Nựng nịu bé Dung một chút, rồi Thiên Thạch đưa em gái về phòng mình nói chuyện. Thiên Thạch đúng ra còn có một người anh nữa nhưng đã qua đời khi còn nhỏ, nên bây giờ chỉ còn có hai anh em. Thạch lớn hơn Thiên Mỹ bốn tuổi, vì vậy khi Thạch lên đại học thì Thiên Mỹ vẫn còn học lớp chín. Cũng vì thế, mà Thạch lúc nào cũng coi Mỹ như là một nhóc tì. Mãi đến khi Thạch sắp thi tốt nghiệp thì mới phát hiện Mỹ biết nhiều thứ hơn cả chàng. Mỹ có thể tranh luận tay đôi với Thạch về tình yêu, về cuộc đời, về ảo tưởng... Trước hôm lên phi cơ, tiễn My Lập về xong quay lại, bấy giờ đã khá khuya, vậy mà Thạch bỗng thấy Thiên Mỹ đứng sẵn trước phòng riêng của chàng. - Anh Thạch, mai em sẽ không theo đưa anh lên phi cơ đâu. Em sợ nhất cảnh tiễn đưa, vì vậy bây giờ em đến chào anh trước. Và rồi Mỹ đã nhìn vào mắt Thạch nói: - Mai chị My Lập cũng không tiễn anh, phải không? Thạch gật đầu, ngồi xuống ghế, úp mặt vào lòng bàn tay rồi nói với Mỹ: - Bây giờ, anh chẳng muốn đi chút nào. Có đi là chỉ vì chiều theo ý cha mẹ thôi, chứ anh thì hoàn toàn không muốn. Mỹ nhìn anh thương hại: - Em hiểu ý anh. - Chưa hẳn - Thạch đã nhìn lên. - anh chỉ không muốn đi quá xa, vậy thôi. Và điều này không hề dính dáng gì đến My Lập cả. - Em hiểu. Anh Thạch. Ai mà chẳng vậy? chẳng ai ham thay đổi hoàn cảnh sống đang ổn định cả. Như em đây, năm ngoái nhà trường gọi vào nội trú. Em cũng biết là vào đấy sẽ không bị cha mẹ kềm kẹp, hẳn thích hơn. Nhưng em cũng không muốn đi. Em nghĩ cái cảm giác của anh bây giờ hẳn cũng vậy. Ví dụ của em không đúng lắm, nhưng em nghĩ là em hiểu anh. - Vâng. Anh cũng đã nghĩ là... Trong nước mình đã học ngành văn thì ra nước ngoài làm gì? Cha thì không nghĩ như vậy, cha muốn anh sang đấy chuyển qua học kỹ thuật, mà muốn vậy thì phải học lại từ đầu. Đó đâu phải là chuyện dễ dàng. - Cha muốn vậy cũng là vì anh thôi, cha muốn lo cho tương lai của anh. - Anh cũng biết, nhưng chẳng một chút hy vọng. Em thấy đấy, chuyện này còn đòi hỏi phải có một nghị lực. Bên cạnh đó, còn chuyện của My Lập nữa. Cô ấy có thể chờ anh được bao lâu? My Lập chỉ còn một bà mẹ, đương nhiên là cô ấy không thể sang Mỹ với anh một cách dễ dàng. Mà đợi anh về, thì biết đến bao giờ? - Anh Thạch à, em thấy là anh đã nghĩ hơi nhiều - Mỹ nói. - Em thấy chỉ cần yêu nhau một cách chân thành là chị My Lập có thể đợi anh. Vả lại chuyện chưa tới, làm sao tính trước. Biết đâu rồi một lúc nào đó mẹ chị My Lập sẽ đổi ý. Để chị ấy sang Mỹ với anh? thôi đừng có suy nghĩ gì cả. Nghĩ nhiều chỉ thêm mệt óc. Anh có còn nhớ một câu mà cậu Hai thường nói không? - Cờ đến tay thì phất. Thạch nói, rồi hai anh em cùng cười. Thiên Mỹ thấy anh có vẻ vui hơn. Vội xuống bếp bưng lên hai chén chè đậu xanh đã nguội với một đĩa đậu phụng rang. Hai anh em cùng ngồi ăn và chuyện vãn, rồi Thiên Mỹ mang mọi thứ xuống bếp. Khi quay trớ lại, Mỹ chỉ đứng ngoài cửa nói: - Anh hãy yên tâm, ở nhà em sẽ liên lạc thường xuyên với chị My Lập cho. Thiên Thạch chợt muốn khóc, quay người