Chỉ mục bài viết |
---|
Tình Ca Mùa Thu |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Trang 9 |
Trang 10 |
Trang 11 |
Trang 12 |
Trang 13 |
Trang 14 |
Trang 15 |
Trang 16 |
Tất cả các trang |
Chương 2
Ức San vẫn mặc áo màu xanh lá. Nhưng là chiếc áo khác với bộ đã mặc ở phi trường. Một chiếc áo hở cổ, viền trắng cộc tay, để lộ cả vết sẹo chủng ngừa hồi nhỏ. Bên dưới là chiếc mini jupe chật bó cao trân gối. Mái tóc ngắn và nơ bướm xanh. Ức San ngồi cạnh mà Thạch lại có cảm giác như có một khoảng cách lớn giữa hai người. Ngay từ cái tuổi tác, đã có khoảng cách. Cuộc sống vội vã, cô đơn ở Mỹ đã khiến Thạch héo mòn ngay từ lứa tuổi hai mươi. Thạch già đi trước tuổi như tờ giấy trải ra trên bàn. Chưa viết một chữ nào, đã vàng úa và như vậy khi đặt gần một mảnh giấy trắng thì đương nhiên đã có sự cách biệt.
Vừa mới ngồi xuống, bồi bàn đã mang khăn hấp nóng đến với mùi nước hoa thoang thoảng. Thạch chỉ chùi tay rồi gởi trả lại cho bồi. Chàng thấy gã bồi bàn như ngạc nhiên. Và chợt nhiên Thạch nhớ lại chuyện cũ. Có một lần mùa hè, Thạch đã phải xuống tận bờ biển phía nam của bang New Orleans tìm việc. Năm đó là năm thứ hai Thạch đến nước Mỹ, qua lời giới thiệu của một người bạn có vợ Mỹ, Thạch nhận được một chân hầu bàn ở nhà hàng. Lúc đầu Thạch đã nghĩ đây là một công việc dễ dàng. Ngày đầu đến nhận việc vì quá ỷ lại, Thạch đã quên bẵng lời dặn của anh trưởng ban tiếp tân, kết quả là tối hôm ấy, khi nhà hàng mở cửa. Thạch không nhớ được là mình sẽ quản lý bao nhiêu bàn. Khi đã nhớ ra, thì gọi thức ăn lại lộn số bàn, kết quả ở bàn khách Ái Nhĩ Lan, Thạch lại đưa toàn món gà rán, khách phải khua nĩa vào dĩa, trưởng ban tiếp tân phải chạy đến xin lỗi. Hôm ấy Thạch bị gọi ra sau dũa cho một trận, nhưng đau nhất là phải nghe thêm một câu:
- Đừng có mang cái mác sinh viên của cậu ra lòe, ở đây, cậu nên nhớ cậu chỉ là một thằng bồi bàn, hiểu chưa? Nếu thấy xấu hổ thì ngày mai đừng đến nữa, hãy nghỉ việc đi.
Hôm ấy, Thạch không bị ai đánh mà thấy đôi má rát bỏng. Nếu là đang ở trường đại học, thì có lẽ Thạch đã xông đến túm lấy áo người trước mặt. Có đánh lại hay không cũng mặc, Thạch cũng sẽ vung quả đấm ra rồi đến đâu thì đến. Nhưng Thạch chỉ đứng sững người, đánh ực nước bọt nhẫn nhục. Lần đầu tiên mới thấm thía được câu "Giận run mà chẳng biết phải làm sao". Nỗi đau mơn man trong lòng. Không những chẳng dám phản kháng mà còn phải xin lỗi. Bưng mân thức ăn ra cho khách, đứng hầu ở đấy. Khách ngấu nghiến ăn còn Thạch lại nuốt nước bọt. Không phải vì đói mà bởi vì nước mắt cứ chảy xuống cổ. Làm việc ở nhà hàng hơn ba tháng hè, Thạch đã kiếm được hơn một ngàn năm trăm đô và đã trở thành một người hầu bàn thạo việc, không những không còn mang nhầm thức ăn cho khách, mà còn có thể cùng lúc mang ra bẩy, tám dĩa thức ăn. Không những chỉ biết bưng mâm. Thạch còn có thể xuống bếp xào nấu một vài món.
