Hồi 17b
Hai người ra roi cho ngựa phi lên hướng Bắc. Đi đến chiều, vẫn không gặp một trang ấp nào. Phương Dung chỉ vào khu rừng trước mặt:
- Chúng mình vào rừng, lấy lương khô ăn, rồi qua đêm tại đây.
Hai người cho ngựa ruổi vó ngắm cảnh chiều tàn trên núi rừng hùng vĩ của đất nước. Qua hốc núi, xa xa có con ngựa đang gặm cỏ bên đường. Cạnh con ngựa, một người lính Hán đang đứng, lưng đeo đoản đao, mắt lơ đãng nhìn trời.
Người lính thấy hai người thì chắp tay lễ phép hỏi:
- Có phải Đào công tử và Nguyễn tiểu thư không?
Đào Kỳ gò cương ngựa lại, đáp:
- Phải, đại ca có gì muốn dạy bảo?
Tên quân Hán đưa ra một gói nhỏ nói:
- Đây là một món quà mọn của chủ nhân tôi gửi biếu Đào công tử, mong công tử nhận cho.
Đào Kỳ cầm lấy gói quà. Bên ngoài gói bằng tấm khăn lục, trên viết mấy chữ theo lối triện, rất đẹp:
Thanh thanh tử khâm,
Du du ngã tâm,
(Tà áo xanh xanh, ta nhớ người, lòng sầu dằng dặc).
Đào Kỳ biết hai câu này lấy trong kinh Thi. Chàng nhìn kỹ nét chữ xem người tặng là ai? Nhưng không nhận ra. chàng hỏi tên lính Hán:
- Đại ca có thể cho biết ai đã tặng cho tôi gói quà này chăng?
Tên quân Hán nói:
- Công tử cứ mở ra thì rõ. Chủ nhân tôi khẩn khoản nói rằng công tử chỉ nên mở ra coi một mình mà thôi.
Nói rồi, y ra roi cho ngựa chạy.
Đào Kỳ ngẩn người hỏi Phương Dung:
- Em thử đoán xem, ai đã tặng anh gói quà này?
Phương Dung xịu mặt xuống:
- Còn ai vào đây nữa? Đại ca thử nghĩ xem ai có thể sai phái được tên quân người Hán?
Đào Kỳ lắc đầu:
- Anh có nhiều người thân có thể sai phái được quân Hán: Nghiêm đại ca, chú anh, Tô Phương, Ngũ-phương kiếm.
Phương Dung hừ một tiếng:
- Nếu là Nghiêm Sơn thì ông ấy đã xuất hiện gặp anh. Chú Hùng là người lớn, muốn tặng anh cái gì thì đưa cho anh, việc gì phải sai lính Hán? Tô Phương thì bị chị Lê Chân giam rồi. Ngũ-phương kiếm là thứ anh hùng hào sảng, đâu có thì giờ làm chuyện ú tim này? Chỉ còn một người duy nhất mà thôi. Anh đừng giả bộ nữa.
Đào Kỳ nhớ tới Tường Quy, mặt chàng chợt đỏ lên và nín thinh luôn. Phương Dung lấy lương khô ra cho Đào Kỳ ăn, rồi mắc võng lên cây, nói:
- Anh ở đây coi ngựa, em vào trong có chút việc.
Nói rồi, nàng bỏ đi.
Đào Kỳ lấy gói vải lụa mở ra, bất giác tim chàng đau nhói lên. Chàng ngẩn người ra: Nguyên bên trong có bộ quần áo lụa xanh, trên ngực thêu cành đào. Chính là bộ quần áo của Tường Quy đã mặc. Trong có mẩu giấy viết mấy chữ:
"Xin cho quần áo thay người, theo bên mình anh trên bước gian nan vạn dặm. Em đã mặc bộ quần áo này nửa tháng liền không giặt, để giữ hơi của em. Áo quần thay em ở bên anh".
Tay Đào Kỳ run run, chàng đưa gói quần áo lên úp mặt vào hít lấy một hơi. Chàng thấy quả mùi thơm của Tường Quy thấm vào tạng phủ. Có tiếng bước chân Phương Dung lại gần, chàng vội gói bộ quần áo lại, cất vào bọc, leo lên võng nằm ngủ.
Phương Dung cũng leo lên võng nằm. Nàng cất tiếng hát theo điệu Lý con sáo:
Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay.
