Hai người dừng ngựa trước đền. Cổng đền đã đóng. Thủ-Huy rung chuông. Một người tuổi khoảng trên dưới bốn mươi, thân hình gầy gò, mặt choắt chéo, ra hỏi bằng giọng cộc cằn :
- Muốn gì ?
- Chúng tôi ở xa đến. Xin ông cho chúng tôi vào lễ Bà.
- Tối rồi ! Đền đóng cửa. Mai lại .
Dứt lời, y quay lưng trở vào, miệng lầm bầm nói một mình :
- Cả ngày dài thì không tới, đợi trời tối mới tới. Chán mớ đời. Ban ngày thì mải đi chơi. Tối lăn mặt trời đổ thóc vào xay !
Thủ-Huy rung chuông nữa, y quay lại, mặt cau có :
- Cái gì ?
Vừa lúc đó một bà già trên dưới sáu chục xuất hiện. Thoáng nhìn dáng đi khoan thai, nhẹ nhàng cùng sắc diện của bà, Đoan-Nghi hơi giật mình . Nàng nhìn chồng, cả hai cùng tự hỏi : Tạ sao lại có một bà già xinh đẹp, quý phái ở chốn thôn dã như thế này ?
Bà ta chỉ vào Đoan-Nghi, Thủ-Huy nói sẽ vào tai gã đàn ông :
- Phải lễ độ với khách. Coi kìa, lưng khách đeo kiếm kìa !
Nghe bà già nói, gã đàn ông đưa mắt nhìn, thấy Thủ-Huy, Đoan-Nghi đều đeo kiếm trên lưng, y kinh hãi, vội đổi thái độ ; hai tay cung lại, vái dài, gập đầu xuống gần sát đất :
- Bẩm lạy quan khách ạ. Xin quan khách vào lễ Thái-hậu.
Y mau mắn mở cổng, cầm dây cương ngựa dắt cột ở gốc mít, rồi tự giới thiệu :
- Tôi tên Ngô Văn-Phụng, là thầy đồ phụ trách việc viết sớ tại đây.
Y lại chỉ vào người đàn bà :
- Đây là bà thủ từ. Bà tên Lê-thị Bồng.
Nhìn thấy bọc lễ vật khá lớn, mắt gã Phụng sáng ngời. Y lấy cái mâm, rồi đỡ gói lễ vật trên tay Đoan-Nghi, bầy ra. Bà Bồng cung kính hỏi :
- Phải chăng nhị vị là thập phương tới vay tiền Thái-hậu?
- Không ! Chúng tôi không giầu, nhưng cũng tạm đủ sống. Đâu dám vay tiền ngài !
- Nhị vị đeo kiếm, vậy hẳn là con em đệ tử võ phái Mê-linh chăng ?
Thủ-Huy xua tay :
- Không hẳn như vậy !
- À, thôi rồi, các vị họ Lý hặc họ Lê hẳn ?
- Cũng không hẳn như vậy.
Thủ-Huy tò mò :
- Tôi tưởng khi đã đến đền này, thì ai cũng như ai. Có đâu phân biệt loại người?
- Không phải tôi phân ra, mà lệ này có từ lâu. Phàm thập phương tới lễ, thì chỉ được lễ ở ngoài, trước bàn thờ. Còn như thuộc họ Lý là họ của vua Thánh-tông, họ Lê là họ của Thái-hậu, thì được vào trong cung chiêm ngưỡng tượng của ngài.
- Thế còn nếu như là con em đệ tử võ phái Mê-linh ?
- Đương thời ngài là đệ tử của vua bà Bình-Dương, chưởng môn phái Mê-linh. Cho nên trước khi băng hà, ngài có di chiếu để lại : Trong đời ngài xử dụng tới mười tám thanh kiếm khác nhau. Vậy thì tại mỗi nơi thờ ngài được giữ một thanh. Sau này, phàm con em đệ tử phái Mê-linh tới hành hương, thì được chiêm ngưỡng kiếm ấy.
- À, thì ra thế.
Đoan-Nghi trả lời :
- Chúng tôi thuộc cả hai loại, tôi họ Lý, và cũng là đệ tử của phái Mê-linh.
Bà Bồng mỉm cười, ánh mắt bà dịu hẳn lại, thoáng một nét buồn xa xôi.
Ghi chú của thuật giả:
Công-chúa Thiên-Ninh là con gái của vua Lý Thánh-tông với Mai phi. Công chúa có tài kinh bang tế thế, được vua cha trao nhiệm vụ cải cách nông nghiệp, làm cho Đại-Việt trở thành giàu có súc tích. Trong cuộc bình Chiêm 1069, cuộc đánh Tống 1075 và kháng Tống 1077, công chúa chỉ huy tiếp vận lương thảo. Hồi phụ trách cuộc cải cách nông nghiệp, công chúa thường cho nông dân vay tiền làm ruộng, đến mùa gặt thì trả. Vì vậy dân chúng gọi công chúa là bà Chúa-kho. Trong cuộc kháng Tống, quân Tống vượt chiến lũy Như-nguyệt, tiến tới sát Thăng-long, chỉ còn 25 cây số. Công chúa chỉ huy quân đánh bật giặc trở về Như-nguyệt, rồi tử trận. Triều đình xây đền thờ công chúa ở Thị-cầu, Bắc-ninh.
