watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
14:16:5918/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Nho Lâm Ngoại Sử 26 - 50 - Trang 2
Chỉ mục bài viết
Nho Lâm Ngoại Sử 26 - 50
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Trang 14
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 14


Hồi 28

Đất Dương Châu Quý Vi Tiêu ở rể
Thành Nam Kinh Tiêu Kim Huyễn chọn văn.


Bão Đình Tỷ đến Xương Môn thì gặp ngay người đầy tớ của anh mình là A Tam. A Tam đi trước, đằng sau có người quẩy tam sinh, vàng mã, ngựa giấy. Đình Tỷ hỏi:
- A Tam! Ông Nghê có ở nha môn không? Anh mang những đồ này đi đâu?
- Trời ơi, ông Sáu đây rồi! Khi ông chủ tôi ở Nam Kinh về nha môn, thì ông cho ngay người đi Bắc Kinh đưa bà chủ về. Người kia trở về báo tin rằng bà chủ đã mất được một tháng. Ông chủ tôi buồn rầu quá mang bệnh nặng, được vài ngày cũng mất. Quan tài của ông còn để ở ngoài thành. Còn tôi thì hiện nay ở một nhà hàng cơm. Hôm nay được bảy ngày cho nên tôi mang đồ tam sinh và ngựa giấy đến mộ để đốt cho ông.
Đình Tỷ nghe nói như vậy cặp mắt mở to, nói không ra tiếng, hốt hoảng hỏi:
- Thế nào? Ông chủ anh đã mất rồi sao?
- Vâng ông đã mất rồi.
Đình Tỷ lăn ra đất khóc, A Tam phải vực dậy. Không vào thành nữa, Đình Tỷ bảo đưa đến nơi chôn cất anh mình, đặt đồ lễ vật rót rượu đốt vàng mã rồi khóc:
- Anh ơi! Anh khôn thiêng xin về chứng giám, em đến đây quá chậm không còn trông thấy mặt anh!
Đình Tỷ khóc lóc thảm thiết một hồi. A Tam khuyên nhủ đưa Đình Tỷ về hàng cơm để nghỉ. Hôm sau, Đình Tỷ lấy tiền đi đường ra mua lễ vật và vàng mã rồi trở lại mộ của anh. Y ở lại hàng cơm mấy ngày nữa cho đến khi số tiền hết nhẵn và A Tam phải đi ở nơi khác. Sau đó, không còn nghĩ ra kế gì nữa, Đình Tỷ đem cầm cái áo trừu mới may định dùng để vào dinh quan tuần vũ được hai lạng bạc. Đình Tỷ định đi tìm Quý Vi Tiêu, bèn thuê thuyền đi Dương Châu. Tới nơi, vào cửa trường xem danh sách thấy đề “Ở tại chùa Hưng Giáo”. Đình Tỷ vội vàng đến chùa Hưng Giáo. Vị hòa thượng ở đấy bảo:
- Ông tìm ông Quý sao? Ông ta hôm nay lấy con gái họ Vưu bên cạnh hàng buôn muối ở đường Ngũ Thành. Ông đến đấy mà tìm.

Đình Tỷ đến thẳng nhà họ Vưu. Đến nơi, thấy ngoài cửa treo vải đỏ. Ba gian nhà chật ních những khách. Ở giữa hai ngọn đèn sáp đỏ đang cháy, trên treo một bức tranh “trăm con”, hai bên dán đôi câu đối:
Trăng trong gió mát thường như thế;
Tài tử giai nhân vẫn có đây.
Quý Vi Tiêu đầu đội mũ vuông mới mình mặc áo trừu đỏ đang tiếp khách. Thấy Bão Đình Tỷ, Quý ngạc nhiên đứng dậy vái chào và mời ngồi. Quý nói:
- Chú ở Tô Châu về phải không?
- Phải, nhân nghe tin anh lấy vợ cho nên tôi đến đây uống rượu mừng.
Những người khách ngồi ở đấy hỏi:
- Vị này là ai?
- Đấy là ông Bão lấy cô của nhà tôi tức là chú của tôi.
Mọi người nói:
- Thế là chú của ông Quý, thật là hân hạnh! Hân hạnh.
Bão Đình Tỷ hỏi:
- Anh làm ơn cho biết quý vị là ai?
Quý Vi Tiêu chỉ hai người ngồi đầu bàn:
- Vị này là ông Tân Đông Chi, vị này là ông Kim Ngụ Lưu là hai vị danh sĩ nổi tiếng ở Dương Châu, thơ và chữ viết của hai người thực là tuyệt diệu. Trong thiên hạ không có ai là người thứ ba.
Nói xong, cơm dọn lên, hai người danh sĩ ngồi ghế khách, Đình Tỷ ngồi bên cạnh. Rồi đến mấy người khách khác đều là họ hàng thân thuộc nhà họ Vưu ngồi vào một bàn. Ăn cơm xong, những người thân thuộc và Quý Vi Tiêu đi vào để chuẩn bị làm lễ. Bão Đình Tỷ nói chuyện với hai người danh sĩ. Tân Đông Chi nói:
- Bọn buôn muối giàu ở Dương Châu thật là đáng ghét. Đấy cứ xem nhà lão Phùng chủ hiệu Hưng Thịnh ở dưới sông thì biết! Hắn ta có mười mấy vạn lạng bạc. Hắn mời tôi ở Huy Châu đến ở được nửa năm, tôi nói: “Ông muốn tỏ cảm tình với tôi thì ông phải cho tôi hai ba ngàn lạng bạc”. Đằng này hắn ta không muốn mất một cái chân lông. Sau đó tôi lại nói với người ta: “Đáng lý ông Phùng phải đưa tôi số tiền ấy. Sau này ông ta chết đi, số tiền mười mấy vạn lạng bạc cũng không sao mang theo được. Xuống âm phủ thì cũng chỉ là một thằng quỉ đói mà thôi. Trái lại, khi nào Diêm Vương bảo tôi viết cái biển đề bốn chữ ”Sâm la bửu điện“ (1) thì ít nhất Diêm Vương cũng phải trả cho tôi một vạn lạng bạc. Bấy giờ tôi lại cho ông ta vài ngàn lạng bạc mà tiêu cũng chưa biết chừng! Cứ chi ly làm gì cho khổ!”.
Tất cả đều cười rộ! Kim Ngụ Lưu nói:
- Ông nói không sai chút nào! Cách đây không lâu, ông Phương ở dưới sông nhờ tôi viết một đôi câu đối, tất cả hai mươi hai chữ. Ông ta bảo một đứa đầy tớ đem đến tám mươi lạng bạc để cảm tạ. Tôi gọi nó vào nhà và bảo:
“Mày về nói với ông chủ rằng chữ của ông Kim thì các cung điện, các bậc vương hầu trong kinh đã định giá rồi. Chữ nhỏ một lạng một chữ, chữ lớn mười lạng một chữ. Theo giá ấy, hai mươi hai chữ này giá hai trăm hai mươi lạng. Nếu đưa hai trăm mười chín lạng chín phân cũng không lấy được câu đối về”. Sau khi tên đầy tớ trở về nói lại, thì thằng súc sinh họ Phương kia muốn tỏ rằng mình lắm tiền, liền đi kiệu thẳng đến nhà tôi. Nó đưa cho tôi hai trăm hai mươi lạng bạc. Tôi đưa cho nó đôi câu đối. Không ngờ nó cầm câu đối xé tan. Tôi giận quá ném gói bạc ra ngoài đường cho những người gánh muối và chở phân nhặt. Tôi hỏi các ông, ở đâu có thứ tiểu nhân đáng ghét như thế không!
Vừa lúc ấy Quý Vi Tiêu đi ra. Người ta đem mì lên. Bốn người ăn, Bão Đình Tỷ nói:
- Tôi nghe nói trong sở coi về muối có những người giàu khi nào vào hàng mì thì một bát mì tám phân bạc họ chỉ úp một ít nước còn tất cả cho những người khiêng kiệu. Có phải như thế không?
Tân nói:
- Thật thế.
Kim nói:
- Đó là vì họ ăn không được nữa. Ở nhà họ đã chén cơm no rồi mới đi đến hiệu mì.

