Vạn dân nô lệ cường quyền hạ (Phan chu Trinh, Chí thành thông thánh) nghĩa là: Vạn dân phải cúi đầu làm nô lệ cho bọn cường quyền
Lên bờ, Ðào Kỳ nói với Tam Trinh: - Cháu muốn thưa với lão bá một vài câu được không? Tam Trinh nói: - Tiểu công tử! Người là tri kỷ của ta thì người muốn nói gì cũng được. Ta chỉ yêu cầu ngươi một điều là đừng nói gì liên quan đến tên quan Hán mà thôi. Ðào Kỳ định nói với Nguyễn Tam Trinh, xin ông tha cho Nghiêm Sơn. Nguyễn Tam Trinh biết trước, chặn họng nó lại. Nó liếc nhìn Nghiêm Sơn như phân trần với chàng điều đó. Nghiêm Sơn tỏ vẻ khẳng khái: - Tiểu sư đệ, ta cảm ơn ngươi đã có lòng tốt với ta. Song ta thấp trí bị người bắt, thì phải chịu. Còn bảo ta van xin đối thủ để được sống, thì không cần đâu. Kẻ sĩ chỉ có thể giết được, mà không thể để bị nhục. Ðào Kỳ ấm ức trong lòng vì nó không được biện luận cho Nghiêm Sơn câu nào. Ðoàn người đi hơn một giờ tới một trang. Ðường cái nối liền với thôn trang là con lộ nhỏ, trồng dâm bụt, hoa nở đỏ chói, rồi tới cái cổng bằng tre, có hai cánh cửa rất lớn. Trang được bao bọc bằng những bụi tre vừa dầy, vừa cao. Ðứng ngoài đường không nhìn thấy nhà cửa bên trong. Hai tráng đinh gác cửa thấy Nguyễn Tam Trinh vội mở cổng, lễ phép cúi chào. Vào trong trang, Ðào Kỳ thấy nhiều nhà lớn san sát, nối nhau xa thăm thẳm. Trước mỗi ngôi nhà, có một đống rơm, hay đống rạ cao như những ngọn đồi nhỏ. Người thôn trang gặp Nguyễn Tam Trinh đều cúi đầu kính cẩn chào, rồi tránh sang bên đường nhường bước. Họ thấy Nguyễn Tam Trinh dẫn Nghiêm Sơn bị trói đi bên cạnh, cũng thản nhiên như không. Ði hơn nửa giờ, Ðào Kỳ thấy phía trước có một cổng nữa. Cổng này làm bằng tre, trên cổng dây thiên lý leo chằng chịt, hoa nở bốc hương thơm ngào ngạt. Nguyễn Tam Trinh chỉ ngôi nhà trong cổng giới thiệu với Ðào Kỳ: - Ðó là chỗ ở của lão nhà quê này.
Ðào Kỳ liếc nhìn ngôi nhà: Dài năm gian, hai đầu hồi lại có ngôi nhà khác cũng dài bằng ngôi nhà ngang. Trước nhà trồng đủ thứ hoa, cắt tỉa thành những hình con hạc, con nai. Giữa sân là một cái hồ nhỏ, trong hồ trồng sen. Hoa sen giữa thu đã tàn úa. Mấy con ngỗng đang lội dưới ao, thấy người lạ, nghển cổ kêu lên mấy tiếng. Trong nhà, một thanh niên khoảng 20 tuổi, bước đón Nguyễn Tam Trinh: - Thưa bố đã về. Thấy Nghiêm Sơn bị trói, thanh niên hỏi: - Thằng Hán cẩu này bố bắt được ở đâu đây? Chúng là ai? Tam Trinh đáp: - Ta cũng không biết, nhưng võ công nó rất cao cường. Con giam giữ cho cẩn thận. Nhớ cho ăn tử tế, để ta hỏi cung sau. Còn tiểu công tử đây là tri kỷ của ta, con đưa công tử đi hơ quần áo cho khô. Con gọi Giao Chi ra đây. Lát sau, một cô gái ẻo lả, xinh đẹp đi ra: - Thưa bố gọi con? Tam Trinh chỉ Thiều Hoa: - Cô nương đây là người danh môn chính phái, con cần tiếp đãi cho cẩn thận. Con đưa cô nương vào hơ quần áo. Ðào Kỳ đi theo thanh niên, nó gạ chuyện: - Tiểu trang chủ, đại ca tên gì vậy? Thanh niên đáp chậm chạp: - Tôi là Tam Nhân, con trưởng trong nhà nên người ta gọi tôi là anh cả.