Qua cầu, ngả nón trông cầu,
Cầu bao nhiêu nhịp, em sầu bấy nhiêu.
Qua đình, ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu?
Đào Kỳ liệu chừng Phương Dung đã biết chuyện nên hát trêu mình, chàng nằm im không lên tiếng. Phương Dung đằng hắng một tiếng, rồi hỏi:
- Đào đại ca! Em muốn hỏi đại ca mấy câu có được không? Đại ca có hứa nói thực với em không?
Đào Kỳ nhỏm dậy:
- Cái gì của anh, em cũng biết hết rồi, còn gì nữa đâu mà hỏi
Phương Dung chua chát:
- Thế mà có điều em chưa biết đấy. Em hỏi anh, trong đời anh, những người đàn bà nào được anh yêu nhất?
Đào Kỳ suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Trên đời anh, những người đàn bà sau đây anh ghi nhớ vào lòng: Thứ nhất là mẹ anh, thứ nhì là sư tỷ của anh, sau đến cô em họ anh, rồi đến em và... và... Tường Quy.
Phương Dung hỏi tiếp:
- Mẫu thân anh thì dĩ nhiên anh yêu nhất rồi. Không ai có thể so sánh. Trong bốn người còn lại, ai là người được anh yêu nhất?
Đào Kỳ suy nghĩ một lát rồi nói:
- Đối với sư tỷ, anh vừa yêu vừa kính. Anh thấy yêu sư tỷ giống như yêu mẹ, không khác gì mấy. Có thể nói, sư tỷ là bà mẹ thứ hai của anh. Nhưng anh yêu mà không sợ, vì sư tỷ rất chiều anh. Đối với cô em họ thì anh yêu nhẹ nhàng hơn. Còn Tường Quy, anh vừa yêu vừa hận, nghĩ đến nàng, anh có cảm tưởng như bị cái dùi đâm vào ngực. Còn đối với em... thì chú anh đã quyết hỏi em làm vợ cho anh. Chúng mình tuy chưa cưới xin, nhưng tình nghĩa đâu khác gì vợ chồng?
Câu cuối cùng của Đào Kỳ làm Phương Dung hừ một tiếng:
- Nếu bây giờ, hoàn cảnh bắt anh phải chọn em hay Tường Quy thì anh chọn ai?
Đào Kỳ không bao giờ ngờ Phương Dung hỏi câu đó, chàng suy nghĩ mãi cũng không tìm ra câu trả lời. Sau cùng, quýnh quá, chàng nói:
- Anh không bỏ được người nào cả.
Câu trả lời này làm Phương Dung cảm thấy vui lòng. Nàng nghĩ:
- Nếu chàng yêu ta bằng Tường Quy, thì còn gì bằng nữa? Tường Quy là gái có chồng, đâu có thể ở bên cạnh chàng mãi? Vả lại, Đào ca là người trọng danh dự, đời nào chàng chấp nhận một đứa con gái vợ thằng Ngô làm vợ mình? Vả ta với chàng còn có cái chí phục quốc vơí nhau. Tường Quy bì thế nào được.
Thời bấy giờ, người Việt bị người Hán đối xử cực kỳ tàn bạo, có nhiều con gái Việt lấy chồng Hán, rồi lên mặt hách dịch với đồng bào. Do đó, dân chúng thường dùng danh từ vợ thằng Ngô, cũng như ngày nay, kẻ ác miệng gọi những người lấy chồng Pháp, Mỹ là me Tây hay me Mỹ vậy.
Hai người ngủ đi lúc nào không hay. Bỗng cả hai choàng dậy vì có tiếng bước chân nhiều người từ xa vọng lại. Nội công Đào Kỳ rất thâm hậu, chàng nói:
- Dường như là một đội quân Hán thì phải.
Phương Dung gật đầu tỏ ý đồng tình. Hai người dấu ngựa vào rừng, đeo kiếm vào lưng rồi ra đường nhìn. Phía xa xa, có nhiều ánh đuốc ngoằn ngoèo như một con rắn lửa.
Phương Dung bàn:
- Chúng ta nên leo lên cây quan sát tình hình.
Đoàn người ngày càng tiến đến gần. Bước chân lẫn với tiếng roi vụt chan chát, tiếng chửi rủa tục tằn của quân Hán. Phương Dung ghé tai Đào Kỳ:
- Dường như một toán áp giải tù nhân thì phải.
