Vũ Hỷ cười gằn: - Tiên sinh bằng ấy tuổi, mà nói năng còn hồ đồ như con nít vậy. Đừng hòng lấy vải thưa mà che mắt thánh. Tiên sinh là tục gia đệ tử Đào gia, võ công tầm thường thôi. Đằng này trong những người đi theo, đều có võ công tuyệt luân cả. Họ là nội đồ của Đào gia. Ta nghe Đào gia làm phản, Thái-thú Cửu-chân sức giấy đi khắp thiên hạ, ai lấy được đầu Đào Thế Kiệt, Đinh Đại thì được thưởng 1.000 lượng vàng, ai bắt một nội đồ của Đào gia thì được thưởng 500 lượng. Ai bắt được ngoại đồ của Đào gia thì được thưởng 200 lượng. Trong đám người theo lão, ít ra có ba nội đồ, 50 ngoại đồ và khoảng 60 gia đinh. Đào Kỳ nghe Vũ Hỷ nói, thì mừng lắm. Như vậy bố, mẹ, cậu, mợ, anh chị, suy huynh chưa ai bị bắt. Có lẽ tất cả đang trên đường đào tẩu, nên thái thú mới treo thưởng để bắt. Phương Anh chỉ Hoàng Thiều Hoa và Đào Kỳ: - Hai người này có phải là đệ tử Đào gia chăng? Hoàng Thiều Hoa hiên ngang bước ra nói: - Đúng, ta là tam đệ tử cuả Đào gia. Nếu hai người có bản lĩnh thì lại đây bắt mà nạp cho người Hán. Dứt lời nàng rút kiếm phóng một chiêu thần tốc vào mặt Phương Anh. Phương Anh không rút kiếm phản công, thị né người tránh khỏi, rồi dùng tay xỉa vào mặt Thiều Hoa. Thiều Hoa biến chiêu thần tốc, đảo kiếm thích vào mặt thị. Bấy giờ thị mới nhảy lui lại quát: - Quả đúng là đệ tử Đào gia. Ta nghe trong trận chiến ở Ngọc-đường, ngươi đã đấu ngang tay với Lĩnh Nam công Nghiêm Sơn. Ta không tin, vì ngay sư phụ ngươi cũng không có bản lĩnh đó. Nay mới biết, quả thực ngươi có chút bản sự. Nói rồi thị rút kiếm nhằm ngực Thiều Hoa xỉa tới.
Hai người đều là đệ tử danh môn chính phái, cũng là nữ lưu, kiếm pháp gần giống nhau. Người này ra chiêu thì người kia đỡ. Ánh kiếm cuộn lấy nhau như hai quả cầu bạc. Phạm Bách đứng ngoài ngây người ra nhìn, ông tự nhủ: - Sư đệ Đào Thế Kiệt quả thực là tài giỏi. Một thiếu nữ xinh đẹp thế kia, trông như một công chúa, đầy vẻ nhu mì, thế mà y huấn luyện thành một tay kiếm thuật, cầm cự được với Phong-châu song quái bằng ấy hiệp, kể cũng hiếm có trên thế gian này. Đào Kỳ chỉ lanh lợi hơn Thiều Hoa, chứ võ công của nó còn kém xa sư tỷ. Đây là lần đầu tiên nó thấy sư tỷ đấu với người ngoài, nên ngây người ra xem. Còn Phương Anh dường như chỉ muốn giảo nghiệm võ công Thiều Hoa chứ thực sự y thị không muốn thắng ngay. Thiều Hoa biết đối phương võ công cao gấp mấy mình, chỉ khảo nghiệm mình, nên nàng không cần phòng vệ mà lo tấn công ráo riết. Khoảng thời gia tàn nén hương, mồ hôi Thiều Hoa đã vã ra. Nàng đuối sức lui dần đến chân tường. Đào Kỳ thấy sư tỷ lâm nguy, bất chấp đối phương võ công cao, nó múa trượng xông vào. Vũ Hỷ lạng người đi một cái, đã nắm được đồng côn của Kỳ, y kẹp vào hai ngón tay, lơ đãng đứng xem cuộc chiến giữa vợ với Hoàng Thiều Hoa. Đào Kỳ dùng hết sức giật đầu côn ra, nhưng côn như đóng chặt vào tường, không nhúc nhích. Nó nghĩ: - Ta có cố gắng giằng lấy côn cũng vô ích, chi bằng dùng kế hay hơn. Nó buông côn, nhảy lui lại quát lớn: - Ngừng tay!
