Chỉ mục bài viết |
---|
Tình Ca Mùa Thu |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Trang 9 |
Trang 10 |
Trang 11 |
Trang 12 |
Trang 13 |
Trang 14 |
Trang 15 |
Trang 16 |
Tất cả các trang |
Chương 8
Sau khi uống xong ly nước chanh muối, cả hai men theo đại lộ, đến khu vực giải trí. Mặt trời sắp xuống núi, mà màn đêm lại chưa đến, nên ráng chiều phủ ngập không gian. Cái nóng vẫn còn đấy. Mùi mồ hôi và tiếng nhạc dậm dật, tiếng kèn xe inh ỏi, tiếng máy nổ, tiếng người nói cười, khiến cho không khí căng thẳng muốn ngộp thở. Thạch vừa đi vừa né tránh, Ức San đi bên cạnh, thấy vậy cười nói:
- Anh làm gì mà mệt như vậy?
- Chưa bao giờ tiếng ồn lại khủng khiếp như thế này - Rồi nhìn thấy đôi mày của Ức San chau lại - Thạch giải thích - Ở bên Mỹ, bất cứ thành phố nào cũng ngập đầy xe, nhưng người ta đâu có sử dụng kèn một cách tự tiện và bừa bãi như vậy. Người ta chỉ sử dụng nó trong những trường hợp như để gọi xe trước báo cho biết là quên mở đèn, hoặc cửa đóng không kín, hay xe bị xì bánh v.v... Còn người đi bộ thì đương nhiên cũng có, như ở New York, Chicago, trong những giờ cao điểm lúc tan sở, mà họ đi thì rất có trật tự chứ nào có chen lấn như ở đây đâu.
- Cái đó thì cũng không trách được, nhất là trong những tháng nóng. Ở đây ai cũng đổ xô ra đường để tìm một làn gió mát. Chỉ có cách đi ra phố như thế này là đổi gió kinh tế nhất.
- Trong khi ở Mỹ thì ngược lại. Ở bất cứ một thành phố lớn hay nhỏ, mỗi khi trời sụp tối, trừ những khu vui chơi, cờ bạc, còn ở những nơi khác ai cũng rút về nhà, chín, mười giờ tốt đường phố đã vắng tanh. Trên đường phố thấy xe nhiều hơn thấy người.
- Hèn gì có người nói nước Mỹ là một chỗ khá nhạt nhẽo.
Thiên Thạch quay qua, cảm thấy nhận xét của Ức San hơi khác lạ. Nhưng chàng chưa kịp nói gì thì Ức San đã đẩy Thạch về phía cái quán cóc bên đường.
- Vào đây này, ở đây có món hoành thánh ngon lắm.
- Ồ! Hoành thánh à. Anh rất nhớ nó, đã thèm mấy năm nay. Còn nhớ trước kia khi còn đi học trong nước. Buổi tối sau khi đi xem phim xong, anh thường ra khu phố gần công viên ăn tối. Lúc nào có tiền thì ăn hoành thánh. Bằng không thì ăn xôi. Ở Mỹ, em biết không, hoành thánh không giống như ở đây. Có một lần khi đến New York dự hội nghị, anh kéo mấy người bạn Mỹ vào nhà hàng ăn hoành thánh, chỉ có anh là ăn được, còn mấy người bạn Mỹ kia chẳng ai biết ăn.
- Sao kỳ vậy?
Ngay lúc đó, bồi bàn đến, Thạch gọi hai tô hoành thánh thêm hai tô mì thập cẩm, rồi xoa tay vào nhau nói:
- Đối với người Mỹ, họ chỉ thích ăn những thứ như thịt, cải xào hoặc beefsteak, tôm nướng mà thôi.
- Anh có vẻ không ưa dân Mỹ?
