Hắn mở to mắt nhìn Triển Mộng Bạch, nhưng thân hình lăn lông lốc, lăn mãi đến tường, trèo qua bên tường, thoát đi ra ngoài. Hắn còn kinh hoảng thấy rõ. Triển Mộng Bạch sững sờ, chẳng hiểu chi cả. Vừa lúc đó, một giọng già vang lên oang oang, đầy căm phẫn: - Nghiệt chướng! ... Ngươi chạy đi đâu chứ? ... Trong bóng tối mờ mờ chàng thấy một lão nhân, râu rối loạn, tay vịn bàn, tựa mình cạnh một chiếc giường. Lão nhân chớp chớp đôi mắt, hung quang bắn sáng ngời, như đôi mắt một sư tử bị thương. Lão hét xong, lại ngã xuống giường, tay bóp mạnh, mép bàn vỡ vụn. Triển Mộng Bạch nhận ra đôi chân lão cụt đến háng. Một lượt vải bọc bên ngoài vết thương, chưa mở ra, chứng tỏ vết thương không lâu lắm. Một bằng cớ cho vết thương còn mới là máu hơi rỉ ra ngoài lớp vải. Động lòng trắc ẩn, trước bất cứ hoạn họa của con người, bất chấp nguyên nhân của hoạn họa, Triển Mộng Bạch thở dài. Thiếu niên kia chưa đi, hắn còn ở bên ngoài tường, hắn ló đầu lên, quát lớn: - Lão già chưa chết kia, lão đuổi theo thiếu gia được chăng? Ha ha! Lão trúng phải Tình Nhân Tiễn, liệu còn sống được bao lâu nữa mà hòng hăm dọa tôi chứ? Nếu lão không nạp mạng cho tôi, thì vô phúc cho lão đấy. Nghe lời tôi đi, tôi sẽ lo hậu sự cho! Nếu không thì xác lão không ai chôn, rất có thể làm mồi cho chó hoang lắm! Triển Mộng Bạch cau mày, bất nhẫn vô cùng. Lão nhân bỗng hét lên một tiếng lớn, vung mạnh bàn tay. Một đạo ngân quang từ tay lão vút đi, xuyên qua cửa sổ, bay thẳng đến thiếu niên ở đầu tường. Thiếu niên hấp tấp thụp đầu xuống, đúng lúc đạo ngân quang bay ngang bên trên rít gió một tiếng vù. Ngân quang còn mạnh đà, bay luôn đi xa hơn trượng nữa, rồi một tiếng cộc vang lên, ngân quang cắm phập vào thân một cây liễu. Triển Mộng Bạch sợ thầm. Lão nhân đã bị tiện đôi chân, vết thương chưa lành, sức khỏe phải kém giảm, vậy mà vẫn còn công lực phi thường phóng một mũi chủy thủ rất mạnh, đi rất xa. Chủy thủ vút đi, như một mũi tên, quả thật người phóng được một ám khí mạnh như vậy, hắn phải là tay phi phàm. Thiếu niên lại thò đầu lên, cười lạnh: - Lão liệu phóng trúng tôi chăng? Bỗng, lão nhân ấn tay xuống mép giường. Bàn tay vừa ấn xuống, thân hình lão bay vút qua cửa sổ. Thiếu niên biến sắc, không dám nói gì nữa, phóng chân chạy đi, nhưng hắn cần gì phải chạy? Lão nhân ra đến bên ngoài, công lực gián đoạn, lão rơi xuống đất. Lão liền miệng mắng: - Súc sanh! Ngươi trốn ... ngươi trốn ... Hai bàn tay lão sờ soạng khắp mặt đất, gặp đá chụp đá, gặp sỏi chụp sỏi, gặp vật gì, chụp vật đó, vừa chụp, vừa quăng qua tường, vừa nhoài nhoài tới, nhưng dù lão cố gắng cách nào, cũng chẳng làm sao vọt lên đầu tường nổi. Triển Mộng Bạch dặng hắng một tiếng, gọi: - Lão trượng ... Lão nhân cụt chân ngẩng mặt lên, đôi mắt của lão đỏ ngầu, những đường gân phồng máu nổi lên chằng chịt. Lão có thần sắc đáng sợ. Nhưng, Triển Mộng Bạch lại thương cảm cho lão vô cùng, buột miệng thở dài, từ từ bước tới gần lão, tiếp: - Lão trượng nên về phòng nghỉ là hơn. Nếu cần, tại hạ sẵn sàng dìu lão trượng. Lão nhân cụt chân hét to: - Ngươi là ai? Đi! Đi mau đừng lại gần ta! Lão quào hai tay