Trưng Nhị dùng binh phù của Nghiêm Sơn truyền lệnh bãi binh, thì Đặng Vũ cùng các tướng lên đường về Lạc-dương. Y phái Mã Viện với Tương-dương cửu hùng đến Trường-an chầu Quang-Vũ. Lúc lên đường thấy vắng mặt Sầm Bành, Tế Tuân. Y đâu biết hai người này thám thính anh hùng Lĩnh Nam đã bỏ mạng.
Nghe Hầu Nhân-Đăng nói toán 13 bộ hành đều là người Việt ở Lĩnh Nam. Mã Viện hơi lo nghĩ một chút. Vì y thấy những người theo Nghiêm Sơn, trợ chiến ở Bạch-đế thành, từ võ công đến mưu trí đều kinh người. Y bì thế nào được. Trước mắt y hiện ra một Trưng Nhị võ công, mưu trí. Một Trần Năng chưởng lực hùng hậu, thuộc dương cương. Một Hồ Đề tinh nghịch, nhưng cạnh nàng thì nào là Thần-ưng, Thần-tượng, Thần-phong. Còn Phật-Nguyệt nữa, kiếm pháp của nàng kinh tâm động phách. Đến Vũ Chu, Công-tôn Thiệu còn bị thua.
Tuy nhiên, y vẫn tin tưởng vào hai điều. Một là 13 người Việt này võ công không cao. Hai là Tương-dương cửu hùng võ công kinh người, lừng danh thiên hạ, y cứ cho đuổi theo.
Đuổi được khoảng 20 dặm, y đã thấy đoàn người đang đi phía trước, dường như không biết Mã đuổi theo, họ thản nhiên tránh sang bên đường nhường lối.
Khi bắt kịp, Mã vẫy tay một cái, đoàn tướng sĩ dàn ra bao vây đoàn Việt vào giữa. Đoàn người bị vây bất thần, nhưng họ vẫn không luống cuống. Lập tức họ chia làm năm cặp, quay lưng vào nhau chờ đợi. Người chỉ huy rút kiếm ra khỏi vỏ hỏi Mã Viện:
- Chúng tôi là dân dã qua đây, không biết chúng tôi phạm tội gì mà quan quân bao vây thế này?
Mã Viện đáp:
- Ta là Phục-ba tướng quân Mã Viện, ta được mật chỉ bắt bọn phản tặc. Vậy các người mau chịu trói để chúng ta đem về triều xử tội.
Người cầm đầu vẫn nhũn nhặn:
- Thì ra ngài là Phục-ba tướng quân đây. Tôi ở mãi Lĩnh Nam mà cũng nghe danh đại nhân. Chúng tôi được tin đại nhân thắng Thục, được điều đi trấn thủ Lương-châu, không biết có đúng không? Tại sao lại đón đường làm khó dễ chúng tôi? Nếu Mã tướng quân bảo chúng tôi có tội, thì tội gì? Mã tướng quân có biết tên họ chúng tôi không? Nếu không biết tên họ chúng tôi, sao biết chúng tôi phạm tội? Theo luật của Tiêu thừa-tướng, bắt giam thì phải có chứng cớ. Bắt người phải biết tên họ, tội lỗi đầy đủ. Xin tướng quân trả lời cho.
Mã Viện không biết trả tời sao, nhìn Hầu Nhân-Đăng. Đăng biết ý nói:
- Ta là Vũ-vệ hiệu-úy trong cấm cung. Ta chỉ biết vâng mật chỉ của thái-hậu bắt tất cả những người Việt qua lại trên đường này.
Mười ba người nghe đến mật chỉ thái-hậu, họ đưa mắt nhìn nhau như hội ý một điều gì.
Người cầm đầu hỏi:
- Tôi nghĩ thái-hậu không ra mật chỉ như thế. Vì hiện hầu hết tướng sĩ Lĩnh Nam đều là người Việt, sang Trung-nguyên tòng chinh, giúp nhà Đại-Hán. Nếu bắt chúng tôi thì sao không bắt cả những vị đó? Phục-ba tướng quân, chúng tôi có Thiên-thủ viên hầu Lại Thế-Cường, lại còn năm nữ hiệp nữa là Trưng Nhị, Phật-Nguyệt, Trần Năng, Lê Chân và Hồ Đề theo giúp tướng quân, hiện họ ở đâu, xin cho chúng tôi tương kiến.
Các tướng sĩ nghe người cầm đầu nói vậy, thì ngẩn ra, họ biết những người này liên quan đến Trưng Nhị, không thể nào là tội phạm như Hầu Nhân-Đăng nói.
Mã Viện ngần ngừ không biết nói sao. Người cầm đầu chỉ đồng bọn giới thiệu với Mã:
- Tại hạ là Trần Công-Minh, đệ nhị thái-bảo phái Sài-sơn, tức sư thúc của Lê Chân.