Người đi đầu cầm lá cờ đỏ, trên cờ thêu con gấu bay. Đào Kỳ biết đó là kỳ hiệu của lính thiết kỵ Giao-chỉ. Phía sau, một đoàn người đi chân đất, lưng đeo túi vải. Cứ năm người bị trói thành một chùm. Họ thất thểu lê bước, chứng tỏ đã quá mệt mỏi.
Đào Kỳ nhẩm đếm rồi nói:
- Không phải tù, mà là thanh niên bị bắt sang Trung-nguyên làm lao binh cho quân Hán. Tổng cộng trên ngàn người.
Bỗng tên chỉ huy đoàn quân hô lớn:
- Ngừng lại!
Đoàn người ngừng lại. Một tên Hán nói:
- Bọn lao binh nghe đây: Chúng mày tạm ngừng để nấu cơm ăn. Sau đó đi ngủ. Sáng mai tiếp tục lên đường.
Bọn lao binh Việt chia nhau đi kiếm củi nấu cơm. Bọn lính Hán phân thành từng ngũ một, mỗi ngũ đóng một chỗ. Chúng nằm dài ra nghỉ, mỗi đứa có tới ba lao binh phục dịch. Một người bóp chân, đấm lưng, một người mang quần áo, một người phục dịch nấu ăn. Bọn lao binh đầy vẻ mệt nhọc, bơ phờ. tuy ngồi nghỉ, nhưng có người khóc, kẻ kêu. Bỗng có tiếng khóc rống lên:
- Ối con ơi là con. Con đang đau nặng, mẹ con thì chết rồi mà bố phải đi lao binh thì con sẽ sống với ai? Ai nuôi con?
Người buông tiếng khóc là tráng niên mập mạp, tuổi chưa tới ba mươi. Anh ta khóc càng ngày càng lớn tiếng, người run lên bần bật như bị lạnh.
Có tiếng gọi:
- Thằng Hoan đấy hả? Cơn sốt rét của mày chưa hết sao?
Người tên Hoan càng run mạnh hơn. Tiếng khóc của chàng càng thê lương. Tên trưởng đoàn phát cáu, quát:
- Đứa nào khóc đó? Câm mồm lại ngay!
Nhưng tiếng khóc vẫn không ngừng. Tên trưởng đoàn bực mình vẫy tay một cái. Hai tên lính Hán đến nắm tóc người đàn ông khốn nạn lôi đến gốc cây bắt qùy xuống. Tên trưởng đoàn bắt tập trung hết lao binh thành vòng tròn, nói:
- Kể từ nay, tao cấm khóc. Đứa nào khóc, sẽ như thằng này.
Nói rồi, nó cầm dao đưa lên. Loáng một cái, cắt đứt tai trái người kia.
Người đàn ông tên Hoan đau đớn quá, hóa liều, y nhảy lên ôm lấy tên đội trưởng, cắn vào mặt nó. Thế là hai ngươi ôm nhau lăn xuống đất vật lộn. Bọn Hán hò hét, lấy dao chặt một tay người kia. Người kia còn có một tay, ôm không vững đành buông tên đội trưởng ra.
Tên đội trưởng cáu quá, quát lên:
- Đem cả xâu của nó ra đây.
Bọn lính Hán lôi bốn người còn lại ra, bắt quỳ xuống trước mặt. Tên đội trưởng nói:
- Thằng này đánh tao, vậy tao ra lệnh cho chúng mày, mỗi đứa phải xẻo một miếng thịt của nó. Đứa nào lừng chừng đứa đó sẽ bị xẻo thịt.
Nói rồi, nó đưa dao cho một lao binh. Tên lao binh này cầm dao run lẩy bẩy tiến đến, dơ lên, rồi không hạ xuống được.
Tên đội trưởng quát lên một tiếng, vung đao chặt xuống đầu tên lao binh... Mọi người rú lên một tiếng kinh sợ. Họ thấy ánh thép loáng một cái, sau một tiếng ối, một cái đầu rơi xuống đất. Khi họ mở mắt ra thì không phải cái đầu của tên lao binh mà là cái đầu của tên đội trưởng.
