watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
13:34:1518/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Nho Lâm Ngoại Sử 26 - 50 - Trang 6
Chỉ mục bài viết
Nho Lâm Ngoại Sử 26 - 50
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Trang 14
Tất cả các trang
Trang 6 trong tổng số 14

Hồi 35

Thánh Thiên Tử cầu hiền hỏi đạo
Trang Trưng Quân từ chức về nhà


Trang Thiệu Quang thấy người kia xuống lừa và lạy ở dưới đất, liền vội vàng xuống xe đỡ dậy và hỏi:
- Ông là ai? Tôi chưa hề được gặp.
Người kia đứng dậy nói:
- Cách đây ba dặm, có một cái quán. Mời ngài lên xe, tôi sẽ đi theo cùng đến đấy nói chuyện.
Thiệu Quang nói: - Tốt lắm! Mời anh lên xe.
Người kia cũng cưỡi lừa cùng đi đến quán. Hai người thi lễ xong ngồi xuống. Người kia nói: - Ở kinh tôi đã tính thời gian từ khi chiếu chỉ nhà vua tới Nam Kinh nên đoán lúc này là lúc ngài lên Bắc Kinh cho nên ngay từ khi ra khỏi cửa Chương Nghi thấy cái xe lừa nào, cái kiệu nào là tôi đều hỏi. Quả nhiên tìm được ngài. Thực là may mắn quá!
- Ông họ tên là gì, quê quán ở đâu?
Tôi họ Lư tên là Đức tự là Tín hầu người Hồ Quảng. Tôi vốn có cái chí muốn sưu tầm tất cả các tập văn của những danh nhân trong triều đại ta. Trong hai mươi năm nay tôi đã tìm được nhiều không còn thiếu mấy nữa. Một trong bốn vị danh sĩ là ông Cao Thanh Khâu, nhưng sau khi ông ta mắc nạn thì không còn ai giữ lại văn chương nữa. Ở kinh chỉ còn một người giữ được. Tôi lên đó để mua quyển sách ấy với một giá rất đắt. Đang lúc định về thì nghe tin triều đình mời ngài. Tôi nghĩ rằng những người xưa đã mất mà mình còn sưu tầm sách của họ để đọc, huống chi ngài là một người danh sĩ trong đời nay, tại sao mình lại bỏ qua không gặp mặt. Vì vậy tôi chờ đợi ở Bắc Kinh đã khá lâu và cứ đi hỏi thăm ở dọc đường.
- Tôi nằm dài ở Nam Kinh, trong lòng chẳng nghĩ gì đến việc làm quan. Nhưng nay đội ơn hoàng thượng không dám không đến. Không ngờ lại được gặp ông ở đây thực là một việc thích thú. Chỉ tiếc rằng hai ta vừa mới gặp mặt đã phải chia tay biết lấy gì để tỏ tình thân. Đêm nay, chúng ta tạm ngủ ở đây một đêm. Tôi và ông cùng nằm một giường nói chuyện cho thích.

Hai người bàn đến văn chương của các danh nhân. Trang nói với Lư Tín hầu.
- Ông đọc nhiều sách, yêu người xưa như vậy thực là một người ham học. Nhưng những sách của ông Thanh Khâu quốc gia vẫn có lệnh cấm, tại sao ông không biết lo tránh đi. Mặc dầu văn chương của ông Thanh Khâu không có những lời phỉ báng triều đình, nhưng Thái Tổ ghét ông ta, sách ông ta hiện nay là sách cấm. Tôi khuyên ông đừng nên đọc sách ấy. Theo như ý tôi, trong việc đọc sách, trước phải đọc từ rộng sau mới đến chuyên. Cốt là để lãnh hội được. Trên đường về, mời ông tạt vào nhà tôi, tôi cũng có viết vài quyển sách mong được ông chỉ giáo.
Lư Tín Hầu vâng lời. Hôm sau chia tay, Lư về Nam Kinh trước, đợi Trang ở đấy.
Trang Thiệu Quang vào cửa Chương Nghi, trọ tại chùa Hộ Quốc. Từ Thị Lang lập tức cho người nhà đến hầu hạ và thân hành đến chào. Từ Thị Lang hỏi:
- Tiên sinh đi đường có mệt không?
- Tôi vốn là người nhà quê, tính tình quê mùa, không quen xe cộ, vóc người tôi như “cây bồ liễu gặp tiết thu”. Vì đi đường xa mệt, tôi chưa có dịp đến yết kiến ngài, lại phiền ngài phải đến thăm.
- Ông nên thu xếp chong chóng, trong ba bốn ngày nữa thì sẽ được triệu vào.
Bấy giờ là ngày mồng một tháng mười năm Gia Tinh thứ 35(1). Sau ba ngày, Từ Thị Lang đưa chiếu chỉ của Nội các đến, chiếu chỉ viết:
“Mồng hai tháng mười Nội các vâng lệnh đạo dụ của Hoàng thượng: Nay nhờ hồng phúc của tổ tiên, trẫm ngày đêm cầu hiền để lo việc trị dân. Trẫm nghe nói: ”Ai thờ tôi làm thầy, người ấy sẽ làm Vương" đó là cái lẽ xưa nay. Nay quan thị lang bộ lễ có tiến cử ông Trang Thượng Chí. Ngày mồng sáu cho vào triều bệ kiến để nêu rõ phép tắc của triều đình. Khâm thử."
Canh năm ngày mồng sáu, vệ sĩ lâm quân đã chầu chực ở ngoài cửa Ngọ Môn. Các nghi trượng của thiên tử đều được bày biện. Các quan đến chầu chực ở ngoài cửa Ngọ Môn. Trong ánh sáng của một trăm ngọn đuốc, Tể tướng đi vào. Cửa Ngọ Môn mở rộng. Các quan vào theo cửa bên cạnh. Họ đi qua cửa Phụng Thiên, đến điện Phụng Thiên, ở trong nghe tiếng nhạc và nghe tiếng quan Hồng Lô đang xướng “Bài ban!” (Đứng vào hàng).
Nghe ba tiếng roi, những người thái giám đi ra từng đoàn, mang những lư hương bằng vàng ở trong đốt long diên hương. Những người cung nữ tay cầm quạt đưa Thiên Tử đi ra ngồi ở ngai vàng. Mọi người tung hô vạn tuế rồi sụp xuống lạy. Trang Thiệu Quang mặc triều phục đứng ở cuối hàng, cũng tung hô, phục xuống lạy chào Thiên Tử. Sau đó tiếng âm nhạc dứt. Bãi triều, hai mươi bốn con voi, mang những cái bình rất quý từ từ đi ra không có người dắt. Rõ thật là:
“Hoa đón gươm mang sao mới lặn
Liễu khuơ cờ quạt móc chưa khô(2)
Trang thấy các quan đi ra, cũng trở về nhà. Cởi triều phục xong, Trang đi đi lại lại thì vừa thấy Từ Thị Lang đến chào. Trang mặc áo thường ra tiếp. Uống trà xong, Từ Thị Lang nói:
- Hôm nay Hoàng thượng ra điện thật là một cái lễ lớn ít có. Ông nên ở nhà đợi có lệnh phải triều kiến chăng?

