Hồi 16b
Phương-Dung liếc nhìn hai người, mỉm cười. Nàng nghĩ lại thưở ban đầu, giữa nàng với Đào Kỳ gặp nhau. Tình tứ như nước sông Hồng-hà, chảy không bao giờ hết. Bây giờ nàng cho hai người ra trước ngủ canh gác, nhưng sự thực để họ có thời giờ tâm tình với nhau.
Mọi người đang cười nói. Bỗng Khất đại-phu chỉ lên bàn thờ:
- Cháu Đô Dương! Cháu là trai chưa vợ. Thân thể sạch sẽ. Cháu lau bụi bặm trên tượng Quốc-tổ, Tổ-cô. Chu Bá lau bàn thờ. Đào tiểu-hữu lau các câu đối. Giao-Chi, Phương-Dung quét dọn đền thờ thật sạch sẽ.
Phương-Dung thắc mắc:
- Khất đại-phu! Chúng ta vốn người Việt, giòng giống Tiên-Rồng. Ta chỉ tôn kính Quốc-tổ, Quốc-mẫu Lĩnh Nam thôi. Việc gì phải tôn kính Quốc-tổ, Tổ-cô Trung-Nguyên? Cháu thấy có một điều lạ lùng. Người Việt mình bị Hán cai trị lâu quá. Rồi cái gì của Hán cũng hay đẹp cả. Mực thì phải mực Tàu, bút thì phải bút Thái-sơn. Bên Trung-nguyên người ta thờ Phục-Hy, Thần Nông... thờ cả bà Nữ Oa mình cũng bắt chước.
Khất đại-phu hừ một tiếng:
- Con bé Phương-Dung lầm rồi. Nhận xét của cháu chỉ đúng có một nửa. Phần đúng, vì con người có tính ưa của lạ. Điều này không đáng trách. Bởi cái gì hiếm cũng quý. Vì vậy dân chúng thích mực Tàu, bút Thái-sơn. Cũng như bên Trung-nguyên họ thích trà Tượng-quận, cam Nam-hải, nhãn Giao-chỉ, rươi Cửu-chân, nước mắm Nhật-nam.
Đến đây cử chỉ Khất đại-phu tỏ vẻ cung kính:
- Còn người Việt mình thờ Phục-Hy, Thần Nông... đều là tổ tiên của mình cả. Cháu không thấy các môn phái Lĩnh Nam đều thờ Phục Hy, Thần Nông, Hùng-Vương trong tổ đình đó sao?
Phương-Dung kính phục Khất đại-phu bác học. Nàng nói:
- Đại-phu, điều đó cháu không biết, thành ra cứ tưởng vua Phục Hy, Thần Nông không phải là tổ mình, bậy quá.
Giao-Chi xen vào:
- A cháu nhớ ra rồi. Hằng năm cứ đến ngày giỗ tổ Phù-Đổng thiên-vương. Bọn cháu được bố dẫn lên tổ đình của núi Sài-sơn. Đúng rồi trên bàn thờ có tượng Phục Hy, Thần Nông và Nữ Oa. Cháu cứ tưởng các vị là người Trung-nguyên. Xin đại-phu đừng tiếc công chỉ dạy cho bọn cháu.
Khất đại-phu chỉ lên bàn thờ:
- Trên bàn có ba ngôi tượng đặt ngồi ngang nhau. Con bé Dung đoán xem những tượng đó là ai?
Phương-Dung đáp:
- Cháu nhắm mắt cũng biết vị ngồi bên trái, lưng quấn miếng da, tay cầm bó cỏ, tay cầm cái cuốc là vua Thần Nông (1). Vua Thần Nông tìm ra phương pháp trồng trọt, ngài là tổ nghề nông, nghề thuốc. Vị ngồi giữa dáng người thanh nhã. Tay cầm bảng Bát-quái là vua Phục Hy. Vua Phục Hy tìm ra Tiên-thiên bát quái đồ. Ngài phát minh ra học thuyết Âm-dương ngũ-hành cùng bát-quái. Còn vị ngồi bên phải đầu hơi giống hình rồng là Kinh-Dương vương, quốc-tổ Lĩnh Nam.
Ghi chú
(1) THẦN NÔNG
Tên một vị vua thời tối cổ. Ngài là quốc-tổ của Việt-nam, Cao-ly, Nhật-bản, Trung-quốc. Nhiều sử gia Trung-quốc cho rằng ngài chỉ là một vị vua trong huyền sử, truyền tụng mà thôi. Bộ Sử-ký của Tư-mã Thiên không thấy chép thời đại Phục Hy, Thần Nông. Ông khởi chép từ vua Hoàng-Đế trong quyển 1 là Hoàng-đế bản kỷ.
Tương truyền ngàii sinh ở đất Khương-thủy lấy chữ Khương làm họ. Ngài là người đầu tiên chế nông cụ, dạy dân trồng ngũ cốc, vì vậy dân chúng tôn ngài làm Thần Nông. Ngài lấy lửa làm biểu hiệu. Vì vậy ngài mới có danh hiệu Viêm-Đế. Ngài khởi nghiệp ở Liệt-sơn, nên đôi khi có sách gọi ngài Liệt-sơn thị. Đóng đô ở đất Trần sau đổi về đất Lỗ.
Tuy trong chính sử không công nhận ngài. Song trong y học, nhất là phương diện tôn giáo, dân chúng vẫn thờ Phục Hy, Thần Nông. Người sau khám phá ra Tiên thiên bát quái cùng Học thuyết Âm-dương, Ngũ-hành, rồi nói rằng thuật do vua Phục Hy tìm ra và được tổ tiên truyền lại.