Thiều Hoa, Phương Anh cùng nhảy lui lại. Đào Kỳ cười hề hề: - Hai vị đây là cao nhân đương thời, nói thực ra, đến gia phụ chưa chắc đã thắng được các vị, huống hồ chúng tôi. Các vị là người có danh vọng tại sao lại đi hiếp người dưới, các vị không sợ thiên hạ chê cười sao? Vũ Hỷ cười: - Chê cười thì thiên hạ chê cười từ lâu rồi. Ta đâu có thèm lý đến những lời bình luận của người đời. Ta muốn gì thì làm. Ta há sơ ai? Đào Kỳ cười: - Tôi nghe cha tôi nói rằng Phong-châu song quái võ công trùm thiên hạ, nhưng có đặc tính là coi lời hứa nặng bằng non. Vậy thì thế này, xin nhị vị cho chúng tôi một cơ hội. Phương Anh cười nhạt: - Cứ nói. - Bây giờ một trong hai vị đấu với tôi. Nếu tôi bại thì mặc quý vị muốn giết, muốn bắt làm trâu, làm ngựa gì cũng được. Còn lỡ mà tôi thắng nửa chiêu thì xin quý vị không được hại sư bá, sư huynh, sư tỷ của tôi. Vũ Hỷ nói: - Nếu ngươi chịu được của ta ba chiêu, thì ta sẽ tha cho các người khỏi chết. Đào Kỳ cười ha hả tiến ra: - Vậy chúng ta cứ thế mà làm. Vũ Hỷ không tin rằng thằng nhỏ có thể chịu được ba quyền của y. Y phóng chiêu quát lớn: - Chiêu thứ nhất. Y vừa phát chiêu, kình lực đã bao trùm người Đào Kỳ. Nó vội né người sang bên, nấp vào cột đền. Quyền của Hỷ đánh trúng cột đền kêu đến rầm một cái. Nóc đền rung rinh như muốn đổ. Y quát: - Ngươi không dám đỡ, mà tránh né, như vậy chiêu vừa rồi không kể.
Đào Kỳ nói: - Ngươi nói, tôi chịu được ba quyền. Chữ chịu có nghĩa là gì? Tôi thấy có nghĩa là dùng võ khí chọi nhau, hoặc dùng quyền đỡ lại có đúng không? Vũ Hỷ nói: - Đúng. Kỳ cười: - Thế cột đền có thể làm vũ khí được không? Hỷ thấy đứa trẻ này nói có lý, y gật đầu: - Được, coi như chiêu thứ nhất. Y phóng hai quyền vào thái dương Đào Kỳ theo thế Chung cổ tề minh. Y muốn đẩy Kỳ vào tường rồi bắt sống. Kỳ biến chiêu, xoè hai bàn tay ra đỡ vào quyền của Hỷ, rồi mượn thế nhảy lùi trở lại. Tuy nó không bị nguy hiểm, nhưng người cũng bị đập vào tường. Nó cố nhịn đau, từ từ đứng dậy, nhưng ngực muốn như nghẹt thở: - Hai chiêu! Vũ Hỷ cười: - Trận chiến ở Ngọc-đường cảng Bắc, đến cậu ngươi là Đinh Đại cũng chỉ chiụ được có năm quyền của ta, suýt mất mạng, huống hồ là ngươi. Anh cả Nghi Sơn của ngươi cũng chỉ chịu được có ba quyền, nay ngươi còn nhỏ, hơi sức được làm bao? Đào Kỳ đã đứng dậy được, nhăn nhó: - Còn một quyền nữa. Lần này tôi ra tay trước đây. Nói xong nó tiến lên, múa quyền đánh vào ngực Hỷ. Vũ Hỷ không coi Đào Kỳ vào đâu. Y ưỡn ngực ra chịu đòn.
