Đoàn tàu mà Thiên Thạch và Ức San đáp xuôi nam là đoàn tàu tham quan du lich. Cách bày trí và sự sạch sẽ của nó làm Thạch bất ngờ. San không dám ngồi ngoài, sợ chóng mặt. Nên Thạch hưởng được cái ngồi cạnh cửa sổ ngắm cảnh.
Qua khỏi thôn Vạn Hoa là cánh đồng ruộng trải dài. Những khoảng đất vuông vắn. Có khuôn ruộng vừa mới gieo mạ tạo thành cảnh tươi mát... Vườn cây rồi những cột điện cao thế... Thỉnh thoảng là trâu bò súc vật nhà cửa... Thạch chợt nhớ đến đoàn xe hỏa cao tốc từ Chicago đến boston. Ngồi trên xe lúc nào cũng gặp những người đàn bà da đen mập ú làm nghề giặt rửa cho các gia đình da trắng xong việc trở về. Những tay dân Ba Lan lúc nào cũng say rượu. Thỉnh thoảng cũng có các bà da trắng nghèo và các tay da vàng như chàng... Hai bên đường là những nông trại với đồng lúa bát ngát, những nhà kho đồ sộ. Cái nghèo và cái giàu hiện lên một cách nổi bật. - Nầy - Ức San khẽ kéo tay Thạch - Anh lại nghĩ vớ vẩn gì nữa vậy? Thạch giật mình quay lại với nụ cười: - À! Lâu quá không được ngồi tàu hỏa nên lạ đấy mà. Hôm qua để làm hài lòng mẹ, cũng như để xoa dịu cha. Ngay từ sáng sớm Thạch đã đến nhà Ức San xin lỗi. Mọi chuyện đâu lại vào đấy. Sau đó cả hai ra phố và xem một suất phim. Xin phép cha mẹ San để hôm nay San được cùng đi Đài Nam với mình. Thạch chợt nhớ từ lúc lên xe đến giờ chưa ăn gì, chàng quay qua Ức San: - Thế nào? Em đói chưa, trên xe hẳn có toa ăn chứ? Ức San cười: - Có chứ. Toa ăn rất sang trọng. Cả hai đi qua toa ăn, đúng như điều San nói. Mọi thứ trang bị như tây phương. Bàn ăn trải khăn trắng. Mỗi bàn một bình hoa, ghế, khung cửa hoa văn kiểu cách... Rồi còn nhạc êm dịu. Bồi bàn mặc blouse trắng, thực đơn cả tiếng anh lẫn tiếng Tàu. Sandwich, Hotdog, Cà ri, cơm tay cầm... Thạch phải trầm trồ: - Tây hóa thật! Ức San liếc xéo Thạch: - Nữa rồi, anh lại trở chứng. Thạch vội cười: - Nhưng lần này nào có đụng chạm gì đến em. À, mà em dùng gì chứ? - Em chưa đói, cho em một ly cà phê là được rồi.
