Hồi 12b
Phùng Vĩnh-Hoa hạ lệnh:
- Bây giờ cần hai người, một võ công cực cao, một mưu trí tuyệt vời theo Nghiêm đại ca. Nếu thấy quả Quang-Vũ vô tình không nghi ngờ Nghiêm đại ca thì thôi. Bằng y bắt giam Nghiêm đại ca, phải cứu Nghiêm đại ca, rồi chuyển thư về đây cho chúng ta biết để còn trở tay kịp. Tôi đề nghị Thái sư-thúc Khất đại-phu đi cùng các sư tỷ Phật-Nguyệt và Trưng Nhị.
Khất đại-phu gật đầu đồng ý.
Trưng Nhị cầm bút viết thư cho Nghiêm Sơn bảo chàng chờ nàng cùng Khất đại phu và Phật-Nguyệt ở Dương-bình quan rồi cùng đi Trường-an đón Quang-Vũ. Nàng viết thư xong, nhờ Hồ Đề đưa Thần-ưng chuyển đi ngay lập tức.
Phùng Vĩnh-Hoa tiếp:
- Đường rút lui của chúng ta rất trọng yếu. Dù chúng ta liên kết với Thục chăng nữa vẫn phải giữ con đường về cho thật chắc. Vậy phiền Đinh-hầu cùng với Bạch-Nương, Quách Lãng trấn thủ các thành từ Hán-nguyên tới Độ-khẩu. Đào hiền đệ hãy ban lệnh Minh Giang trấn thủ Độ-khẩu. Đạo quân Kinh-châu do Đặng Vũ chỉ huy cùng với Sầm Bành, Mã Viện án binh bất động. Vương Nguyên trở về với Thục, chưa ai hay. Ta cử y trấn thủ từ Quảng-an tới Kinh-châu. Khi khởi sự Vương Nguyên chặn đường về của Đặng Vũ
Còn các thành Kiếm-các, Dương-bình quan, Võ-đô thì sư thúc Cao Cảnh-Minh với Thần-nỏ tứ hùng tổng trấn.
Sư tỷ Trưng Trắc liên lạc với Công-tôn Thuật, để Thuật cho lệnh tấn công Đặng Vũ, Ngô Hán, chúng ta sẽ đánh từ phía sau, tất hai đoàn quân này sẽ tan nát cả. Khi rút quân thì chúng ta rút qua Độ-khẩu, rồi về Lĩnh Nam. Tới Lĩnh Nam chúng ta lập tức khởi binh.
Bây giờ anh hùng đạo nào về đạo đó. Cần nhất theo dõi, để khi có lệnh thì kiềm chế các tướng Hán kịp thời. Riêng đạo Kinh-châu Trưng Nhị, Phật-Nguyệt đi rồi, Phương-Dung với Vương Nguyên thay thế.
Trưng Nhị cùng Khất đại phu, Phật-Nguyệt lên ngựa hướng Dương-bình quan khởi hành. Ba người biết rằng, chậm một bước, Nghiêm Sơn nguy một bước. Cho nên chỉ một ngày sau, đã tới nơi. Nghiêm Sơn không thấy Phương-Dung và Vĩnh-Hoa trở về mà lại thấy Phật-Nguyệt với Trưng Nhị thì ngạc nhiên lắm. Vương hỏi Trưng Nhị:
- Sư muội tại sao lại có sự thay đổi vậy? Dù thay đổi gì chăng nữa, các sư tỷ, sư muội phải cho ta biết chứ? Sư muội là quân sư, Phật-Nguyệt là đệ nhất cao thủ đạo Kinh-châu. Cả hai tự tiện tới đây thì đạo Kinh-châu nguy mất. Hôm qua Phương-Dung nói rằng Đào sư đệ bị bệnh, nàng cùng Thái sư thúc Khất đại-phu đi Thành-đô chữa bệnh cho y. Sau ta thấy sư bá Cao Cảnh-Minh, Thần nỏ tứ hùng và Vĩnh-Hoa cũng đi. Ta chẳng hiểu nữa. Có gì xảy ra, xin cho ta biết!
Trưng Nhị cười nhạt:
- Đại ca đã nhận được thư chúng tôi gởi bằng Thần-ưng chưa?
- Nhận được rồi.
