Vở kịch hay sắp ra mắt! Sân khấu ở một góc phố, tôi cũng chẳng hiểu nó được dựng lên bằng cách nào, hay là đã có sẵn từ trước, hậu phương thời kháng chiến, kịch nói làm một loại hình văn nghệ ai ai cũng thích, chỗ nào cũng có sân khấu. Vai nam chính là ba tôi, vai nữ chính là mẹ tôi. Bác Cù mới thật sự là vị anh hùng ở hậu trường. Bác là đạo diễn, giám đốc sân khấu, giám đốc hậu trường, dàn cảnh, đạo cụ, phối âm, phục trang, ánh sáng... Tóm lại, một mình bác quản tất tần tật. Đương nhiên, quan trọng nhất là chuyện bác vừa là kịch tác gia vừa kiêm luôn đạo diễn! Hồi tưởng lại, bác Cù quả là có tài thật sự về kịch nghệ. Người lớn bận diễn kịch, trẻ con vui hết biết. Trước khi diễn, không ai trông coi chúng tôi, chúng tôi mặc sức vui đùa, khi diễn kịch, lại càng nhộn, xem ba mẹ diễn trên sân khấu sao mà rực rỡ, sao mà hấp dẫn đến thế! Tôi là người xem say sưa nhất, suốt từ đầu đến cuối, ba mẹ diễn mấy suất, xem đến mức thuộc hết cả lời trong vở kịch. Tôi nhớ tên vở kịch đó là "Khoai lang chín rồi". Câu chuyện kể về một gia đình nhỏ, chồng là người chiến sĩ sắp sửa xông pha trận mạc, nói lời từ biệt với vợ, vợ lưu luyến nói với chồng, em đang luộc khoai lang, mình hãy đợi khoai lang chín, ăn rồi hãy đi. Lúc đó, ngoài của, chợt tiếng tù và vang lên lanh lảnh, do bác Cù thổi, người chồng luống cuống, nhưng vẫn nấn ná dặn dò vợ bao điều. Rồi tiếng khóc của con thơ vọng lại (đương nhiên cũng do bác Cù bày trò), người vợ quay vào dỗ con. Dỗ con ngủ xong, người vợ lại trở ra tâm tình. Tiếng tù và lại vang lên, người vợ chạy vào xem khoai lang chín chưa, rồi chạy ra, nói: - Khoai lang chưa chín, nhưng cũng sắp chín rồi! Tù và lại giục giã! Con thơ lại khóc! Người vợ luống cuống chạy ra chạy vào, nhưng khoai lang vẫn chưa chịu chín. Tiếng tù và càng lúc càng gấp! Đã đến giờ xuất chinh, người chồng khống thể nấn ná được nữa, anh cũng không chịu nổi cảnh chia tay đầm đìa nước mắt với vợ nên đợi lúc vợ vào bếp, anh vượt qua cửa sổ thoát ra ngoài. Người vợ bưng đĩa khoai lang nóng hổi bước ra, miệng nói: - Khoai lang chín rồi! Khoai lang chín rồi! Nhưng phòng không lặng ngắt như tờ, chị buông đĩa bưng mặt khóc, chiếc đĩa vỡ, khoai văng xuống đất. Trong tiếng trẻ khóc, tiếng tù và, tiếng vó ngựa, tiếng nức nở của người vợ giao hòa nhau, màn từ từ hạ. Vở kịch không chỉ viết về mối tình chồng vợ đậm đà, mà còn mô tả không khí của cuộc kháng chiến đương thời, khiến lòng người ngùi ngùi xúc động, từ câu chuyện nho nhỏ ấy nhìn xuyên qua thời đại, thực sự là một thành công lớn! Người xem sôi nổi hẳn lên, ai cũng nhiệt liệt khen ngợi, nhưng xem kịch xong, ai nấy mãn nguyện ra về, chẳng mấy ai để lại chút ít tiền cho đoàn kịch. Cũng vì vậy mà diễn mấy ngày liền vẫn không có tiền trang trải nợ nần, lại ngày nào cũng đánh rơi vỡ đĩa và đổ khoai lang nấu chín xuống đất, không có khoản nào để bù vào. Thế là đoàn kịch cũng hạ màn luôn. Thật tội nghiệp cho ba mẹ, cuộc đời chỉ biết dạy học, vì cuộc sống mà phải làm tất cả. Bán khoai lang, bánh rán rồi phấn son lên sàn diễn... Người thôn trưởng tốt bụng thấy chúng tôi không thể sống bằng diễn kịch được, cả nhà đến nông nỗi này quả thực là có phần trách nhiệm của ông, do ông quản lý địa hạt mình không tốt để bọn cướp lộng hành... Thế là ông hối hả sắp xếp cho ba và bác Cù mỗi người một việc, ông sốt sắng nói với chúng tôi: - Thôi đừng đi nữa, ở lại đây với chúng tôi! Thực tình thì chúng tôi đã mệt quá rồi, được thôn trưởng giữ lại, mọi người không từ chối. Chúng tôi ở lại Kiếm Hà thấm thoắt hơn nửa năm.