Các tướng sĩ nhìn nhau gật đầu. Trần Công-Minh tiếp:
- Người này là sư muội của tại hạ, họ Trần tên Phương-Chi, đệ tam Thái-bảo phái Sài-sơn, tức Tiên-yên nữ hiệp, sư phụ của quân-sư Phùng Vĩnh-Hoa, thuộc đạo quân của Xa-kỵ tướng-quân Ngô Hán.
Mã Viện gật đầu:
- Quân-sư Vĩnh-Hoa mưu thần chước thánh, võ công kinh người, mà tài âm nhạc thế gian ít người bằng.
Trần Công-Minh lại chỉ vào người khác:
- Đây là lục sư đệ của tại hạ, họ Đặng tên Đường-Hoàn, hiệu Nam-thiên đại-hiệp.
Trần Công-Minh chỉ ba người đeo cung tên:
- Đây là Cao Cảnh-Sơn, chưởng môn phái Hoa-lư. Còn đây là hai công-tử của người tên Cao Cảnh-Khê, Cao Cảnh-Nham.
Trần Công-Minh lại chỉ vào năm người mặc quần áo vàng, đen, trắng, xanh, đỏ:
- Đây là Ngũ-phương thần kiếm, người Trung-nguyên chứ không phải Lĩnh Nam.
Mã Viện la lên:
- Ngũ-phương thần kiếm! Có phải trước đây các vị đã giúp Cảnh-Thủy hoàng-đế đánh Trường-an không?
Hoàng-kiếm gật đầu:
- Quả đúng thế, sau khi chiếm Trường-an và toàn đất Quan-trung. Cảnh-Thủy thiên-tử ban cho anh em tại hạ một thanh kiếm, kinh lịch khắp thiên ha,ï được quyền giết bọn tham quan, ô lại. Cao nhất tới tước vương. Phục-ba tướng quân có muốn xem không?
Hoàng-kiếm rút trên lưng một thanh kiếm đựng trong bọc lụa, từ từ cởi ra. Thanh kiếm sáng chói mắt mọi người. Mã Viện chưa nói gì, thì Hầu Nhân-Đăng tiến lên cầm lấy coi đi, coi lại. Trên chuôi kiếm có khắc chữ Ngự tứ thượng phương bảo kiếm. Tiền trảm hôn quân, hậu trảm gian thần.
Hầu Nhân-Đăng biết đây là kiếm thật, nhưng y vẫn nói lảng:
- Chưa chắc, để ta đem về Lạc-dương thử xem có đúng không đã.
Xích-kiếm là người nóng nảy. Từ mình ngựa vọt lên cao, nhảy về phía Hầu Nhân-Đăng, tay trái xỉa vào mặt y. Tay phải chụp lấy kiếm. Hầu Nhân-Đăng đưa cả kiếm lẫn bao đâm vào ngực Xích-kiếm. Xích-kiếm lơ lửng trên không, tay rút kiếm, ánh thép loang loáng mấy cái, kiếm chiêu phủ đầy người Hầu Nhân-Đăng. Thấp thoáng một cái đã thấy Xích-kiếm ngồi chung ngựa với Đăng. Tay trái cầm Thượng-phương bảo kiếm, tay phải tra kiếm vào vỏ, nhún mình một cái về ngựa mình, nhìn Nhân-Đăng cười lạt:
- Kiếm có thể giả mạo được. Còn võ công làm sao có thể giả mạo? Vũ-vệ hiệu-úy! Thấy kiếm như thấy Thiên-tử. Ngươi chống Thượng-phương bảo kiếm, thì bị tội gì có biết không?
Hầu Nhân-Đăng thấy mọi người nhìn mình với con mắt kỳ lạ. Y không hiểu, ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Y thấy có gì khác lạ, đưa tay sờ lên đầu, thì búi tóc bị cắt đi từ hồi nào không hay. Thất kinh hồn vía, nhưng ỷ có mật chỉ trong tay, y nói cứng:
- Ngũ-phương thần kiếm là người của Hán-triều. Vậy hãy quỳ xuống nghe mật chỉ của thái-hậu.
Hoàng-kiếm cười nhạt:
- Thanh kiếm này tiên-đế ban cho bọn ta, khắp thiên hạ đều biết, mà ngươi không tin. Còn tờ giấy kia ta tin thế nào được? Ta không quỳ.
Hầu Nhân-Đăng nhìn Mã Viện:
- Mã quốc-cữu, xin người quyết cho vụ này.
Mã Viện biết mật chỉ đó do chính cô mình viết, không còn sai được nữa, y nói:
- Các vị anh hùng Lĩnh Nam, Ngũ-phương thần kiếm, mật chỉ này chính là thủ bút của Thái-hậu không sai. Vậy phiền các vị cùng về Lạc-dương một chuyến, để vàng, thau được phân biệt.