xuống mặt đất, như đôi chân hổ sắp sửa vồ mồi. Triển Mộng Bạch thở dài, cười khổ: - Do hảo ý, tại hạ khuyên lão trượng như vậy đó, chứ chẳng làm gì thiệt hại đến lão trượng đâu! Lão nhân cụt chân bật cười cuồng dại: - Hảo ý! Hảo ý! ... Hừ! ... Chứ chẳng phải là ngươi dòm ngó cái vật của ta? Ngươi có khác gì gã súc sanh kia đâu? Ngươi định lừa ta à? Ta nói thật, nếu ngươi nhích tới một bước nữa, dù mất đôi chân, ta vẫn có thể giết ngươi như thường! Triển Mộng Bạch nổi giận, nhướng cao đôi mày: - Bất quá, tại hạ thấy lão trượng niên kỷ cao lại tàn phế, động lòng trắc ẩn, muốn làm một cái gì giúp lão trượng ... Chàng sôi giận cực độ, không còn nói tiếp được một tiếng nào nữa, mà chàng cũng chẳng muốn nói thêm gì, quay mình bỏ đi. Lão nhân đấm tay xuống đất bịch bịch, hét vang: - Ai cần ngươi thương xót? Ai mượn ngươi động lòng trắc ẩn? Cút! Cút gấp cho khỏi bẩn mắt ta! Âm thinh của lão đượm bi thương lẫn căm hờn, lão nhìn theo bóng Triển Mộng Bạch, khi càng khuất dạng rồi, đôi mắt lão bừng sáng lên. Không phải nhãn quang của lão, mà là màn lệ vừa giăng mắt. Chính màn lệ đó chiếu ngời ... Lão nhìn xuống đôi chân cụt. Tâm não của lão vẫn y nguyên, dù ai muốn làm cho tâm não đó cụt như đôi chân, cũng chẳng được. Song, ai muốn làm như thế, cũng chẳng cần phải làm, bởi tâm não của lão hiện giờ, nát bấy như ruột dưa thúi. Lão thống khổ vô cùng. Lão dùng tay, từ từ đưa nửa thân hình trở lại phòng. Bỗng lão gọi: - Người trẻ tuổi kia, trở lại đây! Thiếu niên đã gây sự với lão, hay Triển Mộng Bạch? Và, Triển Mộng Bạch có nghe chăng? Chàng biết rõ, Tiêu Tam phu nhân tỉnh giấc rồi, tỉnh giấc vì bao nhiêu tiếng động vừa qua, chàng bước vào. Phu nhân lẩm nhẩm: - Ai thế? Ai thế? Rồi bà hỏi chàng: - Ai gọi ngươi? Triển Mộng Bạch đáp: - Một lão nhân tàn phế. Chàng toan thuật sơ lược sự tình từ đầu đến cuối cho phu nhân nghe, song phu nhân khẽ mở nửa mắt, ánh mắt của bà lờ đờ như nhọc mệt vô cùng, bà bảo: - Đến với lão ấy, xem sao, ta còn muốn ngủ một lúc nữa! Bà có vẻ không hề lưu ý đến bất cứ sự việc gì, như vậy chàng còn thuật chuyện làm chi? Chàng trầm ngâm một lúc, rồi bước sang gian nhà của lão nhân cụt chân. Chàng đến đó, với niềm phẫn hận phi thường, song gặp lão nhân rồi, chàng thấy không nỡ đối xử cứng rắn với lão. Chàng thở dài, hỏi: - Lão trượng gọi tại hạ? Lão nhân cụt chân lết đến chiếc giường, ngồi xong, nhìn Triển Mộng Bạch, chăm chú như tên đồ tể quan sát một con heo trước khi ngã giá. Lâu lắm, lão vẫy tay: - Lại đây! Giờ đây, khí giận đã lắng dịu rồi, thần sắc trang nghiêm trở lại, lão nhân hầu như đã khôi phục bình thường. Trong phòng, có một chiếc bàn, trên mặt bàn, có nhiều lọ thuốc. Bàn đặt không xa một chiếc giường, nơi đầu giường có một chiếc bao bố màu vàng. Trong bao có những vật gì? Bao đặt tại đầu giường, hẳn những vật trong bao phải quý. Có quý lão nhân mới trân trọng đặt cạnh đầu nằm như thế. Lão nhân cụt chân nhìn Triển Mộng Bạch, một lúc, hỏi: - Ngươi có học võ? Triển Mộng Bạch gật đầu. Lão nhân lại hỏi: - Ngươi có nhận ra ta chăng? Triển Mộng Bạch lắc đầu. Lão nhân chớp mắt. Ánh mắt của lão bừng