Trong điện Càn-Nguyên, các quan văn võ đứng làm hai hàng. Chính giữa, đặt tử quan của Hoàng-đế. Phía sau tử quan là một bàn thờ bầy các mâm lễ vật. Phi, tần ngồi thành hàng năm sau bàn thờ. Bên trái tử cung, là chiếc ngai vàng của Hoàng đế, một đứa trẻ mặt nhợt nhạt ngồi trên, đưa con mắt lờ đờ nhìn mọi người. Đó chính là Long-Trát. Bên phải là Hoàng-hậu, Thục-phi Đỗ Thụy-Châu. Phía sau ngai, Đức-phi Đỗ Kim-Hằng ôm Kiến-Khang vương Long-Ích ; Hiền-phi Lê Mỹ-Nga bồng Kiến-Bình vương Long-Tường. Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di, Lý Kính-Tu thõng tay đứng hai bên ngai vàng.
Có tiếng lễ quan hô :
- Bảo-Quốc vương, Kiến-Ninh vương, Kiến-An vương, Kiến-Tĩnh vương, công-chúa Đoan-Nghi phò mã Trần Thủ-Huy bái kiến hoàng...
Tiếng thượng chưa ra khỏi miệng thì một mũi phi trùy từ ngoài điện xé gió bay vào, trúng giữa trán y. Đầu bị vỡ làm đôi y ngã vật xuống, máu lẫn với óc văng khắp điện.
Đoan-Nghi kinh hãi, vội lạng người ra ngoài, thì phía ngoài có hàng trăm binh sĩ dàn ra uy nghi. Công-chúa hỏi :
- Thích khách vừa giết người. Chư quân có thấy không ?
Quân sĩ đều trả lời không. Đoan-Nghi vào trong điện, một thị vệ trình lên Long-Xưởng mũi phi trùy. Trên mũi phi trùy có khắc hình hai con chim ưng bay qua ngọn núi. Người người đều xanh mặt, thốt lên :
- Côi sơn song ưng !
Thủ-Huy, Đoan-Nghi biết đó là thủ đoạn của Phùng Tá-Chu với Kim-Ngân, để trừng phạt tên lễ quan, coi Long-Trát là vua, còn Long-Xưởng chỉ là Bảo-Quốc vương.
Hình-bộ thượng thư Trần Trung-Tá lĩnh Ngự-sử đại phu bước ra hỏi Thủ-Huy :
- Hồi tiên đế còn tại thế, người đãi phò mã không bạc. Thế sao nay người mới băng, long thể chưa lạnh. Aáu quân mới kế vị. Phò mã đã đem đại quân về như có ý uy hiếp. Phò mã vào điện này, chưa bái kiến mà đã giết lễ quan để ra oai đó sao ?
Thủ-Huy nghĩ rất nhanh : Ta hiện đang cầm đại quân. Quân bao vây phía ngoài, mà tên này dám xung chàng với ta thì y đã có chủ tâm từ trước. Đây chắc là mưu của bọn Đỗ An-Di. Công cười nhạt :
- Quan Ngự-sử sao nói ngoa vậy ? Người ra tay chính là Côi-sơn song ưng, đâu phải tôi ?
- Này Trần phò mã. Xưa kia Tấn Linh-Công định giết tể tướng Triệu Thuẫn. Triệu bỏ trốn. Khi Triệu chưa ra khỏi nước, thì Linh-Công bị giết. Triệu trở về lập ấu quân lên ngôi. Một hôm Triệu đến tòa Thiên-văn xem các thẻ tre, có ý muốn biết quan Thái-sử tên Đổng Hồ chép biến cố vừa qua ra sao. Triệu giật mình khi trên thẻ tre ghi « Ngày...tháng... năm... Triệu Thuẫn thí vua ». Triệu Thuẫn ngạc nhiên hỏi Đổng Hồ : Ta đâu có thí vua, khi vua bị thí ta không có mặt ở đây mà. Đổng Hồ thưa : Ngài là Tể-tướng, khi vua bị giết, Tể-tướng chưa ra khỏi nước. Nay Tể-tướng trở về cầm quyền, mà không trừng trị kẻ thí vua, thì rõ ràng là Tể-tướng thí chúa rồi. Triệu Thuẫn trở về đem kẻ thí vua ra giết. Mấy hôm sau, Triệu sang tòa Thiên-văn xem các thẻ tre, thì thấy không đổi. Triệu hỏi Đổng Hồ : Ta đã giết đứa thí chúa rồi, mà sao người chưa chịu chép lại. Bộ người chê gươm ta không sắc sao ? Đổng Hồ trả lời : Đúng ra thì ngài không giết kẻ thí chúa. Ngài chỉ giết y khi đọc những giòng này. Như vậy ngài còn chối vào đâu ?
Thủ-Huy bực mình :
- Chuyện xưa với nay không ăn nhập gì với nhau.
