Làm thế nào lấy được một khẩu súng Pháp để ăn cắp kiểu? Khó quá! Bảo rằng mua được, nhưng đường sá phần thì mắc nghẽn, phần thì xa xôi, đi đâu mà mua. Bảo rằng đánh một đồn nào gần đó để cướp lấy một khẩu về, nhưng đồn nào cũng giữ gìn nghiêm nhặt, đánh đã chắc gì lấy nổi. Chỗ này, ông suy nghĩ gần muốn héo gan nát ruột, mà không biết làm thế nào. Ông vẫn nói rằng: Hễ ai tìm được cho ta một khẩu súng kiểu Pháp, thì ta thưởng cho 1000 đồng bạc. Ai lấy được? Nhưng mà người có chí khí thường được trời giúp đỡ.
Thật thế, trong khi ông đang nghĩ quẩn nghĩ quanh nghĩ đến cách mua, nghĩ đến cách cướp, nghĩ mãi chưa biết làm thế nào, thì chợt có tên lính vào bẩm rằng: có một người lạ mặt, xin vào yết kiến để bẩm có việc cơ mật.
Ông cho vào. Ấy là người đem kiểu súng Pháp lại cho ông.
Binh gia nói: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", e có lẽ phải. Cao Thắng muốn kiếm một khẩu súng của Pháp để bắt chước chế tạo, nhưng đang lo nghĩ ao ước không biết lấy ở đâu có một khẩu súng Pháp để làm kiểu bây giờ, bỗng dưng trời xui khiến một người khách lạ mặt tới ngay giữa quân môn giúp cho ông được như nguyện.
Người lạ mặt vô bẩm rằng: - Nghe nói có lệnh của tướng quân truyền ra: hễ ai lấy được một khẩu súng Pháp đem nộp, thì sẽ được trọng thưởng 1000 đồng bạc. Nếu bây giờ tôi lấy dâng cho tướng quân, không những một khẩu súng Pháp, mà tới 15 khẩu lận, thì tướng quân thưởng cho bao nhiêu? Cao Thắng mừng lắm: - Thôi, thế thì trong trại ta bao nhiêu tiền bạc, ta cho nhà ngươi lấy hết. Thật ra lúc bấy giờ, ông cũng đã có một vài vạn bạc ở trong quân. Người lạ mặt xin truyền cho tả hữu lui ra ngoài, rồi mật bẩm diệu kế. Té ra y có một người bà con đi lính tập ở tỉnh Nghệ An mới viết thư về nhà nói rằng: tới ngày mai đây có hai viên quan binh ở tỉnh thành Nghệ An dẫn 14 tên lính tập chở mấy hòm bạc lên đồn Phố (thuộc hạt Hương Sơn) để phát lương cho binh lính. Lẽ tự nhiên toán lính ấy có súng. Đó là một cơ hội trời giúp cho tướng quân. Vậy tướng quân nên sắp đặt cho nghĩa binh mai phục ở giữa đường, đánh toán lính tập mà cướp lấy súng của họ là được ngay, nào có khó gì? Cao Thắng được tin cơ mật này, hết sức mừng rỡ, đưa tay lên trán và nói: - Thật là trời giúp ta phen này! Tức thời, một mặt Cao Thắng cầm giữ người khách lạ mặt hảo tâm đó ở lại trong dinh chơi, một mặt hội chư tướng lại để thương nghị cách cướp súng.
Ông thì quyết kế là kéo hết quân mình ra đón đường liều đánh lấy một trận tử chiến. Nhưng ông Cao Đạt vừa khoát tay vừa nói:
- Không nên! Anh tính kế làm như vậy là đem cả nghĩa binh và bản thân anh vào chỗ hiểm nguy tổn hại mà chắc là không xong việc. Quân tư chưa phải là quân thiện chiến, vả lại thứ súng cũ kỹ của mình bây giờ còn lôi thôi quá, đạn bắn ra nổ không mạnh, đi không xa, tôi tưởng ngày nay nếu quân ta đem toàn lực ra đánh nhau đường trường cũng sợ không địch lại với 15 khẩu súng kia. Vậy thì không những ta làm đã chẳng thành công mà lại còn mang hại đến thanh thế của quân ta lúc ban đầu nữa. Theo ngu ý của em, việc này ta phải dùng mưu thì hơn, quyết không nên dùng lực. Em xin dâng kế "Xuất kỳ bất ý công kỳ vô bị" anh nghĩ sao? Cao Thắng suy nghĩ một lát, gật đầu khen phải.