sáng lên. Lão thốt: - Đã học võ, lại mang tang phục, tất thân nhân bị kẻ thù hãm hại. Có kẻ thù tất phải nghĩ đến việc báo thù. Ngươi có muốn tay truyền cho ngươi một vài tuyệt kỹ giúp ngươi phục thù chăng? Triển Mộng Bạch nín lặng, không thốt tiếng nào. Lão nhân bất thình lình đánh tay ra. Chiêu đó, rất bình thường nhưng cái thế đánh ra của lão làm cho Triển Mộng Bạch giật mình. Bởi, lão đánh tay xuống, sao lại hướng lên? Lúc xuất thủ, lão nhắm bên tả, sao tay lại chuyển sang hữu? Tay đưa ra, tay chưa tới, ý đã đổi rồi, mà tay dù nghịch chiều, tay vẫn xoay về theo cái ý. Cho nên, nhìn theo tay mà xuất chiêu hóa giải, là cầm chắc bị hạ ngay, muốn khỏi bị, phải đoán được cái ý của lão nhân. Cái ý của một người, có ai đoán được? Ai dám chắc mình đoán trúng cái ý của một người? Huống chi, cái giá của cuộc ức đoán này, mang với sanh mạng một con người? Ai dám đem sanh mạng để thực nghiệm một sự ức đoán? Chiêu thức của lão nhân đánh ra, xem thì bình thường, song nó hàm ẩn một huyền cơ. Đã là huyền cơ, đương nhiên phải ảo diệu vô lường. Nhìn thần sắc Triển Mộng Bạch, lão nhân cụt chân cười nhẹ, thốt: - Nếu ngay từ bây giờ, ngươi thu xếp cách nào, đưa ta về Hàng Châu, ta sẽ đền ơn ngươi bằng ba chiêu tuyệt học. Vô luận cừu nhân của ngươi là ai, với ba chiêu đó, ngươi đánh ngã như thường. Triển Mộng Bạch điềm nhiên: - Tại hạ có thể thuê cho lão trượng một cỗ xe, đưa lão trượng đến đó. Lão nhân cụt chân lắc đầu: - Nếu chỉ có việc thuê xe, thì ta có cần gì nhờ đến ngươi? Ta muốn chính ngươi cõng ta. Dọc đường, nếu gặp cừu nhân, dù ta đã mất đôi chân, ta vẫn đánh lui bất cứ ai ngăn chận lối đi được như thường. Nhất định không một ai làm gì thương tổn đến ngươi nổi. Lão dừng lại một chút, đoạn tiếp: - Nếu ngươi làm được việc đó, chẳng những ta ... Triển Mộng Bạch chận lời: - Tại hạ bận việc! Lão nhân cụt chân biến sắc mặt. Niềm phẫn nộ chợt hiện, lão quát: - Ngươi đúng là một kẻ bất thức thời vụ! Ta có ý tốt với ngươi, ngươi lại từ khước cái ý tốt đó! Bình sanh, ta không hề cầu xin nơi ai, hôm nay ... Triển Mộng Bạch cũng sôi giận, nhướng cao đôi mày, đáp: - Lão trượng bình sanh có cầu xin nơi ai hay không cầu xin, điều đó chẳng liên quan gì đến tại hạ. Hiện tại, trong phòng tại hạ có một người bịnh, tại hạ làm sao bỏ người đó lại đây để đưa lão đến Hàng Châu? Rồi chàng thở dài, tiếp: - Hà huống, tại hạ phát nguyện, trọn đời không hề bước chân vào nhà Tần Sấu Ông! Lão nhân cụt chân biến sắc hơn, run run giọng hỏi: - Tại sao ngươi biết ta đến Hàng Châu để tìm Tần Sấu Ông? Triển Mộng Bạch điềm nhiên: - Lão trượng trúng phải Tình nhân Tiễn, tuy đôi chân trúng tiễn đã bị cắt đứt rồi, dư độc vẫn còn trong người. Cắt đứt chân, là trừ bớt độc, sống thêm một thời gian, dư độc còn lại sẽ hại dần hại mòn lão trượng, cuối cùng rồi cũng chết vì độc. Lão trượng hẳn muốn giải trừ dư độc, và ngoài Tần Sấu Ông, còn ai làm được? Nhắc đến Tần Sấu Ông, chàng không kềm nổi uất hận, đôi mày cau lại, ánh mắt rực đỏ lửa căm hờn. Ngờ đâu, lão nhân bật cười cuồng dại, thốt: - Ngươi thông minh thật, song kẻ nào thông minh đến đâu, cũng có lúc đoán