- Phò mã có phải là Thái-úy, cầm binh quyền trong tay không ? Phò mã đem quân nghiêng nước về Thăng-long. Trong, ngoài thành đến con chim cũng không bay lọt vào được, mà có người giết lễ quan. Vậy thì không phải phò mã thì là ai. Tôi chỉ là một Ngự-sử đại...
Tiếng phu chưa ra khỏi miệng, thì một vật to bằng quả dưa bay rất chậm, nhưng quay rất nhanh, phát ra tiếng kêu veo véo, hướng người Trung-Tá. Y đưa hai tay gạt, thì vật đó nằm gọn trong tay y. Đó là một cái túi. Y mở túi lấy vật ra, chân tay y run lẩy bẩy, rồi thét lên. Nguyên vật trong túi là cái đầu lâu mẹ y. Trên đỉnh đầu có cắm một mũi tên, chuôi khắc hình hai con chim ưng bay qua ngọn núi.
Các quan đều kinh hoàng :
- Côi-sơn song ưng.
Chân tay run lẩy bẩy, Tô Hiến-Thành nói lớn :
- Kính thỉnh Minh-Chiếu thái hoàng thái hậu, cùng Minh-Đạo vương giá lâm.
Không có tiếng trả lời.
Long-Xưởng hô các em, chư quan hành lễ trước tử cung, mẫu hậu.
Lễ tất.
Kiến-Ninh vương lên tiếng :
- Sáng qua, khi cảm thấy long thể bất an, phụ hoàng đã sai quan Tham-tri chính sự Vũ Tán-Đường triệu hồi thái-tử về để ủy thác việc lớn. Không ngờ sau đó phụ hoàng băng. Đáng lẽ các quan phải đợi Thái-tử về để cử ai, rồi lên ngôi cửu ngũ. Thế mà các người lại làm chuyện bạo thiên, nghịch địa, tôn đứa em út của ta lên ngôi, rồi làm lễ cử ai. Tội trạng các người còn nặng hơn, khi ra lệnh đóng cửa thành ! Ai là người chủ trương việc này ?
Hầu hết các quan văn, võ đều đưa mắt nhìn Tô Hiến-Thành. Hiến-Thành thì lại nhìn Đỗ An-Di, Ngô Lý-Tín, Phí Công-Tín.
Long-Xưởng hướng Hoàng-hậu :
- Tâu mẫu hậu sự việc ra sao. Xin mẫu hậu cho thần nhi rõ.
Hoàng-hậu bật lên tiếng khóc, rồi bà chỉ vào Đỗ An-Di :
- Khi phụ hoàng băng, thì cạnh long-sàng chỉ có ta, Thần-phi, Thái-sư Tô Hiến-Thành. Ta tuyên chỉ cho Thái-sư đóng các cổng thành, chờ hoàng nhi về. Thái-sư tuân chỉ trở ra, lát sau người dẫn Thục-phi bồng Long-Trát, cùng Tể-tướng Đỗ An-Di, Thái-bảo Phí Công-Tín, Thái-phó Ngô Lý-Tín, Thiếu-bảo Ngô Nghĩa-Hòa, Thái-tử Thái-phó Lý Kính-Tu, Hình-bộ thượng thư Trần Trung-Tá, Công-bộ thượng thư Bùi Kinh-An, Hộ bộ thượng thư Đàm Dĩ-Mông. Các quan đều hỏi rằng di chúc cuối cùng của phụ hoàng là gì. Thì ta cho biết, người sai quan Tham-tri chính sự lên đường triệu hồi Long-Xưởng về để ủy thác việc lớn.
Bà chỉ tay vào mặt Đỗ An-Di :
- Đỗ Tể-tướng xuất hai tờ chỉ dụ xưa ra, rồi nói lớn : Như vậy là ý Hoàng-thượng muốn truyền ngôi cho Thái-tử Long-Trát, ngặt vì Thái-tử tuổi còn thơ, nên người sai Vũ Tán-Đường triệu Bảo-Quốc vương về ủy thác việc lớn, tức phụ chính. Nước một ngày không thể không vua. Vậy bây giờ chúng ta hãy tôn Thái-tử Long-Trát lên ngôi vua đã. Ta nhắc lại rằng việc ban chỉ truất phế Long-Xưởng là không do ý phụ hoàng, mà do bọn Vương Cương-Trung ép buộc. Khi phò mã đem quân về cứu giá, phụ hoàng trân trọng nhắc lại rằng Long-Xưởng vẫn là Thái-tử. Đông-cung triều vẫn còn.