Đặng Đường-Hoàn quát lên:
- Chúng ta đường đường từ Lĩnh Nam sang đây giúp Thiên-tử dẹp giặc, mà tên Vũ-vệ hiệu-úy cứ muốn bắt chúng ta là thế nào? Ngươi có muốn bắt ta hãy hỏi hai cánh tay này đã.
Nói rồi ông vung chưởng tấn công liền. So về tuổi tác Đặng Đường-Hoàn thua sư huynh, sư tỷ. Nhưng chưởng lực của ông nổi tiếng Lĩnh Nam. Trước đây chỉ có hai người thắng được ông là Khất đại-phu và Lê Đạo-Sinh mà thôi. Cho nên chưởng vừa phát ra, gió lộng ào ào, áp lực cực mạnh. Hầu Nhân-Đăng vội lui ngựa bốn bước để tránh. Nhưng Đặng Đường-Hoàn đã nhảy vọt theo, đánh hai chưởng liên tiếp nữa. Hầu Nhân-Đăng vung chưởng đỡ. Thấy thế chưởng của Đặng Đường-Hoàn quá mãnh liệt. Tương-dương cửu-hùng Lưu Long xuất chưởng. Một chưởng đánh thẳng vào Đặng Đường-Hoàn, một chưởng cắt ngang chưởng của ông. Còn Mã Viện xỉa một chưởng tấn công ông để cứu Hầu Nhân-Đăng.
Cao Cảnh-Sơn thấy ba người bên kình địch đánh một người của mình. Ông rút cung buông tên nhắm đầu Tương-dương cửu hùng bắn một mũi. Lưu Long đã nhả chưởng lực. Nhưng thấy mũi tên bắn tới kình lực mạnh vô cùng, thì kinh hãi vội thu chưởng biến thành trảo thu về bắt mũi tên.
Chưởng của Đặng Đường-Hoàn chạm vào chưởng của Mã Viện, Tương-dương cửu-hùng, bật lên hai tiếng vang, cát bụi bay mịt mờ, cánh tay ông tê dại. Ông đứng yên nhìn đối phương. Còn Mã Viện với Tương-dương cửu-hùng bật lui hai bước mặt đỏ gay. Toàn thân như bị tê liệt.
Mã Viện lễ phép nói:
- Đa tạ Đặng tiên sinh nhẹ tay cho Hầu hiệu-úy.
Hầu Nhân-Đăng thoát chết, y kinh hồn đến đờ người ra. Còn Tương-dương cửu hùng nhìn mũi tên ngắm nghía, rồi lại nhìn Cao Cảnh-Sơn. Vì y bắt hụt, tên trúng ngực. Y cảm thấy đau nhói, vội chụp lên coi thấy tên đã bẻ mũi. Kình lực tuy mạnh nhưng dường như đối phương chỉ đe dọa, chứ thực sự không muốn hại mình. Nếu Cao Cảnh-Sơn muốn hại, thì y đã mất mạng rồi.
Trần Công-Minh chắp tay nói:
- Non xanh không bao giờ hết củi. Sông sâu không bao giờ hết nước. Sẽ có ngày tái ngộ.
Ông vẫy tay một cái, cả bọn hướng Trường-an tiến phát, coi bọn Mã Viện không vào đâu cả. Tương-dương cửu-hùng, tức Chinh-viễn đại tướng quân Lưu Long chửi thề:
- Mẹ cha con chó Việt làm tàng quá.
Cao Cảnh-Sơn cười ha hả không trả lời, thủng thỉnh đi. Bất thình lình ông giơ tay lên cao. Tách, tách mấy cái, một mũi tên xé gió hướng ngực Lưu Long. Y vội rút kiếm ra gạt đánh choang một cái, lửa tóe ra bốn phía. Cánh tay y cảm thấy tê rần. Bỗng con ngựa y hí lên một tiếng thảm thiết, rồi cắm đâm đầu vào một gốc cây, ngã lăn ra chết. Cửu-hùng Lưu Long vội vọt người lên cao nhảy xuống đất. Y cúi xuống xem con ngựa đang cỡi, hai mũi tên nhỏ bằng chiếc đũa, ngắn chưa đầy gang tay, xuyên thủng hai mắt của nó vào tới óc.
Cửu hùng Lưu Long tính nóng như lửa. Y đã từng làm đại tướng, cầm quân trên 10 năm qua, công lao không nhỏ. Y tự thị công lao, võ công đều hơn Mã Viện, mà dưới quyền y đã là nhục nhã. Bây giờ trước một cao thủ Lĩnh-nam, y bị nhục thì chịu thế nào được.
Y quát lên một tiếng nhảy theo, rút kiếm đâm Cao Cảnh-Sơn. Bạch-kiếm vòng một kiếm cản y lại nói:
- Cửu hùng Lưu Long không phải hiển lộ thân thế trong hoàn cảnh này. Chúng ta đều là người nhà, tại sao lại phải giết nhau?
