Ăn xong Lý Long đọc tiếp khẩu quyết luyện Vô-ngã-tướng thiền-công cho Tự-Mai, rồi hai anh em ngồi luyện. Chàng nói:
- Sư phụ anh thường nói, nhà Phật có bốn loại Thiền-công. Bốn loại này thu góp trong kinh Kim-cương, Lăng-già, Tượng-đầu. Bốn loại mang tên như sau:
Vô-ngã-tướng.
Vô-nhân-tướng.
Vô-chúng-sinh-tướng.
Vô-thọ-giả-tướng.
Người nhấn mạnh:
- Trong bốn loại, thì Vô-ngã-tướng đứng đầu, tối cao, tối lợi hại của Thiền-công nhà Phật, nhưng đã thất truyền. Theo truyền thuyết khi Bồ-tát Tăng-gỉa Nan-đà đến Lĩnh-nam truyền cho ba bà Trần Năng, Phật-Nguyệt và Trần-thị Phương-Chi. Từ khi ba vị tuẫn quốc, chúng nhân ai cũng cho rằng loại Thiền-công này thực sự không có, chỉ là huyền hoặc. Không ngờ anh em ta có duyên gặp được. Nào chúng ta thử luyện xem sao !
Chàng nhẩm những câu quyết, thấy gần giống với Thiền-công Tiêu-sơn của chàng. Còn Tự-Mai, nó nghe Lý Long đọc khẩu quyết, đến phân nửa giống nội công Đông-a. Hai anh em yên lặng luyện. Lạ lùng thay, không có gì khó khăn cả. Nó nghiệm thấy rằng sau mỗi lần luyện, chân khí trong người không chạy nhộn nhạo khắp cơ thể như trước đây nữa. Tất cả tự động quy liễm về đơn điền.
Cứ như thế ba anh em bắt cá, bắt gà nướng ăn, rồi luyện võ. Thỉnh thoảng Lý Long nhận được thư do chim ưng đem vào. Chàng lại cầm bút viết lệnh cho nó đem ra. Ngồi ở trong động Xuân-Đài mà chàng biết hết những biến chuyển bên ngòai. Những mưu kế chàng thiết lập đều đem giảng giải cho hai người em kết nghĩa nghe.
Cho đến một hôm Lý Long, Tự-Mai đã luyện xong hết Vô-ngã tướng thiền-công. Chàng nói:
- Xưa công chúa Yên-lãng luyện nội công dương cương phái Tản-Viên, sau đó luyện vận khí bằng kinh mạch, cuối cùng luyện Vô-ngã-tướng thiền công. Bây giờ anh em mình đi ngược lại con đường ngài đã đi. Anh với Mai đã luyện Vô-nhân tướng công. Lúc vào hang, chúng ta luyện vận khí bằng kinh mạch, rồi mới luyện Vô-ngã tướng thiền công. Bây giờ luyện sang nội công dương cương phái Tản-viên.
Chàng đọc tâm pháp nội công Tản-viên. Ba anh em cùng luyện. Luyện suốt một buổi, ngừng lại bắt cá ăn. Lý Long muốn ba anh em cùng trao đổi kinh nghiệm. Chàng hỏi Tự-Mai:
- Em thấy thế nào?
- Trước đây, em luyện nội công phái Đông-a, thấy nội tức sinh ra khắp người, căng phồng lên. Khi ngừng phải thu công. Chân khí về đơn điền tụ lại. Lúc luyện phương pháp dẫn khí bằng kinh mạch. Chân khí theo kinh mạch vận hành trơn tuột, rõ ràng, thông thương. Sau luyện Vô-ngã-tướng thiền công, chân khí biến đi hoàn toàn. Khắp người giống như một cái hồ trống rỗng, nhưng khi phát chiêu, chân khí bùng dậy mãnh liệt. Bây giờ luyện nội công dương cương Tản-Viên, em thấy chân khí nảy sinh cực mạnh. Nhưng chân khí vừa sinh ra, lại bị chân khí Vô-ngã tướng chuyển theo kinh mạch, tự động về đơn điền, không phải thu công.
Tôn Đản phát biểu:
- Em luyện nội công dương cương Cửu-chân, nội lực sinh ra rất mạnh. Em phải thu liễm chân khí về đơn điền. Lúc luyện vận khí bằng kinh mạch, khí tự động luân lưu, cuối cùng lại về đơn điền. Bây giờ em luyện nội công Tản-Viên, nội tức sinh ra mau hơn. Giữa dương cương của Cửu-chân, Tản-viên dường như không hoà hợp được làm một.