Chương 26
Kháng Chiến Thắng Lợi
Những tháng ngày ở Kiếm Hà, có lẽ là quãng thời gian chúng tôi sống được an bình nhất trong cuộc đời lưu lạc. Thời gian này, mẹ tôi học được cách đan giày nên ba chị em tôi đều có giày mới để mang. Còn ba, vẫn bận rộn như thường lệ, có hôm, ba ôm về cả cái sừng trâu từ nhà láng giềng, chẳng là ba mới học được nghề khắc dấu. Ba tôi khắc hàng lô hàng lốc con dấu bằng sừng trâu. Một hôm, nguồn cảm hứng đến ba lấy một ống trúc, dùng trúc làm quản bút, trên quản bút khắc tỉ mỉ hai chữ lớn: "Kính tiết" Hai chữ lớn ấy có ý nghĩa là "đốt tre cứng cáp" đã làm xúc động ba tôi. Những ngày ấy, ba tôi buồn buồn ít nói, dầu bác Cù có trêu chọc chăng nữa, ba cũng chẳng cười. Mẹ tôi hiểu ra, mẹ nói: - Mình lại muốn đi Tứ Xuyên rồi! - Vâng! Ba thở dài: - Một trăm dặm đã đi được chín mươi dặm, bây giờ dừng chân thật chẳng đặng! - Nhưng mà chúng ta lấy đâu ra tiền? - Cái hồi từ dưới lòng sông Đông An trồi lên, chúng ta có tiền đâu? Ba hỏi so với hồi đó, bây giờ ta đỡ hơn nhiều chứ! Thực ra, ở Kiếm Hà, ba tôi kiếm được chút đỉnh tiền. Thế là mấy ngày, bàn lui bàn tới, cuối cùng ba quyết định: Chúng ta tiếp tục đi, đi cho đến Tứ Xuyên, đi cho tới Trùng Khánh. Lần này, bác Cù không chịu đi cùng chúng tôi, bác nhất quyết bắt cho được bọn cướp rồi mới đi. Nhưng bác cầu phúc lành cho chúng tôi. Ngày cả nhà tôi lên đường, bác lưu luyến tiễn chân đến tận cổng làng, và đọc kinh chúc chúng tôi thượng lộ bình an. Chúng tôi, lại ra đi! Đường xa tăm tắp, hết qua đồi núi này lại leo tiếp đồi núi khác. Cuối cùng, chúng tôi đặt chân lên đất Tứ Xuyên. Tôi còn nhớ, sau khi vào Tứ Xuyên, chúng tôi vẫn tiếp tục trèo đèo vượt núi. Đi đường núi thật gian nan, núi đã vắng lại hay gặp thổ phỉ. Lại còn một nỗi sợ nữa là rắn độc và dã thú. Trên người tuy chẳng có tài sản gì, nhưng nếu cũng y như lần trước, chẳng may bị thổ phỉ cướp cả áo quần lần nữa thì thật là thảm hại! Chúng tôi lầm lũi đi trong núi. Có hôm bỗng dưng có hai tráng đinh xuất hiện trước mặt. Họ khiêng cáng, tấm ra trắng phủ kín người nằm trên đó. Họ lặng lẽ đi qua rồi mất hút vào núi sâu. Ba mẹ hơi nghi hoặc, không dám hỏi. Đi được một lát, lại xuất hiện hai người khiêng cáng nữa cũng phủ kín bằng ra trắng, cũng đi vào núi sâu. Một loáng sau, lại chiếc cáng thứ ba xuất hiện... Gió núi thổi mạnh, trời trở lạnh. Nhưng chúng tôi thấy ớn lạnh hơn khi nhìn ngưới khiêng cáng thầm lặng đi qua, những tấm ra trắng, những chiếc cáng... Lại một chiếc cáng nữa xuất hiện, ba tôi đánh bạo hỏi: - Làm sao vậy, có người bịnh à? - Bịnh à? Người khiêng cáng trố mắt nhìn ba tôi. Chết rồi! Chết cả rồi! Khiêng vào núi chôn đó! Thì ra đó là những xác