Thế quyền của Đào Kỳ rất quái dị, rõ ràng đánh thẳng vào ngực, nhưng đi đến nửa đường thì lại biến thành chỉ chọc vào mặt Vũ Hỷ. Vũ Hỷ hoảng hồn ngửa cổ ra sau tránh, thì Kỳ đã dùng tai tay chụp vào vai y, đồng thời thúc hai đầu gối vào bụng y, nhảy vụt lên cao, bay qua đầu y. Khi còn lơ lững trên không, nó phóng chưởng xuống đỉnh đầu Vũ Hỷ. Bốp một tiếng, Hỷ loạng choạng lùi lại. Vũ Hỷ trúng chưởng đau quá, đầu óc choáng váng, y đá Đào Kỳ một cái lăn long lóc, quát lớn: - Phục ngưu thần chưởng! Đào Kỳ gượng gạo đứng dậy: - Phục ngưu thần chưởng thì đã sao! Cái này không phải bố ta dạy ta. Đào Kỳ gượng gạo đứng dậy: - Phục ngưu thần chưởng thì đã sao! Cái này không phải bố ta dạy ta. Vũ Hỷ nói: - Dĩ nhiên cha ngươi không biết chưởng pháp này. Vậy ai đã dạy mi? Mi phải nói mau? Nếu mi không nói thì ta có biện pháp bắt mi phải nói. Kỳ bướng bỉnh: - Ta không nói. Ngươi thua rồi, đại trượng phu nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy, ngươi không được làm khó chúng ta nữa. Vũ Hỷ nói: - Ta chỉ hứa tha chết cho các ngươi, chứ không hứa tha bắt các ngươi nộp quan. Ta phải mang ngươi đi theo, cho đến khi nào ngươi chịu khai ra ai đã dạy chưởng pháp này cho ngươi.
Nói xong y chụp lưng áo Đào Kỳ ra hiệu cho vợ, cùng vọt ra cửa.Thiều Hoa thấy tiểu sư đệ bị Vũ Hỷ bắt, nàng biết không phải đối thủ của y, nhưng không lẽ để y bắt tiểu sư đệ đi? Nàng quát lớn: - Oài! Oài! Mi bắt sư đệ ta đi đâu? Miệng nói, tay nàng phóng chưởng. Chưởng của nàng là chiêu Hải triều lãng lãng có năm lớp. Chưởng vừa phát kình lực đã bao trùm Phương Anh. Phương Anh biết chưởng này lợi hại, thử cũng phóng chưởng đỡ. Bốp một tiếng, cả hai lùi lại một bước. Phương Anh khen: - Khá lắm, lần đầu tiên trên đời ta, có một ngưởi đàn bà khiến ta phả lùi lại một bước. Chiêu này có năm lớp, lớp thứ nhất đánh thẳng, lớp thứ nhì chuyển vòng từ dưới lên trên, mạnh gấp đôi lớp thứ nhất. Phương Anh hít một hơi vận khí đở. Bùng một tiếng, thị lùi một bước nữa. Thị quát lớn: - Giỏi đấy! Thiều Hoa phóng lớp thứ ba, lớp này hai tay cùng ra chiêu, một đánh thẳng, một đánh từ trên xuống dưới. Phương Anh biết thế chưởng hung dữ vô cùng, không dám coi thường, chân đứng theo đinh tấn, tay phải đỡ chưởng trên, tay trái đở chưởng dưới, hai tay hợp lại thành một chiêu. Hai chưởng gặp nhau, bùng một tiếng, mụ lui lại một bước. Trong khi Thiều Hoa lùi ba bước, lảo đảo muốn ngã. Nguyên thức chưởng Hải triều lãng lãng do Thục An Dương vương chế ra trong lúc uất khí chồng chất, công lực không có chỗ phát tiết, nên được dịp phát, mạnh vô cùng. Thành ra người sau muốn sử dụng được năm lớp thì công lực phải thực cao. Thiều Hoa là một thiếu nữ 18 tuổi, công lực chưa được làm bao, phát hai lớp đầu, đã muốn cạn chân khí. Đến lớp thứ ba tuy chưởng có ra thực, nhưng không còn đủ sức phát huy hết uy lực, nên chỉ mạnh bằng lớp thứ nhì mà thôi. Trong khi đó, Phương Anh là một đệ nhất cao nhân đương thời, đã có trên 25 năm công lực, thì Thiều Hoa bị lạc bại là phải. Phương Anh gật đầu: - Kể ra với tuổi của ngươi, võ công đến trình độ này cũng gọi là hiếm có trên đời. Ta không giết ngươi đâu. Vèo một cái Song Quái đã biến vào đêm tối. Thiều Hoa kêu lớn: - Tiểu sư đệ! Tiểu sư đệ! ...