Lý Long thấy hai sư đệ có nhận xét tinh vi, chàng phát biểu:
- Anh thấy diễn tiến giống như Tự-Mai. Bây giờ chúng ta cùng luyện Phục-ngưu thần chưởng xem sao. Nào, hãy bắt đầu bằng phần tổng quyết.
Ba anh em luyện. Khoảng nhai dập miếng trầu, Lý Long thấy chân khí chạy nhộn nhạo rất khó chịu. Chàng kiên nhẫn vận kinh khí một lần nữa, hiện tượng cũ lại xuất hiện.
Chàng ngừng luyện, quay lại nhìn hai sư đệ. Cả hai cũng ngơ ngơ ngác ngác không hơn. Tự-Mai nhăn mặt:
- Em thấy dường như có chỗ không ổn. Trong phần chép Phục-ngưu với Lĩnh-Nam chỉ, có nhiều thuật ngữ hơi trái với nguyên tắc vận hành kinh mạch. Vậy có thể công chúa Yên-Lãng cố tình chép như thế. Chúng ta không có thuật ngữ, luyện nữa chỉ thêm nguy hại mà thôi.
Lý Long gật đầu đồng ý. Chàng là người biết tự chế, không dám cưỡng bách luyện. Điểm lại, ba anh em ở trong động Xuân-đài trải sáu tháng. Chàng bảo hai em cùng học thuộc lòng khẩu quyết Phục-ngưu thần chưởng, Lĩnh-nam chỉ rồi chuẩn bị ra ngoài động.
Tự-Mai đề nghị:
- Hang này rộng quá, chúng ta mới chỉ xem xét chỗ có ánh sáng chiếu vào, rồi cùng nhau luyện võ. Bây giờ chúng ta phải xem xét kỹ, biết đâu còn tìm ra được di tích gì nữa chăng ?
Lý Long tự chửi thầm mình tuy kinh nghiệm mà vẫn còn thiếu tinh tế hơn đứa trẻ này.
Chàng bảo Tự-Mai:
- Em với Đản ra ngoài chặt mấy cây nứa khô, đem vào đây làm đuốc. Chúng ta cần lật từng viên đá, từng hốc nhỏ, trước khi rời khỏi hang.
Đản với Tự-Mai đã mang vào mười bó nứa khô. Nhưng khi lặn xuống nước vào hang, nứa bị ướt. Phải chờ một ngày, nứa mới khô. Tự-Mai đốt đuốc lên, ba anh em bắt đầu từ bậc thứ nhất của hang, kể từ biển đi lên.
Lý Long bàn:
- Anh em chúng ta vào đây, thấy bia đá của công chúa Yên-lãng Trần Năng, bị những bí quyết võ công làm say mê, cặm cụi luyện tập, không còn chú ý gì đến xung quanh nữa. Điều căn bản, chúng ta phải tìm xem, trước công chúa Yên-lãng có ai vào đây chưa? Sau khi khắc bí quyết võ công vào vách đá, công chúa Yên-lãng cùng phò mã Hùng Bảo chết ở trong này hay chết ở chỗ khác? Sau công chúa Yên-lãng những ai đã vào đây? Lệ-Hải bà vương có thực học võ ở trong này hay học ở chỗ khác ?
Ba người soi đuốc từ ngưỡng cửa hang đi lên. Không thấy gì. Tiếp tục lục lọi, họ tìm ra một ngách nhỏ, chặn bởi viên đá lớn. Lý Long vận sức đẩy, tảng đá chỉ hơi nhúc nhích. Tự-Mai, Tôn Đản cùng hết sức đẩy với chàng, viên đá xê dịch đi, lộ ra một ngách khác, có ánh sáng rọi vào.
Ba anh em hoan hô một tiếng, rồi chuồn sang. Bên kia chỉ là một hang nhỏ, có lỗ thông từ đỉnh núi xuống. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt họ là bốn bộ xương. Hai bộ trong tư thế ngồi. Một bộ trong tư thế nằm ngửa và một bộ trong tư thế nằm sấp. Cạnh bốn bộ đều có thanh đoản đao.