Thạch nhìn San không biết phải trả lời sao. Những người trẻ tuổi họ đáng yêu, vì sự suy nghĩ của họ đơn giản, nhưng nhiều lúc họ lại hỏi những câu hỏi hết sức tầm thường gần như là ngu xuẩn. Tại sao lại không ưa người Mỹ? Làm gì có chuyện đó, nước Mỹ đã mang đến bao nhiêu thứ mà ta có hiện nay, thì tại sao ta lại ghét dân của họ.
Ức San nhìn Thạch, ngạc nhiên không hiểu nỗi đắng cay của Thạch mà chỉ nhìn thấy Thạch khó chịu.
Tô hoành thánh nóng hổi. Không có gì để nghĩ ngợi. Thạch cúi xuống ăn ngấu nghiến, đến lúc ngẩng lên thấy San vẫn chưa ăn. Chàng ngạc nhiên, nhưng San đã đẩy tô còn lại cho chàng, còn San chỉ ăn mì, Thạch không khách sáo ăn tiếp, xong hết mới đến tô mì, Ức San cười nói:
- Không ngờ anh lại ăn mạnh thế? Chứ thường khi thấy anh ăn rất ít cơ mà.
- Bởi vì lúc đó mình có tâm đâu mà ăn, mà thưởng thức? Bữa nay thì lại khác. Được ngồi trong quán cóc này, ăn thức ăn mà mình thích lại được riêng rẽ bên em. Không có bữa nào anh lại vui như hôm nay.
Ức San im lặng, khuôn mặt nàng được soi tỏ dưới anh đèn. Thạch thấy San cười có vẻ vui. Chàng đưa tay qua nắm lấy tay nàng nói:
- Em hôm nay vui chứ?
- Vâng, em thấy anh mất đi vẻ căng thẳng mấy hôm trước. Anh cũng vui và thân thiện hơn.
- Anh thì thấy em vừa quen thuộc vừa như xa lạ, đọc thư của em gửi sang, anh nghĩ em già dặn hơn nhiều.
- Em biết là anh không thích em thế này phải không?
Thiên Thạch định cười nhưng lại thấy chỉ cười không diễn đạt được điều gì nên vỗ nhẹ lên tay Ức San nói:
- Đừng nghĩ như vậy. Tại chúng ta chưa có dịp cảm thông nhau. Thôi chúng mình đi đi, kiếm chỗ nào đi dạo một chút.
- Ở gần bên ga xe lửa có một quán cà phê mới mở, khung cảnh cũng khá trữ tình. Chúng ta đến đấy nhé? Hay là anh thích đi xem phim hơn?
- Phim thì cũng chẳng có gì hay. Đúng rồi, trước kia anh thường hay đến cái quán cà phê ở gần đài kỷ niệm Trung Sơn. Hình như nó có tên là "Gió sớm" thì phải. Đến đấy đi, anh rất thích khung cảnh ở đấy.
Ức San có vẻ nghĩ ngợi:
- Sao em không biết vậy? Nhưng mà chúng ta cứ đến đấy thử xem sao!
Quán cà phê "Gió sớm" đã không còn tồn tại, thay vào đấy là một cái bar đèn xanh đèn đỏ. Thạch đứng ở đầu đường nhìn San, như muốn tìm kiếm những kỷ niệm ngày cũ. Ngày trước, nơi đây ở một cái bàn kê sát cửa sổ ở lầu hai, bên cạnh một chậu hoa kiểng. Thạch đã từng ngồi đấy với một ly đá chanh, để chờ đợi một người - My Lập. Đã bao nhiêu buổi chiều chủ nhật, bao nhiêu cái buổi tối thứ bẩy, Thạch thích nhất là cái bản nhạc êm dịu của Tchaikovsky bản Pathetique. Nhiều lúc chỉ ngồi đối diện nhau lắng nghe nhạc, nhiều lúc lại đến với nhiều bạn bè khác, những buổi tán gẫu, những lúc tâm tình. Bây giờ lại thật xa vời như nằm trong hai chữ "Ngày xưa...". Bỗng dưng mọi thứ trở thành tiếc nuối. Thạch quay lại nắm tay San:
- Thôi, ta đi nào, thật anh không ngờ có một ngày nó lại biến mất.
