Chỉ mục bài viết |
---|
Tình Ca Mùa Thu |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Trang 9 |
Trang 10 |
Trang 11 |
Trang 12 |
Trang 13 |
Trang 14 |
Trang 15 |
Trang 16 |
Tất cả các trang |
Chương 9
Chiếc quạt nhỏ để bàn quay đều. Thiên Mỹ ngồi trong phòng khách, tay cầm quyển tạp chí điện ảnh. Cái tạp chí mà ngay ngoài bìa là hình một cô đào nổi tiếng. Ngay từ thời còn ở trung học, Mỹ đã thích xem loại tạp chí này vô cùng. Mãi đến bây giờ, cái thói quen đó vẫn không thay đổi.
Thấy anh bước vào, Thiên Mỹ ngẩng đầu lên hỏi:
- Sao? Đi chơi có vui không?
- Cũng không có đi đâu nhiều, ăn hoành thánh, rồi đến quán "Rồng Xanh" gì đó uống nước. Ờ, dân Đài Bắc bây giờ đông quá, đi đâu cũng phải chen lấn.
Thiên Mỹ cười nhẹ:
- Chuyện đó cũng tự nhiên thôi. Đất đai thì chỉ có một chút, mà dân số thì cứ gia tăng thì làm sao mà không phải chen? May là mỗi năm đều có một số lớn sinh viên ra nước ngoài du học, bằng không chắc còn đông hơn nữa.
- Cô định pha trò ư? Thạch vừa cởi bớt áo vừa hỏi - Thời tiết quá nóng - Em nghĩ là cái lý do du học chỉ đơn giản là như vậy à?
- Anh cứ mặc quần đùi một cách tự nhiên đi - Thiên Mỹ thấy anh lúng túng vì thời tiết nóng - Anh Định Á của em thì ở nhà cũng chỉ mặc áo may ô, quần đùi thôi. Em cũng quen rồi, đừng ngại. Anh ngồi đây quạt một chút cho đỡ nóng, để em đi lấy cho anh một ly nước chanh mà mẹ đã pha sẵn, uống mát lắm.
Mỹ vào trong và mang ra một ly cối cho Thạch, rồi bước lại ngồi ở chỗ cũ, nói:
- Khi làm mẹ rồi, em mới cảm nhận đã cái tình yêu của người mẹ dành cho con cái. Nó mềm như nước, bất cứ một lỗ mọt nhỏ nào cũng đều chảy đến. Anh có biết không, mấy năm trước, em và Định Á đã có trục trặc nhỏ, em hờn và bế con quay về nhà. Cha có vẻ không hài lòng, lúc nào cũng lên lớp chuyện tam tòng tứ đức. Còn mẹ thì khác, mẹ không nói gì cả chỉ lẳng lặng chăm sóc bé Dung Dung. Khiến em hiểu ra một điều là sống làm người khi gặp một cái gì không vui, thì nên dồn hết tâm trí vào một việc khác, không nên cứ húc đầu vào đá, để tạo khó khăn cho chính mình. Từ đó, em suy ra. Cái thay đổi lớn mà anh có hiện nay là do hơn mười năm qua anh đã sống xa mẹ.
Thạch hớp một ngụm nước chanh. Cái nóng nực như vơi đi phần nào. Thạch nghĩ đến cái tình yêu mà cha mẹ và người thân đã dành cho mình:
- Vâng, nhiều khi anh rất nhớ nhà, và trước khi trở về, anh đã nghĩ... Chỉ cần đến với quê hương, rồi tình cảm mình sẽ lắng xuống thôi. Anh muốn tìm lại cái mình đã mất, bằng không anh đã không về. Mỹ à, anh định ở lại đây luôn. Anh có thể dạy ở trường đại học quê nhà. Điều này chắc chắn thày dạy cũ của anh tán thành ngay. Nếu có thể anh sẽ dạy thêm, viết lách, làm báo... Như vậy, hẳn cũng đủ ăn. Em thấy thế nào?
