watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
14:30:3818/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Nho Lâm Ngoại Sử 26 - 50 - Trang 13
Chỉ mục bài viết
Nho Lâm Ngoại Sử 26 - 50
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Trang 14
Tất cả các trang
Trang 13 trong tổng số 14

Hồi 48
Phủ Huy Châu liệt phu chết theo chồng
Đền Thái Bá hiền xưa ghi việc cũ

Dư Hữu Đạt dạy học ở nhà Ngu Lương, theo thường lệ cứ sáng đi chiều về. Hôm ấy Hữu Đạt dậy sớm, rửa mặt xong, uống trà định sang lớp học. Nhưng vừa ra đến cửa thì thấy ba người cưỡi ngựa đến. Tất cả xuống ngựa chào mừng Dư Hữu Đạt, Hữu Đạt hỏi:
- Có việc gì mà chúc mừng thế?
Những người báo tin đưa ra một tờ giấy báo rằng Dư Hữu Đạt đã được bổ làm huấn đạo ở Huy Châu, Dư rất mừng rỡ, mời họ ăn cơm, uống rượu rồi cho tiền để họ về. Sau đó, Ngu Lương và bà con, bạn bè cũng đến mừng. Dư Hữu Đạt lo bận việc tiếp khách mất mấy ngày, rồi thu xếp để đến An Ninh lính bằng. Lĩnh bằng xong, Hữu Đạt đem gia đình đến nơi làm việc. Hữu Đạt mời Hữu Trọng cùng đi với mình. Hữu Trọng nói:
- Lương anh chẳng bao nhiêu. Khi anh đến đấy sợ không đủ chi dùng. Em ở nhà thôi.
Hữu Đạt nói:
- Hai anh em ta gặp được nhau ngày nào là quí ngày ấy. Trước đây, hai ta đều phải đi dạy học các nơi, có khi hàng năm không gặp mặt nhau. Nay chúng ta đã già rồi, chỉ mong anh em được sống với nhau cho lâu dài chứ việc no hay đói thì ta sẽ bàn sau. Làm quan lẽ nào chẳng hơn dạy học ở nhà riêng sao! Em cứ đi với anh.
Dư Hữu Trọng bằng lòng thu xếp hành lý, cùng đến Huy Châu. Vì Hữu Đạt là một nhà văn rất nổi tiếng, mọi người ở Huy Châu đều biết, cho nên ông đến đấy làm quan, nhân dân Huy Châu nghe tin đều mừng rỡ. Sau khi đến nhậm chức, mọi người thấy Hữu Đạt tính tình rộng rãi, ăn nói tỏ thông suốt, cho nên những người tú tài nào chưa đến gặp cũng đều muốn đến. Họ đều thấy mình được một vì thầy sáng suốt. Đến lúc nói chuyện với Hữu Trọng thấy lời nói nào của Hữu Trọng cũng là lời của con người có học vấn, mọi người lại càng thêm kính trọng. Ngày nào cũng có mấy người tú tài đến thăm. Hôm ấy, Hữu Đạt đang ngồi ngoài nhà sảnh bỗng thấy ở bên ngoài có một người tú tài bước vào. Y đầu đội mũ vuông, mình mặc áo màu lam, da mặt đen sạm, râu lốm đốm bạc, tuổi trạc sáu mươi. Người này cầm trên tay một tờ danh thiếp đưa cho Hữu Đạt. Hữu Đạt xem tờ danh thiếp đề: “Học trò là Vương Uẩn”. Sau khi đưa danh thiếp, Vương vái chào. Hữu Đạt đáp lễ và hỏi:
- Có phải tên tự của ông là Ngọc Huy phải không?
- Vâng chính tôi.
- Anh Ngọc Huy! Tôi mong anh đã hai mươi năm nay, ngày nay mới được gặp mặt. Chúng ta chỉ nên xem nhau là anh em, không cần phải theo lệ tục làm gì.
Hữu Đạt mời Vương vào thư phòng sai đầy tớ mời Hữu Trọng ra. Hữu Trọng ra gặp Vương Ngọc Huy. Cả hai đều nói mình mấy lâu khao khát nay mới được gặp nhau. Sau đó, cả ba ngồi xuống. Vương ngọc Huy nói:
- Con là tú tài ở trường này đã ba mươi năm nay. Con vốn là một con người ngông cuồng, mấy năm trước đối với thầy học chẳng qua chỉ gặp qua một lần ở công đường mà thôi, nhưng nay được tin thầy và chú ở đây là hai người nổi tiếng, con sẽ xin đến luôn để được thầy và chú dạy bảo. Mong thầy không xem con như mọi người môn sinh khác mà xem con như đứa học trò mới học.
Hữu Đạt nói:
- Sao anh nói như vậy? Chúng ta là bạn bè từ lâu.
Hữu Trọng nói:
- Trước đây tôi có nghe nói ông gia thế thanh bần. Độ này ông có dạy học ở nhà không. Mấy lâu nay ông làm nghề gì để sống?
- Chẳng giấu gì chú, sính bình tôi, có một chí hướng. Tôi muốn viết ba bộ sách để giúp đời.
Hữu Đạt hỏi:
- Ba bộ sách gì vậy?
- Một bộ sách về lễ, một bộ sách về văn tự, một bộ sách về hương ước.
Hữu Trọng hỏi:
- Bộ sách về lễ nói gì?
- Bộ sách về lễ nói đến ba thứ lễ lớn như nói về lễ với cha mẹ, lễ với người lớn, bậc huynh trưởng chẳng hạn. Những chữ lấy trong kinh ra thì viết lớn ở dưới có chú thích thêm lời bàn của các nhà và lấy những việc trong sử để dẫn chứng. Như vậy học sinh từ bé có thể học tập được.
Hữu Đạt nói:
- Một bộ sách như vậy cần phải được bộ học cho lưu hành khắp thiên hạ. Còn bộ sách về văn tự nói gì?
- Bộ này con làm mất bảy năm. Nay đã xong, con sẽ đưa lên để thầy xem.