- Em ở đây đã lâu, mà có bao giờ nghe nói đến cái quán cà phê đó đâu? Ở đây chúng em thường đến quán cà phê như "Điền Viên", "Rồng Xanh" hoặc "Khải Lợi"...
- Em nói như anh và em ở hai cái thế hệ khác nhau đấy!
- Làm gì có chuyện đó. Thật ra thì anh đâu có lớn hơn em bao nhiêu!
Ức San trề môi làm một cử chỉ trẻ con thật đáng yêu. Thạch nói:
- Ở đây không phải là vấn đề tuổi tác mà là vấn đề khác.
- Thật kỳ, lúc nào em cũng nghe anh những lời của cụ đồ xưa. Anh làm như là mình đã sống qua bao nhiêu cuộc bể dâu vậy. Kỳ thật, đúng ra người như anh vậy phải sung sướng thỏa mãn, vì anh có và hưởng đủ mọi thứ. Anh hơn hẳn những người khác, đám bạn bè của em chẳng ai được như anh.
- Tại em đặt mình ở vi trí đánh giá con người bằng giá trị vật chất. Ồ, nhắc đến bạn bè, để hôm nào anh phải đi tìm gặp ông bạn Trương Bình Thiên của anh mới được. Anh đã viết thơ báo cho hắn biết là anh sẽ về. Nhưng không cho hắn biết thời gian cụ thể, vì anh ngại hắn mất công đi đón anh. Ngoài ra còn những người khác như giáo sư "Khưu" nữa. Đó là người thầy anh rất kính trọng.
Và để sử dụng hết thời gian còn lại, San đã đưa Thạch đến một quán cà phê máy lạnh khác. Ở đấy, bao nhiêu cái nóng bức đều được bỏ hết lại ngoài cửa. Không khí trong phòng mát dịu, chỉ tiếc một điều là tối quá. Ở mỗi một cái bàn, chỉ có một ngọn đèn nhỏ như ánh sao. Có những chậu hoa ngăn cách giữa hai bàn. Lời hát trữ tình của cô ca sĩ thoảng nhẹ từ sân khấu. Ức San đưa Thạch lên lầu, cách bày trí trên lầu cũng giống như ở dưới đất, nhưng bóng tối lại nhiều hơn. Ức San gọi một ly đu đủ, còn Thạch thì một tách cà phê. Khách khá đông, nhìn kỹ lắm, Thạch mới thấy mỗi chiếc bàn ngồi hai người, nhiều lúc lại quyện với nhau thành một. Bàn nào cũng vậy. Thạch chợt phân vân. Khôing biết ngày xưa Thạch với My Lập khi đến quán có giống như vậy không? Nhưng chắc hẳn là không. Không những trong quán cà phê mà cả trong khuôn viên nhà trường lúc vắng vẻ, hay trong sở thú. Thạch đã từng hẹn hò với My Lập ở những nơi vắng người, nhưng My Lập là một cô gái bảo thủ, rất giữ kẽ, chứ đâu bao giờ để cho chàng có hành động vượt quá cái khuôn phép xã hội lúc bấy giờ đâu?
- Lúc còn ở Mỹ, anh có thường ngồi quán cà phê không?
- Ở Mỹ, thì làm gì có những quán cà phê như thế này? Tiệm cà phê là ra cà phê. Còn chỉ có quán rượu mới có gái. Ở đấy thì lại có gái chuyên nghiệp, chứ không mập mờ như ở quê nhà...
- Vậy thì...