Chúng tôi được xem tượng thờ ngài ở Bắc-việt, Quảng-đông, Sơn-đông. Thấy đầu ngài có sừng như trâu, thân hình như người. Trên thân không có quần áo. Chỉ quàng miếng da. Tay cầm cái cuốc. Một tay cầm bó lúa (có nơi tạc bó cỏ). Tương truyền ngài để lại cuốn Thần Nông bản thảo gồm ba cuốn.
Xét nội dung Thần Nông bản thảo. Lời văn là lời văn đời Tần, đời Hán tức khoảng trước Tây-lịch 200 năm đến nay sau Tây-lịch 100. Trong ba cuốn, khảo cứu về 365 loại cây cỏ khác nhau, dùng để làm thuốc. Người sau căn cứ vào đó nghiên cứu rộng ra. Cho đến nay (1976) số vị thuốc lên tới 5680. Trong bộ ANH HÙNG TIÊU SƠN, chúng tôi chép về Tổ-sư y học Việt-nam là Nguyễn Minh-Không, sẽ trình bày diễn tiến hình thành các vị thuốc trong nền y học Hoa-Việt.
Khất đại-phu cười:
- Sai rồi cháu ơi! Cháu thử nhìn lên bàn thờ xem. Đây thuộc Trung-nguyên. Đời nào người Hán lại thờ Quốc-tổ Kinh-Dương vương.
Phương-Dung mở to mắt nhìn lên bàn thờ. Bên trái là tượng Thần Nông. Ở giữa là tượng Phục Hy. Còn bên phải không phải là tượng Kinh-Dương vương như nàng thường thấy ở Giao-chỉ mà là tượng Hoàng-Đế. Nàng xấu hổ nói:
- A thì ra là thế. Bên mình thờ Phục Hy, Thần Nông, Kinh-Dương vương. Còn bên Trung-nguyên, người ta thờ Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế. Đại-phu! Cháu đọc sử Lĩnh Nam thấy nói rằng:
Lĩnh-nam lập quốc từ năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây lịch). Khởi đầu từ Kinh-Dương vương. Tên nước là Xích-quỷ. Đến đời Hùng-Vương đổi tên là Văn-lang. Đóng đô ở Phong-châu.
Chứ chưa từng nghe Quốc-tổ là Phục Hy, Thần Nông.
Khất đại-phu nhìn Đào Kỳ cười:
- Đào tiểu hữu! Ngươi nổi tiếng là thông thạo lịch sử Hán, Việt. Ngươi giải nghĩa cho vợ nghe đi chứ.
Đào Kỳ được Đào-hầu dạy rất kỹ về lịch sử Lĩnh Nam. Chàng lại được thừa hưởng di sản văn hóa Trung-quốc từ Lục Mạnh-Tân. Về sử học, chàng hiểu biết rất rộng bỏ xa Phương-Dung. Chàng khẽ đập tay lên vai vợ:
- Để anh nói cho em nghe. Em phải phân biệt lập-quốc với tổ-tiên. Khi theo quân từ Giao-chỉ sang Quế-lâm. Hẳn em có qua Cấm-sơn, đọc bia của Trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung chứ?
- Có! Em đọc một lượt thuộc làu. Trong đó nói Đế Minh cháu ba đời Thần Nông, đi tuần thú phương Nam. Đến núi Ngũ-lĩnh, gặp nàng tiên kết hôn với nhau, sinh ra Thái-tử Lộc Tục. Ngài lập đàn tế cáo trời đất. Phong cho con trưởng làm vua phương Bắc tức vua Đế Nghi. Thái-tử Lộc Tục làm vua phương Nam tức Kinh-Dương vương. Ừ nhỉ... thì ra Lĩnh Nam với Trung-nguyên cùng gốc ở một ông tổ.
- Quốc-tổ Kinh-Dương vương lập quốc năm Nhâm-Tuất. Lấy năm ấy là năm đầu. Sử gọi ông là vua Hồng-Bàng thứ nhất. Phương Bắc năm ấy là niên hiệu vua Đế Nghi thứ 10.
Đô Dương ngắt lời Đào Kỳ:
- Như vậy khi vua Kinh-Dương lên ngôi, thì vua Đế Nghi đã băng hà. Đế Nghi làm vua được 10 năm. Không biết lúc bấy giờ Kinh-Dương vương bao nhiêu tuổi?
Đào Kỳ đáp ngay:
- Sử không chép. Song các môn phái Lĩnh Nam đều chép rằng: Khi vua Đế Minh lập đàn, tế cáo trời đất, ấn định lấy núi Ngũ-lĩnh làm cương giới phân chia Trung-nguyên với Lĩnh Nam là năm Nhâm-Tý (2889 trước Tây lịch). Sau đó truyền ngôi cho con trưởng, là vua phương Bắc tức vua Đế Nghi. Lấy năm đó làm năm đầu. Bấy giờ Thái-tử Lộc-Tục mới ra đời. Vậy có thể kết luận Kinh-Dương vương lên làm vua lúc 10 tuổi.
Phương-Dung hỏi:
- Thế khi vua Kinh-Dương lên ngôi triều đại Thần Nông đã được bao nhiêu năm? Vua Phục Hy trước hay sau vua Thần Nông?