Thiên Mỹ chăm chú nhìn anh:
- Có thật là anh có ý định đó?
- Vâng.
- Em sợ là không được đâu, thứ nhất là... Em sợ anh làm vậy sẽ khiến cho cha mẹ thất vọng - Mỹ nói mà mắt liếc nhanh về phía phòng của cha mẹ - Bởi vì, trên phương diện tình cảm thì cha mẹ rất muốn anh ở lại. Nhưng đứng về phía lý trí, người lại muốn anh ra đi. Dù anh có nói nước Mỹ xấu đến thế nào, cha mẹ cũng cho rằng chỉ có ở nước Mỹ anh mới có tương lai. Anh đừng hỏi em tại sao họ lại nghĩ như vậy, em cũng không phân tích được đâu. Em chỉ có thể nói là trong cái hoàn cảnh đất nước và thời đại ngày nay. Mọi người đều nghĩ rằng... Chỉ có đất Mỹ là thiên đàng, là cứu cánh duy nhất.
- Tại sao em nói vậy. Em không có ý định ra nước ngoài ư?
Thiên Mỹ có vẻ nghĩ ngợi, cầm tờ tạp chí lên cuộn tròn lại rồi lại mở ra:
- Lúc đầu, em cũng muốn lắm, nhất là lúc vừa ra trường. Anh quên là chính anh đã lo chạy hồ sơ cho em ư? Sau đấy bạn bè từ bên ấy viết thư về kể khổ, khiến em do dự. Cũng chính vì em do dự, mà Định Á thừa thắng xông lên. Sau khi có chồng, cái ước muốn xuất ngoại vẫn chưa mất. Nhưng anh Định Á là một con người an phận. Anh ấy cho là công việc hiện nay của anh ấy cũng chưa đến nỗi nào. Cuộc sống lại đang yên định, nên không muốn vứt tất cả. Vả lại đã đi làm một thời gian rồi mà phải quay lại để ôm quyển sách lên, lại học Anh ngữ nữa, mệt quá. Mà Định Á cũng không muốn để em đi một mình. Sau đó khi có bé Dung Dung rồi, thì cái ý tưởng kia cũng tan biến.
- Nhưng anh thấy thế này cũng tốt.
- Em chưa nói hết mà, sao anh lại ngắt lời em? Chuyện anh muốn ở lại, điểm thứ nhất em đã nói xong, bây giờ qua điểm thứ hai. Ở đây thì gia đình Ức San sẽ không hài lòng... Bởi vì họ cho phép Ức San liên lạc thư từ với anh, chỉ với một mục đích là kết hợp hai người. Tại sao họ lại muốn như vậy? Chắc chắn là không phải là anh đẹp trai hơn người khác. Anh biết không, ở đây, số người đeo theo Ức San có chán vạn. Ức San cũng đã từng có bạn trai chứ? Nhưng cha mẹ cô ấy không thích, họ chỉ thích con họ có một người chồng là tiến sĩ sống ở Mỹ thôi.
Thiên Thạch chau mày:
- Tiến sĩ ở Mỹ có cả khối, cần gì mà phải chọn anh chứ?
- Nhưng cha và ông ấy là bạn thân lâu năm, gia thế hai bên thế nào đều rõ, đó là một lý do. Còn điều thứ ba là: Anh bảo là anh không muốn quay lại Mỹ. Có thể là thật tâm anh muốn như vậy. Nhưng mà thực tế thì sao? Hoàn cảnh chưa chắc cho phép anh ở lại.
- Nãy giờ nghe em nói, cứ nghe em bảo chuyện sang Mỹ của anh là "quay về". Em làm như bên ấy mới thực sự là nhà của anh à. Còn ở đây anh chỉ là "khách"?