- Chúng tôi gởi thư nói với đại ca như thế là cố giữ đại ca ở lại chờ chúng tôi đấy. Hôm nay chúng tôi biết đại ca sắp chết, nên đến đây phúng điếu. Hoàng sư tỷ sẽ đến sau.
Nghiêm Sơn biết tính Trưng Nhị nghiêm trang, không đùa cợt bao giờ, dù là đối với Lục Sún, nay nghe nàng nói vậy, thất kinh hỏi:
- Tại sao? Tại sao ta sắp chết? Ta có bệnh gì đâu?
Phật-Nguyệt xen vào:
- Tôi hỏi đại ca câu này nhé.
- Được sư muội cứ hỏi.
- Đại ca kết huynh đệ với vua Quang-Vũ phải không?
- Đúng thế, ta lấy nghĩa huynh đệ mà giúp hoàng-thượng.
- Được, khi cần tranh dành Trung-nguyên, cả đất 6 quận Lĩnh Nam còn nằm trong tay Vương Mãng. Đại ca một thân cùng với Hiệp-phố lục hiệp xuống Lĩnh Nam thu phục vùng này cho Quang-Vũ. Vì vậy y mới phong cho đại ca làm Bình-nam đại tướng quân, Lĩnh-nam công có đúng không?
- Đúng thế!
- Sau khi y bị Công-tôn Thuật đánh thua, y nhờ đại ca mang đạo quân Lĩnh Nam về đánh Thuật. Y phong cho đại ca làm Lĩnh-nam vương, Tả tướng-quốc. Có đúng thế không?
- Đúng!
- Đại ca đánh đâu thắng đó, thế tựa chẻ tre. Nay sắp lấy Thành-đô, như vậy là suốt giải Kinh-châu, Lĩnh Nam, Tây-xuyên, Đông-xuyên và Ích-châu đều nằm trong tay đại ca. Quân thế hùng tráng, sức mạnh nghiêng nước. Xưa nay, thế bề tôi mạnh hơn vua chỉ có hai đường. Hoặc là bề tôi lật vua như Vương Mãng hoặc là bề tôi bị vua giết như Hàn Tín, có đúng không?
- Ta với hoàng-thượng đối với nhau như anh em. Ta không ham danh lợi, điều đó chắc hoàng-thượng biết, không lẽ người còn nghi ta?
Trưng Nhị cười:
- Đại ca u mê mất rồi! Đại ca cầm quân ở ngoài, Quang-Vũ không nghi đại ca, nhưng quần thần có phải ai cũng nghĩ như Quang-Vũ đâu? Kẻ nói ra, người nói vào mãi rồi y cũng phải nghe theo. Vả lại, nếu đợi Đào Kỳ chiếm được Thành-đô, có lẽ y phải phong Đào Kỳ làm Hán-trung vương mới đúng. Điều đó chắc quần thần không ai chịu. Thôi bỏ qua chuyện đó. Bây giờ tôi hỏi đại ca. Đại ca chỉ dơ tay một cái là bắt được Công-tôn Thuật. Thế tại sao Quang-Vũ phải mang đại quân đến Trường-an, rồi bảo đến Dương-bình quan tiếp viện cho đại ca? Đại ca có thua Thuật đâu?
Trưng Nhị thở dài tiếp:
- Thời Tây-Hán, biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt theo giúp Lưu Bang. Khi dựng được nghiệp rồi, Trương Lương phải bỏ đi tu. Tiêu Hà bị bỏ ngục, Hàn Tín bị giết ba họ. Thay vào đó là bọn ngoại thích. Lã thái-hậu chuyên quyền. Anh em Lã-hậu nắm quyền bính, giết cả Tề-vương là con Cao-tổ. Rồi suốt mấy trăm năm bọn ngoại thích làm mưa, làm gió trong triều. Gần đây Vương Mãng cũng là ngoại thích, chiếm ngôi vua. Bây giờ Mã thái-hậu ngồi ở trong ảnh hưởng đến các đại thần. Thái-hậu chiêu dụ một số cao thủ để sai khiến. Ai nghe thì để, ai không nghe thì bí mật giết đi. Tô Định là cháu Mã thái-hậu được đưa sang để chèn ép đại ca.
