Phương-Lan tiếp :
- Con đường thứ nhì , thì người xưa đã nói : Khi nhà có sự mới biết con hiếu. Xã-tắc nguy nan mới biết tôi trung. Phàm nam nhi đại trượng phu, ai cũng muốn làm anh hùng, danh ghi thanh sử. Nhưng không phải ai cũng có dịp làm anh hùng. Bây giờ, chú có dịp làm anh hùng đây. Chú truyền một hịch đi khắp các trấn, các phủ, rồi đem quân về Thăng-long, phế thằng bé con kia xuống, lập Long-Xưởng lên làm vua. Bọn quan lại nào chống đối thì đem ra chặt đầu hết. Nghìn năm sau lịch sử còn ghi tên.
- Còn con đường thứ ba ?
- Con đường thứ ba là chú treo ấn, rồi cùng Đoan-Nghi bỏ đi ngao du thắng cảnh, học theo cụ tổ ta xưa, làm Ưng-sơn song hiệp hay học theo Minh-Đạo vương làm một Côi-sơn song ưng.
Thủ-Huy đập tay xuống bàn :
- Em xin chọn con đường thứ nhì.
Lập tức công cầm bút viết lệnh, trao cho thư lại sao làm nhiều bản, rồi ngay chiều hôm đó cho triệu hồi các tướng về họp. Sau khi giảng giải tình hình, công ban lệnh :
- Cuộc tiến quân này khác với cuộc tiến quân dẹp bọn gian tế Tống trước đây. Cuộc tiến quân này chắc chắn phải chấp nhận một cuộc giao tranh.
Công trao binh phù cho đô đốc chỉ huy hạm đội Aâu-Cơ :
- Đô đốc được đặt dưới quyền Vũ-kị thượng tướng quân Tăng Khoa. Hạm-đội Aâu-Cơ đang trấn Thăng-long. Đô đốc cho hạm đội dàn các chiến thuyền dọc sông Hồng, phong tỏa tất cả các sông, các hồ quanh Thăng-long, không cho bất cứ thuyền bè nào đi lại. Đem các thuyền lớn chờ ở bến Bắc-ngạn để chở quân qua sông.
Viên đô đốc đứng dậy lên đường ngay.
- Hiện hiệu binh Phù-Đổng đang cùng hiệu Ngự-long, Quảng-thánh, Quảng-vũ thao luyện tại rừng tre. Vũ-kị thượng tướng quân Tăng Khoa, nhanh chóng đem hiệu binh Phù-Đổng về Thăng-long, đánh chiếm các cửa thành, các cung điện, bao vây Hoàng-thành. Đợi khi ba hiệu binh Ngư-long, Quảng-thánh, Quảng-vũ qua sông, thì bao vây, khống chế tất cả dinh thự các quan lại. Đợi ta về sẽ chiếm Hoàng-thành.
Tăng Khoa hỏi :
- Nếu thị vệ, cấm quân chống lại thì sao ?
- Tuyên đọc lệnh của ta cho họ nghe. Họ buông vũ khí thì thôi. Bằng không thì giết hết.
Thủ-Huy dẫn các tướng lên ngựa hướng Thăng-long khẩn cấp.
Thủ-Lý nói với em.
- Anh lên đây vì chú, chứ anh không muốn về Thăng-long nhìn cái bọn quan liêu ngu dốt, hèn hạ của triều đình. Anh lại không muốn nhìn cái gã Long-Xưởng kia nữa.
Thấy nét mặt Thủ-Huy dường như không bằng lòng vì mình cương quyết với Long-Xưởng, Thủ-Lý nhấn mạnh :
- Tuy em ban lệnh đem quân về, nhưng anh biết rút cuộc lại đầu voi đuôi chuột như vụ Vương Cương-Trung, Thụy-Hương gây loạn. Giá như hôm ấy, khi chú xua quân đánh vào Hoàng-thành, chú mật lệnh cho đội võ sĩ Long-biên, Côi-sơn giết sạch bọn nịnh thần ăn hại, bọn Tống, bọn cung nga dơ bẩn, thì mọi chuyện đã êm thắm. Bây giờ trước mặt anh thì chú hăm hở, nhưng liệu chú có dám nhân lúc hỗn quân, hỗn quan, ra lệnh cho võ sĩ tru diệt hết bọn nịnh quan ăn hại không ?
- Nhất định em sẽ thẳng tay !
- Giả như, bấy giờ giữa lúc võ sĩ đang ra tay, Long-Xưởng ra lệnh cho chú phải ngừng lại, rồi lui quân, thì chú tính sao ?