- À. Em chẳng để ý đến chuyện đó. Có lẽ là do tiềm thức, vì anh biết không, có nhiều người ở bên ấy đã xây dựng được sự nghiệp, lập gia đình. Họ trở về Đài Loan một thời gian rồi cũng quay về bên đó, và lúc họ ở nước nhà, thì thân nhân, bạn bè, rồi ngay cả nhà nước nữa. Ai cũng cư xử với họ như cư xử với một người khách rồi họ đi, chứ chẳng ai ở lại đây cả.
- Nhưng anh đã có mấy người bạn, họ đậu tiến sĩ xong cũng quay về.
- Chỉ là một số nhỏ, vả lại hoàn cảnh của họ cũng khác, họ phần lớn là dân bản xứ. Còn chúng ta là từ Hoa lục sang. Mặc dù sang đây từ nhỏ, nhưng em vẫn có cảm giác ở đây không phải là gốc gác của mình.
Thạch uống cạn ly nước chanh, để xuống:
- Thế thì ở bên Mỹ cũng đâu phải là gốc gác đâu? Em biết khôeng chính Gertrude Stein đã nói với Heminway là thế hệ của ông ta là thế hệ lạc lõng. Thế còn chúng ta? Chúng ta là thế hệ mất gốc ư? Vâng, em đã nói đúng, có lẽ anh rồi phải quay sang đấy. Không phải chỉ vì ý của cha mẹ, vì cha mẹ, nhất là mẹ, dù không muốn anh ở lại, nhưng dần dần rồi người cũng tha thứ cho anh, vì anh là con của người. Cũng không phải vì Ức San. Anh không quay về Mỹ, Ức San sẽ không lấy anh, vậy thôi... Thạch thở ra một làn khói thuốc, nghĩ ngợi - Mà... anh trở về bên ấy... chỉ vì chính anh thôi... Ở bên ấy tuy không có gốc gác gì... nhưng dù sao anh cũng đã sống quen rồi... Chỉ có một chút buồn vì hoài hương thôi... Nhưng cũng không quan trọng lắm. Cái quan trọng là cái thói quen. Ngoài ra ở bên ấy, anh còn có một cái gì để mơ ước, để mong mỏi. Sống một thời gian, rồi mơ ước được quay về. Như vậy là còn điểm hẹn, còn có cái gì đó ước mơ. Mà như vậy là còn niềm vui, còn thấy sung sướng. Chẳng hạn như được ngồi nói chuyện với em như thế này... Quả là tuyệt.
- Anh còn nhớ không, xưa kia anh em mình không hạp nhau, cứ khắc khẩu mãi. Chỉ cần ngồi gần, nói hai, ba câu là gây nhau. Bởi vì, em không phục anh, mà anh lại coi em chẳng ra gì, chúng ta như chó với mèo.
Thạch cười lớn:
- Nhớ có lần, không biết vì chuyện gì đó, anh với em gây gổ nhau, lần đó em bị anh mắng, mắng gì anh không nhớ, hình như là... thứ quỷ dạ xoa, ế chồng... Em cãi không lại đã khóc, rồi sau đó, thừa lúc anh đi vắng... em vào phòng anh, lục tung. Mang cả cái truyện ngắn mà anh vừa viết xong, định gởi cho phụ san của một tờ báo ra xé thành từng mảnh nhỏ. Lúc quay về phát hiện, anh đã giận điên người lên, túm lấy tóc em, va đầu em vào tường. Anh thề là phải đập cho em vỡ sọ ra, mẹ lúc đó chạy ra, run rẩy: "Thiên... Thạch... Thiên Thạch... Con điên rồi à... Có buông em con... ra không? Nếu không, mẹ sẽ gọi điện thoại cho cảnh sát... Em còn nhớ chuyện đó chứ?
- Nhớ, em làm sao quên được? Bây giờ phía sau đầu em vẫn còn một khối u. Mỗi lần thời tiết thay đổi là em bị nhức đầu...
Thiên Thạch ngưng cười lo lắng:
- Thật như vậy à?