Nghiêm Sơn nghe Trưng Nhị nói, mồ hôi vã ra như tắm. Vương ngồi im không nói gì. Khất đại phu nói:
- Điều này dễ hiểu lắm, ở đây chỉ có Nghiêm vương với ta biết rõ ràng Mã thái-hậu không phải là sinh mẫu của Quang-Vũ. Truyện này Quang-Vũ chưa biết nhưng Mã thái-hậu phải thủ trước. Vì vậy bà cần dèm pha để Quang-Vũ giết Nghiêm-vương hầu chặt đứt bớt vây cánh trung thần. Quang-Vũ mắc kế Mã thái-hậu mà thôi.
Trưng Nhị tiếp:
- Như vậy rõ ràng Quang-Vũ nghi đại ca. Vua nghi bầy tôi, thì bầy tôi phải chết. Quang-Vũ bắt chước Cao-tổ du Vân-mộng bắt Hàn Tín. Bây giờ y cũng mang quân đến Hán-trung để đại ca ra đón. Đại ca đón, y sẽ bắt đại ca giết lập tức. Còn nếu đại ca làm phản, y dùng quân đó đánh đại ca. Bây giờ đại ca tiến lên thì gặp Công-tôn Thuật, lui lại thì Đặng Vũ, Quang-Vũ ở sau, cho nên tôi biết đại ca sắp chết, mà đến đây tiễn đại ca mấy ly rượu.
Nghiêm Sơn nghe nói chân tay rụng rời. Vương thẫn thờ hỏi:
- Trưng sư muội, người bảo ta phải làm gì bây giờ.
- Tôi có ba kế, xin đại ca nhận lấy một.
- Xin cứ nói.
- Thứ nhất, ngay đêm nay đánh chiếm Thành-đô. Xong, triệu tập Đặng Vũ, Ngô Hán tới giết đi. Rồi cho người trấn giữ, Kinh-châu, Giang-nam, Lương-châu, Hán-trung, chỉnh bị binh mã kéo ra Trường-an. Một mặt đạo Kinh-châu đánh trở lên. Đạo Giang-nam vượt Trường-giang lên phía Bắc. Chúng ta tranh phong giang sơn với Quang-Vũ. Chỉ cần đánh một trận lấy Thiên hạ. Đại ca lên làm hoàng-đế.
Nghiêm Sơn lắc đầu:
- Ta không muốn làm hoàng-đế, bỏ kế này đi.
- Tại sao Triệu Đà, Quang-Vũ cai trị được Lĩnh Nam mà đại ca không cai trị được Trung-nguyên?
- Ta là người hiệp nghĩa, khác với bọn ác độc đó, chỉ có thế.
- Kế thứ nhì: Giữ vững Kinh-châu, Hán-trung. Trả đất cho Công-tôn Thuật. Cho chúng tôi về Lĩnh Nam. Chúng ta chia ba thiên hạ với Quang-Vũ.
- Còn kế thứ ba?
- Kế thứ ba, cho đạo Lĩnh Nam rút về. Đại ca ra Trường-an đón Quang-Vũ, đưa đầu cho hắn chặt.
Nghiêm Sơn thở dài sườn sượt:
- Kế thứ nhất khó quá, ta không làm nổi. Kế thứ nhì thì ta cũng không muốn phản nghĩa huynh. Thôi ta cứ án binh, mình chúng ta đến yết kiến hoàng-thượng. Dù ta chết cũng được, còn hơn để cho hàng vạn người phải chết khổ sở.
Trưng Nhị thở dài:
- Chúng tôi biết đại ca không dám phản Quang-Vũ, nên đã chuẩn bị sẵn. Nếu Quang-Vũ hại đại ca, chúng tôi đồng khởi binh, đánh nhau một trận trời sầu đất thảm mới thôi. Được, chúng ta lên đường.
Dọc đường Trưng Nhị bàn với Nghiêm Sơn:
- Khi đến Trường-an, chúng ta vào triều kiến Quang-Vũ. Với công lao của đại ca, y khó trở mặt. Tuy nhiên nếu y bắt đại ca, thì chúng ta kềm chế y, dí kiếm vào cổ, thoát thân. Tôi có mang theo năm Thần ưng rất khôn ngoan của Hồ Đề. Có gì tôi cho chúng mang thư về ba đạo Hán-trung, Kinh-châu, Lĩnh-nam. Ba nơi cùng khởi binh đánh Kinh-châu, Hán-trung, Trường-an. Đại ca nghĩ thế nào?