Tôn Đản cúi xuống quan sát. Nó nói:
- Cứ như quần áo của bốn người này, chắc họ là người Hoa. Hai người ngồi, xương ngực bị trấn động gẫy, hẳn họ bị chưởng lực đánh chết. Người nằm sấp xương sống bị tiện đứt, hẳn chết vì đao, kiếm. Còn người nằm ngửa xương đầu vỡ đôi, chắc cũng chết vì chưởng. Em nghi bốn người này đuổi theo một cao thủ người Việt. Khi vào đến đây, họ bị cao thủ đó giết chết.
Tự-Mai thấy xác chết nằm sấp có cái túi da. Nó mở ra. Bên trong chứa khá nhiều vàng, bạc, và một cái ấn. Nó đưa nén vàng cho Lý Long:
- Anh coi này. Vàng có khắc chữ Trinh-quán thiên bảo. Trinh-quán là niên hiệu của vua Đường Thái-tông -16. Thế thì ít ra bốn người này sang đây vào đời Đường.
Tôn Đản cầm cái ấn bằng ngọc, tuy đã cũ, song chưa bị mờ. Trên ấn có mấy chữ rất nhỏ. Tự-Mai đưa đuốc sát vào. Nó đọc: An-nam đô hộ phủ. Hưng-quốc công Triệu Xương.
Lý Long hỏi:
- Tên Triệu Xương này là người thế nào?
Tự-Mai à lên một tiếng, nó nói:
- Triệu Xương được vua Đường Đức-Tông cử sang nứơc ta làm An-nam đô hộ phủ năm Tân-mùi, tức Trinh-nguyên thứ bẩy (791), nhằm đối phó với cuộc khởi binh của Bố-Cái đại vương.
Tôn Đản ngơ ngác hỏi:
- Bố-Cái đại vương à? Anh chưa nghe nói đến bao giờ ?
Tự-Mai kể:
- Từ sau bà Triệu, dân Việt mình chịu ách đô hộ năm trăm bốn mươi ba năm (543) dài đằng đẵng. Trung gian có nhiều cuộc quật khởi, nhưng chỉ như ngọn lửa lóe lên rồi tắt đi. Phải đợi đến năm Tân-mùi (791), một đại hào kiệt thuộc phái Cửu-chân, quê ở Đường-lâm thuộc Phong-châu, họ Phùng húy Hưng mới nổi lên chiếm lại được đất nước. Vì ngài nhân cái nhục của dân mà khởi binh, vì vậy dân chúng tôn ngài làm Bố-Cái đại vương.
Lý Long kinh ngạc:
- Anh nghe nói cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Phong-châu quê của ngài, cũng là quê hương vua Trưng. Mà sao Bố-Cái đại vương lại thuộc phái Cửu-chân ?
Tự-Mai đáp:
- Điều bí mật này võ lâm ít ai hiểu. Chỉ biết thủa thơ ấu Bố-Cái đại vương được một di nhân nhận làm đệ tử, dạy võ công cho. Khi dị nhân chết, ông dặn ngài phải đem hài cốt về Cửu-chân an táng. Sau khi đưa linh cữu sư phụ về quê cũ chôn cất, xây mộ. Ngài tuyệt tích ba năm. Sau đó xuất hiện, võ công trấn áp quần hùng. Ngài đứng lên xuất lĩnh hào kiệt khởi binh. Võ công ngài cực cao. Bao nhiêu binh tướng, cao thủ của nhà Đường đều bị đánh bại. Lúc thành đại nghiệp, ngài qua đời. Sự thực không phải thế. Ngài chỉ bị bệnh nặng, nên ẩn thân điều trị.
Lý Long hỏi:
- Thế tại sao ngài không xuất hiện nữa?
- Có đấy chứ, nhưng sử không ghi chép đó thôi. Nguyên sau khi bệnh ngài khỏi, Triệu Xương đã diệt nghĩa quân của con ngài là Phùng An. Ngài chán nản, ẩn thân hành hiệp. Năm Tân-tỵ, niên hiệu Trinh-nguyên thứ 17 đời vua Đường Đức-tông (801) ngài đột nhập thành Đại-la giết Triệu Xương. Việc không thành, nhưng cũng khiến cho Xương bị thương nặng ở chân phải bỏ về nước. Nhà Đường sai Bùi Thái sang thay thế.