Hữu Đạt nói:
- Việc học về văn tự mấy lâu nay người ta đã bỏ. Nay có quyển sách này thực là công lao không phải nhỏ. Còn quyển về hương ước thì nói gì?
- Quyền hương ước chẳng qua là ghi thêm những lễ nghi để dạy cho nhân dân.
Ba bộ sách này làm cho con bận rộn suốt ngày cho nên không có thì giờ dạy học.
Hữu Đạt hỏi:
- Ông có mấy người con trai?
- Con chỉ có một cháu trai, bốn cháu gái! Cháu gái đầu góa chồng ở nhà. Mấy cháu gái nhỏ cũng vừa lấy chồng một năm nay.
Dư Hữu Đạt giữ Vương ở lại ăn cơm, trả lại Vương tờ danh thiếp, mà rằng:
- Hai anh em tôi mời ông thỉnh thoảng đến chơi, xin ông đừng nề hà gì cái cảnh cơm rau của chúng tôi.
Sau đó, hai người tiễn Vương ra cửa. Vương bước thủng thỉnh về nhà. Nhà ở cách thành phố đến mười lăm dặm.
Vương Ngọc Huy trở về nhà nói với vợ và con về việc Dư huấn đạo đối đãi mình tốt như thế nào. Hôm sau, Dư Hữu Đạt đi kiệu xuống làng thăm và ngồi trong gian nhà tranh nói chuyện. Một lát rồi về. Hôm sau nữa, Dư Hữu Trọng lại thân hành đến mang theo một người đầy tớ quảy một đấu gạo. Hữu Trọng bước vào chào Vương Ngọc Huy, hai người cùng ngồi. Hữu Trọng nói:
- Đấu gạo này là bổng lộc của anh tôi.
Và lấy trong tay áo ra một gói bạc nói:
- Đây là một lạng bạc tiền lương của anh tôi, chúng tôi đưa đến cho ông mong để góp phần vào việc củi nước vài ngày.
Vương Ngọc Huy nhận lấy bạc và nói:
- Tôi không có chút gì kính biếu thầy và chú nay lại được thầy săn sóc đến thật là quá đáng.
Hữu Trọng cười mà rằng:
- Nói làm gì cái việc ấy! Lương huấn đạo vốn chẳng bao nhiêu, anh tôi lại mới đến nhậm chức. Ngu bác sĩ ở Nam Kinh vẫn thường biếu những người danh sĩ hàng chục lạng bạc. Anh tôi cũng muốn bắt chước ông ta.
- Đây là vật tặng của bậc trưởng giả, tôi dám đâu không nhận, vậy xin bái lĩnh.
Ngọc Huy giữ Hữu Trọng ở lại ăn cơm rồi đưa ra bản thảo của cả ba quyển sách cho Hữu Trọng xem, Hữu Trọng xem rất kỹ, trong lòng khôn xiết thán phục.
Hữu Trọng ngồi mãi đến chiều, chợt thấy một người vào bảo với Ngọc Huy:
- Thưa ông, anh ấy ở nhà bệnh rất nặng, chỉ bảo tôi đến mời ông về thăm. Xin mời ông đi gấp cho.
Vương Ngọc Huy bảo Dư Hữu Trọng:
- Đó là người nhà của đứa con gái thứ ba của tôi. Vì thằng con rể của tôi mắc bệnh cho nên nó bảo tôi về thăm.
Hữu Trọng nói:
- Như vậy tôi cũng xin từ biệt. Tôi xin đem bản thảo của ông về cho anh tôi xem. Xem xong tôi sẽ trả lại.
Nói xong Hữu Trọng ra về. Người đầy tớ đã ăn xong bữa cơm cùng bỏ mấy quyển sách vào cái thúng không gánh về thành.
Vương đi được hai mươi dặm đến nhà con rể. Quả nhiên thấy con rể mắc bệnh rất nặng. Thầy thuốc ở ngay đấy nhưng cũng vô hiệu. Sau mấy hôm người con rể qua đời. Vương Ngọc Huy khóc rống. Con gái của Ngọc Huy kêu trời gào đất thảm thiết đợi đến khi khâm liệm chồng xong mới ra lạy cha mẹ chồng và cha mình rồi nói:
- Thưa cha, chị cả của con đã góa chồng, ở nhà bắt cha mẹ phải nuôi. Ngày nay đến lượt chồng con cũng mất. Có lẽ nào con lại bắt cha mẹ nuôi nữa. Nghèo như cha nuôi làm sao được bấy nhiêu đứa con gái!
Vương Ngọc Huy nói:
- Bây giờ con định làm gì?
- Nay con muốn xin từ biệt cha mẹ chồng, từ biệt cha và xin xuống suối vàng với chồng con.
Cha mẹ chồng của nàng nghe vậy kinh hoảng, nước mắt như mưa và nói:
- Con ơi! Con điên rồi sao? Từ xưa đến nay con sâu con kiến còn tham sống kia mà! Tại sao con ăn nói như vậy? Con sống là người nhà của ta, chết là ma của gia đình ta. Ta sẽ nuối nấng con, không cần đến cha mẹ đẻ con đâu. Con không nên nghĩ như vậy!
Người con gái nói:
- Cha mẹ nay đã già rồi. Con làm dâu không hiếu thuận với cha mẹ lại làm cho cha mẹ phải lo lắng về con, như thế lòng con thật không yên. Cha mẹ cứ để con làm theo ý của con. Vài hôm nữa thì con chết, xin cha về nhà nói với mẹ con, đến đây để con gặp mặt, từ biệt trước khi chết. Con tha thiết mong việc đó.
Vương Ngọc Huy nói:
- Tôi đã nghĩ kỹ việc đó rồi. Đứa con gái của tôi thiết tha muốn chết theo chồng, đó là ý muốn của con tôi. Ta cứ để cho nó làm theo ý nó. Từ xưa đã có câu: “Lòng đã muốn làm sao mà cản được”.
Bèn quay lại nói với con gái:
- Con ơi! Con đã muốn thì đó là một việc lưu danh sử sách. Cha ngăn cản con làm gì! Con đã biết điều hay lẽ phải. Cha sẽ về nhà nói với mẹ con đến đây để từ biệt con.
Bên cha mẹ chồng không chịu nghe, nhưng Vương Ngọc Huy vẫn cứ giữ ý của mình, bước một mạch về nhà, đem việc ấy nói với vợ. Bà vợ nói:
- Ông càng già lại càng điên rồi sao? Con gái ông muốn chết, ông không khuyên nó thôi đi lại giục nó chết. Như thế là nghĩa làm sao?
- Bà làm gì mà hiểu được những việc như thế!
Người vợ nghe vậy, nước mắt nước mũi ròng ròng vội vàng lên kiệu đến nhà con gái để khuyên bảo con. Trong lúc ấy Vương Ngọc Huy ở nhà vẫn cứ điềm nhiên xem sách như trước chờ đợi tin tức con gái. Bà mẹ đến khuyên bảo con, nhưng người con vẫn không lay chuyển. Mỗi ngày nàng chải đầu rửa mặt ngồi hầu cạnh mẹ chồng nhưng không hề húp qua một thìa cháo. Mẹ chồng và mẹ đẻ cố ra sức khuyên lơn. Mặc dầu trăm phương nghìn kế nàng vẫn không ăn. Nhịn được sáu ngày, yếu quá không dậy nổi. Bà mẹ đẻ đến nhìn thấy đau lòng xót ruột nên cũng mắc bệnh phải khiêng về nhà nằm. Ở nhà, được ba ngày, chừng canh hai, có mấy người cầm mấy bó đuốc đến nhà, gõ cửa báo tin.
- Cô ba nhịn đói đã tám ngày và đã mất vào trưa hôm qua.