chết. Hỏi thêm mới rõ đầu đuôi. Cả khu núi này đang bị bệnh dịch, ngày nào cũng có người chết, nhiều người đổ bệnh. Dân nghèo xác xơ, thời kháng chiến thuốc men thiếu thốn, đành nhìn tử thần cướp đi từng mạng sống! Hôm qua khiêng người ta đi, hôm nay cũng có thể đến lượt người khác khiêng mình! Ba mẹ nghe lạnh tóc gáy, cẩn thận dẫn chúng tôi né xa những xác chết. Suốt ngày, chúng tôi gặp toàn người khiêng xác người, tôi và các em, vì tuổi nhỏ, nhìn riết rồi cũng không sợ nữa. Hoàng hôn xuống, ba tôi cõng em bé, còn tôi và Kỳ Lân dắt tay nhau chạy băng băng xuống núi. Ba tôi tụt lại sau. Đến nửa rừng, hai chúng tôi đang đói cồn cào, chợt thấy một quán nhỏ ven đường, trong quán hai người khiêng cáng đang ngồi ăn mì, mùi mì bốc lên thơm phức, tôi và Kỳ Lân không nhịn được, liền đi tới, rồi ngồi bệt xuống nền đất đòi ăn mỗi đứa một tô mì. Tôi còn nhanh miệng nói với chủ quán, mẹ tôi đi ở đằng sau, sẽ đến trả tiền ngay. Thế rồi tôi và Kỳ Lân ăn ngấu ăn nghiến, bất chấp đây là vùng dịch bệnh, cũng bất chấp cả cái xác chết đặt trên cáng ở bên cạnh quán. Đến khi mẹ tới kịp, mẹ hớt hải la oai oải: - Ối dào, hỏng hết! Hỏng hết! Các con quá lắm! Lỡ bị bệnh truyền nhiễm làm sao cứu kịp! Mẹ tôi đi tới, kéo tôi ra cho một cái tát, rồi cho Kỳ Lân một cái tát. Kỳ Lân hễ bị đánh là khóc, há mồm ra khóc càng lúc càng dữ. Ngay lúc đó, tiếng nổ đoàng, đoàng, vang liên hồi như pháo làm rung động cả một vùng núi. - Thổ phỉ đến! Mẹ tôi la lên, rồi theo bản năng, ôm chặt lấy Kỳ Lân. - Súng bắn! Ba nói: Lẽ nào giặc Nhật tấn công đến Tứ Xuyên? Không lẽ! Nói chưa hết lời, lại một loạt đoàng, đoàng, nữa vang lên. Chủ quán sợ quá ngồi xuống, dùng tiếng Tứ Xuyên hò hét mấy người khiêng cáng, họ đứng lên chạy thẳng xuống xóm dưới núi... Chúng tôi đứng ngây người, không dám nhúc nhích. Một hồi lâu, có tốp người từ trong xóm chạy ùa ra, họ cười cười, nói nói, tay phất cao lá quốc kỳ, tay đốt pháo nổ ran. Thì ra những tiếng nổ vừa rồi là tiếng pháo dây! Đám đông đi tới vừa đốt pháo, vừa hô lớn: - Kháng chiến thắng lợi rồi! Chúng ta thắng lợi rồì Người Nhật đầu hàng vô điều kiện! Đầu hàng vô điều kiện! Ba mẹ quá đỗi kinh ngạc, không dám tin là sự thật. Lát sau, ba cầm chặt tay một bạn trẻ, hỏi khẽ. Bạn đon đả trả lời: - Thật mà. Đài phát thanh đã loan tin rồi, kháng chiến thắng lợi rồi, thật mà! Ba tôi la lớn, ôm chầm mẹ tôi nhảy câng câng, mẹ thì vừa khóc vừa cười, trẻ con chúng tôi quấn quít quanh chân ba mẹ, cũng cười la động trời... Giây phút phấn khởi đó nhấn chìm tất cả, đến cái bệnh dịch đáng sợ kia cũng như không, cả nhà ôm nhau, sướng như điên, rồi khóc, rồi cười, rồi la lớn: - Thắng lợi rồi! Thắng lợi rồi! Thắng