Ít ra cũng tương đương với một bếp phụ, nhưng mà... Kiếm được tiền đấy, học được thêm một cái nghề đấy. Thạch lại thấy mình như mất mát đi những thứ khác. Đó là sự hồn nhiên và những mộng tưởng ngây thơ, một nỗi khổ đau lớn. Thạch thấy mọi thứ trở thành vô nghĩa. Có tiền mua sắm gì cũng được, nhưng còn cái mất đi thì vĩnh viễn không bao giờ tìm thấy.
Thạch đang nghĩ vẩn vơ thì nghe tiếng cha gọi:
- Thiên Thạch, con làm sao đấy? Tại sao bác Trần hỏi con uống gì, mà con lại không trả lời?
Thiên Thạch bối rối:
- Dạ... Con không biết uống rượu.
- Làm gì có chuyện kỳ lạ vậy? Sống ở Mỹ hơn mười năm mà lại không biết uống rượu? Ông Trần hỏi.
- Cứ tự nhiên, ở đây Martini, Whisky gì cũng có, còn muốn món quốc hồn quốc túy thì có rượu cao lương. Cậu có định thử không?
Bà Trần cũng phụ họa:
- Mới đi đường xa về mệt mỏi, cũng nên uống một chút rượu.
Thiên Thạch không biết làm sao hơn, nên gật đầu. Bồi bàn mang rượu và ly ra, chỉ có Ức San là dùng nước ngọt. Ông Trần nâng cao ly lên, mọi người làm theo, ông nói:
- Bữa tiệc hôm nay trước nhất là để mừng cậu Thạch về nước. Thứ hai là để mừng cậu đã thành tài. Thứ ba là để mừng gia đình đoàn tụ và thứ tư... À, mong là mọi thứ đều thuận lợi cả.
Rồi mọi người uống, Thạch cũng uống. Cái vị đắng và say của rượu làm nóng cả cổ họng, Thạch chợt nhớ đến lần đầu tiên mình uống rượu. Lúc đó vừa mới trình xong luận án tiến sĩ, còn đang chờ kết quả Thạch đã đứng bên giảng đường. Mặc dù biết những câu vấn đáp trả lời suông sẻ, nhưng Thạch vẫn thấy hồi hộp. Không biết bao năm miệt mài ở cái đất Mỹ này, mình có thành công hay không? Thời gian trôi qua thật chậm để rồi sau đấy, vị giáo sư chủ nhiệm mới bước ra, siết chặt tay Thạch với lời: "Xin chúc mừng, chúc mừng tiến sĩ Thạch!" thì Thạch mới thấy bao nhiêu sự đè nén, sỉ nhục, đau khổ, khó khăn suốt sáu, bẩy năm qua chợt như tuôn trào, nó làm nghẹn cả cổ họng chàng. Cái danh xưng "Tiến sĩ" chợt trở nên vô nghĩa. Thạch mở to đôi mắt, những hình ảnh của dĩ vãng như lần lượt hiện ra. Những ngày phơi đầu trong cái nắng chói chang để hái quả trong vườn cam. Những buổi chiều đợi cho khu cư xá thật vắng, mới vào cầu xí của nữ sinh viên để lau chùi. Rồi còn những tháng ngày bên bờ biển, hầu bàn trong quán ăn... để đạt đến cái danh xưng tiến sĩ. Thạch đã phải bỏ biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt? Giáo sư chủ nhiệm đề tài của chàng vẫn siết chặt tay người học trò với nụ cười. Thạch cầm mảnh bằng trên tay mà ngẩn ra. Mục đích đi nước ngoài du học đã đạt được. Nhưng có vui không? Thạch bàng hoàng nhìn quanh, chỉ cảm thấy một nỗi buồn man mác. Giáo sư chủ nhiệm rất quý chàng. Người cho biết tối hôm ấy sẽ mở một tiệc rượu nhỏ, tại nhà riêng để mừng cậu học trò, và hôm ấy Thạch đã mặc bộ âu phục màu xanh thẫm duy nhất cúa mình, đến dự. Trước khi đến nhà giáo sư chủ nhiệm, Thạch mạnh dạn ghé qua quán "Fanny". Cái quán này Thạch không bao giờ dám ghé vì nó xa xỉ quá! Thạch đứng ngoài chần chờ một chút rồi mới bước vào. Trưởng ban tiếp tân của quán đã liếc nhanh như để đánh giá, rồi mới hướng dẫn Thạch đến một cái bàn nhỏ trong góc. Bàn được trải khăn trắng. Một cái đèn sáp gắn trên chân đèn chạm trổ hoa văn đặt giữa bàn, Thạch đã nhìn ngọn nến rồi chợt nhớ đến một câu thơ cổ cúa Trung quốc "Lệ tuôn trong lòng" mà ngẩn ngơ. Hầu bàn đến đang cúi người cung kính hỏi Thạch dùng chi. Thạch nhìn lên chợt như đã trông thấy một phần thân của mình, nỗi xót xa lại dâng trào trong lòng. Thạch nghẹn lời gọi món beefsteak cố nuốt nhanh, rồi mới lái xe đến nhà giáo sư chủ nhiệm.
Thạch là người đến đầu tiên. Trước kia Thạch cũng đã từng đến đây, nhưng lần này không khí như khác hẳn, không phải chỉ vì giáo sư đã chủ động bắt tay chàng, cũng không phải vì nụ cười của bà giáo sư mà cái thay đổi đó hình như ở chính chàng. Thạch không còn được cái tự nhiên. Thạch cảm thấy như bị choáng váng. Hôm ấy, lần đầu tiên Thạch uống rượu whisky với nước đá cục. Thạch vẫn còn nhớ mọi người đã nâng ly mừng chàng và Thạch cũng đã nâng ly mời cho chính mình.
Cuối cùng không hiểu bằng cách nào đó, Thạch cũng đã về được tới nhà và khi tỉnh lại thì có cái gì đó cồn cào trong ruột gan và rồi, Thạch trút hết tất cả những gì đã ăn đã uống ra ngoài. Dưới ánh trăng, mỗi cô đơn lại tràn ngập. Thạch đã khóc nhưng không hiểu tại sao mình lại khóc. Chỉ cảm thấy cần phải khóc để cho bao nhiêu nỗi ấm ức trong lòng được tuôn trào. Lúc nhỏ, Thạch đã từng nổi tiếng là một tay ngang ngược, cứng đầu cứng cổ. Có bị ức hiếp cách mấy cũng cắn chặt răng, không để cho một giọt nước mắt chảy ra, vậy mà chỉ mấy năm ở Mỹ cặm cụi làm việc, học hành. Thành quả đã đạt được nhưng chẳng hiểu tại sao bản tính lại thay đổi, trở nên nhạy cảm và yếu đuối thế! Ngay cả cái chuyện đúng ra phải vui, vậy mà Thạch cũng cảm thấy buồn.
- Thiên Thạch, con đứng lên mời rượu vợ chồng bác Trần đi chứ! Lời cúa cha như nhắc nhớ, và Thạch giật mình quay lại với thực tại. - Thiên Thạch, con có biết là những năm con xa nhà, cha mẹ đã được bác Trần đây giúp đỡ rất nhiều.
Thạch đứng dậy, nâng cao ly rượu trong khi vợ chồng ông Trần giữ lễ cũng đứng theo, nói:
- Bác Ái, sao khách sáo vậy? thôi chúng ta cạn ly nào, Thiên Thạch dù gì cũng là người nhà. Mọi thứ nên tự nhiên. Nào, cạn ly.
