Chỉ mục bài viết |
---|
Chiều Luxembourg |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Trang 9 |
Trang 10 |
Trang 11 |
Trang 12 |
Trang 13 |
Trang 14 |
Trang 15 |
Trang 16 |
Trang 17 |
Tất cả các trang |
Vì thế, dù không nuôi dạy được các con, không chăm sóc được chúng hằng ngày nhưng lòng tôi lúc nào cũng nghĩ đến chúng. Giờ đây, tôi chỉ ước mong các con hiểu được phần nào lòng mẹ. Nhưng qua cách nói chuyện của Hương Ly, qua cách xử sự của nó với gia đình bên ngoại, tôi thấy hẫng và rất buồn.
Còn cháu Hùng thì tôi không thể có cách gì để tiếp cận được cả. Hùng đã tốt nghiệp phổ thông trung học nhưng không thi đỗ đại học. Thực lòng, tôi rất muốn Lâm đồng ý để cho tôi được phép đón cháu Hùng sang Pháp, lo cho tương lai của cháu. Nhưng Lâm là một người đàn ông quá cứng. Lâm đã không chấp nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào của tôi. Mấy năm gần đây, tôi suy nghĩ rất nhiều. Thương con, tôi đã nhờ người giúp đỡ nhưng không được. Lâm từ chối mọi cuộc tiếp xúc. Cháu Hùng lại xa tôi từ bé nên đâu có hiểu được lòng mẹ. Nhiều lúc tôi cảm thấy thật đau xót khi nghĩ đến con nhưng đành bất lực.
Tôi từng sống nhiều năm ở Pháp, tôi thấy ở Pháp có những điểm cho tôi đáng suy nghĩ. Khi hai vợ chồng cảm thấy không thể sống với nhau được nữa, họ chia tay nhau nhưng cả hai đều giữ tình cảm với con cái và có trách nhiệm với chúng. Nếu một hoặc nhiều đứa con sống với mẹ thì những kỳ nghỉ ngắn hoặc dài ngày, bố chúng lại đón chúng về bên nhà bố chúng chơi, cho đi nghỉ hè, và ngược lại.
Khi không may, con cái ốm đau hay có việc gì gay cấn về học hành, hai vợ chồng lại gặp nhau và cùng trao đổi những thứ cần thiết phải làm đối với con cái. Dù không còn sống với nhau, họ vẫn cùng đến dự buổi họp phụ huynh học sinh do trường hay lớp con học tổ chức. Tất nhiên, cũng có những cặp vợ chồng ly dị trở nên ghét nhau, nhưng số đó thật ít ỏi. Có phải, cái cơ bản là vì con, vì cuộc sống và tương lai hạnh phúc của con mà họ đã sẵn sàng bỏ qua những chuyện giữa hai vợ chồng để làm cho cái hố ngăn cách giữa họ không sâu thêm, không rộng thêm?
Ở Việt Nam ta, khi vợ chồng đã bỏ nhau, không hiếm đôi không còn muốn nhìn thấy mặt nhau. Cũng có khi lại là do người vợ hay người chồng mới không muốn cho chồng hay vợ mình gặp lại "người cũ". Có lẽ trong họ, cái sự cho rằng "tình cũ không rủ cũng đến" vẫn luôn ngự trị chăng?
Tôi cũng không nằm ngoài cái điều không đáng có ấy. Không làm được gì hơn, tôi đành cho đó là số phận. Và đã là số phận thì phải đành chấp nhận thôi nhưng đôi khi tôi vẫn tự hỏi liệu ta có thể thay đổi được số phận?
Khánh vẫn tiếp tục bỏ nhà ra đi vào ngày nghỉ hằng tuần. Những ngày làm việc thì tỏ ra mệt mỏi và chán chường. Anh là người chăm chỉ và ham làm việc, bỗng chốc như vậy, chắc hẳn phải có lý do?