Ba ngày sau, có một đạo dụ đưa đến “Ngày mười một, cho Trang Thượng Chí lên điện để triều kiến. Cho cưỡi một con ngựa ở trong chuồng của nhà vua”.
Đến ngày mười một, Từ Thị Lang đưa Trang đến cửa Ngọ Môn. Từ Thị Lang đứng ngoài phòng đợi, còn Trang một mình bước vào cửa Ngọ Môn. Chỉ thấy hai người Thái giám dắt một con ngựa của nhà vua, mời Trang cưỡi. Hai người quỳ xuống giữ bàn đạp ngựa đợi Trang đã ngồi yên rồi, hai người kia mới cầm dây cương, dây cương cũng màu vàng! Họ dắt Trang đi chầm chậm qua cửa Cần Chánh. Đi đến ngoài cửa Tuyên Chính Điện, Trang xuống ngựa đứng ở đấy. Lại có hai người Thái Giám khác truyền lệnh cho Trang đi vào điện. Trang nín thở bước vào. Thiên Tử mặc áo thường, ngồi trên ngai vàng. Trang bước đến sụp lạy Thiên Tử nói:
- Trẫm làm vua đã ba mươi lăm năm nay, nhờ hồng phúc của trời đất và tổ tiên, bốn bề thái bình, biên cương vô sự. Nhưng trăm họ thì vẫn chưa no ấm cả, các sĩ và đại phu vẫn chưa theo đúng lễ nhạc. Trong việc dạy dỗ và nuôi dân; cái gì phải làm trước? Trẫm mời tiên sinh từ nơi thôn dã đến đây chính là muốn hỏi về việc đó. Mong tiên sinh cứ việc tâu lên, không cần phải giấu giếm gì hết!
Trang sắp sửa tâu lên, không ngờ trên đỉnh đầu có một cái gì đốt đau nhói không chịu được, đành phải cúi xuống tâu rằng:
- Đội ơn Hoàng thượng hỏi đến việc đó, nhưng thần không thể tâu ngay được. Xin cho thần suy nghĩ kỹ, sau sẽ trình tâu.
- Như thế cũng được! Tiên sinh nhớ làm vừa lòng trẫm. Cốt nhất là nói những việc có thể làm được, hợp với thời xưa mà cũng không trái với thời nay.
Nói xong đứng dậy về cung. Trang ra khỏi điện Cần Chính. Thái Giám lại đưa ngựa đến để Trang cưỡi đi ra Ngọ Môn. Từ Thị Lang đợi ở ngoài cửa cùng Trang trở về. Từ Thị Lang cáo từ về nhà. Trang về nhà cởi cái mũ ra xem thì thấy ở trong mũ có một con rết. Trang cười mà rằng:
- Té ra cái con vật này! Xem ra đủ biết đạo của ta không thể thực hành được!
Hôm sau, Trang rửa tay, đốt hương, bói một quẻ thì được quẻ “Thiên Sơn Độn”(3) Trang cười mà rằng:
- Đúng rồi!
Bèn viết tỉ mỉ mười chính sách dạy dỗ và nuôi dưỡng dân và làm một tờ sớ xin nhà vua cho về nhà thờ quan thông chính tư đưa lên. Từ đấy, tất cả các quan to ở trong triều không ai là không đến thăm. Mặc dầu Trang không chịu nổi sự phiền phức ấy, nhưng cũng đành phải thăm lại tất cả các nha môn. Quan đại học sĩ nói với Tử Thị Lang:
- Ông Trang ở Nam Kinh lại. Hoàng Thượng có ý muốn dùng ông ta vào việc lớn, tại sao ông không đưa ông ta đến thăm tôi? Tôi muốn nhận ông ta làm môn hạ.
Thị Lang không dám trái lời lại đem việc ấy nói với Trang. Trang nói:
- Trong đời này đã không có đức Khổng, tôi không muốn làm học trò ai hết. Hơn nữa, quan Thái Bảo đại học sĩ đã bao nhiêu lần làm chủ khảo các kỳ thi, số học sinh ở trong viện hàn lâm vô số cần gì phải lấy một người quê mùa như tôi làm học trò? Tôi đâu dám lĩnh giáo.

Từ Thị Lang đem việc này nói lại với quan Thái Bảo, Thái Bảo không bằng lòng.
Mấy hôm sau, thiên tử ở trong điện hỏi Thái Bảo: - Mười chính sách của Trang Thượng Chí trẫm đã xem kỹ thấy học vấn thật là uyên thâm. Con người này có thể dùng làm phụ bật(4) được không?
Thái Bảo tâu rằng: - Trang Thượng Chí quả là một người tài năng xuất chúng, được thiên tử đối đãi rất hậu, trăm họ đều mừng rỡ. Nhưng ông ta không xuất thân tiến sĩ(5) mà đã vụt nhảy ngay lên hàng khanh tướng. Trong bản triều ta xưa nay chưa có việc như thế này làm như vậy sợ tăng thêm cái lòng cầu may cho thiên hạ. Cúi mong thánh thượng xét.
Nhà vua thở dài một hồi rồi bảo đại học sĩ truyền lệnh:
“Trang Thượng Chí được phép về nhà. Lấy năm trăm lạng bạc ở trong kho nhà vua ra cho Trang Thượng Chí và cho Hồ Nguyên Vũ ở Nam Kinh làm nơi viết sách, ca ngợi cái sáng tỏ của triều đình”.
Đạo chỉ truyền xuống, Trang đến cửa Ngọ Môn tạ ơn, từ biệt Từ Thị Lang thu xếp hành lý để về Nam Kinh. Các quan trong triều đến tiễn và biếu lễ vật. Trang đều từ chối. Trang lại đi một cái xe ra khỏi cửa Chương Nghi.
Hôm ấy trời lạnh, Trang đi thêm mấy dặm nhưng không tìm ra quán trọ, phải rẽ vào một con đường nhỏ đến một cái nhà xin nghỉ trọ. Đó là một cái nhà tranh, ở trong thấy một đĩa đèn dầu. Một cụ già trạc độ sáu bảy mươi tuổi đứng ở ngoài cửa. Trang Thiệu Quang đến vái chào và nói:
- Thưa cụ, chúng tôi đi đường không có chỗ trọ xin cụ cho ở nhờ đây một đêm, đến mai tôi xin trả tiền trọ.
Cụ già đáp:
- Ông khách! Đi đường có ai mang theo nhà đi đâu, ông muốn ở đây cũng không ngại gì. Nhưng nhà tôi chỉ có một gian. Hai vợ chồng tôi đều đã bảy mươi tuổi. Không may sáng nay nhà tôi vừa mất, không có tiền mua quan tài. Thi hài hiện còn ở trong nhà, ông nằm chỗ nào? Hơn nữa, ông lại có cả xe cộ không thể đưa vào nhà được.
- Không hề gì, tôi chỉ xin một khoảng đất để trải chiếu ngủ tạm một đêm, còn xe thì để ở ngoài cửa.
Cụ già nói: - Nếu vậy thì tôi và ông cùng ngủ một giường. - Tốt lắm!
Trang bước vào nhà thấy xác của người đàn bà đang nằm cứng đờ trong một góc phòng, cạnh cái giường đất Trang trải nệm ra bảo đầy tớ và người đánh xe cùng ngủ trong xe, nhường cụ già nằm ngủ ở phía trong, còn mình nằm ngủ ở phía ngoài. Đêm nằm cứ trằn trọc không sao ngủ được. Đến canh ba, thấy cái xác chết cựa quậy. Trang giật nẩy mình nhìn thấy hai tay nó giơ ra như muốn ngồi lên. Trang nói:
- Người kia sống lại rồi!
Và vội vàng đánh thức cụ già nhưng lay mãi vẫn không thấy cụ tỉnh dậy. Trang nghĩ bụng cụ già nhiều tuổi mà sao ngủ say quá như vậy. Bèn ngồi dậy nhìn kỹ thì ra cụ già không thở nữa và đã chết rồi!
Quay lại nhìn Trang thấy người đàn bà kia đã đứng dậy, hai chân đứng thẳng, cặp mắt trắng dã: thì ra, không phải là người đó sống lại, mà chính là xác chết đang đi! Trang hoảng hốt chạy ra cửa bảo người đánh xe đẩy xe chẹn cửa lại không cho cái xác kia đi ra. Trang một mình bồi hồi ở ngoài cửa, trong lòng bùi ngùi: “Trên đời, cái may cái rủi là do ”Động" mà ra. Nếu ta cứ ngồi ở nhà thì làm gì có chuyện này xảy ra để đến nỗi bị một mẻ sợ hết vía!". Nhưng rồi lại nghĩ: “Ở đời sống chết là việc thường. Cái đó chẳng qua vì ta lễ, nghĩa còn kém nên mới như vậy!”.
Bèn lấy lại tinh thần, ngồi ở trong xe cho đến khi trời sáng bạch. Bấy giờ, cái xác kia đã ngã. Trong gian phòng trở lại hai cái xác nằm lăn lóc. Trang rất lấy làm thương xót nói:
- Cặp vợ chồng già này thực là nghèo khổ vô cùng! Ta tuy chỉ ngủ ở đây một đêm nhưng nếu không chôn họ thì ai sẽ chôn? Bèn bảo người đầy tớ, người đánh xe đến một cái chợ, Trang đưa mấy chục lạng bạc để mua hai chiếc quan tài, thuê người khiêng về khâm liệm cho họ. Trang lại xuất tiền mua một miếng đất của nhà gần đấy và nhờ người mang đi chôn cất. Chôn cất xong, Trang mua đồ tế lễ và vàng giấy, làm một bài điếu văn vừa tế vừa khóc. Tất cả những người trong làng đều vây quanh lấy Trang, quỳ xuống lạy tạ ơn.
Trang rời Đài Nhi Trang, thuê một chiếc thuyền nhỏ, trong đó có thể tha hồ xem sách. Trong vài ngày đã đến Dương Châu. Trang ở đấy một ngày chờ sang thuyền về Nam Kinh. Sáng hôm sau, Trang vừa xuống thuyền thì thấy ở trên hai bờ có hai mươi cái kiệu dàn ra hai bên. Những người buôn muối ở Lưỡng Hoài đến đưa danh thiếp để được gặp mặt. Vì thuyền nhỏ, trước tiên Trang chỉ mời mười người xuống thuyền. Trong số này có mấy người bà con. Người thì gọi Trang bằng chú, người thì gọi bằng ông, người thì gọi bằng anh. Tất cả đều chào và ngồi xuống. Người ngồi thứ hai là Tiêu Bá Tuyền. Những người buôn muối nói:
- Hoàng thượng trọng dụng ông, ông không chịu làm quan, thật là một con người cao thượng!