sai! Triển Mộng Bạch sững sờ. Lão nhân ngẩng mặt nhìn lên, niềm bi phẫn hiện trong ánh mắt. Một lúc lâu, lão gằn từng tiếng: - Ta suốt đời tung hoành trong thiên hạ, trải qua bao nhiêu gian khổ, tạo được một chút thanh danh, kể ra sống cũng quá nhiều rồi, bây giờ lại tàn phế, như vậy ta còn luyến tiếc chi mà phải cầu sự sống nơi lão tục thúi đó? Nghe lão nhân phê bình Tần Sấu Ông là lão tục thúi, Triển Mộng Bạch rất đồng tình. Chàng căm hận, phụ họa: - Con người, đúng là một phàm phu tục tử lại hung tàn, ác độc, lại quá giảo quyệt gian manh, giả như mà tại hạ có trúng phải Tình nhân Tiễn, chết thì chịu chứ chẳng hề van xin đến lão nửa lời! Chàng là người cương trực, nghĩ sao là nói vậy, nói sao là làm vậy. Cái cảm nghĩ vừa hiện trong tâm tư là hình thành ngay nơi mặt. Mà lão nhân cụt chân chừng như cũng đồng một quan niệm với chàng về cái lối xử sự. Thà gãy, chứ chẳng bao giờ chịu uốn cong. Chàng thấy tuyệt kỹ của lão, chàng nghe lão đề nghị, kể ra cũng phải ham chứ! Song chàng không thể bỏ rơi bịnh nhân, chạy theo cái lợi cho chàng. Đành rằng cái lợi đó, nằm trong khuôn khổ hiếu đạo, báo thù cho cha cũng là một hình thức làm tròn hiếu đạo. Song chàng không làm. Dù chàng có làm, Tiêu Tam phu nhân cũng chẳng trách được chàng, mà người trong giang hồ cũng chẳng trách được chàng. Bởi, là con người, ai không cha? Có chết ai lại bỏ cha? Cha sống, phải phụng dưỡng, cha chết tức, chết vì thù, ai lại không nuôi chí báo phụ cừu? Không, không ai trách được chàng nếu chàng bỏ rơi Tiêu Tam phu nhân, chạy theo lão nhân cụt chân. Lão nhân có vẻ tán thưởng thái độ của chàng. Thần sắc của lão hòa dịu trở lại, lão tiếp: - Ta đến Hàng Châu, không ngoài mục đích tìm một người. Bịnh nhân ở trong phòng của ngươi đó, là ai? Nếu bịnh tình mà không nặng lắm, ngươi có thể vắng săn sóc một vài ngày. Ngươi nghĩ lại đi. Ngươi đưa ta đến Hàng Châu rồi, ngươi sẽ trở lại đây. Triển Mộng Bạch thở dài: - Người bịnh trong phòng kia, đối với tại hạ, bất quá từ sự tương phùng bèo nước mà thành giao hữu, tuy chưa có gì đậm đà, song cũng không thể vì chỗ sơ giao, nghĩa còn đạm bạc mà bỏ đi cho đành khi người ta cần đến mình rất nhiều. Giả như tại hạ bỏ đi theo lão trượng thì ... chỉ sợ ... Chàng còn lòng nào dám kết luận? Một kết luận do tưởng tượng, vẫn bi đát như thường. Chàng nỡ nào nói lên kết luận đó? Tuy nhiên, chàng có thể tiếp một câu: - Bịnh đã trở thành bất trị, lão trượng ... Lão nhân cụt chân lẩm nhẩm: - Bịnh bất trị! Hừ! ... Ta đây, có khác chi người đó? Cũng bịnh bất trị! Nhưng nếu ta không làm xong cái việc ủy thác của một người thì làm sao ta yên tâm nhắm mắt? Lão thở dài. Rồi lão lẩm nhẩm rất nhỏ, Triển Mộng Bạch chỉ thấy môi lão mấp máy, chứ không nghe được gì. Chàng thốt: - Tuy hiện tại, tại hạ không làm được hữu ích cho lão trương, song tại hạ là người sanh trưởng tại Hàng Châu, lão trượng muốn tìm ai ở địa phương đó? Xin lão trượng cho tại hạ hiểu, biết đâu người đó lại chẳng ở trong vòng thân mật? Lão nhân đáp: - Bình sanh, ta không thân nhân, không bằng hữu. Người đó đối với ta, bất quá chỉ có cái duyên gặp gỡ trong một