Kể từ khi ở Việt Nam có dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), làm một số người chết, các nhà hàng ăn uống Việt Nam ở Pháp nói chung và ở Paris nói riêng trở nên ế ẩm hơn.
Đặc biệt từ một năm trở lại đây, khi dịch cúm gia cầm trở thành nạn dịch không chỉ ở các nước Châu Á mà còn lan sang các nước châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, khách hàng cảnh giác với các nhà hàng châu Á, đặc biệt là các nhà hàng Việt Nam. Vì thế thu nhập của các nhà hàng ăn uống Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc làm ăn thất bát đã đến hồi báo động.
Tuy nhiên tôi nghĩ, chúng tôi cũng nằm trong hoàn cảnh chung. Nếu biết dàn xếp "thuận vợ thuận chồng" thì mọi việc cũng sẽ trôi chảy. Như người đời thường vẫn nói, sông có khúc, người có lúc, rằng hết mưa thì nắng hửng lên thôi. Tôi trải qua nhiều bất trắc trong cuộc đời nên đã hiểu thế nào là hạnh phúc.
Nhưng khổ cho cái thân tôi, lúc mình ý thức được điều đó thì lại cảm thấy hạnh phúc thật mong manh, có muốn giữ cũng thấy thật là khó. Một người bạn thân của tôi đã có lần rỉ tai tôi nói: "Người chồng bao giờ cũng sợ người vợ thứ nhất, còn người vợ lại sợ người chồng thứ hai". Tôi lại không cho là thế. Tôi bảo thủ chăng ? Không ! Tôi không cho là sợ mà nể thì đúng hơn. Mà đã là vợ chồng sống với nhau, nếu một trong hai người thấy sợ người kia thì cuộc sống đâu còn hạnh phúc.
Tôi vẫn yêu, mến và nể Khánh mặc dầu về sau biết Khánh ít tuổi hơn tôi nhiều. Tôi hiểu những phẩm chất mà Khánh có. Tôi vẫn thừa nhận rằng những người ít học không hẳn là những người kém cỏi, bởi vì ở họ còn có vốn sống và sự hiểu xã hội. Tuy nhiên là hai vợ chồng, sự chênh lệch nhiều về tuổi tác cộng với khoản cách quá lớn về trình độ, nhất là vợ "hơn" chồng, cũng làm cho cuộc sống gia đình khó có hạnh phúc trọn vẹn. Người chồng sẽ sống trong mặc cảm, mặc dầu người vợ cố tránh nói đến những điều ấy. Hiểu Khánh và tôi cũng hiểu mình hơn. Con người không thể cưỡng lại được thời gian. Người phụ nữ dù đẹp đến mấy cũng sẽ đến lúc "tàn" như bông hoa, có thông minh đến mấy cũng có lúc nhầm lẫn.
Thường ngày, tôi và Khánh phải làm việc từ sáng cho đến tối ở nhà hàng, chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Trong điều kiện đó, cháu Ngọc phải tự giác học hành, cũng may cháu có tính tự lập từ khi còn nhỏ. Ngọc chín chắn so với tuổi đồng thời lại ngoan và học giỏi. Điều đó cũng an ủi tôi nhiều. Giờ đây, tôi chỉ biết dồn hết tâm sức cho Ngọc mà thôi.
Mỗi tuần chỉ có ngày chủ nhật là gia đình sum họp. Trước đây tôi chỉ mong chóng đến ngày đó vì sau một tuần làm việc mệt nhọc, tôi được cùng chồng con ngủ dậy muộn, buổi chiều đi dạo chơi vườn hoa. Tôi thèm những buổi chiều chủ nhật, thời tiết đẹp, đi tha thẩn trên những lối nhỏ công viên, nhìn những chú chim trên cao sà xuống lòng bàn tay khi ta để mồi vào đó. Tôi khao khát, khi trời ấm áp, được ngã lưng trên chiếc ghế cạnh bờ hồ trong công viên, lim dim mắt mơ màng nghĩ về một điều gì đó hay đọc một cuốn sách hay.