- Ý em muốn hỏi là mỗi lần muốn đưa người tình đi tâm sự, thì đi đâu phải không? Thì lên xe, đó là lý do tại sao ở Mỹ không có quán cà phê như thế này. Có mở cũng sẽ ế. Người Mỹ họ thường nói chuyện tình yêu trên xe. Lúc còn học ở đại học Boston, cái phòng anh ở chỉ là một căn hầm. Đằng sau nó là một bãi đậu xe, mỗi tuần vào ngày thứ bẩy, những cặp tình nhân họ hẹn gặp nhau ở đấy. Họ đậu xe vào bãi rồi tắt đèn. Mấy người bạn Á đông của anh, lúc đầu còn tò mò, họ mượn phòng anh để nhìn ra cửa sổ, xem phim miễn phí, nhưng lâu dần bọn anh bị phát hiện và suýt tí nữa đã bị đánh - Thạch liếc nhanh quanh phòng rồi tiếp - Không ngờ ở trên đất nước mình lại chỉ cần bỏ ra mười đồng bạc là có thể xem hát một cách tự nhiên như thế này.
Ức San nhìn theo, rồi lặng lẽ cúi xuống uống nước. Thạch lại nói:
- Có nhiều sự việc người Trung quốc ta lại bị Tây phương hóa một cách nhanh khủng khiếp.
Ức San nói:
- Em thì không nghĩ chuyện tình yêu lại liên hệ gì đến Tây phương. Chẳng qua vì ta không có nhiều xe con, nên phải tìm một địa điểm nào đấy để nói chuyện đấy thôi.
Thạch có vẻ không vui, hỏi:
- Hẳn em thường đến đây lắm hở?
San không dấu diếm:
- Cũng thỉnh thoảng.
Thạch định hỏi, San đã đi với ai? Nhưng lại thấy không tiện, nên nói:
- Bình thường thì em tiêu khiển bằng cách nào? Sao không hề nghe em đề cập đến trong thư?
- Cũng chẳng có gì! Uống cà phê! Khiêu vũ... Hôm nào trời tốt thì cùng bạn bè đi picnic. Bây giờ có rất nhiều chỗ để đi chơi. Chẳng hạn như Chỉ Nam Cung này, hồ Bích Đầm, thác Ô Lai, núi Dương Minh... Nếu anh muốn, hôm nào em sẽ đưa anh đi. Ở Mỹ chắc anh cũng đi nhiều chỗ lắm chứ?
- Cùng chẳng đi đâu. Bởi vì ở bên Mỹ, ngoài cái miền Nam ra miền Bắc cũng không có gì đặc sắc, đi đâu cũng gặp những cảnh sắc giống nhau. Trạm xăng rồi trạm hotdog, trạm paté chaud, trạm kem... Ở New York, ở Chicago thì có thêm nhà chọc trời, xe điện ngầm, ngoài ra thì cũng không có gì khác biệt với những nơi khác. Mọi thứ đều được thương nghiệp hóa, kỹ nghệ hóa, những di tích lịch sử của Mỹ, cũng chỉ trên dưới một thế kỷ, so với cái lịch sử của Trung quốc ta thì nào có thấm thía gì. Chưa kể các khoa học kỹ thuật nhiều lúc còn làm ảnh hưởng đến cái đẹp tự nhiên. Chẳng có gì so sánh nổi với ta cả.
Ức San nghịch nghịch bao thuốc rỗng của Thạch để trên bàn nói:
- Vậy mà anh Đổng Chí Viễn mỗi lần nhắc đến nước Mỹ, đều ca ngợi hết mình, nào là xa lộ thẳng tắp, phương tiện giao thông rộng rãi, chỗ vui chơi cũng nhiều, người Mỹ lại nhiệt tình, cái gì cũng được điện khí hóa, muốn ăn gì mặc gì cũng đều có cả, thật là một thiên đàng khác hẳn với những gì anh nói, không lẽ có hai nước Mỹ? Em biết tin ai bây giờ?
- Vậy thì anh hỏi em thế này nhé? Nếu thật sự nước Mỹ giống như những điều anh nói thì em có còn muốn sang đấy nữa không?
Ức San suy nghĩ một chút rồi nói:
- Em vẫn muốn đi.
- Tại sao?
Ức San cúi thấp đầu, rồi nói:
- Vì anh.