Tam Nhân dắt Nghiêm Sơn vào căn nhà phía sau. Y mở cửa. Bên trong có khoảng năm, sáu người bị cùm, hai chân xỏ vào một cái gông bằng gỗ. Hai tay xỏ vào chiếc gông khác. Ðào Kỳ nhìn qua cũng biết họ là người Hán, nó tự nhủ: - Nguyễn Tam Trinh quả lớn mật thực, bắt giam quan quân người Hán làm gì đây? Ta phải xem xét kỹ, để còn cứu Nghiêm đại ca ra mới được. Sau khi cùm Nghiêm Sơn, Tam Nhân dẫn Ðào Kỳ vào bếp hơ quần áo. Y sai tỳ nữ mang bọc quần áo của nó ra phơi dùm. Xong y dẫn nó lên đại sảnh đường. Ðại sảnh đường là một ngôi nhà tre, lợp rạ khá lớn. Các đồ trần thiết bên trong như bàn, ghế, giường, giá vũ khí đều bằng tre. Giữa nhà là chiếc bàn lớn, trên để nhạc cụ: Sáo, nhị, đàn bầu, trống cơm. Ðào Kỳ khen: - Lão bá, người thực là kỳ nhân đất Lĩnh Nam. Võ công tuyệt thế thì có người ngang lão bá, những thứ thanh nhã nhàn tản thế này, có lẽ lão bá là người đứng đầu. Tam Trinh cười: - Công tử quá khen. Ðào Kỳ nói: - Cháu còn nhỏ tuổi, có sao nói vậy, chứ không khách sáo đâu. Chỉ cần nhìn hàng dâm bụt từ đường vào, lối tỉa cắt cực kỳ công phu, trông rõ ràng là hình hai con rồng uốn khúc. Ðuôi ở trong, đầu ở ngoài, chầu ngược đầu vào trong trang. Trên cổng trang hai chữ Mai-động bằng mây quấn lại hun khói đen, không phải ít công phu mà hoàn thành được. Một lát thêm bốn thanh niên cùng tới với Tam Nhân. Tam Trinh giới thiệu: - Ðây là năm đứa con của lão phu, tên là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Ðào Kỳ đứng lên chắp tay hành lễ: - Ðào Kỳ ở Cửu-chân xin ra mắt Mai-động ngũ hùng. Thiều Hoa đã cùng Giao Chi tới sảnh đường.
Tam Trinh giới thiệu: - Lão phu có năm con trai. Chúng đều nối nghiệp nhà làm ruộng, đánh cá và tập chút ít võ nghệ. Tiểu đồng dâng nước, hoa quả. Ðĩa đựng trái cây bằng tre đan như hình một bông hoa năm cánh. Chén uống nước là ống tre cắt. Ðào Kỳ tiếp chén nước để lên môi nhắp. Nó thấy mùi vị thơm lạ lùng, thử ngẫm nghĩ xem là thứ nước gì? Nhưng đoán không ra. Nó muốn hỏi Tam Trinh thì lại ngập ngừng. Tam Trinh giới thiệu với sáu người con: - Các con! Từ ngày bố soạn ra hai khúc nhạc Cổ loa di hận và Trường-hận Trương Chi, đến nay mới có công tử đây là người đầu tiên hiểu được mà thôi. Ở đời tri âm được mấy người, chúng ta mời công tử cùng Hoàng cô nương ở lại đây ít ngày, uống trà, nghe nhạc chẳng thú lắm sao? Ðào Kỳ biết Tam Trinh lờ vụ Nghiêm Sơn, muốn cho nó và Thiều Hoa nói trước, nhưng nó cương quyết không nhắc tới. Gia bộc dọn bàn lên, trên bàn chỉ có hai thứ: Cá và thịt gà. Ðào Kỳ liếc qua: Cá nấu ám, cá rán, cá kho và thịt gà luộc. Mùi cá ám, cá rán thơm ngào ngạt. Tam Trinh cùng sáu con mời Ðào, Hoàng vào bàn ăn. Ðào Kỳ hớp một muỗng nước cá ám, hỏi: - Thưa lão bá, đây là loại cá gì, cháu chưa thấy qua? Giao Chi nói: - Tiểu công tử, đó là cá mè nấu ám với mẻ. Chắc vùng Cửu-chân không có cá mè nên công tử không biết. Thiều Hoa nói: - Chúng tôi sống ven bể quanh năm ăn cá bể. Tiểu sư đệ chưa được thấy cá mè bao giờ. Xin sư tỷ cho tiểu muội biết cách làm ám cá mè được không? Tam Trinh nói: - Ðược chứ! Ðược chứ! Có gì mà không được. Giao Chi, con nói cách làm ám cá mè cho Hoàng cô nương nghe đi!