Mỗi khi vào đầu Xuân, dân Việt thường tới đền thờ công chúa khấn xin vay tiền. Nhưng, trên công chúa còn có Linh-Nhân hoàng thái hậu. Vì vậy tín chủ phải tới đền thờ ngài khấn xin vay trước, rồi mới tới đền thờ bà Chúa-kho sau. Khi dâng sớ vay tiền, phải nói rõ vay bao nhiêu, rồi xin âm dương. Nếu được, năm đó phát tài, cuối năm phải tới lễ tạ và trả nợ. Thường thì tín chủ trả bằng tiền, vàng, bạc...mã, gọi nôm na là tiền, vàng, bạc âm phủ.
Hiện nay (1997), dường như sự linh ứng có thực, nên hằng năm cứ vào đầu Xuân, dân chúng vẫn lũ lượt kéo nhau đến đền thờ hai ngài...vay tiền. Khi trả thì không trả bằng tiền, vàng, bạc Âm-phủ nữa, mà trả bằng đô la Âm-phủ Hoa-kỳ. Loại đô la Âm-phủ này in rất đẹp, không thua gì đô la thực. Xin đọc Nam-quốc sơn-hà của Yên-tử cư-sĩ, 5 quyển do Đại-Nam, California Hoa-kỳ xuất bản.
Ngô Văn-Phụng đã bầy lễ vật lên bàn thờ. Y mài mực, cầm bút hỏi :
- Xin hai vị cho biết tên, để chúng tôi còn làm sớ tâu lên ngài.
Bà Bồng chỉ Phụng giới thiệu :
- Chú Ngô đây, cũng là người có học. Năm trước thi Minh-kinh, tuyển bẩy mươi hai người, chú ấy đỗ thứ bẩy mươi hai. Được quan Thái-sư Đỗ Anh-Vũ bổ làm gia sư cho đạo quân thứ tư. Ít lâu sau, vì phạm tội, bị cách. Thái-sư đưa về phủ người lĩnh chức thủ bạ. Từ sau khi Thái-sư bị hại, triều đình cho về làng này dạy học.
Nghe bà Bồng thuật, Thủ-Huy nhớ lại chuyện cũ, do Khu-mật viện trình. Công dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai Đoan-Nghi :
- Em phải cận thận. Đây là tên bẩn thỉu bậc nhất thế gian. Ông nội tên Ngô Văn-Phụng này làm nghề hoạn lợn, giết thịt chó bán. Sau vì hắn ăn trộm chó, bị người ta giết. Đến đơì bố y, được cử làm mõ xã Siêu-loại. Vì can tội ăn cắp vịt, bị làng đuổi. Hắn cải tên, sang làng Cổ-nhuế, làm nghề nhặt phân trâu, phân chó ở Thăng-long. Hắn cầm đầu một bọn du thủ, du thực ăn cắp vặt ở các chợ, bị người ta đánh chết. Tên Phụng mồ côi, được một thầy đồ đem về nuôi, giữ việc chăn trâu. Thầy thấy y sáng dạ, cho y học cùng với học trò. Y khai man lý lịch đi thi Minh-kinh, đậu hạng trót, được cử làm gia sư cho đạo quân thứ tư. Chức vụ này chuyên viết thư dùm binh lính. Lương gia sư không đủ nuôi thân, y lấy vợ là gái giang hồ rồi cùng vợ mở nhà chứa, gây cho rất nhiều binh lính bị bệnh Dương-Mai, việc phát giác, bị cách chức, đáng lẽ bị đầy đi xa. Nhưng y được Anh-Vũ che chở, đem về phủ coi việc chăn ngựa. Vì y bị liệt dương, vợ y tằng tịu với tên chăn ngựa. Y chán đời, tự thiến. Anh-Vũ bị giết, y được Cảm-Thánh thái hậu cho về đây bề ngoài làm thầy đồ. Thực ra để theo dõi hoàng tộc.
Nghe tên Phụng muốn viết sớ cho mình. Đoan-Nghi lắc đầu :
- Chúng tôi biết chữ . Xin để chúng tôi tự viết sớ.
Nói rồi nàng cầm bút viết, tay đưa bút rất nhanh, không đầy một khắc đã đầy hai tờ giấy. Nội dung tờ sớ, nàng tóm lược tất cả những gì đã xẩy ra từ khi Thủ-Huy về Thăng-long. Cuối cùng nàng xin cao tổ mẫu phù hộ cho con cháu giữ được cơ nghiệp tổ tiên.