Ba mẹ nghe vậy khóc ngất đi, phải múc nước tưới vào mắt mới tỉnh dậy. Tỉnh dậy lại khóc mãi không thôi. Vương Ngọc Huy đến trước giường nói:
- Bà mày thật là ngốc! Con bà nay đã thành tiên rồi. Bà khóc mà làm gì? Chết như thế là giỏi! Chỉ sợ sau này ta muốn chết cho có một đề tài hay như thế mà không chết được thôi!
Bèn ngẩng lên trời cười khanh khách:
- Chết như thế là giỏi! Chết như thế là giỏi!
Và cứ cười khanh khách bước từng bước dài ra khỏi phòng.
Hôm sau Dư Hữu Đạt biết tin, kinh ngạc khôn xiết. Bèn đem hương hoa, đồ tam sinh đến trước quan tài làm lễ. Làm lễ xong trở về nha môn, lập tức bảo người thư lại làm công văn xin cho nàng được sắc phong làm liệt nữ. Dư Hữu Trọng cũng giúp đỡ trong việc làm công văn gửi đi ngay đêm đó. Sau đó, Hữu Trọng cũng đem đồ lễ vật đến viếng. Học trò thấy thầy học của mình kính trọng người đàn bà mới mất như vậy nên cũng kéo nhau đến viếng không biết bao nhiêu mà kể. Hai tháng sau, quan trên chuẩn y cho phép đưa vào đền thờ. Ở ngoài cổng đền làm một cái cổng chào. Đến ngày đưa vào đền thờ, Dư Hữu Đạt mời tri huyện đưa người liệt nữ vào đền. Các quan thân trong huyện cũng đều mặc lễ phục rước vào đền thờ. Sau khi đã đưa bài vị vào đền thờ, tri huyện, các quan thân, Dư Hữu Đạt và bà con hai gia đình tất cả đều vào làm lễ. Lễ kéo dài một ngày. Người ta bày tiệc ở nhà Minh Luân và mời Vương Ngọc Huy vào, nói rằng Vương Ngọc Huy đẻ một người con gái quí như vậy làm nổi tiếng cho cả họ. Nhưng Vương Ngọc Huy bây giờ cảm thấy đau đớn từ chối không vào dự tiệc. Mọi người ở Minh Luân Đường uống rượu xong rồi về.
Hôm sau Vương Ngọc Huy đến trường học cảm tạ Dư Hữu Đạt. Dư Hữu Đạt và Dư Hữu Trọng tiếp và giữ lại ăn cơm. Vương Ngọc Huy nói:
- Ở nhà, tôi thấy nhà tôi luôn luôn khóc lóc, trong lòng không chịu được cho nên muốn đi chơi xa ít lâu. Tôi nghĩ rằng nơi đi chơi thích nhất là Nam Kinh. Ở đây có những nơi in sách rất lớn, tôi có thể in được ba bộ sách này.
Dư Hữu Đạt nói:
- Ông muốn đến Nam Kinh nhưng tiếc rằng Ngu bác sĩ đã đi rồi. Nếu Ngu bác sĩ còn ở Nam Kinh thì chỉ cần ông ta xem một lần và khen một tiếng là các hiệu in tranh nhau in.
Dư Hữu Trọng nói:
- Nếu ông đi Nam Kinh thì anh có thể viết một bức thư cho ông Thiếu Khanh là em họ, và ông Thiệu Quang. Lời nói của những người này rất có giá trị.

Hữu Đạt vui lòng viết mấy bức thư cho Trang Thiệu Quang, Đỗ Thiếu Kanh, Trì Hành Sơn, Vũ Thư.
Vương Ngọc Huy già nên không thể đi bộ, xuống thuyền đi từ Nghiêm Châu tới Tây Hồ. Trên đường nhìn phong cảnh nước non xinh đẹp lại chạnh nhớ đến con gái, Vương càng buồn rầu. Đến Tô Châu phải chuyển sang thuyền khác. Vương nghĩ bụng. Ta có một người bạn cũ ở núi Đặng Uý, ông ta rất thích sách của ta, nhân tiện ta cũng đến thăm một thể.
Vương bèn để hành lý trong một cái quán ở hồ Sơn Đường, rồi thuê thuyền đến núi Đặng Uý. Bây giờ trời còn sớm, đến chiều thuyền này mới bắt đầu đi. Vương Ngọc Huy hỏi chủ quán:
- Ở đây, nơi nào xinh đẹp có thể du ngoạn?
- Cách đây chỉ độ sáu bảy dặm là gò Hổ Khâu. Đó là một nơi rất xinh đẹp.
Vương khóa trái cửa rồi ra. Đường đi lúc đầu còn hẹp. Đi được độ hai ba dặm, đường dần dần rộng. Bên đường có một quán trà, Vương vào uống một chén trà rồi nhìn những chiếc thuyền đi qua. Có những chiếc thuyền rất lớn, cột kèo làm bằng gỗ, chạm trổ tinh vi. Ở trong người ta đốt hương, bày tiệc rượu, Vương đi thẳng đến gò Hổ Khâu. Hết những thuyền của các du khách đi qua, lại đến những chiếc thuyền không treo rèm, ở trong có những người đàn bà ăn mặc rất xinh đẹp, ngồi uống rượu. Vương nghĩ bụng:
- Phong tục ở Tô Châu đây không ra gì, đàn bà thì phải ở trong chốn buồng the, có lẽ nào lại chơi thuyền xuôi ngược trên dòng sông như thế này!
Nhìn một lát, lại thấy một người đàn bà trẻ làm Vương sực nhớ đến con gái mình. Lòng Vương nghẹn ngào nước mắt lã chã tuôi rơi. Vương Ngọc Huy lau nước mắt bước ra, đi thẳng đến gò Hổ Khâu. Trên đường chỉ thấy người bán đậu phụ, bán chiếu, bán đồ chơi, bán hoa bốn mùa rất là náo nhiệt. Cũng có những người bán rượu, bán đồ điểm tâm. Vì Vương đã già, đi không được nhanh nên phải đi thủng thỉnh mất một lúc mới đến cửa chùa Hổ Khâu. Bước lên mấy bực tam cấp rồi đi quanh thì đến cái bia “Thiên nhân bi” ở đấy người ta đã bày một bàn trà. Vương ngồi xuống uống một chén trà, nhìn quanh bốn phía, phong cảnh thực là hoa lệ. Bấy giờ sắc trời u ám, hình như sắp có trận mưa. Vương không dám ngồi lâu, đứng dậy bước ra cửa chùa. Đi được nửa đường cảm thấy đói, Vương vào quán ăn mấy cái bánh, mỗi cái sáu đồng tiền, trả tiền rồi đi ra, thủng thỉnh về quán trọ. Khi ấy trời đã tối sẫm, chủ thuyền giục Vương mang hành lý xuống thuyền. Cũng may mưa không to nên đêm ấy thuyền đi suốt đêm, đến núi Đặng Uý. Vương đến nhà người bạn thì thấy cái nhà lụp xụp, ngoài cổng có mấy cây liễu rủ, hai cánh cổng đóng kín, ở ngoài dán giấy trắng. Vương giật mình, vội vàng gõ cửa. Chỉ thấy người con của bạn mình mặc đồ tang đi ra cửa. Thấy Vương Ngọc Huy, y liền hỏi:
- Tại sao mãi đến bây giờ bác mới đến? Cha cháu ngày nào cũng mong gặp bác. Ngay đến lúc nằm trên giường bệnh hấp hối cha cháu còn muốn gặp bác một lần nữa, trong lòng cứ tiếc không sao được đọc hết sách của bác.
Vương Ngọc Huy nghe vậy biết rằng bạn mình đã qua đời, nước mắt rơi như mưa, nói:
- Cha cháu mất từ bao giờ.
- Chưa được bảy ngày.
- Quan tài có ở nhà không?
- Vẫn còn ở trong nhà.
- Cháu dẫn bác đến!
- Mời bác hãy rửa mặt uống trà rồi cháu xin đưa bác vào.

