Chương 6b
Mọi người đều im lặng suy nghĩ. Từ lúc đến trang Thiên-trường, Ngô Thường-Kiệt được cưng chiều cực kỳ. Truyền thống phái Đông-a định rõ: Dùng tình thương yêu cảm hóa đệ tử. Vì bố mẹ Thường-Kiệt đang bận quốc sự, gửi nó theo Thanh-Mai về Thiên-trường, có nghiã xin cho nó được hưởng sự giáo dục như các đệ tử. Nó được ở chung với Thanh-Mai. Thanh-Mai để nó gọi bằng cô cho thêm thân mật, chứ không bắt gọi bằng sư thúc. Nó lại được Mỹ-Linh, Bảo-Hòa săn sóc. Nó đeo theo Bảo-Hòa như theo mẹ. Thành ra Bảo-Hòa đâu, nó ngồi bên cạnh. Nó đã nghe cuộc luận bàn của phái Đông-a. Bây giờ thình lình nó hỏi Trần Tự-An:
- Thái sư phụ. Con xin thái sư phụ cho con được nói.
Tự-An mỉm cười:
- Cháu ngoan. Cháu cứ nói đi.
Thường-Kiệt dõng dạc:
- Đối với vua hay quan nhà Tống, làm sao thái sư phụ có thể tẩy gột được đầu óc họ. Con nghĩ...võ công ông nội cao, ông nội đánh vỡ đầu chúng ra thì xong.
Mọi người cười ồ lên. Lời nói của Thường-Kiệt tuy ngây thơ, nhưng không phải không có lý. Bảo-Hòa xoa đầu nó:
- Con bàn đúng. Thái sư phụ, cùng các thái sư thúc là Thái-sơn, Bắc-đẩu võ lâm Lĩnh-nam, thừa bản lĩnh đánh vỡ đầu chúng. Chỉ lo các vị nhân từ không muốn đánh mà thôi.
Thường-Kiệt không chịu:
- Hôm rồi bố con bảo, trước đây thái sư phụ dạy bố con như thế này: Đối với bọn trộm, vì chúng nghèo đói mới làm truyện đó. Đối với tụi cướp, vì chúng ác độc, muốn làm giầu. Còn đối với bọn cướp nước, chúng vừa tham, vừa ác độc lại vừa có dã tâm, không thể tha thứ cho chúng nó trong bất cứ trường hợp nào. Cô đừng lo, nhất định Thái sư phụ sẽ giết chúng.
Phạm Hào gật đầu:
- Thằng bé này bàn đúng. Biện pháp tốt nhất phải sao cho nước mình mạnh, mới mong Tống để mình yên. Tự cổ, Trung-nguyên kéo quân sang đánh mình mà thành công, đều nhờ có người Việt ở trong làm nội ứng. Bây giờ Tống cũng đang mưu dùng mâu thuẫn giữa Lê Long-Mang, chúng ta với triều đình. Vậy chúng ta cần giải quyết vấn đề này trước thì mới yên.
Tự-An quyết định:
- Bây giờ chúng ta chia làm hai. Ta với chú Vũ Anh đi Vạn-thảo sơn trang xem Hồng-sơn đại phu có phải Lê Long-Mang không. Sau đó ta sẽ lên Tiêu-sơn gặp chưởng môn phái này. Chú Phạm Hào và Trần Kiệt đi với Thanh-Mai, Tự-Mai, lên Tản-viên bàn với vị chưởng môn nhân xem ý họ thế nào. Còn chú Hoàng Hùng ở nhà coi nhà.
Cơm xong, tỳ nữ nước. Bảo-Hòa bưng bát nước trà đưa lên miệng thổi cho nguội, thình lình Đỗ Lệ-Thanh nắm lấy tay nàng:
- Quận chúa. Muôn ngàn lần quận chúa không thể uống bát nước này.
Bảo-Hòa đặt bát nước xuống bàn hỏi:
- Sao vậy?
Đỗ Lệ-Thanh chỉ bát nước nói:
- Nước có độc.
Mọi người đều để bát nước xuống. Cũng may chưa ai uống. Đỗ Lệ-Thanh chỉ vào từng bát nước:
- Kỳ lạ không? Bát nước của các vị trưởng thượng cùng đại đệ tử không có độc. Chỉ bát nước của Công-chúa, Quận-chúa, Thế-tử, Thanh tiểu thư có độc nhẹ. Còn bát nước của công tử Tự-Mai với Tôn Đản có độc cực kỳ mãnh liệt.
Mọi người cùng nhìn theo tay Đỗ Lệ-Thanh. Quả nhiên mầu sắc những bát nước không có độc mầu xanh tươi. Còn bát nước Đỗ Lệ-Thanh nói rằng trúng độc nhẹ thì hơi vàng. Những bát nước bà bảo trúng độc nặng có mầu vàng sẫm.
Đỗ Lệ-Thanh tiếp :
- Xin các vị ngửi thử thì biết ngay. Bát nước không có độc, hương trà thơm ngát. Bát nước có độc nhẹ, mùi thơm giảm đi. Bát nước có độc nặng, gần như không có mùi thơm gì cả.
Trần Kiệt ngửi thử rồi hỏi:
- Đỗ phu nhân. Phu nhân có biết chất độc trong nước trà thuộc chất độc gì không?
Đỗ Lệ-Thanh đáp:
- Cả ba đều rút từ nước cốt hoa Trúc-đào. Người bị trúng độc sẽ cảm thấy say say, rồi sau đó ôm ngực đau đớn quằn quại mấy ngày mới chết. Sau khi chết, mặt tím bầm.
Thanh-Mai đưa mắt nhìn bố. Hai bố con cùng gật đầu, như tìm ra một điều gì quan trọng.
Ký ức Thanh-Mai trở về với năm trước. Người tỳ nữ tên Nhài, trước đây hầu hạ mẹ nàng, bỗng đưng trúng gió, đau đớn suốt nửa ngày, thuốc thang gì cũng không khỏi. Cuối cùng chết. Khi chết rồi, mặt tím bầm, tóc vàng hoe như râu ngô. Tiếp theo Nhài, con chó thân tín của Thanh-Mai cũng đau đớn oằn oại rồi lăn ra chết. Lúc chết, mũi, mồm mửa ra máu đen.
Tự-An nói:
- Trong trang này có gian tế. Không hiểu sao gian tế lại giết con Nhài với con chó của Thanh. Bây giờ gian tế muốn giết Tự-Mai với Tôn Đản? Còn Thanh với các cháu này, tại sao lại chỉ bị đánh thuốc nhẹ thôi
Tự-An biết Bảo-Hòa từng thay bố mẹ cầm quân ở Bắc-biên, rất quen với phương pháp điều tra. Ông nói:
- Cháu Bảo-Hòa. Ta giao cho cháu điều tra vụ này.
Bảo-Hòa vâng dạ. Nàng nói:
- Trong vụ này, chỉ những người bị đánh thuốc độc, mới không bị nghi ngờ. Ngoài ra ai cũng có thể là thủ phạm hết. Đầu tiên các vị sư bá, sư thúc, tất cả đều ngồi đây, không ai có thời giờ ra tay phóng độc.
Một tỳ nữ lặng lẽ rời thủy các. Bảo-Hoà vẫy tay gọi:
- Chị tỳ nữ bưng nước hãy ở lại đây.
Con tỳ nữ tên Huệ khóc:
- Thưa quận chúa, con không biết gì cả. Oan con lắm.
Bảo-Hòa an ủi:
- Dĩ nhiên không phải chị. Song kẻ đánh thuốc độc này chưa biết là ai. Chị phải ở đây để được bảo vệ tính mạng. Có thể thủ phạm giết chị để đổ tội cho chị.