Giao Chi chậm rãi nói: - Hoàng cô nương! Ám cá mè là một món ăn thông thường của đất Giao-chỉ. Cá mè phải từ một năm tới một năm rưỡi mới ngon. Non quá thì nhiều xương, lại tanh, còn già quá thì thịt xác không thơm. Cá đánh vảy sạch đi, nhớ móc hai cái go ở trong mang ra. Go cá mè tanh lắm, để sót lại một chút là hỏng. Còn nấu ám mà vứt đầu cá đi thì lại không ngon. Ðể cá cho khô nước, rán sơ một chút, rồi cho vào nồi. Cứ một phần cá thì ba phần nước. Gia vị gồm có mẻ, mắm tôm. Một con cá mè như vậy thì một miếng mắm tôm bằng ngón chân cái là được. Mắm tôm nhớ đánh cho tan ra rồi hãy đổ vào nồi. Mẻ thì nhiều hơn, gấp ba lần mắm tôm, cho mẻ vào cái rá, đồ lấy hết nước cốt, xác vứt đi. Còn rau nấu với cá là chuối, hoặc chuối non, hoặc bắp chuối hoặc củ chuối non. Nếu là chuối non, thì tước vỏ xanh bên ngoài đi, thái cho mỏng. Củ chuối thì thái mỏng, rồi thái nhỏ ra như những cọng tăm. Bắp chuối thì thái nhỏ như sợi tóc. Dù quả, bắp, củ chuối cũng phải cho vào ngâm với muối khoảng nửa ngày, để cho nước chát thôi ra. Ðổ chuối vào đun với cá, đợi khoảng nửa giờ, thì nhừ. Trước khi bắt ra ăn phải cho rau thơm như thì-là, hay là xương xông thái nhỏ. Cá mè là thứ cá âm hàn, tanh, nên cần có mẻ để chống lại chất độc. Giao Chi nói đến đâu, Thiều Hoa, Ðào Kỳ nuốt nước miếng đến đó.
Thiều Hoa hỏi: - Nguyễn cô nương, thế tại sao thịt gà luộc lại phải ăn với lá chanh? Giao Chi nói: - Thịt gà luộc khó làm hơn cá mè. Ðào Kỳ chưa từng vào bếp bao giờ, nghe Giao Chi nói cách làm ám cá mè đã khó, mà lại bảo làm món thịt gà luộc lại khó hơn, nó không chịu: - Tỷ tỷ, tôi tưởng luộc thịt gà thì có gì rắc rối đâu mà bảo rằng khó hơn nấu ám cá mè? Giao Chi cười tủm tỉm: - Công tử nhìn đĩa thịt gà đây: Da gà vàng bóng, không rách lấy một tí. Xương gà bên trong còn lòng đào. Làm thế nào để được như vậy? Thiều Hoa gật đầu: - Quả là khó. Giao Chi tiếp: - Giết gà rồi, nấu nước để làm lông. Khi vặt lông, thì vặt từng túm nhỏ, đừng vặt cả túm lớn, làm rách da. Khi luộc thì nước phải xấp xỉ, vừa ngập gà là đủ rồi. Trước khi luộc cho vào mấy hạt muối, để da gà se lại. Ðợi nước sôi khoảng nhai dập miếng trầu thì tắt lửa. Cái này khó đây, phải tính sao cho gà vừa chín. Luộc kỹ quá thì da gà nát hết. Luộc sống thì ăn không ngon. Gà chín phải vớt ra ngay. Ðể nguội hãy chặt. Chặt thịt gà phải dùng dao sắc, đầu tiên chặt làm đôi, rồi sau chia thân gà làm từng ô một mà chặt. Chặt cần cho nhát dao cắt ngon, nếu phải hai nhát, thịt sẽ vỡ hết. Thịt gà cần ăn với lá chanh, mới có mùi vị thơm. Thịt gà ăn vào hay sinh phong, cho nên cần ăn với lá chanh vừa thơm, vừa chống phong ngứa. Ðất Giao-chỉ có câu ca như thế này: Con gà cục tác lá chanh Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. Con