- Kể từ năm Thần Nông thứ nhất đến Hồng Bàng năm đầu gần 239 năm. Như vậy triều đại Thần Nông đến khi vua Kinh-Dương vương lên ngôi thì chia làm hai. Bắc do vua Đế Nghi, Nam do Kinh-Dương Vương. Bắc sau thành Trung-nguyên, Nam thành Lĩnh Nam. Đến đời Lạc Long Quân, Lĩnh Nam đổi quốc hiệu là Văn Lang. Đời An-Dương vương đổi thành Âu Lạc. Tuy vậy trong dân gian cứ dùng danh hiệu Lĩnh Nam. Sử Trung-nguyên chỉ ghi chép từ vua Thần Nông. Vua Phục Hy trước vua Thần Nông. Em gái của ngài là Nữ Oa. Người Trung-nguyên cứ cho Phục Hy, Nữ Oa là không có thật, vì họ không còn dấu vết gì. Ngược lại Lĩnh Nam mình còn đủ chứng tích, sử chép đầy đủ.
Khất đại-phu cười:
- Con bé Dung thấy chưa, Trung-nguyên, Lĩnh Nam cùng một nguồn gốc từ Thần Nông. Tuy sử Trung-nguyên không ghi chép vua Phục Hy, bà Nữ Oa vì không còn di tích. Thế nhưng truuyền tụng dân gian vẫn còn. Vì vậy họ mới thờ kính.
Đào Kỳ tiếp:
- Kết lại, nguồn gốc Lĩnh Nam phải kể từ vua Phục Hy, kế tiếp tới vua Thần Nông, Kinh Dương Vương. Vì vậy người Việt có tam Hoàng. Người Hán cũng có tam Hoàng. Tam Hoàng của Hán là Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế. Tam Hoàng của Việt là Phục Hy, Thần Nông, Kinh Dương (2).
Ghi chú
(2) TAM HOÀNG
Nói về Tam Hoàng, giữa hai quốc gia Trung-quốc, Việt-nam không thống nhất. Ngay tại nội địa Việt-nam, nội địa Trung-quốc cũng không đồng nhất.
1. TẠI TRUNG QUỐC,
1.1. bộ sách đầu tiên nói đến Tam Hoàng là Chu Lễ chương Thiên ngoại quan sử chép:
Chưởng Tam Hoàng Ngũ Đế chi thư.
(Giữ sách của Tam Hoàng Ngũ Đế)
1.2. Các sử gia Trung-quốc không thống nhất về Tam Hoàng.
a) Sách Hà đồ Tam Ngũ lịch, Tam Hoàng là Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng.
b) Sách Thượng-thư Đại Truyện, Tam Hoàng là Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông.
c) Sách Bạch Hổ Thông, Tam Hoàng là Phục Hy, Thần Nông, Toại Nhân.
d) Khổng An-Quốc trong bài tựa sách Thượng Thư và Hoàng-phủ Mật trong Đế vương thế-kỷ thì tam Hoàng là Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế.
Về phương diện tôn giáo, người Trung-quốc thờ Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế làm Quốc-tổ.
Năm 1976, thuật giả có viếng cố đô Trường-an, Hàm-dương, 0, nhân đó viếng đền thờ Tam Hoàng ở về phía Tây Trường-an khoảng 70 cây số. Trong đền thờ Phục Hy, Thần Nông và Nữ Oa. Một đền khác thuộc vùng Phù-phong lại thờ Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế.
2. TẠI VIỆT NAM,
Nói về tam Hoàng càng khác nhau:
a) Có nơi ảnh hưởng của Trung-quốc, thờ Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế. Đến đời Lý thì bỏ.
b) Có nơi thờ Phục Hy, Thần Nông, Kinh-Dương làm Tam Hoàng.
c) Có nơi thờ vua An-Dương, Kinh-Dương, Trưng-Vương làm Tam Hoàng.
d) Có nơi thờ Phục Hy, Thần Nông, Hùng-Vương làm Tam Hoàng.
e) Có nơi thờ chung Phục Hy, Thần Nông, An-Dương, Trưng-Vương.
Nhiều người Việt yêu nước quá khích, đến độ những gì có liên hệ với Trung-quốc đều gạt ra. Họ chỉ chấp nhận Quốc-tổ là An-Dương Vương. Song trải qua các triều đại Việt-nam đều chấp nhận Tam Hoàng là Phục Hy, Thần Nông, Kinh Dương. Triều Nguyễn -143 các vua vẫn tế Phục Hy, Thần Nông, Kinh Dương, An Dương.
Độc giả muốn tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc Việt, xin đọc các sách của giáo sư Lương Kim-Định do An-việt Houston, Hoa-kỳ xuất bản. Giáo sư Lương Kim-Định căn cứ vào khảo cổ, hình tượng, triết học, văn hóa thời bình minh lịch sử, đã chứng minh rằng nguồn gốc chúng ta là con cháu vua Thần Nông, vào thời kỳ ngài còn làm giáo sư đại học Văn-khoa Sài-gòn (trước 1975). Lúc đầu nhiều người thiển cận cho rằng giáo sư suy luận trong chiều hướng yêu nước quá độ.
Tôi là con ếch ngồi đáy giếng. Suốt từ 1945-1975 chỉ cắm cúi với đống sách chữ Hán, mà không đọc sách Việt. Nên mãi năm 1986 mới được đọc sách của giáo sư Kim-Định. Nước mắt dàn dụa, vì vô tình ngài với tôi đi một đường. Ngài khởi đầu bằng triết học. Tôi khởi đầu bằng sử học. Ngài tốn biết bao tâm não, còn tôi thì chỉ tốn... tiền. Chúng tôi cùng tìm thấy sự thực lịch sử.