Thủ-Huy ngây người ra suy nghĩ :
- Em đành phải nghe lệnh. Vì cái việc em ra làm quan, hoàn toàn vì nghĩa huynh Long-Xưởng. Ngoài tình huynh đệ, còn tình anh vợ em rể, tình nghĩa chúa tôi. Em không thể trái lệnh anh ấy.
Thủ-Lý nắm lấy tay em, mắt đỏ lên vì thương hại :
- Mưu sự tại em ! Thành sự tại Long-Xưởng ngu ít hay ngu nhiều. Tiếc thay cho em đã làm cái việc của con dã tràng xây cát biển Đông ! Thôi, gia đình chờ em ở Thiên-trường để cùng vui thú cỏ nội, hoa đồng.
Vương Thúy-Thúy nói với Tô Phương-Lan :
- Phu nhân, nô tỳ đã nguyện theo hầu phò mã cả đời. Bây giờ nô tỳ xin bái biệt phu nhân, để theo phò mã.
- Tỷ tỷ cứ theo lễ nghi mà làm.
Khi lên ngựa rời bản doanh Bắc-biên, Phương-Lan còn dặn Thủ-Huy :
- Chú hãy bảo trọng lấy thân.
Thông thường thì thân binh lo áo quần, ăn uống cho Thủ-Huy. Bây giờ, Thúy-Thúy dành làm hết. Thúy-Thúy mặc võ phục, lưng đeo bảo kiếm đi sát sau lưng Thủ-Huy. Nhìn khuôn mặt thanh tú, mái tóc mây chảy dài xuống hai vai của Thúy-Thúy, Thủ-Huy sợ hãi, vội quay mặt nhìn đi chỗ khác .
Trên đường đi, Thủ-Huy nhận được tin do Tăng Khoa gửi về liên tiếp :
« Chim ưng của Thái-tử Long-Xưởng báo : Khi thái-tử cùng tam vương Kiến-Ninh, Kiến-An Kiến-Tĩnh, công chúa Đoan-Nghi về tới Thăng-long, thì các cửa thành đóng kín. Cấm quân nói rằng họ tuân lệnh của quan Tổng-lĩnh Mạc Hiển-Tích không cho ai vào. Long-Xưởng bảo chúng gọi Hiển-Tích ra, thì không thấy Hiển-Tích mà chỉ thấy Tể-tướng Đỗ An-Di. Di hành lễ rồi báo cho Long-Xưởng biết Hoàng-thượng băng hà vào giờ Dần. Ngay lập tức, triều thần chiếu chỉ dụ của Hoàng-thượng tôn Thái-tử Long-Trát lên làm vua. Mọi sự đã an định. Vậy nếu Long-Xưởng cùng các vương muốn vào thành chịu tang, cùng bái kiến Trinh-phù hoàng đế, thì phải để tất cả tùy tùng ở lại. Long-Xưởng chưa kịp trả lời thì An-Di đã xuống khỏi địch lâu. Tuy nhiên chưa bắt liên lạc trực tiếp với Long-Xưởng ».
Mấy giờ sau lại có tin :
« Hiệu Phù-Đổng đã sang sông. Hạm đội Aâu-Cơ phong tỏa khắp các sông hồ quanh Thăng-long. Đã bắt được liên lạc với thái-tử Long-Xưởng. Long-Xưởng ban chỉ chờ ba hiệu Thiên-tử binh qua sông, sẽ đánh vào trong thành ».
Thủ-Huy càng thúc mọi người đi thực gấp. Khi đến Kinh-Bắc thì nghỉ lại qua đêm. Thúy-Thúy mắc võng, mắc màn cho Thủ-Huy nằm. Còn nàng, thì nàng cũng mắc võng ngay cạnh Thủ-Huy. Thủ-Huy leo lên võng, thì Thúy-Thúy nói :
- Chủ nhân ! Chủ nhân suy nghĩ nhiều quá e mệt tâm thần. Để tiểu tỳ tẩm quất cho chủ nhân.
Thủ-Huy chưa kịp từ chối, thì Thúy-Thúy đã dùng hai tay nhẹ nhàng chà sát trên trán, thái dương, cằm, rồi cổ cho công. Công điếng người đi, nằm như khúc gỗ không dẫy được nữa. Hơi thở của nàng, vừa ấm áp, vừa thơm tho lướt trên má công.