chó khóc đứng, khóc ngồi, Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng. Ðó là bài ca bông đùa, nhưng nói lên rằng: Thịt gà cần ăn với lá chanh. Thịt lợn cần có hành mới thơm. Còn riềng là gia vị trọng yếu để ăn thịt chó. Ăn xong, chủ nhà mời khách ăn tráng miệng với chuối tiêu. Trăng đã lên cao ở phía đông. Tam Trinh đứng lên: - Lão phu còn mấy khúc nhạc nhờ Ðào tiểu công tử phẩm bình dùm. Ông ngoắt tay, thì sáu người con, mỗi người ôm một thứ nhạc khí ra. Tam Nhân ôm cái trống cơm, Tam Nghĩa ôm cây đàn nhị. Tam Lễ ôm cây đàn bầu, Tam Trí ôm ống tiêu, Tam Tín ôm cặp sênh. Giao Chi cầm cặp phách. Tam Trinh đánh nhịp một cái, cả năm thứ nhạc cụ đều tấu một lượt. Tiếng sên lanh lảnh, tiếng trống bập bùng, tiếng nhị dài dằng dặt, tiếng tiêu véo von, tiếng phách gọn gàng, tiếng đàn bầu trầm ấm. Tấu một lúc rồi ngừng lại.
Tam Trinh hỏi: - Ðào tiểu công tử, xin công tử phẩm bình cho! - Khúc nhạc này dài quá nhỉ! Có lúc như tiếng sóng vỗ, có lúc như gió vờn qua mặt nước, có lúc dồn dập như trời mưa, lại có lúc lên cao như trăng rằm, rồi nhẹ nhàng như mối tình nhu thuận. Âm điệu tao nhã, thảnh thót cao kỳ. Dường như lão bá dùng để tế lễ các bực tổ tông thì phải. Cả sáu người con đều oà lên một tiếng, gật gật đầu. Tam Trinh nói: - Ðúng, đây là khúc Ðộng-đình ca. Khúc này chúng tôi dùng để tế quốc tổ. Khúc hát diễn tả ngày xưa Lạc-Long quân đến hồ Ðộng-đình cầu hôn với quốc mẫu Âu-Cơ. Người nghe mà hiểu được sóng vỗ, gió vờn, đượm nhu tình. Ðào tiểu công tử! Người là đệ nhất tri kỷ của ta. Hôm nay bèo mây gặp đây, hậu hội hữu kỳ. Ðã là tri kỷ, ta sẽ tiễn người đi. Khi nào có dịp, xin ghé tệ trang, ta lúc nào cũng chờ đón người. Còn tên quan Hán thì không thể cùng đi với công tử được. Nó là ai vậy? Thiều Hoa nói: - Lão bá, y là người Hán, nhưng y không phải là người tàn ác. Y là người võ lâm hiệp sĩ... Y đã giúp đỡ tiểu nữ trong nhiều lần hoạn nạn. Xin lão bá rộng dung cho tính mạng của y. Tam Trinh nói: - Ðược, ta phải hỏi cung nó đã. Nhân con, mang nó lên đây. Lát sau Nghiêm Sơn bị dẫn lên đại sảnh. Chàng hiên ngang nói: - Ta đã đối chưởng với người, thấy rõ ràng ngươi là một đại tôn sư võ học của Giao-chỉ. Tại sao ngươi lại dùng thủ đoạn hèn hạ, dìm ta dưới nước để bắt? Ta không phục. Tam Trí nói: - Thế thì trước kia, người Hán các ngươi dùng Trọng Thuỷ ăn cắp Âu-lạc tam bảo, rồi lợi dụng tình yêu của Mÿ Châu để chiếm nước ta thì anh hùng hơn chăng? Nghiêm Sơn nói: - Triệu Ðà, Trọng Thủy là những đứa hèn hạ, võ nghệ tầm thường, chỉ biết có phú quý. Chưa từng làm người nghĩa hiệp. Ngươi không thể coi tất cả người Hán đều là Triệu Ðà, Trọng Thuỷ. Cũng như ta không thể coi các ngươi như bọn Phong-châu song quái.