Một tỷ dụ: Độc giả biết đọc chữ Hán có thể tìm bộ TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI PHỤC SỨC NGHIÊN CỬU của Thẩm Tùng-Văn, do Thương vụ ấn thư quán, Hương-cảng xuất bản 1981. Những cuộc khai quật ở Vân-nam, Quảng-đông, Quảng-tây, Hồ-nam cho thấy, y phục một thế kỷ sau Tây-lịch về trước đều giống nhau. Trở lại với khảo cổ Việt-nam, các cuộc khai quật ở vùng Thanh-hóa, Nghệ-an, Sơn-tây, Bắc-ninh cho thấy y phục thời gian một thế kỷ sau Tây-lịch về trước cũng giống với cuộc khai quật nói trên của Trung-quốc. Vì vậy có thể kết luận: Vùng Thanh-Nghệ đến phía Nam sông Dương-tử từ tiền cổ đến 100 năm sau Tây-lịch có cùng một văn hóa: Mồ mả, y phục, xương sọ. Tức cùng một nước: Nước Lĩnh Nam.
Sau cuộc hành trình dài mọi người đặt mình xuống là ngủ ngay. Phía trước miếu Giao-Chi mắc võng vào hai cây, lấy chăn trùm lên người nằm ngủ. Đô Dương cũng mắc võng cạnh đó. Võng hai người cách nhau hơn trượng. Giao-Chi nhìn trăng tháng giêng chiếu xuống một vùng mờ mờ xa xa hỏi Đô Dương rằng:
- Đô đại ca, không biết trong thành Trường-an có nhiều cao thủ không?
Đô Dương suy nghĩ rồi đáp:
- Trước đây Lưu Huyền dấy binh tại Quang-trung, anh hùng đất Tần theo rất đông, cao thủ như rừng như biển. Sau khi diệt Vương Mãng chết mất khá nhiều. Người trấn thủ Trường-an hiện giờ là Lưu Nghi tước phong Tần-vương. Y khoảng năm mươi tuổi, võ công không thua gì Nghiêm đại-ca với tôi. Mưu trí và tài dùng binh tuyệt vời. Y là người hoàng-tộc, học võ với phái Kỳ-sơn. Hiện Quang-Vũ đến Trường-an, thì Hoài-nam vương, đệ nhất danh gia kiếm thuật đất Hán cũng đến. Các cao thủ trong đoàn nội thị hiệu-úy thế nào cũng tới. Tôi nghe Khất đại-phu, Phật-Nguyệt, Trưng Nhị có đến Trường-an đấu với cao thủ người Hán. Trưng Nhị thắng Trương Linh, Phật-Nguyệt thắng Hoài-nam vương, chắc đã làm cho chúng nhụt bớt nhuệ khí.
Giao-Chi hỏi:
- Đại-ca có thuộc đường lối trong thành không?
Đô Dương gật đầu:
- Thuộc chứ! Trường-an là kinh đô đời Tần và Tây-Hán, thành cao, hào sâu, rộng vô cùng. Ngoài là thành, trong có một thành nhỏ nữa gọi là Hoàng-thành, cố cung của các vua đời trước. Khi chiếm Trường-an lại từ Vương Mãng, tôi cùng với Nghiêm đại-ca đi ngắm tất cả các cung điện đời trước để lại, thuộc rất kỹ. Vả lại đất Phù-phong của tôi thuộc quyền Lưu Nghi. Mỗi tháng chúng tôi phải về họp một lần. Mồi lần như thế lại có dịp ngao du ngắm cung điện. Vì vậy tôi nhớ nằm lòng.
Chợt nhớ ra điều gì Đô Dương hỏi:
- Giao-Chi sư muội này! Sư muội có thể kể tôi nghe vì sao Nghiêm đại-ca gặp Hoàng sư-tỷ không? Tôi nghe đồn mối tình hai người làm rung động đất Lĩnh Nam, đến nỗi bên Trung-nguyên, Quang-Vũ cũng biết.
Giao-Chi đáp:
- Đúng đấy! Vì khi khởi sự người ta cứ tưởng Nghiêm đại ca là người Hán. Như đại-ca biết, chúng ta mất nước do âm mưu của Triệu Đà, nhưng cũng do Mỵ-Châu nhẹ dạ dẫn đường cho giặc. Vì vậy các phụ huynh Lĩnh Nam thù con gái Việt lấy chồng Hán. Hoàng sư-tỷ là đệ-tử của Đào-hầu vùng Cửu-chân. Đào-hầu là chưởng môn phái Cửu-chân. Từ mấy trăm năm nay phái Cửu-chân lúc nào cũng chủ trương phục hồi Lĩnh Nam. Cho nên cuộc tình duyên hai người gây chấn động Lĩnh-Nam là thế.
Đô Dương không chịu:
- Tôi nghe Đào-hầu trí dũng song toàn, yêu đệ tử như con, lại khoáng đạt tất phân biệt Nghiêm đại-ca là người thế nào chứ. Tôi nghĩ, phàm xét con người, phải phán xét hành động hơn là phán xét theo lối vơ đũa cả nắm.
Giao-Chi đáp:
- Nguyên khi Nghiêm đại-ca mới sang, đúng lúc Đào-hầu định khởi sự đánh đuổi người Hán. Lê Đạo-Sinh là người có tham vọng muốn làm Thái-thú Giao-chỉ. Nghiêm đại-ca có ý muốn mời Đào-hầu ra làm việc. Đạo-Sinh sợ Đào-hầu được tin dùng mới cho đệ tử vào làm việc cho tế tác, báo cáo rằng Đào-hầu là đầu trộm đuôi cướp. Vùng Đào-hầu cai quản dân chúng khổ sở vô cùng. Thái-thú Cửu-chân Nhâm Diên cũng báo cáo về Nghiêm đại-ca như vậy. Chính Nghiêm đại-ca mang quân đánh Đào-hầu. Chỉ một trận Đinh-hầu, Đào-hầu bỏ trang ấp trốn ra hải đảo. Khi Nghiêm đại-ca biết mình lầm lẫn đã muộn. Thành ra giữa Nghiêm đại-ca với Đào-hầu có mối thù khủng khiếp. Mà giữa trận đánh hai bên, Hoàng sư-tỷ gặp Nghiêm đại-ca.