Ngoài trời mưa Thu rả rích trên mái ngói, tiếng dế rên rỉ đáp lại, không có tiếng người. Hoàng Thiều Hoa khóc rấm rức. Phạm Bách an ủi: - Hai quái nhân này, ta e rằng hiện nay không có ai địch nổi chúng nữa. Chúng bắt Đào Kỳ đi theo chỉ với mục đích tra xét võ công, chứ không hại nó đâu, cháu yên tâm. Hai người xuống nhà bếp để tìm đám đệ tử, thì thấy tất cả đều bị trói nằm la liệt dưới đất. Hai người vội cởi trói, gỡ giẻ nhét ở mồm mọi người ra. Không ai bị thương. Phạm Bách hỏi: - Việc gì đã xảy ra? Một đệ tử Phạm gia nói: - Chúng con nấu cơm xong chưa kịp ăn, thì có một nam, nữ vào đánh chúng con. Võ công chúng cao quá nên mỗi chiêu đánh ra, một người ngã. Rồi chúng trói chúng con lại. Dường như chúng không có ác ý, nên không giết hoặc hành hạ một ai cả. Sư phụ, chúng là ai lại vậy? Phạm Bách đáp gọn lỏn: - Phong-châu song quái. Mọi người ồ lên một tiếng, lộ vẻ khủng khiếp. Đám đệ tử Đào gia, ít lui tới giang hồ, nên không biết Phong-châu song quái. Còn đệ tử Phạm gia thì đa số theo sư phụ buôn bán ngược xuôi, nên đã từng nghe danh nhị quái. Chúng thường có hành tung bí mật, mỗi hoạt động đều quái dị. Khó có thể đoán chúng là chính phái hay tà phái. Người ta chỉ biết một điều là chúng làm việc cho người Hán. Chúng qua lại khắp các châu Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật Nam. Nhất là dọc con sông Hồng-hà, sông Đuống, sông Luộc. Đâu đâu chúng cũng nổi danh tàn ác vô cùng, không việc gì mà chúng không dám làm. Trịnh Quang vẫn còn nằm trên giường hỏi Hoàng Thiều Hoa: - Sư muội, tiểu sư đệ đâu? - Bị người ta bắt đi rồi. Quang ngạc nhiên: - Là ??? - Phong-châu song quái. Thiều Hoa mắt ênh ếch những nước. Trong các đệ tử, con cháu của Đào gia thì nàng thương Đào Kỳ nhất. Bởi Đào Kỳ thông minh lanh lợi, ngoan ngoãn dễ dạy. Thiều Hoa thường dẫn Đào Kỳ đi chơi núi, bờ bể, chị em nô đùa bên nhau. Đào Kỳ tính hay đùa nghịch, nhưng mỗi lần nó phá quá, Thiều Hoa liếc mắt tỏ vẻ không bằng lòng là nó lại thôi ngay. Nó học văn, học võ đều giỏi, nhưng hay bày biện lộn xộn. Thiều Hoa phải lo xếp dọn giúp nó. Tiếng rằng sư tỷ, sư đệ, nhưng Thiều Hoa vừa đóng vai bà mẹ, lại kiêm bà chị bên cạnh Đào Kỳ. Nay biến cố xảy ra, nhà tan cửa nát. Sư phụ, sư mẫu, sư huynh không biết phiêu bạt, sống chết ra sao? Còn đứa em duy nhất cũng bị người ta bắt đi mất, cho nên nàng khóc rấm rức.