Y mời Vương Ngọc Huy vào nhà, múc nước cho Vương rửa mặt. Nhưng Vương không chịu uống trà cứ bảo người con đưa mình đến trước quan tài. Người con đưa vào gian giữa, quan tài còn để ở giữa nhà. Trước mặt là lư hương, đèn sáp, chân dung người chết, cờ phan. Vương Ngọc Huy khóc một hồi, sụp lạy bốn lạy. Người con đáp lễ. Vương uống trà xong, lại lấy một số phần tiền đi đường để mua hương, giấy mã, thịt tế, rồi đặt những quyển sách của mình trước linh cữu, khóc rống một hồi. Vương nghỉ lại một đêm hôm sau mới ra đi. Người con giữ lại không được. Vương lại đến trước quan tài của bạn để cáo từ, khóc lóc thảm thiết rồi gạt nước mắt xuống thuyền. Con của người bạn tiễn chân đến tận thuyền mới trở về.
Vương đến Tô Châu, sang thuyền khác đi thẳng một mạch đến cửa Thuỷ Tây, thành Nam Kinh, mới lên bờ. Bước vào thành, Vương vào trọ trong am Ngưu Công. Hôm sau Vương mang thư đến để tìm gặp các danh sĩ. Nhưng bây giờ Ngu bác sĩ đã được bổ đi Chiết Giang. Đỗ Thiếu Khanh cũng đi Chiết Giang thăm bạn. Trang Thiệu Quang trở về làng để sửa lại phần mộ tổ tiên, Trì Hành Sơn, Vũ Thư đều đi xa. Vương ngọc Huy không gặp được ai nhưng cũng không lấy làm buồn, hàng ngày vẫn ở am Ngưu Công đọc sách như thường. Hơn một tháng sau, số tiền đã hết, Vương đang dạo chơi trên đường rẽ vào ngõ hẹp thì gặp một người vái chào hỏi:
- Bác tại sao lại đến đây?
Vương nhìn ra, thì người kia là người đồng hương tên là Đặng Nghĩa Tự và Chất Phu. Cha của Đặng Chất Phu là bạn học với Vương. Đặng Chất Phu vào trường chính nhờ Vương Ngọc Huy làm bảo lĩnh, vì vậy Đặng Chất Phu gọi Vương ngọc Huy là bác. Vương Ngọc Huy nói:
- Đã lâu không gặp cháu. Hiện nay cháu ở đâu?
- Bác ở đâu?
- Bác ở am Ngưu Công trước mặt, cách đây không xa. - Cháu hãy đến nhà bác đã.
Đến nhà, Đặng Chất Phu vái chào và nói:
- Từ khi cháu xa bác, cháu ở Dương Châu được bốn năm năm. Gần đây ông chủ của cháu bảo cháu đến bán muối ở trên sông. Cháu trọ ở Triều Thiên Cung. Bấy lâu nay cháu cứ nhờ bác, bác có mạnh khỏe không? Bác đến Nam Kinh làm gì?
Vương ngọc Huy mời ngồi và nói: - Cháu có nhớ không? Trước đây mẹ cháu thủ tiết thờ chồng, nhà láng giềng bị cháy, mẹ cháu cầu trời khấn Phật, có cơn gió nổi lên thổi tắt ngọn lửa. Việc đó thiên hạ đều biết. Ngày nay người con gái thứ ba của bác cũng là một liệt nữ.
Vương kể lại câu chuyện con gái mình tuẫn tiết theo chồng. Và nói:
- Vì bác ở nhà thấy bác gái khóc lóc trong lòng không đành. Quan huấn đạo ở phủ là ông Dư Hữu Đạt có viết mấy bức thư cho bác để gặp mấy người bạn ở Nam Kinh. Không ngờ bác đến đây không được gặp ai.
- Họ là ai?
Vương Ngọc Huy kể lại đầu đuôi. Đặng Chất Phu thở dài mà rằng:
- Cháu cũng tiếc bác đến đây đã muộn. Trong thời gian Ngu bác sĩ ở Nam Kinh, ở đây có nhiều người danh sĩ nổi tiếng, mọi người đều biết đến việc tế ở đền Thái Bá. Từ khi Ngu bác sĩ đi rồi, các vị danh sĩ cũng tản đi bốn phương như mây trôi nước chảy. Năm ngoái cháu có được gặp ông Đỗ Thiếu Khanh và nhờ ông Đỗ Thiếu Khanh, cháu được gặp ông Trang Thiệu Quang ở hồ Nguyên Vũ. Nhưng nay, họ đều không có ở nhà. Bác ở đây không tiện, mời bác đến Triều Thiên Cung ở với cháu.
Vương Ngọc Huy nhận lời, từ biệt hòa thượng sai người mang hành lý, cùng Đặng Chất Phu đến ở tại Triều Thiên Cung. Buổi tối, Đặng Chất Phu dọn tiệc rượu kể lại câu chuyện về đền Thái Bá. Vương Ngọc Huy nói:
- Đền Thái Bá ở đâu? Ngày mai tôi muốn đến thăm.
- Ngày mai cháu sẽ cùng đi với bác.
Hôm sau, hai người đi ra cửa nam, Đặng Chất Phu cho người giữ cổng mấy đồng tiền. Cổng mở, họ bước vào điện chính. Sau khi làm lễ ở điện chính, họ đi ra phía nam. Ở dưới lầu họ nhìn thấy tờ giấy vạch chương trình buổi lễ và những người được cử vào tế do Trì Hành Sơn dán lên tường trước kia. Hai người lấy ống tay áo lau bụi bặm và cầm lên xem. Họ lại bước lên lầu, thấy tám cái tủ lớn đựng các nhạc cụ, đồ tế. Vương Ngọc Huy muốn xem, người giữ điện nói:
- Chìa khóa hiện nay ở trong nhà ông Trì Hành Sơn.
Họ đành phải đi xuống theo hai đường hành lang, ở hai bên là phòng đọc sách. Họ đi thẳng đến gian nhà khám thịt tế rồi từ biệt người giữ đền thờ. Hai người lại đến chùa Báo Ân xem. Họ uống trà ở dưới chân tháp lưu Ly và ăn cơm trong một quán rượu trước cửa chùa. Vương Ngọc Huy nói với Đặng Chất Phu:
- Bác đi chơi đã lâu, nay muốn trở về nhưng không sao có tiền đi đường.
- Bác nói gì vậy? Cháu xin đưa tiền đi đường để bác về nhà.
Đặng Chất Phu làm một bữa tiệc tiễn hành, đưa ra mười mấy lạng bạc cho Vương, lại thuê một cái kiệu đưa Vương về Huy Châu. Đặng Chất Phu nói:
- Nay tuy bác đã đi nhưng bác cứ để lại cho cháu mấy bức thư của ông Dư Hữu Đạt. Khi nào các vị danh sĩ trở về, cháu sẽ đem thư đến cho họ, để họ biết rằng bác đã đến thăm.
- Như thế thì rất tốt!
Vương bèn trao mấy bức thư cho Đặng Chất Phu và lên kiệu về nhà. Vương Ngọc Huy đi được một vài hôm, Đặng Chất Phu nghe tin Vũ Thư đã trở về bèn đem thư đến nhà. Vũ Thư không ở nhà, Đặng không gặp mặt nhưng để thư ở lại và bảo người nhà rằng:
- Thư này là của ông Đặng ở Triều Thiên Cung đem đến. Ông ta muốn gặp ông chủ để trình bày đầu đuôi.
Vũ Thư về nhà đọc thư, định đến Triều Thiên Cung để thăm lại. Nhưng vừa lúc ấy thì Cao Hàn Lâm mời, chỉ nhân phen này khiến cho:
Bạn bè yến hội, bỗng dưng lại gặp người kỳ; 
Hoạn nạn giúp nhau, cũng phải nhờ tay giỏi võ.
Muốn biết sự việc như thế nào, hãy xem hồi sau phân giải.