Đô Dương nói:
- Năm trước đây Quang-Vũ định gả công-chúa Vĩnh-Hòa cho Nghiêm đại-ca. Sau hỏi lại được biết Nghiêm đại-ca đã cưới Hoàng sư-tỷ rồi mới thôi đấy chứ.
Giao-Chi cười:
- Đại-ca có biết Công-chúa Vĩnh-Hòa không? Y thị là người thế nào với Quang-Vũ?
Đô Dương đáp:
- Vĩnh-Hòa công-chúa là con Cảnh-Thủy hoàng-đế. Nguyên trước đây Trường-sa Định-vương có hai người con, người con lớn tên Huyền, tài kiêm văn võ. Ông say mê một kỹ nữ. Định-vương giận lắm, bắt Thế-tử nhận một trong hai điều: Một chọn ngôi Thế-tử, hai chọn kỹ nữ. Thế-tử chọn giải pháp thứ hai cùng người yêu ra ngoài thành sống hạnh phúc bên nhau. Người con thứ nhì được Định-vương truyền ngôi. Sau khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, Trường-sa Định-vương bị giết. Lưu Huyền trốn đến vùng Quang-Trung khởi binh xưng hoàng-đế, lấy niên hiệu là Cảnh-Thủy. Công-chúa Vĩnh-Hòa là con duy nhất của hoàng-đế Cảnh-Thủy. Hoàng-đế có ba người em kết nghĩa là Lý Điệt, Chu Huy và Phan Sùng. Ngài phong Lý Điệt làm Tấn-công, Chu Huy làm Ngụy-công và Phan Sùng làm Tề-công. Ngài trao chức Tam-công là Tư-không, Tư-đồ, Tư-mã cho các em. Phan Sùng một lần thấy hoàng-hậu của Cảnh-Thủy hồn phách y bay phơi phới. Y giết Cảnh-Thủy và hai sư huynh, cướp ngôi vua và định cướp cả hoàng-hậu. Hoàng-hậu xuất thân là kỹ nữ, nhưng trung thành với vua, tự tử chết theo. Khi Cảnh-Thủy hoàng-đế bị giết, Lưu Diễn anh Lưu Tú, tức con Trường-sa Định-vương, gọi Cảnh-Thủy bằng bác ruột mới khởi binh, nối tiếp sự nghiệp. Lưu Diễn chết, Nghiêm đại-ca với chúng tôi mới khuông phò Lưu Tú lên làm vua, hiệu là Quang-Vũ.
Giao-Chi hỏi:
- Tại sao người ta gọi Phan Sùng là Xích Mi?
Đô Dương đáp:
- Phan Sùng xuất thân là chưởng môn phái Trường-bạch. Võ công y rất cao. Y có hai lằn mi đỏ, nhân đó người ta gọi y là Xích Mi. Đi đâu y cũng mang theo một số con em đệ tử, chúng rất tàn ác, người ta gọi chúng là giặc Xích Mi.
Giao-Chi hỏi:
- Sao có thuyết nói rằng Quang-Vũ trước ở dưới quyền Cảnh-Thủy, được Cảnh-Thủy giao cho binh quyền, y cướp sự nghiệp của ngài.
Đô Dương gật đầu:
- Gần đúng như thế. Bởi Cảnh-Thủy không có tính quyết đoán, tướng sĩ không phục, nhất là Nghiêm đại-ca, Phùng Dị, Ngô Hán, Đặng Vũ, Sầm Bành và cả tôi nữa.
Ngừng một lát Đô Dương tiếp:
- Cảnh-Thủy chỉ có một công-chúa Vĩnh-Hòa, Tấn-công Lý Điệt chỉ có một quận-chúa Lý Lan-Anh và Ngụy-công Chu Huy chỉ có một quận-chúa Chu Thúy-Phượng. Quang-Vũ ban cho ba nàng, mỗi nàng một thanh Thượng-phương bảo kiếm, được quyền Thượng trảm hôn quân, hạ trảm gian thần. Ba nàng hiện lưu lạc ở Nam-hải cùng với Khúc-giang ngũ hiệp Trần-gia. Năm trước đây, trong lần về Trường-an giỗ Cảnh-Thủy hoàng-đế, tôi đã được thấy công-chúa Vĩnh-Hòa. Chà! Nàng đẹp như hoa xuân mới nở, tư thái phiêu hốt như một tiên nữ. Nàng rất giỏi về âm nhạc. Tôi e rằng trên thế gian không ai sánh được với nàng.
Giao-Chi hỏi:
- Kể ra Quang-Vũ cũng tử tế với Nghiêm đại-ca đấy chứ. Y định đem chị con ông bác gả cho Nghiêm đại-ca. Quả y đã ưu đãi Nghiêm đại-ca quá rồi còn gì nữa.
Đô Dương lắc đầu:
- Sư muội lầm rồi. Bấy giờ có tin Nghiêm đại-ca muốn phục hồi Lĩnh Nam. Y lo sợ cuống cuồng, vì vậy mới định gả công-chúa Vĩnh-Hòa cho Nghiêm đại-ca.
Giao-Chi à lên một tiếng:
- Quang-Vũ muốn mai phục một việc ngày xưa như Hán-đế dùng An-quốc Thiếu-Quý thôn tính đất Nam-Việt của con cháu Triệu Đà.