lần. Tuy giao tình đơn bạc như vậy, song nếu ta chết đi mà không được gặp lại người đó, thì ta ôm hận mãi mãi nơi tuyền đài! Lão thở ra, tiếp nối: - Chết đi, mà không thấy được mặt người đó, ta chết làm sao yên? Triển Mộng Bạch lấy làm lạ, hỏi dồn: - Người đó là ai, hở lão trượng? Lão nhân buông từng tiếng, nặng nề: - Thủ lãnh Nhân Nghĩa??? Hiệp, họ Triển, tên Hóa Vũ! Triển Mộng Bạch như hứng sét nổ ngang đầu. Chàng lùi nhanh một bước, thở gấp: - Lão trượng tìm người đó để làm gì? Lão nhân cụt chân thở dài: - Ta muốn cho lão ấy biết độc chất của Tình nhân Tiễn, lão truy cứu căn nguyên, tìm giải dược, giúp người đời khỏi bị chết oan, đồng thời hoạch định phương sách diệt trừ một mối họa. Ta đem trọ sở học bình sanh truyền cho lão ta, nhờ lão tìm hộ ta một đệ tử, lão đem sở học của ta truyền thọ lại cho người đệ tử đó, như vậy chẳng khác nào ta gián tiếp thu nhận môn đồ, bất quá qua trung gian của lão thôi. Và như vậy, môn phong của ta không tiêu diệt. Lão ấy, tài thì chẳng cao cho lắm, song tánh khí thì dũng cảm, mãnh liệt hơn người, lão lại gìn nhân, trọng nghĩa, lão có đúng tư cách một hiệp sĩ. Trong thiên hạ võ lâm ngày nay, chỉ có một lão ta, là làm cho ta thỏa mãn mà thôi! Lão thở ra mấy lượt, lắc đầu mấy lượt, đoạn lẩm nhẩm: - Trong võ lâm ngày nay, sao hiếm người tốt quá chừng! Mẫu người của Triển Hóa Vũ rồi cũng tàn diệt dần dần, đến một ngày nào đó, võ lâm sẽ gồm ác quỷ hung thần, hoặc hồ ly, hoặc lang sói. Lão nói rất nhiều, lão nói đến nửa chừng cầu chuyện, Triển Mộng Bạch đã rơi lệ rồi. Khi lão ngừng lại, Triển Mộng Bạch ngã phịch người trên chiếc ghế, lệ nóng khích động trào mi như xối. Chàng khóc một lúc, niềm đau lắng dịu phần nào, chàng từ từ thốt: - Chỉ sợ ... lão trượng ... sẽ không còn gặp được người lão trượng muốn gặp! Lão nhân cụt chân giương tròn đôi mắt, hét to: - Ngươi nói gì? Triển Mộng Bạch lại xúc động tâm tình, bật khóc: - Ba hôm trước đây, gia phụ trúng phải Tình nhân Tiễn vĩnh viễn ly khai thế gian rồi, lão trượng ơi! Làm sao lão trượng gặp lại người cho được? Lão nhân cụt chân run run giọng kêu lên: - Lão ... lão ấy ... ngươi là ... ngươi là con của lão ấy? Lão ... đã trúng Tình nhân Tiễn? ... Lão chết rồi? ... Cao xanh ơi! Hỡi cao xanh. Lão rung động toàn thân. Lão dừng câu nói một lúc lâu, lão nắm tay lại, đấm vào bên cạnh tâm mạch, gương mặt vàng nhợt của lão vụt biến sắc trắng nhợt. Đôi mắt của lão mất thần. Triển Mộng Bạch nghe một tiếng bình, giật mình, ngẩng mặt lên, thấy lão nhân biến đổi thần sắc, kinh hãi kêu lớn: - Tiền bối ... Lão cụt chân không ngừng tay, cứ đấm vào chỗ ngực, cách tâm mạch độ tấc. Lão đấm bảy tám lần như vậy, vừa đấm lão vừa hỏi: - Ngươi tên chi? ... Tên chi? Triển Mộng Bạch hấp tấp cho lão biết tên chàng. Lão nhân dừng tay, thở mạnh một lúc, tâm tư lắng dịu rồi lão gọi chàng: - Triển Mộng Bạch! Bước lại đây, quỳ xuống! Triển Mộng Bạch sững sờ. Chàng cau mày, không đáp, mà cũng chẳng bước tới. Lão nhân nổi giận: - Quỳ xuống mau! Ta nói gì, ngươi không nghe à? Lão phẫn nộ, mà cũng có vẻ khẩn trương cực độ. Tuy nhiên, Triển Mộng Bạch không vì thương cảm