Sinh năm Canh Dần (1830), tại làng Hanh Thông, tỉnh Gia Định. Hai mươi tuổi đỗ cử nhân ( Kỷ Dậu, Tự Đức 2 1849 ) nên thường gọi là Cử Trị. Thang mây sẵn bước, có thể ruổi dong trên hoạn lộ một cách dễ dàng, nhưng tính khí ngang tàng, không chịu bó buộc, mặc dầu sống trong gia đình thanh bạch: ông lấy việc dạy học và bốc thuốc làm phương độ nhật. Khi quân Pháp gây hấn ở Gia Định (1862), ông tránh xuống Vĩnh Long kết giao với Nguyễn đình Chiểu và Huỳnh mẫn Đạt. Năm 1867, Vĩnh Long lọt vào tay Pháp, ông cảm khái thốt ra lời thơ đau đớn trước sự bất lực của triều đình:
Vĩnh Long thất thủ.
Tò tè kèn thổi, tiếng năm ba… Nghe lọt vào tai ruột xót xa. Uốn khúc sông Rồng mờ mịt khói. Vắng hoe thành Phụng ủ rầu hoa. Tan nhà, căm nỗi câu ly hận. Cắt đất, thương thay cuộc giảng hoà. Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ. Ngậm cười, hết nói nỗi quan ta!
Từ đó, ông thường mượn thi văn để tỏ lòng phẫn uất về cảnh nước mất nhà tan, chỉ trích những người hợp tác với Pháp, lời lẽ đanh thép và ngạo nghễ. Dưới đây là bài thơ tả tâm sự kẻ sĩ phu đứng trước quốc nạn.
Cảm hoài.
Cõi Nam chung hưởng cuộc thăng bình. Trời đất gây nên cuộc chiến tranh. Xe ngựa rộn ràng, xe ngựa khách. Nước non vun quén, nước non mình. Những trang dụng thế đành ngơ mặt. Mấy gã trung quân nỡ phụ tình! Bao thuở đem về cơ nhất thống. Ngàn thu bia tạc đấng trung trinh…. Phong trần lắm lúc luống sầu riêng. Biết mượn tay ai gỡ nỗi phiền? Áo mũ ba đời, ơn rất trọng. Can qua một cuộc, nghĩa chưa tuyền. Trớ trêu con tạo lòng đa xảo. Tráo trở anh hùng buổi thiếu niên. Phất phới bụi hồng đà trải dấu. Tâm tình chiều uốn thú hàn thuyên. Tay nâng, há dám một mình đây? Kẻ Bắc, người Nam bấn dạ này. Thế sự lăng xăng cờ túng nước. Nhân tình tráo chác gió rung cây. Giao hoà, bởi sợ mưu mô cạn. Cắt đất, vì kiêng trí lực dày. Ướm hỏi những ai trên đất Việt. Tấm lòng thiết thạch há như vầy? Tài năng chi đó khéo trêu ngươi. Cái phận nam nhi luống nực cười. Ngược đậu, xuôi đi, hiềm thế nước. Sâu dầm, cạn vén, thuận tình đời. Quan san dặm thẳng đường liền bước. Tùng cúc vườn xưa cảnh nhớ người. Tạo hoá một bàu xoay khí vận. Đông qua xuân lại trở màu tươi… Tổng đốc Trần bá Lộc nghe danh ông, nên khi qua Vĩnh Long cho lính đòi ông đến, ý muốn trừng trị thái độ ương ngạnh. Lộc bắt ứng khẩu làm một bài thơ. Ông xin cho đầu bài. Lộc vốn thô lỗ, buông lời tục tĩu: - Cục cứt! Ông đứng ngâm ngay bốn câu:
Đương cơn lộn xộn ló đầu ra. Người thấy, ai mà chẳng sợ va! Cậy thế, khom lưng ngồi dưới đít. Biết đâu sắp bị chó liền tha!
Thơ tả đúng đầu đề, nhưng mỉa mai bao nhiêu cho cái uy quyền mượn của viên tổng đốc mới! Lộc nghe xong mắc cở đuổi về.
Cuộc xướng họa làm cho ông nổi tiếng nhất thời ấy, là cuộc bút chiến với Tôn thọ Tường. Ông cùng các bạn Nguyễn đình Chiểu và Huỳnh mẫn Đạt, đứng vào phe bất hợp tác, còn Tôn ở phe hợp tác. Tôn sinh năm 1825, cũng ở Gia Định. Thân phụ là Tôn thọ Đức, nguyên là tuần vũ Thuận Khánh ( Bình Thuận – Khánh Hoà ). Năm 30 tuổi, Tôn thi hương hỏng, bèn ra Huế, xin tập ấm là quan văn, bất đồ triều đình lại bổ sang ngành võ, Tôn bất mãn bỏ về. Đến năm 1862, triều đình nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền đông, Pháp muốn lấy lòng dân, kêu gọi hợp tác của sĩ phu, Tôn vì sinh kế phải hưởng ứng, được Pháp trọng dụng cho làm tri phủ Tân Bình dần dần lên đến chức đốc phủ sứ. Tôn ra hợp tác cho mình là thức thời. Thầm mong lôi cuốn bằng hữu cùng đi đường với mình, hay đâu các bạn từ đó quay mặt đi, ai cũng mỉa là tên bán nước. Tôn bị cô lập lại bị mạt sát nặng nề, thấy tự hối hận, bởi trót mặc vào vòng rồi. Đành làm 10 bài thơ bào chữa cho mình và thanh minh với dư luận, nhan đề là “ Giang san ba tỉnh ”. Mười bài này phổ biến ra, Cử Trị bèn làm 10 bài hoạ lại. dưới đây xin chép từng bài xướng hoạ, để thấy rõ lập trường của hai phái “ hợp tác” và “ bất hợp tác ”.