ Nhất Tăng làm cho Hà Thái Hoài tỉnh ngộ.
Thứ nhất, Tuyệt Minh Cốc cùng với địa hình quanh đây chính là long đàm hổ huyệt của một nhân vật từng được gọi là Huyết Ma Chi Vương hoặc gọi là Ma Vương như Thiên Hạ Đệ Nhất Tăng lưu tự. Và chữ Huyết Ma này nếu như không phải giống mười phần thì chí ít cũng là nơi xuất xứ của Huyết Ma Cung hiện nay với công phu tà đạo là Huyết Ma Trảo. Cứ thế mà nghĩ thì Lưu Ngọc Bội và Hà Thái Hoài đã chạy đâu không chạy lại chạy ngay vào trú sở của bọn Huyết Ma Cung đã từng nhăm nhe suýt lấy mạng Hà Thái Hoài. Đồng thời, như lời nhân vật sứ giả Huyết Ma Cung từng thú nhận thì Huyết Ma Cung có lẽ đã và đang có mưu đồ độc bá võ lâm. Và khở biến của mọi sự biến có thể chính là trận thảm họa đã xảy ra cho Lưu gia, Trung Nguyên Đệ Tam Phủ.
Thứ hai, Ngũ Chỉ Bà Bà từng chọn nơi này để lưu ngụ. Vậy có thể hiểu vì Ngũ Chỉ Bà Bà vì tham vọng muốn kiếm tìm di học tà ma của của Ma Vương ở Huyết Ma Phủ nên đã ngụ cư ở đây, hoặc hiểu Ngũ Chỉ Bà Bà, cũng như Lưu Ngọc Bội và Hà Thái Hoài, vì lầm lẫn đặt chân đến chỗ trú sở của Huyết Ma Cung nên đã bị Huyết Ma Cung sát hại.
“Điều này rồi đây ta sẽ minh bạch nếu có ngày ta thoát thân và bỏ công truy tìm tung tích của Ngũ Chỉ Bà Bà. Nếu Bà Bà đã thất tung hoàn toàn, ta có thể hiểu Bà Bà vậy là đã bị Huyết Ma Cung sát hại. Còn như Bà Bà còn tại thế, hừ, chính mụ Bà Bà này vì đã tiếp nhận toàn bộ di học của Huyết Ma Chi Vương nên Huyết Ma Cung là do mụ Bà Bà lập ra. Cứ tạm lập luận và ghi nhận như thế là đủ.”
Kế đó Hà Thái Hoài nghĩ đến một điểm mấu chốt đã được Thiên Hạ Đệ Nhất Tăng vô tình gợi ý trong lúc lưu tự. Là nếu Thiên Hạ Đệ Nhất Tăng có thể lớn tiếng hô hoán nhằm cáo bạch cho quần hùng thì Hà Thái Hoài cũng có thể hiểu rằng từ bí động này vẫn còn chỗ thông đến địa điểm khác, nhất là thông đến Tuyệt Minh Cốc.
Hà Thái Hoài tự gật gù :
“Ta bị chấn bay vào Tuyệt Minh Cốc, đến khi tỉnh lại thì hiện hữu ở đây. Tương tự, Thiên Hạ Đệ Nhất Tăng cũng hiện hữu ở đây sau khi bị mù cả đôi mắt ở chính Tuyệt Minh Cốc. Ta đã sờ tìm khắp lượt nhưng cũng không phát hiện bất kỳ chỗ nào có thể từ đây xuất nhập. Vậy còn ở bên trên thì sao? Sao ta không nghĩ ta đã rơi vào một huyệt động, khá sâu bên dưới và lại còn tứ bề kín như bưng bởi những vách đá.”
Hà Thái Hoài vội vã đứng lên, tiện tay nhặt lấy một mảnh đá vụng vừa vô tình chạm phải.
Khắp người tuy vẫn đau như dần nhưng để ném một mảnh đá bay ngược lên trên thì đó đâu là điều Hà Thái Hoài không thể thực hiện ?
Hà Thái Hoài ném thật !
Cạch…cạch…cạch…
Mảnh đá sau một lúc chạm nãy vào chỗ nào đó ở bên trên rốt cuộc cũng dừng lại và im bặt.
“Rõ rồi ! Đây chỉ là một huyệt động. Nếu ta có thể leo lên trên có nghĩa là thoát !”
Nghĩ như thế, Hà Thái Hoài hăm hở mò tìm trở lại khắp vách đá.
Đây rồi, mẩu đá nhô ra lúc nãy đây rồi, Hà Thái Hoài vừa kêu thầm vừa vội vàng bấu mạnh cả hai tay vào mẩu đá. Đu người lên chịu sức nặng toàn thân vào một tay và tỳ vào mẫu đá, Hà Thái Hoài dùng tay còn lại để quờ tìm mọi chỗ quanh đó. Khá lắm, ở đây có một chỗ khuyết vào khá sâu, để cho Hà Thái Hoài chịu nguyên bàn tay vào để tiếp tục đu thêm người lên cao. Cứ thế, tuy là mò mẫm nhưng Hà Thái Hoài cũng leo lên được một đoạn khá cao. Chỉ cần vách đá cứ luôn lồi lõm thế này thì Hà Thái Hoài lo gì không leo lên khỏi tuyệt động.
Tuy nhiên, Hà Thái Hoài chợt lâm vào tình cảnh bối rối, nơi Hà Thái Hoài đang bám vào nhưng không còn chỗ nào để Hà Thái Hoài tiếp tục bấu víu để leo lên. Bên hữu không có, bên tả không có, cả ở bên trên cũng không có, chỉ ở phía dưới mới có chỗ bấu víu. Không lẽ Hà Thái Hoài lại leo trở xuống ?
Không cam tâm, Hà Thái Hoài cố với thật xa về bên tả, không có gì. Hà Thái Hoài lại cố với về bên hữu.
Đây rồi, một mẩu đá nhô ra, tuy chỉ là một mẩu đá nhưng vẫn đủ cho Hà Thái Hoài nuôi một chút hy vọng.
Hà Thái Hoài lần bàn tay hữu lên mẩu đá đó, từng chút một, sau cùng là nghiêng hết người về phía hữu.
Cẩn trọng, Hà Thái Hoài tự dặn như thế, không khéo sẽ bị tuột tay, vậy là bao công sức nãy giờ đều tan theo bọt bể.
Chợt…