Thúy-Thúy lại chuyển tay xuống nắn hai bắp tay, rồi chà vào hai bên sườn. Thủ-Huy định lên tiếng năn nỉ : Thôi ! Thôi ! Tôi chịu hết nổi rồi. Nhưng công mở miệng ra không được.
Thúy-Thúy lại chà xuống bụng, rồi... Đến đây thì Thủ-Huy gần như mê man. Thúy-Thúy ngừng tay, nàng gục đầu vào ngực Thủ-Huy. Thủ-Huy rùng mình, khẽ nâng đầu nàng dậy :
- Thúy-Thúy ! Nàng là tiên nữ ! Còn tôi...
Giọng Thúy-Thúy nhẹ như tơ. Nàng nói như gió thoảng :
- Chủ nhân ! Tiểu tỳ đã nguyện hầu hạ chủ nhân cả đời ! Lúc nào tiểu tỳ cũng sẵn sàng dâng hiến cho chủ nhân.
Ghi chú của thuật giả:
Thuật đến đây, tôi xin ngừng lại, vì không biết những gì sẽ xẩy ra giữa anh hùng Trần Thủ-Huy và giai nhân Vương Thúy-Thúy. Tôi đã tra trong chính sử, huyền sử Tống-Việt ; kể cả bia đá, gia phả cũng không thấy chép rằng sau đó Thủ-Huy sẽ tỉnh táo, giữ tấm lòng chung thủy vơí Đoan-Nghi, hay tiếp nhận tất cả những gì Thúy-Thúy dâng hiến ? Độc giả Anh-hùng Đông-a vốn thông minh, xin đoán dùm.
Sáng hôm sau, giờ Dần, Thủ-Huy thức giấc thì nhận được chỉ dụ của Long-Xưởng :
«Khi ta về Thăng-long thì chỉ đem có vài tùy tùng theo. Sợ bọn Đỗ An-Di tập kích, ta phải nhờ bà Như-Yên đem đội thị vệ Đông-cung theo hộ vệ. Vậy đệ phải cho hai đội võ sĩ Long-biên, Côi-sơn phi ngựa về bảo vệ Đông-cung. Ta chờ nhị đệ, rồi đánh vào Thăng-long giết hết bọn nghịch thần, tặc tử, bọn mãi quốc ».
Giờ Thìn, Thủ-Huy về tới Bắc-ngạn, thủy quân đưa công cùng bộ tham mưu qua sông. Đò vừa cập bến, thì gặp Long-Xưởng, cùng chư vương, văn võ bách quan từ các trấn, phủ, huyện về chịu tang bị ùn lại, không được vào thành. Thủ-Huy tạm đóng tổng hành doanh ở ngoài thành, rồi thỉnh Long-Xưởng, cùng các quan vào nghỉ.
Thủ-Huy mời chư vương, Đoan-Nghi, Tăng Khoa họp riêng. Công trình bầy tất cả những tin tức do Thủ-Liễu thu thập được, cùng những uẩn khúc về việc Long-Xưởng bị truất, lập Long-Trát, mà hai chỉ dụ cho đến nay cũng vẫn còn giá trị. Nghe Thủ-Huy nói, Long-Xưởng than :
- Sau khi diệt bọn gian tế Tống, an định được Thăng-long, ta quên khuấy đi mất cái chuyện xin phụ hoàng ban chỉ phục hồi ngôi vị cho ta, lại cũng không xin chỉ phong tước cho Long-Trát. Bây giờ các em nghĩ sao ?
Kiến-Ninh vương đề nghị :
- Bọn Đỗ An-Di tưởng rằng đặt thằng nhỏ lên làm vua, là cố tình tạo thành sự đã rồi. Em nghĩ anh nên lên ngôi cho chính vị, ban hịch đi khắp nước, cử sứ giả vào bắt bọn Đỗ An-Di đầu hàng, bằng không chúng ta đánh thành, rồi làm cỏ bọn chúng.
- Thưa vương gia làm như vậy không đúng lễ.
Vũ Tán-Đường giảng giải :
- Từ xưa đến giờ, khi Hoàng-đế băng hà thì bao giờ tự quân cũng phải lên ngôi trước tử-cung. Vả lại bọn Vương Cương-Trung, Thụy-Hương ép Hoàng-thượng ban chiếu, dùng những lời lẽ hạ nhục Thái-tử quá đáng. Mà chiếu ấy gửi khắp các trấn, các phủ, huyện. Từ ngày đó đến giờ, dư đảng bọn Tống, bọn chân tay của tụi hủ nho, bọn vong mạng, bọn đầu trộm đuôi cướp không ngớt nhắc lại những lời vô quân, phạm tượng đó. Trong dân gian thì thầm đã nhiều. Nếu nay Thái-tử lên ngôi ở ngoài thành thế này, thì bọn Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di lại có cớ để nói với mọi người.