Thiên Mỹ cười lên, nhưng rồi lại sợ đánh thức cha mẹ, nên ngưng lại:
- Hù anh thôi. Nhưng mà anh biết không, sau lần đó em học tụt hạng hẳn, có lẽ vì anh đánh mạnh tay quá nên học ngu đi.
- Sau này anh thường nhớ đến chuyện đó và không ngờ tất cả chúng ta đều trở thành người lớn rồi. Có lúc lại khờ khạo nghĩ rằng về nước gặp nhau có còn gây gổ nữa không? Hay là lại cư xử một cách khách sáo như những người xa lạ. Bây giờ, nghĩ lại thật thấy buồn cười. Dù gì mình cũng là người lớn rồi, phải không em?
Thiên Mỹ thấy một niềm vui thoảng nhẹ, cái ông anh sau bao năm thăng trầm đậu được bằng tiến sĩ, đã cư xử với em gái một cách hòa nhã và hòa đồng. Mỹ sốt sắng hỏi:
- Anh có cần uống thêm không? Em vào lấy cho.
- Thôi đủ rồi, cám ơn em.
Thái độ của Thạch làm Mỹ thấy buồn cười. Thạch hiểu, vội nói:
- Anh không cố tình khách sáo, chẳng qua đây là một thói quen. Em biết không, bản chất của người Mỹ họ thô bạo thích chơi những trò hung hăng như đấu vật, khúc côn cầu trên băng. Nhưng có cái hay là trong giao tế họ lại hay tỏ ra hòa nhã, đụng tý là nói "cám ơn", "xin lỗi", "bỏ qua cho"... Đó là sáo ngữ thường có ngay đầu môi của họ, trong khi người Trung quốc chúng ta gặp nhau thì thực tế hơn như: "ăn cơm chưa?", "khỏe chứ?"...
Thạch nói xong đứng dậy, đi về phía tủ tìm kiếm một cái gì đó.
- Anh tìm gì vậy?
- Anh nhớ là trước kia mẹ thường hay để hộp bánh ở đây cơ mà.
- Bộ anh đói rồi à?
- Cũng hơi đói. Lúc chiều anh chỉ ăn có mấy tô mì hoành thánh. Ở Mỹ bữa ăn trưa thì nhẹ, chỉ cần một miếng sanhdwich, một ly sữa là xong. Nhưng bữa cơm tối thì rất quan trọng, bình thường thì cũng phải có một miếng thịt to, một đĩa mì, thêm một ít trái cây. Vì vậy ít bao giờ thấy đói.
- Bây giờ, anh định ăn thêm gì? Em đi làm cho.
- Ở gần đây có ái quán ăn nào không? Chẳng hạn như: hủ tiếu hay bánh giò, bánh chưng gì đấy?
- À, để em đưa anh đến một quán hủ tiếu này tuyệt lắm, vừa nghe anh nhắc đến chuyện ăn là em thấy đói ngay. Đi nào, nhưng lần này, phải khóa cửa kỹ lại đấy, để không thôi có chuyện lại phiền.
Thế là cả hai bước ra thềm, mang giày, rồi rón rén ra cửa. Tra ổ khóa lại, Mỹ nói:
- Anh có biết không, bọn trộm đánh hơi giỏi lắm, chắc chắn là chúng biết nhà mình có người từ nước ngoài mới về, đồ đạc mang về hẳn nhiều lắm. Vì vậy, chúng ta cần phải cẩn thận chắc ăn hơn.