đi, nói: - Ở nhà, em nhớ chăm sóc cha mẹ chu đáo hộ anh. - Đó là chuyện đương nhiên. - Em cũng phải chăm học, để vài năm nữa chúng ta sẽ gặp nhau trên đất Mỹ. À, còn nữa, em cứ sử dụng cái phòng này của anh làm phòng học đi. Anh không nói gì đâu. Nhà của Thạch không rộng rãi lắm. Chỉ có ba phòng ngủ, mà phòng ngủ của Thiên Mỹ lại hẹp nhất, chỉ khoảng ba mét vuông, để vừa đủ một cái giường. Lúc đầu Mỹ không quan tâm lắm chuyện đó. Nhưng khi lên cấp III, bạn bè đến nhà chơi thường xuyên, ở phòng khách đùa giỡn không thoải mái, mà ở phòng riêng lại quá chật hẹp, thế là Mỹ bắt đầu ghé mắt qua phòng của Thạch. Một lần Thạch không có ở nhà, Mỹ đã kéo chúng bạn vào phòng riêng của chàng. Tập ảnh của Thạch bị lôi ra, rồi bàn viết cũng bị quậy phá. Viết bừa bãi, vỏ đậu lại rải khắp phòng. Khi Thạch quay về, cả bãi chiến trường còn chưa dọn dẹp. Chàng đã nổi cơn thịnh nộ. Trước mặt cha mẹ, Thạch đã mắng Mỹ một trận. Mỹ đã thề là sẽ không bao giờ đặt chân đến phòng Thạch nữa. Cũng vì chuyện đó mà hai anh em đã không thèm nói chuyện với nhau suốt cả một tuần. Bây giờ thì khác, sắp xa nhau rồi. Đề nghị của Thạch làm Mỹ cảm kích vô cùng, Mỹ đã nói: - Em sẽ cố giữ cho nó nguyên vẹn như cũ.
o0o
Hai anh em bước vào phòng, Mỹ chỉ cho anh xem căn phòng và nói: - Anh thấy đấy, em đã chẳng thay đổi gì ở phòng anh cả. Thiên Thạch kéo ghế trước bàn học ra, để Thiên Mỹ ngồi còn Thạch thì ngồi trên giường, lấy thuốc ra hút. Thiên Mỹ nhìn anh cười: - Anh sang Mỹ, ngoài chuyện học lịch thiệp với phụ nữ và hút thuốc ra, còn học được gì nữa không? - Có chứ! Không nằm mơ nữa. - Ồ! Nhà văn ăn nói có khác - Thiên Mỹ nói rồi đưa mắt nhìn quanh - Ngồi ở đây, thật khó mà tưởng tượng ra chuyện anh xa nhà đã hơn mười năm. Mọi thứ vẫn y nguyên như cũ... Anh và em cùng ngồi đây nói chuyện. Anh có còn nhớ là trước ngày anh lên đường, anh em mình cũng đã ngồi ở đây nói chuyện như thế này? - Sao lại không? Anh ở Mỹ mà cứ nhớ mãi. Mà sao lại không đổi khác? Bây giờ em đã là mẹ rồi nhé. My Lập cũng thế. chỉ có mình anh... Nhưng anh thì cũng đã già đi quá nhiều. Em có thấy không? - Vâng, quả thật anh có già đi - Thiên Mỹ nói và nhìn bức ảnh phóng đại của Ức San đặt trên bàn Thạch rồi hỏi tiếp. - Anh Thạch, anh hãy nói thật nhé. Lần này anh về là vì ai? Cha mẹ? Ức San? Hay một ai khác? - Có lẽ vì tất cả. Nhưng mục đích chính là để nghỉ ngơi và thăm nhà. Thiên Mỹ yên lặng nhìn anh. Thạch hỏi: - Hiện My Lập vẫn còn ở Đài Nam chứ? Em có gặp cô ấy không? - Cũng thường - Thiên Mỹ nói - Em nghĩ là anh đã quên bẵng cô ấy rồi chứ? My Lập có chồng, họ sống rất hạnh phúc. Được chồng cưng. Có lẽ... anh cũng không hận chuyện cô ấy bỏ anh đi lấy chồng chứ? Anh nên thông cảm cho. Lúc đó mẹ của chị My Lập bệnh nặng quá, nếu không có ông Đồng đó giúp đỡ cho thì thật là quá khó khăn. Thiên Thạch cao giọng: - Kết hôn là phương pháp duy nhất để báo đáp ư? Vả lại lúc bấy giờ, ở bên Mỹ tôi đã cố tiên tặn hết sức, có số tiền dư bao nhiêu đều gởi cả về cho cô ta cơ mà? - Em