Mọi người nói chuyện và cười mãi đến chiều tối. Ở trong nhà nghe tiếng nhạc. Người ta dẫn Quý Vi Tiêu vào động phòng. Mọi người ngồi vào bàn tiệc. Ăn uống xong mọi người ra về, Đình Tỷ lại trở về hàng cơm gần sở thuế(2) ngủ một đêm. Hôm sau Đình Tỷ đến chào mừng, xem cô dâu xong ra ngoài phòng khách ngồi. Bão Đình Tỷ hỏi thầm Quý Vi Tiêu:
- Này ông, người vợ trước của ông không có việc gì kia mà? Tại sao lại có chuyện này?
Quý Vi Tiêu chỉ đôi câu đối cho Đình Tỷ xem và nói:
- Chú không thấy “Tài tử giai nhân vẫn có đấy” sao? Tôi là một người phong lưu, cho nên tài tử thì phải gặp giai nhân, một vợ, hai vợ thì có gì là lạ?
- Đành rồi! Nhưng anh lấy đâu ra tiền mà cưới vợ?
- Tôi đến Dương Châu thì bác Tuân cho một trăm hai mươi lạng, lại cho tôi làm chức coi thuế muối ở Qua Châu. Tôi có lẽ còn ở đấy vài năm cho nên tôi phải lấy thêm một người vợ nữa. Còn chú thì khi nào chú trở về Nam Kinh?
- Chẳng giấu gì anh, khi tôi đến Tô Châu tìm người thân thích nhưng không gặp. Hiện nay tôi không còn tiền để trở về Nam Kinh nữa.
- Như thế thì dễ lắm! Bây giờ tôi sẽ đưa cho chú ít tiền để làm tiền lộ phí trở về Nam Kinh. Tôi nhờ chú mang hộ tôi một bức thư về Nam Kinh nhé!
Đang lúc nói chuyện thì Tân và Kim cùng với một đạo sĩ và một người nữa vào thăm phòng cô dâu. Quý Vi Tiêu đưa họ vào phòng. Sau khi nhộn nhịp trong phòng cô dâu một lúc, họ lại ra phòng khách ngồi. Tân chỉ hai người và nói với Quý Vi Tiêu:
- Vị đạo sĩ này là Hai Hà Sĩ, một nhà thơ ở Dương Châu, vị này là ông Quách Thiết Bút ở Vu Hồ rất giỏi nghề khắc dấu. Hôm nay nhân ông có việc vui nên đến đây thăm.
Quý Vi Tiêu hỏi chỗ ở nhà hai người và hứa sẽ đến thăm.
Tân và Kim nói: - Hôm trước ông Bão nói ông ở Nam Kinh lại đây. Ông có thể cho biết bao giờ ông sẽ trở về Nam Kinh?
Quý Vi Tiêu nói:
- Việc đó chỉ trong một hai ngày mà thôi. Hai người kia nói:
- Như vậy thì chúng tôi không thể cùng đi với ông được. Ở cái đất tục này người ta không biết kính trọng tài năng cho nên chúng tôi muốn đi Nam Kinh.
Nói chuyện một hồi, bốn người từ biệt.
Bão Đình Tỷ hỏi:
- Này anh! Thư anh gửi đi Nam Kinh là gửi cho ai? - Gửi cho một người bạn tôi ở An Khánh tên là Quý Điềm Dật nhưng không phải cùng họ Quý với tôi. Trước đây anh ta cùng đi Nam Kinh với tôi nhưng nay tôi không thể trở lại đó được. Anh ta là người vô dụng, nên tôi phải gửi mấy chữ để bảo anh ta về nhà.
- Anh đã viết thư chưa?
- Chưa viết! Chiều nay tôi sẽ viết, ngày mai chú lấy thư và tiền luôn rồi đến ngày kia chú lên đường.
Bão Đình Tỷ gật đầu đi ra. Chiều hôm ấy Quý Vi Tiêu viết xong bức thư, gói năm trăm đồng đợi Bão Đình Tỷ đến lấy. Sáng hôm sau một người khách đi kiệu đến đưa vào một cái thiếp đề: “Bạn học Tôn Cơ đến thăm”. Quý Vi Tiêu vội vàng chạy ra đón. Người này mặc một cái áo rộng, đội mũ vuông ra vẻ con người sang trọng. Y vào nhà ngồi xong, Quý Vi Tiêu hỏi:
- Ông tên tự là gì?
- Tôi tự là Mục Am người Hồ Quảng. Trước kia tôi ở kinh cùng ông Tạ Mậu Tần dạy học ở nhà Triệu Vương. Hiện nay tôi đang trên đường về nhà, nghe đến đại danh của ông nên lại đây thăm. Tôi có mang theo một bức tranh để xin ông mấy chữ. Mai đây mang bức tranh về đến Nam Kinh, tôi cũng sẽ xin các danh sĩ đề vịnh vào đấy.
- Đại danh của tiên sinh như sấm động bên tai, tôi dám đâu đánh trống trước cửa nhà sấm để mua cười.
Hai người nói xong uống trà, Quý Vi Tiêu chào khách, tiễn khách ra cửa thì vừa gặp lúc Bão Đình Tỷ đến lấy thư, tiền và cảm ơn Quý Vi Tiêu. Quý Vi Tiêu nói:
- Khi nào chú đến Nam Kinh thì thế nào chú cũng phải tìm đến đường Trạng Nguyên khuyên người bạn của tôi là Quý Điềm Dật về nhà. Ở Nam Kinh là nơi rất dễ chết đói không thể nào ở lâu được.