Tiếp theo, hai người từ trên cây nhảy xuống, vung kiếm đưa liên tiếp. Mỗi lần đưa, một cái đầu quân Hán rơi. Hai người đó là Đào Kỳ và Phương Dung.
Phương Dung hô lớn:
- Anh em lao binh, mau cướp khí giới của giặc Hán, đánh nó.
Đám lao binh có người cầm đầu cùng xúm vào ôm lấy bọn lính Hán, cướp vũ khí. Chỉ một lát thì ba mươi tư tên lính Hán bị bắt hết. Còn mười sáu tên bị Đào Kỳ và Phương giết chết.
Phương Dung nói lớn:
- Anh em lao binh nghe đây: Chúng ta đều là người Việt, tại sao chịu nhục để cho bọn Hán bắt làm lao binh? Bây giờ chúng ta đã giết mười sáu tên, bắt sống ba mươi tư tên, vậy chúng ta hãy trốn vào rừng, lập trại để sống. Anh em có dám làm không?
Bọn lao binh đồng la lớn:
- Dám làm!
Đào Kỳ chỉ vào khu rừng, nói:
- Trong này có ngọn suối. Vậy ngày mai này, chúng ta vào đó lập trại, luyện tập võ nghệ, chờ ngày khởi nghĩa, đuổi giặc Hán. Lúc đó, chúng ta sẽ được tự do hồi hương, sống với gia đình.
Đám lao binh reo hò đồng ý.
Phương Dung điều khiển mọi người di chuyển vào trong rừng sâu. Đợi qua đêm, sáng hôm sau, họ đẵn gỗ, cắt lá làm nhà. Đào Kỳ chia năm người thành một ngũ, năm ngũ thành một lượng, năm lượng thành một tốt và năm tốt thành một lữ. Tổng cộng được hai lữ.
Chàng chọn mấy người có sức khỏe, cử lên làm ngũ trưởng, lượng trưởng, tốt trưởng và lữ trưởng... Chàng huấn luyện họ theo phép luyện quân của sách Tôn-tử, Lục-thao.
Trong vòng một tháng, doanh trại đã đủ, kỷ luật nghiêm minh. Chàng thấy lữ trưởng lữ 1 là Lê Hoàng lanh lẹ hơn lữ trưởng lữ 2 Phạm Tân, chàng bèn cho Lê Hoàng kiêm nhiệm chức sư trưởng, coi cả hai lữ.
Để cho đủ nhu cầu nuôi quân, Phương Dung lấy số vàng bạc cướp ở huyện Đăng-châu đến các trang ấp gần đó bán đi, mua gạo thóc mang về. Hai lữ hàng ngày phải trồng trọt rau đậu, khoai sắn làm kế sinh nhai.
Đào Kỳ đặt tên cho trang là Văn-lạc, rút từ hai chữ Văn-lang, Âu-lạc. Sau khi chỉnh đốn trang xong, Phương nói với Đào Kỳ:
- Chúng ta có một nghìn người thực, nhưng cần phải liên lạc với các trang khác mới có thể đứng vững. Ởã đây gần Mê-linh, chúng ta nên tới Mê-linh liên kết với Thi Sách và Nhị Trưng. Bởi, nếu chỉ với một nghìn người, quân Hán kéo đến thì không đầy một ngày là bị tiêu diệt.
Đào Kỳ lắc đầu:
- Việc gặp Đặng Thi Sách và Nhị Trưng chưa biết thế nào. Ba người này tiếng tăm lừng lẫy, thì tai mắt giặc theo dõi không ít. Liệu họ có thể lo cho trang của chúng ta không? Từ đây về Đăng-châu cũng không xa, chi bằng ta cho người về liên lạc với chú Hùng. Chú là Huyện-úy, giặc sẽ ít nghi ngờ. Vả xưa nay, chú vẫn quy dân lập ấp quen rồi, chú có thể lo thêm cho trang Văn-lạc được. Hoặc biết đâu, chú có thể cử một trong các em lên đây trông coi trang này cũng nên.
Đào Kỳ gọi Lê Hoàng, trao cho bức thư và dặn:
- Lê đại ca! Đại ca cầm bức thư này về trang Hiển Minh ở Đăng-châu, gặp Lạc-hầu là Đào Thế Hùng trao cho người. Đào Lạc-hầu là chú ruột tôi. Đại ca kể sơ lược cho chú tôi nghe mọi biến chuyển ở đây.