biết, nhưng mà lúc bấy giờ anh lại ở quá xa, trong hoàn cảnh bối rối đó cái mà chị My Lập cần không phải chỉ là tiền mà còn là sự hổ trợ về tinh thần. Anh biết đấy. chị My Lập là một con người yếu đuối không thế sống tự lập, không có anh thì có mẹ chị ấy, bấy giờ ngay cả người mẹ cũng bệnh. Chị My Lập quýnh quáng lên, chụp vội một người nào đó để nương tựa. Vì vậy, em thấy anh không nên trách. - Anh nào có dám trách ai. Đó là cái giá phải trả khi xa xứ cơ mà. - Anh biết không, đám cưới của chị My Lập em có dự, em cùng đã viết thư gửi cho anh rồi cơ mà? Em cũng đã nói cho chị My Lập biết là khi anh nhận được tin, anh đã không ngủ suốt ba hôm liền. Chị My Lập đã khóc, anh nghĩ xem, sắp lấy chồng rồi mà chị ấy vẫn nghĩ đến anh, vậy là sao? Em đã báo tin cho chị My Lập biết là anh trở về. Chị ấy có nhắn em là nếu anh có dịp xuống miền nam, ghé qua thăm chị ấy. Thạch đã không dằn được lòng hỏi: - Cô ấy có thay đổi nhiều không? Thiên Mỹ cười đáp: - Em cũng không biết, bởi vì không gặp thường xuyên, nên nếu chị ấy có thay đổi thì cũng không nhận ra được. Vả lại em cũng không quan tâm lắm đến chuyện đó. Bao giờ anh gặp thì anh nhận ra ngay - Rồi như để bổ xung cho điều mình nói, Mỹ tiếp. - Theo em thì chị My Lập vẫn như vậy. Chị ấy rất hiền. Mười năm đã trôi qua, Thạch không hiểu cái chữ "rất hiền" mà Thiên Mỹ đã dùng với ý nghĩa thế nào. Thạch quay sang chuyện khác: - Thiên Mỹ này, chuyện em và Định Á thế nào? Hai người hạnh phúc chứ? Nụ cười chợt biến mất trên môi của Thiên Mỹ: - Em cũng không biết nói làm sao, em chỉ mong mọi việc sẽ suông sẻ, phẳng lặng là tốt rồi. Anh thấy đấy, em đã thay đổi nhiều quá, có phải không? Còn nhớ trước kia, ai đó đã nói: "Con gái mà đi lấy chồng thì cũng giống như là mua được một phiếu cơm dài hạn". Đấy! Anh thấy, muốn có một cái phiếu cơm thì phải đánh đổi bằng một cái gì? Ai sao thì không biết, chứ em thì đánh đổi bằng cả những lý tưởng và mơ ước của mình. Hôm ấy Thiên Thạch đã nói chuyện với em gái cả buổi trời. Lòng ngập đầy những cảm xúc mâu thuẫn. Vui buồn lẫn lộn. Con người muốn trưởng thành phải trải qua biết bao nỗi thất vọng về cuộc sống. Thiên Mỹ đã trưởng thành, Thạch thấy sung sướng về điều ấy, mặc dù cũng thương hại cho em, rõ ràng cái thất vọng của Thiên Mỹ phần lớn là do những ảo tưởng của thờ kỳ tiền hôn nhân bị gãy đổ mang lại. Cuộc sống thực tế mà phũ phàng vô cùng! Thạch nhớ có một lần nhận được thư của Mỹ, trong đó đã viết:
"Anh Thạch, ngày mai này em đi lấy chồng. Định Á, chồng em không khôi ngô tuấn tú như một hiệp sĩ. Anh ấy được cái chân thật, thực tế, không ba hoa. Anh ấy làm việc ở tại Đài Nam rồi chúng em sẽ có một mái nhà nhỏ ở phía nam đó. Anh Á đi làm, còn em ở nhà lo chuyện bếp núc. cuối tuần chúng em sẽ có thể đến bến cảng An Bình dạo chơi, hoặc là đến Khổng miếu ngoạn cảnh. Em nghĩ là hạnh phúc phải do chính ta tìm thấy, giữ lấy chứ không phải ai ban phát cho cả. Bây giờ thì em đã tìm thấy, em mong là sớm muộn gì rồi anh cũng sẽ được như chúng em".