Tuy không biết nội dung tờ sớ Đoan-Nghi viết gì. Nhưng tên Phụng thấy chữ của nàng như rồng bay phượng múa. Y biết đây là cặp vợ chồng có lý lịch hẳn hoi.
Bà từ, tên Phụng đánh trống, khua chuông. Thủ-Huy, Đoan-Nghi vào chiếu lễ. Lễ xong Đoan-Nghi đốt sớ. Nàng móc trong túi ra một nén bạc, trao cho bà Bồng :
- Tôi xin góp chút ít, để dùng vào việc hương khói thờ kính Thái-hậu. Không biết bà có thể cho chúng tôi qua đêm tại đây được không ?
Bà từ tiếp bạc, rồi nhanh nhẩu :
- Được ! Đền này có đến chín phòng, dành cho khách phương xa tới trọ. Để tôi bảo trẻ dọn phọng cho cô cậu.
Bà lên tiếng gọi
- Huệ-Trinh đâu ?
Một thiếu phụ nữ xinh xắn, tuổi khoảng trên ba mươi xuất hiện.
- Người dọn phòng sạch sẽ cho cô cậu đây qua đêm.
Hương tàn, Ngô Văn-Phụng hạ lễ xuống, y định chặt con gà ra, mời Thủ-Huy, Đoan-Nghi thụ lộc thì Đoan-Nghi xua tay :
- Chúng tôi ăn cơm chiều rồi. Lộc Thái-hậu xin biếu lại ban thủ từ.
Vào trong phòng nghỉ, Thủ-Huy nói sẽ vào tai Đoan-Nghi :
- Ban nãy, anh thấy đôi mắt tên Ngô Văn-Phụng hiện ra vẻ gian. Y luôn nhìn vào thanh kiếm của em. Còn bà Bồng, dáng người thanh nhã quý phái, chắc ngày xưa bà phải là một giai nhân. Nhìn bàn tay bà ấy trai cứng thì rõ ràng bà là một cao thủ phái Tản-viên. Vậy chúng ta phải cẩn thận mới được. Không biết bà Bồng là người của ai ? Bà ẩn thân với mục đích gì ? Còn tên Phụng, y là chân tay của Cảm-Thánh thái hậu sai tiềm ẩn ở đây có mưu đồ gì không ?
- Em cũng nghi vậy.
- Ta cứ vờ nằm im, giả ngủ say, chờ xem.
Sau một ngày, với những biến cố liên tiếp, Thủ-Huy, Đoan-Nghi không thể nào chớp mắt được. Đoan-Nghi nghĩ đến việc Long-Xưởng trở mặt, nàng muốn bật lên tiếng khóc. Nhưng nghĩ lại, thái độ của Thủ-Huy, cắm kiếm giữ điện, không tuân chỉ Long-Xưởng bàn giao chức vụ Thái-úy cho Tô Hiến-Thành, ngang nhiên ra đi, lại càng đáng trách hơn. Nàng tội nghiệp cho ba anh Kiến-Tĩnh, Kiến-An, Kiến-Ninh bị chết thảm ; đến việc Long-Xưởng trở mặt, mà lòng rối như tơ vò. Có lẽ giờ này, người ta đã niệm ba vương, ngày mai Long-Xưởng lên ngôi, truy phong chức tước rồi mới đưa về Cổ-pháp chôn.
Nhưng chờ đến khuya cũng không có gì lạ. Hai người ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Tiếng gà gáy ban mai, tiếng chim hót chào mừng bình minh làm Đoan-Nghi thức giấc. Nàng định đánh thức chồng dậy thì chợt khám phá ra có tiếng chân người di chuyển trên nóc nhà, nhẹ như chim, trầm như tiếng chân trâu. Nàng sẽ bẹo tay Thủ-Huy. Thủ-Huy rung rung tay, dùng Lăng-không truyền ngữ nói với vợ :
- Nội công người này thuộc chính phái. Y quy tức để khỏi bị lộ chân tướng, nội công y khá cao. Bước chân y nhẹ nhàng, có lẽ là đàn bà. Coi chừng lại có người đi về phía chúng ta, dường như là bước chân bà Bồng. Bà ngừng lại... nghe ngóng...
Có tiếng bà Bồng vang lên:
- Quý khách viếng thăm đền thờ Thái-hậu, sao không đường đường chính chính rung chuông, mà lại lén lút, e nhẹ thể đi !
Rồi có tiếng chưởng chạm nhau binh, binh. Tiếng bà Bồng quát :
- Thì ra người là người phái Hoa-sơn đấy.
Tiếng chưởng lực vẫn chạm nhau. Đoan-Nghi để tay lên mũi chồng tỏ ý trêu ghẹo :
- Anh biết người dùng võ công Hoa-sơn là ai chưa ?