Tiêu Bá Tuyền nói: - Ta đã biết ý của tiên sinh. Tiên sinh tự phụ tài năng của mình chỉ muốn ra làm quan bằng con đường chính, không cần nhà vua phải mời mình. Sau này tiên sinh nhất định sẽ đỗ trạng nguyên. Hoàng thượng nay đã biết tiếng tiên sinh rồi đây chắc chắn sẽ đứng đầu bảng.
Trang cười mà rằng:
- Việc nhà vua mời là một cái lễ lớn, sao lại nói không muốn? Còn việc đỗ trạng nguyên trong khoa thi sắp tới thì nhất định là ông, chứ tôi thì chỉ vui thú yên hà để nghe tin mừng của ông thôi.
Tiêu Bá Tuyền nói:
- Anh có định gặp các vị quan ở đây không?
- Tôi rất vội nên chỉ muốn đi ngay.
Nói xong cáo từ mười người kia. Lần thứ hai lại mười mấy người nữa xuống. Trang lấy làm bực mình. Sau đó quan coi muối đến, rồi các quan trong sở muối, quan tri phủ Giang Châu, tri huyện Giang Đô đều đến, càng làm cho Trang thêm nóng ruột. Sau khi tiễn các quan lên bờ, Trang liền bảo thuyền đi nhanh. Đến chiều, những người buôn muối góp nhau được sáu trăm lạng bạc đem xuống thuyền biếu Trang để làm tiền lộ phí thì thuyền Trang đã đi xa, theo không kịp nữa. Họ đành phải đem tiền trở về.
Thuyền xuôi gió thuận, chẳng bao lâu đến mỏm Yến Tử. Trang vui mừng nghĩ thầm “Hôm nay ta lại được thấy những cảnh đẹp trên sông Dương Tử rồi!”. Bèn thuê một chiếc thuyền nhỏ, mang hành lý đi đến cửa Hán Tây. Trang bảo người khiêng hành lý lên bờ. Còn mình đi bộ về nhà đến trước bàn thờ tổ tiên vái lạy rồi gặp mặt vợ.Trang cười nói:
- Ta nói nhiều lắm là ba tháng, ít thì hai tháng là trở về. Hôm nay như thế nào? Ta không nói dối đấy chứ?
Vợ cũng cười. Chiều hôm ấy, hai người uống rượu tẩy trần...
Sáng hôm sau Trang Thiệu Quang vừa mới dậy rửa mặt thì người đầy tớ đã vào báo:
- Có cụ Cao ở Lục Hợp đến thăm.
Trang ra tiếp. Vừa tiễn cụ Cao ra cửa xong thì quan bố chính đến, quan tri phủ Ứng Thiên đến, rồi tri huyện ở Thượng Nguyên, Giang Ninh, các vị thân sĩ ở địa phương cũng đến thăm. Trang cứ phải xỏ giày vào rồi cởi giày ra, trong lòng rất bực bội. Trang nói với vợ:
- Như thế này thì làm ăn ra thế nào nữa? Triều đình đã cho ta hồ Nguyên Vũ, tại sao ta lại ở đây, ở đây người ta cứ đến quấy rầy. Ta phải mau mau dọn đến hồ Nguyên Vũ mới được.