Nói xong, Quý tiễn Bão ra cửa.
Bão Đình Tỷ có tiền liền thuê thuyền về Nam Kinh. Y trở về nhà đem nỗi đau khổ này nói với vợ. Lại bị vợ mắng cho một trận. Thi ngự sử lại đến đòi tiền nhà. Bão không có tiền trả, phải giao nhà lại cho Thi ngự sử, lại mất luôn số tiền đặt cọc là hai mươi lạng bạc. Bấy giờ, không biết đi đâu, họ đành đến ở nhờ một cái phòng của họ Hồ, một người bà con bên vợ Đình Tỷ ở Nội Kiều. Ở được một vài ngày, Đình Tỷ tìm đường Trạng Nguyên đem thư đến cho Quý Điềm Dật. Điềm Dật xem thư, mời Bão uống trà rồi nói:
- Cám ơn ông những lời này tôi đã biết tất cả rồi. Đình Tỷ từ giã ra về.
Quý Điềm Dật vì không có tiền nên không có chỗ nào ở trọ, mỗi ngày chỉ tiêu tám đồng tiền, mua bốn cái bánh để ăn làm hai bữa. Đến chiều tối nằm ngủ trên quầy hàng một hiệu khắc chữ. Hôm ấy xem thư, biết Quý Vi Tiêu không đến, Điềm Dật lại càng lo. Không có tiền đi đường trở về An Khánh, mỗi ngày ăn bánh xong, Điềm Dật chỉ còn một cách ngồi thừ ở trong hiệu khắc chữ. Một buổi sáng, tiền ăn bánh cũng hết. Vừa lúc ấy, thấy một người ở ngoài đi vào, đầu đội mũ vuông, mặc áo màu xám, cúi đầu vái chào. Quý mời ngồi trên cái ghế dài bên cạnh. Người kia hỏi:
- Ông cho biết quý tính?
- Tôi họ Quý.
- Ông làm ơn cho biết ở đây có danh sĩ nào làm văn tuyển không?
- Tôi biết nhiều người lắm: Vệ Thể Thiện, Tuỳ Sầm Am, Mã Thuần Thượng, Khuông Siêu Nhân, Cừ Dật Phu, tôi biết tất cả. Lại còn ông bạn trước cùng ở đây với tôi là ông Quý Vi Tiêu, đều là những danh sĩ cả. Ông muốn người nào?
- Người nào cũng được. Tôi có hai ba trăm lạng bạc muốn tuyển một bộ văn bát cổ. Nhờ ông tìm hộ cho tôi một người để cùng cộng tác.
- Ông làm ơn cho tôi biết họ và nơi ở để tôi nói với họ.
- Tôi họ Gia Cát người huyện Vu Thai, nói ra thì ai cũng biết cả. Ông cố tìm cho tôi một người thì tốt lắm!
Quý mời y ngồi ở đấy còn mình đi ra ngoài phố. Quý nghĩ bụng:
- Mặc dầu các vị kia hay đến đây, nhưng bây giờ họ ở rải rác các nơi có họa trời mới biết! Không biết tìm đâu ra được bây giờ. Thật tiếc Quý Vi Tiêu không còn ở đây nữa!
Rồi lại nghĩ: “Cần quái gì! Ta ra cửa Thuỷ Tây vớ một anh nào đó là có một bữa chén rồi!”
Chủ ý đã định, Quý liền đi đến cửa Thủy Tây. Chỉ thấy một người mang một gói hành lý đang bước vào thành. Nhận ra người ấy là Tiêu Kim Huyễn người huyện An Khánh, y mừng rỡ reo lên:
- Tốt lắm!
Và chạy lại nắm lấy tay hỏi:
- Anh Kim Huyễn! Anh đến đây bao giờ?
- Anh Điềm! Anh vẫn ở với anh Vi Tiêu kia mà!
- Anh Vi Tiêu về Dương Châu đã lâu rồi. Tôi hiện nay ở đây. Anh đến đây vừa đúng dịp lắm. Anh đi với tôi, tôi kiếm cho một việc tha hồ mà sống. Nhưng anh phải nhớ đến tôi mới được.
Tiêu Kim Huyễn hỏi:
- Việc gì thế?
- Không cần hỏi. Anh cứ đi với tôi. Tôi đảm bảo với anh là một món rất bở.

Tiêu Kim Huyễn nghe vậy cùng đi với Quý đến hiệu khắc chữ đường Trạng Nguyên thì thấy Gia Cát đã ngồi đợi mòn cả mắt. Quý gọi to:
- Ông Gia Cát! Tôi đã tìm cho ông một vị “Đại danh sĩ” đây rồi!
Gia Cát chạy ra vái chào mời vào hiệu, đem hành lý của Tiêu Kim Huyễn vào hiệu khắc chữ rồi ba người cùng vào một tiệm trà. Sau khi chào nhau, tất cả cùng ngồi. Gia Cát nói:
- Tôi là Gia Cát Hựu tự là Thiên Thân.
Tiêu Kim Huyễn nói:
- Tôi là Tiêu Đình tự là Kim Huyễn.
Quý Điềm Dật đem câu chuyện Gia Cát Thiên Thân có mấy trăm lạng bạc định soạn một văn tuyển nói lại với Tiêu Kim Huyễn nghe. Gia Cát Thiên Thân nói:
- Tôi cũng có biết làm văn tuyển chút ít. Nhưng đến nơi đô hội, tôi cần phải có một danh sĩ để tiện theo chân nối gót. Nay gặp được Tiêu tiên sinh thực là như cá gặp nước.
Tiêu Kim Huyễn nói:
- Tôi chỉ sợ sức mọn tài hèn không làm nổi việc.
Quý Điềm Dật nói:
- Hai ông không cần phải khiêm tốn nữa. Hai ông hâm mộ nhau đã lâu nay được gặp mắt khác nào bạn cũ. Ông Gia Cát phải đãi một bữa tiệc mời ông Tiêu ăn và sau đó ta bàn công việc đâu vào đấy.
Gia Cát nói:
- Đúng đấy! Tôi là một người khách ở đây. Tôi xin các ông tạm vào hiệu ăn để nói chuyện.
Ba người trả tiền xong đi ra, đến một tửu lâu lớn ở đường Tam Sơn. Tiêu Kim Huyễn ngồi ghế đầu. Quý ngồi đối diện. Gia Cát ngồi ghế chủ. Hai người hầu bàn đến hỏi. Quý bảo đem lên giò, thịt vịt, cá nấu với rượu. Trước tiên đem lên thịt vịt và cá để nhắm rượu. Còn để chân giò đấy lại mua thêm ba đồng cân bạc canh để ăn với cơm. Một lát, người hầu bàn đem rượu đến và họ bắt đầu uống. Quý nói:
- Việc đầu tiên phải bàn là phải tìm một cái phòng rộng rãi yên tĩnh. Sau đó, khi chọn lọc văn chương, các ông có thể bảo người thợ khắc đến và trông nom họ khắc chữ.
Tiêu Kim Huyễn nói:
- Chỗ ở vắng vẻ nhất là chùa Báo Ân ở ngoài Cửa Nam. Ở đấy không ồn ào, phòng lại rộng, giá tiền lại rẻ. Ăn cơm xong, chúng ta đến đấy tìm chỗ ở đi.
Họ nói chuyện, uống cạn hết mấy hồ rượu. Người hầu bàn đem giò lợn và cơm lên. Quý Điềm Dật ăn một bữa no nên. Sau khi đã tính tiền và trở lại hiệu khắc chữ nói với người ở đấy giữ hộ hành lý của Tiêu Kim Huyễn, ba người cùng đi đến Cửa Nam. Cửa Nam là một nơi buôn bán náo nhiệt, xe, ngựa chen nhau như nước chảy. Ba người phải len mãi mới tìm được một lối đi. Xa xa nhìn thấy chùa Báo Ân họ liền đi tới. Quý Điềm Dật nói:
- Chúng ta hãy thuê một cái phòng gần cổng.
Tiêu Kim Huyễn nói:
- Không nên, ta cứ vào ở trong này. Như thế yên tĩnh hơn.

Họ đi một đoạn qua nhà nghỉ của các hòa thượng, đi đến nhà một vị hòa thượng và gõ cửa. Một chú tiểu ra mở cửa hỏi có việc gì. Khi nghe nói ba người đến thuê nhà, chú tiểu liền mời vào nhà. Một vị hòa thượng già đi ra, mặc áo lụa, đội mũ nâu bằng đoạn, tay cầm tràng hạt. Sau khi chào hỏi, hòa thượng mời ngồi hỏi họ tên và ở đâu đến. Ba người nói đến thuê một gian phòng. Hòa thượng nói:
- Tôi có nhiều phòng. Các quan khách đều đến đấy ở. Xin ba vị cứ xem muốn chọn phòng nào thì chọn. Ba người vào xem ba phòng. Sau đó họ đi ra, ngồi nói chuyện với hòa thượng và hỏi giá tiền. Hòa thượng đòi ba lạng bạc một tháng. Mặc dù họ nói đến nửa ngày hòa thượng cũng không chịu bớt một đồng tiền nào. Gia Cát xin trả hai lạng bốn mươi đồng, hòa thượng cũng không nghe, lại bắt đầu mắng chú tiểu.
- Sao không quét nhà đi. Ngày mai Thi ngự sử ở cầu Hạ Phù đến uống rượu ở đây coi sao cho tiện.
Tiêu bực mình nói với Quý:
- Phòng thì tốt, nhưng phải cái hơi xa chỗ mua bán.
Hòa thượng nét mặt ngờ nghệch nói:
- Khách ở đây nếu chỉ dùng một người đầy tờ để mua bán hay nấu ăn thì không đủ, cần phải có hai người, một người nấu ăn và một người để mang xách, mua đồ.
Tiêu vừa cười vừa nói:
- Khi chúng tôi đến ở đây, ngoài một người nấu ăn và một người đầy tớ lại còn một con lừa trọc đầu để cưỡi đi chợ nữa, như thế mới nhanh.
Hòa thượng trợn mắt nhìn ba người. Ba người đứng dậy nói:
- Chúng tôi xin chào. Chúng tôi sẽ lại để bàn bạc sau.
Hòa thượng tiễn họ ra cửa.
Ba người đi độ nửa dặm nữa thì gõ cửa một nhà tăng. Thầy tăng ra tiếp, mặt mày hớn hở cười mời ba người vào phòng khách ngồi, pha trà mới, đưa ra chín đĩa mứt, có những bánh rất ngon mời ba người ăn. Có cả mứt cam, hạnh đào. Khi nghe ba người nói muốn thuê phòng, thầy tăng cười và nói:
- Cái đó không khó gì! Ba vị muốn chọn một phòng nào thì tùy ý và cứ chọn ngay cho.