- Anh không nhận ra.
- Là Vương Thúy-Thúy đấy.
- Sao em biết ?
- Thì còn người đàn bà phái Hoa-sơn thứ nhì nào mà đi tìm anh giữa đêm khuya, ngoài người đẹp Hàng-châu của anh ?
Nói dứt nàng ngồi dậy, mở cửa bước ra sân. Thủ-Huy theo sau. Trời đã sáng hẳn. Công nhận ra quả là Thúy-Thúy đang đấu với bà Bồng. Nhìn bà Bồng dùng võ công Tản-viên, Thủ-Huy tự hỏi :
- Không biết bà này là ai ? Mình chưa từng nghe trong phái Tản-viên có một nữ cao thủ đến trình độ này !
Đấu được trên trăm chiêu, thì công lực Thúy-Thúy cạn dần. Trong khi bà Bồng ra sức tấn công. Bà nói bằng giọng kẻ cả :
- Tiểu cô nương ! Tiểu cô nương dùng võ công Hoa-sơn, thì ra tiểu cô nương là người Hoa hẳn ? Coi thân thủ thì dường như tiểu cô nương còn nhỏ tuổi, mà công lực đã đến trình độ này thì thực là hiếm có. Tiểu cô nương có thể cho ta biết danh tính được không ?
Thúy-Thúy vẫn trả đòn, dường như nàng muốn chạy trốn, nhưng bị bà Bồng đánh riết quá, nên không thoát khỏi.
- Tiểu cô nương ! Ta chỉ đánh ba chiêu nữa, thì tiểu cô nương sẽ ngã cho mà coi.
Bà xuất chiêu Ác-ngưu nan độ đánh thẳng vào ngực Thúy-Thúy, miệng đếm :
- Một này.
Thúy-Thúy gượng gạo đỡ, nàng phải lùi ba bước mới đứng vững. Bà Bồng lại đánh chiêu Ngưu-ngọa ư sơn, miệng đếm :
- Hai này.
Thủy-Thúy hít một hơi dài đỡ, nàng lảo đảo muốn ngã. Bà Bồng đánh tiếp chiêu Thanh-ngưu nhậïp điền. Miệng đếm :
- Ba ! Ngã này !
Thúy-Thúy dùng cả hai tay đỡ. Thủ-Huy vội nhặt viên sỏi, bắn ra, trúng huyệt Khúc-trì của bà Bồng, khiến cánh tay bà tê liệt, kình lực mất hết. Hai chưởng của Thúy-Thúy trúng người bà bùng một tiếng, bà bay tung lại sau. Cũng may công lực nàng cạn rồi, nên bà không bị thương. Thủ-Huy lại bắn hai viên sỏi nữa, trúng huyệt Dương-lăng-tuyền. Dương-lăng-tuyền là hội huyệt của cân, nên toàn thể gân cốt bà bị liệt, bà ngã ngồi xuống.
Thúy-Thúy tưởng những bị nguy đến nơi, tự nhiên thấy chưởng lực bà Bồng mất hết kình lực, rồi ngã ngồi xuống, thì ngạc nhiên vô cùng. Song vốn thông minh nàng đoán ngay ra Thủ-Huy, Đoan-Nghi đã cứu mình.
- Vương tỷ tỷ !
Đoan-Nghi hỏi :
- Sao tỷ-tỷ không về Thiên-trường, mà lại đến đây ?
- Tiểu tỳ vừa về đến nơi, thì lão đại hiệp sai tiểu tỳ khẩn lên đường tìm chủ nhân, để báo cho chủ nhân biết nhiều biến cố xẩy ra.
Huệ-Trinh đã xuất hiện từ bao giờ, nàng chỉ vào Đoan-Nghi, Thủ-Huy :
- Các vị đây đều là người có danh vọng trong võ lâm, cớ sao lại bắn sỏi ám toán người ?
Đoan-Nghi tiến đến giải huyệt cho bà Bồng, rồi chỉ vào Thúy-Thuy, ngỏ lời xin lỗi :
- Vương tỷ tỷ đây là người nhà của chúng tôi. Vì đi tìm chúng tôi khẩn cấp, mà đột nhập vào đền này. Xin cao nhân rộng dung.
Bà Bồng nói với Đoan-Nghi như mẹ nói với con, bà nói với cháu, bằng một giọng cực kỳ ôn nhu, tha thiết :
- Các người là Công-chúa, là phò mã đấy ! Ta hỏi các người : Có phải phụ hoàng mới băng hà không ? Có phải trong triều gian thần lộng hành không ? Có phải hai người đang cầm đại quân trong tay không ? Có phải thân các người lĩnh trọng trách xã tắc không ? Có phải tình dân thế nước đang như dầu sôi lửa bỏng không ? Tại sao các người không ở lại chịu tang, mà lại rời Thăng-long đi như thế này ?