Thạch cũng gọi một ly cam vắt, hướng mắt ra ngoài, cái huyên náo của thành phố Đài Bắc không còn nữa. Thạch đang trở về với tuổi thơ... Với những bụi tre xanh, những mái nhà tranh, đồng ruộng mênh mông bát ngát... Và chàng nghĩ tới một lúc nữa đây... Có thể là Thạch sẽ gặp lại Thiên Mỹ và cả My Lập nữa. Ngồi ở toa ăn, nhâm nhi cà phê và thả hồn mơ màng theo những cánh cò bay, ruộng nương... chạy vùn vụt qua khung cửa đến tận trưa, rồi mỗi người gọi thêm phần ăn cho mình. Thạch ăn cơm chiên Dương châu, còn Ức San món sandwich jambon, thêm một đĩa xà lách. Cơm xong, mới quay về chỗ ngồi. Nắng từ ngoài xuyên qua khung cửa. Cái tiếng đều đều của bánh xe lăn và quạt đã ru ngủ thật nhanh Ức San. Thạch cảm thấy bây giờ thật bình an, chàng lật trang báo ra, nghĩ đến điều Trương Bình Thiên đã nói. Vấn đề gì cũng có mặt tốt mặt xấu của nó. Ức San ấu trĩ và háo danh. Nhưng người trẻ tuổi nào mà lại không như vậy? Có lẽ ta cũng đã vậy, nhưng chuyện đó đã qua... Nếu không, thì tại sao ta lại ra nước ngoài để làm gì? Bây giờ quay lại trách Ức San, không phải là quá lắm ư? Thạch quay sang nhìn San. Cái khuôn mặt bình thản một cách trẻ thơ trong giấc ngủ làm Thạch cảm động. Lúc đến Đài Nam trời chưa tối, Thạch lay Ức San dậy. San đã ngượng ngùng: - Em đã ngủ lâu lắm à? - Còn phải hỏi, bỏ người ta ngồi một mình mấy tiếng đồng hồ. San cười, phô hàm răng trắng đều: - Tại anh cả. Anh đã gây sự làm em suốt đêm qua không ngủ được. Bây giờ phải ngủ bù. À, đến rồi hả? Ức San đứng lên vuốt lại mép áo, sửa lại tóc tai rồi nhìn Thạch nũng nịu: - Thế này ổn rồi chứ? - Không ai đẹp hơn em nữa đâu. Và Thạch xách hành lý ra cửa xe. Chưa bước xuống xe, Thạch đã thấy Thiên Mỹ, bé Dung và Định Á đứng chờ. Thạch biết Định Á qua ảnh. Nhưng bên ngoài Á có vẻ lùn hơn. Có lẽ vì mập ra. Một khuôn mặt tròn, một đôi kính cận, trán rộng. Á có dáng dấp của một thương gia hơn là một kỹ sư. Định Á thấy Thạch vội vồn vã bước tới bắt tay: - Nghe nói về anh đã lâu quá rồi, mới gặp được anh. Ở nước ngoài hơn mười năm hẳn phất chứ? Thạch quay sang Thiên Mỹ, hơi lúng túng. Nhưng Mỹ lại bận tiếp Ức San nên không để ý. - À, cũng bình thường! Bắt quý vị phải ra đón thật là phiền phức. Và quay sang Ức San, Thạch giới thiệu: - Đây là Định Á, em rể anh. Còn đây là Ức San, vị hôn thê của tôi. Và như một bất ngờ. Thạch thấy Ức San đưa tay ra bắt tay Định Á với nụ cười: - Hân hạnh được biết anh. Và quay sang bé Dung, San nói như reo: - À, bé Dung Dung, bé có nhớ dì không? Bé Dung gọi dì một tiếng, rồi hỏi: - Quà đâu? - Dung Dung, con bậy quá. Thiên Mỹ nói rồi quay sang Thạch: - Thôi mình đi, ở đây nóng hơn trên thành phố Đài Bắc đấy.
Định Á đã khệ nệ phụ Thạch mang hành lý ra xe, chiếc xe con mượn của công ty đường. Định Á làm việc cho xí nghiệp đường, nằm ở làng Trúc Tử điếm, cách Đài Nam khoảng mười hai phút đường xe hơi. Nơi đây cảnh hoàn toàn thôn dã. Những công nhân mình trần trùng trục đầu đội nón rơm ngồi uống trà ở quán cóc bên vệ đường, mùi mật mía bốc lên ngào ngạt. Khung cảnh thôn quê mang đến cho Thạch một cảm giác an bình. - Nơi đây tuyệt quá! Thạch nói - Kiến được một cái nhà nhỏ ở nơi này lý tưởng chẳng đâu bằng. Thiên Mỹ cười nói: - Anh mới đến thì thấy như vậy. Nhưng sau đó sẽ chán ngay. Nói vậy chứ, em bây giờ cũng đã quen rồi. Mỗi lần về Đài Bắc em lại thấy nó ồn ào làm sao. Nhà của Thiên Mỹ ở là do xí nghiệp đường cung cấp, có sân rộng trồng nhiều loại hoa. Nhà rộng và thoáng mát, cất theo kiểu Nhật. Vừa đến nơi đã có người tớ già ra đón. Thạch cứ luôn mồm khen: - Ở đây tuyệt quá! Đến đây rồi mới thấy không đâu bằng. - Anh cứ tưởng như vậy. Chứ ở đây là làng quê, thiếu đủ mọi tiện nghi - Định Á đã nói - Lúc đầu nghe Thiên Mỹ nói, anh định xuống đây chơi với chúng tôi. Tôi đã khá lo. Sợ những người quen sống ở Mỹ như anh, về đây sẽ cảm thấy khó chịu.