Công việc bàn định xong. Ngay đêm hôm ấy, Trang cùng vợ đáp thuyền đến hồ Nguyên Vũ ở. Hồ này rất rộng rãi. Rộng không kém Tây Hồ ở Hàng Châu mấy. Đứng trên thành ở phía bên trái hồ nhìn thấy chùa kê Minh. Trong hồ mỗi năm có thể có mấy ngàn đấu sen, củ sen, củ ấu. Có tất cả bảy mươi hai thuyền đánh cá, sáng nào cũng mang cá lên bán khắp các ngả trong thành Nam Kinh. Trong hồ có năm cái đảo lớn. Trên bốn cái đảo có phòng đọc sách. Cái đảo ở giữa có một vườn hoa rộng, có một ngôi nhà vài mươi gian do nhà vua cho Trang Thiệu Quang. Trong vườn có nhiều cây cổ thụ to vừa một người ôm, có mai, đào, mận, quế, chuối, cúc nở hoa suốt cả bốn mùa. Lại có một vườn trúc có mấy vạn cây. Nhà của Trang có những cửa sổ lớn nhìn ra bốn phía, non xanh nước biếc trong như cảnh tiên. Ở ngoài cửa buộc một chiếc thuyền. Muốn đi thăm hòn đảo nào thì phải xuống thuyền chèo đi. Nếu cất chiếc thuyền đi thì dù có cánh cũng không bay đến được. Trang Thiệu Quang từ đó sống trong vườn hoa. Một hôm, Trang cùng vợ dựa vào lan can ngắm nước cười mà rằng:
- Mình xem kìa, cảnh non xanh nước biếc của hồ này đều là của chúng ta cả! Ngày ngày chúng ta dạo chơi, chẳng bù với Đỗ Thiếu Khanh phải tay cầm hồ rượu, tay dắt vợ đi ngắm hoa ở núi Thanh Lương!
Lúc nào nhàn rỗi, Trang lại rót một chén rượu, bảo vợ ngồi bên cạnh đọc cho mình nghe quyển “Thi Thuyết” của Đỗ Thiếu Khanh. Đến chỗ nào thú vị Trang lại uống một chén rượu lớn rồi cả hai cùng cười vang. Trang sống ở hồ thật là nhởn nhơ vui thú.
Bỗng một hôm ở bên kia bờ có tiếng gọi đò. Người chèo thuyền vội vàng chèo sang. Trang thân hành ra đón, thấy người kia chính là Lư Tín Hầu. Trang mừng rỡ vô cùng nói:
- Từ khi xa nhau đến nay, tôi mong mỏi được gặp anh. Hôm nay anh làm sao mà đến được đấy?
- Hôm qua tôi đến nhà ông, hôm nay mới tới đây. Quả thật ông sống như một vị tiên! Lòng tôi xiết bao hâm mộ.
- Ở đây cách xa trần thế. Tuy chưa phải là đất Đào Nguyên nhưng cũng không khác mấy. Mong anh ở đây chơi với chúng tôi ít lâu kẻo lần sau sẽ bị lạc lối.
Trang sai đem rượu lên, hai người cùng uống mãi đến canh ba. Vừa lúc ấy, một người đầy tớ vội vàng chạy vào báo:
- Vương phủ ở Trung Sơn có sai mấy trăm người lính và đến một ngàn bó đuốc. Họ bắt tất cả bảy mươi hai chiếc thuyền đánh cá chở quân lính sang đây bao vây chặt lấy vườn hoa.
Trang hoảng sợ. Một người đầy tớ khác vào báo:
- Có vị tổng binh đang đợi ở ngoài nhà khách. Trang chạy ra. Vị tổng binh thấy Trang liền cúi đầu vái chào. Trang hỏi:
- Không biết trong gia đình tôi có việc gì?
- Việc này không liên quan gì đến gia đình ngài.
Vị tổng binh ghé vào tai Trang nói thầm:
- Vừa rồi có người báo rằng Lư Tín Hầu có giữ tập văn của Cao Thanh Khâu tức là những sách cấm. Ở Kinh người ta báo ông ta có võ nên phải đem quân đến bắt. Hôm nay, được tin ông ta ở trong phủ của ngài cho nên chúng tôi đến đây. Xin ngài đừng để lộ việc này kẻo ông ta trốn mất.
- Xin cụ cứ để mặc tôi. Ngày mai tôi sẽ bảo ông ta đem mình đến nộp. Nếu ông ta chạy trốn tôi xin chịu tội.
- Nếu ngài đã nói như vậy, tôi xin cáo từ.

Trang tiễn ra cửa, Tổng binh ra lệnh một tiếng, quân đều chèo thuyền sang bên kia hồ. Lư Tín Hầu nghe việc này nói:
- Tôi vốn không phải người hèn nhát, lẽ nào làm liên luỵ đến anh. Ngày mai tôi sẽ đem mình đến nộp.
Trang cười mà rằng:
- Anh hãy tạm đến đó ít ngày, chừng độ một tháng. Tôi cam đoan với anh thế nào anh cũng được thả ra, sống nhởn nhơ sung sướng.
Sau khi Lư Tín Hầu đem mình đến nộp cửa quan, Trang bí mật viết mười bức thư cho những vị quan to ở Kinh. Sau đấy có công văn ở bộ đưa ra bảo thả Lư Tín Hầu, trái lại hỏi tội người tố giác. Lư Tín Hầu tạ ơn Trang và ở lại vườn hoa. Hai ngày sau lại có người gọi đò sang. Trang ra tiếp. Đó là Trì Hành Sơn và Đỗ Thiếu Khanh. Trang reo lên:
- May quá! Đang muốn nói chuyện với anh thì anh lại đến!
Trang mời vào ngồi trong một cái đình ở giữa hồ. Trì Hành Sơn kể việc lễ nhạc mình đã xắp đặt ở đền Thái Bá. Trang giữ hai người lại uống rượu ăn cơm một ngày rồi đưa cho Trì Hành Sơn bản lễ nhạc định làm ở đền Thái Bá đã được sửa chữa lại để đem về.
Thời gian thấm thoắt, chẳng bao lâu là đến trung tuần tháng hai. Trì Hành Sơn hẹn Mã Thuần Thượng, Cừ Dật Phu, Quý Vi Tiên, Kim Đông Nhai cùng đến nhà Đỗ Thiếu Khanh ở bên bờ sông để bàn về việc tế tự ở đền Thái Bá. Mọi người nói:
- Bây giờ lấy ai là người chủ tế?
Trì Hành Sơn nói:
- Chúng ta tế một vị đại thánh nhân, vậy người chủ tế phải là học trò của thánh hiền thì mới xứng đáng. Bây giờ phải tìm một người như thế.
Mọi người nói:
- Chúng ta tìm ai?
Trì Hành Sơn giơ hai ngón tay nói đến tên người ấy.
Chỉ nhân phen này khiến cho:
Ngàn dòng, muôn phái, sông Hoàng Hà chính thực là nguồn;
Gõ khánh, khua chuông, ống Hoàng Chung cũng đều rập điệu.
Muốn biết người kia là ai hãy xem hồi sau phân giải.

-----------------------
(1) 1556.
(2) Một bài thơ đời Đường tả cảnh đi chầu vua buổi sớm. Ý nói trong khi sao mới lặn hoa đón gươm của các quan đeo, trong khi sương mù chưa khô thì lá liễu phất phơ trên hàng cờ quạt của nhà vua.
(3) Một quẻ ở trong kinh dịch, chữ “Độn” có nghĩa là trốn.
(4) Danh từ chung để chỉ chức quan cao như tể tướng.
(5) Đời Minh: tể tướng thường lấy ở trong những người đỗ tiến sĩ hàn lâm.