Tăng Khoa đứng dậy cung tay :
- Khải Thái-tử, thần nghĩ không cần phải gửi sứ. Thị vệ, cấm quân quá ít không đủ giữ Thăng-long. Vậy Thái-úy chỉ cần truyền một lệnh rằng người bảo giá Thái-tử cùng chư vương, đại thần về chịu tang. Cấm quân, thị vệ phải mở cổng thành. Bằng không thì cho đánh thành. Thần nghĩ, năm trước thị vệ, cấm quân đã theo Thái-tử đánh hiệu binh Sơn-Nam. Họ thấy bọn này chống lại Thái-tử, rồi bị bọn Tống giết, bị xử tội sau biến cố. Nay vô tình họ bị đẩy vào cái thế đó, họ đã lo sợ lắm rồi. Họ chỉ chờ dịp là buông vũ khí. Cái bọn An-Di, Hiến-Thành gan có bằng trời cũng không dám chống lại ta. Vả thị vệ, cấm quân đều do Thái-úy với thần huấn luyện. Họ biết tính cương quyết của Thái-úy, nên không ai đủ can đảm cầm vũ khí chống lệnh Thái-úy mà mang họa.
Long-Xưởng hài lòng nói với Đoan-Nghi :
- Lời nghị của Tăng đệ thực đúng luật pháp. Ở đây em là người cử bút thành văn, vậy em hãy soạn một lệnh gửi cho chư quân tướng, mà không nhắc gì tới bọn Tô, Đỗ cả.
Công-chúa Đoan-Nghi cầm bút viết :« Kiểm-hiệu Thái-sư, Thượng-trụ quốc, Khai-phủ nghị đồng tam tư, Trung-vũ quân tiết độ sứ, lĩnh đại Đô-đốc, Kiến-Ninh vương.
Dao-thụ Thái-bảo, quản Khu-mật viện, Thượng-thư tả bộc xạ, Phụ-quốc thượng tướng quân, trấn Nam tiết độ sứ, Kiến-An vương.
Đặc tiến Thiếu-sư, Khu-mật viện sứ, Thượng-thư tả thừa, Thượng-thư lệnh, Tả kim ngô thượng tướng quân, tổng-lĩnh Thiên-tử binh Kiến-Tĩnh vương.
Hiếu-khang, Thạc-hòa, Ôn-huệ, Nhu-mẫn, Anh-văn, Đoan-Nghi công chúa, tổng-lĩnh nữ binh.
Phò-mã Phụ-quốc Thái-úy, Tả-kim-ngô đại tướng quân, Thượng-trụ quốc, Càn-nguyên điện đại học sĩ, Côi-sơn quốc công.
Lệnh cho các tướng sĩ cùng thị vệ, cấm quân trong thành Thăng-long :
Được hung tin hoàng-thượng băng hà. Thái-tử cùng chư vương Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh, công chúa Đoan-Nghi, phò mã Thái-úy cùng các quan văn võ tại các trấn, phủ huyện về chịu tang. Mà các người lại đóng cửa thành là ý gì ? Vì vậy, chúng ta phải mang binh về bảo giá. Chúng ta hẹn cho các người đến giờ Mùi hôm nay phải mở cửa thành. Bằng không, chúng ta sẽ xua binh đánh vào, thì bản thân các người bị giết đã đành, mà gia đình cũng bị phanh thây.
Niên hiệu Thiên-cảm Chí-bảo, tháng bẩy, ngày vọng »
Long-Xưởng đọc xong khen ngợi :
- Hay, lệnh này coi như không biết gì tới cái vụ Long-Trát đã lên ngôi, không kể tội bọn Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di, để mở cho chúng một con đường. Lại giải thích rõ về vụ mang quân về. Bọn phản thần không còn gì để có thể bắt quân đóng cổng thành.
Thủ-Huy sai quân mang thư đi.
Tăng Khoa ra lệnh cho tướng sĩ :
- Hiệu Quảng-thánh, Quảng-vũ chia ra bao vây các cửa thành. Hiệu Phù-Đổng, Ngự-long cũng chia ra chờ đợi ở các cửa. Đến giờ Mùi, nếu cửa thành mở, thì nhất loạt tiến vào, nhanh chóng chiếm đóng tất cả các phủ, dinh, kể cả Phủ-thừa Thọ-xương. Còn Hoàng-thành thì chỉ bao vây thôi. Nhược bằng sang giờ Mùi, mà cửa thành không mở, thì đồng loạt tấn công. Cần đánh chớp nhoáng. Khi lọt vào thành thì cho mở cửa. Rồi hiệu Ngự-long, Phù-Đổng tiến vào thi hành như trên.