Hồi 49
Hàn lâm bàn tán bảng long hổ
Trung thư mạo chiếm áo phượng hoàng

Vũ Thư định đến nhà Đặng Chất Phu thì có người đưa tờ danh thiếp đến. Tờ danh thiếp viết:
“Cao hàn lâm hôm nay mời ông đến chơi” Vũ Thư trả lời người kia:
- Tôi phải đi thăm một người khách rồi sẽ đến ngay. Anh về trước báo với ông chủ như vậy.
- Ông chủ tôi gửi lời thăm ông. Ông chủ tôi có mời ông Vạn ở Chiết Giang là người bạn rất thân từ trước đến nay. Lại có mời cả ông Trì nữa. Ngoài ra có ông Tần là bà con ông chủ.
Vũ Thư nghe nói có Trì Hành Sơn nên cũng miễn cưỡng nhận lời. Vũ Thư đến thăm Đặng Chất Phu nhưng không gặp. Buổi chiều, người nhà Cao đến mời hai lần, Vũ Thư mới đi. Cao Hàn Lâm ra tiếp, mời vào thư phòng. Thi ngự sử, Tần trung thư cũng đến ở đấy. Mấy người đang uống trà thì Trì Hành Sơn đến. Cao bảo quản gia mời ông Vạn đến và nói với Thi ngự sử:
- Ông Vạn là một người bạn của tôi giỏi bậc nhất ở Chiết Giang, viết chữ rất tốt. Cách đây hai mươi năm, lúc tôi đỗ tú tài tôi có gặp ông ở Dương Châu. Lúc đó, ông cũng đỗ tú tài, nhưng hành động của ông khác hẳn người thường. Bấy giờ mấy ông quan coi muối đều không dám khinh thường ông và việc ông làm ở đấy hơn tôi. Từ khi tôi lên kinh đến nay hai bên không gặp nhau nữa. Hôm trước đây, ông ở kinh về nói đã được bổ làm trung thư. Như vậy, nay mai ông sẽ là bạn cùng nha môn với ông Tần đây...
Tần cười:
- Ông là bạn đồng sự với tôi mà được cụ tôn kính như thế sao? Nếu vậy, ngày mai cụ phải đến chơi nhà tôi mới được.
Bấy giờ Vạn đã đi kiệu đến cửa và đưa danh thiếp vào. Cao Hàn Lâm chắp tay đứng dưới thềm nhà khách bảo quản gia mở cửa cho kiệu đi vào. Vạn xuống kiệu từ ngoài cửa bước vào, vái chào mọi người và ngồi.
Vạn nói:
- Tôi được cụ mời thực là hân hạnh! Xa nhau đã hai mươi năm, nay tôi cũng muốn mượn chén rượu nói chuyện xưa. Không biết hôm nay cụ có mời vị khách nào nữa không?
- Hôm nay không có vị khách nào khác, chỉ có Thi ngự sử, ông Tần là bà con và ông Vũ, ông Trì là bạn của tôi. Hiện nay tất cả đều ở trong nhà khách phía tây.
- Cho tôi được gặp mặt.
Người quản gia vào mời bốn người khách vào gian nhà khách chính. Thi ngự sử nói:
- Cụ Cao mời chúng tôi đến đây để tiếp ông.
Vạn nói:
- Tôi gặp cụ Cao cách đây hai mươi năm ở Dương Châu khi cụ chưa hiển đạt.

Nhưng nhìn cụ, thấy khác người thường; tôi cũng đoán biết sau này cụ sẽ thành một cột trụ của triều đình. Sau khi cụ Cao thi đỗ cao, tôi lưu lạc bốn phương chưa bao giờ có dịp trở về kinh để gặp mặt. Năm ngoái tôi có lên kinh, không ngờ cụ Cao đã về hưu. Hôm qua, tôi ở Dương Châu gặp mấy người bạn, bận chút việc cho nên mãi đến giờ mới được gặp. May sao hôm nay lại được gặp cụ và các vị.
Tần nói:
- Ông bao giờ thì nhậm chức. Tại sao ông lại rời khỏi kinh đô?
Vạn nói:
- Chức trung thư thì có thể đi theo con đường tiến sĩ, hay con đường giám sinh. Nhưng tôi thì được cử theo con đường ty thuộc chứ không phải theo đường khoa cử, cho nên sau này sợ suốt đời cũng không thoát khỏi hai chữ “trung thư”. Còn muốn làm đến hàn lâm, học sĩ thì sợ không làm được.
- Gần đây, việc tìm được một chức khuyết cũng rất khó.
Tần nói:
- Gặp dịp làm quan mà không làm thì cũng như là không gặp.
Vạn lảng sang chuyện khác, nói với Vũ Thư và Trì Hành Sơn"
- Hai ông đều là những bậc tài cao nhưng đã lâu vẫn chưa hiển đạt. Người tài cao thường thành đạt chậm. Chức quan của tôi thực ra nó chẳng ra gì. Kẻ sĩ thì trước sau phải xuất thân theo con đường khoa giáp.
Trì Hành Sơn nói:
- Chúng tôi đều là bọn tầm thường dám đâu sánh với bậc đại tài như cụ.
Vũ Thư nói:
- Cụ Cao cùng với cụ là bạn thân. Sau này biết đâu hai người chẳng hiển đạt như nhau?
Vừa lúc ấy một người đầy tớ vào báo:
- Mời các vị ra ngoài nhà khách phía tây dùng cơm.
Cao Hàn Lâm nói:
- Chúng ta ăn cơm xong rồi sẽ nói chuyện.