Nguyên Tần Thủy-Hoàng sai Đồ Thư mang 500.000 quân sang đánh Âu Lạc, chiếm các quận Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, giao cho một viên Quận-úy là Triệu Đà trông coi, rồi tiếp tục đánh xuống miền Nam. An-Dương vương dùng du kích chiến, cuối cùng đánh một trận giết Đồ Thư, nhưng không đòi lại được ba quận trên. Khi Tần Thủy-Hoàng chết. Anh hùng Trung-nguyên nổi dậy như ong. Triệu Đà xưng Nam-Việt vương giữ vững cai trị như một quốc-gia. Sau khi dùng mưu chiếm được nước Âu Lạc, An-Dương vương tự tử. Lãnh thổ Nam-việt trở thành rộng lớn. Triệu Đà xưng đế, cha truyền con nối. Có lần Đà mang quân đánh Trường-sa. Đến đời Hán-Văn đế cho người thuyết phục, dọa đào mồ cuốc mã tổ tiên họ Triệu, Đà mới chịu thần phục, hàng năm tiến cống. Truyền đến đời cháu Đà, Hán-đế bắt cho Thái-tử sang làm con tin. Thái-tử Anh-Tề sang Hán làm con tin, lấy người vợ tên Cù-Thị. Thái-tử Anh-Tề trở về nối ngôi vua được ít lâu thì chết. Hán-đế sai tình nhân cũ sang dụ Cù-Thị với con hàng Hán. Cù-Thị gặp tình nhân cũ, nhớ nước muốn về Trung-nguyên, thị khuyên con trai đầu hàng. Lữ Gia là Tể-tướng nước Nam-việt đứng lên giết Cù-Thị, sứ giả, lập vua khác.
Đô Dương hỏi:
- So sánh giữa Phương-Dung với Hoàng sư-tỷ ai đẹp hơn ai?
Giao-Chi đáp:
- Thực khó nói rằng hoa Lan hay hoa Thủy-tiên đẹp. Vì mỗi người mỗi vẻ. Phương-Dung thì đẹp sắc sảo chói chang, nhìn vào như một hoa Lan giữa buổi bình minh. Còn Hoàng sư-tỷ đẹp nhu mì, mỗi khi nhìn sư tỷ, dường như người nhìn bị hút mất năng lực. Võ công sư tỷ cực cao. Trong bốn nữ lưu Lĩnh Nam là Trưng Trắc, Trưng Nhị, Thiều-Hoa và Trần Năng thì trước đây Trần Năng, Thiều-Hoa kém xa hai sư tỷ kia. Nhưng nay vì Trần Năng được sư phụ là Thái-sơn bắc-đẩu Lĩnh Nam truyền dạy, tiến xa hơn nhiều. Còn Hoàng sư tỷ gốc học ở Đào-hầu, sau được sư đệ Đào Kỳ truyền dạy, mà trở thành bản lĩnh kinh nhân. Trước bản lĩnh Hoàng sư-tỷ ngang với Nghiêm đại-ca. Hiện nay bản lĩnh sư-tỷ cao hơn Nghiêm đại-ca một bậc.
Đô Dương thắc mắc:
- Ta nghe khi thất lạc Đào-hầu, Hoàng sư-tỷ nuôi Đào Kỳ như nuôi con, vậy sao võ công Đào Kỳ lại cao hơn sư-tỷ được?
Giao-Chi đem hết chuyện Đào Kỳ từ lúc rời Cửu-chân cho đến lúc chàng gặp bộ Văn-lang võ học kỳ thư, mà trở thành vô địch, nàng thuật lại một lượt cho Đô Dương nghe.
Lúc Đô Dương được Giao-Chi thuyết phục trở về Lĩnh-nam. Chàng vẫn cho rằng bản lĩnh Nghiêm Sơn là đệ nhất. Chàng có thua Nghiêm Sơn đôi chút, thì ít ra cũng vào bậc nhì. Bây giờ chàng mới biết Lĩnh Nam có không biết bao nhiêu nhân tài mà kể.
Hai người im lặng rồi ngủ đi lúc nào không rõ. Trong lúc mơ mơ tỉnh tỉnh, Đô Dương nghe tiếng ngựa phi lộp bộp ở xa. Chàng lắng nghe, có nhiều tiếng chân ngựa chứ không phải một tiếng. Tiếng chân ngựa mỗi lúc một gần. Chàng cúi xuống cầm viên sỏi nhỏ bắn sang võng Giao-Chi để đánh thức nàng, thì không thấy nàng đâu nữa. Chàng đảo mắt nhìn quanh, thì thấy nàng ngồi trên ngọn cây nhìn về phía tiếng ngựa phi. Một lát tiếng ngựa lại gần. Chàng định vào miếu báo cho mọi người biết, có tiếng Phương-Dung nói sẽ:
- Chúng tôi dấu hết ngựa rồi. Còn hai vị ẩn thân ở ngoài. Nếu thấy kẻ lạ vào đừng có lên tiếng, chúng tôi khắc có cách đối phó.
Giao-Chi cùng Đô Dương nhảy xuống thu võng, rồi ẩn thân vào bụi cây gần đó. Tiếng ngựa mỗi lúc một gần. Giao-Chi đếm: một, hai, ba... mười ba con ngựa. Toán thứ nhất chạy đến trước miếu, ngừng lại. Có tiếng một người nói:
- Đây có cái miếu, chúng ta ngừng lại nghỉ chân. Chứ chạy nữa, ngựa mệt quá rồi.
Họ nói tiếng Việt, Giao-Chi nhận ra tiếng nói rất quen thuộc, nhưng không biết là tiếng của ai.
Mười ba người xuống ngựa, tiến vào miếu. Giao-Chi nhìn kỹ xem họ là ai. Trong bóng đêm nàng phân biệt rõ trong 13 người, có 1 nữ, còn 12 nam. Trong 12 nam có 3 người đeo cung tên. Dường như họ đều mỏi mệt và có vài người bị thương nhẹ.