lợi rồi! Đúng thế, chúng tôi đã đến Tứ Xuyên, chúng tôi đã đi đến thắng lợi! Tôi không sao lột tả hết niềm hân hoan lúc ấy. Đỗ Phủ co bài thơ thất luật, nhan đề: "Nghe tin quân ta giành lại Hà Nam Hà Bắc". Quân ta giành được đất Tô Bắc Thoạt nghe áo thấm đầy nước mắt! Nét sầu mặt vợ đâu còn thấy Trang sách dạt dào bao ý thơ. Bạch nhật tiếng ca pha rượu chúc Thanh xuân kết bạn về cố hương. Từ thưở vượt đèo xuyên núi hiểm Nay lại Nang Dương về Lạc Dương. Biết còn câu chữ nào hợp hơn những dòng trên để hình dung nỗi lòng ba mẹ tôi lúc ấy? Đúng là "Quân ta giành lại đất Tô Bắc, thoạt nghe áo thấm đầy nước mắt! " Và cũng thật đúng là "bạch nhật tiếng ca pha rượu chúc, thanh xuân kết bạn về cố hương! ". Trở về cố hương ư? Không! Tuy kháng chiến đã thắng lợi, tuy những ngày lánh nạn của chúng tôi đã qua rồi, tuy cả nhà chúng tôi hân hoan vui vẻ đấy, nhưng khoảng cách từ đây đến ngày chúng tôi về lại cố hương hãy còn xa lắm lắm!
Chương 27
Trung Học Lô Nam
Cả nhà đến Tứ Xuyên rồi đi Trùng Khánh. Khắp nơi hân hoan đón mừng thắng lợi. Qua hơn một năm đi bộ trên đường dài, cả nhà năm người, ngoài gói đồ sờn rách trên vai, thì chẳng còn gì, trông thật thảm hại. May sao, ở Trùng Khánh có người anh em họ của mẹ, như tôi đã viết ở trên, nhà họ Viễn là một dòng họ lớn. Lúc đó, cậu ba và mợ ba đón chúng tôi về ở chung. Các cậu, các dì khác ở Tứ Xuyên cũng đến tiếp tế cho chúng tôi đều đặn. Mẹ tôi là con gái trưởng dòng họ Viễn, lẽ ra là một tiểu thơ quyền quý đáng tôn đáng kính, nhưng giờ đây, trời đất xoay chuyển ra nông nỗi này. Gặp nhau, mọi người vây quanh ba mẹ, hỏi tỷ mỷ quá trình chạy nạn. Ai nấy nghe đều há hốc mồm, không thể nào tin được sao lại nhiều chuyện động trời đến thế, cứ dồn dập xảy ra với chúng tôi! Người kể đến chuyện buồn, rơi nước mắt, người nghe cũng sụt sùi khóc theo. Ngồi giữa đám đông nghe ba mẹ kể hết lần này đến lần khác, tôi cũng ôn lại những năm tháng phiêu dạt đầy đau thương, khi buồn khhi vui, khi tan khi hợp. Nên chi hồi ấy, tuy tôi mới sáu tuổi, nhưng những sự việc xảy ra đều in sâu tận đáy lòng không sót điều gì. Chuyện đi lánh nạn đã thành quá khứ. Tương lai rồi sẽ ra sao là chuyện ba mẹ đang phải lo toan. Khi đó, do không biết, ba không xin dạy học tại trường ở đó, mà lại đi dạy ở một nơi tên là Lý Trang. Vì là sau chiến tranh, nên cảnh vật tiêu điều xơ xác, trường không có nhà ở cho gia đình, chỉ có thể sắp đặt chỗ ở độc thân cho ba tôi. Ba tôi thật tình không muốn xa vợ con khi chiến tranh vừa mới kết thúc. Khi cần đoàn tụ thì lại đi dạy học ở Lý Trang! Song xa nhau là chuyện nhỏ, còn thất nghiệp mới là việc lớn đáng lo hơn. Vì thế, ba quyết định đi Lý Trang