Hồi 36

Huyện Thường Thục kẻ chân nho giáng sinh
Đền Thái Bá bực danh hiền chủ tế


Ở huyện Thường Thục phủ Tô Châu, đất Ứng Thiên có một cái làng nhỏ, gọi là làng Lân Phất. Làng có độ hai trăm nhà đều làm nghề nông. Chỉ có một người họ Ngu trong thời Thành Hóa -22 có đi học đỗ tú tài đã ba mươi năm nay. Ông ta chỉ dạy học trò ở trong làng. Làng này cách thành phố mười lăm dặm. Ngoài lúc đi thi, Ngu tú tài không hề bước chân đến thành phố bao giờ. Ông ta thọ ngoại tám mươi tuổi. Người con thi hỏng, cũng sống bằng nghề dạy học. Lúc trung niên, vẫn chưa có con nối dõi. Hai vợ chồng đến điện Văn Xương đế quân để cầu tư. Ban đêm nằm mơ thấy Văn Xương tay cầm một tờ giấy đưa cho họ, trên có viết một câu ở Kinh Dịch “Quân tử dĩ quả hạnh dục đức” (Người quân tử nuôi dưỡng cái đức tốt bằng hạnh kiểm đứng đắn).
Sau đó, người vợ có mang, đủ mười tháng sinh được một đứa con trai. Người chồng đến tạ ơn và đặt tên cho con là Dục Đức, tự là Quả Hạnh, sau này là Ngu bác sĩ. Ngu Dục Đức lên ba tuổi mồ côi mẹ, người cha mang con theo đến nơi mình dạy học. Năm Dục Đức lên sáu, người cha bắt đầu dạy cho học. Năm Dục Đức lên mười thì người cha được mời dạy học ở một nhà cụ Kỳ trong làng. Thầy học và chủ nhà rất là tương đắc. Dạy học được bốn năm, cha của Dục Đức mắc bệnh mất. Lúc lâm chung có giao Dục Đức bấy giờ mười bốn tuổi cho cụ Kỳ. Cụ Kỳ nói:
- Con của ông không giống như con của người khác. Khi ông mất đi, tôi sẽ nuôi anh ấy để dạy con tôi học.
Cụ Kỳ liền viết ngay tên của mình là Kỳ Liên vào một cái danh thiếp, vào thư phòng cùng với đứa con lên chín tuổi lạy chào thầy học mới. Từ đấy Ngu Dục Đức dạy học ở nhà cụ Kỳ.
Huyện Thường Thục là một nơi có nhiều văn nhân nổi tiếng. Bấy giờ có một người là Vân Tình Xuyên nổi tiếng nhất trong thiên hạ về thơ, từ và cổ văn. Ngu Dục Đức mới mười bảy, mười tám tuổi thường theo Tình Xuyên học thơ văn. Cụ Kỳ nói:
- Ông Ngu, ông là học trò nghèo thì học thơ văn làm gì cho vô ích. Ông phải học cái gì để mà kiếm ăn chứ! Lúc nhỏ tôi có học địa lý, có học số tử vi. Tôi sẽ đem dạy lại ông để cho ông dùng khi nào cần.
Ngu Dục Đức ra sức học tập. Cụ Kỳ lại nói:
- Ông cũng nên mua mấy quyển sách thi cử để đọc. Sau này nếu thi đỗ, việc dạy học lại càng dễ.

Nghe lời cụ Kỳ, Ngu Dục Đức cũng lấy sách thi cử ra đọc. Năm hai mươi bốn tuổi, Ngu đi thi đỗ ở huyện. Năm sau, nhà họ Dương ở thôn Dương Gia cách đấy hai mươi dặm mời Ngu đến dạy, mỗi năm ba mươi lạng bạc. Đầu tháng giêng Ngu đến đó dạy học, đến tháng chạp lại trở về nhà cụ Kỳ ăn tết.
Được hai năm, cụ Kỳ nói:
- Cụ nhà ta khi còn sống đã tìm cho ông một đám ở thôn Hoàng. Nay nên cưới đi.
Ngu còn để dành được mười mấy lạng bạc tiền dạy học và mượn thêm mười mấy lạng tiền dạy học sang năm để cưới vợ. Cụ Kỳ cho hai vợ chồng ở nhờ nhà mình. Sau một tháng, Ngu lại đi dạy. Hai năm sau, Ngu dành dụm được hai, ba mươi lạng bạc, thuê một cái nhà bốn gian bên nhà cụ Kỳ để ở, và thuê một người đầy tớ nhỏ. Sau khi Ngu đã đi dạy, người đầy tớ mỗi buổi sáng đi ba dặm đường đến chợ để mua thức ăn, dầu, muối, rau đem về cho bà chủ. Sau khi sinh nở, vợ Ngu Dục Đức mắc bệnh, tiền dạy không đủ thuốc thang, mỗi ngày chỉ ăn ba bữa cháo trắng. Sau đó, sức khỏe dần dần bình phục. Năm ba mươi hai tuổi, Ngu
không có nơi nào mời dạy học nữa, người vợ nói:
- Năm nay làm gì đây?
- Không lo! Từ khi ta đi dạy học đến nay, mỗi năm chỉ được ba mươi lạng. Năm nào, tháng giêng họ chỉ trả hai mươi lạng thôi, thì trong lòng ta buồn rầu. Nhưng đến tháng tư, tháng năm, lại thêm mấy đứa học trò, thêm mấy bài văn để chữa có thêm mấy lạng bạc nữa để bù vào tức là đủ số. Năm nào họ trả thêm mấy lạng thì trong lòng ta vui mừng, nói “Tốt! Năm nay khá đấy”. Nhưng trong nhà lại có việc xảy ra phải tiêu nhẵn số tiền. Cho nên xét cho cùng cái gì cũng có tiền định, không cần lo làm gì.
Quả nhiên, qua một thời gian, cụ Kỳ đến nói:
- Ở làng xa có cụ Trịnh muốn mời ông đến để cất mả.
Ngu Dục Đức mang la bàn cố ý tìm một chỗ đất tốt. Chôn cất xong, họ Trịnh đem mười hai lạng bạc ra tạ ơn. Bấy giờ vào khoảng giữa tháng ba, Ngu gọi một chiếc thuyền để về nhà. Hai bên bờ nào hào, nào liễu, lại có gió thổi nhẹ nhàng, trong lòng Ngu rất khoan khoái. Đến một nơi vắng vẻ, thấy một chiếc thuyền đang đánh cá trên sông, Ngu nằm trong thuyền nhìn ra ngoài cửa bỗng thấy ở bên kia hồ có một người nhảy xuống sông tự tử. Ngu giật mình bảo người lái bơi thuyền đến cứu. Khi lôi lên, thì người kia áo quần ướt sũng. Cũng may bấy giờ tiết trời ấm áp. Ngu bảo cởi quần ướt ra, bảo người chèo thuyền lấy một bộ áo quần khô cho người kia thay rồi mời vào khoang thuyền hỏi tại sao lại liều thân vậy. Người kia nói:
- Con vốn làm nghề cày ruộng ở làng này. Con cày ruộng cho người ta, nhưng kiếm được bao nhiêu thì bị chủ ruộng lấy mất hết. Cha mẹ con mắc bệnh chết ở trong nhà, con không có tiền mua quan tài. Con nghĩ rằng làm người đến thế thì sống làm gì nữa không bằng chết đi còn hơn(1)
Ngu Dục Đức nói:
- Cái đó tỏ rằng ông là người con có hiếu, nhưng ông không nên nghĩ đến việc quyên sinh làm gì. Đây tôi có mười hai lạng bạc là của người ta cho tôi. Tôi không thể đưa cho ông hết vì tôi cần phải giữ một ít để sống vài tháng. Tôi xin đưa ông bốn lạng. Ông về nói với bà con thân thích trong làng giúp đỡ thêm. Như thế ông sẽ có thể chôn cất ông cụ được.
Ngu bèn cởi hành lý ra cân lấy bốn lạng bạc đưa cho người kia. Người kia nhận số tiền lạy tạ và nói:
- Ân nhân tên họ là gì?
- Tôi họ Ngu ở thôn Lân Phất. Chúng ta không nên nói chuyện ân đức làm gì. Anh mau mau lo liệu việc của anh đi.
Người kia cảm tạ rồi đi.
Ngu về nhà, nửa năm ấy, Ngu lại tìm được chỗ dạy học. Mùa đông, vợ Ngu sinh một đứa con trai. Để nhớ ơn cụ Kỳ đã giúp đỡ mình, Ngu đặt tên cho con là Cảm Kỳ (Cảm ơn đức của Kỳ). Ngu dạy học năm sáu năm nữa cho đến năm bốn mươi mốt tuổi. Năm ấy thi hương, cụ Kỳ tiễn Ngu lên đường và nói:
- Năm nay thế nào ông cũng đỗ cao.
- Tại sao bác biết?
- Bởi vì ông làm nhiều việc có âm đức.
- Thưa bác, nào tôi có làm được việc gì có âm đức đâu.
- Như việc ông thật lòng thật dạ tìm đất cho người ta. Tôi lại nghe đâu ông cứu người, giúp họ chôn cất cha họ như thế là có âm đức.