Trịnh Quang an ủi nàng: - Sư muội! Hiện thời võ công ta chưa phục hồi, cần phải ẩn náu dưỡng thương ít lâu, sau đó mới có thể lên đường tìm sư phụ, sư mẫu và các sư huynh, sư đệ. Phạm Bạch dục đệ tử bưng mâm cơm lên cúng Cao Nỗ rồi cùng ngồi ăn với nhau. Bữa ăn yên lặng, buồn thảm. Ăn xong Thiều Hoa hỏi Trịnh Quang: - Sư huynh, cuộc chiến ở cảng Bắc ra sao? Tại sao sư huynh lại bị thương đến mê man như vậy? Trịnh Quang nhắm mắt để tưởng lại cuộc chiến đêm đó, rồi thuật: “...Ta tuân lời sư phụ, cùng mã phu Nguyễn Ngọc Danh về đón chị và các cháu. Sau khi thu xép hành trang, chúng ta trở lại trang, thì thấy lửa cháy ngụt trời, trong trang không một bóng người, chỉ có xác hai, ba tráng đinh nằm chết ở giữa sân. Ta nghe thấy có tiếng rên trong dàn hoa thiên lý, vội vào tìm kiếm, thì thấy chị Cúc, mình mẩy đầm đìa những máu. Chị bị một mũi tên trúng ngực, nhưng chưa chết. Chị cho biết trong lúc theo sư muội chạy ra biển, chị bị trúng tên, rồi bị quân Hán bắt tra khảo để biết rõ kế hoạch của sư phụ. Chị từ chối rằng chị là phận tôi tớ, chỉ biết hầu hạ, không biết gì cả. Chị cho ta biết, mọi người đang ở trong cảng Bắc. Ta cùng vợ con, mã phu Danh bồng chị chạy lên cảng. Giữa đường, chị chết. Ta đành bỏ xác chị ở ven núi. Ta tới cảng Bắc thì thấy sư phụ,sư mẫu, Nghi Sơn, Biện Sơn, đại sư ca, Đinh sư thúc, Đinh phu nhân và đông đủ cả đã xuống chiến thuyền hải quân. Thuyền rời bến được mươi trượng. Phía sau giặc đang ào tới. Ta kêu cứu: - Sư phụ, sư mẫu cứu con với. Sư phụ vẫy cho đoàn thuyền ra khơi, còn chiếc của người quay lại bờ đón ta. Sư phụ, sư mẫu nhảy lên bờ bồng con ta, còn ta thì bồng vợ, rồi cùng nhảy xuống thuyền. Thuyền vừa quay mũi ra thì ba người từ trên bộ phi thân xuống. Thân pháp của chúng rất kỳ diệu, người còn ở trên không đã phóng chưởng đánh xuống. Sư phụ, sư mẫu, Đinh sư thúc đồng quay lại phóng chưởng đỡ. Ta nghe đến bùng một cái. Sư mẫu loạng choạng ngã ngồi xuống thuyền, sư phụ lảo đảo lùi lại. Đinh sư thúc thì ôm ngực lắc lư, miệng phun ra máu”. Thiều Hoa ái chà một tiếng. Vì nàng biết sư phụ và sư thúc Đinh Đại nổi tiếng là Cửu-chân song kiệt, võ công cao thâm không biết đâu mà lường, tại sao chỉ một chiêu đã bị lạc bại, điều mà nàng không thể tưởng tượng được. Không ngờ trong hàng ngũ quân Hán lại có ba cao thủ đến dường ấy? Trịnh Quang thở dài: - Sư muội ngạc nhiên phải không? Nếu sư muội biết rõ ba người đó là ai, thì sư muội không ngạc nhiên đâu. - Nó là ??? - Phong-châu song quái và Nghiêm Sơn. Tất cả mọi người đều “ồ” lên, không ai kinh ngạc nữa.