Long-Xưởng thấy vợ chồng Đào Duy cũng có mặt, thì cảm động :
- Đào đại phu ! Đào phu nhân ! Từ ngày gặp gỡ nhau trên bến Bắc-ngạn đến giờ, nhị vị đã cùng Xưởng này chịu không biết bao nhiêu cay đắng, thăng trầm. Nhị vị lại là sư phụ khai tâm về võ cho Xưởng. Thế mà bây giờ người vẫn giữ một chức vụ khiêm tốn là Đại-phu nhạc quan. Phu nhân vẫn chỉ là chức quản lý Đông-cung. Hôm nay, Xưởng lên ngôi vua, sẽ phong cho phu nhân tước công chúa, quản lĩnh cung nga. Còn Đào đại phu phải được phong hầu, thăng lên Thị-lang bộ Lễ.
Hai người nói lời cảm tạ.
Vương nói với các em :
- Chúng ta chia nhau ra, mỗi người tiến vào một cửa. Kiến-Ninh vương tiến vào cửa Tường-phù. Kiến-An vương tiến vào cửa Diệu-đức. Kiến-Tĩnh vương tiến vào cửa Đại-hưng. Còn cửa Quảng-phúc thì ta với Thủ-Huy, Đoan-Nghi tiến vào. Nhớ , dù phải công thành, hay không, cũng cần dàn nghi trượng sẵn, khi vào thành giữ cho uy nghi. Ta không có thị vệ hộ tống, tạm dùng đội thị vệ Đông-cung của Đào phu nhân vậy.
Chư tướng đứng dậy, rời hành doanh, đi điều quân.
Kiến-Ninh vương bàn với Long-Xưởng :
- Từ hơn mười năm nay, bọn lão thần lười biếng, nếu không chống lại chúng ta, thì cũng ù lỳ. Chúng biết ta cầm binh quyền, tương lai anh cả lên ngôi, mà chúng dám chống lại. Tại sao ? Vì chúng hiểu rằng phụ hoàng không có chủ trương gì, chúng có thể dựa vào người mà khuynh đảo Xã-tắc. Hồi ấy, bọn gian tế Tống gây ra việc biến loạn, em đề nghị trong lúc hỗn quân, hỗn quan, ta giết sạch bọn chúng đi, để triều đình không có nạn chia hai, chia ba. Anh cả cho rằng sau vụ ấy, thì chúng sẽ kinh hồn động phách mà quay đầu lại. Nếu ta tha cho chúng, chúng sẽ cảm phục, mà giúp ta. Như vậy ta tránh được sự phân hóa nhân tâm. Đại ca thấy không ? Chúng thoát được lần đó, bây giờ chúng gây ra vụ tầy trời này. Hôm nay, khi quân tràn vào, ta sai võ sĩ Côi-sơn, Long-biên giết sạch bọn chúng. Như vậy, từ nay không còn bọn hai lòng nữa.
Long-Xưởng nghĩ thầm :
« ... Lên ngôi vua, ta không sợ bọn chúng, ngược lại cần bọn chúng. Trong khi đó ta không cần bọn bay, mà phải đề phong bọn bay ».
Tuy vậy vương giả bộ thở dài :
- Nếu em ở vào hoàn cảnh của anh, thì em mới hiểu được cho anh. Em nên biết, bọn đại thần theo Tô, Đỗ, chỉ vì hai di chiếu của phụ hoàng. Hơn nữa chúng là cố mệnh đại thần của phụ hoàng. Anh là tự quân, mà lại giết cố mệnh đại thần, chỉ vì họ thi hành di chiếu của tiên đế, thì sau này ai sẽ tuân chỉ của anh ?
Kiến-Ninh vương đành lắc đầu chịu thua. Chờ lúc Long-Xưởng đang luận bàn với chư đại thần ở các trấn, vương gọi Thủ-Huy ra ngoài nói nhỏ :
- Nhị ca ! Cạnh nhị ca có đoàn võ sĩ Long-biên, Côi-sơn. Xin nhị ca ra mật lệnh cho chúng, khi ta đánh vào thành, lợi dụng lúc hỗn chiến, giết sạch bọn nịnh quan phản phúc, để trừ hậu hoạn. Nhị ca nghĩ sao ?