Bây giờ thì Thạch không dám hỏi Thiên Mỹ có còn nghĩ như ngày xưa không? Vì chàng biết có hỏi chưa chắc Thiên Mỹ đã trả lời được. Mẹ Thạch từ bên ngoài với áo quần chỉnh tề bước vào, nói: - Hai anh em bây nói chuyện gì mà không biết cả thời gian vậy? Mau chuẩn bị đi, bác Đổng vừa gọi điện thoại đến báo là sắp tới ngay. Thiên Mỹ, mẹ đã thu dọn giường chiếu cho con rồi đấy, bé Dung thì con để ngủ bên phòng mẹ. Còn bây giờ thì Thúy nó đã chuẩn bị nước cho con rồi, đi tắm đi. Bác Đổng có mời cả Ức San và cha mẹ cô ấy. Ông ta cũng sắp để Thiên Thạch và Ức San ngồi bên nhau. Trong bàn tiệc, vợ chồng ông Đổng và đứa con trai ở Mỹ về hai năm trước, hiện đang dạy ở trường đại học sư phạm cứ mãi hỏi chuyện Thiên Thạch và Ức San, bức bách họ nói ra ngày cưới. Thạch cảm thấy hơi phiền, chàng khó chịu về chuyện chưa chi cha mẹ đã đem mọi thứ kể hết cho mọi người nghe.
Bây giờ thì coi như mọi việc đã định sẵn mà Thạch lại chưa quyết định. Lần trở về này cũng nào phải vì chuyện đó? Ăn cơm xong, bác Đổng còn kéo mọi người đến vũ trường Đệ Nhất để khiêu vũ. Đây là nhà hàng lớn nhất ở Đài Bắc. Thạch đã giật mình khi thấy cả chú bồi bàn của nhà hàng cũng sành sỏi tiếng Anh. Thiên Mỹ đi bên cạnh kề tai nói: - Anh Thạch, anh thấy xứ Đài Loan của ta tiến bộ quá, phải không? Thạch bước vào vũ trường. Những ánh đèn màu ngũ sắc, trang trí phòng nhẩy lộng lẫy xa hoa, rồi những hầu bàn trong bộ đồng phục trắng toát, chào đón khách hàng bằng những cử chỉ rất tây phương, những cặp nam nữ trẻ đang uốn mình trên piste nhảy với những điệu disco thô bạo. Thạch không biết trả lời em gái ra sao. Nếu không có những mái tóc đen với màu da vàng của người phương đông, thì Thạch đã nghĩ mình đang ở một vũ trường nào đó ở Chicago. Bồi bàn đã đưa tất cả đến một chiếc bàn lớn, nhanh nhẹn kéo ghế mời các bà các cô ngồi rồi mới hỏi dùng chi. Đổng Chí Viễn con trai của bác Đổng nói: - Gọi mấy chai champagne nhé? Bởi vì hôm nay chúng ta đón khách ở Mỹ về mà. Nhưng Thiên Thạch đã khoát tay: - Tôi yếu rượu lắm. - Champagne mà. Ở Mỹ bất cứ lễ lộc gì cũng đều dùng champagne. Một chai những hai mươi mấy đô, còn ở đây thì rẻ chán. Tại sao ta không thừa dịp mà uống cho đã thèm? Thạch nói: - Thật tình tôi không biết uống rượu, tôi không khách sáo đâu. Cho tôi xin một ly cà phê là được rồi. Cả bàn quay sang nhìn Thạch, cái nhìn có vẻ thất vọng. Mọi người tưởng là chàng kiểu cách. Bác Đổng buộc boa cho bồi bàn rồi bảo mang đến hai chai champagne. Thạch không làm sao cãi được, đành uống một ly rồi đưa Ức San ra sàn nhảy.