dạy học. Còn mẹ và ba chị em tôi làm sao đây? Lúc đó, dì Huân đến bảo: - Chẳng có chuyện gì đáng lo, chị Ba và ba cháu kéo hết đến trong trường trung học Lô Nam của em! Em đang thiếu giáo viên dạy văn, chị Ba chẳng phải đã dạy học ở Hồ Nam rồi là gì? Bây giờ chị lại đi làm giáo viên giúp em! Dì Huân là em họ của mẹ. Mẹ tôi hàng thứ ba trưởng họ, nên dì Huân gọi mẹ là chị Ba. Khi đó, dì Huân và chồng của dì huyện Lô của Tứ Xuyên, mở trường Trung học dân lập, mọi thứ đều còn mới, thậm chí thiếu cả tiền lương cho giáo viên. Thế là chúng tôi tạm thời chia tay ba, theo mẹ đến trường trung học Lô Nam. Trường Trung học Lô Nam (trong cuốn sách tôi viết tựa đề "Tình quê hương không bao giờ dứt", có lược kể về trường này và dì Huân của tôi) là nơi để lại trong tôi những kỷ niệm đầy hứng thú. Nó vốn là một ngôi chùa lớn được sửa thành trường học. Phòng học đặt tại điện chính của ngôi chùa, nên mỗi phòng học đều có Bồ Tát. Nhà mẹ con tôi ở là nơi tu hành của các Hòa thượng trước kia, rất đơn sơ, giản dị. Trải qua thời gian đi lánh nạn đầy thảm khốc, bây giờ vào ở nơi đây, thật chẳng khác nào đến chốn thiên đường. Cuộc sống của tôi chẳng mấy chốc thay đổi hết. Tôi nhớ rõ, năm ấy vui lắm. Học sinh của mẹ đều thuộc lớp đàn anh của tôi. (Ở đây tưởng cần thuyết minh một chút, Tứ Xuyên hồi ấy rất bảo thủ, rất trọng nam khinh nữ. Con gái đều ở nhà giúp việc gia đình, không mấy cha mẹ chịu cho con gái đi học. Cho dù con trai đi nữa, cũng là do dì Huân và chồng dì vận động, thuyết phục từng nhà một, tranh thủ cho các cháu đi học. Cho nên học sinh đều là con trai nhưng tuổi rất lớn, những mười tám, mười chín tuổi mà còn học năm đầu cấp trung học. Đã vậy, số học sinh này cũng không được học cơ bản ở cấp một, cho nên mẹ tôi dạy các anh ấy thật vất vả, nhưng được cái các anh ấy đều thành thật, nhiệt tình, chịu khó, đều trở thành anh cả của tôi). Những người anh này thường dẫn tôi đi chơi, bày tôi nuôi dế, cõng tôi trên vai đi hái lá dâu, đưa tôi ra bờ sông nhặt đá cuội... Tuổi thơ ấu của tôi đã sớm bị mất nụ cười và niềm vui, thì tại đây, tôi dần dần lấy lại niềm vui ấy. Cũng trong thời gian này, mẹ tôi bỗng dưng phát hiện được sức cảm thụ văn học của tôi, lúc vui vẻ, nhàn nhã, bắt đầu dạy tôi đọc thơ Đường. Và cũng lần đầu tiên, tôi nhận ra ma lực của văn học, và bắt đầu tìm được niềm say mê trong văn học. Phát hiện của mẹ tôi khá ngẫu nhiên. Nguyên là thế này: Những học sinh của mẹ tôi tuy tuổi đã lớn nhưng không hiểu sao học không vào, mẹ tôi cứ phải giảng đi giảng lại nhiều lần mà các ông anh ấy vẫn cứ không hiểu nổi. Còn tôi, theo mẹ từ thuở nhỏ, khi mẹ giảng bài, tôi thường ngồi bên bậu cửa "dự thính". Có