Thạch như gặp một bất ngờ, ngẩn ra. Chàng hớp một ngụm cà phê rồi đốt thêm điếu thuốc, mới nói:
- Ví dụ như bây giờ anh quyết định ở lại, thì em có ở lại với anh không? Hay là vẫn định đi Mỹ?
Giờ đến phiên Ức San bất ngờ. Nàng lúng túng rồi nói:
- Em biết là chẳng bao giờ có chuyện đó. Vì ở bên ấy anh có công ăn việc làm đàng hoàng. Cha mẹ anh cũng không muốn anh ở lại. Vả lại anh cũng đã từng nói: Là nơi này hình như không còn thuộc về anh.
- Nhưng ở lại đây thì ít ra anh cũng còn cảm thấy mình sống ở trong lòng dân tộc mình. Mình được phục vụ cho đất nước. Ngoài ra với cái bằng cấp mà anh có. Chắc chắn anh phải có một sự ưu đãi về vật chất nào đấy. Anh cũng có địa vị, có thể ăn được món mình thích ăn. Vả lại bây giờ, cha mẹ anh cũng đã già, anh muốn sống bên cạnh người một thời gian, để săn sóc và hưởng những ngày tháng êm đềm còn cha mẹ. Còn chuyện sự nghiệp bên ấy, đương nhiên cũng có nhưng nó cũng không đến độ tuyệt đỉnh quang vinh như mọi người ở đây nghĩ. Anh có thể bỏ mà không tiếc nuối.
- Anh chỉ nói cho vui vậy thôi, phải không? Chứ ai đâu chịu bỏ những cái mình đang có.
Thạch chăm chú nhìn San, rồi nói:
- Em chưa trả lời câu hỏi của anh cơ mà.
- Dĩ nhiên là em rất nuốn được cùng anh sang Mỹ, nhưng nếu anh đã quyết định không đi thì em cũng chịu thôi.
Thạch cười, dụi tắt điếu thuốc rồi cầm tay San lên nói:
- Em nói thế là thế nào? Em không còn cách nào đi, hay là em bỏ ý định đi? Đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau đó nhé!
San cũng cười:
- Em chịu thua. Em nói không lại anh, nhưng em biết rồi anh sẽ quay lại Mỹ.
Thiên Thạch bây giờ đã hiểu được phần nào ý của San. Chàng không muốn để cho San ở thế khó xử. Thư từ liên lạc đã bốn năm. Nhưng Thạch vẫn chưa hiểu được cái nếp sống và sở thích của San, Thạch đã ngạc nhiên vô cùng, khi thấy San không những sành sỏi về loại âm nhạc kích động của Mỹ, ca sĩ nào nổi tiếng, minh tinh nào có xì căng đan. San đều có thể trình bày một cách trôi chảy như chuyện riêng tư của chính mình. Thời còn đi học, Thạch đã từng say mê phim ảnh, nhưng đâu có đến độ cuồng nhiệt như vậy đâu? Thạch cũng đã được San hỏi Hollywoods như thế nào? Chàng bảo đó chỉ là một thành phố nhỏ dơ và không yên ổn. Rõ ràng là chàng đã từng sống suốt cả một mùa đông ở Los Angeles làm sao lại không biết chuyện đó.
- Vậy mà em có một người bạn, anh ruột của anh ta làm việc ở một căn cứ quân sự Mỹ tại nước ta. Một lần xếp của anh ấy về Mỹ nghỉ phép. Anh ta đưa chúng em vào nhà của ông xếp đó chơi. Phòng khách thật tuyệt vời sang trọng một cách không ngờ. Toàn bộ vật dụng, trang trí đều mang từ Mỹ qua. Trên tường là ảnh của các tài tử Mỹ. Có một bức là Shinley Temple đứng trước một rạp hát ở Hollywoods. Anh ta còn bảo là cái mặt tiền của rạp hát đó đầy các dấu tay và chữ ký của các minh tinh nổi tiếng ở Mỹ. Chuyện đó có thật không?
- À.