Họ hỏi giá tiền tháng, vị tăng nói: - Không cần bàn việc này làm gì. Có khi mời cũng chưa chắc các vị đã đến cho. Các vị trả thế nào cũng xin vâng, đủ tiền dầu hương là được. Người tu hành bàn đến việc đó làm gì?
Tiêu Kim Huyễn thấy thầy tăng nói khác tục bèn nói: - Tôi xin hỏi cụ thế này xin cụ đừng giận. Nếu chúng tôi trả một tháng hai lạng, ý cụ như thế nào?
Thầy tăng liền nhận ngay. Tiêu và Gia Cát ở lại đó còn Quý thì trở về lấy hành lý. Vị tăng bảo người đạo nhân dọn dẹp quét tước, trải nệm lên giường, bày biện bàn ghế và đem trà đến cùng uống với hai người. Đến chiều hành lý đều đem đến. Thầy tăng cáo từ rút lui. Tiêu Kim Huyền gọi Gia Cát Thiên Thân bảo phải cân trước hai lạng bạc, lấy giấy gói lại, đóng dấu và đưa cho thầy tăng. Thầy tăng lại ra chào và cảm ơn. Sau đó, ba người thắp đèn và bắt đầu bàn đến việc ăn tối. Gia Cát cân một ít bạc đưa cho Quý đi mua rượu và đồ nhắm. Quý đi ra một lát mua về bốn hồ rượu, bốn đĩa nhắm: một đĩa lạp xường, một đĩa tôm muối, một đĩa đùi ếch, một đĩa sứa đặt trên bàn. Gia Cát là người nhà quê, không biết lạp xường là gì nói:
- Cái này là cái gì đây trông như dái lợn Tiêu Kim Huyễn nói:
- Ông cứ ăn đi, không cần hỏi.
Gia Cát ăn rồi nói:
- Đó là thịt khô.
Tiêu Kim Huyễn nói:
- Lại không đúng rồi! Thịt khô đâu lại có da bọc xung quanh. Đó là thịt lợn nhồi vào trong ruột lợn đấy.
Gia Cát Thiên Thân lại không biết sứa là gì nói:
- Cái thứ mềm mềm như thế này là cái gì? Ăn ngon tuyệt! Lần sau phải mua thứ này mà ăn mới được.
Tiêu và Quý hai người ăn một hồi mãi đến tối tiệc rượu mới xong, sau đó tắt đèn đi ngủ. Quý không có hành lý, Tiêu đưa cho y cái chăn của mình để đắp mà ngủ.
Sáng hôm sau thầy tăng bước vào nói:
- Hôm qua ba vị hạ cố đến đây. Hôm nay bần tăng có một bữa cơm thường muốn mời ba vị cùng xơi cho vui. Sau đó tôi sẽ dẫn các vị xem cảnh xung quanh chùa.
Ba người nói:
- Không dám.
Thầy tăng mời ba người đến ngồi trong một cái phòng ở dưới lầu. Ở đấy có bốn đĩa đồ ăn to tướng để ăn sáng. Ăn xong thầy tăng cùng ba người bắt đầu đi dạo chơi. Vị tăng nói:
- Chúng ta phải đi xem Thiền Lâm của Tam Tạng.
Thầy tăng dẫn họ đến một cái điện, rất cao. Trên điện có một cái biển có sáu chữ vàng “Thiên hạ đệ nhất tổ đình”(3) họ đi qua hai gian phòng thì đến một cái lan can uốn khúc có từng bậc đưa họ lên trên lầu. Họ tưởng rằng đằng sau không có cái gì nữa. Nhưng vị tăng đã mở cái cửa ở sau lầu và mời họ đi vào. Họ đi đến một nơi đất phẳng, đứng chỗ thật cao có thể nhìn thấy cả bốn phía. Ở giữa là một rừng cây lớn cao tận trời xanh, có hàng vạn cây trúc trước gió thổi rì rào. Ở chính giữa là một cái tháp giữ những di tích của pháp sư Huyền Trang đời Đường.
Sau khi dạo chơi một lát, thầy tăng lại mời họ trở về nhà. Buổi chiều họ uống rượu có chín đĩa nhắm. Đang lúc uống rượu thì thầy tăng nói:
- Bần tăng từ khi đến đây chưa hề mời khách. Đến ngày kia trong chùa có lễ và diễn tuồng, mời các vị đến xem. Cố nhiên là không mất tiền. Ba người nói:
- Chúng tôi thế nào cũng đến mừng.
Đến khuya bữa tiệc tan. Ngày thứ ba, vị tăng mời khách ở các nơi từ quan phủ doãn Ứng thiên đến các nha môn ở tỉnh và huyện, tất cả độ năm, sáu mươi người. Những người bếp, những người hầu trà đến trước. Những người diễn tuồng cũng đã mang rương hòm đến. Vị tăng đang nói chuyện suông ở trong phòng ba người, đột nhiên có một đạo sĩ chạy vào nói:
- Thưa thầy thằng ấy lại đến đây rồi!
Nhân phen này, khiến cho:
Sóng gió đất bằng,  vị thiên nữ trước
Duy Ma xuất hiện; (4) nhà không yên họp,
giữa bầy gà chim bạch hạc nhởn nhơ.
Muốn biết việc sau như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.

---------------
(1) Điện quý của Diêm Vương.
(2) Nơi kiểm soát thuyền bè qua lại phải nộp tiền, chữ Trung Quốc là sa quan.
(3) Người mở đầu một môn phái mà Phật là tổ. Đây chỉ Huyền Trang đời Đường.
(4) Trích trong kinh phật, vị thiên nữ sau khi nghe nhà đại cư sĩ Duy Ma Cật thuyết pháp, liền hiện ra nguyên hình, nhưng Duy Ma Cật không bị nó cám dỗ. Đây dùng để ví sau này Long Tam giả dạng con gái đến ghẹo nhà chùa.