Con Huệ run lập cập. Nó đứng sau lưng Thanh-Mai để tìm sự che chở. Bảo-Hòa tiếp:
- Bây giờ cho mời đầu bếp nấu nước để thẩm vấn.
Thanh-Mai bảo Tự-Mai:
- Em xuống bếp gọi lão Việt cùng bà Tuyền lên đây.
Bảo-Hòa ra hiệu cản Tự-Mai:
- Người ta đang muốn giết Tự-Mai, em không thể đi.
Tự-An gật đầu công nhận Bảo-Hòa kinh nghiệm điều tra. Ông chỉ đại đệ tử của Hoàng Hùng tên Hoàng Minh:
- Cháu xuống bếp gọi họ cho ta.
Bảo-Hòa nói với Thiệu-Thái:
- Thiền-công của anh hiện đã đến bậc tối cao rồi, không một độc chất nào nhập vào cơ thể được. Anh hãy đi cùng sư huynh Hoàng Minh, để phòng biến cố.
Hai người băng mình vào đêm tối. Lát sau cả hai đi lên, nách mỗi người ôm một người. Thanh-Mai kinh hãi hỏi:
- Cái gì vậy?
Hoàng Minh, Thiệu-Thái để hai người đó xuống. Thì ra lão Việt với bà Tuyền. Cả hai mắt lờ đờ, hơi thở còn rất yếu. Hoàng-Minh nói:
- Hai người này nằm dài dưới bếp. Đệ tử mang họ lên đây để sư phụ định liệu.
Đỗ Lệ-Thanh vội cậy miệng lão Việt với bà Tuyền, cho vào miệng mỗi người một viên thuốc. Bà dùng nội lực vỗ mạnh lên đầu họ một cái. Hai người rùng mình mở mắt ra. Bà Tuyền run run nói:
- Chủ nhân. Chủ nhân cứu tiểu tỳ với. Tiểu tỳ bị ma hớp hồn.
Tự-An hỏi:
- Cái gì đã xẩy ra?
Bà Tuyền vẫn còn run rẩy kể:
- Tiểu tỳ với lão Việt đang ngồi ăn dưới bếp. Thình lình có con ma áo trắng, nanh dài, mắt xanh, bàn tay đen như nhọ chảo bước vào. Nó khà một cái, bụi bay mù mịt. Tiểu tỳ với lão Việt choáng váng đầu óc, rồi không biết gì nữa.
Đỗ Lệ-Thanh nói với Tự-An:
- Đại hiệp. Không phải ma đâu, mà là người giả ma. Thủ phạm dùng chất độc rất nhẹ phun vào mặt hai người. Dường như thủ phạm không muốn giết lão Việt với bà Tuyền.
Tự-An chau mày suy nghĩ:
- Không ngờ trong trang Thiên-trường của phái Đông-a mà cũng có gian nhân mai phục. Cháu Bảo-Hòa, cháu thử giải đoán xem thủ phạm từ ngoài đột nhập hay bên trong trang?
Bảo-Hòa đáp:
- Thứ nhất, người này muốn giết Tự-Mai với Tôn Đản. Thứ nhì muốn làm cho chúng cháu với sư tỷ Thanh-Mai ngộ độc. Thứ ba y không muốn hại năm vị đại hiệp với quí cao đồ. Y muốn gây khủng hoảng tinh thần hai người đầu bếp.
Trần Kiệt nói với các cao đồ:
- Các con cùng Thanh-Mai mau tra xét trong nhà xem còn ai bị trúng độc không?
Mười hai đại đệ tử băng mình đi liền. Trần Kiệt đặt vấn đề:
- Liệu gian tế có thể do bọn Tống không?
Lệ-Thanh lắc đầu:
- Không. Bọn Tống tuy có nhiều gian tế. Gian tế của chúng đều đặt dưới quyền Triệu-Thành. Mà Triệu Thành coi Thanh tiểu thư như một thiên tiên. Mỗi lần thấy Thanh tiểu thư hồn phách bay phơi phới. Thì đời nào thủ hạ của y giám đánh thuốc độc nàng.