Thạch chỉ à một tiếng, rồi nhìn vào đồng hồ rồi nói:
- Hơn mười một giờ khuya rồi. Ta về đi kẻo tối. Chúng ta sẽ đi bằng xe bus nhé?
Thạch đề nghị, có lẽ chàng muốn tìm về với những kỷ niệm xa xưa.
Họ cùng đi ra trạm xe. Ở đấy đã có sẵn mấy khuôn mặt mệt mỏi. Đêm khá khuya nên không khí có vẻ ẩm, ngột ngạt. Chợt có tiếng còi xe lửa. Nhà ga xe lửa ở gần đấy, dường như có chiếc tàu mới dừng chân. Con đường náo động hẳn lên. Mấy tay xích lô, rồi taxi đổ dồn đến phía đó kiếm khách. Một lúc sau, những người ít tiền mang hành lý khệ nệ đến bến xe bus. Xe tới, Thạch và San lên xe, những người tới sau cũng vội vã lên. Có một bà lão gánh đôi gióng, thêm một túi nải bên người leo lên xe đứng trước mặt Thạch. Thạch vội vã đứng dậy nhường chỗ. Nhưng bà lão đã lắc đầu, đứng yên. Đôi tay bám chặt lấy tay vịn trên cao. Thạch còn đang ngạc nhiên thì San đã kéo tay chàng ngồi xuống, rồi mới nói nhỏ vào tai chàng:
- Đây không phải là nước Mỹ, anh ạ.
Thạch lắc đầu:
- Ở trên xe bus hoặc xe điện ngầm ở nước Mỹ không có những chuyện như vậy. Anh cũng không phải tốt lành gì, chỉ tại thấy bà lão đã quá già lại gánh nặng như vậy nên muốn nhường chỗ thôi.
Ngay lúc đó, chiếc xe chợt thắng gấp. Bà lão đứng không vững đã ngã nhào, chiếc tay nải trên vai văng ra xa. Thiên Thạch vội vã đứng lên đỡ bà lão dậy, để bà ngồi chỗ ban nãy của mình, rồi đi nhặt tay nải. Bà lão có vẻ xúc động nhe răng cảm ơn rối rít. Thạch hướng mắt nhìn xuống đường. Đêm đã khuya mà cảnh sinh hoạt vẫn nhộn nhịp. Thạch nhớ đến cái thời đi học ở trường Boston bên Mỹ. Chàng cũng thường đạp xe về nhà thật khuya, con đường mà Thạch đạp xe qua rộng hơn đường này gấp hai lần mà thật vắng. Gần như chỉ có một mình chàng. Đêm mùa hè tối đen và gió lạnh. Thạch mệt mỏi nhưng vẫn phải giữ cho đầu tỉnh táo để về đến căn gác hẹp của mình một cách an toàn. Nhiều người hẳn không hiểu lý do tại sao Thạch lại sợ như vậy. Chẳng qua con đường mà chàng di phải ngang qua nhà giáo sư Lục. Ở đấy có Gia Lợi. Giờ Thạch về là giờ Gia Lợi còn thức, nàng thường ngồi đọc sách hay nghe nhạc dưới lầu. Cửa sổ phòng còn ánh đèn sáng trưng. Có lẽ Gia Lợi không ngủ được. Đã bao lần đi qua, Thạch đã muốn đến tận khung cửa sổ, không phải để nói gì với Gia Lợi cả, mà chỉ muốn nhìn vào thử xem, Gia Lợi có thật sự tồn tại ở bên trong không. Khoảng cách giữ hai người chí là một bức tường gạch, vậy mà không hiểu sao Thạch lại không có can đảm. Chính Thạch nhiều khi đã nhận xét mình. Có khí phách đấy nhưng lại thiếu sự can đảm.
Có ai lay lay bên người. Thạch giật mình. À, thì ra xe đã đến cửa Đông. Thạch và Ức San vội vã xuống xe.
- Anh đang nghĩ ngợi gì đấy?