một người lạ mà phải hạ mình trước người lạ đó. Chàng điềm nhiên đáp: - Bình sanh, tại hạ không hề cam tâm khuất phục trước bất kỳ ai! Bỗng dưng, tiền bối bảo tại hạ quỳ xuống, khi nào tại hạ vâng lời? Chừng như chàng có cảm tình đối với lão nhân, nên thái độ của chàng rất bình hòa, lời nói êm dịu, dù cái ý có phần cứng rắn. Lão nhân cụt chân quắc mắc sáng ngời lửa hận, nhìn chàng. Chàng không tránh né ánh mắt đó. Cả hai nhìn nhau một lúc lâu, lão nhân cụt chân bỗng thở dài, trầm giọng thốt: - Vừa rồi, tâm thần của ta bị khích động mãnh liệt, chân lực hộ vệ quanh tâm mạch tiêu tán, chất độc dư trong cơ thể xung phá tâm ta, ta phải vận dụng khí lực còn lại, bức dư độc tản mác nơi khác. Tuy cơn nguy đã qua, song bất quá chỉ tạm thời thôi, ta miễn cưỡng chi trì độ chừng một khắc thời gian nữa, chứ không hơn, sau đó, dư độc gom tụ trở lại, dù cho ta có gặp bậc đại la thiên tiên cũng chẳng mong gì được cứu sống. Triển Mộng Bạch hiện lộ rõ niềm bi thương, dàu dàu nét mặt. Chàng sắp sửa quỳ xuống, bởi không nỡ làm gì trái ý lão nhân, sợ lão lại khích động như trước rồi phải chết gấp. Bỗng, lão nổi giận trở lại, lão quát: - Ai mượn ngươi lo hậu sự cho ta? Con người chết là hết! Xác của ta, có làm mồi cho chó hoang, ta cũng không màng, cần gì ngươi quan tâm đến điều đó? Triển Mộng Bạch sững sờ. Lão dịu giọng hướng sang Triển Mộng Bạch: - Sở dĩ ta bảo ngươi quỳ, là vì trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, ta thu ngươi làm môn đệ, ta truyền thụ sở học của ta cho ngươi và trao luôn cho ngươi một tín vật. Sau đó, ta có chết trong một phút giây nào, hoặc sớm, hoặc muộn hơn ức đoán, ta cũng vui mà nhắm mắt. Ngươi chẳng hiểu gì cả, dần dà, do dự, chống đối, làm mất mát bao nhiêu giây phút quý báu! Ngươi có biết không? Triển Mộng Bạch lùi lại một bước, nghiêm giọng hỏi: - Tiền bối mới gặp tại hạ lần đầu, sao lại biết tại hạ đảm nhận nổi trọng trách mà có ý giao phó? Lão nhân quát: - Câm miệng lại! Ta biết xem người, ta nhận ra ngươi có tư cách làm đệ tử của ta. Chứ nếu không thì dù ngươi có lạy ta mà cầu khẩn vị tất ta nhìn ngươi nửa mắt? Lão hoành tay, lấy chiếc bao bố màu vàng nơi đầu giường, rồi hét: - Quỳ xuống! Quỳ gấp! Triển Mộng Bạch thở mạnh: - Tuy tiền bối có nhã ý tuyển chọn tại hạ, song chấp nhận như thế này, thì tại hạ thấy hồ đồ quá chừng! Có ai nhập môn một cách vừa miễn cưỡng, vừa hấp tấp? Ít nhất tại hạ cũng phải biết cái người mình bái phục làm sư phó như thế nào chứ? Lão nhân cụt chân giật mình, suy nghĩa một chút, rồi bật cười lớn: - Tốt! Tốt lắm! Như vậy mới đúng là con người có chí khí! Tần Vô Triện này tuy già song con mắt còn tỏ! Mắt sáng tỏ nên không đến đỗi nhìn lầm người! Bàn tay hữu vung ra, từ trong bao, một lá cờ mở rộng, cán nằm trong tay lão. Cán, màu đen bằng sắt, cờ là một tấm bố trắng. Cờ, không hình vẽ, không chữ. Cờ rất thông thường, chẳng có một điểm nào tỏ ra là cờ có cái giá trị cỏn con. Nhưng, Triển Mộng Bạch vừa trong thấy lá cờ, rung động toàn thân, buột miệng kêu lên: - Bạch Bố Ma Kỳ! ... Lão nhân cụt chân gật đầu: - Phải! Lão chính là Bạch Bố Kỳ Tần Vô Triện! Ta là