Người cầm đầu chỉ vào miếu nói:
- Chúng ta ẩn trong miếu này chống lại chúng. Cố gắng cầm cự, vận khí điều công phục hồi chân khí, rồi quyết chiến một trận. Từ đây đến chỗ đóng quân của chúng ta không xa cho lắm.
Giao-Chi nghe tiếng nói giật bắn người lên. Nàng nhận ra tiếng của đệ nhị sư bá Trần Công-Minh. Trần Công-Minh là Lạc-hầu ở Ký-hợp. Từ lâu ông không phục tùng người Hán, tách hẳn với chính quyền Giao-chỉ. Ông chiếm lĩnh một vùng tự xưng là Nam-thành vương, dưới tay ông có 2.000 quân và mấy trăm tráng sĩ. Ông là sư phụ của Đàm Ngọc-Nga, thủ lĩnh 36 động Thanh-hoa với trên 1000 tráng sĩ. Ông còn là sư phụ, cậu ruột Nguyễn Thánh-Thiên. Người thiếu nữ mà Đào Kỳ gặp ở Cổ-loa, rồi nàng bị Lê Đạo-Sinh bắt dâng cho Tô Định, được Nguyễn Trát, Đào Kỳ cứu thoát.
Trần Công-Minh bảo người đeo tên:
- Cảnh-Sơn hiền đệ cùng hai cháu chia nhau ra núp ba nơi. Cố bắn cản không cho giặc vào miếu. Chúng ta ở trong miếu ăn uống vận công. Sau một giờ công lực phục hồi, chưa chắc ai ăn ai.
Giao-Chi nói vào tai Đô Dương:
- Người đeo cung tên này tên Cao Cảnh-Sơn, chưởng môn phái Hoa-lư. Còn hai người đi theo kia chắc là Cao Cảnh-Khê và Cao Cảnh-Nham. Vậy cả 13 người đều là người Lĩnh Nam. Không biết họ sang đây làm gì? Vì tất cả những người này không tùng chinh sang Trung-nguyên.
Cao Cảnh-Sơn chỉ cho Cao Cảnh-Khê sang một ụ đất có cây um tùm bên kia đường ẩn nấp. Cao Cảnh-Nham núp ngay phía trái đền. Còn ông, ông leo lên ngọn cây. Thế là ba cha con chia nhau làm ba góc, trấn giữ trước ngôi đền.
Vừa lúc đó toán đuổi theo đến. Họ đông khoảng trên trăm người. Giao-Chi nhìn thấy suýt kêu lên. Vì người cầm đầu là Mã Viện, đi theo có bọn võ tướng Kinh-châu mà nàng đã thấy trong lần hội lớn ở Quế-lâm.
Giao-Chi bảo nhỏ Đô Dương:
- Không biết đạo Kinh-châu, sư tỷ Trưng Nhị đã tiến tới đâu rồi. Tại sao Mã Viện lại có mặt ở đây. Y là phó tướng đạo Kinh-châu. Đây đâu phải là đất của y.
Bọn Mã Viện tới trước đền, gò cương ngựa lại nói:
- Bọn phản tặc hiện ở trong đền, vì ta thấy các vết chân ngựa tiến vào đó. Vậy chúng ta phải bao vây, bắt hết, nộp cho Thái-hậu.
Vèo ba mũi tên từ trên cây, do Cao Cảnh-Sơn bắn ra, hướng vào Mã Viện, Viện kinh hoảng rút kiếm gạt đánh choảng một tiếng, trong đêm tối tên, kiếm đụng nhau tóe lửa. Kiếm của Mã Viện bật văng khỏi tay, hổ khẩu y tê dại.
Y vội vọt khỏi mình ngựa, chụp lấy kiếm, lộn một vòng đáp xuống đất. Nhưng Cao Cảnh-Sơn bắn một lúc ba mũi tên. Hai mũi còn lại hướng hai tỳ tướng bên cạnh Mã. Hai người định tránh né, nhưng không kịp. Mũi tên xuyên thủng lồng ngực bay ra sau. Vì Cao Cảnh-Sơn bắn từ trên cao, nên mũi tên đi xéo xuống đất. Dư lực mũi tên sau khi xuyên lồng ngực hai tỳ tướng, còn dư sức trúng vào đùi hai tướng khác, ghim đùi họ vào mình ngựa.
Mã Viện quát lên một tiếng, tất cả đám tùy tùng đều nhảy xuống đất núp vào ụ đất bên đường, nhìn về phía Cao Cảnh-Sơn. Hai tỳ tướng bị tên ghim vào mình ngựa. Ngựa đau quá ngã vật xuống, kéo theo hai tướng. Tương-dương nhị hùng đưa một nhát kiếm cắt hai mũi tên, gỡ hai tướng ra khỏi xác ngựa. Mã Viện chỉ vào trong đền nói:
- Chúng ta chia làm ba mũi: Tương-dương nhị, tam, tứ hùng bọc phía trái đền tiến vào. Mũi thứ nhì Tương-dương ngũ, lục, thất, cửu hùng vòng theo phía trái. Còn ta với các tướng tấn công chính diện. Phải cẩn thận, nếu không sẽ bị chúng bắn tên.
Cảnh Yểm cùng Mã Vũ vượt qua đường núp vào mô đất quan sát, vèo một tiếng tên của Cao Cảnh-Khê bắn từ bên kia đường qua. Sáu người rút kiếm ra gạt choang, choang, choang ba mũi tên bị gạt đi. Nhưng bọn Cảnh Yểm thấy cánh tay bị tê dại, không cử động được. Kiếm suýt bay mất. Ba người hoảng hốt vội nằm rạp xuống đất.