Tam Nghĩa nói: - Nói như vậy là các hạ là người hiệp sĩ giang hồ đấy! Ðã là hiệp sĩ giang hồ sao lại sang đất Âu-lạc chúng ta để cướp bóc, giết người tàn bạo? Nghiêm Sơn cười gằn: - Ta đến Âu-lạc gần một năm, chưa từng giết một người Việt, chưa từng cướp của ai một hột gạo. Thanh kiếm của ta đã từng nhuộm trước sau trên 30 tên Hán tàn bạo. Ha... ha... như vậy không đủ sao? Tam Trinh nhìn Ðào Kỳ hội ý. Ðào Kỳ quỳ xuống trước mặt Tam Trinh: - Chúng cháu tội đáng chết, xin lão bá ân xá. Tam Trinh nâng Ðào Kỳ dậy, rồi hỏi: - Tiểu công tử có gì cứ nói. Ðào Kỳ thưa: - Thưa lão bá, cháu chính là con út của Ðào lạc hầu đất Cửu-chân. Sư tỷ cháu là tam đệ tử của bố cháu. Rồi nó kể lại tất cả mọi biến cố cho Tam Trinh nghe. Nhưng nó chỉ nói phớt qua Nghiêm Sơn là một chức võ quan tầm thường cấp lữ trưởng, và dấu tên chàng. Tam Trinh nói với Nghiêm Sơn: - Lòng người nham hiểm, khó lường. Thôi được, ngươi đã cứu Ðào Kỳ, Thiều Hoa, thì ta thả ngươi ra. Nếu ngươi muốn mang quân Hán đến đây đánh ta, thì ta cũng không sợ đâu. Tam Tín, con thả y ra.
Tam Tín cởi trói cho Nghiêm Sơn, mang hành lý và ngựa ra trả. Tam Trinh vẫy tay: - Thôi ngươi cứ đi đi. Người Việt chúng ta quang minh, lỗi lạc. Ngươi cứu Thiều Hoa, Ðào Kỳ thì ta thả ngươi, thế là hòa. Nghiêm Sơn nhìn Thiều Hoa muốn nói gì, nhưng lại thôi. Y lên ngựa ra đi. Tam Nghĩa nói: - Ta dẫn đường cho ngươi tới huyện đường Long-biên. Nói rồi y lên ngựa đi cùng Nghiêm Sơn. Ðợi Nghiêm Sơn đi khỏi rồi, Tam Trinh mới nói: - Các cháu còn trẻ người, thiếu kinh nghiệm. Không lẽ chỉ một vài hành động như thế, các cháu đã tin họ tốt bụng ư? Muôn đời người Hán vẫn là người Hán, họ chẳng tử tế gì với mình đâu. Gã này là một đại quan người Hán. Hắn có giết quan lại tham ô người Hán là để thay vua Hán, xử tội kẻ dưới mà thôi. Biết đâu hắn chẳng lợi dụng các cháu để hiểu biết hết nội tình người Việt chúng ta? Ta thả hắn ra, rồi theo dõi, nếu hắn dẫn quân Hán tới đây, chúng ta quyết đánh một trận rồi bỏ ấp này ra đi. Còn hắn không trở lại, thì hắn quả là người tốt như cháu nói. Thiều Hoa nói: - Trước trận đánh, sư phụ cháu có nói rằng sau này dù thắng dù bại, ai sống sót đều tụ về Cổ-loa. Từ đây đến Cổ-loa không xa, lão bá có được tin tức gì của sư phụ cháu không? Tam Trinh nói: - Ta đã cho người về Cổ-loa dọ thám, nhưng tuyệt không thấy tin tức gì cả. Không một người Ðào trang, Ðinh trang về tới nơi. Hà... không biết hiện giờ họ ở đâu? Tự nhiên Tam Trinh ôm ngực nhăn nhó. Tam Nhân hỏi: - Bố, bố, sao vậy? Tam Trinh xua tay tỏ dấu im lặng. Ngồi xếp bằng, nhắm mắt vận khí, lát sau ông khạc ra một búng máu tươi, mặt hồng hào lên: - Tên quan Hán võ công thực cao thâm. Bình thường giao đấu, ta không phải đối thủ của hắn. Lúc nãy trên thuyền, ta quen thuỷ tính, mà đấu với nó hai chưởng, còn cảm thấy thua sút. Từ bấy giờ đến bây giờ, trong ngực còn ngấm ngầm đau.