Tôn Đản hỏi:
- Triệu Xương, Bùi Thái có biết võ công không?
- Có. Triệu Xương thuộc giòng dõi Triệu Đà. Vì vậy y thông thạo hầu hết võ công Lĩnh-nam. Trong trận đấu, ngài với y chiết ba trăm chiêu. Cuối cùng đấu nội lực, đưa đến y bị kiệt quệ, rồi bị thương. Các võ sĩ phủ đô hộ xúm vào tử chiến, mới cứu được Xương. Tương truyền đêm đó ngài giết trên ba trăm võ sĩ phủ đô hộ.
Lý Long vỗ vai Tự-Mai:
- Đúng vậy. Ngài đã từng vào hang này, ắt luyện được Vô ngã tướng thần công. Tên Triệu Xương kia đấu nội lực với ngài, có khác gì tự tử? Bao nhiêu công lực của y bị bút hết. Y không bị giết chết cũng may lắm rồi đó.
Tự-Mai tiếp:
- Bùi Thái sang thay Triệu Xương được một năm, bị ngài giết chết. Bùi Thái võ công tầm thường. Nên ngài giết thực dễ dàng. Vua Đường lại sai Triệu Xương sang cai trị đất Việt một lần nữa. Nguyên Xương bị ngài hóa giải hết công lực, y về Trung-nguyên chữa trị, cùng luyện lại thần công. Hơn năm mới phục hồi. Niên hiệu Nguyên-hòa thứ ba (809) đời vua Hiến-tông, tự nhiên Triệu Xương mất tích. Thì ra y bị giết chết ở đây.
Lý Long cầm cái ấn bỏ vào túi. Còn vàng bạc, chàng trao cho Tôn Đản giữ. Ba anh em lại soi tiếp lên trên, thấy một bộ xương trong tư thế ngồi. Xương ngực bị một vết kiếm đâm thủng. Tử thi mặc quần áo Việt, gần như đã mục nát. Cạnh đó có thanh kiếm .Lý Long cầm kiếm lên coi, chuôi có khắc chữ Cửu-chân Phùng Hưng. Chàng reo lên:
- Đây rồi, thì ra bọn Triệu Xương bị Bố-Cái đại vương giết ở đây. Vì vậy người đời sau không biết tại sao y mất tích, cũng không biết Bố-Cái đại vương mất năm nào, ở đâu.
Chàng tiếp:
- Ta giải đoán như thế này. Dị nhân dạy Bố-Cái đại vương vốn người thuộc phái Cửu-chân. Sau khi ông mất, đại vương đưa di thể sư phụ về cố thổ an táng. Rồi một cơ duyên nào đó, ngài tìm ra hang này, tự luyện võ công, thành anh hùng vô địch, khởi nghĩa. Sau khi ngài giết Bùi Thái, Triệu Xương lại sang. Y cho điều tra, theo dõi tung tích ngài. Cuối cùng y với ba cao thủ cùng đột nhập vào đây, bị ngài giết chết cả bốn. Tuy nhiên ngài cũng bị trúng một nhát kiếm vào ngực, mà qua đời.
Lý Long cùng hai em, nhặt hài cốt Bố-Cái đại vương, sắp xếp lại. Ba anh em quỳ xuống lạy tám lạy. Lý Long khấn:
- Đại vương xưa vì cái nhục của dân, nổi dậy, oai danh một thời. Bởi có đức, dân chúng mới tôn kính dâng cho danh hiệu Bố cái. Xin đại vương phù hộ cho anh em đệ tử, trước đòi lại đất tổ. Sau mưu hạnh phúc cho dân.
Ba anh em cầm đuốc soi khắp hang, không thấy còn vết tích gì nữa. Lý Long nói:
- Ta nghĩ Lệ-hải bà vương không vào hang này. Vì nếu bà vào đây, ắt luyện võ công Cửu-chân, chứ có đâu luyện kiếm pháp Long-biên? Vậy có thể từ khi Yên-lãng công chúa qua đời, sau mới chỉ có Bố-Cái đại vương có cơ duyên tìm ra. Sau Bố-Cái đại vương, đến lượt anh em mình.
Chàng cởi áo, bọc hài cốt Bố-Cái đại vương lại, đeo lên lưng nói:
- Anh đem hài cốt ngài về táng tại đền thờ, để dân chúng ngày đêm được kính lạy anh linh một vị cha gìa của đất Việt.