Hồi 29

Gia Cát hữu tăng phòng gặp bạn
Đỗ Thận Khanh giang quân cưới hầu

Vị tăng đương nói chuyện ở trong phòng của ba người thì một đạo nhân hoảng hốt chạy vào báo:
- Thằng ấy lại đến đây rồi!
Vị tăng từ giã ba người, cùng đạo nhân đi ra và hỏi đạo nhân:
- Có phải cái thằng Long Tam khốn nạn đấy không?
- Chứ còn ai nữa! Lần này hắn đến đây định giở trò gì còn kỳ lạ hơn trước nữa kia. Thầy ra mà xem!
Vị tăng xuống lầu, đi qua phòng trà. Những người hầu đang quạt trà ở ngoài cửa. Thầy tăng đến chỉ thấy một người đang ngồi trên ghế: hắn mặt đen, mắt vàng, râu ria xồm xoàm, đầu đội một cái mũ phượng cắt bằng giấy, mình mặc một cái áo đàn bà bằng vải lam, một cái quần vải trắng chân đi một đôi hài rộng thêu hoa. Hai người khiêng kiệu đang đứng ở sân trong đòi tiền. Người lạ mặt này thấy vị tăng liền cười nhăn nhở. Hắn nói:
- Này mình! Hôm nay mình có việc vui cho nên tôi đến đây thật sớm để giúp đỡ mình. Mình trả tiền người khiêng kiệu cho tôi đi!
Vị tăng cau mày nói: - Này Long Tam! Mày lại đến đây làm gì thế? Làm cái trò gì thế này?
Và vội vàng trả tiền cho những người khiêng kiệu để cho họ đi.
Vị tăng lại nói: - Long Tam! Mày còn chưa cởi thứ áo quần ấy đi à! Mày ăn mặc gì kỳ quặc thế kia?
Long Tam nói: - Mình ơi! Sao mình lại tệ thế? Bây giờ mình làm quan rồi thế mà mình không cho tôi một cái mũ phượng bằng vàng cho tôi đội, không may cho tôi một bộ áo thêu đỏ để tôi mặc cho ra vẻ một bà quan, đến nỗi tôi phải mang một cái mũ phượng bằng giấy. Người ta cười mặc kệ người ta! Tại sao mình lại bảo tôi cất nó đi?
- Mình ơi, mình lại nói sai rồi! Vợ chồng với nhau thân thiết, tôi giận mình làm gì?
- Tao nhận rằng hôm nay tao có lỗi vì tao không mời mày, nhưng mày phải thay áo quần đi rồi vào bàn mà uống rượu. Chứ cứ ăn mặc như cái thằng điên như thế này thì thiên hạ người ta cười cho!
- Nếu vậy thì tôi có lỗi! Tôi là bà vợ thì phải ngồi ở phòng trong để chuẩn bị các thức ăn, gọt trái cây và lo công việc nhà cho mình chứ! Có lẽ nào lại có đàn bà ngồi ngoài nhà khách như thế này? Người ta mà vào thì người ta cười rằng ở đây đàn ông, đàn bà chẳng có gì phân biệt cả. Vừa nói xong, hắn liền chạy tọt vào phòng. Vị tăng cản không được, chạy vào phòng nói:
- Long Tam! Cái lối đùa như thế bây giờ không được đâu. Nếu quan trên người ta biết thì cả hai người còn ra thể thống gì nữa.
- Mình ơi, mình cứ yên tâm! Cổ nhân đã có câu: “Các quan không thể bàn đến việc nhà người khác”.

Vị tăng giận dữ giẫm chân đành đạch. Long Tam ngồi điềm nhiên trong phòng và gọi người đạo nhân vào bảo:
- Mày bảo người hầu trà đem trà vào đây cho bà nghe không?
Vị tăng đi ra, trong lòng bực bội. Ra đến ngưỡng cửa thì gặp ba người là Tiêu, Gia Cát và Quý. Vị tăng không thể cản họ vào. Quý nói:
- A! Bà này ở đâu đến đây?
“Bà” kia đứng lên cười và nói:
- Mời ba vị ngồi.
Vị tăng tức bực nói không ra lời, ba người khách nhịn cười không được. Vừa lúc ấy, người đạo nhân chạy vào báo:
- Ông Vưu ở nha môn quan phủ đã đến.
Vị tăng đành phải ra tiếp khách. Vưu và Quách là hai người thư biện ở nha môn. Họ bước vào vái chào và ngồi uống trà. Nghe tiếng người nói ở phòng bên, họ lại bước vào xem, vị tăng không làm sao cản được. Hai người bước vào trông thấy Long Tam liền giật mình hỏi:
- Cái gì thế?
Vừa hỏi vừa nhịn cười không được. Bốn năm người đồng thời cười rộ lên. Vị tăng lại càng tức lồng lộn, không biết làm sao, nói:
- Thưa các vị, nó là một thằng lường gạt, nó đã nhiều lần lường gạt tôi.
Vưu cười hỏi:
- Tên nó là gì?
- Tên nó là Long Tam.
Quách hỏi:
- Này Long Tam! Hôm nay vị tăng của chúng tao có việc vui mừng, mày đến đây làm náo loạn để làm gì. Mau mau cởi quần áo ra và xéo đi ngay.
- Việc này là việc riêng của chúng tôi không liên quan gì đến các ông.
Vưu nói:
- À mày lại còn nói láo à? Mày chẳng qua là muốn lường gạt ông ta. Làm như thế không được đâu!
Tiêu Kim Huyễn nói:
- Chúng ta mỗi người cho cái thằng xúc sinh này một ít tiền để nó đi cho rảnh khỏi làm ồn ào ở đây.
Nhưng Long Tam cũng không chịu.
Trong lúc mọi người đang bàn bạc thì đạo nhân lại vào báo:
- Ông Đổng và ông Kim đều đến.

Đang nói thì Đổng làm thư biện và Kim Đông Nhai đã bước vào phòng. Kim Đông Nhai nhận ra Long Tam liền quát:
- Mày là thằng Long Tam phải không? Đồ chó chết! Ở kinh đô mày đã cướp của tao mấy mươi lạng bạc rồi bỏ đi. Nay mày lại còn dám đến đây ăn mặc như thế này à! Rõ ràng mày là đồ lường gạt, đồ khả ố!
Rồi quay ra bảo những người đầy tớ:
- Giật ngay cái mũ phượng trên đầu nó đi, lột ngay áo quần nó ra, đuổi nó ra ngoài cho tao.
Long Tam thấy Kim Đông Nhai thì sợ hãi, cất mũ phượng thay quần áo và nói:
- Tôi đến đây để chờ các ngài thôi.
Kim Đông Nhai nói:
- Ai mượn mày đến đây? Mày lại đến lường gạt vị tăng phải không? Rồi đây, ta sẽ nói với ông ta cho mày ít tiền để mày làm vốn kiếm ăn, nhưng nếu còn gây sự như thế thì tao lôi mày đến nha môn cho mày biết tay!
Long Tam thấy thế không dám làm gì, cúi chào Kim Đông Nhai rồi đi ra. Vị tăng đưa các vị khách xuống lầu lại vái chào, mời ngồi, đặc biệt cảm ơn Kim Đông Nhai. Khi những người hầu trà đã bưng trà lên, Quách nói:
- Ông Kim, mấy lâu nay ông vẫn ở Kinh, thế ông về Giang Nam bao giờ thế?
- Gần đây tôi gặp phải nhiều việc rắc rối tốn tiền, nên phải nghĩ đến việc về nhà. Về nhà, đứa con của tôi may mắn thi đỗ tú tài, không ngờ lại gây ra nhiều chuyện bàn tán nọ kia. Mặc dầu cái thực bao giờ cũng không thể giả được nhưng cũng mất mấy lạng bạc. Ở nhà buồn không có việc gì, tôi lên Dương Châu thăm cụ Tuân(1) là chỗ quen biết cũ ở Kinh. Cụ Tuân có lòng tốt giao cho tôi làm một chức trong sở muối, kiếm được mấy trăm lạng bạc.
Đồng hỏi:
- Ông có biết cụ Tuân hiện nay có việc mới xảy ra không?
- Không, việc gì thế?
- Ông ta vừa mới bị bắt mấy hôm nay về tội ăn hối lộ. Kim Đông Nhai nói:
- Thật là họa phúc sớm chiều không ai biết trước được.
Quách hỏi:
- Bây giờ ông ở đâu?
Đồng nói:
- Ông Kim đã mua được một cái nhà bên bờ sông gần cầu Lợi Thiệp.
Mọi người nói:
- Như thế thì hôm nào chúng tôi sẽ đến thăm.