Sau khi mọi người sang nhà sảnh phía tây ăn cơm, Cao Hàn Lâm bảo quản gia mở cửa vườn hoa mời mọi người xem. Mọi người đi từ ngôi nhà phía tây qua một cái cửa tròn rồi đi dọc theo một cái tường dài quét vôi trắng, đến một cái cửa nhỏ ở góc tường đi vào cái hành lang. Họ theo hành lang rẽ sang phía đông, đi xuống mấy bậc tam cấp, đến một cái vườn hoa lan hình vuông. Bấy giờ khí trời ấm áp, lan đang nở hoa. Trước mặt là một hòn non bộ. Một cái bình phong bằng đá được đắp rất công phu. Trên núi là một cái đình nhỏ có thể ngồi ba bốn người. Bên cạnh bình phong là hai cái đôn sứ và đằng sau có hơn một trăm cây trúc. Sau bụi trúc là một cái lan can thấp, màu đỏ, bao bọc những khóm thược dược chưa nở. Cao Hàn Lâm và Vạn trung thư to nhỏ với nhau trong khi dắt tay nhau bước lên đình. Thi ngự sử và Tần trung thư đi bộ từ bụi trúc đến vườn thược dược. Trì Hành Sơn nói với Vũ Thư:
- Vườn rất tĩnh mịch nhưng phải cái có ít cây to.
Vũ Thư nói:
- Người xưa đã nói: “Đình và ao cũng như công danh, gặp thời là có thể có. Cây to như khí tiết, không nuôi dưỡng thì không thành”.
Lúc ấy Cao Hàn Lâm và Vạn trung thư đã ở trên đình bước xuống. Cao nói:
- Năm ngoái, trong nhà ông Trang Trạc Giang, tôi có được đọc bài thơ “Hoa thược dược nở” của ông Vũ. Vài hôm nữa, hoa thược dược sẽ nở.
Tất cả chủ và khách sáu người dạo chơi một lát, rồi trở về nhà khách phía tây. Quản gia bảo những người pha trà rót một tuần trà. Trì Hành Sơn hỏi Vạn trung thư:
- Tôi có một bạn ở Xử Châu cùng tỉnh ông, không biết ông có biết ông ta không?
Vạn trung thư nói: - Nổi tiếng nhất ở Xử Châu không ai bằng ông Mã Thuần Thượng. Tôi có mấy người bạn khác nữa nhưng không biết người bạn ông nói đây là ai?
- Chính là ông Mã Thuần Thượng đấy!
- Ông Mã là bạn rất thân với tôi, tại sao tôi lại không biết! Lần này ông ta đã lên kinh. Ông lên kinh lần này chắc là gặp thời vận.
Vũ Thư vội vàng nói:
- Ông ta đến nay vẫn chưa thi đỗ, vậy ông ta lên kinh để làm gì?
Vạn đáp:
- Sau khi đến nhậm chức ba năm, quan học đạo nhận thấy ông ta là người có đức hạnh nên đề cử ông ta. Nay ông ta lên kinh là đi theo con đường tắt. Chính vì vậy cho nên tôi nói rằng ông ta gặp thời vận.
Thi ngự sử nói:
- Công danh đi theo con đường tắt cũng không đi được xa đâu! Những người có chí khí nhất định phải xuất thân theo con đường khoa cử.
Trì Hành Sơn nói:
- Năm ngoái ông ta có đến đây chơi, tôi thấy ông ta quả thông thạo về cử nghiệp. Không hiểu tại sao mãi đến nay vẫn cứ mãi mãi là một anh tú tài. Cho hay việc thi cử không lấy đâu làm bằng cứ hết.
Cao Hàn Lâm nói: - Ông Trì nói như vậy là sai! Triều đại ta hai trăm năm nay, không có thay đổi chút nào về việc này hết. Ai đỗ đầu bao giờ cũng cứ là đỗ đầu. Ông Mã Thuần Thượng bàn về thi cử, thực ra chỉ biết lớt phớt bên ngoài, còn như cái phần bí ẩn bên trong thì tuyệt nhiên không biết gì. Nếu ông ta có làm anh tú tài suốt ba trăm năm thì ở huyện, hai trăm lần đỗ đầu, nhưng lúc thi ở phủ cũng cứ hỏng.
Vũ Thư nói:
- Như vậy thì cụ cho rằng các quan chấm thi ở phủ và quan học đạo xem bài khác nhau chăng?
Cao Hàn Lâm nói: - Tại sao lại không? Ai trong kỳ thi ở huyện đỗ cao thì khi thi ở phủ lại không đỗ. Vì vậy cho nên tôi không dám cầu may, tôi hết sức chú ý vào việc thi ở phủ. Lúc thi ở huyện học đạo chấm tôi vào hạng thứ ba cơ!
Vạn nói:
- Thế nhưng bài thi của cụ được đứng đầu, học sinh tỉnh tôi không ai không học thuộc lòng bài ấy.
Cao Hàn Lâm nói:
- Phải đoán biết ý thích của người chấm thi đó là cái mánh khoé trong nghề thi cử. Trong ba bài văn đi thi hương của tôi không có câu nào do tôi đặt ra, chữ nào cũng có điển tích. Vì vậy nên tôi đỗ. Nếu không biết mánh khoé ấy thì đến thánh cũng không đỗ nổi.
Ông Mã kia mấy lâu nay bàn về thi cử, những điều ông bàn chẳng phải là cử nghiệp. Nếu ông ta hiểu được mánh khoé này thì ông ta không biết đã làm đến chức quan gì rồi.
Vạn nói:
- Lời nói của cụ quả thực là theo ý tôi “khuôn vàng thước ngọc” cho bọn hậu bối. Nhưng ông Mã vẫn là người học rộng. Tôi có được đọc kinh “Xuân Thu” của ông xuất bản trong nhà người bạn của tôi ở Dương Châu. Tôi thấy ông ta chú thích rất công phu.
Cao nói:
- Ông không nên nói như vậy, ở đây có một ông họ Trang. Ông ta được triều đình mời ra. Nhưng ngày nay ông cũng đóng cửa chú thích “Kinh Dịch”. Hôm trước có một người bạn gặp ông ta trong một bữa tiệc nghe ông ta nói: “Ông Mã Thuần Thượng biết tiến mà không biết lui như con rồng ở trong Kinh Dịch”(1). Ông Mã sánh với con rồng được hay không điều đó chưa cần bàn đến. Nhưng lấy một ông tú tài còn sống để giải thích cho lời dạy của thánh hiền thì thực là buồn cười hết sức!
Vũ Thư nói:
- Ông Trang nói như vậy chẳng qua là ngẫu nhiên nói cho vui thôi. Nếu không lấy người sống ra để làm thí dụ được thế tại sao Chu Văn Vương, Chu Công lại lấy Vi Tử, Cơ Tử ra làm thí dụ? Tại sao sau này Khổng Tử lại nói đến Nhan Tử? Những người kia lúc bấy giờ vẫn còn sống cả.
Cao Hàn Lâm nói:
- Câu nói của ông chứng tỏ ông học rất rộng. Tôi chuyên học về “Kinh Thi” không học về “Kinh Dịch” cho nên có những việc trong “Kinh Dịch” tôi không rõ lắm.
Vũ Thư nói:
- Cụ nhắc đến “Kinh Thi” làm tôi nghĩ đến một việc buồn cười. Gần đây, những người đi thi cứ câu nệ theo những lời chú giải của Chu Tử; nên càng giải thích lại càng khó hiểu. Bốn năm năm trước đây, ông Đỗ Thiếu Khanh ở Thiên Trường soạn quyển “Thi Thuyết” có trích dẫn những lời nói của các vị danh nho đời Hán, tất cả những người bạn xem đều thán phục. Như vậy đủ thấy trong việc học vấn thi đỗ chưa phải là giỏi.
Trì Hành Sơn nói:
- Nói như vậy đều lệch hết? Cứ theo ý tôi, ai theo đuổi học vấn thì cứ lo theo đuổi học vấn không cần hỏi đến công danh. Ai theo đuổi công danh thì cứ theo đuổi công danh không cần nghĩ đến học vấn. Muốn được cả hai đường thì rút cục chẳng được đường nào.
Vừa lúc ấy người quản gia bảo:
- Mời các vị dùng cơm.
Cao Hàn Lâm mời Vạn trung thư ngồi ghế đầu, Thi ngự sử ngồi ghế thứ hai, Trì Hành Sơn ngồi ghế thứ ba, Vũ Thư ngồi ghế thứ tư, Tần ngồi ghế thứ năm, còn mình ngồi ghế chủ. Tiệc bày ra ba bàn ở nhà khách phía tây. Rượu và các món ăn rất chỉnh tề, nhưng không có hát tuồng. Trong bữa tiệc họ bàn về việc triều chính. Trì Hành Sơn nói với Vũ Thư:
- Từ khi Ngu tiên sinh ra đi đến nay chúng ta dần dần ít tụ họp.
Một lát sau, lại chuyển sang bữa tiệc khác. Đèn sáp đốt lên, uống được một tuần rượu, Vạn trung thư đứng dậy cáo từ. Tần trung thư giữ lại nói:
- Ông đến chơi nhà người bạn thân của người bà con tôi thì cũng như là bà con của tôi. Vả chăng, tôi với ông đều làm trung thư cả. Nay mai được bổ làm quan chắc cũng được làm một nơi. Ngày mai thế nào ông cũng phải đến nhà tôi chơi. Lần này, tôi về nhà sẽ viết danh thiếp đưa đến mời ông.
Và lại nói với mọi người:
- Đến mai vẫn sáu người chúng ta không thêm cũng không bớt một ai.
Trì Hành Sơn, Vũ Thư không nói một lời, Thi ngự sử nói:
- Tốt lắm! Tôi cũng có ý muốn mời ông Vạn ngày mai đến nhà tôi chơi. Nhưng nếu như thế này thì phải đợi đến ngày kia.
Vạn trung thư nói:
- Tôi mới đến đây hôm qua, không ngờ hôm nay lại được cụ Cao mời. Tôi chưa đến thăm các vị lần nào, tôi đâu dám quấy nhiễu các vị như thế!
Cao Hàn Lâm nói:
- Có ngại gì việc đó! Ông Tần là bà con của tôi lại là bạn trung thư với nhau. Ông cứ xem ông Tần như người quen. Ngày mai ông phải đến thật sớm đấy nhé!
Vạn trung thư miễn cưỡng nhận lời. Mọi người từ biệt chủ nhân ra về. Tần trung thư về nhà viết năm cái danh thiếp mời Vạn trung thư, Thi ngự sử, Trì Hành Sơn, Vũ Thư và cụ Cao. Tần viết giấy mời một bọn tuồng đến diễn vào sáng hôm sau, lại ra lệnh cho những người đầy tớ hầu trà và bọn quản gia phải làm một bữa tiệc thực long trọng.