Thiên Thạch không hiểu là Định Á đã khách sáo hay là châm biếm nên chàng chỉ nói: - Làm gì có chuyện đó? Tôi với Thiên Mỹ đều trưởng thành ở làng quê. Ở Mỹ, tuy đầy đủ tiện nghi, tuy cái gì cũng dùng máy móc nhưng công nhân không phải là dễ kiếm nên cái gì mình cũng phải đích thân làm lấy. Ở đây tôi thấy các bạn cũng có bếp điện, cũng có tủ lạnh vậy thì nào khác gì ở Mỹ đâu? - Nhưng ở đây cứ cúp điện luôn. Anh biết không, có khi ba hôm liền không có điện. Thật là bực mình. Thiên Thạch yên lặng. Chàng nhớ lại mười mấy năm về trước. Có một lần bão thổi đến Đài Bắc. Bão ập tới lúc chàng đang đạp xe về nhà. Gió như cuốn bay mọi thứ kể cả chàng. Thạch phải xuống xe đẩy bộ mà xe cũng không di chuyển nổi. Gió như muốn bật cả người lẫn xe ra đằng sau. Điện lại cúp, trong cái bóng tối của đêm, cái hãi hùng của gió chàng lại cảm thấy có cái gì thật hùng vĩ. Rồi liên tưởng đến cảnh ngồi trong nhà bị cúp điện, các cửa nẻo đều đóng kín. Tiếng gió đập ầm ầm bên ngoài. Thạch buột miệng kêu: - Lúc đó cảnh hẳn thú vị lắm hở? Định Á nhìn Thạch rồi đột nhiên cười lớn: - Anh em của anh sao giống nhau quá! Thiên Mỹ lúc nào cũng như nằm mơ. Nằm mơ xấu lắm ư? Sống chẳng biết mơ thì cuộc đời làm sao thú vị? Nhưng Thạch lại không nói. Sau khi tắm rửa nghỉ ngơi xong. Định Á đưa cả nhà ra câu lạc bộ của nhà máy dùng cơm. Đoạn đường gần, nên mọi người đi bộ. Trên đường đi, dân làng đã nghe nói, anh vợ của trưởng phòng vừa từ Mỹ về, họ đã đổ xô ra nhìn, Thạch ngạc nhiên: - Sao lại có chuyện lạ vậy? Từ Mỹ về là đã mọc thêm ra ba đầu sáu tay hay sao mà họ đổ xô ra xem như thế?
Thiên Mỹ không hiểu ý của Thạch, trái lại nàng cảm thấy rất hãnh diện. Cái cảm giác bình yên của Thạch như vơi đi phần nào. Thạch có cảm tưởng như mình không còn là người Hoa nữa.
Sau bữa cơm, quay về nhà. Trời đã tối hẳn, không khí ở làng quê mát lạnh. Đi giữa con đường mòn, những mái nhà ở hai bên đã khép kín cửa im lặng, nhưng ánh đèn vẫn còn lóe ra. Thạch chợt nghĩ đến hình ảnh của những gia đình hạnh phúc. Những đứa con đang làm bài dưới ánh đèn, người mẹ ngồi gần đấy vá may, người cha thì xem báo. Bên ngoài không có tiếng xe cộ, không có cả cái tiếng ồn ào của máy thu thanh. Trong cái khung cảnh yên tĩnh đó, cái ước vọng của người cha chỉ là: sang năm thu nhập được thêm một tí tiền, người mẹ chỉ mong có thêm mấy chiếc áo mới cho con trong dịp tết. Còn mấy đứa nhỏ thì lại càng giản dị hơn, trong những ngày lễ và ngày chủ nhật không phải làm thêm quá nhiều bài để được đi chơi thỏa thích. Thạch cũng không mơ ước gì hơn. Chàng chỉ muốn có một cuộc sống giản dị như vậy. Tại sao phải cạnh tranh? Phải giành giựt từng cái chức vụ? Phải bực tức vì những cái ghen tị không đâu?