Kim Đông Nhai bèn hỏi họ tên ba người khách. Ba người này đều nói họ tên của mình. Kim Đông Nhai nói:
- Thế ra tất cả các vị đều là những danh sĩ cả. Tôi cũng có chú thích “Tứ Thư” “Ngũ Kinh”. Hôm nào tôi sẽ đem đến để xin chỉ giáo.
Một lát sau, mấy chục người khách đến, cuối cùng là ba người đội mũ vuông và một người đạo sĩ đi vào. Mọi người không biết vị đạo sĩ này là ai. Một trong những người mới đến, đội mũ vuông hỏi:
- Ở đây có ai là ông Quý Điềm Dật không?
Quý Điềm Dật nói:
- Chính tôi! Tiên sinh có việc gì dạy bảo?
Người kia lấy ở trong ống tay áo một bức thư:
- Ông bạn của tôi là ông Quý Vi Tiêu gửi lời thăm ông.
Quý Điềm Dật mở thư cùng đọc với Tiêu và Gia Cát biết rằng bốn người ấy là Tân Đông Chi, Kim Ngụ Lưu, Quách Thiết Bút và Lai Hà Sĩ. Quý nói:
- Mời các vị vào!
Bốn người thấy ở đây có việc nên xin cáo từ. Vị tăng giữ họ lại nói:
- Bốn vị từ xa đến đây, chúng tôi rất hân hạnh được đón tiếp, xin mời các vị ngồi vào bàn.
Biết là không thể từ chối, bốn người đều ngồi xuống. Kim Đông Nhai bèn hỏi đến việc cụ Tuân xem có đúng hay không. Quách Thiết Bút nói:
- Ông ta bị bắt đúng hôm tôi xuống thuyền. Họ ăn tiệc, diễn tuồng.
Đến tối, Tân Đông Chi và Kim Ngụ Lưu trở về thành nghỉ ở am Đồng Hoa Viên. Những người khách khác cũng đều về nhà. Quách Thiết Bút và Lai Hà Sĩ ở lại một đêm với Gia Cát Thiên Thân. Hôm sau, Lai đạo sĩ đến Thần Lạc Quán để tìm một vị đạo sĩ khác. Quách Thiết Bút thuê một cái phòng ở cửa chùa Báo Ân và mở một hiệu khắc dấu ở đấy.
Quý Điềm Dất và hai người kia bắt đầu ghi sổ ăn chịu tại hiệu Tụ Thăng Lâu ở trước cửa chùa. Mỗi ngày mua cơm, đồ ăn và uống rượu ở đấy, tất cả độ bốn năm mươi đồng tiền. Khi việc làm ăn tuyển đã xong, họ thuê bảy tám người thợ đến khắc mua chịu độ một trăm cuốn giấy và chuẩn bị in. Độ năm tháng sau thì số tiền của Gia Cát không còn lại bao nhiêu nữa. Nhưng họ vẫn tiếp tục ăn chịu như thế. Hôm ấy, Quý Điềm Dật và Tiêu Kim Huyễn cùng nhau dạo chơi quanh chùa. Quý nói:
- Số tiền của anh Gia Cát đã gần hết, chúng ta đã mắc nợ rồi đấy! Còn sách thì chưa biết bán chạy hay không. Bây giờ làm thế nào mà trả?
Tiêu nói:
- Việc này là do ông ta tình nguyện làm, không ai ép buộc cả. Nếu hết tiền thì cố nhiên ông ta phải về nhà mà lấy chứ! Cứ mặc kệ ông ta!
Đang lúc nói chuyện thì Gia Cát đến. Hai người không nói nữa. Ba người đi dạo chơi một lát rồi cùng về phòng thì thấy một cái kiệu, với hai người mang hành lý tiến về phía họ. Ba người cũng đi theo đoàn người này vào chùa.
Rèm kiệu vừa mở, trên kiệu là một người thanh niên đội mũ vuông. Gia Cát nhớ mang máng là một người mình quen. Nhưng kiệu chạy như bay. Gia Cát nói:
- Tôi nhớ tôi có quen người ngồi trong kiệu kia.
Và chạy theo hỏi người đầy tớ:
- Các ông ở đâu đấy?
- Ông chủ chúng tôi là ông Đỗ ở Thiên Trường. Gia Cát quay trở lại. Ba người thấy cái kiệu và những người mang hành lý đến nhà hòa thượng sát vách với cái nhà ba người nghỉ trọ. Gia Cát Thiên Thân nói với hai người - Người vừa đi qua là cháu Đỗ thượng thư ở Thiên Trường. Tôi đã gặp ông ta. Ông ta là một vị danh sĩ ở đất chúng tôi. Không biết ông ta đến đây có việc gì? Ngày mai tôi phải đến gặp mới được!

Hôm sau, Gia Cát Thiên Thân đến thăm, nhưng Đỗ không ở nhà. Ba hôm sau, Đỗ mới đến đáp lễ. Ba người cùng ra đón. Hôm ấy là một ngày cuối xuân đầu hạ. Trời đã dần dần ấm áp. Đỗ mặc áo sa màu da cam, tay cầm một cái quạt đề thơ, chân đi giày tơ bước vào. Khi Đỗ đến gần, máy người nhận thấy Đỗ mặt trắng như dồi phấn, mắt đen lay láy, dáng người nho nhã, thật là một vị thần tiên giáng thế. Đỗ đẹp trai như Phan An(2), thơ hay như Tào Tử Kiến(3), là người danh sĩ nổi tiếng nhất nhì ở đất Giang Nam. Sau khi vái chào, tất cả ngồi xuống. Đỗ hỏi họ tên hai người, và ở đâu đến. Đỗ lại nói: “Tôi là Đỗ Thuyến tự là Thận Khanh” và quay lại phía Gia Cát nói:
- Anh Thiên Thân, từ khi gặp nhau năm ngoái lúc đi thi, đến nay đã quá nửa năm rồi nhỉ?
Gia Cát Thiên Thân nói với hai người:
- Năm ngoái, cụ Thân làm học đài ở phủ tôi có ra đầu đề thơ phú cho danh sĩ hai mươi bảy châu huyện trong khi thi chung ở phủ. Quyển của ông Đỗ đứng đầu.
Đỗ Thận Khanh cười nói:
- Đó chẳng qua là việc làm để tặng nhau trong một lúc, kể nó làm gì! Vả chăng hôm đó tôi mệt, phải mang thuốc đến trường; làm qua loa cho xong chuyện thôi.
Tiêu Kim Huyễn nói:
- Gia thế ông nổi tiếng phong lưu khắp cả Giang Nam chẳng kém họ Vương họ Tạ(4) đâu đâu cũng khâm phục.
Ông lại là bậc tài giỏi nhất ở trong gia đình, hôm nay may mắn được gặp, rất mong được chỉ giáo.
- Các ngài đều là những bậc danh sĩ một thời, tôi đáng lý phải thỉnh giáo mới phải chứ, nói như thế sao được?
Mấy người ngồi xuống uống một chén trà rồi vào trong phòng. Nhìn thấy trên bàn đầy cả những bản văn tuyển khắc chữ đỏ, trông loạn cả mắt, Đỗ Thận Khanh nhìn qua rồi để sang một bên. Đột nhiên giở đến một bài thơ của Tiêu Kim Huyễn làm ngày trước nhan đề “Đi thăm đầm Ô long vào mùa xuân”. Đỗ nhìn xong, gật đầu nói:
- Nếu ông cho phép, tôi cũng xin mạn phép nói liều. Theo tôi thơ lấy khí làm chủ: hai câu này của ông: 
Hoa đào tội gì thắm như vậy 
Dương liễu bông dưng xanh dễ thương
viết như thế này thì e nó quá công phu và, cố ý. Bây giờ ta thêm một chữ “hỏi” ở câu đầu.
(Hỏi) hoa đào tội gì thắm như vậy?
thì thành một câu từ rất hay theo điệu “Hạ Tân Lương” ngay. Bây giờ tiên sinh lại đem viết nó thành thơ và thêm vào đằng sau một câu gò ép thành ra nó phạt.
Lời phê này làm cho Tiêu Kim Huyễn sợ toát mồ hôi.
Quý Điềm Dật nói:
- Ông bàn về thơ như vậy, nếu gặp ông bạn của tôi là ông Vi Tiêu thì chắc chắn là tâm đầu ý hợp!
Đỗ Thận Khanh nói:
- Ông Vi Tiêu có phải bà con của ông không? Tôi có được đọc thơ của ông ta. Ông ta cũng có tài.
Ngồi một lát Thận Khanh xin từ biệt.
Hôm sau, Đỗ Thận Khanh viết thiếp đề “Ở nhà tôi hoa mẫu đơn nở nhiều. Tôi đã sửa soạn mấy chén trà nhạt mời các vị đến nói chuyện chơi”. Ba người vội vàng mặc áo đến. Thấy một người nữa ngồi với Đỗ. Sau khi vái chào nhau, họ mời người ấy ngồi ghế đầu. Đỗ Thận Khanh nói:
- Ông Bão đây là người trong nhà chúng tôi. Ông ta không dám ngồi trước các vị.
Quý Điềm Dật nhận ra người kia là Bão Đình Tỷ đã đưa thư từ Dương Châu đến cho mình. Và nói với hai người:
- Đây là ông chú của ông Vi Tiêu.
Bèn hỏi:
- Ông đến đây có việc gì?
Bão Đình Tỷ cười và nói:
- Ông Quý không biết đấy thôi. Gia đình tôi vốn là môn hạ Đỗ Phủ mấy đời nay. Cha tôi và tôi chịu ơn nhà cụ Thượng Đỗ rất nhiều. Nay nghe tin ông Mười bảy ở đây, chúng tôi dám đâu không đến thăm.