Hoàng-hậu chỉ Trần Trung-Tá :
- Quan Hình-bộ thượng thư không coi lời ta vào đâu. Người hỏi ý kiến các quan, thì ai nấy đều nói, khẩu thiệt vô bằng. Hai tờ di chỉ kia mới có giá trị. Rồi Tô Thái-sư còn thêm : Sau biến cố Vương Cương-Trung, người có mật tấu với phụ hoàng, xin ban chiếu phục hồi ngôi vị cho Bảo-Quốc vương. Thì phụ hoàng ban mật chỉ rằng : Khi ban chiếu, trẫm đã thống mạ Xưởng nhi quá thậm, chỉ đó lại gửi đi khắp nơi. Trăm họ đều nguyền rủa Xưởng là đứa con bất hiếu, thần bất trung, tham dâm, hiếu sắc. Bây giờ có ban chỉ phục hồi, thì liệu sau này Xưởng nhi có còn danh dự làm vua không ?
Hoàng-hậu lắc đầu rùng mình :
- Rồi họ cùng tôn Long-Trát lên ngôi, cho cử ai, sai thị vệ, cấm quân phong tỏa kinh thành.
Hậu đưa tờ chiếu tôn Long-Trát lên làm vua, trong đó có chữ ký của hầu hết các đại thần, chỉ thiếu chữ ký của Bùi Kinh-An. Phía hậu cung chỉ có chữ ký duy nhất của Thục-phi Đỗ Thụy-Châu. Không thấy chữ ký của Hoàng-hậu, Thần-phi Bùi Chiêu-Dương, Quý-phi Hoàng Ngân-Hoa, Đức-phi Đỗ Kim-Hằng, Hiền-phi Lê Mỹ-Nga.
Kiến-Ninh vương chỉ mặt Đỗ An-Di :
- Chính phạm là tên này, hãy bước ra đây.
An-Di còn trù trừ, vương vẫy tay một cái, ra chiêu Cầm-long trảo. An-Di không tự chủ được lảo đảo bước ra. Vương phất nhẹ một chỉ, trúng đầu gối y. Y ngã xuống trong tư thế như quỳ gối trước Long-Xưởng.
Vương hướng Tô Hiến-Thành định lôi y ra khỏi chỗ đứng, thì y lớn tiếng :
- Các vị đồng liêu, các vị đã cùng lão phu chiếu di chỉ của tiên đế, mà lập tân quân lên ngôi, đó là điều mà tôi trung nên hãnh diện. Nay các hoàng tử, phò mã, công chúa đem quân về làm loạn, thì chúng ta cùng lấy cái chết để đền ơn tri ngộï của tiên đế. Các vị hãy bước ra cùng lão phu nhận lĩnh cái chết, để theo tiên đế xuống Cửu-tuyền.
Nói rồi lão bước ra quỳ gối trước tử quan.
Ngô Lý-Tín nghĩ ngợi một lát, rồi cũng bước ra theo. Các đại thần khác tuần tự quỳ trước tử quan là Phí Công-Tín, Ngô Nghĩa-Hòa, Đàm Dĩ-Mông... trước sau hơn bẩy chục người.
Kiến-Ninh vương hô lớn :
- Võ sĩ đâu, đem bọn này ra bờ sông Hồng, xử tử tận số. Lại đem quân bắt tất cả gia thuộc chúng. Trai từ mười lăm trở lên thì đầy lên Bắc-cương làm phu chăn ngựa. Đàn bà từ mười ba tuổi trở lên, đem cho binh sĩ xa nhà giải khuây.
Tuyên-phi Đỗ Thụy-Châu, bế Long-Trát ra trước tử cung, quỳ xuống, rồi rập đầu khóc :
- Hoàng-đế bệ hạ. Các đại thần đây đều vì lòng trung, thi hành di chiếu của bệ hạ, mà hôm nay bản thân bị giết. Gia đình gặp tai kiếp. Long-Xưởng, Long-Minh, Long-Đức, Long-Hòa, Đoan-Nghi, Thủ-Huy đem quân làm loạn, giết cố mệnh đại thần, thì trước sau gì chúng cũng giết ấu quân với thiếp. Vậy thiếp cùng ấu quân xin chết trước tử cung.
Nói dứt phi rút trong bọc ra con dao, rồi dơ lên đâm vào ngực Long-Trát. Đoan-Nghi lật tay một cái đã đoạt được con dao.
Hoàng-hậu chuyển động thân mình, đã đoạt được Long-Trát trên tay Thục-phi. Thuận tay hậu điểm huyệt Thụy-Châu.
Kiến-Ninh vương chỉ Long-Trát :
- Phi không thể, không nên ngoa ngôn xảo ngữ trước tử quan. Thằng nhỏ này, là con của Vân-Đài Vương Thụy-Hương với Mạc Hiển-Tích. Mà Tích là con Thái-tử Kinh của Khâm-tông nhà Tống. Nó không thể làm vua, cũng không thể chết ngay. Đợi mọi việc xong xuôi sẽ đem Mạc Hiển-Tích với nó trả cho Tống triều.