Cuối con đường Thạch lại trông thấy một sân bóng rổ nền xi măng. Chàng lại nhớ đến thời tuổi trẻ. Ở Mỹ mười năm, Thạch không phải là không có đến những nơi đó. Nhưng đó là những sân bóng lát gỗ cầu kỳ với những tầng ghế ngồi chen chúc nhau. Đến xem phải ăn mặc chỉnh tề nghiêm túc, đâu có được những giây phút mặc quần xà lỏn dành trái banh trong mưa. Thạch chợt nhớ lại lần nói chuyện với giáo sư Khưu. Nếu ở lại thì đó không hẳn là vì đất nước, vì tổ quốc hoa mỹ mà vì chính bản thân của ta. Ở lại trong một hoàn cảnh êm ả thế này, với một cuộc sống giản dị là chỉ vì muốn tìm lại chính mình thôi. Thạch quay sang định nói với Ức San cái cảm nghĩ của mình, nhưng rồi lại thôi. Chàng đã biết tánh của San, mới làm lành thì không nên để cho sự bình an vừa tìm thấy lại bị khuấy động.
Qua ngày hôm sau, Định Á đưa Ức San và Thiên Thạch đi viếng miếu Thành Công rồi cảng An Bình. Chàng còn được đưa lên tàu ra khơi để xem các tàu khác đang đánh cá. Sau đó Định Á mới đưa hai người đến chợ mua tôm hùm và cá chép, rồi còn đi dạo một vòng ở thành phố. Thạch cảm thấy Đài Nam nhỏ và ít tấp nập như Đài Bắc, vì vậy mặc dù nóng hơn nhưng Thạch lại không bị chen lấn, không bị xô đẩy như ở thành phố Đài Bắc. Người đi đường với cách ăn mặc giản dị, chân mang guốc, mang lại cho Thạch cái hình ảnh quen thuộc của Đài Loan trong kỷ niệm.
Về đến nhà, vừa bước lên bực thềm, Thạch đã thấy có một đôi giày cao gót màu trắng và chiếc ô hoa dựng nơi cửa: - Có lẽ nhà có khách. Thạch nói vừa lúc Thiên Mỹ bước ra: - Về rồi đấy à? Đi chơi có vui không? Định Á không đáp, hỏi: - Ai đến vậy? Trên khuôn mặt của Mỹ có một nụ cười đặc biệt, Thạch chỉ cần nhìn qua là hiểu ngay ai đã đến. Và chàng như lui lại cái thời kỳ còn đi học ở đại học. Cái cảm giác của lần đầu tiên đến tìm My Lập. Vừa hồi hộp vừa căng thẳng. Đứng trước cổng chờ người ra mở cửa mà trái tim đập mạnh. Thạch đã chuẩn bị câu hỏi trong đầu: "Dạ, xin lỗi, ở đây có phải là nhà của cô My Lập không? Xin lỗi, tôi có thể gặp cô ấy được chăng?". Nhưng rồi khi cửa vừa mở. Thạch lại quên mất câu hỏi lịch sự kia. Chàng chỉ nói: - Dạ, tôi muốn gặp cô My Lập. Và lần này, Thạch cũng đã trừng mắt nhìn Thiên Mỹ, hỏi: - My Lập đến đây à? Thiên Mỹ vừa tiếp lấy cá trên tay Định Á vừa gật đầu. Định Á nói: - Quý vị cứ vào nhà trước, tôi phải đi trả xe. Thiên Mỹ, em đưa cá cho thím Vương, bảo thím ấy rửa sạch rồi ướp muối liền đi nhé.