Phạm Bách nói: - Phong-châu song quái làm việc cho phủ Tế-tác Cửu-chân. Thái thú Cửu-chân Nhâm Diên cầu viện với Lĩnh Nam công là Nghiêm Sơn. Sơn mới đem quân vào đánh Đào, Đinh trang. Trịnh Quang kể tiếp: “...Sư phụ hít một hơi dài, chân khí đã phục hồi được đôi chút, chưa biết phản ứng sao thì Vũ Hỷ đã nói: - Tưởng Cửu-chân song kiệt thế nào, không ngờ chỉ có vậy thôi à? Sư mẫu nhìn ba đối thủ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: - Thì ra hai vị đây là Phong-châu song quái, thật là hân hạnh chúng tôi mắt kém nhìn không ra. Còn vị tướng quân đây là... Người tướng trẻ đó là Nghiêm Sơn, y đấu chưởng với Đinh sư thúc, chỉ một chưởng khiến sư thúc phải phun máu miệng, thì đủ tỏ công lực y không phải tầm thường. Y không trả lời, lùi lại một bước, ánh đao bạc lấp lánh, không rõ y rút đao ra, tra đao vào võ như thế nào, mà người tài công lái đò đầu bị gọt nhẵn bóng, tóc rơi lả tả theo gió. Sư mẫu la lên: - Thì ra Lĩnh Nam công, Bình Nam đại tướng quân đây! Thảo nào võ công cái thế. Tôi nghe Nghiêm tướng quân cùng sáu vị huynh đệ được Hán Quang Vũ cử sang Lĩnh Nam để kinh lược. Bọn Thái-thú bỏ Vương Mãng theo Hán. Chỉ với sáu người, Nghiêm tướng quân làm cho các Thái-thú Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam, Quế lâm, Nam-hải, Tượng-quận, cúi đầu quy phục Hán. Không hiểu tướng quân với Thái-thú Cửu-chân, ai là người có quyền hơn?” Nguyên sau khi Nghiêm Sơn cứu Quang Vũ, khởi binh ở Côn-dương, chiếm được gần hết Trung-nguyên. Khi chiếm được Kinh-châu, Quang Vũ thấy đất này không vững, vì phía sau là sáu quận Lĩnh Nam, còn theo Vương Mãng. Quang Vũ bàn với Nghiêm Sơn, phải cử người kinh lược sáu quận, để có thêm lương thực, vũ khí tranh hùng với Trung-nguyên. Nghiêm Sơn khẳng khái nhận lời ra đi với Hợp-phố lục hiệp.
Nghiêm Sơn bí mật sang Giao-chỉ dò thám, thì được biết các Thái-thú đang phân vân chờ thời. Y bàn cùng Hợp-phố lục hiệp đến Luy-lâu dò thám tình hình. Tháiù-thú Giao-chỉ là Tích Quang trong cuộc tiếp xúc với Nghiêm Sơn, y biết được sứ mạng của Nghiêm Sơn và Hợp-phố lục hiệp, nên y quy phục Hán. Tuy nhiên Sơn là Lĩnh nam công, Bình nam đại tướng quân, nhưng chàng vẫn là một ông vua không có quân, vì binh quyền địa phương đều thuộc các thái thú cả. Chàng nghĩ được một kế, là đi mời các hào kiệt địa phương ra làm quan, để thu phục lòng người. Chàng nghe đồn tại Cửu-chân có Đào Thế Kiệt, Đinh Đại là hai người trí dũng song toàn. Chàng muốn mời ra làm quan, hầu tổ chức thành phủ Lĩnh Nam công như một triều đình con. Không ngờ thái thú Nhâm Diên lại báo cáo rằng Đào, Đinh là hai đầu trộm đuôi cướp, y xin Nghiêm mang quân tiểu trừ. Chàng vội điều quân từ Giao-chỉ vào Cửu-chân để dẹp giặc. Nhưng giữa đêm khuya, chàng gặp Thiều Hoa, Đào Kỳ. Chàng là người văn võ kiêm toàn, lại ở địa vị cao, thường mơ màng một bóng giai nhân ôn nhu văn nhã mà phải biết võ thuật. Chàng được mai mối cho không biết bao nhiêu tiểu thư con cháu quan lại trong các phủ Thái-thú. Ngặt một điều người biết võ thì thô kệch, cục súc; người đọc sách ôn nhu thì lại mềm yếu, không thể cùng luận bàn võ công, phi ngựa lên núi, xuống biển, bôn ba giang hồ. Nay bỗng nhiên gặp nhan sắc tuyệt thế của Hoàng Thiều Hoa với vẻ ôn nhu văn nhã, võ côn không kém gì Nghiêm. Trong óc Nghiêm hiện lên mối tình lãng mạn giữa Mỵ Châu, Trọng Thuỷ thuở nào. Cho nên giữa lúc phủ Thái-thú bị đốt phá, Thái-thú hoang mang, nhờ Nghiêm đem quân cứu viện, mà Nghiêm cứ chần chờ. Nghiêm vờ đấu với Thiều Hoa để biết võ công nàng hơn là đánh thực tình. Cảnh Thiều Hoa e lệ, còn Đào Kỳ thì mồm năm, miệng mười liếng thoắng, gần như ngỏ ý ghép Nghiêm với sư tỷ của y khiến hồn phách Nghiêm như ngây, như dại. Khi từ biệt, Đào Kỳ còn cướp nhánh hoa cúc bằng vàng trên mái tóc Thiều Hoa tặng Nghiêm, khiến Nghiêm lâng lâng như muốn bay bổng lên cao. Nghiêm đeo cành hoa đó trước ngực. Nay nghe Đào phu nhân hỏi Nghiêm ở địa vị trên hay dưới Thái-thú Cửu-chân thì Nghiêm không biết trả lời sao? Nghiêm biết bà là sư mẫu của Thiều Hoa, vì thần nên nể cây đa. Nghiêm không dám vô lễ.