chưởng môn nhân Bố kỳ môn, ngươi là môn hạ của Bố kỳ môn, cũng chẳng đến đỗi nhục lắm! Lão đang ủ rũ vì tình trạng vô vọng, bỗng thần sắc sáng rực lên, chừng như nhắc đến tên hiệu của mình, dĩ vãng vàng son hiện ra, lão tưởng chừng mình đang liệt oanh ngang dọc khắp sông hồ như ngày nào. Triển Mộng Bạch lẩm nhẩm: - Khiếu Vũ Huy Phong Bạch Bố Kỳ! Một lá cờ có ma lực gọi mưa, quét gió ... Chàng không ngờ, lão nhân cụt chân trước mắt, lại là một nhân vật từng gây chấn động võ lâm mấy mươi năm trước đây, từng được thiên hạ giang hồ liệt vào hàng bảy vị danh nhân trong vũ trụ! Lão nhân là người thứ năm trong số đó, có cái ngoại hiệu Bạch Bố Kỳ, có cái oai hiệu lịnh quần hùng, oai đó đưa ra là quần hùng phải cúi đầu nghe lịnh. Lão từng làm mưa, làm gió thuở xa xưa. Giờ đây, lão trở thành tàn phế! Trên thế gian này, có cái gì trường cửu? Thì anh hùng chung quy rồi cũng đi đến chỗ mạt vận, kể ra cũng là sự thường! Luật đào thải đã tạo nên luân chuyển, để già đi qua, nhường chỗ cho trẻ vươn lên, chứ nếu không thì mảnh đất trần gian sẽ là tư hữu của một thế hệ sao? Đành rằng, sự đào thải là lẽ công bằng. Song, vòng luân chuyển đưa Tần Vô Triện từ ngôi vị thần tượng xuống chỗ đứng của một phế nhân, kể ra cũng có phần nào tàn nhẫn. Tàn nhẫn hơn nữa là có chỗ đứng mà lão không đứng được! Bởi, ân oán giang hồ đã lấy mất đôi chân! Sự tàn phế đến với lão, quả thật cay độc! Bất giác, Triển Mộng Bạch chạnh niềm thương cảm, buột miệng thở dài: - Tiền bối! ... Trầm ngâm một chút, chàng trầm giọng tiếp: - Trong trường hợp nào, tiền bối trúng phải Tình nhân Tiễn? Tần Vô Triện trầm gương mặt đáp: - Ám khí đó, phát ra rất nhanh, chất độc ngấm nhanh, trong vòng trăm năm qua chẳng có một loại ám khí nào lợi hại bằng. Nhưng, đó chẳng phải là điều mà hào kiệt giang hồ đáng chú trọng. Các điểm cốt yếu, cần tìm hiểu, là sự tương quan giữa Tình nhân Tiễn và Xuyên tâm Lịnh. Hai vật đó, tương phối, tương hợp, cho nên, ngừa được vật này thì lại trúng phải vật kia. Mà luôn luôn hai vật hỗ trợ lẫn nhau. Lão dừng lại một chút, đoạn tiếp: - Dù cho ai có thuật khinh công linh diệu đến đâu, trông thấy Tình nhân Tiễn rồi, có nhảy nhanh lên cao để tránh, đôi chân vẫn trúng như thường! ... Có phải đó là trường hợp của lão chăng? Lão thở dài, mơ màng một lúc, mới tiếp nối: - Đó là trường hợp của ta! Ta dám chắc, về thuật khinh công hiện nay trên giang hồ, chẳng có một ai sánh kịp. Rất tiếc, ta đã thọ nạn rồi, mạng sống chỉ còn tính từng giây, từng phút, ta không có thời gian nghiên cứu ma lực của Tình nhân Tiễn! Ta đem sanh mạng đổi lấy một kinh nghiệm đầu tiên, là ta phát giác ra, Tình nhân Tiễn sở dĩ được phát nhanh, chỉ vì một ma lực nào đó, chứ chẳng do một công phu căn bản. Đổi được kinh nghiệm sau? Có những kinh nghiệm sau mới thực sự giúp ích người đời. Ngươi nên nhớ những điều ta vừa giải bày. Triển Mộng Bạch nghiêm sắc mặt, đáp: - Chẳng những tại hạ ghi nhớ, mà lại còn cảm kích vô cùng! Tần Vô Triện tiếp: - Ngươi đã chấp thuận là đệ tử Bố Kỳ Môn, đương nhiên ta phải ... Triển Mộng Bạch chận lời liền: - Tiền bối có lòng đoái tưởng, tại hạ xin