Nguyên là con đường từ tỉnh Nghệ An đi lên đồn Phố (chỗ đó là làng Phố Châu, chính là huyện lỵ Hương Sơn đóng bây giờ, thuộc về tỉnh Hà Tĩnh) có nhiều chặn phải đi xuyên qua núi rừng rậm rì, hiểm trở. Giữa đường có một hòn núi trọc chận ngang, không có cây cối nào rậm và to, chỉ mọc toàn là lau sậy rất cao, chính giữa có một con đường độc đạo. Ông Cao Đạt hiến kế rằng chỉ nên lựa chọn mấy chục tráng sĩ, cầm đoản đao mai phục ở hai bên rừng lau sậy, chờ khi nào toán lính tập kia nghễu nghện đi qua, thì ta nổ một tiếng pháo làm hiệu, rồi hai bên tráng sĩ nhảy bổ ra, xuất kỳ bất ý mà đánh, tất được toàn thắng. Cao Thắng y kế, và muốn bản thân làm việc khó khăn này, cho nên tức khắc xếp đặt công việc để ngày mai chính ông thân dẫn cả bọn Cao Đạt, Cao Nữu, Nguyễn Niên cùng hai mươi tên quân cảm tử, nai nịt gọn gàng, cầm đoản đao ra mai phục tại đó.
Quả nhiên, xế chiều hôm ấy, một toán gồm hai viên quan Pháp và 15 tên lính tập mang súng và khiêng hòm bạc, kéo nhau đi ngang qua rừng sậy đã nói trên. Bởi con đường độc đạo nhỏ hẹp, họ phải đi hàng một, lẻ tẻ từng người, trong trí không ngờ đâu giữa bãi lau sậy này mà có sự bất trắc. Tiếng giày đi cồm cộp đàng xa, đủ làm dấu hiệu để báo tin cho phục binh hay trước. Tới chừng họ đi vào giữa khoảng nghĩa binh mai phục, Cao Thắng nổi pháo lên làm hiệu, tráng sĩ mai phục hai bên nhảy ra, miệng vừa hò hét, tay vừa khoa đao, cứ mỗi người nhắm ngay một kẻ bên nghịch mà chém tung hoành loạn đả. Tội nghiệp cho hai viên tiểu tướng Pháp và 15 chú lính tập đều bị chém ngã hết, không sót một người nào, không ai kịp trở tay. Vì họ đang đi đường mệt nhọc, lẻ loi, bỗng dưng bị chém một cách thình lình như thế, làm sao không chết. Thế là Cao Thắng lấy được 17 khẩu súng, trong đó có hai khẩu súng kiểu hai nòng, và 600 viên đạn, mấy ngàn đồng bạc nữa, mà phía mình không nhỏ một giọt máu, cũng không nhọc nhằn sức khỏe bao nhiêu. Trở về sơn trại, ông mời người khách lạ mặt kia để trọng thưởng. Nhưng khách nói rằng:
- Thấy tướng quân làm việc nghĩa hiệp, tôi vẫn hâm mộ, trời bèn xui khiến tôi đem lại cơ nghiệp giúp cho tướng quân được thành công đó thôi. Tôi nào có công cán gì mà thưởng, vả lại tôi có phải vì ham số tiền thưởng mà tới đây bao giờ; hôm qua tôi hỏi thưởng bao nhiêu là nói chơi vậy mà. Số tiền thưởng này tôi xin để lại tướng quân nuôi binh sĩ, đúc khí giới, thế là tôi mừng. Trước khi từ biệt tôi xin hiến tướng quân bốn chữ "tiền đồ bảo trọng”, xin ghi nhớ cho. Luôn dịp, có một bức thư kín đây, hễ ngày nào cụ Phan về, thì phiền tướng quân trình cụ giúp tôi, ngày nay hãy khoan mở ra. Cao Thắng muốn hỏi tên họ, nhưng khách cũng không chịu nói, chỉ cười nhạt rồi đứng dậy vái dài một vái, ra đi. Người này là thần tiên chăng, là ẩn sĩ chăng, là hiệp khách chăng, là gì không ai biết. Thuở giờ Cao Thắng chỉ ước mong có một khẩu súng Pháp để làm kiểu, nay đã được thoả mãn sự mình mong ước rồi vậy. Cao Thắng gọi thêm rất nhiều thợ rèn, rồi kéo lên núi sâu, bắt đầu công việc chế tạo. Ông tự tháo một khẩu ra từng mảnh, để xem từ cơ quan thước tất cho đến công dụng như thế nào, rồi đêm ngày ông ngồi một bên, đốc thúc bọn thợ rèn, cứ lấy từng mảnh ở súng Pháp, theo đúng hình thức dài vắn rộng hẹp như thế nào mà rèn đúc. Mấy lần đầu còn hư hỏng lôi thôi. Nhưng hư hỏng thì ông lại bắt phá hết ra mà rèn đúc lại. Rèn đi đúc lại mãi mới được.