Ðào Kỳ nói: - Lão bá có biết Phong-châu song quái không? Nhị quái võ công như thế mà còn thua y đấy. Tam Trinh nói: - Ta nghe đồn trong hàng ngũ quan lại người Hán có Nghiêm Sơn nổi tiếng là Quế-lâm thần kiếm, cùng với Hợp-phố lục hiệp là những người Hán nổi danh nghĩa hiệp. Họ sang Lĩnh-nam làm quan, nhưng khác hẳn với bọn tham ô, chỉ biết vơ vét. Họ thường ra tay nghĩa hiệp giúp dân. Võ công họ cực cao. Không biết tên quan Hán này có liên quan gì đến Nghiêm Sơn với Hợp-phố lục hiệp không? Thiều Hoa liếc nhìn Ðào Kỳ không nói gì. Bỗng Nguyễn Tam Trinh hỏi Ðào Kỳ: - Cháu có mang theo cây đồng côn tám cạnh. Ai đã cho cháu cây côn đó? Cháu có thể kể cho ta nghe được chăng? Ðào Kỳ thuật lại tỉ mỉ tất cả những biến cố tại đền thờ Cao Nỗ cho ông nghe. Kỳ là con út một danh gia, cha nó Ðào lạc hầu là người nổi tiếng về đạo đức, ông dạy con rất cẩn thận. Nó lại là đứa trể thông minh, học văn, học võ đều thành, do vậy nó rất nể trọng những người đạo đức. Giữa lúc trên đường lưu lạc vì nhà tan cửa nát, nó được gặp Nguyễn Tam Trinh. Hàng ngày, cha, cậu nó khi đề cập đến võ lâm, thường ca tụng không hết lời tám vị Thái-bảo phái Sài-sơn, có đời sống ẩn dật như tiên. Khi hành sự với đời, thường lấy đạo lý làm căn bản. Cho nên nói chuyện với Nguyễn Tam Trinh, nó thấy ở ông toả ra nét hào hùng, đạo đức tuyệt vời, khiến nó kính trọng, và kể sự thực, không dấu diếm gì. Sau khi kể xong, nó hỏi: - Lão bá! Xin lão bá chỉ rõ cho cháu về cây gậy này. Khi Phong-châu song quái bắt cháu đi thì bắt cả cây côn theo. Cháu định sau này có dịp đem lại đền Cao-cảnh hầu trả lại. Tam Trinh gật đầu: - Cây đồng côn này ngày xưa của Phù-đổng Thiên-vương đánh giặc Ân. Các vị vua Hùng giữ làm quốc bảo. Sau Sơn Tinh được làm phò mã, thì ngài truyền cho ông. Thời An-Dương vương lấy nước Văn-lang, cây đồng côn đó về Vạn-tín hầu Lý Thân. Lý Thân truyền cho Cao Nỗ. Vì có duyên với cây côn, nên Song-quái bắt cháu thì bắt, nhưng sao lại mang cả côn theo... Rõ ràng là cháu có phúc phận hưởng thì di vật tiền nhân mới về tay cháu. Ta tin rằng cây đồng côn này sẽ giúp cháu nhiều, cháu chớ để mất.