Bảo-Hòa lắc đầu:
- Đỗ phu nhân quả nhiều tình cảm, nên kiến giải theo tình cảm. Triệu Thành say mê Thanh sư tỷ đến điên đảo thần hồn, nhưng có một điều y say mê hơn, đó là quyền uy. Y đọc sách nhiều, chịu ảnh hưởng của Nho-giáo. Hơn nữa y ngồi ngôi vị hoàng tử từ bé, mỗi ngày không thể thiếu đàn bà. Đàn bà đối với y như một thứ đồ chơi. Xong việc, vứt bỏ. Cho nên dù Thanh sư tỷ, dù tiên nga. Y say mê, cứ say mê. Trên đường dọc ngang, được thì tốt. Không được cũng chẳng sao. Nếu y thực sự yêu thương Thanh sư tỷ như phu nhân nghĩ, bọn thủ hạ của y đâu dám đụng đến vạt áo nàng, chứ đừng nói vô lễ. Thế mà bọn Tung-sơn tam kiệt bắt giam nàng, hành hạ đủ điều hơn tháng, mà Triệu Thành cũng chẳng nói gì.
Có nhiều tiếng người nói lào xào. Hoàng Minh trở lại nói với Tự-An:
- Thưa sư bá. Bá mẫu cũng bị trúng độc mê man.
Tự-An ra lệnh:
- Tất cả mọi người đều ở lại đây. Bảo-Hòa, Thanh-Mai, Đỗ phu nhân theo tôi đi mà thôi.
Ông đi trước, dẫn đường. Tới nội thất, mấy con tỳ nữ đang đứng trong phòng bà Phương run run. Bà Phương nằm mê man trên dường. Đỗ Lệ-Thanh tiến tới cầm tay chẩn mạch. Bà cười nhạt:
- Trình đại hiệp, không hề gì. Còn cứu kịp.
Đỗ Lệ-Thanh lấy trong bọc ra cái hộp, đổ lấy ba viên thuốc. Bà đưa viên mầu đỏ đưa cho Thanh-Mai:
- Xin tiểu thư phóng vào huyệt Đản-trung phu nhân.
Thanh-Mai kéo áo bà Phương, rồi để hai viên thuốc lên đầu ngón tay cái và trỏ, rồi búng mạnh. Viên thuốc quay tròn với tốc độ cực mau, kêu lên tiềng vo vo như sáo diều, nhưng bay đến ngực bà Phương rất chậm. Khi viên thuốc sắp chạm vào ngực bà thì vỡ thành bụi, chụp xuống huyệt Đản-trung.
Đỗ Lệ-Thanh nói:
- Đa tạ tiểu thư. Đản-trung là mộ huyệt của tâm bào. Như vậy tính mệnh chủ mẫu được bảo vệ rồi.
Đỗ Lệ-Thanh kéo miệng mụ Phương bỏ vào hai viên thuốc, rồi dùng nội lực vỗ vào huyệt Bách-hội mụ hai cái. Hai viên thuốc chạy thẳng vào bụng mụ.
Thanh-Mai hỏi con tiểu tỳ tên Hồng:
- Hồng. Em thấy cô Phương bị trúng độc từ lúc nào?
Con Hồng đáp:
- Sau khi ăn cơm chiều, bà cho bọn em đi nghỉ sớm, rồi đóng cửa nằm ngủ. Cho nên bà bị trúng độc lúc nào em không biết.
Đỗ Lệ-Thanh thấy trên bàn cạnh giường bà Thanh có cái bát uống nước. Bát đã hết nước. Bà đưa lên mũi ngửi, rồi gật đầu:
- Chất độc này khác với chất độc định hại công tử Tự-Mai. Như vậy thủ phạm rất thạo việc hạ độc. Chúng dùng tới ba thứ thuốc khác nhau. Thứ thuốc hại phu nhân cực mạnh. Nhưng trong người phu nhân có sức chống bệnh rất mãnh liệt. Dù tôi không ra tay, sáng mai phu nhân cũng khỏi.