Chàng gọi chim ưng xuống, gửi lệnh về trấn Thanh-hóa, bảo đem đến chân núi cho chàng ba con ngựa chiến. Thành ra khi ba anh em ra khỏi động, đã thấy ba con ngựa thắng yên cương để sẵn đó từ hồi nào. Ba anh em lên ngựa về trấn Thanh-hóa.
Sau sáu tháng xa Huệ-Sinh, bây giờ chàng gặp lại sư phụ.
Huệ-Sinh hỏi:
- Chủ nhân, mừng chủ nhân luyện được Thiền-công tối cao nhà Phật.
Lý Long biết sư phụ mình đã đắc đạo. Ông thường xuất hồn đi khắp nơi. Vì vậy ông xuất hồn theo bên cạnh mình, không việc gì ông không biết. Chàng nói:
- Sư phụ. Tin mới nhất cho biết bọn Triệu Thành đi Thiên-trường rồi mới về Thăng-long. Vậy chúng ta về Thăng-long trước.
Huệ-Sinh lên ngựa cùng anh em Lý Long về Thăng-long.
Trên đường đi, chàng thuật cho Huệ-Sinh biết, trong khi ở động Xuân-đài, chàng vẫn nhận được đầy đủ tin tức về bọn Triệu Thành, và chàng ứng phó kịp thời. Từ truyện Thanh-Mai, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh dò thám đền thờ Nhâm Diên, Tích Quang rồi bị bắt theo. Chàng ra lệnh cho Bảo-Hòa cứ để chúng bắt. Chàng lại thư cho chị gái là công chúa An-quốc với phò mã Đào Cam-Mộc bố trí Vạn-hoa sơn trang, cùng cho người giả bán thú ở xã Vạn-thảo. Những truyện xẩy ra trong Vạn-thảo sơn trang, Bảo-Hòa báo cho chàng biết hết. Chàng gài bẫy, để cho Ngô Tích mắc tròng. Những việc xẩy ra trong Hồng-hương cốc, chàng thuật lại một lượt.
Tới Trường-yên, anh em vào phủ Khai-quốc, tức dinh tổng trấn toàn bộ phía Nam Đại-Việt. Tôn Đản thấy bố giữ chức quản Khu-mật viện phủ Khai-quốc, nó mừng lắm. Khai-quốc vương dành ra mười ngày, để hội họp với tướng sĩ, văn võ bá quan, cùng ban chỉ dụ cần thiết. Bất cứ làm gì, dù khi ăn, lúc ngủ, lúc làm việc, vương cũng để hai người em bên cạnh, giảng giải chi tiết công việc tại sao phải làm thế này, tại sao phải làm thế kia.
Tự-Mai, Tôn Đản được đọc các báo cáo, phúc trình. Vì vậy nó biết hết những gì xẩy ra cho Thanh-Mai, Mỹ-Linh, Bảo-Hòa. Tự-Mai rất chú ý tới việc mụ Anh-Trần, cùng đệ tử của mụ tên Nguyễn Quý-Toàn. Vì hiện mụ ở làng Yến-vĩ sương sen, khá gần trang Thiên-trường của phái Đông-a. Nó hỏi Khai-Quốc vương:
- Anh cả! Cứ như phúc trình, thì mụ Anh-Trần thuộc Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Mụ vốn họ Đặng, cháu tên Đặng Trường. Mà tên Đặng Trường là đệ tử Nhật-Hồ lão nhân. Y giữ chức trưởng lão. Anh thử đoán xem, hiện y ở đâu?
- Nhật-Hồ lão nhân có mười đệ tử, đều giữ chức trưởng lão Hồng-thiết giáo. Người ta chỉ nghe tên, mà không mặt mũi chúng ra sao. Theo anh nghĩ, mụ Anh-Trần làm hương trưởng Hồng-thiết ở làng Yến-vĩ, có lẽ Đặng Trường cũng ẩn hiện trong vùng này.
Tôn Đản à lên:
- Thiên-trường thuộc quản hạt Trường-yên. Mụ Anh-Trần bầy trò dơ bẩn Vu-sơn đại hội, cực kỳ đồi phong bại tục. Đúng ra anh cho bắt bọn chúng chặt đầu. Song anh lờ đi, để có thể lần ra manh mối thủ lĩnh Hồng-thiết giáo. Có phải thế không?