Ức San có vẻ sành sỏi, nhảy với Thạch một cách nhẹ nhàng và uyển chuyển. Trong khi Thạch hơi kém tự nhiên. Không phải là chàng không biết nhảy mà bởi vì luôn luôn phải chạy đua với công việc, nên rất ít khi đến vũ trường. Đôi chân như cứng ra, phải một lúc lâu sau mới lấy lại được phong độ. Ức San thấp người hơn My Lập, nàng chỉ đứng ngang tai của Thạch. Vì vậy, lúc nói chuyện, chàng phải đưa người Ức San ra xa xa một chút, mới trông thấy được mặt nàng. - Về đến nhà bận quá! Có lẽ một ít lâu nữa mới rảnh rỗi để đi chơi được. San không buồn chứ? - Dạ, không, em biết chứ. Anh từ Mỹ trở về, đương nhiên anh giống như một ngọn đèn sáng. Ai cũng dành để chiêu đãi anh, anh phải bận rộn luôn. Em rất hãnh diện về điều đó. - Anh xa xứ đã quá lâu nên quên mất một số tập quán cũ, không hoà đồng được, nên mới có hai ngày mà đã mệt phờ. Mấy năm qua, anh sống một mình quen rồi. Anh thích yên tĩnh, anh chỉ muốn ở nhà gặp người này người kia để chuyện vãn thôi. - Dù gì thì chúng ta còn nhiều thời gian mà, bạn bè rồi sẽ không quấy rầy anh lâu đâu. - Chuyện đó thì anh biết. Thạch cảm thấy lúc nói chuyện với Ức San bằng thư từ thì hòa hợp hơn. Ức San là con một, đã quen thói được chiều chuộng, cuộc đời và việc học hành cũng đều suông sẻ. Mọi kinh nghiệm ở đời nếu có chỉ do báo chí và tiểu thuyết mang lại, Ức San giống như một con suối chảy từ núi cao êm ả, dịu dàng. Nàng không hề thắc mắc về những khó khăn của cuộc sống, hoàn toàn xa lạ với sự nghèo khổ. Thạch hỏi: - San có thường đi chơi không? - Dạ. Ức San ngước lên nhìn Thạch như dò hỏi. Thạch thấy San đẹp lại khéo trang điểm. Chàng nhớ lại cái thời mình còn đi học, các nữ sinh cao lắm là chỉ dám tô nhẹ một lớp son môi, chứ không giống như bây giờ. Bỗng nhiên chàng thấy nuối tiếc hình ảnh những cô gái đi học bằng xe đạp với tà áo đơn sơ. - San có thường khiêu vũ không? - Dạ, anh Đổng Chí Viễn thường đến rủ em đi nhảy, ngoài anh ấy ra, em không có đi chơi với ai hết. Ba mẹ anh cũng biết điều đó. Ức San nói như giải thích. Thạch cũng không hỏi thêm, chàng chỉ cảm thấy hơi áy náy. San sành sỏi hơn My Lập nhiều quá. Thạch thấy nuối tiếc cái hồn nhiên của My Lập, cái e ấp của người con gái mà chàng đã thiết tha. Vậy mà đến nước Mỹ có hai năm, tình yêu cũng đã mất. Lúc đó Thạch còn rất trẻ, chỉ là một thanh niên mới lớn, lại phải lăn ngay vào đời. Mùa hè năm đầu tiên, đã phải lái xe tải, mùa hè năm sau lại phải đi chăn bò cho một nông trại ở phương nam. Những tháng ngày gian khổ đó, khiến cho chàng thanh niên mới lớn vươn mình trưởng thành. Tình yêu mất, tuổi trẻ mất, cái ngang tàng cũng biến mất. Thạch nói như trấn an San: - Ồ! còn trẻ thì cũng nên đi chơi, tôi không hề có ý gì. Thế anh Đổng Chi Viễn hẳn cũng vui vẻ lắm chứ? - Vâng, anh ấy là một con người phóng khoáng, biết cách ăn chơi. Anh ấy bảo đã từng đi khắp nước Mỹ, ở đâu có cuộc vui là có anh ấy. Từ thành phố cờ bạc Las Vegas đến New York, Chicago, bãi biển Miami rồi Los Angeles anh ấy đều đi khắp. San nói với đôi mắt long lanh, như ca ngợi, rồi hỏi: - Những nơi đó chắc anh cũng đã đi qua cả? Thạch lắc đầu: - Chỉ một vài nơi, nhưng không phải để đi chơi mà để làm việc. Tôi đã làm đủ mọi thứ, từ các công việc ở nông trại, ở nhà hàng, đã từng lái xe hàng. Chuyện vui chơi ở Mỹ chỉ dành cho những người có tiền thôi.