Tự-An bảo con Hồng:
- Con ở đây coi bà. Nếu có gì lạ, lên Thủy-các gọi ta.
Ông vẫy tay cho mọi người đi theo. Tới Thủy-các, ông hỏi Bảo-Hòa:
- Cháu cho ta biết ý kiến.
Bảo-Hòa nhìn Thanh-Mai, rồi lắc đầu:
- Thưa sư bá. Anh em cháu cùng Mỹ-Linh tới đây, với chủ ý làm sáng tỏ chính nghiã Đại-Việt, cùng giải đi những hiểu lầm giữa ông ngoại cháu với phái Đông-a. Việc đã coi như được một nửa. Bây giờ gặp nạn này, muôn ngàn lần cháu không muốn xen vào truyện nhà của sư bá.
Thanh-Mai nắm tay Bảo-Hòa:
- Bảo-Hòa này. Từ lúc tới đây đến giờ, lúc nào bố mình cũng coi Bảo-Hòa như con cháu. Vậy, việc này mình xin Bảo-Hòa coi như việc của Bảo-Hòa. Mong Bảo-Hòa cứ nói ra sự thực đi.
Bảo-Hòa cảm động, nghĩ thầm:
- Cậu hai dặn rằng trong chuyến đi này, mọi việc nhất nhất phải theo sự điều động của Thanh-Mai. Tuy chưa có mai mối, nhưng Thanh-Mai được coi như mợ của mình. Mình đâu dám trái lời?
Nghĩ vậy nàng nói:
- Việc tỳ nữ tên Nhài với con chó của Thanh-Mai bị đánh thuốc độc chết đã ba năm nay. Như vậy coi như thủ phạm hiện diện trong trang hơn ba năm rồi. Tỳ nữ Nhài với con chó là trở ngại lớn cho thủ phạm, nên thủ phạm phải giết đi. Việc Nhài bị giết, hiện chưa có lý nào để giải cả. Còn con chó bị giết, do đâu? Vì thủ phạm muốn rình rập Thanh sư tỷ, nên cần giết chó, để dễ hành sự.
Trần Kiệt gật đầu:
- Đúng. Cháu kiến giải hay thực.
- Từ hơn ba năm, trong trang không ai bị hại cả. Chứng tỏ thủ phạm đã ẩn thân rất kỹ, không gặp trở ngại. Bây giờ thủ phạm mới ra tay. Không những ra tay tàn bạo, mà ra tay khẩn cấp. Chủ yếu giết Tự-Mai, Tôn Đản. Còn bọn cháu, thủ phạm muốn kiềm chế bằng thuốc độc. Chúng cháu trúng độc rồi, thủ phạm cho người xuất hiện ra điều kiện. Chúng cháu tuân theo, chúng cho thuốc giải, bằng không thì chết.
Tự-An hỏi:
- Thế còn việc dọa ma lão Việt với bà Tuyền, cùng mụ vợ của bác?
Bảo-Hòa thở dài:
- Thủ phạm hành sự rồi, sợ bị lộ. Y mới giả ma dọa hai người đầu bếp, hầu tâm thần họ hỗn loạn, quên hết mọi sự, khiến chúng ta không điều tra được. Thôi Đỗ phu nhân hãy nói ra sự thực đi.
Đỗ Lệ-Thanh đến trước Thiên-trường ngũ kiệt quì xuống rập đầu binh binh:
- Ngũ vị đại hiệp đã hứa giúp tiểu tỳ, đứng ra chủ trì công đạo vụ Nguyên-Hạnh. Bây giờ lại thêm lệnh của quận chúa, tiểu tỳ muôn thác cũng không dám dấu diếm.
Tự-An phất tay, một kình lực nhu hòa đỡ Đỗ Lệ-Thanh dậy. Ông nói:
- Đỗ phu nhân cứ cho ta biết sự thực. Dù hung thủ là ai, ta cũng quyết không tha thứ.