Ngu cười mà rằng:
- Âm đức là phải làm thế nào mà chỉ có người làm ơn biết mà thôi. Nay cụ đã biết việc đó rồi thì còn âm đức ở đâu nữa!
- Nhất định là có âm đức. Thế nào ông cũng đỗ.
Sau khi thi ở Nam Kinh về, Ngu mắc bệnh phong hàn không dậy được. Ngày treo bảng. Người báo tin đến làng; cụ Kỳ dẫn anh ta đến nhà nói:
- Ông Ngu, ông đỗ rồi!
Ngu đang ốm nghe tin, bàn với vợ đem cầm áo quần để lấy tiền nhờ cụ Kỳ tạ người báo tin. Mấy ngày sau, bệnh lành, Ngu lên Kinh, cung khai tam đại. Lúc trở về, bạn bè và chủ nhà đều đến mừng. Ngu thu xếp công việc để lên Kinh thi hội nhưng không đỗ tiến sĩ.
May mắn sao, ở Trường Thục có một ông quan họ Khang được bổ làm tuần vũ Sơn Đông. Khang hẹn Ngu đi Sơn Đông để làm việc ở nha môn của mình. Hai người đối đãi với nhau tương đắc lắm. Ở nha môn có người đồng sự họ Vưu tên là Tư, tự là Tư Thâm. Thấy Ngu Dục Đức là người văn chương và phẩm hạnh đều giỏi, Vưu liền xin làm học trò, cùng ở một phòng sớm tối học hỏi. Bấy giờ là lúc nhà vua cầu hiền. Khang tuần vũ nghĩ đến việc tiến cử một người. Vưu Tư Thâm nói:
- Nay theo phép lớn của triều đình, cứ như ý con thì cụ Khang tiến cử thầy là đúng nhất.
Ngu Dục Đức cười mà rằng:
- Tôi đâu xứng đáng để nhà vua mời ra. Cụ Khang muốn tiến cử ai thì tùy ý cụ. Nếu tôi lại đến nhờ cụ tiến cử thì còn đâu là phẩm hạnh nữa?
- Nếu thần không muốn làm quan thì đợi đến khi nào cụ Khang tiến cử lên hoàng đế, lúc ấy hoặc là thầy bệ kiến, hoặc là thầy không bệ kiến rồi thầy xin từ quan về nhà thì cũng tỏ là người cao thượng.
- Ông nói như thế là sai. Nếu tôi nhờ quan tuần vũ tiến cử tôi rồi thì được bệ kiến tôi lại từ quan xin về, thì không phải là thực tâm(2), không thực tâm trong việc cầu tiến cử, cũng như không thực tâm trong việc từ quan. Làm như thế để làm gì?
Ngu nói xong cười khanh khách. Ngu ở Sơn Đông hơn hai năm lại lên kinh thi hội, nhưng vẫn không đỗ. Ngu đi thuyền về Giang Nam dạy học như cũ.
Ba năm sau, Ngu Dục Đức năm mươi tuổi, nhờ một người họ Nghiêm vốn làm quản gia cho họ Dương cùng đi với mình lên kinh thi hội. Lần này Ngu đỗ tiến sĩ. Thi điện thí lại đỗ đệ nhị giáp. Triều đình định bổ vào hàn lâm. Trong số những người đỗ tiến sĩ cũng có những người năm mươi tuổi, những người sáu mươi tuổi. Nhưng lệ thường khi đi thi ai cũng đều bớt tuổi cả. Chỉ có một mình Ngu là viết đúng tuổi mà thôi. Nhà vua nhìn thấy danh sách bèn nói:
- Ngu Dục Đức tuổi đã già vậy cho ông ta làm một chức quan rảnh.
Cho nên Ngu Dục Đức được bổ làm bác sĩ trường Quốc Tử Giám ở Nam Kinh, Ngu mừng rỡ nói:
- Nam Kinh là nơi phong cảnh đẹp, nước non thanh tú, lại gần nhà. Lần này đến đấy ta đem vợ con cùng đi. Như thế còn hơn làm một anh hàn lâm xác.
Ngu bèn từ biệt các quan chấm thi và các bạn đồng hương của mình. Một người bạn họ Vương làm hàn lâm viện thị độc dặn:
- Trong trường Quốc Tử Giám ở Nam Kinh có một người tên là Vũ Thư tự là Chính Tự, là một người con rất có hiếu với mẹ và rất tài hoa. Ông đến đó nên chiếu cố anh ta một chút.

Ngu nghe lời, thu xếp hành lý đến Nam Kinh nhậm chức, sai người đến huyện Thường thục đưa gia quyến mình lên. Bấy giờ, cậu con trai là Ngu Cảm Kỳ đã mười tám tuổi cũng theo mẹ lên Nam Kinh. Sau khi đến thăm cụ Lý làm Tế tửu trường Quốc Tử Giám, Ngu bước vào công đường, học trò trường giám đều kéo nhau đến chào. Nhìn trong số danh thiếp thấy có đề tên Vũ Thư, Ngu hỏi:
- Ở đây ai là Vũ Thư?
Trong đám học trò, có một người thấp bé bước ra nói:
- Thưa con là Vũ Thư!
- Ở kinh tôi có được nghe nói anh là một người con có hiếu lại rất có tài.
Ngu cúi chào Vũ Thư và mời tất cả mọi người ngồi. Ngồi xong Vũ Thư nói:
- Tài văn chương của thầy sáng ngời như sao bắc đẩu. Chúng con hôm nay may mắn được học khác nào trời hạn được mưa.
Ngu bác sĩ nói:
- Tôi lần đầu tiên đến đây, mọi việc mong được chỉ giáo. Anh ở trường Giám mấy năm rồi?
Vũ Thư nói:
- Không dám giấu gì thầy, con mồ côi cha từ khi còn nhỏ, cứ lo ở làng phụng dưỡng mẫu thân. Vì cô độc một mình, không có anh em bà con, con phải lo liệu tất cả việc ăn mặc. Vì thế lúc mẹ con còn sống, con không có thì giờ học hành và đi thi. Không may mẹ con mất đi, tất cả mọi việc chôn cất đều nhờ ông Đỗ Thiếu Khanh ở Thiên Trường giúp đỡ hết. Con có học làm thơ với ông Đỗ Thiếu Khanh.
Ngu bác sĩ nói: - Trước đây tôi có được xem một tập thơ của ông Đỗ Thiếu Khanh ở trên bàn nhà ông Vưu Tư Thâm. Quả thực là một bậc kỳ tài! Ông Thiếu Khanh có ở đây không?
- Ông ta ở cái nhà bên bờ sông gần cầu Lợi Thiệp. - Lại còn một vị nữa là ông Trang Thiệu Quang được nhà vua cho hồ Nguyên Vũ. Ông ta có ở trong hồ không?
Vũ Thư nói:
- Ông ta hiện nay ở hồ Nguyên Vũ rất kén chọn trong việc tiếp khách.
Ngu bác sĩ nói:
- Ngày mai tôi sẽ đến thăm ông ta.
Vũ Thư nói:
- Con thật không biết viết văn bát cổ cho nên mấy lâu nay vẫn cứ nghèo khổ, không biết làm thế nào. Đi dạy học cũng không ai mượn. Sau đó con đành phải mua mấy quyển sách để học rồi cũng làm được vài bài. Nhờ vậy đi thi cũng đỗ, được vào trường. Các vị thầy ở đây không hiểu tại sao cho con đỗ đầu, có học bổng. Văn chương của con thực không hay nhưng thi lần nào cũng đỗ đầu. Lần trước đây có một vị tôn sư cho thi học sinh tất cả tám nơi, con cũng đỗ đầu, vì vậy con mới được vào trường này. Tuy vậy, con vẫn thấy văn chương của con còn kém lắm.
Ngu bác sĩ nói:
- Tôi cũng không chịu khó làm văn bát cổ. Vũ Thư nói:
- Vì vậy hôm nay con không đem văn bát cổ đến để thầy xem. Khi nào chép xong những bài thơ phú thường ngày vẫn làm cùng với quyển giải thích về cổ văn và những bài tản văn khác, con sẽ đem đến để nhờ thầy chỉ giáo.
- Như vậy đủ thấy ông lắm tài khiến cho người ta kính phục. Nếu có thơ phú và cổ văn lại càng tốt, tôi sẽ xem cẩn thận. À bà cụ nhà ta đã được sắc phong chưa?
- Mẹ con đáng lý được sắc phong rồi nhưng nhà con nghèo quá không sao có tiền đưa đến nha môn để lo liệu việc ấy. Cho nên cứ đành phải để chậm mãi đến ngày nay. Cái đó thực là lỗi ở con.