Đỗ Thận Khanh nói:
- Bất tất phải nói việc đó, thôi bảo người nhà đem rượu ra đây!
Bão Đình Tỷ và một người đầy tớ mang bàn đến. Đỗ Thận Khanh nói:
- Hôm nay tôi muốn bỏ hết những món ăn tục. Chúng ta chỉ dùng cá, anh đào và măng Giang Nam để nhắm với rượu. Chúng ta vừa uống rượu vừa nói chuyện suông.
Lúc bưng lên, quả nhiên chỉ thấy có mấy đĩa sơ sài như thế thôi. Rượu rót đầy chén, toàn là rượu quất thượng hạng ở phố Vĩnh Ninh, Đỗ Thận Khanh là một tay tửu lượng rất khá. Đỗ không ăn gì, sau khi nâng đũa mời khác, Đỗ chỉ gắp mấy miếng măng và vài quả anh đào để nhắm rượu. Cốc rượu cứ cạn lại đầy, uống mãi tới quá trưa. Đỗ gọi mang đồ điểm tâm lên. Bánh nhân thịt, bánh nhân thịt vịt quay, bánh rán mỡ ngỗng; bánh ngọt được mang lên. Sau khi dùng điểm tâm, mỗi người uống một chén trà Lục An pha với nước mưa, riêng Thận Khanh chỉ ăn một cái bánh ngọt và uống một chén trà. Y bảo thu dọn bàn tiệc, lại bảo đem rượu lên uống.
Tiêu Kim Huyễn nói:
- Lúc này ngắm hoa nở, gặp bạn hiền, không lẽ không có thơ! Chúng ta hãy chọn vần có được không?
Đỗ Thận Khanh cười mà rằng:
- Việc này các thi xã hiện nay vẫn thường làm, nhưng theo ý tôi, cái đó là việc của bọn tục khách để tỏ ra mình phong nhã. Chúng ta thì cứ nói chuyện suông thế này là hơn.
Nói xong, Đỗ liếc mắt nhìn Bão Đình Tỷ. Bão Đình Tỷ cười và nói:
- Tôi xin góp vui.
Bão liền đi vào phòng, lấy một cái sáo ở trong bao gấm ra rồi ngồi ở bàn tiệc bắt đầu thổi. Trong khi đó, một đứa trẻ đứng bên cạnh Bão Đình Tỷ vừa vỗ tay đánh nhịp, vừa hát bài “Thanh bình điệu” của Lý Bạch. Tiếng sáo khi trầm khi bổng, réo rắt như xé trời xanh. Ba người dừng chén ngây ngất lắng nghe. Thận Khanh lại một mình uống luôn mấy chén. Họ uống mãi đến lúc trăng lên, ánh trăng chiếu vào hoa mẫu đơn làm cho sắc đẹp của hoa lại tăng thêm bội phần, cả cái vườn trắng như tuyết. Ba người ngây ngất như muốn đứng dậy nhảy múa. Thận Khanh đã say mềm. Vừa lúc ấy, một vị hòa thượng chậm rãi bước vào, tay cầm một cái hộp bọc gấm. Mở hộp ra, trong ấy có một tràng pháo Kỳ Môn. Hòa thượng nói:
- Bần tăng đến đây để thức các ngài tỉnh rượu. Bèn đốt pháo ở bàn tiệc, pháo nổ nghe đùng đùng. Đỗ Thận Khanh ngồi dựa vào ghế cười vang. Hòa thượng đi rồi, khói pháo mùi lưu hoàng vẫn còn phảng phất trên bàn tiệc. Ba người khách đã say mềm đứng dậy chân đi không vững, xin cáo từ để về.
Đỗ cười:
- Tiểu đệ say rồi; xin lỗi, không thể tiễn các vị được, ông Bão! Ông tiễn ba vị hộ tôi rồi trở về đây nghỉ.