Hôm sau, Vạn trung thư dậy, nghĩ bụng: “Nếu ta đến nhà ông Tần trước thì ông ta sẽ giữ ở lại. Bây giờ ta phải đi thăm mấy người kia. Như thế họ sẽ không giận, cho rằng ta chỉ đến thăm con người mời ta ăn tiệc. Ta phải đến chơi nhà họ trước, sau mới đến nhà ông Tần”. Vạn bèn viết bốn cái danh thiếp. Trước tiên Vạn đến nhà Thi ngự sử. Ngự sử ra tiếp. Biết rằng Vạn còn phải đến nhà Tần trung thư uống rượu nên Thi ngự sử không dám giữ lại. Vạn lại đến thăm Trì Hành Sơn. Người nhà Trì Hành Sơn nói:
- Tối qua ông đã đi Câu Dung xem chữa trường học, nay chưa về.
Vạn đến nhà Vũ Thư, người nhà nói:
- Ông chủ từ tối qua vẫn chưa về, khi nào về, ông sẽ đến thăm.
Hôm ấy vào buổi ăn sáng. Vạn trung thư đến nhà Tần trung thư. Thấy ở ngoài cửa là một cái tường xanh dài. Ở giữa là một cái cửa lớn có lầu đắp hoa nổi. Kiệu của Vạn dừng ở cổng. Vạn thấy ở trên bình phong quét vôi có dán một tờ giấy đỏ viết bằng chữ son: “Nội các trung thư”. Hai bên là những người quản gia sắp thành hai hàng. Sau lưng họ là những giá mũ của những người làm việc ở trên dán hai tờ cáo thị đề: “Những điều ngăn cấm”. Tần trung thư ra đón tiếp. Cửa giữa mở rộng. Vạn trung thư xuống kiệu, cầm tay Tần vào nhà khách. Hai người vái chào rồi ngồi uống trà. Vạn trung thư nói:
- Tôi rất hân hạnh được làm bạn đồng sự với ông, sau này có việc gì mong ông chỉ bảo. Hôm nay tôi đưa danh thiếp đến đây để bái yết. Lần sau, tôi sẽ đến thăm để cảm tạ.
- Người bà con của tôi cho tôi biết ông là một người rất có tài. Sau này tôi được làm quan, có việc gì cũng mong ông che chở cho.
- Cụ Cao bao giờ lại đây?
- Cụ vừa cho người đến đây nói hôm nay thế nào cụ cũng đến. Chắc chỉ lát nữa thôi.