Công việc đúc súng này làm luôn trong mấy tháng ròng rã, được cả thảy 350 khẩu súng giống y súng Pháp. Duy có thuốc đạn thì còn phải dùng thuốc ta. Ta nên biết Cao Thắng rèn đúc được 350 khẩu kiểu Pháp, thật có công phu khó khăn to lớn bằng rèn đúc mấy mươi vạn khẩu. Thật thế, lúc bấy giờ ông ta chỉ là một đám giặc cỏ, phải lẩn lút ở trong núi biếc rừng xanh, nào đã dám ra mặt chán chường, vậy thì lấy đâu được sắt, lấy đâu được đồng, lại lấy đâu được máy mà đúc, lấy đâu được thuốc nổ để mà chế ra đạn. Thế mà ông làm được đủ cả, là nhờ ông có trí xảo cơ mưu và có nghị lực nhẫn nại lắm. Ruột gà trong súng, thì ông dụng cây gọng dù uốn lại mà làm; sắt thì ông cho người đi khắp các chợ và các miền nhà quê, mua những móng lừa, móng ngựa, các thứ sắt vụn, và những cày hư cuốc bể, của các nhà nông, đem về đập ra mà rèn; còn bì đạn thì ông góp nhặt những mâm đồng, nồi đồng, đập dẹp ra thật mỏng rồi cuốn lại. Sợ thiếu những nguyên liệu cần dùng, nên ông hạ lệnh cho các dân làng chung quanh, chia bớt những đồ đồng trong nhà mình cho nghĩa binh và đem lên sơn trại nộp để làm quân giới. Ấy đó, Cao Thắng chỉ nhờ có những tài liệu góp nhặt như thế, mà rèn đúc được súng đạn hẳn hoi, thỉ chung chỉ dùng sức người, không có máy móc gì hết. Tới đây, không những súng cũ và súng mới đã được hơn 500 khẩu, mà lương tiền cũng dồi dào, và số quân lính mộ thêm cũng tăng lên đến gần 1000 người. Cao Thắng tự biết lúc này mình đã có gốc hơi vững, tức là có cơ sở để tấn phát mãi lên và có thể bắt đầu mưu tính việc lớn. Nhưng phải có người danh vọng oai quyền để làm chủ, cầm quân mới được.
Người đó đương thời, còn ai hơn là ông chủ tướng cũ hiện đang lưu lạc ẩn cư ngoài Bắc: ấy là Phan Đình Phùng. Cao Thắng bèn sai người tâm phúc ra Bắc Hà rước cụ Phan về. Phong trào võ lực phản đối ở ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã tịch mịch ít lâu, giờ lại nổi lên đùng đùng, và kéo dài ra được mấy năm nữa. Lần này có tổ chức, có khí giới, có kỷ luật, có oai danh, chính có người Pháp thẳng ngay đã nhìn nhận sự thật như thế. Một võ quan Pháp dự cuộc đánh dẹp ở Nghệ Tĩnh hồi bấy giờ là Đại uý Gosselin, về sau viết ra cuốn sách có giá trị tựa là "Nước Nam" trang 313, có đoạn nói về Phan Đình Phùng đại khái như vầy: "Cuộc biến loạn của Phan Đình Phùng cầm đầu tràn lan rất mau và có thanh thế lớn. Sánh lại những đám phản đối nổi lên về trước không thấm vào đâu.
Nhưng vì phương lược cai trị, vả lại cũng không muốn làm xôn xao kinh hãi dư luận bên Pháp, cho nên ở đây người ta rán giấu nhẹm được chừng nào càng hay, không nói rõ cho bên Pháp biết. Lúc đó, người chủ tướng cầm đầu cả 4 tỉnh miền Bắc Trung nổi lên đánh lại binh ta, chứng tỏ ra một người có tài năng tổ chức lạ lùng: lại thêm ông ta có cái địa vị đậu Đình nguyên, thành ra nhân dân quy phục hết thảy, vì dân này vốn trọng học vấn và kính mộ danh nho. Té ra từ trước tới đây chúng ta không hay Phan Đình Phùng biết sắp đặt tập rèn quân lính theo như kỷ luật và binh pháp Âu châu; cho nên quân lính mặc y phục giống hệt một thứ với lính tập bản xứ của ta, lại mang khí giới là súng kiểu 1874 do ông bí mật chế tạo lấy rất nhiều, nhưng chế tạo ở chỗ nào không ai biết, tới nay chúng ta chẳng hề tìm ra. Tôi có đem nhiều khẩu súng đó về tận bên Pháp; xem nó giống đủ mọi vẻ như súng của các xưởng binh khí nước ta chế tạo, đến nỗi tôi đưa cho các quan binh pháo thủ ta xem, các ông phải sửng sốt lạ lùng, chỉ hiềm vì nó khác với kiểu súng ta có hai chỗ này thôi: ruột gà không đủ sức mạnh và trong nòng súng không có xẻ rãnh, vì đó mà đạn bắn ra không xa, không mạnh. Tuy vậy mặc dầu, những súng đó đã từng bắn chết ít nhiều lính khố xanh, cai đội Pháp và lính tập, vì thật ra lúc bấy giờ chỉ có lính khố xanh ra xông pha đánh dẹp đám loạn này, ta phải nói rằng lính ấy đã xuất lực và thành công một cách vẻ vang". Ta xem Đại uý Gosselin đã từng mục kích và phải nhìn nhận sự thật như thế, đủ biết đương thời nghĩa binh cụ Phan cầm đầu không phải giặc cỏ, hay cuộc phản đối tầm thường. Kỳ thật có tổ chức, có khí giới, có lực lượng ít nhiều, ta nên biết những thành tích ấy do một tay lược thao kỳ xảo của thượng tướng quân Cao Thắng.