Ức San như không để ý, hỏi tiếp: - Anh sống ở Chicago. Thế ở đấy có vui lắm không? Thạch liếc nhanh cả căn phòng rồi nói: - Cũng không khác ở đây mấy. Chàng đưa Ức San về bàn, vừa ngồi xuống đã nghe ban nhạc trỗi lên một bản kích động nhạc, tiếng trống dồn dập. Đổng Chí Viễn lập tức đứng dậy đưa tay về phía Ức San. San liếc nhanh về phía Thạch, khiến Thạch phải vội vã đứng dậy kéo ghế. Ức San theo Viễn ra piste nhẩy xong, Thạch mới ngồi xuống. Thiên Mỹ hướng về phía anh với nụ cười: Thạch có vẻ lịch sử một cách tây phương quá. Hiểu ý nụ cười của em, Thạch chỉ nhún vai. Mẹ của Ức San trông thấy thái độ của Thạch, đã quay qua nói chuyện với mẹ Thạch: - Ức San nhà chúng tôi, tuy đã tốt nghiệp đại học nhưng nó vẫn như một đứa con nít. Nó thích khiêu vũ, điệu gì cũng biết cả. Trong khi cháu Thiên Thạch nhà chị, không lớn hơn nó bao nhiêu, lại chững chạc như người lớn.
Bà Ái đã nói: - Tại chị không biết đấy chứ. Trước khi Thiên Thạch nó đi ra nước ngoài, nó còn trẻ con hơn nhiều, nó quậy dữ lắm, suốt ngày nó không có mặt ở nhà. Chị biết không năm nó học lớp mười hai... rồi quay sang Thiên Thạch, bà Ái hỏi - Thiên Thạch, bây giờ mẹ nói chuyện đó chắc không sao cả chứ? Rồi không đợi Thạch trả lời, bà quay sang mẹ của Ức San, nói: - Cái năm nó học lớp mười hai, không biết có chuyện gì nó hẹn với người ta xuống dốc cầu Doanh đánh lộn. Nó thì yếu đuối, đánh đâu có lại ai, bên kia thì lại dùng dao. Đây này, chị xem - và bà kéo bàn tay của Thạch lên cho cả bàn xem - Ở ngón tay cái của Thạch có một vết sẹo dài. Bà Ái nói tiếp: - Khi về đến nhà. Nó đâu dám kế lại cho tôi nghe. Cứ núp dưới nhà bếp nhờ Thiên Mỹ rửa hộ vết thường rồi băng bó. Vì làm không kỹ, bị nhiễm trùng, qua hôm sau nó sốt, phải nằm nhà hơn một tuần lễ... Vì vậy, khi nó đi nước ngoài, tôi nào có yên tâm, tôi bắt nó hứa là không được mua xe hơi, nó cũng hứa. Sau đấy có bạn bè họ sang Mỹ, quay về họ cho tôi biết có gặp Thiên Thạch, mà còn nói là bây giờ nó đã đổi khác, người lớn hẳn, chững chạc lắm tôi mới thấy yên tâm đấy. Bà Trần chợt chen vào: - Tôi nghĩ con Ức San nhà tôi, bao giờ ra nước ngoài, hẳn cũng sẽ biến thành người lớn. Rồi chợt quay sang Thiên Thạch, bà nói: - Cậu Thạch, cậu phải nhớ chăm sóc cho nó nhé? Thiên Thạch cười cười, rồi hướng mắt ra piste nhảy tìm Ức San. Âm nhạc đang cuồng loạn những thanh âm chói tai chát chúa, những thanh niên nam nữ đang ngả nghiêng giựt giựt theo tiếng nhạc. Hai tay thủy thủ Mỹ đang ngồi ở bàn bên cạnh cũng đang đưa mắt hau háu ngắm những cặp đùi non đang vật vã. Thạch đã nhìn thấy Ức San và Chí Viễn, cả hai đang nhảy ở rìa piste. San đang nhún nhảy, mặt ngước lên như đang say theo tiếng nhạc. Mái tóc ngắn xoay tròn... Thạch chợt thấy San thật xa lạ. Hoàn toàn khác hẳn với những ngôn từ trong những lá thư gởi sang Mỹ.