Thế bọn Trần Công-Minh tiếp tục lên đường. Hoàng-kiếm bàn với Trần Công-Minh:
- Nam-thành vương! Không ngờ Mã thái-hậu ra tay sớm nhỉ. Tôi nghĩ Hàn Tú-Anh khó thoát khỏi âm mưu độc địa. Mã thái-hậu đã phái nhiều cao thủ đi khắp nơi tìm giết Hàn Tú-Anh, dường như chưa thấy. Trong dịp này, những người Việt bị bắt, giết oan cũng nhiều.
Tiên-yên nữ hiệp Trần Thị Phương-Chi nói:
- Như vậy cho đến hôm nay, Quang-Vũ vẫn chưa biết chúng ta phản hắn. Bọn Mã Viện bị Trưng Nhị đánh lừa. Y rời đạo Kinh-châu vẫn chưa về tới Trường-an. Đạo Kinh-châu giờ này đã tiến chiếm xong Kinh-châu và trên đường đánh xuống Trường-sa. Còn đạo Lĩnh Nam không biết đã tiến chiếm xong Tượng-quận chưa? Đạo Hán-trung tôi nghĩ có lẽ cũng sắp tới Trường-an rồi. Chúng ta phải vào Trường-an trước khi chiến trận xảy ra mới được.
Đến chiều cả bọn vào một hẻm núi, mắc võng lên cây nằm nghĩ, lấy lương khô ra ăn.
Nguyên sau khi rời Thục, Đinh Đại thống lĩnh đạo quân Lĩnh Nam lui về giao các thành của Thục cho Vương Phúc, Lộc, Thọ. Còn Trưng Trắc lãnh nhiệm vụ đặc biệt đi tìm Hàn Tú-Anh. Trưng Trắc là người võ công cao, mưu trí tuyệt vời, tinh minh mẫn cán vào bậc nhất thời bấy giờ. Nàng cảm thấy việc đi tìm kiếm Hàn Tú-Anh có tầm mức vô cùng quan trọng, nên ngày đêm đội mưa rẽ gió mà đi. Chỉ ba ngày sau nàng tới Quế-lâm, tìm đến phủ Lĩnh-nam vương. Khi vừa tới nơi, nàng gặp cảnh bối rối của người phái Quế-lâm. Hàn Tú-Anh đã ra đi. Người phái Quế-lâm không hề biết lý lịch Hàn Tú-Anh. Họ chỉ biết lờ mờ rằng Hàn Tú-Anh có một lai lịch rất lớn. Bà được thân phụ Nghiêm Sơn cứu thoát, đem về nuôi. Thân phụ Nghiêm Sơn không dám coi bà như những gia bộc khác, kính nể khác thường. Bà đẹp như thiên tiên, ôn nhu văn nhã, đàn ngọt hát hay. Bà dạy Nghiêm Sơn thế nào, cha Nghiêm Sơn không biết đến. Khi Nghiêm Sơn luyện võ, bà ngồi cạnh khuyến khích. Nghiêm Sơn học văn, bà ngồi quạt cho chàng học. Ai mới nhìn, cũng tưởng đây là một từ mẫu đối với con, chứ không phải nhũ mẫu. Khi thân phụ Nghiêm Sơn sắp qua đời, ông hội các cao thủ trong môn phái lại, hỏi xem ai xứng đáng kế vị chưởng môn. Người thì đề nghị người này, kẻ thì đề nghị người khác, khiến ông phân vân không quyết đoán. Đến khi ông mệt quá, Hàn Tú-Anh xuất hiện. Bà nói với thân phụ Nghiêm Sơn:
- Nghiêm Sơn võ công không bằng sư thúc, sư bá. Võ đạo không bằng nhiều vị ở đây. Văn chương, kiến thức còn thua nhiều người. Nhưng hợp lại Sơn có đủ thứ. Võ phái Quế-lâm lập ra để làm gì? Điều đó các vị đều biết. Vậy chưởng môn không cần cử võ công cao, võ đạo tuyệt vời, mà cần người có thể đạt được nhiệm vụ trọng đại của môn phái. Điều này chưởng môn nhân biết đấy, tương lai ngoài Nghiêm Sơn ai có thể thành công?
Thế là thân phụ Nghiêm Sơn truyền chức chưởng môn cho chàng. Nghiêm Sơn là người tập võ, đọc sách, nên chàng biết cách khu xử mọi việc, nên chàng rất được lòng sư thúc, sư bá.
Kịp đến khi Trung-nguyên biến động. Nghiêm Sơn biến mất cùng với Hợp-phố lục hiệp. Ít lâu sau chàng trở lại với chức Bình-nam đại tướng quân, tước Lĩnh-nam công.