Nghiêm Sơn tự tin:
- Ta chắc hoàng-thượng không trở mặt với ta. Điều đó không cần đến. Tuy nhiên nếu thực sự như sư muội nói. Ta mặc sư muội muốn hành động lẽ nào tùy ý.
Ba người lên đường đi Hán-trung. Nghiêm Sơn chỉ mang theo có mười quân kỵ mà thôi. Hôm sau tới Nam-trịnh. Vùng này là vùng trấn nhậm của Nghiêm Sơn. Thứ sử ra đón chàng. Thứ sử Nam-trịnh là người em kết nghĩa của Nghiêm Sơn. Nhờ uy tín của vương, y mới được bổ nhiệm làm Thứ-sử. Y tên Đô Thiên. Sau khi ăn cơm xong, Trưng Nhị bảo Đô Thiên:
- Đô thứ sử là em kết nghĩa với Lĩnh-nam vương, lại thuộc quyền quản trị của người. Vậy phải nhớ: Kể từ lúc này, chỉnh bị binh mã. Những tướng sĩ không trung thành với Đô tướng quân, phải cho thế liền. Nội ngày nay, ngày mai sẽ dùng đến. Phải nhớ một điều, dù Ngô Hán, dù Đặng Vũ hay ai điều động cũng không nghe lời.
Đô Thiên cúi đầu tuân phục. Ba người lên đường về Trường-an. Tới nơi thấy quân sĩ đóng trại dài hàng mấy chục dặm. Nghiêm Sơn hơi chột dạ. Vương cùng Khất đại-phu, Trưng Nhị, Phật-Nguyệt đồng vào thành. Quang-Vũ cho người ra ngoài đón tiếp. Bước vào trướng, Nghiêm Sơn thấy Quang-Vũ ngồi trên ngai vàng, bá quan văn võ đứng hai bên đông tới hàng trăm. Phía ngoài giáp sĩ canh gác gươm giáo sáng loáng.
Nghiêm Sơn ra hiệu cho ba người, cùng vương phủ phục xuống đất. Vương hô lớn:
- Lĩnh-nam vương, lĩnh Tả tướng-quốc cùng ba hào kiệt đất Lĩnh-nam Trần Đại-Sinh, Trưng Nhị, Phật-Nguyệt cung nghinh thánh giá.
- Nghĩa đệ và các vị bình thân. Nghĩa đệ vì ta kinh lược Lĩnh Nam, khiến cho 6 quận phía Nam thuộc về cương thổ nhà Đại-Hán. Lại tổ chức được đạo quân từ Lĩnh Nam về đánh Công-tôn Thuật. Công ấy không nhỏ. Nghĩa đệ hãy ngồi vào ghế này.
Nghiêm Sơn ngồi vào ghế phía trái Quang-Vũ.
Nghiêm Sơn đứng dậy chỉ Khất đại-phu:
- Đây là Thái sư thúc của hạ thần, họ Trần tên Đại-Sinh. Tiên sinh không những là người võ công đệ nhất Lĩnh Nam, mà còn là một thần y. Tiên sinh thích giang hồ chữa bệnh cho bá tánh, không nhận tiền của. Ai cho gì cũng nhận và ăn, nên người đời tặng danh hiệu là Khất đại-phu. Năm nay đại-phu 80 tuổi nhưng vẫn theo quân. Các đệ nhất cao thủ của Thục như Thiên-sơn thất hùng đều bị tiên sinh khuất phục.
Quang-Vũ nhìn Khất đại-phu thấy, lông mày, râu, tóc chưa bạc khen rằng:
- Quả thực là một tiên ông. Không ngờ Tiên-ông 80 tuổi mà tráng kiện như người mới 40. Thực hiếm có. Hãy mời tiên sinh ngồi.
Vương chỉ Phật-Nguyệt:
- Đây là sư muội Phật-Nguyệt 25 tuổi. Kiếm thuật thần thông bậc nhất Lĩnh Nam. Trong trận đánh Xuyên-khẩu, Bạch-đế, chỉ một thanh kiếm, đàn áp Vũ Chu và Công-tôn Thiệu.
Quang-Vũ nhìn Phật-Nguyệt thấy dáng người nàng mảnh mai, mắt phượng, mi thanh, mục tú, môi hồng, ngón tay trắng dài, thì nghĩ:
- Điều khó tin, người con gái thế này mà đánh thắng Vũ Chu, Công-tôn Thiệu thì quá đáng.