Võ sĩ điệu hơn mười quan bậc trung ra khỏi điện. Khi họ vừa xuống thềm, thì lấp loáng ánh thép từ vườn hoa bay lại. Bốn trong số mười người bị phi tiễn cắm vào giữa trán, ngã vật xuống. Các mũi tên đều khắc hình hai con chim ưng bay qua ngọn núi.
Thiên-tử binh nhanh chóng bao vây lấy khu vườn, nơi phát xuất ra các mũi phi trùy. Họ tìm ra ngay hai người, một nam, một nữ. Nam trong lớp y phục thị vệ. Nữ trong lớp y phuc cung nga. Cả hai đang núp trong bụi hoa, cùng tung người định chạy. Nhưng mười cung thủ chĩa vào hai người, chỉ chờ lệnh là buông tên. Nhìn thân pháp hai người này, Thủ-Huy đưa mắt cho Kiến-Ninh vương, anh em cùng nghĩ như nhau : Coi thân pháp của chúng, thì sát nhân không phải người của phái Đông-a. Vụ ra tay này không liên quan tới Kim-Ngân, Tá-Chu.
Viên tốt trưởng hô :
- Hãy bước ra ngay.
Ả cung nữ cười nhạt :
- Ra thì ra, chứ ta há sợ bọn bay ư ?
Gã thị vệ vỗ tay vào ngực một cái, bụi trắng bay ra mịt mờ. Mười cung thủ hít phải, ngã lổng chổng. Trong khi cặp nam nữ tung mình chạy. Nhưng khi vừa rời khỏi khu vườn hoa, thì hai bóng xanh xẹt tới nhanh không thể tưởng tượng được. Gã thị vệ, ả cung nữ suýt nữa đâm xầm vào hai người này. Cả hai kinh hoảng, vội lộn liền hai vòng trở lại sau. Nhưng khi hai người lộn, thì hai bóng xanh di chuyển theo như bóng với hình. Quá kinh hãi, hai người hét lên be be, rồi lộn liền bốn vòng nữa. Thế là thủy chung hai người lại trở về bụi hoa. Bốn người, kẻ tránh, người truy quá nhanh, không ai nhìn rõ hai bóng xanh là ai. Bây giờ họ mới nhìn ra, hai người quần áo xanh là Phùng Tá-Chu và Trần Kim-Ngân.
Thủ-Huy cùng Đoan-Nghi vận công hút độc. Mười cung thủ tỉnh dậy liền. Họ lại dương cung, chĩa vào hai sát nhân bịt mặt.
Tên thị vệ bịt mặt quát lên :
- Các người ra tay đánh trộm. Ta không phục.
Kim-Ngân cười nhạt :
- Phục hay không, ta cũng không cần lý tới. Các người là ai, mà lại mạo danh Côi-sơn song ưng, làm càn ? Các người có bỏ khăn bịt mặt ra không ?
Tên thị vệ bịt mặt tỏ vẻ coi thường Kim-Ngân :
- Ta không phải là Côi-sơn song ưng, thì cũng là đệ tử của người. Chúng ta đến đây để tru diệt bọn gian thần tặc tử.
Kiến-Ninh vương bước ra, tay chỉ vào Tá-Chu vơí Kim-Ngân, vương mắng hai sát nhân :
- Người nói láo vừa thôi nhé. Người bảo người là đệ tử của Song-ưng, sao người không biết hai vị này ? Ta muốn các người mở khăn bịt mặt ra cho mọi người thấy các người là ai ?
Ả cung nữ, gã thị vệ cười gằn, cả hai hú lên một tiếng, rồi phát chưởng tấn công. Chưởng phong phát ra rất êm đềm trong chưởng có hàn khí lẫn mùi hôi tanh. Tá-Chu, Kim-Ngân cùng nhảy lùi lại tránh. Tay phát hai chiêu Đông-a chưởng đỡ. Bình, bình hai tiếng, chưởng phong làm khăn bịt mặt hai sát nhân bị rách thành nhiều mảnh, bay tung ra như bươm bướm.
Đoan-Nghi kêu lên :
- Huyền-âm chưởng của phái Trường-bạch. Phải cẩn thận.
Bấy giờ mọi người mới nhận ra, tên giả làm thị vệ là Đỗ Anh-Hào, con của Đỗ Anh-Vũ, và Cảm-Thánh hoàng thái hậu. Còn cung nữ là Cảm-Chi, một trong Tô-lịch nhị tiên.
Có tiếng nhã nhạc vọng lại : Từ cửa Quảng-phúc, một chiếc xe bốn ngựa kéo đang tiến tới. Trước xe, một người thân thể hùng vĩ, cỡi ngựa dẫn đầu. Y đeo mặt nạ da người. Bọn Long-Xưởng nhận ra, y chính là Mao Khiêm. Hai bên xe, một đội giáp sĩ mười tám người, chia làm hai hàng, mỗi hàng chín người. Hai đội giáp sĩ dẫn đầu bởi Vương Nhất, Cao Nhị trong Nùng-sơn tam anh. Phía sau xe, còn có hai mươi bốn cung nữ tấu nhạc.