Đất Lĩnh Nam kể từ khi Vạn-tín hầu Lý Thân được Tần Thủy-Hoàng phong tước hầu là lớn nhất. Còn lại dân chúng bị người Hán cai trị, coi như chó, lợn, không sao ngóc đầu lên được. Những chức nhỏ như huyện-lệnh, huyện-úy đều là người Hán. Người Việt chịu không biết bao nhiêu cay đắng, nhục nhã. Bây giờ thấy Nghiêm Sơn trở về với quyền uy, chức tước tột đỉnh. Lại được biết Nghiêm Sơn là anh em kết nghĩa với Thiên-tử; một tay Vương dựng cơ đồ cho nhà Hậu-Hán. Trong môn phái, ngoài họ hàng đều mừng rỡ vô cùng. Các quan chức ở Quế-lâm từ Thái-thú, đến Đô-sát, Đô-úy, Hiệu-úy, Tướng-quân, các Huyện-lệnh, Huyện-úy đều nhất nhất do Nghiêm Sơn bổ nhiệm. Họ kính Nghiêm Sơn như một vị thần. Nghiêm Sơn đối với Hàn Tú-Anh một niềm hiếu thảo như với mẹ đẻ. Dân chúng Quế-lâm gọi bà là Thái-phi. Bà gạt đi, bảo bà là nô bộc nhà họ Nghiêm, chứ không phải là mẹ đẻ của Nghiêm Sơn.
Cho đến lúc Nghiêm Sơn được phong Tả tướng-quốc Lĩnh-nam vương trên đường mang quân đánh Thục. Vương ghé thăm quê nhà, vương hiếu kính đối với Hàn Tú-Anh như xưa. Vì vậy mọi người gọi Hàn Tú-Anh là Vương thái-phi, Hàn Tú-Anh không nhận. Vì trong lòng bà. Bà biết Quang-Vũ là con, đến ngôi Thái-hậu kia, bà còn không muốn huống hồ ngôi Vương thái-phi đất Lĩnh Nam.
Thái-thú, Đô-úy, và người phái Quế-lâm nhất thiết bảo vệ cung phụng bà như một Vương thái-phi. Nay bỗng nhiên bà mất tích cùng với người em họ của Nghiêm Sơn là Nghiêm Đôn. Người ta tìm thấy trong nhà, bà để lại một bức thư nhỏ, dặn quản gia gìn giữ nhà cửa, bà về thăm quê ít tháng sẽ trở lại.
Thái-thú cũng như người nhà đều kinh hoảng, vì không ai hiểu bà quê quán ở đâu mà cho người theo bảo vệ. Bây giờ thấy Trưng Trắc trở về tìm bà, họ càng hoang mang hơn. Trưng Trắc thấy vậy, cho mời Thái-thú Hà Thiên, Đô-úy Đặng Thi-Kế và Đô-sát Trương Đằng-Giang lại dặn dò:
- Các vị cần giữ bí mật vụ này, nếu không Vương thái-phi sẽ bị hại. Các vị không còn chỗ để đội nón. Nhất là Thái-thú, đệ tử phái Quế-lâm, sư huynh của Lĩnh-nam vương. Phải cầm quân giữ vững thành trì. Những Huyện-lệnh, Huyện-úy nào trung với Lĩnh-nam vương thì để. Người nào có ý khác giết đi. Hào kiệt, phú-gia, quan lại người Hán phải canh chừng chúng. Kể từ giờ phút này, các vị tự coi như mình là thần dân Lĩnh Nam. Lĩnh Nam đã phục hồi. Lĩnh-nam vương tên Trần Tự-Sơn, chứ không còn là Nghiêm Sơn nữa. Chúng tôi đã tôn người làm hoàng-đế. Tuy nhiên việc này chúng ta chưa thể tuyên bố ra ngoài vì người còn đang bị giam ở Trường-an.
Đặng Thi-Kế là cha của Đặng Thi-Sách là cha chồng của Trưng Trắc. Sau thời gian bị Lê Đạo-Sinh giam cầm, được Đào Kỳ cứu ra. Ông thấy con trai, con dâu tiếng tăm vang dội khắp Lĩnh Nam vì chủ trương phản Hán, phục Việt. Ông có hùng tài đại lược, từ đấy, nhất nhất ông nghe theo kế hoạch của con trai và con dâu. Vì đại nghiệp Lĩnh Nam, ông phải làm Đô-úy Quế-lâm, để chờ ngày khởi binh. Bây giờ thời cơ đã đến, ông mừng rỡ ra mặt:
- Con yên tâm, gần một năm nay hai vị Thái-thú, Đô-sát đã cùng bố chuẩn bị cả rồi. Hiện chỉ còn ba Huyện-lệnh, một lữ-trưởng trung thành với Hán. Khi cứu được Hoàng-thượng ra, chúng ta bỏ cờ Hán, dựng cờ Lĩnh Nam.