Đình Tỷ cầm một cây đèn sáp, đưa ba người ra ngoài và đóng cổng lại.
Ba người về nhà, bàng hoàng như đi trong giấc mộng. Hôm sau, người bán giấy đến đòi tiền. Không có tiền, hắn làm ồn một trận. Rồi đến người chủ quán ở hiệu Tụ Thăng Lâu đến đòi tiền ăn. Gia Cát phải cân hai nắm bạc vụn đưa cho hắn để cho hắn đi. Ba người bàn nhau mời Đỗ Thận Khanh ăn tiệc để đáp lễ. Vì không thể dọn tiệc ở nhà, họ đành phải mời Đỗ Thận Khanh đến quán Tụ Thăng Lâu.
Hai ngày sau, trời trong gió mát, ba người ăn cơm xong đến nhà Đỗ Thận Khanh. Bước vào cửa đã thấy một bà chân to đang ngồi trên ghế dài nói chuyện với một người gia nhân. Người gia nhân thấy ba người đến, liền đứng dậy. Quý Điềm Dật hỏi người gia nhân: “Bà ấy là ai?”.
Gia nhân nói:
- Đó là một bà mối tên là bà Thẩm chân to.
- Bà đến đây có việc gì?
- Bà ấy đến đây có việc riêng.
Ba người đoán biết rằng Đỗ muốn lấy vợ lẽ cho nên không nói nữa. Bước vào nhà, thấy Đỗ đang dạo chơi ngoài hành lang. Thấy ba người đến, Đỗ liền mời vào nhà ngồi và bảo người nhà pha trà.
Quý nói:
- Hôm nay đẹp trời, chúng tôi muốn mời ông đi chơi với chúng tôi.
Đỗ mang một tiểu đồng đi theo. Ba người kéo Đỗ đến quán rượu Tụ Thăng Lâu. Đỗ không từ chối, đành phải ngồi xuống. Quý biết tính Đỗ không thích thịt lợn cho nên bảo dọn thịt vịt, cá, thịt bò tái, nem và rượu. Uống hai chén rượu xong, họ mời Đỗ ăn đồ nhắm. Đỗ Thận Khanh gượng ăn một miếng thịt vịt, nhưng vừa bỏ vào miệng thì đã nôn ra, mọi người cũng không tiện mời. Trời còn sớm, họ không uống nhiều rượu mà ăn cơm ngay. Đỗ đổ một chén trà vào bát cơm rồi cố gắng ăn nhưng không thể ăn hết, liền đưa cho người tiểu đồng ăn. Ba người ăn cơm và uống rượu xong, xuống lầu, trả tiền, đi ra.
Tiêu Kim Huyễn nói:
- Anh Thận Khanh, chúng ta cùng đi đến đồi Vũ Hoa Đài đi.
Đỗ Thận Khanh nói:
- Vâng, như thế thì thích lắm.
Mấy người cùng đi lên đồi vào trong đền thờ, thấy bàn thờ Phương Hiếu Nho và Cảnh Thanh(5) rất là nguy nga. Họ lại trèo lên đỉnh đồi. Xa xa, nhìn thấy khói ở các mái nhà trong thành bốc lên. Con sông Trường Giang trắng xóa như một dải lụa bạch. Những ngọn tháp lợp ngói lưu ly thiếp vàng sáng chói cả mắt. Đỗ Thận Khanh đi đến trước điện nhìn bóng của mình dưới ánh mặt trời, trong lòng bồi hồi khôn xiết. Họ ngồi xuống cỏ. Gia Cát Thiên Thân thấy ở xa có một cái bia nhỏ liền chạy đến xem. Xem xong chạy về ngồi xuống nói:
- Trên cái bia này khắc mấy chữ “Nơi đây đã giết mười họ”.
Đỗ nói:
- Nói rằng mười họ thì không đúng. Đời Hán bị tội nặng thì giết ba họ là họ cha, họ mẹ và họ vợ. Chín họ cùng bị giết với Phương Chính Học là Cao, tằng, tổ, khảo, tử, tôn, tằng, huyền(6). Đó đều là họ cha cả. Còn họ mẹ, họ vợ đều không bị liên quan. Còn nói việc giết cả học trò là vô lý. Vả chăng, hoàng đế Vĩnh Lạc không tàn nhẫn đến như thế. Triều đại ta, nếu không có vua Vĩnh Lạc chấn chính lại mà cứ để vua Kiến Văn nhu nhược trị vì thì thiên hạ còn lắm chuyện không kém gì thời Nam Bắc Triều(7)
Tiêu Kim Huyễn nói:
- Theo ý ông, Phương Chính Học là người như thế nào? - Theo ý tôi, ông ta là người viển vông không làm nên việc gì. Trong khi thiên hạ còn bao nhiêu việc lớn phải làm, tại sao chỉ lo đến việc truyền ngôi mà thôi. Bị chém giữa chợ trong khi mang triều phục là không oan uổng chút nào!
Họ ngồi chơi mãi cho đến khi mặt trời xế bóng. Bỗng thấy hai người gánh phân quảy hai thùng không cùng lên núi nghỉ. Một người vỗ vai người kia nói:
- Này anh, hôm nay công việc xong rồi, chúng mình đi uống một bình nước ở suối Vĩnh Ninh rồi về Vũ Hoa Đài ngắm mặt trời lặn đi.
Đỗ Thận Khanh cười mà rằng:
Thật là phong khí Lục Triều(8) để lại đến nay vẫn không phai chút nào! Những người nấu ăn và những người gánh phân mà cũng thanh lịch như thế!
Họ xuống đồi về nhà. Đến cửa chùa, Gia Cát nói: - Mời ông vào nhà chúng tôi chơi.
Đỗ Thận Khanh nói:
- Cũng được.
Tất cả đi vào. Vừa bước đến cửa đã thấy Quý Vi Tiêu ngồi ở trong phòng. Quý Điềm Dật mừng rỡ nói:
- Anh Vi Tiêu! Anh đã đến đấy à!
Quý Vi Tiêu nói:
- Anh Điềm Dật! Tôi tìm anh ở hiệu khắc chữ mới biết anh ở đây. Hai vị này là ai?
Quý Điềm Dật nói:
- Vị này là Gia Cát Thiên Thân, người ở Vu Thai. Vị này là Tiêu Kim Huyễn đồng hương với chúng ta. Chắc thế nào anh chả biết.
Quý Vi Tiêu nói:
- Ông ở cửa Bắc phải không?
Tiêu Kim Huyễn nói:
- Vâng.
- Còn vị này?
Quý Điềm Dật nói:
- Vị này mới đến, nghe tên thì anh lại càng thích. Đây là ông Đỗ Huyến, cháu thứ mười bảy của cụ Thượng Đỗ ở Thiên Trường tự là Thận Khanh. Ông biết ông này chứ?
Quý Vi Tiêu nói:
- Có phải ông Đỗ đứng đầu kỳ thi năm ngoái trong tất cả hai mươi bảy châu huyện ở phủ này không? Bấy lâu khao khát, nay mới được gặp mặt.

Vi Tiêu đứng dậy vái chào. Đỗ Thận Khanh cũng cúi đầu đáp lễ. Mọi người thi lễ xong ngồi xuống, vừa lúc ấy một người cười rộ bước vào, nói:
- Đêm nay các vị có ở lại uống rượu cho vui không?
Quý Vi Tiêu nhận ra người ấy chính là Bão Đình Tỷ bèn nói ngay:
- Chú làm sao lại đến đây?
Bão Đình Tỷ nói:
- Tôi là người nhà ông Đỗ thứ mười bảy. Tôi là môn hạ nên đến đây là lẽ dĩ nhiên. Anh cũng biết ông Đỗ sao?
Tiêu Kim Huyễn nói:
- Chúng ta quả đều là những kẻ “một cười cũng đủ nên tri kỷ, đâu phải thờ ơ khách giữa đường”.
Quý Vi Tiêu nói:
- Mặc dầu tiểu đệ ít tuổi, cũng đã đi du lịch giang hồ và được gặp nhiều người. Nhưng chưa bao giờ tiểu đệ thấy một con người sang trọng, xinh đẹp như Đỗ tiên sinh. Thật là một vị tiên trên trời. Ngày nay được gặp mặt tiên sinh thì tiểu đệ cũng là một vị thần tiên vậy.
Đỗ Thận Khanh nói:
- Tiểu đệ gặp tiên sinh cũng giống như chuyện Thành Liên chèo thuyền trên biển(9). Thật là một việc thú vị.
Chỉ nhân phen này, khiến cho:
Phong lưu hội cả, Giang Nam lại thấy dấu kỳ;
Trác lạc tự trời, thiên hạ đều truyền phong nhã
Muốn biết sự việc như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.

----------
(1) Tức là Tuân Mai nguyên học trò Chu Tiên.
(2) Phan An tức là Phan Nhạc người đời Tấn rất đẹp trai, lúc đi ra đường con gái thường ném quả cây vào đầy cả xe cho anh ta.
(3) Tào Tử Kiến tức Tào Thực, con Tào Tháo nổi tiếng về thơ.
(4) Vương Đạo, Tạ An đời Tấn, những người phong lưu đời Đông Tấn.
(5) Phương Hiếu Nho còn gọi là Phương Chính Học và Cảnh Thanh là hai nhà nho có tiếng đời Minh, chống lại Minh thành tố và bị giết. Đoạn này tác giả nói đến, có ý ám chỉ những vụ tàn sát đời Thanh lúc tác giả còn sống.
(6) Ông ba đời, ông hai đời, ông, cha, con, cháu, cháu hai đời, cháu ba đời; có thể dịch là ông sơ, ông cố, ông, cha, con, cháu, chắt, chút.
(7) Nam Bắc triều 0 thời gian Trung Quốc bị chia cắt làm hai, ở phía nam Dương Tử có Đông Tấn, Tề, Lương, Trần gọi là Nam triều, về phía Bắc có Nguyên Nguỵ, Chu, Cao Tề gọi là Bắc Triều. Sau nhà Tuỳ thống nhất cả Nam Bắc. Thời gian này chiến tranh liên miên, nhân dân điêu đứng.
(8) Lục Triều: Thời Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Tần những thời này đều đóng đô ở Kim Lăng và nổi tiếng Thanh Lịch.
(9) Thành Liên người đời Xuân Thu - Bá Nha học đàn cầm với ông, ông đưa đến một hòn núi giữa bể, rồi chèo thuyền đi mất, để cho Bá Nha theo trong cảnh tĩnh mịch tự nhiên, mà hiểu biết cái hay của nhạc.

 

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 160
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com