Thiều Hoa hỏi: - Thưa bác cháu nghe nói: Phù-đổng Thiên-vương là một đứa trẻ tám tuổi, chưa biết nói. Một hôm có sứ vua đi tìm người đánh giặc Ân, tự nhiên nói được, xin mẹ mời sứ vào. Ngài tình nguyện đánh giặc. Ngài bảo sứ về tâu với vua, làm một con ngựa sắt, một cây gậy sắt, đem đến. Ngài lại xin thổi thực nhiều cơm, ăn xong, vươn vai một cái lớn gấp đôi người thường. Ngài vỗ bờm, ngựa sắt phun lửa, phi như bay. Sau khi giết hết giặc, ngài lên núi Sài-sơn rồi biến mất. Cháu tưởng đó là chuyện hoang đường, không ngờ là thực sao? Tam Trinh giảng: - Không phải như vậy đâu. Phù-đổng Thiên-vương là một võ sư đương thời. Ngài luyện võ, nên gần như không nói với ai, người đời đùa rằng ngài câm. Năm 24 tuổi, ngài ứng lời gọi của vua đi đánh giặc Ân. Hết giặc ngài lên núi Sài-sơn ẩn thân tiêu dao mây nước, tập võ. Ngài chế ra phép đánh trượng, sau Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung thêm vào thành Thục gia trượng pháp, mà giòng họ Ðào cháu còn lưu truyền. Ngài còn chế nhiều pho quyền cước, đao, kiếm lưu truyền đến ngày nay. Sau khi ngài quy tiên, thì đệ tử đời đời lưu truyền thành phái Sài-sơn. Ta chính là hậu duệ của ngài. Phái Sài-sơn của ta, võ nghệ không bằng phái Tản-viên, Long-biên và Cửu-chân nhà cháu, vì chúng ta phải học nhiều thứ: Cưỡi ngựa, trồng cây, âm nhạc. Sở dĩ chúng ta được người đời biết đến, vì theo chủ trương của Thiên-vương, tiêu dao tự tại, lấy trời đất, mây nước vui hạc nội mây ngàn, không thích công danh. Giúp đời mà không cần đòi báo đáp.
Khi An-dương vương thắng Hùng-vương, Vạn-tín hầu Lý Thân, Cao-cảnh hầu Cao Nỗ, Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung bắt được cuốn phổ chép tất cả võ công của Phù-đổng Thiên vương và phò mã Sơn Tinh. Nhưng các ngài tự cao là người thắng trận, không chịu tập võ nghệ của kẻ bại trận. Vạn-tín hầu Lý Thân lấy tất cả võ công của Sơn Tinh đem nghiên cứu, tìm ra những chiêu thức phá các chiêu thức đó. Như Phục-ngưu thần chưởng có 36 thức Dương cương, ngài chế ra 36 thức Âm nhu, để chống lại. Như thức Dương cương tên là Ngưu thực ư dã, ngài vẫn để nguyên tên như vậy, thành ra một thức chưởng có hai lối phát chiêu khắc chế nhau, mang cùng một tên. Người nào luyện được cả Âm lẫn Dương thì chiêu trước phát theo Dương cương, chiêu sau phát theo Âm nhu. Người nào nội công cao cường thì tay phải phát Dương cương, tay trái phát Âm nhu. Ðào Kỳ như bước vào thế giới mới lạ về võ thuật, nó hỏi: - Nếu như có người nào tay phải phát chiêu Dương cương, tay trái phát chiêu Âm nhu, nhưng hai chiêu khác tên, thì người đó phải là anh hùng vô địch. Nguyễn Tam Trinh nói: - Vạn-tín hầu Lý Thân đã làm được điều đó. Khi ngài đấu với những võ tướng bật nhất của Tần Thuỷ Hoàng, ngài thắng họ nhờ lối phát chưởng này. Thiều Hoa hỏi: - Thưa lão bá, nếu bây giờ có ai tay trái phát Dương cương, tay phải phát Âm nhu, rồi thình lình tay trái phát Âm nhu, tay phải phát Dương cương thì Âm, Dưong biến hoá sẽ thành thế gian vô địch.