Tuy nghĩ vậy nhưng Quang-Vũ vẫn gật đầu:
- Lĩnh Nam quả nhiều anh hùng hiệp nữ. Mời nữ hiệp ngồi xuống.
Phật-Nguyệt ngồi xuống sau Nghiêm Sơn.
Nghiêm Sơn chỉ Trưng Nhị:
- Đây là Trưng Nhị cô nương võ công tuyệt thế, văn mô, vũ lược, là quân sư cho Đặng Vũ, đánh chiếm Xuyên-khẩu, Bạch-đế, Vũ-lăng và Quảng-an.
Quang-Vũ gật đầu:
- Trẫm nghe nói nghĩa đệ có ba nữ quân sư, Phương-Dung, Vĩnh-Hoa, Trưng Nhị. Còn hai người kia đâu?
- Tâu bệ hạ! Các quân sư cùng tướng sĩ hiện phải cầm quân đối đầu với giặc. Thần chỉ dẫn ba người về hầu bệ hạ. Đợi sau khi bình định được Ích-châu, thần sẽ dẫn tất cả về Lạc-dương chầu bệ-hạ.
Quang-Vũ hỏi:
- Nghĩa đệ đã tới Thành-đô chưa?
- Tâu bệ-hạ, đạo Lĩnh-nam đã tới Thành-đô. Quân số bẩy vạn người, phải để lại Hán-nguyên mất ba vạn. Tại Thành-đô giặc có tới 13 vạn, đạo này chưa dám công thành. Phải đợi đạo Hán-trung, Kinh-châu tới mới đánh. Hôm nay đã là ngày 23 tháng chạp rồi. Ngày Tết Nguyên-đán, thần sẽ hái hoa đào ở Thành-đô về dâng bệ hạ.
Một lão già đầu bạc bước ra tâu:
- Muôn tâu Bệ hạ, thần là Lý Thông lĩnh chức Tư-đồ, dám xin hỏi Lĩnh-nam vương mấy câu. Không biết vương có cho phép không?
Nghiêm Sơn biết lão này vốn là cậu của Mã thái-hậu. Lão muốn kiếm chuyện với Vương đây. Vương thản nhiên nói:
- Lý tư-đồ cứ hỏi.
- Thần nghe, dường như Lĩnh-nam vương lấy vợ người man di Cửu-chân. Vì thế bất cứ thứ gì của đất man di người đều cho là hay cả. Bởi vậy những cô gái trẻ như hai cô gái này, thần e trói gà không chặt. Thế mà Vương-gia tâu rằng kiếm thuật thần thông, thì e rằng khi quân phạm thượng thái quá. Mong Bệ-hạ xét lại.
Lại thêm một lão nữa bước ra tâu:
- Thần là Phạm Thăng là Hàn-lâm bác-sĩ, xin Bệ-hạ xét lại công việc của Lĩnh-nam vương. Hiện có tin Lĩnh-nam vương dùng người Nam-man chống thiên-triều. Người định lập lại nước Lĩnh Nam, quay về Bắc ăn thua với Hán-triều. Vậy xin bệ-hạ điều tra cho rõ.
Nghiêm Sơn nhìn hai lão già, mắt chàng toát ra tia hàn quang uy nghiêm, khiến hai lão già rùng mình lui lại. Lý Thông ngã ngồi xuống đất. Vương thấy vậy đã đoán ra tám chín phần: Từ ngày ta một thanh gươm cùng Quang-Vũ dựng nghiệp. Dù văn quan, dù vũ tướng đều biết ta với Thiên-tử tình nghĩa như tay chân. Ta là Thiên-tử, Thiên-tử là ta. Ai cũng tuân phục. Bây giờ đám văn quan này dám đàn hạch ta. Một là Quang-Vũ sắp đặt với chúng. Hai là Quang-Vũ tỏ ý nghi ngờ ta. Chúng theo gió lấy lòng Quang-Vũ.
Nghiêm Sơn bình thản tâu:
- Thần quả có kết hôn với người con gái Việt. Tiện thê là người có võ công cao, cũng tùng chinh theo đạo Lĩnh-nam, lập được khá nhiều công trạng. Vả lại khắp thiên-hạ đâu chẳng là con dân của Bệ-hạ? Người Hán, người Lương, người Sở, người Việt đều là con dân bệ-hạ cả. Thần có kết hôn với họ đâu có gì phạm pháp?