San vẫn quay cuồng trên piste nhảy, San là một phần tử của đám đông vui nhộn. Còn Thạch? Thạch chỉ là một người xa lạ, lạc lõng. Không phải bây giờ mà ngay lúc còn ở Mỹ, mỗi lần tham dự lễ lộc với bạn bè Thạch đã có cái cảm giác đó. Nhưng mà khi ấy là ở trên xứ người, một đất nước xa lạ chứ không phải là quê hương. Thạch đã không thắc mắc. Còn bây giờ đã về đây, đã đứng trên đất nước của mình, chung quanh là người thân, là bạn bè, là đồng bào. Thạch lại cảm thấy như mình lạc lõng. Ức San vẫn quay cuồng, Thiên Mỹ thì đang cười, cha mẹ thì đang nói chuyện dòn dã. Chỉ có chàng, phải chăng hơn mười năm đơn độc ở nước ngoài đã tạo cho Thạch cái cảm giác khó hòa đồng kia. Dù cho đang ở trong tình yêu của cha mẹ, bạn gái và người thân, Thạch vẫn không gỡ được cái vỏ sơ cứng cách biệt đó. Thạch như một cung đàn lạc điệu. Thạch không còn biết thế nào là vui, là hạnh phúc ư? - Anh Thạch này - Thiên Mỹ chợt vỗ nhẹ lên bàn tay của Thạch đang đặt trên bàn, nói. - Hay là em mời anh ra nhảy với em một bản nhé? Lời của Mỹ khiến Thạch giật mình quay về với thực tại. thì ra cái bản nhạc kích động đã chấm dứt. bây giờ là một bản nhạc êm dịu, một bài hát cũ trữ tình: "Buổi sáng chủ nhật buồn". Bản nhạc đã gợi trong đầu Thạch biết bao kỷ niệm. Đêm dạ vũ ở nhà một người bạn trên đường Trung Bắc Sơn... Có cả My Lập đến dự... Và Thiên Thạch đã đưa cô nàng về ký túc xá trong đêm trăng thật sáng... Hai người vừa đi vừa khe khẽ hát "Buổi sáng chủ nhật buồn..." Thạch yên lặng đưa Thiên Mỹ ra piste nhảy, mà đầu lại bâng quơ với những kỷ niệm xa xưa. - Anh Thạch, hôm nay em thấy anh làm sao ấy - Thiên Mỹ nói. - Bác Đổng đã có nhã ý đãi tiệc anh, anh phải thế nào chứ sao lại cứ lầm lì, làm người ta mất hứng như vậy? Thạch cười gượng: - Có lẽ vì anh không quen lắm với cái lối sống ồn ào này. Ồ, Thiên Mỹ, em nhảy thành thạo lắm đấy, em thường cùng chồng đi khiêu vũ lắm, có phải không? Thiên Mỹ lắc đầu: - Đâu có, đây chỉ là một điệu slow bình thường, còn những điệu hiện đại thì em chịu thua. À... Ức San nhảy giỏi quá, anh có thấy không? - Đúng, nghe nói cô ấy thường đi khiêu vũ với vợ chồng Đổng Chí Viễn đấy. - Em cũng nghe nói vậy - Thiên Mỹ nói - Mẹ bảo thấy anh về đây mẹ mới yên tâm. Anh phải biết là Đổng Chí Viễn, tuy tốt nghiệp ở Mỹ về, nhưng hắn cũng là một tay chơi lịch thiệp, biết cách chiều chuộng phụ nữ lắm. Ức San cũng có vẻ ái mộ hắn lắm đấy. Anh nên cẩn thận. - Cẩn thận à? Thiên Thạch lắc đầu - Chuyện đó tùy thuộc Ức San chứ... Anh về lần này cũng không phải vì chuyện Ức San đâu... Anh đã định về lâu rồi... Không phải chỉ vì nhớ nhà, mà vì đã chán nước Mỹ. có điều mỗi lần tính mỗi lần lại không thực hiện được, hết bị cái này đến cái kia cản trở. - Em hiểu điều ấy. Ngay cả chính em đây, chỉ ở Đài Nam thôi mà vẫn thấy nhớ Đài Bắc. À... Em định hỏi anh điều này nhé. Anh đã sống ở Mỹ bao nhiêu năm nay... đã di chuyển qua nhiều địa phương. Vậy mà sao... chẳng có gì mới. Ngay cả một người bạn gái cũng không có mà phải về cái xứ Đài Loan này mà tìm chứ? Cái "tại sao" mà Thiên Mỹ hỏi. Thạch nghĩ có viết cả quyển sách cũng chưa hẳn