Khánh không thích như vậy, nhưng chìu tôi và con nên anh ấy đi cùng. Khi tôi kể cho Khánh và con nghe về một câu chuyện gì đó, hay về một loài hoa, một loài chim…, dù chẳng quan tâm lắm, Khánh cũng đã từng chăm chú lắng nghe.
Nhưng giờ đây, cảnh đó còn đâu nữa. Cứ mỗi sáng chủ nhật, sau khi ngủ dậy là Khánh đi. Dường như không dằn long được nữa, tôi bổng hỏi anh, và anh dấm dẳng đáp:
- Anh lại đi nữa à ?
- Ừ !
- Anh có thể ở nhà được không ? Hôm nay có việc rất cần đến anh.
- Không !
- Anh đi đâu mà chủ nhật nào cũng vắng nhà ?
- Đi có việc.
- Anh có hẹn à ?
- Ừ !
- Anh có thể cho tôi biết anh đi đâu được không ?
- Không cần biết !
Nghe đến đó tôi không còn bình tĩnh được nữa, tôi nói to lên:
- Anh có còn coi tôi là vợ anh nữa không mà đối xử với tôi như vậy ? Hàng mấy tháng nay rồi, anh cứ ra đi mà chẳng một lời giải thích. Khi hỏi anh lại trả lời dấm dẳng. Tôi không chịu được nữa. Lành làm gáo, vỡ làm môi ! Anh cứ tiếp tục như vậy, quan hệ giữa chúng ta sẽ ảnh hưởng đến việc giáo dục con.
- Vậy cô tưỡng cô tốt đẹp lắm sao ?
- Chẳng gì thì từ ngày lấy anh, tôi cũng chỉ biết chăm lo cho gia đình và con cái, không còn nghĩ gì đến mình nữa. Còn anh, anh đã làm được gì nào ?
- Thế còn cái quá khứ tốt đẹp của cô ? Nó sẽ ảnh hưỡng tốt đến con chắc ?
Đến nước này tôi không thể chịu nỗi nữa. Tôi cảm thấy bị xúc phạm. Từ trước đến nay, Khánh có bao giờ đụng chạm đến quá khứ của tôi đâu. Điều gì bí ẩn trong Khánh đã dẫn anh tới những lời nói như vậy. Tôi hoài nghi… Và tôi đã gào lên, giữ lấy cửa, không để cho Khánh ra đi như mọi lần:
- Anh mà cũng nói vậy sao ? Tôi đã làm gì ảnh hưởng đến anh, đến con ? Đã làm gì ? Anh nói ngay đi !
Và thế là Khánh tuôn ra câu nói đó, câu nói đã dày vò lòng tôi suốt cả tuần nay. "Đồ đĩ !" Bên tai tôi luôn văng vẳng hai tiếng đó. Giá như người khác nói thì tôi đã chẳng quan tâm. Nhưng hai tiếng khốn nạn đó lại phát ra từ miệng Khánh, người tôi đã yêu thương hết lòng và nguyện chung sống cho đến hết đời mình.
Nếu như trước đây, với Nam hay với Lâm, thường có chuyện gì xảy ra giữa hai vợ chồng, tôi đều muốn được giải quyết ngay. Nhưng nay, tôi linh cảm thấy mọi nỗ lực của tôi đều vô nghĩa. Khánh dường như không chịu nghe tôi giải bày hay ca thán. Mỗi lần có gì không bằng lòng, tôi có lỡ to tiếng là anh bỏ đi. Nhưng lần này, anh đã bỏ đi sau khi sỉ nhục tôi, là điều tôi không thể chấp nhận được.