Ngu bác sĩ nói:
- Việc đó trì hoãn sao được?
Bèn bảo người lấy nghiên bút ra, và nói với Vũ Thư:
- Anh hãy viết một tờ khai kỹ càng về việc ấy.
Sau đó gọi người thư lại đến và dặn:
- Anh phải làm ngay một tờ trình về tiết hạnh và lòng hiếu của bà cụ ông Vũ để căn cứ vào đó làm một báo cáo tường tận, còn việc tiền nong cứ mặc tôi lo liệu.
Người thư lại vâng dạ rồi đi ra. Vũ Thư cúi đầu lạy tạ. những người khác cũng thay mặt Vũ Thư lạy tạ rồi từ biệt đi ra. Ngu tiễn họ ra cửa mới trở vào.
Hôm sau, Ngu đến hồ Nguyên Vũ thăm Trang Thiệu Quang nhưng không gặp được. Ngu lại đến thăm Đỗ Thiếu Khanh ở cái nhà bên bờ sông. Đỗ thân hành ra tiếp. Ngu kể lại rằng ông nội mình là học trò Đỗ trạng nguyên tức cố của Đỗ Thiếu Khanh, Đỗ bèn gọi Ngu bằng chú. Hai người kể lại chuyện cũ. Ngu nhắc đến việc mình đi thăm Trang Thiệu Quang nhưng vô duyên không được gặp mặt. Thiếu Khanh nói:
- Ông ta không biết chú là ai! Để cháu đến nhà nói với ông ta.
Hôm sau Thiếu Khanh đến hồ Nguyên Vũ gặp Trang Thiệu Quang. Thiếu Khanh hỏi:
- Hôm qua Ngu bác sĩ đến thăm anh tại sao lại không tiếp?
- Tôi đã đoạn tuyệt với những người áo mũ rồi. Ông ta tuy là quan nhỏ, tôi cũng không muốn gặp.
- Ông ta khác hẳn những người khác. Không những ông ta không có vẻ con người bác học, lại không có vẻ của một anh tiến sĩ. Lòng ông ta cao thượng và trong sạch, có thể so sánh với Bá Di, Liễu Hạ Huệ, Đào Uyên Minh(3) Khi nào anh gặp sẽ thấy.
Trang Thiệu Quang nghe vậy bèn đến nhà thăm. Hai người mới gặp nhau đã xem nhau như bạn cũ. Ngu kính phục Trang là người điềm đạm, Trang kính phục Ngu là người nho nhã. Họ kết nghĩa làm bạn sống chết với nhau.
Nửa năm sau, Ngu cưới vợ cho con mình. Người con lấy cháu gái cụ Kỳ. Người con cụ Kỳ trước kia là học trò của Ngu, sau thành thông gia. Nhờ vậy, Ngu đã đền ơn cụ Kỳ đối với mình. Cụ Kỳ đưa cháu gái đến nhà Ngu bác sĩ để làm lễ cưới, đồng thời có một người a hoàn đi theo. Từ đó về sau, vợ của Ngu mới có một người đầy tớ gái để sai vặt.
Việc cưới vừa xong, Ngu lại đem người a hoàn gả cho con trai của người quản gia họ Nghiêm. Người quản gia đem mười lạng bạc đến làm tiền chuộc a hoàn. Ngu nói:
- Ông còn phải lo chăn màn giường chiếu chứ! Mười lạng bạc này là của ông. Ông cứ đem tiền về mà sắm sửa.
Người quản gia rập đầu lạy tạ đi ra.
Thấm thoát đến tháng hai, mùa xuân đã đến. Những cây hồng mai năm ngoái do tay Ngu bác sĩ trồng khi đến nhậm chức, nay đã nở hoa. Ngu bác sĩ mừng rỡ bảo người nhà sửa soạn tiệc rượu mời Đỗ Thiếu Khanh ngồi dưới gốc mai nói chuyện. Ngu nói:
- Anh Thiếu Khanh! Mùa xuân đã đến rồi! Không biết dọc bờ sông mấy mươi dặm hoa mai nở như thế nào rồi! Lúc nào tôi với anh mang theo rượu dắt nhau đi xem đi!
- Cháu cũng nghĩ như vậy. Phải hẹn với anh Trang Thiệu Quang cùng đi chơi suốt một ngày mới được!
Đang nói chuyện thì có hai người khách bước vào. Cả hai đều ở trước cửa trường Quốc Tử Giám và mấy năm nay vẫn học ở đấy, một người là Chư Tín, một người là Y Chiêu. Thấy hai người vào, Ngu bác sĩ vái chào và cùng ngồi. Hai người không dám ngồi trước Đỗ Thiếu Khanh. Rượu đem lên, họ bắt đầu uống. Chư Tín nói:
- Vào ngày đầu xuân, thầy cũng nên ăn mừng ngày sinh nhật. Lễ vật thầy nhận được có thể dùng hết cả mùa xuân.
Y Chiêu nói:
- Chúng con muốn thưa với thầy chúng con sẽ viết giấy để thông báo cho tất cả học trò.
Ngu bác sĩ nói: - Tôi sinh vào tháng tám, làm bây giờ để làm gì? Y Chiêu nói:
- Cái đó không ngại. Tháng hai làm, tháng tám lại làm nữa.
- Sao lại làm thế? Làm thế người ta cười cho! Xin mời hai ông uống rượu.