Đỗ Lệ-Thanh nói:
- Chủ nhân có thấy tóc chủ mẫu khác thường không? Các sợi tóc đều giống nhau: Nửa dưới thì đen. Nửa trên thì vàng. Hàng ngày tóc thường gẫy. Chân tay chủ mẫu lạnh như băng không?
Tự-An gật đầu:
- Khi mới về làm vợ, ta thấy tình trạng nàng như vậy, ta cứ cho rằng tỳ thận dương của nàng hư. Ta gọi thầy lang chữa trị, mà vô phương.
Đỗ Lệ-Thanh tiếp:
- Chủ nhân có thấy gần đây, tự nhiên chân tay chủ mẫu ấm áp ra. Nhưng tóc càng vàng úa hơn không?
- Đúng. Nhưng tôi không học y khoa, nên không rõ.
Đỗ Lệ-Thanh mỉm cười:
- Tóc chủ mẫu vàng úa vì độc chất. Độc chất dần dà nhập cơ thể. Bây giờ cơ thể chủ mẫu quen với thuốc rồi, đến độ chủ mẫu có thể uống liều độc dược mà không sao. Trong khi người khác chỉ cần uống một phần ba đã chết. Mặt khác, khi các vị đại hiệp hiện diện cũng như công tử Tự-Mai tiếp xúc với chủ mẫu một lát, tự nhiên cảm thấy mệt mỏi, hay cáu bực mình.
Mọi người nhìn nhau, cùng gật đầu. Lệ-Thanh tiếp:
- Đúng ra giữa dì ghẻ với con gái chồng thường hay xung đột. Còn đối với con trai chồng rất thân nhau. Đây chủ mẫu trái lại, bà xung đột kịch liệt với công tử Tự-Mai.
Tự-Mai gật đầu:
- Đúng thế. Mỗi khi thấy cô Phương, tôi bực mình, đến nỗi không muốn thấy mặt mụ ta.
Đỗ Lệ-Thanh càng nói, mọi người càng hoang mang, không hiểu thủ phạm là ai, ẩn trong trang Thiên-trường làm gì?
Đỗ Lệ-Thanh tiếp:
- Từ khi cưới chủ mẫu về. Đại hiệp cảm thấy công lực ngày càng giảm. Cứ mỗi buổi sáng thức dậy, người gần như mất hết công lực. Tuy nhiên từ hơn sáu tháng nay, đại hiệp ngủ riêng phòng với chủ mẫu, thành ra công lực trở lại như xưa.
Tự-An gật đầu:
- Không lẽ mụ vợ ta lại là hung thủ?
Mụ Phương từ ngoài xồng xộc bước vào, chỉ mặt Đỗ Lệ-Thanh:
- Con mụ hèn hạ kia. Mi đừng đặt điều, ngậm máu phun người. Ta vả vào mặt mi, cho mi biết thân.
Mụ tiến tới tát thực mạnh vào mặt Đỗ Lệ-Thanh. Ai cũng tưởng bà né tránh hay đỡ. Không ngờ bà thản nhiên như không. Bà chuyển tay, đưa cuốn sách nhỏ trên tay để vào má. Hai tiếng bốp, bốp vang lên. Mụ Phương tuy tát vào mặt Đỗ Lệ-Thanh, mà tát phải cuốn sách. Chưa thôi, mụ Phương chỉ mặt Thanh-Mai, Tự-Mai:
- Hai đứa mất dạy, đi rước ở đâu về những phường mèo mả gà đồng này?
Bà tiến tới tát vào mặt Tự-Mai.