Sau món thịt nguội là những thức ăn nóng. Bà Trần cứ gắp thức ăn bỏ vào chén cho Thiên Thạch.
- Ăn đi nào! tự nhiên nhé, tôi biết cái thời gian ở Mỹ, sinh viên người nào cũng tiện tặn, chịu cực chịu khổ. Cậu Thạch có biết không, mẹ cậu mỗi lần đi dự tiệc, cứ nhắc mãi đến cậu. Hôm nay cậu phải ăn cho thật nhiều mới phải đấy!
Va quay sang Ức San, bà nói:
- Ức San, con hãy gắp thức ăn cho cậu Thạch đi.
Thiên Thạch không đợi Ức San, chàng vội gắp một đũa thịt đặt vào đĩa Ức San, rồi cười. Ức San nói:
- Anh ăn đi, một mình em gắp lấy được rồi.
Hôm ấy, ông Trần đã đãi tất cả mấy món Thạch cũng không nhớ rõ. Chỉ biết là cứ đĩa này nối tiếp đĩ khác. Thạch ăn chưa kịp, thì bồi bàn đã dọn ra đĩa khác. Thạch chỉ nhớ ông Trần ngồi gần đấy nói:
- Cậu Thạch, ăn mạnh lên nào. Món gà tiềm này. Món vi cá xào hoa quế này... mấy người sống ở Mỹ làm gì có vi cá mà ăn?... Còn đây này, vịt ướp hương. Nào Thiên Thạch, ăn đi chớ?... Đưa đĩa qua cho tôi... À, món lòng heo xào dưa này... À,... uống thêm một tí rượu đi... có gì mà sợ... Có say... thì cũng say tại quê nhà cơ mà...
Rượu cao lương nồng và gắt, nó như đốt cháy cả cuống họng Thạch. Thức ăn đã căng cứng bụng. Bên tai toàn những tình cảm trìu mến của người thân... Rồi ánh mắt tha thiết của Ức San khiến cho bao nhiêu băng giá trên người Thạch như tan rã. Thạch ngã người ra sau tựa ghế, lâng lâng để niềm vui thấm tận từng tế bào. Nhìn những đĩa thức ăn thừa thãi trên bàn, chai rượu đã vơi quá nửa, món dưa hấu tráng miệng đang dọn lên, chiếc khăn lau mặt thơm phức, Thạch lại đưa mắt nhìn cha mẹ, ông bà Trần, Ức San. Cái không khí đầm ấm tràn ngập đầy gian phòng, chàng bỗng có một thèm muốn kỳ lạ, muốn hét to lên, muốn cười, muốn khóc, muốn ôm chầm lấy tất cả mọi người. Nhưng rồi Thạch không thể làm được gì cả. Đã qua rồi cái thời kỳ bồng bột, đây cũng không phải là nước Mỹ cuồng nhiệt, mặc dù rất hạnh phúc nhưng Thạch vẫn ngồi yên.
Sau khi dùng cơm xong, mọi người kéo nhau ra phố. Đến khu náo nhiệt nhất của thành phố Đài Bắc. Xa quê hương đã mười năm, Thạch thấy mọi thứ bỗng trở nên xa lạ. Cái quán cóc nhỏ ngày xưa nằm cạnh tuyến đường sắt mà Thạch ưa thích bây giờ đã biến mất. Cha Thạch đã chỉ cho chàng xem những cửa hàng tiếp thị khang trang rộng rãi, cái cửa hàng mà ngày xưa Thạch từng thèm rỏ dãi được đi vào, ở cách rạp hát Quốc Tế một căn hiện cũng không còn, thay vào đấy là một cửa hàng vải đồ sộ với anh đèn sáng trưng. Thạch còn nhớ đến cái quán kem nho nhỏ đối diện với rạp hát, nơi chàng thường đến uống nước chanh muối, cũng không còn. Thạch đi giữa cha mẹ và đám người thân, tưởng chừng như đang đến một thế giới xa lạ không có trong ký ức. Thành phố đã bị Tây phương hóa nhiều quá! Người bát phố cũng vậy, không còn vải thô, áo lụa như xưa, mà phần lớn đầu vận âu phụic. Thạch đi trên đường mà lòng đầy cảm xúc, chàng muốn vớ ngay lấy một người nào đó đi qua, để kể cho họ biết những đắng cay nhục nhằn mà mười năm ở Mỹ chàng đã có, cũng như để sung sướng bày tỏ nỗi niềm khát khao khi được trở về với quê nhà. Nhưng mọi người hình như rất vội vã, họ cắm cúi đi và không thèm nhìn đến bất cứ một ai khác. Thạch chợt thấy thất vọng.