Ra đến đầu hẻm, đợi một lúc lâu cũng không có một chiếc xích lô nào. Chỉ có một chiếc taxi chạy qua, Thạch đưa tay ngoắc lại. Cả hai đi đến một quán ăn nằm sâu trong hẻm gần một rạp hát. quán ăn tuy nhỏ nhưng lại đầy đủ cái không khí giống như quán ăn trong ký ức của chàng. Quán thật đắt khách, mặc dù chỉ là những chiếc bàn gỗ đen đúa, trên bàn để sẵn những chén gia vị như tương ớt, xì dầu, muối... Thiên Thạch và Mỹ chọn một chiếc bàn trống ngồi xuống. Mỹ chỉ hai cô gái đang trụng hủ tiếu và sắp xếp bánh mặn nói:
- Hai cô gái này là con ông chủ đấy. Cả nhà sống nhờ vào cái quán hủ tiếu này. Họ đã làm giàu, có cả nhà lầu, xe hơi. Nghe nói trước kia ông chủ cũng đã tốt nghiệp đại học, đã từng làm công chức, nhưng lương bổng lại không đủ nuôi gia đình, nên mới mở cửa tiệm này. Có mấy tháng đã mua được nhà, bây giờ ở gần đây người ta cũng mở thêm mấy cửa hàng để cạnh tranh.
Ông chủ thấy khách vào đã nhanh chóng ra lau bàn. Nếu không có lời của Thiên Mỹ nói trước, Thạch không nghĩ ông ta là chủ quán. Cái dáng dấp mảnh mai, cái bàn tay với những ngón thon dài, nhìn ông ta rồi nghĩ đến mình... Mọi thứ như xa vời vợi. Thạch nhớ đến những chuỗi ngày làm bồi bàn kiếm sống. Có điều ở đây hai hoàn cảnh khác nhau. Ông chủ quán thì chấp nhận cuộc sống còn Thạch chỉ là một hình thức miễn cưỡng.
- Ồ, anh Thạch! Anh lại làm gì nữa vậy? Anh cần dùng món chi?
Thiên Mỹ thúc tay, làm Thạch giật mình quay trở về với thực tại:
- À...
Thạch nhìn lên ông chủ vẫn còn đứng đấy với nụ cười chiều khách.
- Ông định dùng gì đây? Ở đây có món hoành thánh, hủ tiếu, bánh chưng và cả những món ngọt.
- Vậy thì cho một cái bánh xếp nước, một tô mì và một bánh nếp đi.
- Ồ, anh Thạch, anh gọi chi nhiều quá vậy?
Thiên Mỹ kêu lên. Rồi với ánh mắt kiêu hãnh quay sang ông chủ tiệm nói:
- Ông anh tôi từ nước Mỹ mới quay về, bởi vậy thèm ăn đủ thứ. Nhất là những món thuần túy của chúng ta.
Thạch chau mày, chàng cảm thấy bực dọc. Chàng không muốn ai nhắc đến chuyện ở nước Mỹ, nhưng đã không còn kịp, ông chủ đã khom mình một cách cung kính nói:
- Xin có lời chia vui, thế ông ở Mỹ làm gì? Vẫn còn đi học hay đi làm?
Mỹ đã dành nói:
- Anh tôi đã đậu tiến sĩ, hiện đang dạy đại học bên ấy đấy.
- Ồ, vậy thì vinh hạnh quá! Ông có thể cho chúng tôi biết quý danh không?
Thiên Thạch miễn cưỡng nói:
- Tôi là Ái Thiên Thạch - Rồi quay sang Thiên Mỹ, Thạch tiếp - Anh thấy đói quá em ạ.
Ông chủ quán vội vã vào trong, có lẽ ông đã nói gì với hai cô con gái. Thạch thấy hai cô gái nhìn chăm chú về phía chàng. Thiên Mỹ có vẻ hãnh diện.
- Anh Thạch, người ta đang ngắm anh kìa.
- Cũng tại em cả, nói cho họ biết những thứ đó để làm gì? Mấy hôm rày anh đã quá ngán ngẩm chuyện đó, muốn quên đi, em lại nhắc tới. Một hồi nữa ông chủ tiệm có già lời, hỏi này hỏi nọ thì em trả lời đấy, anh không biết đâu. Đàn bà các em thật nhiều chuyện.