Vương Nhất hô lớn :
- Thánh giá Thái hậu giá lâm !
Tiếng Vương Nhất vang đi rất xa, mọi người đều hướng mắt nhìn. Lợi dụng Tá-Chu, Kim-Ngân phân tâm, Anh-Hào, Cảm-Chi tung người ra khỏi vòng vây, chạy lại phía chiếc xe của Cảm-Thánh thái hậu.
Vừa thấy Phùng Tá-Chu, Cảm-Thánh thái hậu bàng hoàng nhớ lại lần đầu tiên gặp thiếu niên này trong điện Uy-viễn mấy năm trước. Bấy giờ tuy bên cạnh có Lưu Kỳ, nhưng trong lòng bà nổi lên một cơn giông tố : Hỡi ơi ! Thiếu niên này là ai ? Phải chi ta được nằm trong lòng y một đêm thì dù có chết cũng không ân hận. Thế rồi, trong suốt mấy năm qua ; lúc nào bà cũng mơ màng được gặp lại thiếu niên này. Bây giờ, Tá-Chu đã lớn lên, trở thành một thanh niên hùng vĩ, như cây ngọc trước gió. Không cầm lòng được, bà vẫy tay gọi :
- Phùng lang ! Phùng lang lại đây ! Ta có mấy lời muốn nói với Phùng lang.
Tá-Chu nào hiểu tâm sự bà, chàng vẫn đứng xa xa mỉm cười. Vì chàng được lệnh nhạc phụ Trần Tự-Hấp, đi cùng vợ là Kim-Ngân về đây bảo vệ Thủ-Huy mà thôi.
Long-Xưởng dặn Thủ-Huy :
- Thái-hậu trở về lúc này, ắt có điều bất lợi cho ta. Vậy nhị đệ với Đoan-Nghi ở ngoài dàn quân đề phòng. Còn ta, ta phải vào bái kiến người cho đúng đạo lý.
Thủ-Huy cầm tay Long-Xưởng :
- Đại ca ! Sự đã đến như thế này, thì ta đành xua quân, giết hết bọn gian thần, rồi đại ca lên ngôi vua. Ta không thể để chúng cù nhầy mãi thế này được.
Long-Xưởng bực mình :
- Nhị đệ cũng như Kiến-Ninh, cứ mở miệng ra là đòi giết người. Ta thà không làm vua, chứ không muốn đâm chém như phường trộm cướp. Nhị đệ cứ ở ngoài này. Khoan khoan ! Hãy đợi xem Thái-hậu định làm gì đã.
Nói dứt, Long-Xưởng cùng các em vào trong điện, dàn hai bên tử quan.
Mao Khiêm lại hô lớn :
- Thánh giá Thái-hậu giá lâm.
Xe đậu trước điện Càn-nguyên. Cảm-Thánh hoàng thái hậu bước xuống xe, vào trong điện.
Chiêu-Linh hoàng hậu bảo Long-Xưởng :
- Bề gì thái-hậu cũng là bà nội của con. Con không thể thiếu lễ với người.
Nói rồi Hoàng-hậu quỳ gối :
- Bái kiến Thái-hậu.
Các bà phi của vua Anh-tông quỳ gối theo. Long-Xưởng cùng các thân vương cũng phải xuống gối. Cảm-Thánh thái hậu ngồi lên ngai vàng. Bọn Mao Khiêm, Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên buông hai tay, đứng hầu hai bên.
Nhìn xác chết của đại thần nằm chèo queo trước ngai vàng, thái-hậu hỏi :
- Ai là người đứng chủ tang ở đây ?
- Tâu là thần nhi.
Long-Xưởng trả lời :
- Thần nhi xin vấn an Thái-hậu.
Cảm-Thánh thái-hậu quắc mắt nhìn Long-Xưởng :
- Đại phàm khi một Hoàng-đế băng hà, thì tân quân mới là người chủ tang. Mi là một đứa con bất hiếu, một bầy tôi bất trung, tham dâm, hiếu sắc, cưỡng bức sủng phi của cha, đã bị truất phế. Chính phụ hoàng của mi đã ban chỉ xuống từng thôn xã như vậy. Sĩ dân trong nước đều biết, mi không có tư cách nối ngôi vua, thì sao có thể làm chủ tang ?
Bà chỉ vào xác đại thần nằm trong điện, bốn xác khác nằm ngoài điện :
- Huống chi, cha vừa chết, mi đã cùng các em đem quân về đây, rồi ra tay giết hại công thần ; thì mi là loài cầm thú, chứ không còn là con người nữa. Mi hãy lùi khỏi đây ngay.