Lý Thông lại tâu:
- Tâu bệ-hạ, thần được biết trong khi Hán-Thục dàn quân tại Cẩm-dương, Công-tôn Thuật cho người dâng Lĩnh-nam vương hai mâm châu báu giữa ba quân. Đó là một điều ngờ. Trường-sa vương Công-tôn Thiệu, Bắc-bình vương Công-tôn Khôi, Bình-nam vương Công-tôn Phúc bị bắt, không hiểu sao Bình-nam vương lại phóng thích chúng. Đó là hai điều ngờ. Quân sư của đạo Hán-trung là Phùng Vĩnh-Hoa, hẹn hò, tình tứ với Đại tư-mã Thục là Thái-tử Công-tôn Tư. Đó là ba điều đáng ngờ. Xin Bệ-hạ cho điều tra thực hư thế nào thì rõ.
Nghiêm Sơn cười lạt:
- Khi ta một thanh gươm đánh đuổi Vương Mãng, cùng hoàng-thượng kết huynh đệ thì chưa có những thứ văn quan hủ lậu như người. Một thanh gươm hoàng-thượng với ta đánh trận Côn-dương, chiếm Trường-an, cũng chưa có những loại người như Thừa-tướng Lý Thông. Khi ta chiếm được 9 quận Kinh-châu, cũng chưa có những người như Lý thừa-tướng. Ta một gươm kinh-lược Lĩnh Nam, đem quân, đem lương thực tranh hùng ở Trung-nguyên. Kịp đến khi Đặng Vũ, Ngô Hán bị bại, ta lại trở về đánh Thục. Nay chỉ giơ tay một cái là đánh được Thục, các người bới lông tìm vết định làm gì ta đây? Công-tôn Thuật có tặng ta hai mâm lễ vật trước trận, đó là quần áo cho Vương-phi của ta. Nếu sự thực ta có tư túi gì thì phải kín đáo, chứ có đời nào làm trước ba quân? Thế mà ngươi cũng đặt điều, thứ đặt điều ngu xuẩn. Còn Công-tôn Thiệu, Công-tôn Khôi vượt ngục là do gian tế. Vả lại hai tên đó tuy thoát, nhưng ta chỉ giơ tay là lấy được Thành-đô. Chúng chạy đâu cho thoát? Còn chuyện Phùng Vĩnh-Hoa sư muội gặp Công-tôn Tư là dùng mỹ nhân kế, để cầm chân y, hầu Ngô Hán đánh úp Dương-bình quan. Điều này ta có thượng biểu về triều rồi chẳng có gì đáng dấu diếm cả.
Một người trong hàng võ ban bước ra tâu:
- Thần là Việt-kỵ hiệu-úy Trương Linh. Vừa rồi Lĩnh-nam vương tâu rằng Phật-Nguyệt cô nương đánh thắng Công-tôn Thiệu, Vũ Chu thần không tin. Vũ Chu là đệ nhất cao thủ vùng Kinh-châu. Công-tôn Thiệu là một trong Thiên-sơn thất hùng, võ công vô địch. Chỉ có Phiêu-kỵ đại tướng-quân Sầm Bành mới đánh lại y. Thế mà Lĩnh-nam vương tâu rằng một cô gái nhỏ bé ẻo lả thế kia, mà thắng chúng thì muôn ngàn lần thần không tin. Ấy là những người có mặt tại đây mà Lĩnh-nam vương còn tâu như vậy, huống hồ những người vắng mặt? Lại nữa như ông già sắp chết kia, mà bảo là võ công cao nhất thiên-hạ, thực là khinh anh hùng võ lâm Trung-nguyên quá đáng.
Nghiêm Sơn thấy một tên Việt-kỵ Hiệu-úy, chức tước của y chỉ bằng hạt vừng, hạt đậu so với Vương, mà y cũng dám ra đàn hặc Vương, thì nhất định phải có người đứng sau. Vương chưa biết trả lời sao, thì Trưng Nhị bước ra tâu:
- Tâu bệ-hạ bất cứ tâu về điều gì, có thể tâu láo được. Còn nói về võ công không thể giỏi nói dở, dở nói giỏi. Ở đây thần có ba người, vậy xin bệ-hạ cho ba người ra đấu sẽ biết ngay gian.