Nghiêm khiêm tốn đáp: - Không dám, vãn bối là Lĩnh Nam công, trấn nhậm toàn vùng Lĩnh Nam. Còn Nhâm Diên là chúa tể vùng Cửu-chân. Đào phu nhân thấy trên ngực Nghiêm cài bông hoa của Thiều Hoa, bà kinh sợ: Không biết Thiều Hoa và Đào Kỳ có mệnh hệ nào không? Bà run run hỏi: - Nghiêm tướng quân, chẳng hay tướng quân có gặp tệ đồ Thiều Hoa và khuyển tử Đào Kỳ? Nghiêm Sơn đáp: - Trước đây hai giờ, vãn bối có gặp một tiểu anh hùng, võ công cực cao, nghị luận như gươm treo, thực là Hạng Thác tái sinh. Bên cạnh đó là một vị thiên kim tiểu thư, nhan sắc tuyệt thế. Vãn bối có qua lại mấy chiêu với hai vị đó. Được hai vị nhường đường cho đi. Đào phu nhân tuổi đã ngoài 40, bà cùng chồng dạy dỗ trên trăm đệ tử vừa nam vừa nữ, nên bà rất rành tâm lý tuổi trẻ. Bà thấy Nghiêm Sơn rõ ràng thắng mình, chỉ cần trở tay là bắt được ông bà cùng Đinh Đại. Thế mà y không bắt, cũng không cho Song-quái ra tay. Y còn nói năng lễ độ với bà. Bà biết y có tình ý với Thiều Hoa. Bà biết Thiều Hoa không bị giết, cũng không bị bắt. Nếu nàng bị bắt, thì việc gì Nghiêm Sơn phải mê mẫn đeo bông hoa bên mình? Bà thấy Nghiêm thực tình, cũng không muốn khách sáo nữa: - Nghiêm tướng quân bảo tệ đồ và khuyển tử nhường cho ngài ư? Thực ra ngài đã tha cho chúng thì đúng hơn. Phu nhân ngừng một chút rồi nói một mình: - Thực là chân tài, lại thêm nhũn nhặn nữa, sự nghiệp tướng quân sau không phải nhỏ. Bây giờ thuyền đã ra khỏi khá xa, Nghiêm Sơn chắp tay vái ông bà Đào Thế Kiệt, rồi nhảy ùm xuống biển bơi vào bờ. Còn Phong-châu song quái túm lấy Trịnh Quang: - Ta vì Nghiêm tướng quân, không gây hấn với Đào trang nữa, nhưng tên này phải chèo mủng đưa ta vào bờ. Trịnh Quang kết luận: - Trên thuyền hải quân có chiếc mủng nỏ, ta phải chở song quái vào bờ. Tới bờ Vũ Hỷ túm lấy ta, liệng lên không rồi đánh một chưởng. Ta ngất xỉu không biết gì nữa, cho tới lúc sư muội lại cứu. Kể chuyện xong, Trịnh Quang mệt quá, nằm ngủ thiếp đi. Nhưng Thiều Hoa lại mơ màng, hình ảnh Nghiêm Sơn tuấn mã, uy dũng hiện lên trước mắt nàng.