Thúy-Thúy kinh ngạc hỏi :
- Sao bà biết đây là công chúa, phò mã ?
Huệ-Trinh chỉ vào thanh kiếm của Thủ-Huy, với Đoan-Nghi :
- Có gì lạ đâu ?
Thúy-Thúy tỉnh ngộ, vì vỏ thanh kiếm của Đoan-Nghi có khắc chữ Mê-linh Đoan-Nghi, và của Thủ-Huy có chữ Thủ-Huy Đông-a.
Nghe lời chất vấn của bà Bồng, Đoan-Nghi cung tay :
- Xin cao nhân cho biết phương danh ?
Huệ-Trinh mỉm cười :
- Sư phụ ta là Linh-khang Chiêu...
Bà Bồng ngắt lời Huệ-Trinh :
- Thôi ! Không nên nhắc đến chuyện xưa nữa.
Nghe Huệ-Trinh nói, Thủ-Huy chợt nhớ lại một việc : Hồi vua Thần-tông còn tại vị, ngài cực kỳ sủng ái Thần-phi Hồng-Hạnh và Đức-phi Quỳnh-Chi. Khi vua Thần-tông băng, vua Anh-tông lên kế vị, phong cho Thần-phi Hồng-Hạnh là Linh-chiếu Chiêu-hòa thái hậu, phong cho Đức-phi Quỳnh-Chi là Linh-khang Chiêu- đức thái phi. Sau, Linh-Chiếu, Linh-Khang cùng bỏ đi vân du thiên hạ. Linh-Chiếu thái hậu theo học phái Tản-viên, trở thành Côi-sơn song ưng. Công nghĩ thầm : Chắc Linh-Khang cũng theo học phái Tản-viên, rồi trở thành cao thủ.
Nghĩ vậy, công đưa mắt cho Đoan-Nghi, Thúy-Thúy :
- Bọn thần nhi không biết đại giá thái-phi ở đây thành ra có điều vô phép. Xin thái-phi mở lượng hải hồ ân xá cho.
Linh-Khang nắm tay Đoan-Nghi, Thủ-Huy vào chính điện thờ, rồi hỏi :
- Sáng qua, ta thấy hiệu binh Phù-Đổng, Ngự-long rầm rộ qua đây, rồi được biết hai con đem binh về diệt gian thần, lập chính thống. Công việc ra sao mà chiều qua hai con lại đến đây như người vô sự vậy ?
Đoan-Nghi khoan thai thuật lại những gì đã xẩy ra một lượt. Khi nghe đến tên người bịt mặt đã nhập, đại náo điện Càn-nguyên . Sau đó đón đường Thủ-Huy để khuyên giải, nét mặt Thái-phi trở thành quan trọng. Đoan-Nghi hỏi:
- Dường như Thái-phi biết lý lịch người này?
- Ta không chắc lắm. Căn cứ vào hành trạng, ta đoán người đó là sư huynh Đặng Phi-Sơn, chưởng môn phái Tản-viên.
- Ái chà!
Thủ-Huy than:
- Hèn chi võ công của người kinh thế hãi tục.
Thái-phi dục Đoan-Nghi:
- Con thuật tiếp cho ta nghe diễn biến của triều đình.
Đoan-Nghi thuật lại một lượt. Nghe xong Linh-Khang thái phi kinh hãi :
- Hỏng rồi ! Thôi, thế là xong.
- Có gì bí ẩn ở trong không?
Đoan-Nghi chỉ Thủ-Huy :
- Tâu thái-phi chính anh Thủ-Huy cũng như con, chỉ muốn cùng anh Long-Xưởng hoàn thành ba điều trọng đại. Một là bắt Tống phải coi ta như một nước ngang hàng. Hai là làm cho dân giầu nước mạnh. Ba là đòi lại cố thổ. Nay hai điều trên đã hoàn thanh. Còn điều thứ ba, thì Tống đã biết, đề phòng cẩn mật, không thể làm được nữa. Vậy con với Thủ-Huy rời quyền bính mà lòng vẫn thư thái, không chút oán hận.
- Ta nói hỏng, không phải hỏng vì việc hai con bỏ đi, mà hỏng vì Long-Xưởng nguy rồi !
Bà nói với Thủ-Huy :
- Ngay bây giờ, nếu con ban lệnh, thì liệu các tướng chỉ huy mười hai hiệu Thiên-tử binh, bốn hạm đội, hiệu binh Phù-Đổng, Hoa-lư có còn nghe không ?
- Con nghĩ là vẫn còn. Vì Long-Xưởng ban chỉ cách chức con là ban bằng miệng. Con cũng chưa bàn giao chức vụ cho Tô Hiến-Thành. Thưa Thái-phi, ý Thái-phi muốn nói ?