tâm lãnh và cảm kích vô cùng, song, xin tiền bối thứ cho cái việc bái nhận làm môn đệ. Tần Vô Triện dững cao đôi mày, trợn tròng mắt, hỏi: - Ngươi ... tại sao? Triển Mộng Bạch cúi thấp đầu một chút: - Tiền bối dù là một nhân vật có vũ công tuyệt đỉnh, song vẫn bị Tình nhân Tiễn hãm hại như thường. Tại hạ dù có học hết tuyệt kỹ của tiền bối, cũng chẳng tránh nổi loại tên độc đó. Như vậy, tại hạ còn mong gì báo phục phụ cừu? Không báo phục được phụ cừu thì còn bái nhận làm môn đệ chi nữa? Xin tiền bối xét cho và lượng thứ sự từ khước của tại hạ. Tần Vô Triện biến sác mặt trắng nhợt. Lão buồn tủi, hay lão căm hờn? Lão trầm ngâm một lúc lâu, đoạn nhếch nụ cười thảm đưa ánh mắt nhìn theo chiếc bao bố vàng, và chiếc Bạch Bố Kỳ, sau cùng từ từ thốt: - Ta không ngờ, trên giang hồ, lại có người không chịu bái nhận làm môn hạ Bố Kỳ Môn! Một môn phái đã được sáng lập trên trăm năm rồi kế truyền qua mấy mươi thế hệ rồi! Không lẽ môn phái này phải bị tiêu diệt với cái chết của ta! Thực ra, Triển Mộng Bạch cũng xót xa vô cùng. Một con người thét khói nói lửa, từng gieo khiếp đảm trên khắp sông hồ, hôm nay lại buông những lời tuyệt vọng như thế được sao? Lòng chàng man mác niềm bi hoài. Lòng đối tượng tràn ngập niềm thống khổ! Triển Mộng Bạch còn biết làm sao hơn, dù chàng thực sự cũng muốn làm một cái gì để an ủi lão nhân trước giờ lão ra đi vĩnh viễn! Gió đêm lòn qua song cửa sổ, lùa vào, mang theo cái lạnh của vùng hoang vắng, gió lạnh làm rợn nhẹ cả hai. Bỗng, có tiếng cười theo gió đưa vào, tiếng cười không cần cái lạnh của gió, tự nó cũng lạnh rồi. Tần Vô Triện quát: - Ai? Bên ngoài, tiếng cười lạnh lại vang lên, tiếng cười dứt, một giọng lạnh tiếp theo: - Bất công bình! Bất công bình! Ngày nay, vẫn còn có những sự bất công như vậy sao? Lão phu thật tình không tưởng nổi! Tiếng cười phát ra từ xa, tiếng nói cũng phát ra từ xa, khi câu nói đến gần dứt, âm thinh nghe lớn hơn. Sự kiện đó chứng tỏ người cười nói đó đang từ xa xa tiến đến gần. Rồi, bóng người xuất hiện bên ngoài cửa sổ. Có đến hai người. Hai người đó, một già một trẻ, già ốm gầy, trẻ nhỏ thấp. Người trẻ chính là thiếu niên đã vượt qua tường trước đó, còn người già có đôi mắt rất sáng, tay vuốt vuốt chòm râu dê lưa thưa mấy sợi ngắn. Người già vẫn giữ nụ cười lạnh nơi môi. Tần Vô Triện thoáng biến sắc, nhưng liền theo đó, niềm phẫn nộ hiện lên gương mặt. Lão hét to: - Phương Tân Phương Nhất Trúc! Phương Dật Phương Trúc Linh! Hai cha con ngươi can đảm quá chừng! Dám trở lại đây tìm ta! Trở lại tìm chính là người con, cho nên nói rằng cả hai cùng trở lại, thì không đúng lắm, bởi con đi tìm tiếp trợ nơi cha, và đưa cha đến khách sạn này. Lão nhân gầy ốm, là một độc hành đại đạo ngày xưa tên Phương Nhất Trúc, ngoại hiệu Tuyệt Hộ, một con người có bàn tay ác điều khiển bởi con tâm độc. Lão đánh cướp nhà nào, là nhà đó chẳng còn một con gà, một con chó, một ngọn cỏ, một lá cây, do đó lão thành danh với cái hiệu Tuyệt Hộ. Lão tung hoành trên giang hồ suốt một thời gian khá dài, rồi bỗng một hôm cách mười năm qua lão đột nhiên mất tích. Hôm nay bất ngờ lão xuất hiện.