- Không có gì. Chỉ là chuyện cũ người xưa. À, em về nhà ngay hay là còn sang nhà anh chơi?
- Tùy anh - San nói - Dù gì thì mẹ em cũng biết là em đi chơi với anh cơ mà.
Thiên Thạch nhìn vào đồng hồ:
- Thôi, để anh đưa em về vậy. Để không mẹ em lại hiểu lầm rằng lúc sống ở Mỹ, anh hay đi chơi đêm thì cũng mệt.
- Mẹ không bao giờ nghĩ như vậy đâu - San nói - Mẹ nói với em trông anh già dặn chứ không giống như người mới ra đời, mẹ cũng khen anh chững chạc hơn cả Đổng Chí Viễn.
Thạch không biết nói sao, chỉ đáp:
- Có lẽ vì mới về đây, mọi thức còn chưa quen, nên anh hơi ngơ ngác. Nhưng từ từ rồi đâu sẽ vào đấy mà. Thôi nào, để anh gọi xích lô đưa em về.
Ngồi trên xích lô, bác xa phu đạp nhanh nên Thạch thấy mát. Đêm mùa hạ êm ả một cách dễ thương, nhà của San ở khoảng giữa đường Nhân Ái. Ở đấy vắng vẻ cảnh càng hữu tình. Mọi phiền muộn bứt rứt trong người Thạch như tan mất. Thạch chợt đưa tay qua đặt lên vai San, hành vi ấy làm San ngã tựa đầu lên vai chàng. Có thoang thoảng mùi hương của mái tóc San, Thạch không dằn nổi lòng, cúi xuống hôn nhẹ lên mái tóc nàng. San ngước mắt nhìn Thạch, đôi mắt to như dò hỏi rồi cảm nhận ra ngay. Một nụ cười, rồi một nụ hôn dâng hiến. Thạch chợt choáng ngộp. Cái nụ hôn này dành cho Thạch là vì chàng là chàng hay là vì Thạch là một tiến sĩ từ Mỹ mới quay về? Thạch thầm tự hỏi, nhưng rồi xua đuổi cái ý đó thật nhanh:
Đã đến trước cửa nhà. San hỏi:
- Mai anh có đến với em không?
- Thiên Mỹ sắp quay về Đài Nam, có lẽ anh phải ở nhà để nói chuyện với cô ấy... Mấy hôm rày bận quá, không có thì giờ tâm sự với nó được.
- Vậy thì mốt nhé.
- Mốt có lẽ phải đến gặp giáo sư Khưu.
San yên lặng trong bóng đêm, Thạch phải nói:
- Chúng ta còn nhiều thời gian mà em.
- Nhưng mà... Cha mẹ lại nôn nóng.
- Cha mẹ em nôn nóng cái gì chứ?
San có vẻ lúng túng:
- Họ nôn nóng... muốn thấy chúng ta lúc nào cũng gần nhau, để tìm hiểu.
- Anh nào phải là không nghĩ đến chuyện đó? Nhưng mà anh còn ở đây cả tháng trời. Anh đã xin phép nhà trường nghỉ dạy nguyên cả một học kỳ lận. Mùa đông anh mới quay về bên ấy.
- Ồ. Vậy mà em tưởng anh chỉ ở lại đây hết mùa hè này thôi.
- Trên danh nghĩa thì như vậy, nhưng thật ra thì anh đã xin phép rồi. Anh nghỉ với thời gian dài như vậy anh mới tìm hiểu được nhiều thứ, chơi cũng được nhiều, nhưng em đừng cho cha mẹ biết chuyện này nhé. Đài Loan và nước Mỹ như hai thế giới khác nhau. Anh muốn đi một vòng Đài Loan... Em cùng đi với anh chứ?
- Chỉ có anh và em?
Thạch cười, xoa xoa đầu của San:
- Cũng được, nhưng cũng có thể là có cả Thiên Mỹ cùng đi. Thôi được rồi, chuyện đó tính sau, em vào nhà đi, ngày mai anh sẽ phone cho em nhé.