Bọn Tang Cung, Lưu Hân, Phùng Tuấn định tiến theo cánh trái vào, liên tiếp sáu tiếng, sáu mũi tên. Họ kinh hoàng khi thấy tên lần này lại ở phương vị khác bắn tới. Đó là tên của Cao Cảnh-Nham. Bọn Cảnh Yểm đã có kinh nghiệm, chúng lăn tròn đưới đất tránh tên. Thế là cả bọn Mã Viện bị cầm chân.
Bỗng cả ba phía tên cùng vèo, vèo bắn ra một loạt. Nhưng tên không bắn vào người mà bắn vào ngựa. Tiếng ngựa rú lên kinh khủng thê thảm trong đêm. Chỉ lát sau, gần một trăm con ngựa bị bắn chết hết.
Nguyên sau khi rời bản dinh ở đất Thục, Mã Viện bị Trưng Nhị lừa, y cùng các tướng lên đường về Trường-an yết kiến Quang-Vũ, nhậm chức trấn thủ Lương-châu. Vì đường xá xa xôi, gập ghềnh hiểm trở, cho nên mãi hôm qua mới đến Tân-phong. Trong khi nghỉ ở Tân-phong y gặp một đoàn lữ khách 12 người. Mã Viện biết họ là người Lĩnh Nam vì họ nói tiếng Việt. Sở dĩ y biết tiếng Việt, do những ngày y làm việc bên cạnh Trưng Nhị, y học ít câu. Đoàn người cùng vào một quán ăn uống, rồi lên đường. Vừa lúc đó có một người Hán, chạy đến trước mặt Mã Viện thi lễ, hỏi:
- Tiểu nhân thực vô lễ, dám hỏi đại nhân có phải Phục-ba tướng quân Mã quốc-cữu không?
Mã Viện gật đầu:
- Chính thị là ta.
Người đó nói sẽ:
- Tiểu nhân có điều cơ mật muốn trình với Quốc-cữu.
Mã Viện ra hiệu cho các tướng lui lại. Người đó móc trong bọc đưa cho Mã Viện một phong thư. Mã Viện mở ra thấy vỏn vẹn có mấy dòng:
Nay phái Vũ-vệ hiệu-úy Hầu Nhân-Đăng đi kinh-lý các vùng Trường-an, Đồng-quan, Lâm-đồng cho tới Tây-lương, Quang-trung. Phàm các tướng dĩ, bá quan văn võ, từ cấp Thứ-sử trở xuống đều phải tuân lệnh điều động của Hầu Vũ-vệ.
Bên dưới đóng ấn của Mã thái-hậu. Mã Viện nhìn rõ chữ cô ruột. Biết rằng đây là mật lệnh quan trọng, bà mới viết như vậy.
Y hỏi:
- Hiệu-úy định nhờ ta việc gì? Ta là cháu Thái-hậu. Việc của Thái-hậu ta phải hết tâm.
Hầu Nhân-Đăng chỉ bọn 13 người Việt đi trước:
- Thái-hậu truyền tiểu nhân cùng một số Vũ-vệ tuần hành quanh Trường-an trong những ngày hoàng-thượng tuần-du, bắt tất cả những người nào nói tiếng Việt đem về để Thái-hậu phát lạc.
Hơn ai hết, Mã Viện biết cô mình không phải là mẹ của Quang-Vũ. Mẹ ruột của Quang-Vũ hiện đang ở Lĩnh Nam. Vì vậy bà bắt người nói tiếng Việt tất có liên quan đến vụ này.
Y nói với Hầu Nhân-Đăng:
- Được! Ta sẽ cho vây bắt họ lập tức. Bây giờ chúng ta đuổi theo ngay mới kịp.
Y đứng lên nói với các tướng sĩ:
- Các ngươi đã thấy 13 tên Việt đi qua. Chúng là bọn phản tặc, có mật chỉ phải bắt chúng. Vậy các tướng hãy cố gắng ra sức, Thái-hậu sẽ trọng thưởng.
Các tướng sĩ đều biết Phục-ba tướng quân là cháu Thái-hậu. Cho nên khi thấy người lạ đưa trình cho Mã bao thư, rồi bàn luận với Mã. Họ biết rằng có việc cơ mật. Họ không ngờ việc cơ mật đó do Thái-hậu ban ra. Kinh nghiệm cho họ biết, xung phong hãm trận, vào sinh ra tử khó mà được thăng cấp mau. Còn làm những công tác mật như thế này, rất dễ mau thăng quan tiến chức. Cho nên khi nghe Mã nói, họ cùng lên ngựa đuổi theo rất gấp.
Các tướng theo Mã là Tương-dương cửu-hùng. Trước gồm Sầm Bành, Cảnh Yểm, Mã Vũ, Tế Tuân, Tang Cung, Lưu Hân, Phùng Tuấn, Đoàn Chí, Lưu Long. Sầm Bành, Tế Tuân đã bị giết chết. Họ đều là người theo Quang-Vũ khởi binh từ Nam-dương. Về công trạng, võ công, tài dùng binh, họ bỏ xa Mã Viện. Đạo Kinh-châu do Đại tư-mã Đặng Vũ chỉ huy, Mã Viện trấn thủ Kinh-châu cùng với Sầm Bành. Mỗi khi Đặng Vũ tiến chiếm được vùng nào, Mã Viện, Sầm Bành theo trấn giữ hậu quân. Vì vậy khi Đặng Vũ tiến tới Đồng-nam, Quảng-an thì Mã Vũ, Sầm Bành cũng theo tiếp nhận.