Lễ giáo thời bấy giờ định rằng: Con cái dù có lỗi hay không, bố mẹ muốn đánh, muốn chửi, không được cãi, cũng không được tránh né. Tự-Mai ngồi im chịu đòn. Nhưng bàn tay bà Phương sắp tới mặt Tự-Mai, thì nhanh như chớp, Mỹ-Linh xuyên tay ra kẹp cứng bàn tay mụ lại. Mụ quát lên giật về, nhưng không nhúc nhích. Mụ văng tục:
- Con đĩ ngựa này. Ta dạy con, dạy cháu việc gì đến mi mà mi can thiệp vào?
Mỹ-Linh thản nhiên:
- Bà đánh con bà dĩ nhiên tôi không có quyền can thiệp. Song luật Đại-Việt định rằng bố mẹ không có quyền giết con cái. Huống hồ bà định giết sư đệ của tôi bằng chất độc?
Nàng lật ngửa tay bà Phương lên, chỉ vào cái nhẫn:
- Đây các vị coi. Cái nhẫn này mặt trên cũng như những cái nhẫn khác. Mặt dưới lại có cái gai. Đầu cái gai này tẩm thuốc kịch độc.
Đỗ Lệ-Thanh kính cẩn nói với Mỹ-Linh:
- Khải tấu công chúa, cái thứ độc dược hạng bét này không hại được Trần công tử đâu, vì Trần công tử đã tập Vô ngã tướng thiền công. Cho nên khi bà ta tát tiểu tỳ. Tiểu tỳ đưa sách lên che mặt. Còn khi bà tát Trần công tử, tiểu tỳ không can thiệp, ý tiểu tỳ muốn cho Nhật-Hồ lão nhân biết rằng những thứ ma quái Tây-dương Hồng-thiết giáo không qua được phép Phật.
Mỹ-Linh nhớ lại truyện xưa. Trong trận đánh đồi Vương-sơn, vợ chồng Xích-Anh, Trần Nghi-Gia dùng độc chưởng lợi hại biết chừng nào, mà công chúa Yên-Lãng Trần Năng được Tăng-giả Nan-đà dạy Vô-ngã tướng thiền công cho, bà hóa giải như không.
Thình lình lão Việt lạng người đi, chụp mụ Phương, vọt mình khỏi phòng họp. Thân pháp của y cực kỳ thần tốc. Thoáng một cái, y đã ra khỏi Thủy-các. Y vừa đặt chân xuống đất, thì chạm phải một người. Bình một tiếng, y bay trở vào rơi đúng chỗ đứng mà y vừa vọt ra. Người kia chặn ở cửa. Người đó là Trần Kiệt.
Trần Kiệt ngồi bên cửa sổ Thủy-các. Ông thấy lão Việt chụp mụ Phương chạy đi. Ông vọt khỏi cửa sổ lên bờ, di chuyển thân mình đến đầu cầu, tay xử dụng chiêu Đông phong như thủy hất lão trở vào Thủy-các.
Trần Kiệt chuyển tay chụp lão Việt. Lão vung tay gạt. Bộp một cái, người lão văng vào tường Thủy-các đến rầm một cái. Lão bỏ mụ Phương xuống, xuát chiêu tấn công Đỗ Lệ-Thanh, chưởng lực quái dị vô cùng. Mọi người kinh ngạc đến đờ ra. Vì lão Việt ở trang Thiên-trường đã lâu, lão không hề học võ, mà sao nay lại biết xử dụng. Không những lão biết xử dụng, mà dường như võ công lão cao cường là khác. Trần Kiệt vung tay đỡ chưởng cho Đỗ Lệ-Thanh. Bình một tiếng cả hai cùng bật lui lại. Mùi tanh hôi bay nồng nặc khắp Thủy-các.
Thanh-Mai quát lên:
- Nhật-hồ độc chưởng. Lão Việt, thì ra mi là người của Nhật-Hồ lão nhân đấy. Mi ẩn thân ở trong trang, tưởng không ai biết, nhưng bố ta biết từ lâu rồi.
Lão-Việt cười nhạt:
- Con nha đầu kia, nói láo vừa thôi. Nếu tên Trần Tự-An biết được, đời nào y để lão phu sống yên ổn mấy chục năm nay?