Trưng Trắc viết một bức thư, dùng Thần-ưng gởi thư cho Đặng Thi-Sách biết tất cả những biến chuyển ở Trung-nguyên. Nàng dặn chồng phải chuẩn bị sẵn sàng, nàng sẽ về ngay, vì cuộc khởi nghĩa sắp diễn ra. Nàng xin Thi-Sách gửi cho nàng mấy cao thủ, dùng vào việc theo tìm, bảo vệ Hàn Tú-Anh. Đặng Thi-Sách được thư vợ giữa lúc đang hội họp tại Mê-linh. Ông đem thư Trưng Trắc đọc cho mọi người nghe, và dặn đâu cứ về đó, đợi Trưng Trắc về rồi mới khởi sự.
Có mười ba người tình nguyện sang Trung-nguyên, để lo việc cứu Hàn Tú-Anh. Đoàn người đến gần Quế-lâm thì gặp Trưng Trắc. Trưng Trắc thuật chuyện cho họ nghe. Mọi người đều ngơ ngác không biết tìm Hàn Tú-Anh ở đâu. Hoặc giả Tú-Anh bị bắt đi rồi cũng nên.
Trưng Trắc đưa ra một cuốn sách nhỏ. Đó là cuốn nhật ký ghi chú chi tiết mọi biến cố từ khi Trường-sa Định-vương gặp Hàn Tú-Anh, cho đến lúc Nghiêm Sơn được phong vương. Tiên-yên nữ hiệp Trần Thị Phương-Chi nói:
- Bây giờ chúng ta đi tìm bà có khác gì tìm chim không? Chi bằng chúng ta hãy đi Trường-an tìm Quang-Vũ, ta cho y biết về mẹ mình. Quang-Vũ sẽ phái cao thủ đi bảo vệ mẹ. Y hạ bệ Mã thái-hậu thì xong mọi chuyện.
Trưng Trắc nói:
- Sư bá! Cháu cũng biết thế. Nhưng như vậy chỉ giúp cho Quang-Vũ mẫu tử trùng phùng, mà Lĩnh Nam không được lợi lộc gì.
Tiên-yên nữ hiệp hỏi:
- Ý Đặng phu-nhân muốn thế nào?
- Cháu muốn tìm bà đưa về Lĩnh Nam. Dùng bà để giảng hòa giữa Quang-Vũ và Nghiêm đại-ca. Nghiêm đại-ca là hoàng đế Lĩnh Nam. Chúng ta tạo dựng một quốc gia như thời vua Hùng, chịu xưng thần tiến cống Quang-Vũ. Nghiêm đại-ca vẫn phụng dưỡng Hàn Tú-Anh. Như vậy Quang-Vũ để yên cho chúng ta, không dám đem quân xâm phạm. Chỉ cần từ năm đến mười năm, chúng ta có cơ sở vững vàng rồi, ta há sợ Quang-Vũ sao?
Khác với Trưng Nhị nói năng nhu nhã, ôn tồn. Trưng Trắc ngược lại, một là một, hai là hai. Nàng vẫn công nhận văn minh Trung-nguyên, chịu thua Trung-nguyên vì họ người nhiều đất rộng. Nàng luôn luôn đặt ra vấn đề: Ta biết ta nhỏ bé, người thưa, đất nghèo, nhưng ta không sợ Trung-nguyên. Trung-nguyên để ta yên, chúng ta là bạn. Không để ta yên, ta há sợ sao? Nàng luôn tỏ ra hào khí anh hùng.
Nam-thành vương Trần Công-Minh khẳng khái nói:
- Được, như vậy Đặng phu nhân cứ trở về lo mọi việc. Ta sẽ dẫn các vị này đi Trường-an. Mưu trí đã có sư muội Trần Thị Phương-Chi đây.
Thế rồi mọi người vội vã lên đường. Khi tới đây gặp bọn Mã Viện.
Tiên-yên nữ hiệp Trần Thị Phương-Chi nói:
- Điều cần nhất chúng ta phải gặp cho được Quang-Vũ trước khi Hoàng Thiều-Hoa tiến quân ra Thiên-thủy, Kỳ-sơn và Tý-Ngọ. Nếu tới trễ e sự giảng hòa khó thành.
Nam-thiên đại-hiệp Đặng Đường-Hoàn nói:
- Ngặt vì Mã thái-hậu ra tay trước. Y thị phái rất nhiều cao thủ đi khắp nơi tìm Hàn Tú-Anh. Mã Viện cũng chưa biết bị lừa. Chỉ mai này khi vào thành Trường-an. Y biết mình bị lừa, rồi Ngô Hán, rồi... các tướng sĩ khác. Quang-Vũ sẽ giận đến cực điểm.
Cao Cảnh-Sơn tiếp:
- Không sao, bây giờ ta đưa Hàn Tú-Anh ra để đánh bằng tình cảm. Một mặt dùng áp lực quân sự. Quang-Vũ trong phải đối phó với phe của Mã thái-hậu, ngoài phải đối phó với Công-tôn Thuật và chúng ta. Y bắt buộc phải chịu lui bước. Y thả Nghiêm Sơn ra thì hay, bằng không Lĩnh Nam ta đâu có thiếu người?