- Em chỉ đoán đúng có một nửa.
- Còn nửa kia?
Tự-Mai vỗ lưng Tôn Đản:
- Em biết rồi. Vì quanh đây, các làng đều có bọn du thủ du thực, trốn chúa lộn chồng. Trong khi triều đình dùng nhân đức trị dân, vì vậy anh không thể bắt giam, giết hết chúng đi. Anh nhắm mắt để mụ Anh-Trần tập trung chúng lại, sống với nhau như bầy thú, cho tiện kiểm soát.
Lý Long mỉm cười đầy niềm vui:
- Hai chú này tiến mau quá. Đoán được hết ý anh.
Đang trên đường về Thăng-long, chàng được chim ưng đưa thư khẩn cấp của Bảo-Hòa cho biết ý đồ bọn Triệu Thành tại Thiên-trường. Khai-quốc vương đem truyện ấy bàn với Tự-Mai. Tự-Mai cười lớn:
- Anh cứ để em về thăm bố. Cam đoan em sẽ làm cho bọn Triệu Thành thất điên bát đảo một bữa. Anh đừng lo.
Huệ-Sinh mỉm cười, ghé miệng vào tai Tự-Mai, Tôn Đản dặn dò. Hai đứa trẻ từ biệt Huệ-Sinh, Lý Long lấy ngựa lên đường đi Thiên-trường. Xa nhà đã gần năm, bây giờ trở về quê, lòng Tự-Mai rộn lên không biết bao nhiêu cảm giác kỳ lạ.
Trong gần năm, nó từ thiếu niên chỉ biết những gì trong sách vở, do bố, chú, cô dạy dỗ. Về quốc gia đại sự, nó thấy ra xôi quá, coi như truyện thời xưa. Từ khi gặp Lý Long, nó được dịp áp dụng những gì đã học. Trong thời gian ở động Xuân-đài, một mặt Lý Long luyện võ với hai em. Một mặt chàng tiếp nhận thư tín, ban lệnh bằng chim ưng. Bất cứ vấn đề gì, chàng cũng giảng giải chi tiết cho hai cậu em kết nghiã hiểu. Hoá cho nên, chưa đầy một năm, mà Tôn Đản, Tự-Mai có kiến thức của một quan đại thần.
Đường Trường-yên đi Thiên-trường mất khoảng hai giờ sức ngựa. Con đường này, Tự-Mai đã đi nhiều lần. Khi thì với bố, khi thì với chị. Những lần đó, nó chỉ biết hỏi, biết nghe. Lần này đi với Tôn Đản, nó được đóng vai hướng dẫn.
Buổi trưa, ngựa qua một khu đầm lầy. Tự-Mai chỉ vào ngôi làng cách đường hơn trăm trượng:
- Kia là thôn Yến-vĩ. Quanh năm, khu đầm sen bốc khói lên, trông mờ mờ, vì vậy gọi sương này là sương sen. Đại-Việt mình có hai làng Yến-vĩ. Một ở gần Thăng-long, một ở Thiên-trường. Nhân thôn này đầy sương sen, người ta ghép lại thành Yến-vĩ sương sen để phân biệt.
Hai anh em đang nói truyện, bỗng có tiếng lộp cộp phía sau, rồi một kị mã vượt qua mặt hai người như mũi tên. Tôn Đản bật lên tiếng kêu:
- Tiểu hoà thượng!
Tự-Mai nhìn theo, quả kị mã là nhà sư, mình mặc áo nâu, đầu đội mũ tu lờ. Lạ một điều, nhà sư đeo trên lưng thanh kiếm. Nó nhìn phía sau nhà sư rất quen thuộc, thân ái, mà không biết ông là ai, nó đã gặp ở đâu. Nó hỏi Tôn Đản:
- Anh biết nhà sư này ư?
- Biết! Khắp trấn Thanh-hoá, ai cũng biết ông. Ông tu ở chùa Sơn-tĩnh. Không biết ông có phải đệ tử của Nguyên-Hạnh không?
Nhà sư tới chỗ rẽ vào Yến-vĩ sương sen, ông gò cương lại quan sát, tần ngần, rồi cho ngựa chạy vào làng. Tôn Đản đề nghị:
- Chúng ta theo nhà sư này. Không chừng có tin tức gì của Nguyên-Hạnh cũng nên.