Lê Hoàng tuân lệnh, cầm thư lên ngựa ra đi.
Hàng ngày Đào Kỳ huấn luyện võ thuật, hành quân, xung trận cho các tráng đinh. Chàng chia ra: Cứ hai toán làm việc thì một toán luyện tập.
Phương Dung đã bán gần hết số vàng ngọc cướp được ở Đăng-châu, mua sắt, đồng về rèn luyện vũ khí, mà vẫn không đủ.
Nàng chợt nhớ đến một đoạn trong Tôn Tử binh pháp:
- Tại sao ta không lấy vũ khí của Hán làm vũ khí của mình?
Nàng bàn với Đào Kỳ:
- Bây giờ chúng ta đã vũ trang cho bảy trăm tráng đinh rồi. Vậy chúng ta băng rừng tới vùng Tiêu-sơn phục kích, đón đoàn tải vũ khí, lương thực về Trung-nguyên của Tô Định để đánh cướp.
Đào Kỳ thắc mắc:
- Tại sao lại vùng Tiêu-sơn?
Phương Dung cười:
- Đại ca quên câu hư là thực, thực là hư sao? Nếu chúng ta chặn cướp ở đây, Lê Đạo Sinh sẽ cho người điều tra, rồi mang quân lên đánh, chúng ta sẽ gặp nguy hiểm. Chúng ta vượt rừng tới Tiêu-sơn là địa phận của chín trang ấp thuộc quyền Lê Đạo Sinh mà đánh cướp, khiến cho y điên đầu. Thêm nữa, Tô Định lại có thể nghi ngờ y. Có điều, chúng ta phải phục kích bắt gọn, không cho một tên sóng sót chạy thoát. Như vậy, Tô Định sẽ cứ tưởng đoàn vận tải đã sang Trung-nguyên. Hơn năm sau không thấy trở về, mới cho điều tra, lúc đó, e rằng còn khó khăn hơn bắc thang lên trời.
Đào Kỳ khám phá ra rằng Phương Dung cũng đọc những sách Lục-thao, Tôn-tử binh pháp như chàng, nhưng nàng áp dụng uyển chuyển hơn nhiều. Nàng tổ chức những toán do thám nho nhỏ khắp nơi. Khi được tin có đoàn vận tải vũ khí, lương thảo sắp tới, nàng thân đi thám sát địa thế: Chỗ nào phục quân, chỗ nào phục toán tiễn thủ, chỗ nào lăn gỗ đá chặn đường. Phương Dung còn cẩn thận hơn, cho tráng đinh tập trận thử, để khi lâm trận không bị bỡ ngỡ.
Trong một tháng, Phương Dung đã đánh cướp ba đoàn vận tải. Lính Hán chuyên chở nào là vũ khí, nào là lương thực, nào là lừa ngựa, trâu bò, đều bị cướp hết. Trong trang Văn-lạc kho đụn chất đống, vũ khí dư thừa. Trang có đến hơn ba trăm con trâu để cày bừa, chuyên chở. Ngựa chiến gần năm trăm con.
Đào Kỳ định đánh cướp nữa, nhưng Phương Dung cản lại:
- Không nên! Nếu trong chiến tranh, chúng ta đánh cướp của giặc càng nhiều càng tốt. Nhưng chúng ta hiện còn đang ẩn thân, nếu đánh cướp nhiều quá, có thể sẽ bị lộ mất. Hãy tạm ngưng. Chỉ khi nào thiếu lương thảo mới tiếp tục.
Trong thời gian đó, Phương Dung giải thoát hơn năm trăm lao binh nữa. Thế là lực lượng trang Văn-lạc lên tới một sư, toàn những trai tráng ngút lửa yêu nước, chờ đợi ngày tiến đánh Luy-lâu. Hơn tháng sau, một hôm Phương Dung đang bàn với Đào Kỳ về phương lược sử dụng đạo binh Văn-lạc bất thần đánh Luy-lâu, thì tráng đinh vào báo:
- Có khách từ phương xa tới, xưng là Trương Thủy Hải, Trương Đằng Giang và Trần Khổng Chúng xin vào yết kiến.
Phương Dung nghe báo, mừng quá nói:
- Ba vị sư thúc của em tới. Chúng mình mau ra đón.