Cả hai vừa bước vào phòng khách. My Lập đứng dậy. Thiên Thạch đứng sững đấy nhìn. Một My Lập ngày cũ của chàng đấy ư? Mái tóc dài ngày xưa đã cắt ngắn, khiến cho phần cổ trắng nõn lộ ra ngoài, cái phần cổ mà ngày xưa khi chỉ có hai người riêng rẽ, Thạch thường hôn lên trên ấy. Và Thạch vội quay người đi như tránh không nhìn thấy cái gì đó. My Lập đã đổi khác, đổi khác thật nhiều. Cái dáng dấp thiếu nữ ngày xưa không còn. Trước mặt chàng là một thiếu phụ chững chạc, mập mạp hơn. - Anh Thạch. My Lập đã lên tiếng gọi trước, khiến Thạch giật mình quay về với thực tại. Chàng bước nhanh tới bắt tay: - My Lập, cô... vẫn khỏe chứ? - Vâng, em rất khỏe. Thế còn anh? Trông anh chẳng khác ngày xưa bao nhiêu. Bao nhiêu! Cái ngôn ngữ mà My Lập ngày xưa thường dùng, bây giờ vẫn dùng. Ở tận phương trời xa, từ Boston đến Chicago... Mỗi lần ra phố, nhìn những đôi trai gái đứng kè nhau trước rạp chiếu bóng, là Thạch lại nhớ đến My Lập. Chàng mong mỏi, chờ đợi một ngày nào đó được trở về nhìn lại nàng. Ôm ghì lấy nàng. Mặc dù biết là Lập ngày nay đã có gia đình. Cái từ "Bao nhiêu" gợi nhớ biết bao. Thạch đứng ngẩn ra. My Lập bối rối trước cái nhìn của Thạch, nàng cố đứng nép người ra xa một chút, may là có Thiên Mỹ đứng đấy. Mỹ chợt lên tiếng: - Chị My Lập, chị biết ai không? Cô Trần Ức San đấy, còn đây là chị Trương My Lập, một bạn học cũ của anh Thạch. Ức San bước tới đứng bên cạnh Thạch bắt tay Lập, rồi liếc nhanh Thạch nói: - À, chị My Lập đây à? Cứ nghe anh Thạch nhắc đến chị luôn, hôm nay mới gặp. Mọi người ngồi xuống, Ức San và My Lập ngồi cạnh nhau. Thạch ngồi đối diện hai người. Chàng có dịp so sánh. Ức San trẻ hơn nhiều. Cái nhạy bén, tinh nghịch của San khiến Thạch thấy My Lập như già hẳn đi. Mới có mười năm. Mà người đàn bà lại mất đi nhiều thứ như vậy sao? - Chị My Lập ở gần đây à? Ức San hỏi, My Lập khiêm tốn: - Dạ, em ở Đài Nam, còn chồng em thì làm việc ở ngân hàng Chương Hoa. - Thế chị đã có mấy cháu rồi? - Dạ ba, cháu lớn nhất năm nay sáu tuổi, thằng nhỏ nhất mới đầy năm. Sáng tới chiều bận rôn luôn thành thử có hay anh Thiên Thạch về chứ nhưng không làm sao đi đón anh ấy được. Rồi quay sang Thạch, My Lập hỏi: - Anh Thạch, anh thấy thành phố Đài Bắc thế nào? Có náo nhiệt hơn ngày xưa không? Thạch miễn cưỡng gật đầu. Chàng không thích những câu hỏi vô nghĩa như vậy. Chàng chỉ muốn biết mấy năm qua My Lập đã sống như thế nào? Có hạnh phúc không? Lúc trở về Đài Bắc, chàng đã từng đi đến những nơi có kỷ niệm cũ. Nhưng mọi cái nào có như xưa. Ngay khi đó, Thiên Mỹ chợt nói: - Chị Ức San, vào nhà rửa mặt cho mát đi. - Vâng, chị My Lập ngồi chơi nhé. San đứng dậy. Bé Dung cũng theo mẹ và dì San vào trong. Phòng khách chỉ còn lại hai người. My Lập bưng tách trà lên hớp, rồi đặt xuống hỏi: - Sao, anh vẫn khỏe chứ anh Thạch? Sao em thấy anh có vẻ gầy hơn trước đấy? Giọng nói đó, cái cử chỉ đó hoàn toàn