Từ một tuần nay, tôi chẳng nói nỗi lời nào cùng Khánh. Và Khánh cũng tỏ ra bất cần rồi lại tiếp tục vắng nhà ngày càng nhiều hơn. Tôi đau khổ đến tột cùng
Đã có lúc, tôi nghĩ đến cái chết. Chết cho xong đi một đời người nhưng tôi đã không thể. Người níu giữ tôi lúc này lại là bé Ngọc. Con tôi đã có tội tình gì mà phải sống tiếp cuộc đời mồ côi mẹ ? Đã bao lần cầm nắm thuốc ngủ ở tay rồi tôi lại vứt đi. Nỗi yêu thương con dằn vặt lòng tôi. Con còn bé dại. Mới chưa đầy mười hai tuổi, Ngọc đã đủ khôn lớn đâu. Tôi tự nhủ mình, thôi cố gắng chịu đựng. Tôi không còn mẹ nên tôi hiểu lắm nỗi đau mất mẹ. Tôi không còn mẹ khi tóc tôi đã phần nào điểm bạc mà vẫn thấy khát thèm tình mẫu tử, huống gì con tôi mới ở tuổi niên thiếu !
Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến những phút giây cuối đời của mẹ, tôi đã không thể về được bên mẹ, lòng tôi rỉ máu. Ngày đó cách đây hơn mười hai năm rồi. Chị tôi báo cho tôi cái tin đau đớn là mẹ ốm nặng, rất muốn gặp tôi bởi tôi xa mẹ, xa quê hương, gia đình, bạn bè, đất nước cho đến lúc ấy đã bốn năm rồi ( hai năm ở Canada cộng với hai năm ở Pháp ). Ngày tôi quyết định ở lại xứ người và sống lang thang, mẹ tôi buồn lắm. Nỗi buồn vì tôi chia tay Nam chưa nguôi đã tiếp đến nỗi đau vì tôi ở lại xứ người bởi cuộc sống của tôi và Lâm không hạnh phúc. Mẹ tôi là người phụ nữ nhân hậu, sống có tâm nên rất đau khổ khi biết cả hai cháu Hương Ly và Hùng đều không được sống cùng mẹ mình. Có lẽ, mẹ tôi đã ước ao được nhìn thấy đứa con gái út bướng bỉnh, gàn dỡ và cạn nghĩ trước khi từ giả cõi đời.
Nhận được tin mẹ ốm nặng, mẹ rất muốn gặp tôi, tôi tức tốc bằng mọi cách làm giấy tờ để xin về nước, nhưng tôi đã không thể. Trong tay tôi lúc đó chưa có một giấy tờ gì hợp pháp cả. Nếu tôi về nước, tôi sẽ không sang trở lại Pháp được. Lúc đó tôi lại đang mang thai cháu Ngọc. Vậy là vì giấy tờ và vì cái thai trong bụng, tôi đã đành có lỗi với mẹ tôi, người mà tôi luôn thương yêu. Tôi biết lỗi đó chẳng bao giờ tha thứ được. Tôi khóc rất nhiều, mong rằng mẹ có thể thấu hiểu cho tôi phần nào. Tôi biết mình sống như vậy là ích kỷ, là tàn nhẫn nhưng tôi nghĩ rằng nếu tôi về nước và ở lại vào những năm đó, cuộc sống của tôi cũng chẳng có tiền đồ nào cả. Rồi Lâm sẽ đối xử với tôi ra sao, nhất là khi tôi lại có thai ? Rồi tình yêu với Khánh sẽ như thế nào ? Khánh thì nhất định không trở về Việt Nam để sinh sống nữa.
Tôi biết cách xử sự của tôi làm mẹ tôi giân và thất vọng lắm. Tôi cũng hiểu rằng nghĩa tử là nghĩa tận. Đối với một người không máu mủ, ruột rà, người ta còn nghĩ được như vậy, huống gì người sắp ra đi ấy là người mẹ từng mang nặng đẻ đau mình.