Kiến-Ninh vương chỉ Đỗ Anh-Hào, Cảm-Chi :
- Tâu tổ mẫu, kẻ phóng phi trùy giết đại thần là hai người này. Trong hai người, thì một người là con tư sinh của tổ mẫu với Đỗ Anh-Vũ ; còn một người là cháu của tổ mẫu. Tất cả mọi người hiện diện đều trông thấy, chứ không phải mình thần nhi.
- À, thì ra thế. Ôi !
Đó là hiệu lệnh của Thái-hậu. Bọn Mao Khiêm, Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên cùng xuất thủ. Hoàng-hậu, Bùi Thần-phi, Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh vương bị kiềm chế, bị điểm huyệt, đẩy ngồi xuống trước ngai vàng. Võ công Hoàng-hậu với các vương so với bọn chúng tuy có thấp hơn một bậc, nhưng không đến nỗi một chiêu đã bị kiềm chế ngay. Nhưng, một là chúng ra tay nhanh không thể tưởng tượng nổi. Hai là chúng đứng ngay cạnh, hoàng-hậu với các vương không đề phòng. Chỉ có Long-Xưởng đứng hơi xa, vương nhảy lùi lại ba bốn bước, mới tránh khỏi thế chụp của Vương Nhất.
Ngoài điện, Thủ-Huy nhìn rất rõ, công hô lên một tiếng, đoàn võ sĩ Long-biên cùng tràn vào điện. Tăng Khoa hô lớn :
- Các người đầu hàng ngay, bằng không ta ra lệnh buông tên !
Mao Khiêm đưa mắt nhìn Cảm-Thánh thái hậu như hỏi ý kiến. Thái-hậu hất hàm hỏi Long-Xưởng :
- Mi có mau ra lệnh cho bọn cung thủ lùi khỏi đây không ?
Long-Xưởng còn ngần ngừ, thì bọn Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên cùng để tay lên đầu Hoàng-hậu, Thần-phi, Tam-vương.
Mao Khiêm cười nhạt :
- Tôi hô ba tiếng, mà Bảo-Quốc vương không chịu ra lệnh cho cung thủ lùi khỏi đây, thì năm đứa này sẽ nhả nội lực. Năm cái đầu sẽ vỡ nát ra. Muôn nghìn năm sau sử sách còn ghi : Thời này, tháng này, năm này, có tên ác nhân Lý Long-Xưởng, là đứa bất hiếu, cưỡng dâm sủng phi của cha, giết mẹ, giết các em.
Long-Xưởng đưa mắt cho Tăng Khoa :
- Cung thủ lùi ra khỏi đây ngay.
Tăng Khoa chán ngán, nghĩ thầm :
- Nếu như ta hô một tiếng, thì mọi chuyện êm đẹp ngay. Trật tự vãn hồi. Đại ca sẽ lên ngôi vua. Nhưng giữa mẹ con, bà cháu, anh em của người, mà ta làm bướng, thì sau này tuy có lên ngôi vua, Long-Xưởng cũng giết ta để tránh cái tội giết bà, giết em. Còn như Long-Xưởng bị hại, thì đương nhiên ta cũng bị họa sát thân. Thôi đành...
Tăng Khoa ra lệnh cho cung thủ rời khỏi điện.
Cảm-Thánh thái hậu cười nhạt :
- Ta về đây để định người kế vị con ta.
Bà hất hàm hỏi Long-Xưởng :
- Ta hỏi mi, tỷ như không có hai tờ di chiếu truất phế mi, lập Long-Trát; ngược lại có di chiếu lập mi kế vị... thì ta là đích mẫu của Anh-tông, ta vẫn có quyền hủy bỏ di chiếu, rồi truất phế mi, lập Long-Trát lên ngôi. Có đúng thế không?
- Tâu tổ mẫu đúng. Nhưng...
- Không nhưng gì cả !
- Dù cho có di chiếu lập mi lên kế vị. Nhưng khi trăm quan đã biết mi là đứa bất trung, bất hiếu, truất phế mi, tôn Long-Trát lên ngôi, thì cũng hợp đạo lý kia mà ? Mi có nhớ Chu-công đã truất phế một ông hôn quân, lập một minh quân lên, đời sau hết sức ca tụng việc này của Chu-Công không ? Mi đọc sách, mi phải biết chuyện đó.
Bà chỉ vào Long-Trát hỏi lại Long-Xưởng :
- Vậy mi còn chờ gì mà không quỳ gối khấu đầu trước Trinh-Phù hoàng đế ?
- Tâu Tổ-mẫu...
Thấp thoáng một cái, Mao Khiêm đã phóng chỉ điểm huyệt Long-Xưởng, vương phi Trang-Hòa rồi đặt ngồi dưới chân Cảm-Thánh thái hậu.