Nguyễn Tam Trinh thở dài: - Ta nghe đồn rằng học trò của Ðào-hầu, người nào cũng xuất chúng. Nghe cháu hỏi, ta mới thấy thẹn rằng chưa bao giờ mình nghĩ đến. Ta biết trên đời này chưa có ai làm được điều đó. Hy vọng sau này, hậu thế có người tài trí hơn, tìm ra cũng nên. Ðào Kỳ nói: - Thưa bác, bố cháu thường nhắc tới các phái Sài-sơn, Tản-viên, Hoa-lư, Cửu-chân và Long-biên. Ngoài ra còn nhiều Lạc-hầu, Lạc-tướng cũng định lập một phương như môn phái. Cháu không hiểu nguồn gốc các phái ấy như thế nào? Võ công của họ khác nhau ra sao? Tam Trinh đáp: - Nói về nguồn gốc các phái võ của người Việt thì rất giản dị. Khởi thuỷ không có môn phái nào cả. Sau khi Phù-đổng Thiên-vương đánh giặc Ân rồi, ngài lên Sài-sơn ẩn dật, dạy dỗ đệ tử. Ðời này truyền đời khác, đến nay vẫn còn lưu giữ tên Sài-sơn. Võ của ngài thiên về Dương cương, sở trường về đánh roi, đánh gậy. Tuy nhiên các môn võ công khác cũng có. Ðến khi vua Hùng ra lệnh mở võ đài tuyển người võ giỏi nhất làm phò mã, thì Hoá Ðức tức Sơn Tinh thắng khắp anh hùng thiên hạ mà được diễm phúc. Từ đấy Sơn Tinh mở trường dạy học ở núi Tản-viên mà thành phái Tản-viên. Khi An-Dương vương thắng Hùng-vương, các Lạc-hầu, Lạc-tướng phiêu bạt khắp nơi, mạnh ai nấy lập môn hộ, nên có nhiều phái. Nhưng các Lạc-hầu, Lạc-tướng nguyên đều xuất thân ở Sài-sơn, võ công có hơi giống nhau. Các ngài mới hội nhau lại thống nhất kỹ thuật. Rút cuộc còn hai phái trên. Khi An-Dương vương tự vận ở Cửu-chân, các tướng sĩ theo hộ giá có ba nguồn gốc: Vạn-tín hầu Lý Thân, Cao-cảnh hầu Cao Nỗ, Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung. Các tướng được An-Dương vương dặn dò ẩn náu, nuôi chí đợi thời phục quốc. Họ thu đệ tử, truyền võ, do vậy truyền nhân của Cao-cảnh hầu là phái Hoa-lư. Truyền nhân của Vạn-tín hầu Lý Thân là phái Long-biên. Truyền nhân của Trung-tín hầu là phái Cửu-chân. Âu-lạc thắng Văn-lang, nên phái Sài-sơn, Tản-viên chống lại Âu-lạc. Ðến khi Triệu Ðà chiếm Âu-lạc, thì các truyền nhân của Văn-lang, như Tản-viên, Sài-sơn họp với các phái của Âu-lạc là Long-biên, Cửu- chân, Hoa-lư chống Triệu. Triệu bị giết, con cháu họ lập phái Quế-lâm. Ngày nay các võ phái Văn-lang, Quế- lâm cùng chung hận vong quốc, họp nhau lại thành võ học Lĩnh-nam chống Hán phục Việt...
Ðào Kỳ than: - Võ phái hiện có sáu, còn các gia, các phái cũng không ít, ai cũng xưng hùng, xưng bá hết. Theo ý lão bá thì phái nào võ công cao nhất? Tam Trinh lắc đầu: - Khó có thể quyết định được. Võ công Tản-viên thì thiên về Dương cương, võ công Sài-sơn thì khi nhu khi cương. Võ công Long-biên thì nhu hoàn toàn. Võ công Cửu-chân, Hoa-lư thì dương cương thuần tuý. Ðào Kỳ reo lên: - Cháu hiểu rồi. Như vậy nếu tập trong vòng ba năm đến năm năm thì người đệ tử Âu-lạc ta dễ thành công hơn người của Văn-lang. Còn tập từ năm năm trở đi, thì võ công Văn-lang sẽ hơn Âu-lạc. Tam Trinh gật đầu: - Ðúng như vậy. Tam Lễ hỏi: - Ðào tiểu sư đệ, ta không hiểu nguyên lý đó.