Đang nói chuyện thì Cao Hàn Lâm và Thi ngự sử đã đi hai cái kiệu đến trước cửa. Hai người xuống kiệu bước vào, ngồi uống trà. Cao Hàn Lâm nói:
- Này ông Tần! Bao giờ ông Trì và ông Vũ đến đây.
- Tôi đã cho người đi mời.
Vạn trung thư nói:
- Ông Vũ thì có lẽ còn đến, chứ ông Trì thì không đến được.
Cao Hàn Lâm hỏi:
- Tại sao cụ lại biết?
Vạn trung thư nói:
- Tôi vừa đến thăm hai ông. Người nhà ông Vũ nói đêm qua ông chưa về. Còn ông Trì thì đã đi Câu Dung chữa trường học cho nên tôi biết ông ta không đến được.
Thi ngự sử nói:
- Hai ông ấy thực là lạ! Hễ tôi mời họ, thì mười lần là chín lần họ không đến. Nếu nói rằng họ bận thì mới đỗ tú tài mà bận cái gì chứ? Mới là một anh tú tài mà làm bộ làm tịch như thế?
Tần trung thư nói:
- Thôi được! Miễn là cụ và cụ Vạn ở đây còn hai ông kia đến hay không cũng được.
Vạn trung thư nói:
- Hai ông kia chắc là những người có học vấn sâu rộng.
Cao Hàn Lâm nói:
- Nào có học vấn gì đâu! Nếu có học vấn thì đã chẳng là một anh tú tài xác. Chỉ vì năm trước đây trong trường Quốc Tử Giám có Ngu bác sĩ thương họ nên nhiều người cũng chơi bời với họ. Nhưng gần đây đã ít đi rồi.
Vừa lúc ấy thấy ở phòng bên trái có một người kêu to:
- Hay quá! Hay quá!
Mọi người đều kinh ngạc. Tần trung thư bảo quản gia vào nhà sau xem người nào làm ồn ào như thế.
Quản gia bẩm:
- Đó là ông Phượng người bạn ông hai.
Tần trung thư nói:
- Có ông Phượng ở sau nhà, sao không mời ông vào nói chuyện?
Người quản gia vào thư phòng mời thì thấy một người to lớn trạc độ bốn mươi, hai con mắt ốc nhồi, cặp lông mày thẳng, râu đen dài mãi đến ngực, đầu đội mũ lực sĩ, mình mặc áo đoạn màu xám, chân đi đôi giày mũi nhọn, thắt dây lưng tơ, dưới nách lủng lẳng một cái dao ngắn. Người kia bước vào nhà khách vái chào mọi người và nói:
- Các vị đều ở đây cả, tôi ở nhà sau không biết xin thất lễ!
Tần trung thư mời Phượng ngồi và nói với Vạn trung thư:
- Ông Phượng đây là một người rất có nghĩa khí ở miền này. Ông rất giỏi về quyền thuật, thuộc lầu cả bộ “Dịch cân kinh” nếu ông ta lên gân thì dù một tảng đá nặng mấy ngàn cân rơi trên đầu hay trên mình cũng không hề gì. Em tôi mời ông ở đây để dạy võ nghệ.
Vạn trung thư nói:
- Xem vẻ người của ông tôi cũng đủ thấy là người khác thường thực chẳng phải là hạng trói gà không chặt!
Tần trung thư lại nói với Phượng:
- Ông vừa bảo hay quá, hay quá, là vì cớ gì?
- Đó không phải là tôi nói, mà là lời người em của ông. Ông ta vừa bảo tôi rằng người ta mạnh hay yếu là do trời sinh ra. Tôi bảo ông ta nín thở rồi sai người lấy gậy đánh vào người, càng đánh càng không thấy đau. Ông ta mừng quá nên mới kêu lên như vậy.
Vạn nói với Tần trung thư:
- Nếu người em của cụ ở đây sao không mời ông ta vào ngồi?
Tần trung thư bảo quản gia mời nhưng Tần Nhị đã ra cửa sau, cưỡi ngựa đi xem bắn tên ở ngoài trại lính rồi. Người đầy tớ mời thấy người khách vào sảnh dùng cơm. Cơm xong, những người đầy tớ mở cửa phía bên trái mời mọi người vào. Mọi người bước vào thấy hai gian nhà nhỏ hơn nhà khách một chút, nhưng bày biện rất là đẹp mắt. Mọi người thích đâu ngồi đấy. Họ uống mười hai thứ trà ngon trong lúc một cậu bé mười một, mười hai tuổi bỏ trầm vào lư hương. Vạn trung thư nghĩ bụng: nhà ông ta bày biện thực là đẹp mắt. Khi ta trở về cũng bày biện như thế này, chỉ tiếc cái cổng nhà ta không to lớn bằng, các quan sở tại không đến, và không đủ người phục dịch như ở đây.
Đang lúc suy nghĩ thì một người mặc áo hoa vào quì xuống trình bày bản các vở tuồng và nói:
- Mời cụ chọn một hai vở tuồng!
Vạn trung thư nhường cho Cao Hàn Lâm và Thi ngự sử chọn trước, sau đó chọn vở “Mời ăn tiệc”, vở “Tiễn biệt”. Thi ngự sử chọn vở “Anh em gặp nhau trên núi Ngũ Đại. Cao Hàn Lâm lại chọn vở ”Đuổi theo Hàn Tín". Người kia viết tên các vở tuồng vào cái hốt rồi đem vào phòng để các diễn viên chuẩn bị. Tần trung thư bảo rót một lượt chè xanh. Người quản gia vào bẩm:
- Mời các vị ra ngoài ngồi.

Mọi người theo Vạn trung thư ra cái nhà khách thứ hai; ở đây đã thấy chỗ diễn tuồng bày biện rất chỉnh tề. Hai bên là năm cái ghế dựa lót vải đỏ thêu kim tuyến. Mấy người lần lượt ngồi. Người trùm trò dẫn toàn ban ra chào, người nào ăn mặc theo vai của người ấy. Những người đánh trống đứng ở trước và gõ nhè nhẹ. Người đóng vai Hồng Nương dáng người yểu điệu bước ra. Người trùm trò lại vào quì một chân nói: “Xin cho phép ngồi”. Lúc bấy giờ những người thổi sáo mới ngồi xuống. Hồng Nương mới hát được một câu thì ở ngoài cửa nghe có tiếng thanh la. Lại có những người đội mũ đỏ viền đen bước vào. Mọi người đều ngờ vực vì trong vở “Mời ăn tiệc” không thấy mở đầu như thế này. Người quản gia chạy vào nói không ra lời. Thấy một vị quan đầu đội mũ sa mình mặc áo màu ngọc thạch, chân đi giày đen đế trắng bước vào nhà khách. Đừng sau là hai mươi người lính.
Hai người đi trước đến nắm lấy Vạn trung thư, lấy xích sắt xích cổ rồi kéo tuột ra ngoài. Vị quan cũng đi ra không nói nửa lời. Mọi người nhìn nhau ngơ ngác. Chỉ nhân phen này khiến cho:
Con em bạn hát, từ nay coi rẻ hương thân;
Anh kiệt giữa đường, ra sức gánh thay hoạn nạn.
Muốn biết việc sau thế nào, hãy xem hồi sau phân giải.

--------
(1) Kinh Dịch nói “Cang long hữu hối” ý nói lúc tiến thì phải biết lui.



<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 181
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com