Ông chủ quán đã mang hai tô bánh xếp nước, mì và bánh nếp ra. Chiếc bàn nhỏ để đầy cả tô chén. Thiên Thạch sợ ông ta gặng hỏi, nên vội vã cúi xuống ăn ngay. Mỹ ngồi đối diện, sợ anh phỏng miệng, phải nhắc:
- Thức ăn nóng đấy!
Thạch ăn mà nước mắt chảy cả ra ngoài, Thiên Mỹ nhìn Thạch cười nói:
- Anh về chưa đầy nửa tháng mà bản chất con người cũ đã hiện nguyên hình. Anh làm như đói khát cả mười năm vậy.
- Còn phải nói. Anh thèm nó những mười năm. Thạch tiếp tục ăn, vừa ăn, vừa nói - Tuyệt thật! Ngon tuyệt! Chỉ những thức ăn này không cũng đáng để ở lại. Con người có cực nhọc trên đời không phải cũng chỉ vì miếng ăn đó thôi sao? Nếu có tiền mà không được ăn ngon thì đi làm để làm gì?
- Nếu vậy từ đây về sau. Em sẽ đưa anh đến đây ăn luôn.
- Đúng thế! Anh cũng cần nghiên cứu cái bí quyết thành công của họ rồi mang sang Mỹ, anh không cần phải đi dạy nữa! Chúng ta sẽ mở một cửa hàng ăn, chắc chắn sẽ phát tài.
- Nghe nhiều người nói người Hoa chúng ta mà sang đấy mở cửa hàng ăn, đều thành công cả, phải không anh?
Thiên Mỹ hỏi. Thạch ngốn hết cái bánh chưng rồi nói:
- Thật ra thì cũng tùy, mở cửa hàng ăn ở Mỹ phần lớn là để phục vụ khách Mỹ. Mà người Mỹ thì quen dùng những món của Quảng Đông, vì vậy ta không thể bán những thứ khác - Thạch hớp một ngụm trà, rồi nói - Ngon tuyệt, bữa nay ăn ngon quá.
Ông chủ quán đi ngang qua hỏi:
- Ông có cần dùng thêm món chi nữa không?
Thạch lắc đầu, Thiên Mỹ cười nói:
- Thôi đủ rồi, để hôm khác ghé vậy.
- Thế ông Thạch bao giờ quay về Mỹ? Tôi có chút việc muốn nhờ ông giúp. Số là đứa con gái tôi tên là Chân Trân còn một năm nữa là nó ra trường. Tôi định cho nó sang Mỹ du học. Xin ông cho biết, tôi nên cho nó học ở trường nào và cách thức xin ra sao...?
Thiên Mỹ thấy anh sa sầm nét mặt, nên vội nói:
- Bây giờ ở Bộ Giáo dục hình như có một bộ phận tư vấn về vấn đề du học, sao ông chủ không đến đấy hỏi. Nó tiện lợi hơn, chừng nào vẫn còn thắc mắc thì lần sau chúng tôi đến, ông anh tôi sẽ giúp cho. Ông ấy rất sẵn sàng.
Lúc bước ra khỏi quán, đêm đã thật khuya, trời mát lạnh. Hai anh em thả bộ dọc theo đường. Đường rất vắng, Mỹ đã đưa Thạch đến một con hẻm rộng, hai bên chỉ toàn là biệt thự, Mỹ chỉ một căn thật lộng lẫy, có vườn hoa và cả nhà xe rộng, nói:
- Đây là nhà của một người bạn gái của em thời trung học. Nó lấy một ông Mỹ, tuổi gấp đôi. Cả hai vợ chồng sang Mỹ một năm. Có lẽ vì không thích hợp với đời sống bên ấy, nó quay về một mình. Ông chồng Mỹ kia mỗi tháng gởi tiền qua, và nó đã mua được ngôi nhà này. Rước cả mẹ ở dưới quê lên ở, mua cả xe con và sống biệt lập với mọi người.