giống lúc hai người ngồi trong quán cà phê "Gió Sớm" trước ngày Thạch lên phi cơ. Một chút lo lắng, một chút buồn phiền... Lúc đó buồn vì Thạch sắp ra đi, còn bây giờ buồn vì Thạch quay về ư? Thạch nhún vai: - Làm sao anh mập nổi chứ? My Lập nhìn lên thật nhanh, đôi khoen tai to lay lay làm Thạch nổi nóng: - Cô tháo cái đồ quỷ đó xuống đi. My Lập ngạc nhiên nhìn Thạch, rồi đặt tách trà xuống. Cởi hai khoen tai ra rồi bỏ vào ví. My Lập biết, Thạch thích mình để tai trần như ngày xưa. Nhưng cái giận dữ của Thạch không hẳn chỉ là vậy, My Lập nói: - Anh phải hiểu cho, em biết làm sao hơn, lúc đó mẹ bệnh nặng... em thì quýnh quáng cả lên. - Anh nào có dám trách gì em, anh chỉ tự trách mình. Thạch đốt một điếu thuốc mà bàn tay run rẩy vì xúc động: - Tại anh cả, đúng ra anh không nên bỏ đi lúc đó... - Thôi, nhắc lại chuyện cũ mà làm gì? My Lập nói, nhìn Thạch nhả khói, rồi tiếp - Ngày xưa anh có biết hút thuốc bao giờ đâu. Cái câu nói đầy vẻ quan tâm của Lập làm Thạch buồn hơn. Chàng định nói. Tôi đã hút thuốc lá là vì em đấy. nhưng rồi thôi, chàng chỉ lắc đầu: - Hồi đó khác, còn bây giờ khác. - Anh Thạch này... - Mấy năm qua, em hẳn sống hạnh phúc chứ? Thiên Mỹ có cho biết... My Lập không nói gì cả, chỉ khẽ gật đầu và dường như thấy không khí có vẻ ngỡ ngàng quá. Lập mới nói: - Anh ấy khá lớn tuổi, nhưng cư xử với em rất tốt, em nào dám đòi hỏi gì hơn, nhưng mà... - Nhưng mà sao? - Nhưng mà tình cảm của anh ấy đối với em thì lại khác với anh. Trước kia có nhiều lúc anh gây gổ với em vậy mà không bao giờ em lại buồn anh... My Lập nói, rồi ngước lên nhìn Thạch, đôi mắt như mở to hơn: - Cái tình cảm ngày cũ. Một đời người chỉ có một lần... Như vậy là quá đủ rồi... Em không dám đòi hỏi gì hơn... Em cũng mong là anh đừng có giận em, anh Thạch. Thạch bỗng thấy... Không... không.... Làm sao mà giận My Lập được, Thạch tha thứ tất cả... Thạch muốn đứng dậy bước qua ôm My Lập, xiết mạnh người yêu cũ trong vòng tay mình. Cái chuyện quay lưng đi... cái chuyện lấy chồng của My Lập là một thứ chẳng đặng dừng. Nhưng rồi... Cái lý trí lại quay về. Lập đã có chồng, ta không thể hành động như vậy được. Thạch chỉ nói: - Anh không hề giận em. My Lập đã nhìn Thạch thật lâu, rồi nói: - Cô ấy cũng đẹp quá, em thấy hai người xứng đôi đấy. Thạch nhìn Lập: - Anh biết, và bây giờ... Anh thấy anh không được hất hủi Ức San như ngày xưa đã khiến em không vui. My Lập nghe Thạch nói, có vẻ xúc động, nàng lại vội cúi xuống uống trà. Trà nóng khiến mắt nàng đỏ hoe. Thiên Mỹ thấy ngoài phòng khách yên lặng, vội gọi vói ra: - Anh Thạch, anh vào rửa mặt đi, để Ức San tiếp khách thay cũng được. Thạch chưa đứng dậy thì Ức San đã bước ra: - Anh vào rửa mặt đi, đường nhiều bụi bậm quá. Em sẽ thay anh tiếp chị My Lập. Khi Thạch rửa mặt xong bước ra thì My Lập đứng dậy muốn về. Thiên Mỹ cố giữ lại, nhưng Lập khôang chịu, nói còn con nhỏ ở nhà.