- Ta nghĩ sau khi Tăng Khoa, rồi con rời Thăng-long, ông bà Đào Duy dẫn thị vệ Đông-cung rời Hoàng-thành, thì quanh Long-Xưởng không còn lực lượng nào nữa. Bọn Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di sẽ sai tên Đàm Dĩ-Mông dùng thị vệ, cấm quân tiếp tục tôn Long-Trát lên làm vua, giam Long-Xưởng lại. Bây giờ, một lần nữa con phải đem quân về cứu Long-Xưởng...
Thủ-Huy, Đoan-Nghi cùng tỉnh ngộ. Công nói gượng :
- Không lẽ bọn Đỗ An-Di dám làm lộng đến thế ư?
Vương Thúy-Thúy tiếp lời Linh-Khang :
- Thưa chủ nhân họ dám, và họ đã làm rồi. Việc đó xẩy ra ngay lúc chủ nhân rời Thăng-long.
- Sao tỷ tỷ biết ?
Thủ-Huy hỏi : Tin này ai cho tỷ tỷ biết ?
- Thưa là đại lão gia.
Thúy-Thúy thuật :
- Hôm qua, khi ba con thuyền nhà ta rời Thăng-long về tới Thiên-trường, thì chim ưng đưa tin của bản phái báo cho lão gia biết vắn tắt rằng : Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di, đã áp chế Hoàng-hậu, Thái-tử Long-Xưởng bắt ký vào tờ biểu tôn Long-Trát lên làm vua. Sau đó chúng giam Bảo-Quốc vương, vương phi lại, rồi vào ngục thả Đỗ Thục-phi với Long-Trát ra. Họ tiếp tục tôn Long-Trát làm Trinh-Phù hoàng đế, Thục-phi làm Chiêu-thiên, Chí-lý hoàng thái hậu như cũ. Nghe tin này, ngoài trừ đại lão gia, còn lại tất cả môn phái cùng vỗ tay reo hò vui mừng, cho rằng Long-Xưởng tự mình hại mình. Đại lão gia sai tiểu tỳ phi ngựa bất kể ngày đêm tìm chủ nhân, báo tin cho chủ nhân với lời nhắn nhủ rằng : Đừng để cho hậu thế chê là ngu trung. Trước đây vua Anh-tông sủng ái chủ nhân với công chúa, mà trao cho chức Thái-úy. Nay người vừa băng hà, Long-Xưởng xua đuổi chủ nhân, thì Long-Xưởng đã bị giam. Chủ nhân phải về năém lấy quyền, bằng không bọn An-Di sẽ ra tay hại tất cả tướng sĩ dưới quyền của chủ nhân . Việc này đưa đến chư tướng chống lại chúng, thì nước sẽ có nội loạn. Vậy chủ nhân với công chúa cứ đường đường chính chính về Thăng-long thụ tang. Mọi sự đã có lão gia chu toàn.
Thủ-Huy hiểu rằng ông nội mình muốn nói : Mọi sự về Long-Xưởng coi như đã an bài, đừng cố cưỡng lại. Cưỡng lại chỉ lao tâm, khổ tứ vô ích mà thôi. Công thở dài tâu với Chiêu-Khang:
- Dù bị ép buộc, nhưng anh Long-Xưởng đã ký vào biểu tôn Long-Trát lên ngôi, thì con bất lực rồi.
Công nói với Đoan-Nghi :
- Nghi muội, hồi còn tại thế, phụ hoàng cực kỳ sủng ái muội, lại tin dùng anh. Chúng ta cứ ngang nhiên về chịu tang. Nếu bọn Đỗ An-Di có trở mặt, với võ công chúng ta, chúng ta dư sức giết chúng.
Chiêu-Khang đồng ý :
- Ta cũng về chịu tang với hai con.
Bà gọi Huệ-Trinh :
- Hoàng-thượng băng hà, ta về chịu tang. Con sai Ngô Văn-Phụng đánh xe cho ta về Thăng-long.
Chiêu-Khang thay y phục Thái-phi. Tuy bà trên dưới sáu mươi, nhưng sắc đẹp vẫn chưa tàn phai. Thủ-Huy, Đoan-Nghi cỡi ngựa đi trước. Xe Chiêu-Khang đi sau.
Vừa đi được một quãng, thì từ phía trước có hai kị mã đang đuổi nhau. Kị mã chạy, mặc y phục nô bộc, ngực đeo cái túi, địu một đứa trẻ. Dường như y bị thương, nên mặt đầy máu. Kị mã phía sau mặc y phục thị vệ. Vì phía trước có xe của Chiêu-Khang cản đường, nên ngựa của người y phục nô bộc phi chậm lại, bị ngựa của thị vệ đuổi kịp. Gã nô bộc ngửa mặt lên trời khấn :
- Xin liệt tổ năm vị tiên đế phù hộ cho tiểu chủ thoát khỏi tai vạ hôm nay.