Từ lúc thấy lưng nhà sư, trong lòng Tự-Mai dâng lên niềm tình cảm kỳ lạ, nhớ nhung bâng khuâng. Nghe Tôn Đản nói, nó đồng ý liền:
- Ừ phải đấy.
Hai đứa cho ngựa rẽ vào làng. Thấy trước cổng làng có một bầy ngựa bốn con. Trong đó có ngựa của nhà sư. Tôn Đản, Tự-Mai tháo yên cương treo lên cành cây, rồi thả ngựa cho ăn cỏ. Tự-Mai giảng:
- Trong vùng này, mỗi cổng làng đều có bãi cỏ, dành cho ngựa của khách viếng thăm, ăn cỏ. Chỉ ngựa của dân làng mới được vào trong.
Năm hoàng nam gác cổng làng thấy hai thiếu niên lạ, hỏi:
- Này, hai cậu từ đâu đến, vào làng có việc gì?
Tự-Mai nói dối:
- Tôi thuộc hội Vu-sơn. Tôi cần vào trong làng thăm bà Anh-Trần.
Một hoàng nam nhổ nước bọt đánh toẹt, rồi vẫy tay:
- Vào đó mà tự tử!
Tự-Mai, Tôn Đản đi rồi còn nghe phìa sau có tiếng cười chế diễu của đám hoàng nam:
- Tổ bà con mụ Anh-Trần, làm đĩ trọn đời, mà cũng có người gọi bằng bà. Hai thằng ôn vật này mới tý tuổi đầu, đã chui vào cái lỗ già đó, rồi cũng đến toi mạng vì dương mai mà thôi.
Mặc đám hoàng nam chửi rủa. Hai người đi vòng quanh làng quan sát. Hôm nay ngày phiên chợ Yến-vĩ, dân chúng các làng xung quanh kéo tới họp. Kẻ đi, người lại tấp nập. Tôn Đản nói sẽ vào tai Tự-Mai:
- Đói không?
- Đói lè lưỡi ra rồi đây.
- Ăn quà chăng?
- Ăn là cái chắc. Ăn gì bây giờ?
- Bún ốc, bún riêu, chả cá, bánh đậu, bánh tôm. Thiếu gì! Anh có mang tiền theo không?
- Lúc rời vương phủ, anh cả đưa cho ta mấy lượng vàng cùng ba quan tiền. Tiêu bằng thích.
Hai trẻ vào ngôi đình bán quà. Tiếng người ồn ào. Khói bay nghi ngút. Cô hàng bán bánh tôm đon đả chào:
- Mời hai cậu xơi bánh tôm. Bánh tôm ăn với rau muống chẻ ngon tuyệt vời, vừa dòn, vừa thơm.
Hai đứa ngồi xuống hai cái ghế thấp. Cô hàng gắp từ trong xanh đầy mỡ tám cái bánh tôm. Cô dùng kéo cắt thực nhanh, thực dòn. Cô múc một muôi nước chấm, đổ vào hai cái bát. Tay kia bưng ra chiếc rá nhỏ, trên đựng đầy rau muống chẻ, với kinh giới, tía tô, lá mùi:
- Mời hai cậu xơi. Xơi nóng mới ngon.
Thời bấy giờ, tuy hơn nghìn năm Bắc thuộc, mà tôn ty, lễ nghiã vẫn còn. Tôn Đản, Tự-Mai kết làm anh em. Đản lớn tuổi hơn làm anh. Vì vậy Tự-Mai đợi anh cầm đũa rồi nó mới dám cầm theo. Hai trẻ đang tuổi ăn không bao giờ biết no. Thoáng một cái, chúng ngốn hết tám cái bánh tôm.
Tôn Đản hất hàm hỏi Tự-Mai:
- Được nửa bụng chưa?
- Gần. Ăn gì nữa giờ?
Tôn Đản hít hà chỉ hàng bún chả:
- Mình ăn bún chả chăng?
Cô hàng bún chả không đợi Tự-Mai trả lời. Cô chỉ vào mấy xâu thịt nướng than đỏ tươi:
- Hai cậu xơi mấy xâu?