- Có nghĩa là cô ấy đã ly dị à?
- Em cũng không rõ. Nhưng cô ta không sử dụng tên của chồng. Đấy anh xem tấm biển ở trước cổng biệt thự kìa.
- Thế tại sao cô ấy lại sống biệt lập với mọi người.
- Em cũng không rõ. Nhưng trước khi lấy chồng thì nó sống một cách hết sức hồn nhiên. Khi từ Mỹ trở về, có đôi lần em gặp nó, con người hoàn toàn đổi khác. Nó lạnh lùng, nói năng một cách lịch sự, nhưng xa cách. Thái độ lại có vẻ rất chán chường.
Thiên Thạch nhìn vào ngôi nhà thật lâu, rồi nói:
- Lần sau có về Đài Bắc, em nên đến thăm cô ta. Có lẽ vì cô ấy mặc cảm, vì lấy Mỹ sợ người ta khinh rẻ nên nó mới tỏ ra ngăn cách với mọi người.
Rồi họ quay ra đường, về gần đến nhà Thạch hỏi:
- Em quyết định ngày mai sẽ quay về Đài Nam thật à?
- Vâng, để anh Định Á ở một mình lâu quá, anh ấy sẽ không vui. Mấy hôm trước em có nhận được thư, mặc dù không bị hối thúc, nhưng lại nghe anh ấy than khổ, nào là nhớ bé Dung Dung, nào là cô người làm nấu ăn không ngon... Thôi thì em phải quay về vậy. Bao giờ anh xuống thăm chúng em, cho biết trước nhé, để em sắp xếp.
- Anh cũng không nói trước được, vì anh cũng cần phải gặp giáo sư Khưu. Có lẽ nếu muốn xuống miền Nam thăm chúng em, anh sẽ cùng đi với Ức San, phải hỏi ý kiến của cha mẹ trước. Anh còn cần phải có thời gian để tìm hiểu Ức San. Vì mới có tiếp xúc mấy lần mà anh lại cảm thấy khoảng cách giữa anh và cô ấy khá lớn.
Thiên Mỹ yên lặng. Với Mỹ, Ức San là một cô gái tốt, nhưng có lẽ vì hoàn cảnh sống quá được nuông chiều, nên Ức San hơi hời hợt, không sâu lắng như Thạch mong mỏi. Mỹ thấy thích cái đôn hậu của cô ta nhưng từ khi Thạch trở về đây. Mỹ cũng nhận ra cái không tương xứng của hai người. Con người của Thạch bây giờ cần phải có một người vợ cương nghị, đảm đang, và còn phải lạc quan nữa. Thế còn Ức San? Ức San lại cần một người đàn ông biết chiều chuộng, mà điều này thì Thạch lại không có, vì vậy khi được Thạch hỏi, thì Mỹ chỉ có thể góp ý:
- Anh Thạch à, giữa người với người lúc nào lại không có khoảng cách. Anh và Ức San chỉ quen nhau qua những lá thư, thì đương nhiên khi đối diện làm sao có sự hòa hợp dễ dàng? Anh nên tìm dịp để gần gũi cô ấy nhiều hơn. À, chuyện anh định đi với Ức San xuống thăm chúng em là một phương thức lý tưởng đấy. Bao giờ khởi hành thì nhớ thông báo trước nhé.
Về đến nhà đã khá khuya, mạnh ai nấy về phòng riêng. Thiên Thạch ngủ đến trưa hôm sau mới dậy. Khi thức dậy thì Thiên Mỹ đã đi rồi, cô nàng còn để lại mảnh giấy trên bàn Thạch, mong ông anh thu xếp xuống với mình sớm hơn. Thạch xỏ chân vào dép đi một vòng trong nhà. Nhà vắng Thiên Mỹ và bé Dung Dung, cái không khí chợt khác hẳn. Nó trống vắng và Thạch có cái cảm giác lạc lõng.