Tiên-yên nữ hiệp bàn:
- Vậy thế này, chúng ta cần tránh giao tranh với bọn Mã Viện càng tốt để có thể đi Trường-an ngay ngày mai.
Đến đó bỗng có tiếng nói:
- Nhưng trễ quá rồi, Mã Viện đã đến đây.
Nguyên Mã Viện là người cơ mưu. Y lưỡng lự không biết có phải tuân theo mật chỉ của Mã thái-hậu hay để bọn này đi. Vì vậy y cùng Kiến-oai đại tướng-quân Cảnh Yểm dò dẫm đến đây nghe ngóng tình hình.
Qua câu chuyện của anh hùng Lĩnh Nam mà y nghe được mấy câu đó, y cũng chưa biết vụ Lĩnh Nam phản Hán. Y chỉ biết rõ một điều: Cô y, Mã thái-hậu đang có điều khó khăn phải đối phó với hoàng-đế. Y biết nếu Mã thái-hậu thất bại, cả nhà y sẽ không có đất mà chôn. Vì vậy y sợ các tướng sĩ biết bí mật của cô mình. Y vội lên tiếng có cớ bắt 13 người Việt quan trọng này.
Mọi người giật mình, không ngờ bọn Mã Viện đã đến từ hồi nào. Thế là hai bên lăn xả vào đánh nhau.
Trong 13 người Lĩnh-nam thì Cao Cảnh-Khê, Cao Cảnh-Nham võ công thấp nhất, nhưng tiễn thủ hai chàng tuyệt hảo. Còn lại võ công tuyệt đỉnh. Bàn chung Cao Cảnh-Sơn, Trần Công-Minh, Tiên-yên nữ hiệp đều ngang tay với Mã Viện. Còn Đặng Đường-Hoàn cao hơn một bậc. Ngũ-phương thần kiếm, kiếm thuật thần thông, bản lĩnh vượt cả Mã Viện, chỉ thua Phương-Dung, Phật-Nguyệt mà thôi.
Ngược lại phía Mã Viện, Tương-dương cửu hùng đã mất hai, còn lại bảy người. Võ công kinh người. Bất cứ người nào trong bọn họ cũng ngang tay với Trần Công-Minh, Đặng Đường-Hoàn. Ngoài ra còn có hơn 30 bộ tướng của Mã Viện. Người nào võ công cũng suýt soát với Trần Công-Minh. Mã Viện là người trí dũng tuyệt vời. Y áp dụng xa luân chiến, chỉ một lát sau phía Lĩnh Nam dần dần yếu thế.
Cao Cảnh-Sơn ra hiệu cho cả bọn bỏ chạy, để cha con ông dùng phép bắn liên tiễn cản hậu. Bên Mã Viện có nhiều người bị thương. Vì họ tuân chỉ Mã thái-hậu, nên phải quyết tâm đuổi theo. Mặt khác Mã Viện biết rõ loại người cô mình muốn tiêu diệt, nên y cực lực cố gắng. Cuộc rượt đuổi nhau kéo dài đến đền thờ Tam-hoàng thì gặp đám Khất đại-phu, Phương-Dung đang dưỡng thần.
Thấy ba phía đều có tên bắn lại, làm tướng sĩ không thể tiến vào đền thờ Tam-hoàng. Mã Viện suy nghĩ: Nếu không vào được, để bọn này thoát thân, Mã thái-hậu không yên. Mã thái-hậu nguy, e cả dòng họ Mã nhà mình cũng nguy mất.
Mã Viện nói với các tướng sĩ:
- Các vị là những đại tướng quân. Võ công cao cường, ta chia thành toán ba người một, đứng trấn thủ phía phải trái và sau. Hễ thấy tên bắn đến gạt đi. Còn lại chúng ta cùng tiến lên.
Mã Viện hô lớn:
- Chúng ta tiến lên.
Cả gần trăm người đồng tiến vào đền. Ba cha con Cao Cảnh-Sơn bắn một loạt liên châu đều bị các tướng gạt đi hết. Đám tướng sĩ ào vào bao vây chận các cửa. Mã Viện co chân phóng một cước, cánh cửa bật tung ra. Bên trong đèn đuốc sáng choang. Ngũ-phương thần kiếm, Trần Công-Minh, Trần Thị Phương-Chi, Đặng Đường-Hoàn thản nhiên ngồi nhìn.
Trần Công-Minh cười:
- Mã Viện ngươi dám tấn công chúng ta ư? Rồi đây ngươi sẽ bị Lĩnh-nam vương chặt ra từng khúc một, tru di tam tộc nhà ngươi. Nhà ngươi ỷ vào cô làm Thái-hậu. Nhưng ngươi có biết cô ngươi không phải là sinh mẫu Quang-Vũ không? Còn Lĩnh-nam vương với Quang-Vũ tình như tay chân. Người lại nắm binh quyền trong tay, người muốn giết mi lúc nào mà chẳng được. Các quân sư Phương-Dung, Vĩnh-Hoa, Trưng Nhị liệu có để cho bọn mi yên không? Mi có giỏi sáng mai cùng vào Trường-an yết kiến thiên-tử đối chất với chúng ta không?. Tại đây, Ngũ-phương thần kiếm có Thượng-phương bảo kiếm của Tiên-đế trong tay, mà mi còn dám làm loạn, thì cái họa chặt đầu không xa là mấy đâu!