- Gần đây, đại ca không còn suy nghĩ, hành xử như chúng ta nữa. Những lời đề nghị của chúng ta, đại ca không còn coi trọng. Bây giờ đại ca đã không chịu cho chúng ta giết bọn ăn hại, mà chúng ta ra lệnh giết, thì sau này tình anh em sẽ sứt mẻ. Đệ chịu, không thể nghe lời huynh được.
- Hay thế này ! Nhị ca có thể nhờ anh Thủ-Lý, Trung-Từ, Tá-Chu đem theo một ít cao thủ , lợi dụng lúc hỗn loạn giết sạch bọn gian thần không ?
- Khó quá !
Thủ-Huy nhăn mặt :
- Từ sau vụ hội nhau trên hồ Tây, anh Thủ-Lý bẻ cung thề không lý gì đến việc triều đình nữa. Cái hôm chị Phương-Lan, Kim-Ngân đi Đồn-sơn cứu đệ là vì có lệnh của ông nội. Hôm rồi anh ấy cùng Trung-Từ, Tá-Chu lên Bắc-cương gặp đệ chỉ với mục đích cứu đệ mà thôi.
- Vậy đệ đành dùng bọn võ sĩ thân tín của đệ làm việc này.
- Không được đâu.
Công-chúa Đoan-Nghi phản đối :
- Anh là người thứ nhì sau anh cả để quy tụ nhân tâm, mà võ sĩ của anh làm chuyện đó, thì dân chúng sẽ bất phục. Em thấy trong các sư huynh, sư đệ của anh Thủ-Huy, thì Phùng Tá-Chu là người khoáng đạt, lại tinh, minh, mẫn cán. Hơn nữa Tá-Chu tuy không chính thức làm quan, nhưng trước đây phụ hoàng đã ban chỉ phong chú ấy là phó Đại đô đốc, để chú ấy dự vào việc đóng chiến thuyền, luyện tập thủy đội. Tất cả binh tướng thủy quân đều tưởng chú ấy là phó đại đô đốc. Chú ấy có thể dẫn một đội võ sĩ, trang phục thủy quân, làm chuyện đó.
Thủ-Huy hỏi lại vợ :
- Em nghĩ rằng Tá-Chu sẽ nghe lời em ư ?
- Khổ quá !
Đoan-Nghi than :
- Anh là anh, mà anh không hiểu anh Thủ-Lý, cô Kim-Ngân tí nào cả. Anh Thủ-Lý là người tình cảm, nhưng tính tình đứt khoát ; nói một là một, nói hai là hai. Đối với anh ấy, làm sao cho dân chúng sống an ninh, ấm no là anh ấy vui lòng. Chú Tá-Chu nói năng ồn ào, nhưng lời lời đều hợp đạo lý. Bề ngoài, chú ấy hay vui, hay bông đùa nhưng chú ấy lại là người sủng ái vợ cùng cực. Không một ý nghĩ nào của cô Kim-Ngân, mà chú ấy không chiều theo. Còn cô Kim-Ngân thì tuy cứng rắn, nhưng lại yêu thương anh em vô bờ bến. Anh chỉ cần ngỏ lời với Kim-Ngân, thì cô ấy giúp anh ngay. Cô ấy giúp anh, thì dĩ nhiên chú Tá-Chu phải nhảy vào.
- Được rồi. Hiện Kim-Ngân, Tá-Chu đang có mặt tại Thăng-long. Anh sẽ nhờ cô ấy. Nhưng chỉ lát nữa mình sẽ tấn công rồi, e cô Kim-Ngân ra tay không kịp. Vậy chỉ có thể nhờ cô ấy nhân danh Côi-sơn song ưng giết bọn chúng mà thôi.
Thủ-Huy viết mấy chữ, rồi gọi một tá lĩnh, nguyên là đệ tử của sư thúc Trần Tử-Mẫn :
- Sư đệ mang thư này ra bến Bắc-ngạn, nơi con thuyền của bản phái, trao cho thuyền phu, bảo chuyển cho sư tỷ Kim-Ngân khẩn cấp.
Viên tá lãnh tần ngần, như không muốn đi. Thủ-Huy hỏi :
- Có chuyện gì không ?
- Hiện hạm đội Âu-Cơ phong tỏa tất cả thuyền bè, thì sao con thuyền nhà ta di chuyển được ?