Vương Nhất, Cao Nhị rút kiếm dí vào cổ Long-Xưởng, Trang-Hòa. Cảm-Thánh thái hậu hỏi :
- Long-Xưởng, mi là cháu nội ta, nhưng dường như mi sinh ra chỉ để làm khắc tinh của đời ta. Bây giờ ta có hai con đường cho mi đi. Mi chọn lấy một.
Long-Xưởng quật cường :
- Xin tổ mẫu cứ ban chỉ.
Cảm-Thánh thái hậu đưa tờ biểu mà bọn Tô Hiến-Thành đã ký vào tôn Long-Trát lên làm vua :
- Một là mi phải ký vào tờ biểu này, rồi đem vợ con về Cổ-pháp sống, làm một anh nhà giầu, mũ ni che tai. Long-Trát sẽ ban chỉ gả Phùng Tá-Chu cho ta.
Nghe bà nội nói, mồ hôi Long-Xưởng vã ra. Vương hỏi :
- Còn con đường thứ nhì ?
- Ta ban chỉ chặt đầu mi. Nghìn năm sau, lịch sử còn chép : Tên phản loạn Long-Xưởng đem quân về Thăng-long mưu thí ấu quân, bị chặt đầu để nêu rõ tội.
Long-Xưởng cười nhạt :
- Thần nhi vì sự nghiệp của liệt tổ Đại-Việt, vì di chí của năm vị tiên đế, mưu cho dân giầu nước mạnh. Suốt mười mấy năm qua, thần nhi chưa từng làm một việc nào hại dân, hại nước cả.
- À, thì ra mày mới là người làm lợi dân, lợi nước. Vậy thì ai làm hư dân, hại nước ? Mày muốn nói bóng nói gió việc tao với Lưu tiết độ sứ hẳn ? Quân này to gan thực.
- Thần nhi không hề có ý đó. Ý đó là do tổ mẫu tự xét mình, rồi nói ra mà thôi. Thần nhi xin nhắc tổ mẫu rằng đức tổ khảo 0 đãi tổ mẫu không bạc, thế mà tổ mẫu lại định đem giang sơn bốn nghìn năm của vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng ; sự nghiệp của các tiên đế nhà ta dâng cho Tống thì thực thần nhi không biết nói sao ? Thế còn con đường thứ ba ?
Cảm-Thánh thái hậu ghé miệng vào tai Long-Xưởng :
- Cái chuyện ta với Lưu Kỳ đó xưa rồi. Khi ta theo thằng Lưu Kỳ sang Tống, nó chê ta già, ngu dốt, nó bỏ rơi ta. Y nói nếu ta đoạt ngôi vua cho Long-Trát thì y sẽ bỏ hết bọn thê thiếp, mà chỉ sủng ái mình ta. Ta uất hận trở về đây...
Bà chỉ Phùng Tá-Chu :
- Nếu mi gả Tá-Chu cho ta, dĩ nhiên ta không cần tên Lưu Kỳ nữa, vĩnh viễn ta tha tội cho mi, rồi đưa mi lên làm vua.
Nghe bà nội nói, Long-Xưởng rúng động tâm can, vương lắc đầu :
- Việc đó thì thần nhi không thể làm được.
- Sao lại không được. Ngày trước vua Quang-Vũ nhà Hán ban chỉ gả cô của y cho Mã Vũ được, thì nay mi cũng ban chỉ gả ta cho Phùng Tá-Chu, hỏi ai dám chống ?
- Cô của vua Quang-Vũ là một khuê nữ. Còn tổ mẫu tuổi gần sáu mươi rồi, vị tới thái-hoàng thái hậu, ngồi trùm đầu trăm họ, mà đi tái giá với đứa trẻ con thì còn trời đất nào nữa ? Nếu tổ mẫu có giết thần nhi. Thần nhi xin ngửa cổ chịu chết, chứ thần nhi không thể tuân chỉ tổ mẫu.
- Vậy thì được !
Thái-hậu hất hàm cho Vương Nhất, Cao Nhị :
- Giết nó. Giết cả con vợ nó cho ta.
- Xin tuân chỉ.
Vương, Cao cùng rút kiếm vung lên.
Ầm một tiếng, nóc điện bị thủng, rồi một người đầu trùm kín, chỉ hở hai con mắt nhảy xuống như con đại bàng. Tay phải y ra chiêu Ưng-trảo chụp Long-Xưởng, tay trái y ra chiêu Hổ-trảo chụp vương phi Trang-Hòa. Vương Nhất, Cao Nhị vội chuyển kiếm hướng vào người bịt mặt. Người bịt mặt móc tay một cái, mấy tiếng lách, cách vang lên, hai thanh kiếm của Vương, Cao bị gãy làm nhiều mảnh văng vào chủ nhân của nó ; trong khi ông ta đã ra cửa điện. Vương, Cao lảo đảo bật lui đến bốn bước, lại bị mảnh kiếm xé gió bay tới. Cả hai phải nằm rạp xuống, rồi nhảy vọt lên như con cá mới đứng vững, khí huyết trong người đảo lộn cực kỳ khó chịu. Cả hai vận công đứng lại, rồi không giữ được, chúng ọe lên một tiếng, miệng thổ ra búng máu.