Đào Kỳ lấy áo khoác vào mình, theo Phương Dung ra cổng trang. Chàng hỏi:
- Anh chưa từng nghe đến danh hiệu sư thúc Trần Khổng Chúng. Trong kỳ đại hội sao không thấy người?
Phương Dung đáp:
- Trần sư thúc là đệ tử út của thái sư phụ. Năm xưa được sư tổ thương yêu rất mực. Khi sư tổ mất tích, sư thúc nhớ thương người đến ngơ ngẩn cả người. Thế rồi, người bỏ đi tìm sư tổ. Từ đấy, trong môn phái, không ai biết người ở đâu. Bây giờ người trở về, chắc có tin tức của sư tổ.
Phương Dung là cô gái lanh lợi, thông minh, lễ phép. Nàng được các sư thúc thương yêu đặc biệt, tình nghĩa thâm trọng. Nàng thấy các sư thúc, định quỳ xuống làm lễ, Trương Thủy Hải đã phất tay:
- Sư thúc miễn lễ cho con. Cháu Đào Kỳ với con đã làm được nhiều việc đến bố cháu cũng không ngờ tới.
Vào tới sảnh đường, Trần Khổng Chúng mắng yêu Phương Dung:
- Con gái yêu của sư thúc càng lớn càng xinh đẹp.
Đào Kỳ hỏi:
- Tại sao các vị lại biết chúng cháu ở đây mà đến thăm?
Trương Đằng Giang cười:
- Các cháu ngạc nhiên là phải. Việc làm của các cháu bí mật đến quỷ thần cũng không hay, bọn ta làm sao biết được? Nguyên chúng ta đi thăm dò tin tức của thân phụ Thánh Thiên, thì gặp thái sư phụ. Người đã thoát khỏi nhà tù Luy-lâu. Người khen ngợi cháu Đào Kỳ luôn miệng. Hiện người đã nhận một thiếu nữ còn trẻ làm đệ tử. Thiếu nữ đó là em út của Trần sư đệ đây.
Phương Dung nắm tay Trần Khổng Chúng:
- Sư thúc, lâu nay ngươi đi đâu? Cháu nhớ sư thúc đến chết được.
Trần Khổng Chúng cảm động:
- Chú cũng vậy. Khi chú rời Cối-giang đi tìm sư phụ thì cũng nhớ cháu suốt ngày, suốt đêm. Chú đoán rằng thái sư phụ bị Hán bắt, vì vậy, chú bỏ sang Trung-nguyên, học tiếng Hán, đầu quân cho Quang Vũ.
Đào Kỳ ngơ ngác không hiểu. Phương Dung vỗ tay:
- Mưu kế của chú thực tuyệt. Chú muốn làm người Hán để dò la tin tức sư tổ. Chứ nếu chú đầu quân làm việc cho người Hán tại Lĩnh-nam thì không được trọng dụng.
Trần Khổng Chúng gật đầu:
- Chú đầu quân vào đạo của Ngô Hán. Nhờ võ công Lĩnh-nam khắc chế võ công Trung-nguyên, chú thắng hầu hết các võ sĩ của Ngô. Ngô Hán trọng dụng chú, cho chú làm sư trưởng. Từ sư trưởng, chú tham dự nhiều trận đánh, có công, chú được Quang Vũ tiếp kiến. Quang Vũ hỏi chú muốn được thưởng gì? Chú xin được về làm quan ở Lĩnh-nam. Quang Vũ cho chú theo Tô Định sang Giao-chỉ với chức vụ Đốc-bưu.
Phương Dung ngơ ngác hỏi:
- Đốc-bưu là chức vụ gì?
Đào Kỳ gần Lục Mạnh Tân lâu, chàng biết khá nhiều về quan chức nhà Hán. Chàng đap:
- Đốc-bưu là một chức vụ thay Thái-thú đi thanh tra các nơi. Cho nên người Trung-hoa thường nói: Thái-thú là vua, Đốc-bưu là Ngọc-hoàng Thượng-đế. Ý chỉ Đốc-bưu là chức quan hét ra lửa, mửa ra khói. Các Huyện-úy, Huyện-lệnh nghe Đốc-bưu đến thì sợ như sợ cọp.