Mã Viện không nói, không rằng, hô các tướng nhảy vào tấn công. Đặng Đường-Hoàn vận khí tấn công Mã Viện. Mã dùng hết sức vung chưởng đỡ. Bùng một tiếng, y loạng lui lại đến bốn năm bước. Còn Đặng đứng im, oai phong lẫm liệt. Mã Viện là người đã cao lớn. Đặng Đường-Hoàn còn cao lớn hơn. Sau khi đấu với nhau một chưởng, râu tóc dựng ngược. Ông vỗ hai tay vào nhau, trông oai nghiêm như một thiên tướng.
Long-nhượng đại tướng-quân Đoàn Chí vung chưởng tấn công Đặng Đường-Hoàn. Đặng Đường-Hoàn đã đối chưởng với bọn tướng Hán nhiều lần. Ông biết chưởng lực của chúng đều mạnh hơn ông đôi chút. Ông đề phòng đưa chưởng đỡ. Bốp một tiếng, cả hai đều lui lại. Thế là cả hai người dùng chưởng lực đấu với nhau. Đấu được trên 40 chưởng Đặng Đường-Hoàn có vẻ kém thế, vì ông tuổi già, sức yếu hơn Đoàn Chí. Thấy vậy Mã Viện kêu lớn:
- Xin ngừng tay.
Hai người nhảy lui trở lại, đứng nhìn nhau.
Ngoài này Đô Dương nói với Giao-Chi:
- Bọn Tương-dương cửu hùng này chưởng lực mạnh thực. Đến như Đặng sư thúc còn thua y, e rằng đất Lĩnh Nam ta khó có người đối lại với chúng. Chúng là những anh hùng vô địch, theo Quang-Vũ với Nghiêm đại ca từ lâu. Cũng may Sầm Bành, Tế Tuân đã bị giết. Còn lại có bảy tên.
Mã Viện nói:
- Chúng tôi đông người, các vị ít người. Nếu chúng tôi nhảy vào cùng một lúc, mang tiếng ỷ chúng hiếp cô. Bên chúng tôi có chỉ dụ của Thái-hậu. Bên quý vị có Thượng-phương bảo kiếm. Cả hai bên đều không chịu phục nhau. Vậy thế này, bên tôi với quý vị đấu ba trận. Nếu chúng tôi thắng, quý vị phải theo chúng tôi về Lạc-dương yết kiến thái-hậu. Rồi sau đó đến Trường-an triều kiến thiên-tử. Ngược lại bên quý vị thắng, chúng tôi phải theo quý vị vào Trường-an triều kiến thiên-tử, rồi về Lạc-dương yết kiến thái-hậu. Quý vị nghĩ sao?
Hoàng-kiếm tiến ra nói:
- Vậy được, chúng tôi là Hoàng-kiếm, Bạch-kiếm, Hắc-kiếm xuất thủ. Còn bên quý vị những ai ra tay xin cho biết.
Mã Viện cười:
- Chúng tôi được lệnh bắt những người Việt về phục lệnh, chứ không phải để bắt người Hán. Ngũ-phương thần kiếm là đại công-thần của Tiên-đế, đâu có liên quan đến vụ này? Vậy xin các vị tọa thủ bàng quan, để chúng tôi đấu với anh hùng Lĩnh Nam, các vị là sư thúc, sư bá của quân sư Vĩnh-Hoa, nữ tướng Lê Chân, oai danh nhất thế, không ngờ phải dựa vào Ngũ-phương thần kiếm ư?.
Trần Công-Minh bị khích khẳng khái nói:
- Đấu thì đấu, chứ ta há sợ các ngươi sao! Ở đây chúng ta có ba người, vậy bên ngươi, ngươi là một, Đoàn Chí là hai, Lưu Long là ba. Trận thứ nhất ta đấu với ngươi.
Nói dứt lời, ông tấn công vào mặt Mã Viện một quyền như vũ bảo. Mã Viện đưa tay gạt. Hai quyền chạm nhau, y cảm thấy tay bị tê dại, lui lại một bước. Trần Công-Minh tấn công quyền thứ nhì, rồi thứ ba. Y bị đánh trên 20 quyền, chỉ có đỡ mà không trả được đòn nào.
Bên ngoài nhị hùng Cảnh Yểm thấy Mã Viện không trả được đòn, biết y bị Trần Công-Minh ra tay trước chiếm mất tiên cơ. Y kiếm cách giúp Mã.