giải thích được. Những năm đầu ở nước Mỹ, phải bù đầu học. Một sinh viên ban văn, trình độ Anh ngữ lại kém... sang Mỹ cái đầu tiên là gì? Phải học. Học bất kể ngày đêm, rồi còn phải tìm việc làm để kiếm sống. Đâu có dư dả thời gian mà giao du với bạn bè? Mà cái đám bạn gái từ Đài Loan sang Mỹ đa số lại thực dụng, cái lý tưởng về một tình yêu cao cả trong sáng nào có ý nghĩa gì? Có lẽ lúc máy bay bay qua biển, họ đã đánh rớt vào lòng đại dương. Muốn làm quen, muốn bắt bồ với họ trước nhất phải có xe, phải rành chỗ nào vui nhộn, rồi còn phải có tiền. Tất cả những cái đó, Thạch đều không có, trong khi tương lai lại mịt mù... muốn có cái nón vuông của ông tiến sĩ, thì trước hết phải đội cái nón lưỡi trai của ông chủ nông trại đưa cho để che nắng hái trái cây... Hỏi trong điều kiện như vậy thì có cô nào mà thèm đến chứ? Có chăng chỉ là một thứ trở món của một vài cô lãng mạn. Họ thích cái dáng thư sinh yếu ớt của Thạch nhưng chỉ để thích thôi, mà có thích thì Thạch cũng chẳng có thì giờ đâu để đi chơi. Đến Mỹ mới hai năm, mà Thạch đã trơ cứng. Sau khi đậu được bằng MA (Thạc sĩ chưa vào viện nghiên cứu để làm luận án cho ph.D. Tiến sĩ). Thạch thử tập tành và một người bạn tên Huỳnh Tổ Đức đã giới thiệu cho chàng một cô bạn, thế là Thạch có bạn kiểu Blind Date. Bốn người cùng đi chơi. Cô bạn này cũng người Hoa, khá đẹp, có điều đẹp liêu trai kiểu phong kiến xưa. Mọi thứ quá ẻo lả, đòi hỏi phải chiều chuộng. Đi ăn cơm khách mà nhắc đôi đũa lên mà như không muốn nổi. Ăn xong, mọi người ra ngoài hí viên ngoài trời để xem phim. Đức và cô bạn gái ngồi phía trước, cả hai sôi nổi ôm ghì nhau. Trong khi Thạch và cô bạn gái mới quen ngồi sau, như hai thực thể xa lạ. Những hí viện ngoài trời này ở Mỹ có rất nhiều tiện lợi, vừa có thể xem hát, vừa có thể chuyện vãn tỏ tình tự do, chẳng ai quấy rầy. Có nhiều gia đình đông con, thường mang con ra đây, người lớn thì xem phim, trẻ con có thể tự do chạy nhảy đùa giỡn hay ngủ... Còn những tay độc thân, thì tùy cái tài tán tỉnh cũng có thể đến đấy cặp được bồ.
Cô bạn mà Thạch mới quen đó họ Tiêu, đã rụt rè hỏi Thạch: - Anh Tổ Đức nói anh vừa mới thi đậu, thế anh định làm gì không? Thạch đã thiệt thà: - Ồ chưa, tôi còn phải tiếp tục học, tôi phải lấy nốt cái bằng tiến sĩ. - Sao? Không phải anh vừa đậu tiến sĩ à? Và đột ngột, cô gái đổi ngay thái độ, cô ấy trở thành pho tượng đá. Một lúc sau, cô ta chồm tới trước nói: - Anh Tổ Đức này, sao tôi nhức đầu quá, anh làm ơn lái xe đưa tôi về trước, có được không? -... Ồ, anh Thạch, anh làm gì mà ngẩn ngơ thở dài như vậy. - Tiếng cười của Thiên Mỹ làm Thạch choàng tỉnh - Hỏi anh ba, bốn câu mà chẳng nghe anh trả lời chi cả. Hay là anh không thích khiêu vũ? Anh chẳng có một tí gì phấn khởi hết. Bàn tay của Mỹ trên vai Thạch lay mạnh. - Lần này về quê hương, mà em thấy anh buồn buồn làm sao ấy. - À, Thạch gượng cười - Cũng tại vì câu hỏi ban nãy của em đây. Em khiến cho anh nhớ đến bao nhiêu thứ khác. - Anh chưa trả lời em. - Trả lời thì cũng được, nhưng chưa phải lúc, không gian cũng không thích hợp... Dần dần rồi anh sẽ kể hết cho em nghe.