Thiếu Khanh cũng cười, Ngu bác sĩ nói:
- Anh Thiếu Khanh! Tôi có một việc muốn bàn với anh. Hôm trước đây trong phủ Trung Sơn Vương có một người liệt nữ, người ta nhờ tôi làm một bài văn bia, họ đưa cho tôi tám mươi lạng bạc hiện nay còn ở đây. Tôi nhờ anh làm hộ việc đó và cầm giúp số tiền này để dùng vào việc mua rượu, xem hoa.
- Chú cứ viết văn bia cũng được chứ sao? Chú sai cháu làm việc ấy để làm gì?
Ngu cười mà rằng:
- Tài của tôi làm sao bằng được tài của anh? Anh cứ làm đi.
Bèn lấy trong ống tay áo ra một tờ giấy có ghi sơ lược tất cả đời của người liệt nữ. Ngu đưa tờ giấy cho Đỗ rồi bảo người nhà mang hai gói bạc đến nhà Đỗ. Người nhà mang bạc đi. Lại có người vào báo:
- Ông Thang đã đến!
Ngu bác sĩ nói:
- Mời ông ta vào đây!
Ngu nói với những người khách:
- Ông Thang là cháu tôi, gọi tôi bằng cậu. Lúc tôi lên Nam Kinh tôi để nhà lại cho ông ta ở, vì vậy ông ta đến đây thăm tôi.
Đang nói chuyện thì Thang bước vào chào rồi ngồi xuống. Sau mấy câu chuyện suông, Thang nói:
- Thưa cậu, nửa năm nay vì thiếu tiền nên cháu đã bán nhà của cậu rồi.
- Cái đó không có gì lạ. Năm nay anh không có cách gì sinh sống, trong nhà lại phải ăn tiêu thì có cái gì mà chẳng bán. Nhưng đường sá xa xôi như thế mà anh đến mãi đây nói với tôi để làm gì.
- Thưa cậu! Sau khi bán nhà rồi cháu không biết ở vào đâu cho nên cháu đến đây thưa với cậu mượn cậu ít tiền thuê mấy gian nhà ở.
Ngu gật đầu: - Được! Bán đi rồi thì vào ở đâu! May quá hiện nay ta có ba bốn mươi lạng bạc đây, anh cầm lấy để ngày mai thuê một cái nhà mà ở.
Thang không nói gì nữa. Bữa tiệc xong, Thiếu Khanh từ biệt ra về. Hai người khách còn ở lai. Ngu bác sĩ ngồi tiếp. Y Chiêu hỏi:
- Thầy và ông Đỗ Thiếu Khanh quen nhau như thế nào?
- Ông ta là bạn cũ của tôi. Thực là một người tài hoa!
Y Chiêu nói:
- Theo ý con, con không nghĩ thế. Ở Nam Kinh người ta đều biết ông ta trước kia giàu có, bây giờ sa xút. Ông chỉ chuyên lừa người khác để lấy tiền chứ không có phẩm hạnh gì hết.
- Anh bảo ông ta không có phẩm hạnh như thế nào?
- Ông ta cứ đem vợ ra ngoài quán uống rượu, ai cũng chê cười.
- Cái đó chỉ tỏ rằng ông ta là người nho nhã phong lưu. Những người tục khách biết sao được!

Chư tín nói:
- Nói như vậy cũng đúng, nhưng lần sau thầy có thơ văn gì viết mà có tiền thì đừng giao cho ông ta. Ông ta không phải là người thi cử, vậy khó lòng viết được cái gì hay, sợ làm mất danh tiếng của thầy. Ở trường Giám có bao nhiêu người học sinh đã thi đỗ. Thầy bảo làm, chúng con sẽ làm, đã hay lại không mất tiền.
Ngu bác sĩ nghiêm nét mặt nói:
- Nói như vậy không được! Tài danh của ông Đỗ mọi người đều biết, văn thơ ông ta ai mà không phục. Mỗi khi tôi nhờ ông ta viết một cái gì, ông ta chỉ làm cho tôi thêm nổi tiếng. Vả chăng, người ta đưa cho tôi một trăm lạng bạc nhưng tôi còn giữ lại hai mươi lạng để cho người cháu của tôi kia mà(4)
Hai người kia không biết ăn nói như thế nào bèn xin cáo từ ra về.
Hôm sau, Phủ Ứng Thiên đưa một anh giám sinh đến giao cho Ngu bác sĩ để trừng trị vì phạm tội đánh bạc. Sai nhân để anh ta ngồi trong nhà người giữ cổng rồi vào báo với Ngu bác sĩ.
- Thưa ngài! Nên khóa anh ta ở đâu?
- Hãy mời anh ta vào đây!
Anh giám sinh này họ Đoan người ở nhà quê lên. Anh ta bước vào, nước mắt đầm đìa vội vàng quỳ xuống đất kêu oan. Ngu bác sĩ nói:
- Ta biết cả rồi.
Ngu bèn giữ y ở lại thư phòng, ngày ngày cùng ăn cơm uống rượu, lại đem chăn đệm của mình trải cho y ngủ. Hôm sau Ngu đến nha môn quan phủ doãn minh oan cho anh ta rồi tha cho về.
Anh giám sinh cúi đầu lạy tạ nói:
- Dù tan xương nát thịt con cũng không làm sao báo đáp được ơn thầy.
- Đó là việc thường! Anh oan uổng thì tôi phải minh oan cho anh chứ có gì đâu!
- Minh oan cố nhiên là ơn của thầy. Lúc đầu bị đưa đến đây trong lòng con phân vân không hiểu thầy sẽ xử trí với con như thế nào, người sai nhân sẽ đòi con bao nhiêu tiền hay con sẽ bị giam vào nơi nào. Không ngờ thầy lại đối đãi với con như đối với một người khách quý! Không những con không bị xử phạt gì hết, trái lại con lại được sống hai ngày sung sướng nhất trong đời. Cái ơn sâu ấy con trả bao giờ cho hết!
- Anh đã bỏ phí mất bao nhiêu ngày trời vào cái việc này rồi. Thôi mau mau về nhà đừng nói dông dài làm gì nữa.
Người giám sinh từ biệt ra về.
Vài hôm sau, người giữ cửa đưa vào một tờ danh thiếp lớn màu đỏ ở trên viết: Trì Hành Sơn, Mã Thuần Thượng, Quý Vi Tiêu, Cừ Dật Phu, Vũ Thư, Dư Hòa Thanh và Đỗ Thiếu Khanh cùng đến chào.
Ngu hỏi:
- Họ đến đây có việc gì?
Bèn vội vàng chạy ra tiếp.
Chỉ nhân phen này khiến cho:
Đền Tiên Thánh được xem đại lễ, một việc vinh quang
Quốc Tử Giám làm chủ tư văn, mọi người kính phục
Muốn biết những người này đến đây có việc gì hãy xem hồi sau phân giải.

-------------------
(1) Ngô Kính Tử hay nói đến sinh hoạt hiện thực của dân nghèo như chuyện hai vợ chồng cụ già ở hồi thứ ba mươi lăm; chuyện người nông dân đi tự tử ở hồi thứ ba mươi sáu.
(2) Đặc tính căn bản của Ngu là sự thành thực.
(3) Bá Di, người cuối đời nhà Thương, không chịu theo nhà Chu, lên núi Thú Dương ở ẩn rồi chết đói. Liễu Hạ Huệ người nước Lỗ thời Xuân Thu làm quan ngay thẳng bị cách chức ba lần vẫn vui vẻ. Đào Uyên Minh; người đời Tấn, từ quan về lấy thơ; rượu làm vui, một thi gia nổi tiếng của Trung Quốc.
(4) Cách tả sự chân thật của Ngu thật là đặc sắc.

 

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 171
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com