Cô hàng nháy Tự-Mai một cái. Nó kinh ngạc chưa hiểu tại sao, đưa mắt quan sát cô thực kỹ. Nó chợt thấy nút áo cổ của cô có sợi chỉ đỏ. Biết đó là ký hiệu của Khu-mật viện Đại-Việt. Nó tự nghĩ:
- Anh cả tổ chức ghê thực. Chỗ nào cũng có tai mắt Khu-mật viện. Không hiểu sao cô này biết mình là người nhà, mà nháy mắt?
Tôn Đản chìa ra hai ngón tay:
- Chị cho mỗi đứa hai xâu.
Cô hàng vừa quạt lửa, vừa nói nhát ngừng:
- Bún chả của tôi ngon nhất vùng này.
Cô hạ giọng:
- Hãy nhìn bên trái.
Rồi cô nói lớn:
- Hai cậu ăn thấy ngon, ăn thêm mấy xâu nữa!
Tôn Đản nhìn trái. Hàng bên cạnh có một thiếu phụ, mặc quần áo theo lối quê. Nhưng vẫn không dấu được nét đài các. Nó nghĩ thầm:
- Chắc bà này ở vùng khác đến. Ờ sao có người đẹp đến thế nhỉ?
Thiếu phụ ngoáy tay xuống đất như vẽ cái gì. Tôn Đản thấy bà viết chữ:
Ăn xong, ra gốc đa, bên bờ sông. Có lệnh.
Nó thấy nút áo trên cổ bà có sợi chỉ đỏ, biết bà làm việc cho Khu-mật viện. Thiếu phụ ăn xong đứng lên ra đi. Hai trẻ ăn bún thịt nướng, rồi mỗi đứa ăn ba bát bún riêu nữa. Mấy bà, cô bán quà trố mắt nhìn hai thiếu niên ăn không biết no.
Tôn Đản trả tiền, rồi hai đứa đi một vòng chợ, sau cùng rẽ ra bờ sông, chỗ gốc đa. Thiếu phụ đã chờ ở đó từ bao giờ. Nhìn trước, nhìn sau không có ai, thiếu phụ chỉ con đò:
- Hai cậu xuống đó.
Ba người xuống thuyền. Thuyền rời bến. Tới giữa sông, thiếu phụ nói:
- Có lệnh cho hai cậu.
Bà đưa ra cái ống nhỏ. Tôn Đản biết ống này Khai-Quốc vương thường đựng thư, sai chim ưng mang đi. Nó tiếp lấy mở ra. Trong có tờ thư, bút tích Khai-quốc vương:
Vị sư trẻ không phải đệ tử Nguyên-Hạnh đâu. Ông làm gì, phải giúp, không được cản trở. Cho tự do phá phách, cấm giết người dù đó là kẻ ác, kẻ thù. Tôn Đản kiểm soát Tự-Mai gắt gao. Anh cả.
Tôn Đản trao cho Tự-Mai đọc, rồi nó nhúng thư vào nước, xé nát ra. Bấy giờ hai đứa mới nhìn thiếu phụ. Bà tuổi khoảng bốn lăm, bốn sáu. Khuôn mặt, dáng người đẹp không thể tưởng tượng nổi. Nhất là cái lưng tròn, đôi mắt ánh ra đa tình, mà lại sáng chói. Thiếu phụ cười tươi lạ lùng. Tự-Mai nhìn nụ cười quen thuộc, mà nó không nhớ tên bà là gì.
Bà nói nhỏ:
- Hai cậu muốn thám thính nhà mụ Anh-Trần hả? Phải cẩn thận đấy nhá. Chớ có dùng võ mà gây tai vạ. Nhà mụ phần đông chứa bọn lưu manh, trốn chúa, lộn chồng. Tuy vậy, mụ làm hương trưởng Hồng-thiết giáo, có liên hệ với trưởng lão Đặng Trường. Vì thế người của Khu-mật viện lẫn lộn vào, tìm tông tích Đặng cũng không ít. Nếu hai cậu dụng võ, những người này phải bênh che mụ, e hai bên hao tổn nguyên khí.
Chợt Tự-Mai kêu lớn lên, tay vào người thiếu phụ:
- Bích-Hòa! Đúng rồi, chị là Bích-Hoà. Thảo nào lúc mới gặp, em thấy quen quen.
Bích-Hòa cười:
- Trần nhị công tử lớn mau quá. Thanh tiểu thư đâu rồi?
- Chị của em đã về Thiên-trường từ mấy hôm nay.