Thủ-Huy tỉnh ngộ đưa mắt cho Kiến-Ninh vương. Vương phát lệnh bài, rồi cầm bút viết lệnh :
« Phó Đại đô-đốc Phùng Tá-Chu, được lệnh thi hành chỉ dụ cực mật. Võ quan bộ binh từ cấp đô thống, thủy quân từ cấp đô đốc phải tuân theo sự điều động của người ».
Thủ-Huy cau mày tỏ ý phản đối :
- Lệnh như vậy có đúng luật không ?.
- Để đệ kể cho nhị ca nghe. Hai năm trước trong lần đệ cho bốn hạm đội tập trận ở Thiên-trường. Nghe nói Tá-Chu thống lĩnh đội hải thuyền đánh cá của các trại Thần-nông. Đội thuyền này nổi danh về ba phương diện : Thuyền chắc chắn, khi ra khơi không bị sóng đánh vỡ. Thủy-thủ giỏi. Tổ chức chặt chẽ. Đệ mời Tá-Chu xem thao diễn. Tá-Chu góp không biết bao nhiêu ý kiến về tổ chức, huấn luyện, tác chiến, cách đóng chiến thuyền. Đệ mời anh ấy làm phó đại đô đốc thống lĩnh thủy quân. Anh ấy không nhận, chỉ nhận cái hàm, để có thể ban lệnh, chỉ huy, luyện tập mà thôi. Phụ hoàng cũng đã ban chỉ phong cho anh ấy rồi. Hóa cho nên binh sĩ bốn hạm đội đều tưởng anh ấy là phó đại đô đốc thống lĩnh hải quân... Chứ đệ đâu có phong bừa ?
Viên tá lĩnh cầm lệnh bài đi liền.
Khoảng cuối giờ Ngọ, Long-Xưởng, Thủ-Huy vừa ăn cơm xong, thì thân binh vào báo :
- Các cửa thành đều mở rộng. Thị vệ, cấm quân không cầm vũ khí, đứng dàn hai bên các cổng. Vũ-kị thượng tướng quân Tăng Khoa cho quân tiến vào trong. Xin báo để Thái-úy định liệu.
Thủ-Huy phất tay một cái, đội nghi trượng nhanh chóng vào hàng ngũ, rồi khởi hành. Dẫn đầu là đoàn giáp sĩ Đông-cung do Như-Yên chỉ huy, gươm đao sáng ngời. Tiếp theo, đội thiết kị uy nghi, hùng tráng. Đi đầu là hai võ sĩ . Võ sĩ bên trái cầm cây cờ có hàng chữ Tả-kim-ngô đại tướng quân , Côi-sơn quốc công. Bên phải, một võ sĩ cầm cây cờ có hàng chữ Phụ-quốc Thái-úy Trần. Thủ-Huy, Đoan-Nghi đi dưới hai cây cờ đó. Thúy-Thúy với đội nữ binh, cận vệ đi sau. Tiếp theo, một đội nhạc hơn trăm người, rồi tới đội giáp sĩ, với những tấm bảng Tĩnh-túc, Hồi-tỵ. Long-Xưởng cỡi ngựa đi giữa. Chư đại thần các trấn theo sau.
Đoàn nghi trượng vừa vào trong thành, thì thân binh báo :
- Tăng tướng quân xin cáo với Thái-úy, đã chiếm hết các điện, phủ, dinh thự. Quân bao vây kín Hoàng-thành. Các quan cùng hai Thái-hậu đều ở điện Càn-nguyên, chờ Thái-tử giá lâm.
Thủ-Huy truyền lệnh:
- Người lui lại sau cáo với Thái-tử.
Thân binh vâng dạ, báo với Long-Xưởng. Long-Xưởng run lên, nghĩ thầm :
- Mình sắp thành con trời rồi đây.
Tay run run Long-Xưởng ban chỉ :
- Cấm quân, thị vệ đã không có ý chống lại, thì nhị đệ truyền cho chư quân ra đóng ở ngoài thành. Chỉ giữ lại hai đội võ sĩ Long-biên, Côi-sơn thôi.
Thủ-Huy nói nhỏ :
- Trong lúc hỗn độn này, ta cho quân giết sạch bọn gian thần đi, để trừ hậu hoạn.
Long-Xưởng chửi thầm :
- Cái tên Thủ-Huy này ngu như lợn. Ta đang cần bọn văn quan để hạ y, mà y cứ xúi ta giết chúng, thì đời nào ta làm nhỉ ?