một hôm, mẹ đang dạy bài "Chim lành hót đêm", trong đó có hai câu thế này: Đêm, đêm, đêm chim hót Người nghe nao nao lòng. Vì là có ba chữ đêm, các ông anh lẫn lộn mãi. Mẹ giảng khô rát cả cổ họng, các anh vẫn lắc đầu không hiểu. Mẹ có phần hoài nghi năng lực giảng dạy của mình. Đang khi bối rối, thấy tôi ngồi trên bậu cửa, mẹ kéo tôi vào lớp hỏi: - Phượng Hoàng, con có hiểu ý nghĩa hai câu này không? - Hiểu chứ ạ! Tôi trả lời dứt khoát, mẹ tôi đỡ người. - Thế thì con trả lời xem nào! Mẹ tôi định hỏi thử vậy thôi. Tôi giải thích thật rành rọt, chi li, cặn kẽ. Từ hôm đó, mẹ tôi đắc ý lắm, mẹ bắt đầu dạy tôi Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Tôi cũng học rất chăm chỉ, tôi học thuộc thơ Đường, bảy tuổi mà tôi đã thuộc lòng "Lương thượng song nhạn", và "Từ điểu dạ thí đề". Tôi nghĩ, sau này tôi mê viết văn ắt có liên quan rất lớn đến những ngày học thơ Đường hồi đó. Thời gian ở Trung học Lô Nam, nhà chúng tôi lại có chuyện đại sự. Ấy là chuyện em bé gái tôi chào đời. Nguyên là sau khi thắng lợi, mẹ tôi lại có mang, với cái bào thai này, mẹ tôi gởi gắm rất nhiều hy vọng. Chiến tranh đã đi qua, gian khổ cũng phải lùi dần về dĩ vãng. Tuy cuộc sống trước mắt còn gian truân, vợ chồng chưa được đoàn tụ. Nhưng, viễn cảnh vô cùng tươi đẹp. Mẹ tôi cũng thừa nhận rằng, thời kỳ thai nghén em gái tôi, là thời gian mẹ tôi thấy tràn ngập yêu thương ngọt ngào. Tháng hai năm 1946 em gái tôi chào đời, đứng vào hàng ngũ gia đình. Em càng lớn càng giống mẹ, da dẻ mịn màng, mặt mũi tươi đẹp, không chê vào đâu được. Vừa lọt lòng mẹ, em đã thành cục cưng của cả nhà. Mẹ yêu em, chị em chúng tôi cũng rất yêu em. Năm ấy tôi tròn tám tuổi, con gái tám tuổi rất ham chơi búp bê, tôi không chơi búp bê (và cũng làm gì có búp bê mà chơi), mà là ẵm em gái của tôi. Tôi rất vui mừng vì mẹ tôi sanh em gái chứ không sanh em trai, hồi đó tôi khác những đứa con trai cùng ở chỗ ước muốn có một đứa em gái để kết bạn, nguyện vọng của tôi đã được toại nguyện. Ông nội tôi ở tít tận Hồ Nam đã theo dõi biết hết đoạn đường đầy gian khổ của chúng tôi. Giờ đây biển yên sóng lặng, nhà lại muốn có thêm cháu nội gái. Chẳng phải em gái sanh đúng mùa xuân đầy trời hoa nở như gấm thêu, nên ông chọn tên Cẩm Xuân, ba thấy tên em chưa hợp ý mình, nhưng ông nội đã chọn, ba cũng chịu vậy. Nhưng, cả nhà đều gọi em là út chứ không gọi tên, cũng giống như gọi em trai út là bé Tam chứ không gọi là Xảo Tam vậy. Bốn anh chị em nhà tôi đều đủ mặt. Năm thứ hai, ba được thư mời đi dạy học của đại học Đông Tế, Thượng Hải, cả nhà chúng tôi sum họp. Rời trường trung học Lô Nam, cả nhà dời về Thượng Hải, bắt đầu một cuộc sống khác trước.