Thế là mọi người đành tiễn Lập ra về. Ra đến cửa, Thạch chợt quay lại nói với Mỹ: - Để anh đưa My Lập về. My Lập vừa mang giày vừa nói: - Bên ngoài nắng lắm. Tôi đi một mình vậy. Xe xích lô còn đậu chờ tôi ngoài cổng. - Vậy thì để tôi đưa My Lập ra xe nhé. Thạch nói và không đợi My Lập đồng ý đã mang giày vào, cầm cả ô hoa của Lập lên. Lập chào Ức San và Thiên Mỹ rồi cùng Thạch bước ra ngoài. Nắng chói chang. Lập mập hơn trước một chút. Vì tán ô nhỏ, nên hai người đi rất gần nhau. Thạch thỉnh thoảng đụng phải cánh tay My Lập, da thịt mát rượi. Chàng chợt nhớ đến cái lúc mới quen My Lập. Hình như họ bắt đầu yêu nhau khi Thạch là sinh viên năm thứ hai, lúc đó My Lập ở ký túc xá nữ. Những buổi tối rảnh rỗi, Thạch hay đến đấy đón My Lập đi xem hát. Hai người ngồi chung chiếc xe đạp, Lập ngồi sau, cánh tay vòng qua lưng chàng. Thạch chỉ lái xe có một tay, còn một tay thường nắn nót cái bàn tay để trên bụng mình. Cái bàn tay mềm mại làm sao. Chính vì vậy mà nhiều lúc xe lọt ổ gà lảo đảo suýt ngã. - My Lập này, em có còn nhớ chuyện ngày xưa của chúng mình không? Thạch chợt cúi xuống hỏi. My Lập yên lặng một chút rồi nói: - Nhớ chứ. Lúc anh đi rồi em cứ buồn luôn. Cứ tìm gặp Thiên Mỹ hỏi về anh. Sau đấy em lấy chồng, hai năm đầu, em cứ mãi bứt rứt, tự trách là mình đã phản bội anh. Nhưng rồi sau đấy nghĩ lại thấy có lẽ tại cái số phần... Chúng ta có duyên gần nhau chỉ mấy năm thôi mà không có duyên sống với nhau cả đời... Thế là em không buồn nữa.
Thiên Thạch yên lặng. Có lẽ bây giờ Thạch mới hiểu ra. Với Gia Lợi, tình cảm của chàng chẳng qua chỉ là sự bấu víu trong cô đơn. Với Ức San, một sự ưa thích trẻ trung, còn với My Lập thì đó mới thật sự là tình yêu. Nhưng mà nếu bây giờ bảo chàng hãy chọn một trong ba người thì chắc chắn là Thạch sẽ chọn Ức San. Vì tình cảm của chàng dành cho Ức San là ít nhất. Và như vậy, nếu có cái gì xẩy ra, chẳng hạn như San phản bội chàng. Thì Thạch sẽ thấy ít đau lòng hơn. - Lúc đó, đúng ra anh không nên bỏ ra nước ngoài. Thạch khẳng khái nói. My Lập nhìn lên; - Được sao? Bấy giờ ai cũng nao nức đi, tính anh lại háo thắng, làm sao anh ở lạ được? - Đúng rồi, ấu trĩ quá. Thạch chợt đổi tay cầm ô, và nắm lấy tay My Lập, bàn tay vẫn mềm mại quá. Thạch chợt đứng lại nhìn Lập. Những nốt ruồi trên sóng mũi Lập quen thuộc quá. Lập như hiểu ý Thạch vội quay mặt đi: - Không lẽ suốt mười năm ở Mỹ, anh không gặp được người ưng ý à? - Có, nhưng cô ấy lại giống em bây giờ, cô ta đã có gia đình. - Đẹp không? Đàn bà lúc nào cũng vậy. Khi hỏi đến địch thủ của mình, câu đầu tiên là "đẹp không?" với một chút ganh tị. - Anh yêu cô ấy lắm à? Lại hỏi, Thạch thú nhận: - Yêu, nhưng lại yêu một cách tuyệt vọng... À, mà sao em không hỏi là anh yêu Ức San không? - Nhìn là thấy ngay, anh thích cô ấy nhiều hơn là yêu. À, mà với cái cô bên Mỹ thì anh lại có vẻ yêu hơn... Anh kể lại chuyện đó với một giọng đau khổ thật sự. - Ờ! Thạch gật đầu - Có điều không khổ sở bằng cái lúc nhận được tin em đi lấy chồng. Bàn tay Lập run rẩy trong tay Thạch: - Thiên Mỹ nói là anh quen với Ức San bằng thư từ thôi. Nhưng em thấy cô ấy có vẻ thích anh lắm đấy. - Thì cũng chỉ là thích thôi. - Khởi đầu như vậy là tốt rồi. My Lập nói. Và họ cũng đã bước đến chiếc xe xích lô đang chờ. Lập nói: - Thôi, em về. Anh nhớ bảo trọng sức khỏe nhé. Thạch không chịu buông tay My Lập ra: - Để anh đưa em về đến tận nhà. My Lập do dự. Thạch thiết tha: - My Lập, vài hôm nữa anh đi rồi. Đến Hoa Liên chơi ít hôm rồi thẳng đường đến Đài Bắc. Nếu không có gì lạ thì vào khoảng tháng chín anh sẽ quay lại Mỹ và không biết đến bao giờ mới trở về đây. Em hãy để anh đưa về đi, anh sẽ không vào nhà đâu. "Không phải em sợ anh vào nhà, mà chỉ sợ để anh đưa". My Lập định nói như vậy nhưng không mở lời được, ngay lúc đó, chợt có tiếng guốc đuổi theo phía sau, rồi tiếng của Ức San: - Anh Thạch, có ông Khưu nào đó ở Đài Bắc gọi điện thoại cho anh. - Thế à? Ông ấy nói gì? Thạch bực dọc hỏi. Ức San lắc đầu, lúc nãy vì chạy đuổi theo hai người khiến nàng mệt, hai má ửng hồng. - Ông ấy không nói gì cả. - Thế ông ấy còn chờ anh không? - Không, ông ấy chỉ dặn là tối nay anh nhớ liên lạc điện thoại với ông ấy. - Vậy thì em về đi, để anh đưa My Lập về nhà.
Thạch nói, nhưng Ức San lại đứng yên. My Lập thấy tình hình như vậy, cười với Thạch: - Thôi, khỏi cần anh ạ, em về một mình được rồi. Ức San vớ ngay cơ hội: - Vậy chị về đi nhé. Mai có lẽ tụi này đến Đài Đông đấy. Bao giờ rảnh, mời chị lên Đài Bắc chơi. San nói. Thạch có vẻ không vui, nhưng không biết làm sao. My Lập vẫy tay chào hai người rồi ra hiệu cho xe chạy. Thạch đứng tần ngần nhìn theo, cho đến lúc Ức San giục: - Trời nóng quá, đứng đây làm gì, về chứ? - Vâng, nhưng mà... có phải em vừa bày trò không? - Làm gì có chuyện đó, không tin anh về hỏi lại Thiên Mỹ xem. Nói chuyện với người tình cũ mà mê mẩn, quên hết. Thôi về, đứng ngoài nắng lâu coi chừng cảm bây giờ. - Em quan tâm đến anh như vậy sao? - Không, em chẳng quan tâm đến ai cả. - Vậy chạy ra đây làm gì? Ức San bỏ đi trước, đáp gọn: - Tò mò! - À! Thì ra tò mò. Vậy em không muốn anh đưa My Lập về. Mục đích gì? - Ai cản anh đưa chị ấy về - Ức San hất mái tóc ra sau, nói - Người ta tốt thế mà chẳng biết. Cái áo cũ không còn mặc được, đã gói lại cất đi rồi còn mở ra làm gì để nhìn mà tiếc chứ?