Diễn biến làm cho Thủ-Huy không thể bình tĩnh được nữa. Công ra lệnh cho đội võ sĩ Côi-sơn, Long-biên cùng tràn vào tám cửa điện. Long-Xưởng, Trang-Hòa vừa được giải huyệt, cả hai cùng lấy hai thanh kiếm của hai thị vệ đứng lược trận.
Mao Khiêm biết rằng mất con tin Long-Xưởng thì không thể uy hiếp võ sĩ được nữa. Y lách mình một cái tới cửa cung, rồi phát một chưởng cực kỳ hùng hậu hướng vương. Long-Xưởng nghiến răng phát chiêu Cửu-chân chưởng đỡ. Thủ-Huy đứng ngoài, công ước tính nếu để Long-Xưởng đỡ chưởng đó, thì sẽ nát thây ra mà chết. Công vội phát chiêu Đông-hải lưu phong đánh vào lưng Mao, để y phải bỏ Long-Xưởng quay lại đỡ chưởng của công. Ầm một tiếng, Thủ-Huy bị bật tung lại sau, tai phát ra tiếng vo vo không ngừng. Mao không để cho công lấy lại sức. Y tấn công liền hai chiêu, mạnh đến nghiêng trời lệch đất. Thấy chồng gặp nguy hiểm, công chúa Đoan-Nghi quát lên một tiếng, nàng rút kiếm đâm vào sau lưng Mao. Mao kinh hãi vội bỏ Thủ-Huy, y nhảy lùi lại sau. Y quơ tay một cái đã chụp được Đức-phi Đỗ Kim-Hằng đỡ chiêu kiếm. Đoan- Nghi không kịp thu chiêu, Đức-phi bị xả đứt làm hai đoạn.
Tuy thấy Đức-phi chết thảm, nhưng Đoan-Nghi, Thủ-Huy biết rằng hôm nay mà mình nới tay thì đại sự sẽ đổ nát hết. Cả hai ráo riết tấn công Mao Khiêm.
Vừa đấu với Mao, Thủ-Huy vừa quay lại nhìn : Tăng Khoa đang đứng chỉ huy bọn võ sĩ Côi-sơn giao chiến với đội cao thủ của Cảm-Thánh thái hậu. Tá-Chu tấn công Vương Nhất, Kim-Ngân tấn công Cao Nhị.
Người bịt mặt đứng lơ đãng quan sát trận đấu.
Gữa cảnh đâm chiếm hỗn độn như vậy mà Cảm-Thánh thái hậu cứ mở to mắt ra nhìn Tá-Chu. Trong tâm bà nảy ra một dục vọng âm thầm : Phải sai Mao-Khiêm bắt Tá-Chu cho mình, rồi đem đến một nơi vắng vẻ hưởng thanh phúc.
Khoảng hơn một khắc sau bọn võ sĩ của Cảm-Thánh thái hậu đã bị giết sạch. Thấy nguy, thái hậu hất hàm ra lệnh cho Đỗ Anh-Hào. Anh-Hào gọi Long-Xưởng :
- Long-Xưởng, người mau ra lệnh cho thủ hạ ngừng tay ! Bằng không ta giết ba tên này.
Long-Xưởng đưa mắt nhìn : Anh-Hào dí kiếm vào cổ Kiến-An vương, còn Cảm-Linh dí kiếm vào cổ Kiến-Ninh vương, Cảm-Chi dí kiếm vào cổ Kiến-Tĩnh vương. Vương nghĩ thầm :
- Cục diện ở đây coi như xong. Ba đứa em nguy hiểm mà ta không biết trừ bằng cách nào. Bây giờ, ta mượn tay thái hậu trừ chúng dùm ta. Ta khỏi mong tiếng ác.
Anh-Hào lại nói lớn :
- Long-Xưởng ! Ta hô ba tiếng mà người không ra lệnh cho thủ hạ ngừng tay, thì đừng trách chúng ta tàn ác.
Long-Xưởng vẫn thản nhiên đứng lược trận : Tá-Chu, Kim-Ngân đang tấn công tới tấp, khiến Vương Nhất, Cao Nhị cứ phải lùi hoài. Còn Thủ-Huy, Đoan-Nghi đấu với Mao Khiêm có phần thắng thế.
Anh-Hào hô :
- Một !
Long-Xưởng nói với thái-hậu :
- Hổ báo cũng không nỡ ăn thịt con. Thái hậu nỡ để cho Anh-Hào giết cháu nội mình ư
Nhưng thái-hậu nào có nghe thấy gì . Bà để hết tâm trí vào Tá-Chu, mắt không chớp.
Anh-Hào hô lớn :
- Hai !
- Ba !