Thạch vội mặc quần áo vào, nuốt vội mấy miếng bánh mì, hớp một chén cháo gà, rồi gọi điện thoại cho giáo sư Khưu. nhưng được trả lời là hôm nay giáo sư không có ở nhà. Thạch thất vọng, quay trở về phòng lục tìm địa chỉ của Trương Bình Thiên, Thiên ngụ ở thôn Trung Hòa. Thạch định đáp xe bus đến đấy để chứng tỏ với bạn là mình vẫn còn như thời đi học. Nhưng xa nhà đã mười mấy năm, Thạch quên mất, không biết muốn đến đấy phải đáp xe bus tuyến đường nào, trạm nằm ở đâu, hỏi cô Thúy thì cô Thúy cũng không biết, đành phải ngồi xe taxi vậy.
Cảnh trí ở thôn Trung Hòa hoàn toàn khác hẳn ngày cũ. Trước kia ở đây có rất nhiều cánh đồng hoang, nhờ dân thưa thớt, đường vào thôn lại chật hẹp. Vậy mà bây giờ lại có cả đại lộ. Phố buôn san sát với những quầy hàng rực rỡ. Ánh mặt trời rực lửa, vậy mà người qua lại vẫn tấp nập. Rồi xe cộ... chạy một cách không trật tự, xe con vượt qua lằn riêng dành cho xe bus. Tiếng kèn bóp một cách vô tội vạ, rồi tiếng chửi rủa. Thạch không nhịn được, vội bảo tài xế dừng lại:
- Cho tôi xuống ở đây đi, tôi đi tìm nhà cũng được.
Rời khỏi con lộ lớn. Những con hẻm vẫn hẹp như ngày cũ. Đường thì đầy bụi. Những đứa trẻ mình trần đùa giỡn. Trời nóng như thiêu đốt. Trên tay người lớn nào cũng có một cây quạt. Một ông lão ngồi trên ghế cây ngủ say, mặc cho tiếng ồn ào chói tai của lũ trẻ bên cạnh. Bất giác Thạch nhớ đến lời của một người bạn Mỹ khi nhận xét về người Hoa: "Dân tộc bạn là một dân tộc dễ thích ứng với hoàn cảnh nhất thế giới!"
Thạch đã tìm thấy số nhà của Trương Bình Thiên. Một ngôi nhà kiểu xưa, không có chuông cửa. Thạch gọi cổng. Một lúc, một cô gái đi guốc bước ra:
- Ông tìm ai?
- Có phải đây là nhà của ông Trương Bình Thiên không? Tôi muốn gặp ông ấy.
- Anh ấy đang ngủ. Anh tìm anh ấy có chuyện gì không?
- Tôi là bạn học của anh ấy lúc còn ở đại học.
Lúc đầu Thạch không định giới thiệu, nhưng để xem phản ứng của người đối diện có thay đổi không. Thạch tiếp:
- Tôi là Ái Thiên Thạch, bạn cũ của anh Trương Bình Thiên, tôi mới từ Mỹ trở về, đến thăm anh ấy.
Cái khuôn mặt có vẻ bực dọc ban nãy chợt thay đổi hẳn. Nụ cười hiện nhanh, rồi đôi cánh cửa được mở rộng ra:
- À, thì ra là ông Thạch, xin mời, xin mời. Anh Thiên nhà tôi cứ nhắc đến anh luôn, không biết là bao giờ anh về tới. Vào đi, vào nhà đi... Nhà thì hơi bẩn đấy. Anh thứ lỗi cho. Tôi sẽ vào trong gọi anh ấy dậy ngay... Nhà tôi làm việc ở tòa soạn báo đến tám giờ sáng nay mới về tới nhà... Đồng tiền kiếm được một cách khó khăn. Nhưng phải chịu. Nào, mời anh ngồi, mời anh ngồi! Hơi bẩn đấy, xin anh thông cảm.