Quang-Vũ gật đầu:
- Được, vậy trẫm đồng ý để Việt-kỵ hiệu-úy đấu với anh hùng Lĩnh Nam để rõ trắng đen.
Trưng Nhị tâu:
- Xin bệ-hạ dạy thể lệ đấu.
Quang-Vũ cũng biết võ nói:
- Bây giờ trẫm cho đóng ở sân bốn cây cờ bốn góc. Hai người đấu trong đó. Nếu ai đánh bật hoặc chạy ra khỏi vòng là thua. Ai chết coi như thua. Ai biết mình võ công thấp, hãy xin hàng.
Nghiêm Sơn bảo Trưng Nhị:
- Việt-kỵ hiệu-úy Trương tướng-quân, chưởng lực không kém gì Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa đâu. Ta yêu cầu Trưng sư muội ra đấu với tướng quân.
Trưng Nhị nghe vậy thì biết võ công Trương Linh rất tầm thường. Nàng chắp tay nói:
- Tuân lệnh đại ca.
Bốn vệ sĩ đã đem bốn cây cờ ra cắm ở bốn góc sân. Các quan văn võ đứng xung quanh sân coi. Từ lâu họ nghe đất Lĩnh Nam nhiều nữ kiệt. Hôm nay họ thấy Trưng Nhị, một thiếu nữ vẻ người đậm đà, mắt phượng, môi hồng yểu điệu, dám đấu với một Việt-kỵ hiệu-úy của hoàng-đế là một điều lạ.
Trưng Nhị ra đứng giữa sân. Nàng quỳ gối hướng về phương Nam khấn:
- Đệ tử là Trưng Nhị, cúi xin các vị liệt tổ Lĩnh Nam tha tội cho đệ tử. Đệ tử thật không muốn đấu võ, nhưng sự bất đắc dĩ. Xin liệt tổ ân xá.
Hai người cùng hướng vào Quang-Vũ hành lễ, thủ thế.
Quang-Vũ cầm dùi đánh ba tiếng trống. Trong sân rồng các quan reo hò ầm ĩ.
Trương Linh muốn trổ tài vũ dũng. Y hít một hơi chân khí, vọt người lên cao. Hai chân chụm lại phóng song cước vào cổ và mắt Ttrưng Nhị. Trưng Nhị thấy thế cước kình lực rất mạnh. Nàng nhún chân nhảy vọt lên cao, thành ra Trương Linh đá hụt vào khoảng không. Người bay xuống dưới Trưng Nhị. Trưng Nhị lộn một vòng trên không đáp trúng vai Trương Linh. Nàng mượn đà đó vọt lên một lần nữa, tà tà đáp xuống. Thân pháp đẹp vô cùng. Nam nhân người Hán thường coi đàn bà là một thứ dơ bẩn, chỉ cần tay mó vào quần là phải rửa vì sợ ô uế. Đây Trương Linh mới ra một chiêu, bị Trưng Nhị nhảy qua đầu. Bá quan thấy vậy reo hò ầm ĩ. Y xấu hổ mặt đỏ lên.
Trương Linh xuất thân là đệ tử của phái võ Liêu-đông, nhờ võ công cao, được Quang-Vũ tin cẩn, dùng làm hộ vệ trong suốt thời gian đánh Vương Mãng, Ngỗi Hiêu, Xích My. Dần dần y được thăng đến chức Việt-kỵ hiệu-úy, tức chỉ huy đội kỵ binh bảo vệ hoàng-đế. Gần đây y muốn được theo Đặng Vũ, Ngô Hán cầm quân ở ngoài, hy vọng cho bước tiến trình. Vì vậy y bỏ ra không biết bao nhiêu tiền bạc mua tin tức từ mặt trận gởi về. Khi Đặng Vũ, Vũ Chu bị Công-tôn Thiệu đánh bại. Y đã xin ra điều khiển đạo Kinh-châu đánh giặc lập công. Bây giờ nghe Nghiêm Sơn nói mấy thiếu nữ Lĩnh Nam đánh thắng Vũ Chu. Y cho là nói láo. Y muốn đánh bại mấy thiếu nữ mà Nghiêm Sơn khen trước mặt Quang-Vũ rồi có thể xin ra trận lập công. Nhưng mới chỉ một chiêu đầu, y đã bị làm nhục. Lại bị các bạn đồng liêu cười chế nhạo, y nổi giận hít một hơi dài, vung chưởng đánh tới.