Trần Khổng Chúng tiếp:
- Chú trở về Giao-chỉ, đến bạn hữu, thân thuộc cũng không nhận ra chú. Ai cũng tưởng chú là người Hán. Chú đi khắp các nhà tù Giao-chỉ thanh tra để tìm thái sư phụ. Cho đến một ngày kia, chú vào thăm nhà tù Luy-lâu, thì khám phá ra thái sư phụ mới được đua từ Thái-hà trang về. Đêm, chú vào nhà tù giải thoát cho Thái sư phụ. Người sai chú về Cối-giang thám thính tình hình. Chú trốn về Cối-giang gặp bố cháu. Giữa lúc anh em đang hàn huyên vui vẻ, thì có khách từ Đăng-châu tới.
Phương Dung ngắt lời:
- Chắc là người của Đào gia?
Trần Khổng Chúng cười:
- Không phải là người của Đào gia, mà là ông bà Đào Thế Hùng. Ông bà tới gặp bố mẹ cháu. Người mang theo nào trâu, nào bò, nào dê, nào lợn.
Đào Kỳ kêu lên:
- Ủa! Chú cháu tới có việc gì mà lại mang nhiều lễ vật như vậy?
Trương Đằng Giang cười:
- Còn gì nữa? Nếu là việc phục quốc thì chỉ mình ông đi là đủ rồi. Đây có bà đi theo thì chỉ còn có việc hỏi con bé Dung về làm dâu họ Đào. Đào huynh với sư huynh ta là bạn cũ, hai bên gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Họ ôm lấy nhau mà khóc. Hai bên khóc như trẻ con thiếu sữa vậy.
Thời bấy giờ, quyền cha mẹ rất lớn. Khi cha mẹ qua đời, chú thím hoặc cậu mợ, cô dì sẽ thay thế, đứng ra dựng vợ gả chồng cho các cháu. Thường thì bề trên quyết định, không bao giờ hỏi ý kiến đôi trẻ cả. Ông bà Đào Thế Hùng thấy anh chị thất lạc không tin tức, mà Đào Kỳ, Phương Dung quấn quít bên nhau. Ông bà quyết định đi Long-biên hỏi Phương Dung cho cháu làm vợ. Ông bà biết cháu với Tường Quy có mối ẩn tình. Tường Quy trước mắt ông bà là một thứ Mỵ Châu, thân thể ô uế. Còn so bề gia thế, cha Tường Quy là Huyện úy Bắc-đái, làm sao bì với Nguyễn Trát, tiếng tăm lừng lẫy về ý chí phục quốc. Phương Dung xinh đẹp đâu kém Tường Quy? Võ công nàng lại siêu việt, kiến thức, mưu trí tuyệt vời. Ông bà mới gặp đã thấy thương yêu như con đẻ.
Trương Thủy Hải tiếp:
- Ông bà Đào Thế Hùng đưa thư của hai cháu ra bàn với chúng ta. Hai cháu muốn ông tiếp nhận trang Văn-lạc, nhưng ông không kham nổi, vì ông đang muốn liên hệ, ảnh hưởng đến các Lạc-hầu ở Đăng-châu. Ông bà nhờ bố cháu cử người lên trông nom dùm. Bố cháu quyết định cử chú với chú Đằng Giang lên đây. Nhân tiện chú Khổng Chúng nhớ cháu quá, cũng đòi đi theo để nhìn mặt con bé xinh đẹp của chú.
Đào Kỳ, Phương Dung tập họp tráng đinh, giới thiệu Trương thị huynh đệ với họ. Còn Khổng Chúng thì vì cần bảo vệ bí mật nên không ra mặt.
Sau lễ giới thiệu, Đằng Giang tiếp xúc với tráng đinh một buổi. Tối trở về sau khi cơm nước, ông gọi Phương Dung, Đào Kỳ nói:
- Hai cháu khôn thì khôn thực. Mưu trí, võ công đều giỏi hơn chú. Song có điều các cháu còn trẻ, không kinh nghiệm đời.
Phương Dung ngạc nhiên:
- Chú muốn nói...?
- Cháu cho tráng đinh ăn uống đầy đủ, đối xử tử tế. Nhưng vì các cháu còn trẻ, các cháu quên mất họ đều đã có gia đình. Họ ở đây mà lòng nhớ nhung cha mẹ, vợ con. Vậy từ ngày mai, ta phải tìm cách đón vợ con họ lên ở trong trang, làm kế lâu dài.