- Có muốn vào quán uống một chút cà phê không?
Ông Trần đi bên cạnh chàng chợt hỏi, mẹ của Thạch vội đỡ lời cho con:
- Anh đừng có khách sáo như vậy, Thạch nó như con cháu trong nhà. Hôm nay vừa về đến, nó có vẻ mệt mỏi, để hôm nào nhờ Ức San đưa nó đi ngắm lại phố phường. Còn hôm nay, xin phép cho cháu nó về nghỉ ngơi.
Cha của Thạch nói:
- Như vậy, sẵn mời anh chị ghé qua nhà chúng tôi luôn?
Nhưng cha của Ức San đã lắc đầu:
- Tôi thấy thì, hôm nay bấy nhiêu đây đủ rồi, mạnh ai về nhà nấy đi. Còn những tiết mục khác thì ngày mai chúng ta sẽ sắp xếp vậy.
Sau khi tiễn vợ chồng ông Trần và Ức San lên xe taxi. Thạch với cha mẹ cũng lên xe về nhà, bấy giờ Thạch mới thấy mệt mỏi. Khi xe chạy ngang qua quảng trường Tổng Thống, Thạch mới bắt lại được cái không khí quen thuộc ngày xưa. Lúc đó Thạch còn nhỏ, chàng thường cỡi xe đạp, không phải cỡi một cách bình thường như mọi người, mà kéo yên xe lên thật cao, rồi chỉ lái bằng một tay còn tay kia thì thọc vào túi quần, vừa cỡi vừa huýt sáo, cái bản nhạc quen thuộc mà mãi đến bây giờ Thạch vẫn chưa quên. Bản "Cùng uống trà" không phải chỉ có một mình Thạch mà còn một thằng bạn tên là Trương Bình Thiên nữa, hai đứa cứ long nhong trên xe đạp. Đã phóng xe nhanh, thỉnh thoảng lại biểu diễn buông cả hai tay để xe tự lái. Đôi lúc thấy một nữ sinh trang lứa nào đấy trờ tới, là Thạch và Thiên cũng bắt chước như người lớn đưa tay lên huýt sáo, lúc lại đuổi theo. Rồi những màn lạng lách, khiến các cô phải hét toáng lên vì sợ bị đụng, kế tiếp sẽ nghe tiếng chửi, đòi kêu cảnh sát. Con đường Nhân Ái vừa dài lại vừa bằng phẳng, với hai hàng cây cao trồng ở hai bên đường. Con đường vắng lặng êm ả mà có lần trong cái bóng tối dịu dàng của đêm, Thạch đã đi theo tán tỉnh Trương My Lập, cái tình yêu sao mà kỳ diệu. Con đường vẫn như ngày xưa mà Thạch bây giờ không còn như ngày trước. Tuổi trẻ đã qua mất, sắp sửa bước vào cái tuổi trung niên với quả tim đầy vết thương, hôm nay đi qua con đường cũ, kỷ niệm ngủ yên chợt thức dậy, có cái gì đó lay lay trong đầu! Tuổi trẻ của tôi đâu?
Thạch chợt nghe mẹ hỏi:
- Con làm sao vậy Thạch? Con có thấy khó chịu không?
Thạch ngã lưng ra sau, yếu ớt nói:
- Dạ... Không có chi. Con chỉ hơi mệt thôi.