Viên thị vệ quát lên :
- Gã họ Doãn kia ! Ta với người vốn không thù, không oán. Chỉ cần người trao đứa trẻ cho ta, để ta về phục mệnh, thì ta sẽ để cho người sống. Bằng không ta phải giết người.
Hai người xông vào giao chiến. Gã họ Doãn dùng võ công Đông-a, còn gã thị vệ dùng võ công Hoa-sơn. Chỉ
được mấy chiêu, gã họ Doãn đã lạc bại. Viên thị vệ đưa một đao định xẻ gã họ Doãn làm hai. Nhưng khi đao y sắp chạm vào người đối thủ thì bị vuột khỏi tay y. Đao của y đã bị Đoan-Nghi đoạt mất. Người y bị hất tung lên cao, rồi rơi xuống đường, giống như chính y nhảy xuống vậy. Y bị điểm huyệt, đứng như một cây chuối.
Gã Doãn thoát chết, y bật lên tiếng kêu :
- Thì ra phò mã với công chúa đấy ư ?
Đoan-Nghi nhận ra gã họ Doãn là trưởng đội mã phu của Đông-cung. Không biết đứa trẻ mà gã địu kia là ai, mà bị thị vệ đuổi bắt ? Nàng hỏi :
- Đứa trẻ này là ai, mà bị thị vệ truy lùng ?
- Khải điện hạ đây là đệ nhị hoàng tử của Chí-tôn, Vô-thượng, đại-thánh hoàng đế.
Nghe đến danh hiệu bọn nịnh thần tôn Long-Xưởng, Thủ-Huy cau mày. Nhưng công không nói gì. Đoan-Nghi bồng lấy đứa trẻ, nàng nhận ra nó là con thứ nhì của Long-Xưởng. Dù Long-Xưởng trở mặt, xua đuổi nàng, nhưng tình cô cháu không cho nàng làm ngơ. Nàng trao đứa trẻ cho Thúy-Thúy, rồi hỏi :
- Vì sao thị vệ lại đuổi bắt đứa trẻ này ?
Gã họ Doãn khóc :
- Hôm qua, sau khi phò mã, công chúa đi rồi, thì gia tướng thân binh của Tô Hiến-Thành, Dỗ An-Di xuất hiện. Mạc Hiển-Tích chỉ huy thị vệ, cấm quân, gia tướng thân binh họ Tô, Đỗ bao vây điện Càn-Nguyên. Hình-bộ thượng thư Trần Trung-Tá kết tội Chí-tôn Vô-thượng, Đại-thánh hoàng đế những gì là mưu phản, soán vị... gồm hơn trăm điều. Rồi Tô Hiến-Thành xin chỉ dụ của Đỗ Thục-phi bắt Hoàng-đế. Người cùng Hoàng-hậu Trang-Hòa chống trả, giết hơn hai chục tên thân binh, thị vệ, rồi bị bắt. Đỗ An-Di sai bao vây Đông-cung, giam tất cả bộc phụ, mã phu, cung nữ, thái giám vào ngục.
- Thế đội thị vệ Đông-cung đâu
- Khi Hoàng-thượng xua đuổi ông bà Đào Duy, thì ông bà dẫn đội thị vệ Đông-cung về ấp phong của người. Đông-cung không còn lực lượng nào phòng vệ nữa. Hoàng trưởng tử với công chúa bị bắt luôn. Bấy giờ thần đang đánh xe cho cung nga bồng đệ nhị hoàng tử dạo chơi Thăng-long. Nghe tin dữ, thần đưa hoàng tử trốn về nhà thần. Sáng nay, thị vệ tơí vây bắt, thần ôm hoàng tử vừa chống với thị vệ vừa chạy. May mắn đến đây gặp công chúa cứu mạng.
- Còn Thái-tử Long-Xưởng với vương phi Trang-Hòa, hiện nay ra sao ?
- Đêm qua, thần nghe nói, bọn Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di giam người vào ngục. Chúng ép người ký vào biểu tôn hoàng tử Long-Trát lên ngôi vua. Người không ký. Chúng đem hoàng trưởng tử, công chúa vào ngục, uy hiếp rằng, nếu người không ký thì chúng sẽ giết. Người vẫn cương cường không ký. Sau vì vương phi Trang-Hòa năn nỉ, người khuất phục ký.
Đoan-Nghi giải huyệt cho viên thị vệ, rồi hỏi :
- Người báo danh đi. Người thuộc cơ đội nào ? Ai ra lệnh cho người truy tầm đứa trẻ này.
Viên thị vệ run run :
- Thần là gia tướng phủ Thái-sư Đỗ An-Di, tên Chu Hải. Chính Thái-sư ra lệnh cho thần phải đuổi giết đứa trẻ này, cho tuyệt hậu hoạn, vì nó là con thân vương phiến loạn Long-Xưởng.