Nghĩ vậy Long-Xưởng gắt :
- Nhị đệ hãy tuân chỉ ngay. Nếu như thị vệ, cấm quân chống lại, thì trong lúc sát phạt ta có thể giết chúng, rồi đổ lỗi cho cuộc hỗn loạn. Nay, thị vệ, cấm quân đã buông giáo, ta giết chúng thì khi lên ngôi vua, ta sẽ nói sao với trăm họ ?
Thủ-Huy đành ban lệnh rút quân. Nhưng công cũng để một đội cung thủ canh phòng các điện.
Dân chúng hiếu kỳ xếp hàng hai bên đường xem quan quân trẩy đi. Thình lình một người già, râu tóc bạc phơ tiến ra nắm lấy giây cương ngựa của Long-Xưởng, tả hữu quát mắng đuổi đi. Long-Xưởng vẫy tay ra lệnh để xem lão làm gì. Rồi hỏi :
- Tiên sinh đón đường cô gia có việc chi oan ức chăng ?
- Người có phải là Bảo-Quốc vương, con của Anh-tông hoàng đế không ?
- Đúng vậy.
- Hoàng đế mới băng hà, thân thể chưa nguội, mà hoàng tử lại đem đại quân về Thăng-long là ý gì vậy ?
- Vì bọn gian thần tặc tử dàn thị vệ, cấm quân ra không cho chư vương cùng đại thần vào chịu tang, nên cô gia phải mang quân về dẹp.
- Dẹp loạn ư ? Các đại thần thể theo di chiếu, lập Thái-tử Long-Trát lên làm vua, tôn hiệu là Trinh-phù hoàng đế. Việc làm của họ theo đúng luật pháp, đạo lý, mà bảo rằng họ làm loạn ư ?
Lão lùi lại, rồi chỉ vào mặt Long-Xưởng hét lớn :
- Người đã bị truất ngôi Thái-tử, giáng xuống làm Bảo-Quốc vương. Trong di chiếu năm trước đã kể rõ tội người : Bất trung, bất hiếu, tham dâm ; cưỡng dâm sủng phi của phụ hoàng, giết thái giám, cung nga. Một người như vậy mà đòi lên ngôi Cửu-ngũ ư ?
Thân-binh tuốt gươm định chém lão, thì Long-Xưỡng vẫy tay, ra hiệu để cho lão nói.
Lão cười sằng sặc :
- Người ta đồn hoàng tử Long-Xưởng là người anh hùng đời nay, lại trông rộng, nhìn xa, minh mẫn bậc nhất trong các hoàng tử. Nhưng trong con mắt ta, thì người là đứa con đại bất hiếu. Người toan cưỡng dâm Tuyên-phi của cha, không được, người giết cung nga, thái giám để bịt miệng. Người không phải là anh hùng, mà là đứa con bất hiếu, bầy tôi bất trung, tham dâm, càn rỡ. Nay người mang đại quân về tranh ngôi với đứa em mới có ba tuổi. Dĩ nhiên là người sẽ lên ngôi vua. Hơĩ ơi ! Nhờ vua Ngọa-triều họ Lê mà nghiệp lớn về họ Lý. Nay có ông Long-Xưởng cũng giống như Ngọa-triều thì đất nước này lại đảo điên mất rồi ! Than ôi ! Ta biết rằng sau khi ta nói người sẽ giết ta. Ta...Ta quyết không để người giết đâu !
Thình lình lão rút con dao nhỏ đeo sau lưng tự đâm vào ngực mình. Lão ngã xuống, mắt trợn ngược, mà tay còn chỉ vào mặt Long-Xưởng :
- Tên gian thần tặc tử kia. Ta chết rồi, hồn sẽ biến thành quỷ, ngày đêm không cho mi yên. Mi còn tồi tệ hơn gã Ngọa-triều nữa.
Lão nghẹo đầu sang một bên, mà chết.
Long-Xưởng trầm ngâm không nói gì. Đào Như-Yên nói nhỏ :
- Thái-tử thấy chưa ? Hồi tiên đế ban chiếu truất Thái-tử, chiếu này được sao gửi khắp các thôn xã. Thôn xã sai mõ rao liên tiếp mấy tháng liền. Lão già này, chỉ là người tin vào di chiếu mà thôi. Thái tử chẳng nên bận tâm. Sau khi Thái-tử lên ngôi, giảm thuế, khuyến nông, làm cho dân chúng ấm no, thì tự nhiên cái nọc trên sẽ hết.
Đoàn nghi trượng tiến đến điện Càn-nguyên. Chư vương cũng đã tới. Giáp sĩ dàn ra hai bên. Long-Xưởng đi trước, kế đến ba vương, rồi tới Thủ-Huy, Đoan-Nghi.