Thủ-Huy vỗ sẽ lên vai viên thị vệ một cái, làm toàn thân y bị rung động, rồi hỏi :
- Người có biết ta đã nhả vào cơ thể người một ít Cổ-loa nội lực. Nội trong ba mươi ngày không trị thì các mạch máu bị vỡ ra mà chết không ?
- Khải...Khải... Thần xin phò mã dung tình.
Thủ-Huy lấy trong bọc ra một con ó bằng bạc, tín hiệu của phái Đông-a, trao cho tên Chu Hải :
- Bây giờ người trở về, mà không có đứa trẻ này đem nộp thì người sẽ bị An-Di giết. Vậy người hãy gấp đem vợ con đi Thiên-trường. Tới Thiên-trường, người đưa con ó này cho anh ta tên Trần Lý, thì người sẽ được che chở, và được giải huyệt. Thôi người đi đi.
Tên Chu Hải hành lễ, rồi phi ngựa hướng về Thăng-long.
Đoan-Nghi nhìn đứa cháu mới hai tuổi mà muốn đứt ra từng khúc ruột một. Nàng hỏi Thủ-Huy :
- Dù sao chăng nữa, đứa trẻ này cũng là máu huyết của phụ hoàng, mà tên Đỗ An-Di truy lùng để giết, thì thực là quá lắm.
- Nhà dột từ nóc dột xuống, thì còn nói gì nữa bây giờ ? Xưa Cảm-Thánh thái hậu từng để cho Anh-Vũ giết các thân vương là anh, em của phụ hoàng. Thì nay Đỗ Thụy-Châu cũng để cho anh là An-Di nhân danh Long-Trát là Trinh-phù hoàng đế giết Long-Xưởng, thì có chi là lạ ?
Thúy-Thúy thêm vào :
- Khải công chúa điện hạ, đây là quả báo nhãn tiền. Giá như hôm qua Thái-tử để cho chủ nhân giết bọn Tô, Đỗ ; lại không mượn tay Thái-hậu giết ba vương ; không xua đuổi chủ nhân với Vũ -kị thượng tướng quân Tăng Khoa, ông và Đào Duy ; thì giờ này chúng đã nằm dưới mồ, còn người thì ngồi trên ngai vàng ; chứ có đâu người bị giam trong ngục, con cái bị truy lùng ?
Nàng thở dài :
- Xưa nay, phàm người ngoài tranh dành ngôi vua với nhau, thì kẻ thắng để cho người bại sống. Thời Tam-quốc, vua Ngụy bắt vua Ngô, vua Thục, vẫn phong cho tước vương, ban ấp, ban lộc để sống an nhàn. Còn như anh em tranh ngôi với nhau, thì người thắng lên làm vua phải tuyệt diệt kẻ bại. Như Đường Thái-tông thắng hai vương Kiến-Thành, Nguyên-Kiệt, thì lập tức giết hai vương, cùng vợ con, tôi tớ. Nay Long-Trát còn nhỏ, trong khi các tướng lại là người của Thái-tử, thì bọn Tô, Đỗ phải giết Thái-tử cũng như các con của người, bằng không thì các tướng đem quân về trung hưng, tất ba họ nhà chúng phải chết hết.
Chiêu-Khang bảo gã họ Doãn :
- Người thực là tên nô bộc trung thành. Người hãy mang đứa trẻ này đến đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu gặp đệ tử ta là Lưu Huệ-Trinh. Nó sẽ bảo vệ đứa trẻ, và trị thương cho người.
Thủ-Huy, Đoan-Nghi lại tiếp tục hộ tống Chiêu-Khang thái hoàng thái phi lên đường.
Khi đến Bắc-ngạn, thì gặp đạo Thiên-tử binh Quảng-vũ đang từ Thăng-long qua sông về Kinh-bắc. Viên đô thống chỉ huy thấy Thủ-Huy, Đoan-Nghi thì rạp người xuống hành lễ.
Đoan-Nghi hỏi Thủ-Huy :
- Nếu bây giờ ta ra lệnh cho hiệu Quảng-vũ tràn vào thành giết sạch bọn Đỗ An-Di thì lật được thế cờ. Anh nghĩ sao ?
- Vô ích ! Anh không còn mặt mũi nào đem quân cứu Long-Xưởng nữa. Khi Long-Xưởng đã ký vào biểu tôn Long-Trát lên làm vua, trước tử quan phụ hoàng, mà anh đem quân về, hạ Long-Trát xuống, thì anh hóa thành một tử bất hiếu, thần bất trung. Không chừng khi cứu Long-Xưởng ra, đưa lên ngôi, anh ấy lại đem chúng mình giết đi, rồi đổ hết tội lên đầu chúng mình nữa.